NÂNG CAO NĂNG LỰC TẠO BIỂU TƯỢNG LỊCH SỬ CHO GIÁO VIÊN LỊCH SỬ Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC. Ths.Trần Minh Thuận (Bộ môn SP.Lịch sử-KSP) Tóm tắt: Năm 2009, trong đợt bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên ở các trường phổ thông trung học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi nhận thấy rằng có một số vấn đề mà giáo viên môn lịch sử ở các trường phổ thông trung học gặp khó khăn khi tiến hành công việc giảng dạy của mình. Trong đó nổi bật hơn cả là khả năng tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh ở bậc phổ thông trung học chưa đạt được những yêu cầu mà lí luận dạy học lịch sử đã đặt ra. Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử ở nhà trường phổ thông trung học, chúng tôi mạnh dạn đưa ra vấn đề này để thảo luận và đề xuất một số biện pháp giải quyết. Đây là tâm quyết của chúng tôi, hi vọng góp một vài ý kiến nhỏ, bổ ích cho giáo dục lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long. 1.Đặt vấn đề. Do đặc diểm nhận thức lịch sử, việc học tập lịch sử không bắt đầu từ trực quan sinh động mà từ việc nắm bắt sự kiện và tạo biểu tượng lịch sử. Do đó, việc tạo biểu tượng lịch sử là một công việc có tính nguyên tắc và bắt buộc phải thực hiện đối với giáo viên trong quá trình giảng dạy môn lịch sử ở nhà trường phổ thông. Biểu tượng lịch sử là hình ảnh về những sự kiện, nhân vật lịch sử, điều kiện địa lý…được phản ánh trong đầu óc học sinh với những nét chung nhất, điển hình nhất. Như vậy, việc tạo biểu tượng cho học sinh là một vấn đề quan trọng vì yêu cầu cơ bản của dạy học lịch sử là phải tái tạo lại những hình ảnh về các sự kiện đúng như nó tồn tại, mà những sự kiện đó học sinh không trực tiếp quan sát, nó xa lạ với đời sống hiện nay, xa lạ với những kinh nghiệm và hiểu biết của các em. Chính vì thế, biểu tượng lịch sử là cơ sở để học sinh hiểu sâu sắc các sự kiện, giúp các em hình thành những khái niệm lịch sử, có ý nghĩa giáo dục rất lớn với học sinh Làm sao để có những hình ảnh trung thực nhất và khắc sâu vào đầu óc học sinh, giúp các em có thể hiểu lịch sử và vận dụng những kiến thức lịch sử vào thực tế của sống của mình, để từ đó các em thấy rằng học lịch sử cũng rất bổ ích và hứng thú trong suốt quá trình học. Trong khi xã hội có phần thờ ơ với môn lịch sử, thì hơn ai hết chính những người giáo viên lịch sử có tâm huyết phải nhận lấy nhiệm vụ khó khăn này. Và xin mọi người bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình bằng những biểu tượng lịch sử. 2.Các loại biểu tượng lịch sử và phương pháp tạo biểu tượng trong quá trình dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông trung học. 2.1.Biểu tượng về hoàn cảnh địa lý: Một sự kiện lịch sử bao giờ cũng diễn ra trong một không gian nhất định. Không gian của sự kiện có thể là một khu vực rộng lớn, chẳng hạn như chiến trường Châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ 2, hoặc diễn ra trong phạm vi hẹp như địa điểm của một trận đánh hay một cuộc khởi nghĩa. Vì vậy, tạo biểu tượng về hoàn cảnh địa lý là yêu cầu bắt buộc trong dạy học lịch sử để xác định chính xác không gian diễn ra sự kiện lịch sử. Nếu như học sinh không có những hình ảnh về hoàn cảnh địa lý nơi xảy ra sự kiện lịch sử thì những những hiểu biết về sự kiện lịch sử đó trở nên mơ hồ và không thể khắc sâu trong đầu óc của học sinh. Nghĩa là việc tạo biểu tượng đã không thành công. Vậy tạo biểu tượng về hoàn cảnh địa lý bằng những cách nào? Hãy xét các ví dụ sau đây: Ví dụ 01: Khi giảng dạy bài Chiến tranh thế giới thứ hai (SKG 11), nếu phân tích ở mặt trận Thái Bình Dương sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng (7/12/1941), giáo viên không thể không sử dụng bản đồ Chiến trường Thái Bình Dương: Dựa vào lược đồ, giáo viên phân tích cho học sinh thấy được chiến sự diễn ra ở các địa điểm như thế nào, sự bành trướng của Nhật Bản ở Thái Bình Dương như thế nào… Ví dụ 02: Khi dạy phần Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (SGK 11), giáo viên cần phải sử dụng lược đồ sau: Qua lược đồ trên giáo viên cần phân tích cho học sinh thấy được hoàn cảnh địa lý của khu vực này và đặt vấn đề tại sau Nguyễn Huệ chọn đoạn sông này làm điểm phục kích quân Xiêm. Học sinh sẽ có được một biểu tượng lịch sử sâu sắc về hoàn cảnh địa lý nơi đây làm cơ sở để học sinh nắm bắt sự kiện lịch sử này một cách tốt hơn. Muốn thực hiện tốt việc tạo biểu tượng về hoàn cảnh lịch sử, giáo viên cần phải hiểu và vận dụng một cách tối ưu nhất việc sử dụng bản đồ trong dạy học lịch sử. Ở đây, chúng tôi không bàn về phương pháp sử dụng bản đồ vì chắc chắn chúng ta đã sử dụng nhiều. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng, bản đồ là đồ dùng trực quan quy ước rất quan trong dạy học lịch sử và trong điều kiện giáo dục hiện đại, chúng ta dễ dàng tìm thấy những bản đồ phù hợp cho yêu cầu của môn học. Bản đồ giúp học sinh xác định một cách rõ ràng, chính xác địa điểm xảy ra sự kiện lịch sử, biến cố lịch sử từ đó hình thành biểu tượng một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Học sinh không có biểu tượng chính xác về không gian sẽ làm cho sự kiện lịch sử trở nên trừu tượng, mơ hồ, thiếu nội dung thực tế, không phản ánh được hiện thực khách quan trong nhận thức của học sinh, không có tác dụng nhất định đến sự diễn biến cụ thể của sự kiện xảy ra. Thông thường khi tạo biểu tượng về không gian trong dạy học lịch sử, ngoài việc sử dụng trực quan quy ước (bản đồ, lược đồ), giáo viên còn có thể sử dụng tranh ảnh minh họa, hiện vật khảo cổ. 2.2.Biểu tượng về nền văn hóa vật chất: Đó là những hình ảnh về những thành tựu của loài người trong việc chế ngự thiên nhiên, trong lao động sáng tạo sản xuất ra của cải vật chất cũng như văn hóa tinh thần của xã hội loài người. Chẳng hạn, khi nói về Kim Tự Tháp, một công trình kiến trúc vô tiền khoáng hậu của lịch sử loài người thì giáo viên cần phải tạo cho học sinh những biểu tượng về sự hùng vĩ của công trình này, về tinh thần lao động sáng tạo và trình độ kiến trúc của các nhà khoa học cổ đại và sự hi sinh đổ máu của hàng chục vạn người. Vậy tạo biểu tượng về Kim Tự Tháp cho học sinh được tiến hành bằng cách nào? Trước hết, giáo viên phải đọc một số tài liệu và tìm các hình ảnh liên quan đến công trình kiến trúc này. Sau đó chọn lọc những dữ liệu cần thiết cho việc tạo biểu tượng của mình như: các số liệu về Kim Tự Tháp, các giả thuyết về cách xây dựng Kim Tự Tháp, những điều mà cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được. Cụ thể như sau: -Cho học sinh trực quan hình ảnh Kim Tự Tháp Kheops. -Cung cấp các số liệu: Kim Tự Tháp Kheops có chiều cao 146,6 mét, mỗi cạnh đáy dài 232 mét, trong xa cao như toà nhà 40-50 tầng hiện đại. Kim Tự Tháp được xây dựng bằng 2,6 triệu tảng đá xếp chồng lên nhau, trung bình mỗi tảng nặng 2,5 tấn. -Giáo viên đặt vấn đề cho học sinh giải quyêt: Các em hãy đặt ra các giả thuyết về phương pháp xây dựng Kim Tự Tháp của người Ai Cập cổ đại. Dưới sự hướng dẫn của giáo việc và sự tích cực chủ động của học sinh, các biểu tượng về Kim Tự Tháp sẽ ăn sâu vào đầu óc học sinh với những chung nhất, điển hình nhất. 2.3.Biểu tượng nhân vật lịch sử: Nhân vật lịch sử gồm có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện, họ là những đại biểu điển hình của một giai cấp, một tập đoàn xã hội, là những nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt đối với lịch sử thế giới cũng như lịch sử Việt Nam. Do đó, việc tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử cho học sinh cũng là một vấn đề quan trọng trong dạy học lịch sử. Cách tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử trong chương trình phổ thông trung học nói chung là dễ làm, chỉ có điều mất nhiều thời gian để chuẩn bị vì có quá nhiều nhân vật tiêu biểu xuất hiện trong chương trình. Ví dụ 01: Trong bài Nước Mĩ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918- 1939 (SGK 11) cần tạo biểu tượng về nhân vật Rudơven. Chúng ta có thể tiến hành việc tạo biểu tượng bằng các bước cụ thể sau: -Cho học sinh xem chân dung Roosevelt Tóm tắt về tiểu sử của Roosevelt . -Phân vai trò của Roosevelt trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. -Sau cùng chúng ta cũng có thể cho học sinh nghe những câu nói nỗi tiếng của ông: “Người cấp tiến là người có hai chân đều bước trên khôn. Người bảo thủ là ngườicó đôi chân tuyệt vời, tuy nhiên chưa bao giờ học cách bước lên phía trước. Kẻ phản động là một kẻ mộng du luôn đi giật lùi. Một người tự do là người biết dùng cả chân và tay theo mệnh lệnh của đầu anh ta”. Ví dụ 02: Tạo biểu tượng nhân vệt lịch sử Nguyễn Trung Trực. -Cho học sinh trực quan chân dung Nguyễn Trung Trực. -Phân tích vài nét tiểu sử Nguyễn Trung Trực -Trích dẫn lời nói của Nguyễn Trung Trực: “Thưa Pháp soái, chúng tôi tin rằng, chừng nào trừ hết cỏ trên mặt đất này, thì chừng đó ngài mới trừ hết những người ái quốc của xứ sở này mà giận dữ ngài gọi họ là quân phiến loạn”. -Trích dẫn đoạn thơ của Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi chiến công của ông: “Lửa hồng Nhật Tảo vang trời đất Gươm lóe Kiên Giang sáng quỉ thần Ngẩng cổ anh hùng danh thọ mãi Cuối đầu thẹn chết lũ phi nhân” -Nếu có thời gian, chúng ta có thể kể thêm một mẫu chuyện về Nguyễn Trung Trực: Dũng khí của ông oai hùng đến nỗi Bòn Tưa, tên đao phủ chém thuê phải quỳ lại và xin lỗi cụ vì nghèo nên phải làm nghề chém thuê, lịch sử từ cổ chí kim và từ Đông qua Tây chưa bao giờ thấy một đao phủ quỳ lại một tử tội. Học sinh thấy được khí chất của con người này cao đến mức độ nào. 2.4.Biểu tượng lịch sử về thời gian: Cụ thể hóa thời điểm xảy ra sự kiện lịch sử, xác định về thời gian là một đặc điểm của việc nhận thức một sự kiện lịch sử. Điều này giúp cho học sinh hiểu chính xác hơn tính chất và ý nghĩa của các sự kiện. Chúng ta có thể xác định khoảng thời gian xảy ra sự kiện hay hiện tượng lịch sử mà không cần phải chính xác cụ thể, ngày, tháng, năm mà việc xác định này chỉ mang tính tương đối. Điều này được thực hiện khi chúng ta phân tích một hiện tượng lịch sử mà không thể xác định mốc thời gian chính xác. Ví dụ: Không thể xác định chính xác thời gian xảy ra hiện tượng chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, nhưng có thể xác định cho học sinh hiểu rõ đó là vào “cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”. Trong trường hợp một sự kiện lịch sử đã dược xác định chính xác ngày, tháng, năm, song nhiều lúc chúng ta vẫn có thể cho học sinh biểu tượng về khoảng thời gian của sự kiện. Ví dụ: Chúng ta có thể nói “Cuộc cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII” thay vì nói “Cuộc cách mạng Pháp năm 1789”. Rõ ràng cách nói này thể hiện chủ ý của người giáo viên là nêu rõ cuộc cách mạng này có ý nghĩa to lớn không chỉ ở nước Pháp mà còn ở Châu Âu lúc bấy giờ. Qua đó, học sinh sẽ có biểu tượng sâu sắc về ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp đến xã hội châu Âu cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, việc xác định chính xác niên đại của một biến cố trọng đại là điều hết sức quan trọng trong dạy học lịch sử. Ví dụ: Ngày 2-9-1945 trên quảng trường Ba Đình Hà Nội mấy chục vạn người tham gia cuộc mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 2.5.Biểu tượng lịch sử về những quan hệ xã hội của con người. Trong dạy học lịch sử, khó khăn nhất có lẽ là tạo cho học sinh những biểu tượng lịch sử về các mối quan hệ xã hội. Vì đây là những vấn đề khá phức tạp và có phần trừu tượng của khoa học lịch sử. Muốn có được biểu tượng về nó thì học sinh phải có khả năng tư duy cao và nhiệm vụ của người giáo viên là tạo điều kiện tối đa cho quá trình tư duy của học sinh. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ tạo cho học sinh biểu tượng cụ thể về đời sống con người, về mối quan hệ giai cấp, về những mâu thuẫn trong xã hội…qua các thời đại khác nhau. Chúng ta có thể tiến hành bằng một số cách cụ thể sau: -Sử dụng số liệu để tạo biểu tượng cụ thể về một hiện tượng lịch sử hay một mối quan hệ xã hội. Những số liệu cần phải được chọn lọc kỹ càng, đó phải là những con số “biết nói”. Ở đây, số liệu không làm cho bài học lịch sử trở thành khô khan, nặng nề mà trái lại làm cho nó sinh động và dễ hiểu hơn. Số liệu dùng trong dạy học lịch sử phải đảm bảo tính chính xác, có tính tiêu biểu và gợi cảm. nhưng cũng không nên sử dụng quá nhiều con số cho một vấn đề lịch sử. Ví dụ: Nếu chỉ nói đến thuế thân dưới thời Pháp thuộc rất nặng, một năm mỗi người dân ở Trung Kỳ phải đóng 2.5 đồng thì học sinh không thể nhận thức được mức thuế nặng nề như thế nào vì con số này không giúp các em hiểu được giá trị của nó trong hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX. Do đó, cần phải liên tưởng đến vài con số khác gần gũi hơn. Chẳng hạn, một đứa trẻ chăn trâu mướn lúc bấy giờ một năm tiền công khoảng 10 đồng, hay 2,5 đồng đó có thể mua được 100kg gạo (so sánh tương đương hiện nay khoảng 1.000.000 đồng). Cách liên tưởng như vậy có thể giúp học sinh có thể đánh giá được mức độ nặng nề của việc đóng thuế thân mà người dân Việt Nam phải gánh chịu dưới thời thuộc Pháp. -Sử dụng tài liệu văn học là biện pháp có hiệu quả cao trong việc tạo biểu tượng lịch sử về các mối quan hệ xã hội. Ví dụ: Khi tiến hành giảng dạy về tình hình xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Chúng ta có thể sử dụng tác phẩm văn học Tắt đèn của Ngô Tất Tố thông qua hình tượng Chị Dậu. Những đau khổ chồng chất của chị Dậu là một biểu tượng sinh động nhất về đời sống của người Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Ở đây cần chú ý đến hình tượng văn học được nhà văn sáng tạo, hư cấu trên cơ sở chất liệu cuộc sống, phản ánh hiện thực, giúp học sinh cụ thể hóa trong việc tạo biểu tượng. Song nhân vật trong tác phẩm văn học có thể không phải là nhân vật có thật trong lịch sử. Giáo viên phải hiểu đúng đắn việc sử dụng tác phẩm văn học trong dạy học lịch sử để tránh cho học sinh có những nhận thức không chính xác về lịch sử, dễ đi dến chỗ xuyên tạc, làm sai lệch tính khách quan của khoa học lịch sử. -Hình tượng hóa một hiện tượng lịch sử là một biện pháp tốt để tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh về các mối quan hệ xã hội. Thực hiện tốt, giáo viên sẽ giúp cho học sinh dễ tiếp thu nội dung và hiểu sâu sắc bản chất của các hiện tượng lịch sử. Ví dụ 01: Khi dạy khoá trình lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của lịch sử thế giới. Đây là giai đoạn chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Vấn đề thuộc địa là một vấn đề sống còn của các nước tư bản chủ nghĩa. Dó đó, mâu thuẫn giữa các nước tư bản “trẻ” và các nước tư bản “già” ngày càng trở nên gay gắt. Thái độ hung hăng của Đức sau khi thống nhất đã được Lênin hình tượng hoá bằng hình ảnh một “con hổ đói đến bàn tiệc chậm”.Hình tượng hoá như vậy học sinh sẽ có được biểu tượng lịch sử sâu sắc về nước Đức sau khi thống nhất, về những âm mưu chia lại thế giới, về mối quan hệ giữa Đức và các nước tư bản sau này. Ví dụ 02: Khi nói về mối quan hệ giữa thuộc địa và chính quốc, mối quan hệ giữa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản ở chính quốc. Nguyễn Ái Quốc đã hình tượng hoá như sau: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu giai cấp vô sản, con vật sẽ tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Cách hình tượng hoá này sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa tư bản thông qua hình ảnh con đỉa có hai cái vòi. Rõ ràng với cách làm này học sinh sẽ hứng thú hơn trong học tập và việc lĩnh hội cách vấn đề phức tạp của khoa học lịch sử có thể sẽ nhẹ nhàng hơn. 3.Vài kiến nghị Tạo biểu tượng trong dạy học lịch sử là một vấn đề quan trọng, tuy nhiên đây không phải là một vấn đề khó. Cái khó ở đây là tâm huyết của người giáo viên lịch sử. Chúng tôi không có ý nói giáo viên lịch sử chúng ta đã “mỏi gối chồn chân”, nhưng những điều kiện khách quan và chủ quan đôi khi làm cho bầu nhiệt quyết chúng ta bị hao mòn. Là một người tham gia làm công tác giảng dạy môn lịch sử, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số kiến nghị sau đây: Thứ nhất, giáo viên cần phải tăng cường sưu tầm và nghiên cứu các loại tài liệu liên quan đến khoa học lịch sử, vận dụng các loại tài liệu đó vào việc tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh. Thứ hai, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông để tìm kiếm các nguồn tư liệu qua Internet và thiết kế bài dạy bằng Powerpoint để học sinh có điều kiện trực quan tốt hơn. Đây là điều kiện tốt để học sinh tạo biểu tượng lịch sử một cách nhanh chóng và chính xác. Thứ ba, chúng ta cần đem những yếu tố chủ quan của bản thân mình để khắc phục những khó khăn mà điều kiện khách quan đem lại. Kết quả học tập của học sinh và những kiến thức lịch sử mà thế hệ trẻ chúng ta đang cần là niềm vui của người giáo viên lịch sử. Chúng tôi đưa ra những đề xuất này mang tính chủ quan rất rõ ràng, những gì quý vị không đồng tình thì xin nhẹ nhàng bỏ qua hoặc là trao đổi lại với chúng tôi. Mục đích của chúng tôi khi viết bài tham luận này chỉ mong góp một phần rất nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông trung học trong một hoàn cảnh rất khó khăn hiện nay. Tài liệu tham khảo: 1.Đặng Đức An (chủ biên), Những mẫu chuyện lịch sử thế giới, NXB, Giáo Dục, 2000. 2.Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, 2000. 3.Phan Ngọc Liên, Phương pháp dạy học lịch sử, NXB Giáo Dục, 2002 4.Vũ Vương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, NXB Giáo dục, 1999 5.Kiều Văn, Giai thoại lịch sử Việt Nam, NXB VĂn hoá thông tin, 2002 6.Sách Giáo Khoa lịch sử lớp 10,11, 12. 7.Ủy ban khoa học về hành vi và giáo dục, Phương pháp học tập tối ưu, NXB TP HCM 2007 . NÂNG CAO NĂNG LỰC TẠO BIỂU TƯỢNG LỊCH SỬ CHO GIÁO VIÊN LỊCH SỬ Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC. Ths.Trần Minh Thuận (Bộ môn SP .Lịch sử- KSP) Tóm tắt: Năm 2009, trong. mình bằng những biểu tượng lịch sử. 2.Các loại biểu tượng lịch sử và phương pháp tạo biểu tượng trong quá trình dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông trung học. 2.1 .Biểu tượng về hoàn cảnh. năng tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh ở bậc phổ thông trung học chưa đạt được những yêu cầu mà lí luận dạy học lịch sử đã đặt ra. Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn lịch