1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

102 1,3K 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 102
Dung lượng 2 MB

Nội dung

Với những thành tích vẻ vang đó, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Phú Bình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kì kháng chiến ch

Trang 1

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

Thái Nguyên, năm 2014

Trang 2

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN VĂN

Người hướng dẫn khoa học: TS Nguyễn Xuân Minh

Thái Nguyên, năm 2014

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

thầy đã trực tiếp, tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận văn này

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô giáo khoa Lịch sử, khoa Sau đại học - trường Đại học sư phạm Thái Nguyên đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và hoàn thành luận văn

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên, Trường THPT Phú Bình, đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi về mọi mặt trong quá trình học tập và thực hiện luận văn

Xin gửi lời cảm ơn đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trung tâm Lưu trữ Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, Huyện ủy Phú Bình, Ban Chỉ huy Quân

sự huyện Phú Bình đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tôi trong quá trình thu thập tài liệu để hoàn thành luận văn

Cuối cùng xin chân thành cảm ơn gia đình, Tổ Văn - Sử, các bạn đồng nghiệp đã giúp đỡ, động viện, khuyến khích tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu

Thái Nguyên, tháng 8 năm 2014

Tác giả luận văn

Phan Thị Sen Hồng

Trang 4

MỤC LỤC

Trang Trang phụ bìa

Lời cam đoan

Lời cảm ơn i

Mục lục ii

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3

3 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, nhiệm vụ của đề tài 7

4 Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu 7

5 Đóng góp của luận văn 8

6 Bố cục của luận văn 8

Chương 1 KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC HUYỆN PHÚ BÌNH 9

1.1 Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội 9

1.2 Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình 16

Chương 2 QUÂN, DÂN HUYỆN PHÚ BÌNH ĐẤU TRANH BẢO VỆ, XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN, TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (1945 - 1950) 30

2.1 Quân, dân huyện Phú Bình đấu tranh bảo vệ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân 30

2.2 Quân, dân huyện Phú Bình tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 40

Chương 3 QUÂN, DÂN HUYỆN PHÚ BÌNH TRỰC TIẾP CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG, XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG, CHI VIỆN TIỀN TUYẾN ( 1950 - 1954) 58

3.1 Quân, dân huyện Phú Bình trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, góp phần bảo vệ cửa ngõ phía nam của An Toàn Khu Trung ương 58

3.2 Quân, dân huyện Phú Bình tích cực xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến (1950 - 1954) 65

KẾT LUẬN 78

TÀI LIỆU THAM KHẢO 85

PHỤ LỤC 91

Trang 5

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

Phú Bình là huyện trung du, miền núi, có vị trí địa lí nằm ở vùng địa đầu phía Đông - Nam tỉnh Thái Nguyên Do nằm trên địa bàn trung tâm của vùng chiến lược phía Bắc sông Hồng, nên trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, địa bàn Phú Bình đã từng là nơi tranh chấp quyết liệt giữa quân, dân ta với giặc ngoại xâm Từ xa xưa, ông cha

ta đã từng coi địa bàn Thái Nguyên (trong đó có huyện Phú Bình) là phên giậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, là điểm xuất phát để triển khai lực lượng chống giặc ngoại xâm ở miền biên giới Chính vị trí chiến lược và địa bàn dụng võ mà lịch sử giành cho Thái Nguyên nói chung, huyện Phú Bình nói riêng đã hun đúc cho người dân huyện Phú Bình sớm có truyền thống anh hùng, bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại

xâm, chống cường quyền, áp bức

Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945, từ ngày Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai ra đời, cả nước biết đến Phú Bình, một địa danh của An Toàn Khu 2 nổi tiếng Vùng quê này đã đi vào lịch sử với những “địa chỉ đỏ” - nơi nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở cho nhiều cán bộ cấp cao của Đảng những năm còn trong bóng tối đầy gian nan, thách thức Nêu cao truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, nhân dân các dân tộc Phú Bình đã hăng hái tham gia các đoàn thể Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh Trong Cao trào chống Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chớp lấy thời cơ thuận lợi, nhân dân huyện Phú Bình đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền Thắng lợi này của Phú Bình đã góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa tới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỉ nguyên độc lập, tự do

Trang 6

Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Phú Bình là cửa ngõ, là vùng giáp ranh giữa Căn cứ Việt Bắc với vùng địch tạm chiếm, một địa bàn mà kẻ địch coi là trọng điểm đánh phá bằng không quân, biệt kích, tập kích Kẻ địch thường lấy địa bàn Phú Bình làm bàn đạp tấn công lên tỉnh lị Thái Nguyên và Căn cứ Việt Bắc Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân,

dân trong huyện luôn làm tròn những nhiệm vụ thiêng liêng: Đấu tranh bảo vệ,

xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; tích cực chuẩn bị kháng chiến; trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, góp phần bảo vệ cửa ngõ phía nam của An Toàn Khu Trung ương; xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến Sự đóng góp đáng

kể sức người, sức của của nhân dân Phú Bình đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Với những thành tích vẻ vang đó, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Phú Bình đã vinh dự được

Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân

dân thời kì kháng chiến chống Pháp cho đơn vị huyện và 8 xã trong huyện

Tìm hiểu, nghiên cứu về Huyện Phú Bình trong cuộc kháng chiến chống

thực dân Pháp (1945 - 1954) vừa có ý nghĩa khoa học và vừa có ý nghĩa thực

tiễn Nội dung của Luận văn góp phần dựng lại toàn cảnh bức tranh lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân, dân huyện Phú Bình Qua

đó góp phần bổ sung tài liệu vào việc nghiên cứu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) của dân tộc, làm sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Luận văn góp phần cung cấp nguồn tài liệu để giảng dạy lịch sử địa phương tại các trường phổ thông trong huyện, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của vùng quê đã được Đảng ta chọn làm An Toàn Khu 2

Vì những lí do trên, tôi quyết định chọn vấn đề: Huyện Phú Bình tỉnh

Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) làm

đề tài Luận văn

Trang 7

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Hơn một nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) còn in đậm trong lịch sử dân tộc Cho đến nay, đã có nhiều công trình lịch sử viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) của dân tộc với những đóng góp của các địa phương trong đó có tỉnh Thái Nguyên

Trong các cuốn: “Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam”, Nhà xuất bản Sự thật - Hà Nội, xuất bản năm 1985; cuốn “Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954)” gồm 6 tập, Viện Lịch sử quân sự -

Bộ Quốc phòng xuất bản năm 1985, đã trình bày chi tiết về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta trên các lĩnh vực, làm nổi bật những chiến thắng quân sự vẻ vang gắn liền với các địa phương trong Căn cứ địa Việt Bắc Cuốn “Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (1945 - 1975)”, Viện Lịch sử quân sự, xuất bản năm 1995 đã đề cập đến nghệ thuật quân sự của nhân dân ta trong kháng chiến chống Pháp với các chiến dịch nổi tiếng: Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954…

Các cuốn giáo trình lịch sử Việt Nam viết về giai đoạn 1945 - 1954 tiêu biểu: Cuốn “Đại cương lịch sử Việt Nam”, tập III của các tác giả Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1997; cuốn

“ Lịch sử Việt Nam (1945 - 2000)” của tác giả Nguyễn Xuân Minh, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2006; các cuốn sách đó đã trình bày sâu sắc, toàn diện về lịch sử dân tộc và đề cập đến đóng góp của Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 4/6/1945 Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, là căn cứ cách mạng lớn nhất của cả nước trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 Tiếp đó hình thành Khu 1, Chiến khu 1, Liên khu

1, Liên khu Việt Bắc, Quân khu Việt Bắc (ngày nay là Quân khu I) Việt Bắc

Trang 8

là nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc vừa là căn cứ địa vững chắc của cả nước, vừa là chiến trường diễn ra nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh vang dội gây cho kẻ thù những thất bại nặng nề, làm phá sản các âm mưu chiến lược, các thủ đoạn chiến tranh của chúng Những đóng góp của quân, dân Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng đã được trình bày trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học:

Cuốn “Bắc Thái 40 năm đấu tranh và xây dựng (1945 - 1985)” - Sở Văn hóa Thông tin Bắc Thái xuất bản năm 1985, đã tập hợp những bài tham luận của các tác giả, làm rõ những đóng góp của nhân dân Bắc Thái trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Cuốn sách đã cung cấp những tư liệu quý giá về địa lí, lịch sử của Bắc Thái nói chung và các huyện nói riêng, trong

đó có huyện Phú Bình

Cuốn “Bắc Thái trong căn cứ địa Việt Bắc” - Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bắc Thái xuất bản 1987, đã làm rõ vai trò của nhân dân các dân tộc Bắc Thái đối với quá trình hình thành, phát triển của Việt Bắc, trong đó

có đóng góp của Phú Bình với vai trò là cửa ngõ phía Đông - Nam của Căn cứ Việt Bắc

Từ năm 1990, thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh, đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về Căn cứ Việt Bắc trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc:

Trong cuốn “Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975)”- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân gồm 2 tập, tập 1 xuất bản năm 1990, đã trình bày đầy đủ về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, những đóng góp của Việt Bắc trên các lĩnh vực, trong đó có đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình như: Công tác tiếp cư, đánh bại cuộc hành quân Phôcơ năm 1950 của Pháp, chi viện tiền tuyến

Trang 9

Cuốn “Bắc Thái lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” -

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái, xuất bản năm 1990, đã phản ánh đầy đủ, trung thực, cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên địa bàn Bắc Thái trong cuộc kháng chiến chống Pháp Cuốn “Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc (1945 - 1954)” - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tập 1 xuất bản năm 1990, tập 2, tập 3 xuất bản năm 1991 do Bộ Tư lệnh Quân khu I biên soạn, làm rõ hơn vai trò của Liên khu Việt Bắc về chính trị, quân sự, hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Tìm hiểu An Toàn Khu Trung ương (ATK) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, năm 1994, do các tác giả Nguyễn Xuân Minh (chủ biên), Hoàng Ngọc La, Đỗ Hồng Thái biên soạn Đề tài nghiên cứu đã chỉ rõ vị trí, vai trò của An Toàn Khu Trung ương trong kháng chiến chống Pháp với sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Việt Bắc

Trong cuốn “Thái Nguyên lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941 -1954)” - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên xuất bản năm 1999, đã phản ánh một cách tương đối đầy đủ và sinh động cuộc đấu tranh vũ trang toàn dân, toàn diện của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời kì Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), trong đó huyện Phú Bình đã được đề cập đến trên các lĩnh vực

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Kha Sơn (1938 - 1995)” - Đảng bộ xã Kha Sơn xuất bản năm 1999, các tác giả đã dựng lại quá trình xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ Kha Sơn qua từng thời kì cách mạng Đó là quá trình đấu tranh anh dũng, vẻ vang của nhân dân Kha Sơn - vùng đất sớm được chọn làm An Toàn Khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kì

Trang 10

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1(1936 - 1965)” - Ban Chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên, xuất bản năm 2003 đã kế thừa, phát huy những công trình nghiên cứu trước đó và đưa ra những đánh giá mới nhất về các vấn đề lịch sử Thái Nguyên

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Bình (1930 - 2005) - Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Bình, xuất bản năm 2005 đã dựng lại quá trình xây dựng

và trưởng thành của Đảng bộ, ghi lại những thành tựu mà Đảng bộ đã lãnh đạo cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện giành được trong suốt chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc, tiêu biểu là những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Trong cuốn “Huyện Phú Bình: Lịch sử kháng chiến chống xâm lược và xây dựng - bảo vệ tổ quốc (1945 - 2000)” - Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Bình, xuất bản năm 2007, đã làm nổi bật truyền thống đấu tranh vũ trang kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, xuất bản năm 2009 đã tập hợp những bài tham luận trong Hội thảo khoa học “Từ A.T.K Thái Nguyên đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, nhằm khẳng định vị thế, vai trò và ý nghĩa của An toàn khu Thái Nguyên trong 9 năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp, nói rõ những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Các công trình trên đây đã phản ánh ở những mức độ khác nhau những đóng góp của nhân dân Thái Nguyên nói chung và nhân dân huyện Phú Bình nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) Những công trình trên là nguồn tài liệu quý giúp chúng tôi trong quá

trình thực hiện đề tài Luận văn: “Huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên trong

cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954”

Trang 11

3 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, nhiệm vụ của đề tài

3.1 Đối tượng nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu, tìm hiểu về huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

3.2 Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: Huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên

- Về thời gian: Đề tài tập trung chủ yếu trong giới hạn từ năm 1945 đến năm 1954 Tuy nhiên, để làm rõ yêu cầu của đề tài, một số nội dung về huyện Phú Bình trước năm 1945 đã được đề cập trong Luận văn

3.3 Nhiệm vụ của đề tài

kháng chiến chống Pháp của nhân dân huyện Phú Bình 1945 - 1954 với các nội dung sau:

- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình

- Quân, dân huyện Phú Bình đấu tranh bảo vệ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1945 đến

1950

- Quân, dân huyện Phú Bình trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, góp

phần bảo vệ cửa ngõ phía nam của An Toàn Khu Trung ương, tích cực xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến từ 1950 đến 1954

- Vị trí, vai trò của huyện Phú Bình trong căn cứ địa Việt Bắc

4 Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu

4.1 Nguồn tài liệu

Để hoàn thành đề tài này, Luận văn đã khai thác các nguồn tài liệu sau:

- Các tác phẩm của Mác - Ăngghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân là cơ sở lí luận

Trang 12

- Các văn kiện Đảng và Nhà nước trong thời kì Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954); các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ Thái Nguyên và huyện Phú Bình trong kháng chiến chống Pháp là nguồn tư liệu gốc

- Các công trình nghiên cứu về Căn cứ địa Việt Bắc, Bắc Thái, Thái Nguyên, huyện Phú Bình trong cuộc kháng chiến chống Pháp là nguồn tài liệu tham khảo giúp tôi hoàn thành Luận văn

4.2 Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả Luận văn đã sử dựng các phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic là chủ yếu Ngoài ra các phương pháp : Phân tích, so sánh, thống kê, phỏng vấn cũng được vận dụng

5 Đóng góp của luận văn

Trên cơ sở kế thừa những thành quả nghiên cứu có trước, Luận văn trình bày một cách hệ thống, toàn diện những hoạt động của nhân dân Phú Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), khẳng định đóng góp to lớn của quân và dân Phú Bình vào thắng lợi chung của cả dân tộc Luận văn góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng

tự hào cho thế hệ trẻ Phú Bình về một vùng quê giàu truyền thống cách mạng Luận văn góp phần bổ sung nguồn tài liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương ở trường phổ thông và góp phần làm phong phú nguồn

tư liệu lịch sử dân tộc

6 Bố cục của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung của Luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu

nước và cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình

Chương 2: Quân, dân huyện Phú Bình đấu tranh bảo vệ, xây dựng chế độ

dân chủ nhân dân, tích cực chuẩn bị kháng chiến (1945 - 1950)

Chương 3: Quân, dân huyện Phú Bình trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê

hương, xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến (1950 - 1954)

Trang 13

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN PHÚ BÌNH

Nguồn: Địa chí Thái Nguyên

Trang 14

Chương 1 KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG

CỦA NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC HUYỆN PHÚ BÌNH

1.1 Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

Tư Nông là tên gọi xa xưa nhất của huyện Phú Bình ngày nay Thời Lí, huyện Tư Nông thuộc châu Thái Nguyên; thời Minh thuộc phủ Thái Nguyên; thời Lê thuộc Thái Nguyên thừa tuyên, Ninh sóc thừa tuyên

Đến thế kỉ XIX, huyện Tư Nông thuộc phủ Phú Bình (xứ Thái Nguyên)

5- Tổng Tiên La gồm 4 xã thôn: Tiên La, Vân Đồn, Bạch Thạch, Điều Khê

6- Tổng Thượng Đình gồm 7 xã: Nhã Lộng, Úc Kỳ, Triều Dương, Cống Thượng, Điềm Thụy, Ngọc Sơn Trong đó xã Ngọc Sơn có hai thôn là Ngọc Sơn và Ngọc Long

7- Tổng Mạt Hương gồm 3 xã: Vân Dương, Trang Ôn, Mạt Ôn

8- Tổng Bảo Nang gồm xã Bảo Nang và các thôn Làng Rồi, Thanh Huống, các phường Thủy Cơ, Bến Hanh

Ngoài ra, trên địa bàn của huyện Tư Nông còn có 3 xã phiêu bạt là Lữ Vân

(tổng Đức Lân), Lương Tạ (tổng Thanh Phao), La Đình (tổng La Đình) [3, tr.10]

Trang 15

Dưới thời Pháp thuộc, vào những năm cuối thế kỉ XIX, vùng đất Phú Bình ngày nay vẫn gọi là huyện Tư Nông thuộc phủ Phú Bình Năm

1904, chính quyền thực dân giải thể phủ Phú Bình đổi tên các huyện: Huyện Tư Nông thành phủ Phú Bình, huyện Phổ Yên thành phủ Phổ Yên, huyện Vũ Nhai thành châu Vũ Nhai; các huyện, châu khác trong tỉnh Thái Nguyên giữ nguyên tên gọi Các phủ, châu, huyện trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Từ đó đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 phủ Phú Bình gồm 9 tổng, 46 xã, 7 thôn và 1 phường: Tổng Nhã Lộng (5 xã, 2 thôn), tổng Thượng Đình (7 xã, 2 thôn), tổng Nghĩa Hương (2 xã, 2 thôn), tổng La Đình (9 xã, 2 thôn), tổng Thanh Phao (6 xã), tổng Đức Lân (1 xã, 2 thôn), tổng Tiên La (4 xã ), tổng Lý

Nhân (6 xã), tổng Bảo Vang (3 xã, 1 phường) [34, tr.5]

Ngày 25/3/1948, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 148/SL quy định bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận, các danh từ trên cấp xã dưới cấp tỉnh thống nhất gọi là cấp huyện Từ đó, phủ Phú Bình được gọi là huyện Phú Bình

Phú Bình là huyện trung du, miền núi, có vị trí địa lí nằm ở vùng địa đầu phía Đông - Nam tỉnh Thái Nguyên, nơi tiếp giáp giữa vùng trung du Bắc Bộ

và vùng miền núi phía Bắc, huyện lị đặt tại thị trấn Hương Sơn cách thành phố Thái Nguyên 28 km theo Quốc lộ số 37 và cách thủ đô Hà Nội 50 km

Phía bắc và tây bắc giáp huyện Đồng Hỷ

Phía tây và tây nam giáp huyện Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên Phía đông giáp huyện Yên Thế (Bắc Giang)

Phía nam giáp huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang)

Trang 16

Nằm kề sát với trung tâm tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang, huyện Phú Bình có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là chiếc cầu nối giữa vùng đồng bằng châu thổ có những đô thị buôn bán sầm uất, có các khu công nghiệp với miền núi non hiểm trở phía Bắc

Địa hình Phú Bình khá đa dạng, có cả miền núi, trung du và đồng bằng,

độ dốc giảm dần theo hướng đông bắc - tây nam Độ cao so với mặt nước biển trung bình là 14 mét, thấp nhất là 10m (xã Dương Thành); đỉnh đèo Bóp (xã Tân Kim) là nơi cao nhất: 250m so với mặt biển Địa hình trên tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và cho các hoạt động quân sự trong thời chiến cũng như trong thời bình

Trên địa bàn của huyện có 2 con sông chính: Sông Cầu và sông Đào Sông Cầu thuộc hệ thống sông Thái Bình, bắt nguồn từ xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn - Bắc Kạn) Đoạn chảy qua địa phận Phú Bình dài 29 km, lòng sông rộng khoảng 120m, chảy từ đập Thác Huống (xã Đồng Liên) qua 9 xã rồi đổ

về Chã (Phổ Yên) Sông Đào còn có tên gọi là kênh Bích Động hay sông Máng được khởi công xây dựng năm 1922 và hoàn thành năm 1928 với mục đích cung cấp nước tưới cho hệ thống đồn điền suốt từ Phú Bình sang Bắc Giang Sau này, Sông Đào đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và giao thông của huyện Phú Bình cung cấp nước tưới ruộng cho huyện Phú Bình và 3 huyện của Bắc Giang (Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên) Đoạn chảy qua địa bàn huyện dài 33km từ xã Đồng Liên qua xã Đào Xá, Bảo Lý, Xuân Phương, thị trấn Hương Sơn, vùng giáp ranh xã Lương Phú và Tân Hòa, xã Tân Đức xuống huyện Tân Yên (Bắc Giang)

Với địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước tưới tiêu dồi dào cùng với khí hậu miền núi, trung du, độ ẩm cao, Phú Bình có những điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp hơn các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Trang 17

Phú Bình là huyện kinh tế thuần nông Nhân dân huyện Phú Bình sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa nước Từ xưa đến nay, Phú Bình vẫn được coi là vựa lúa, kho người, kho của ở Thái Nguyên Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Phú Bình cũng có nhiều nghề thủ công Đáng chú ý là nghề làm gốm

ở Lang Tạ, nghề đan lát đồ mây, tre đều có rải rác ở các thôn xã

Dân cư huyện Phú Bình do nhiều bộ phận hợp thành: Phần lớn là dân bản địa định cư từ lâu đời; một bộ phận dân tự do mà bọn điền chủ người Pháp và người Việt mộ vào làm thuê cho chúng ở các đồn điền; một bộ phận khác là đồng bào ở các tỉnh miền xuôi lên tản cư sau ngày Toàn quốc kháng chiến rồi

ở lại định cư lâu dài; một bộ phận là đồng bào các địa phương tự do di cư đến địa bàn huyện sinh cơ, lập nghiệp Dân số của huyện Phú Bình trong thời Pháp thuộc theo số liệu thống kê vào những năm 1939 - 1940 có khoảng 19.120 người Trên địa bàn huyện có 14 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống; phần lớn là người Kinh, còn lại là các dân tộc khác bao gồm: Tày, Nùng, Hoa, Trại, Sán Dìu, Tày, Thái, Khơ Me, Mường, Mông, Dao, Sán

Chay… [35, tr.11] Mặc dù các dân tộc ở Phú Bình có những đặc điểm riêng

về ngôn ngữ, trình độ sản xuất, nét văn hóa…song đều có “Tập tục cần kiệm,

không xa hoa” [20, tr.154] có những nét tương đồng, hòa nhập trong một thể

thống nhất chung sống trên cùng một lãnh thổ

Dưới thời Pháp thuộc nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình sống trong cảnh lầm than, khổ cực Cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp tăng cường việc vơ vét, cướp bóc nhân dân Thuế đinh (còn gọi là thuế thân)

là thứ thuế bất công có từ thời phong kiến nay được bọn thực dân tiếp tục duy trì và tăng mức đóng ngày càng cao để đánh vào đầu người đàn ông từ 18 tuổi trở lên Năm 1930, mỗi suất đinh phải nộp 2,5 đồng, tương đương với một tạ thóc; năm 1939 tăng lên 3,79 đồng, gấp hơn 7 lần so với thời gian đầu Pháp mới xâm lược nước ta Thuế điền là loại thuế đánh vào ruộng đất canh tác của

Trang 18

người nông dân Năm 1932, mỗi mẫu ruộng đất ở Phú Bình phải nộp 1,87 đồng đến năm 1935, tăng lên 2,7 đồng [34, tr.15,16] Ngoài ra, hằng năm người nông dân Phú Bình còn phải đóng các thứ thuế bất công khác: Thuế nuôi trâu bò, thuế chợ, thuế môn bài…Với chế độ thuế khóa này, mỗi năm thực dân Pháp đã thu về một nguồn lợi lớn trong đó: thuế thân là 24.000 đồng, thuế điền

là 19.000 đồng, các loại thuế khác hơn 4.000 đồng Trong khi đó, giá gạo thời kì

này là 6 hào một gánh (khoảng 40 kg) [35, tr.17]

chủ người Pháp và người Việt cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền Ngay từ năm 1887, tức là ba năm sau ngày Pháp đánh chiếm Thái Nguyên, dù chưa thiết lập được bộ máy thống trị từ tỉnh xuống các làng, xã nhưng tên thực dân Boadam đã dựa vào họng súng, lưỡi lê cướp không của nông dân Phú Bình

300 ha để lập đồn điền Từ năm 1887 đến năm 1912, thực dân Pháp đã chiếm hữu trên 50% diện tích đất canh tác của nông dân Phú Bình Từ năm 1919 trở

đi, việc cướp đất lập đồn điền của thực dân Pháp diễn ra ở Phú Bình quyết liệt

và tàn bạo khiến cho hàng ngàn nông dân trong huyện rơi vào cảnh tay trắng Trong số hàng chục đồn điền ấy, điển hình là đồn điền Hàn Lân chiếm 300

ha, đồn điền Sec Nay chiếm 222 ha, riêng đồn điền của hai anh em Ghiôm

đã chiếm đoạt 720 ha đất canh tác ở hai huyện Phú Bình và Phổ Yên Hình thức và thủ đoạn bóc lột của bọn điền chủ rất đa dạng, vừa tinh vi, vừa trắng trợn Hình thức bóc lột chủ yếu và phổ biến nhất là phát canh thu tô, cho vay nặng lãi Thông thường, mức tô từ 50% đến 70% sản lượng, bất kể tốt hay xấu, được mùa hay mất mùa Có chủ đồn điền còn tính chắc ăn bằng cách ép buộc tá điền muốn lĩnh canh phải vay nợ để nộp tô trước (ứng tô, vay thì phải chịu lãi suất cao) Ngoài tô chính còn các khoản tô phụ như lễ lạt, biếu xén trong các ngày giỗ, tết…Ngoài ra, chúng còn bóc lột người nông dân bằng cách mướn nhân công làm thuê với giá rẻ mạt nhất là lúc tháng ba ngày tám, có khi một

Trang 19

ngày làm thuê chỉ được trả một bát gạo Người nông dân chân lấm tay bùn làm lụng quần quật một nắng hai sương để nộp cho bọn chủ đồn điền mức tô cắt cổ nên cảnh đói nghèo, túng thiếu xảy ra thường xuyên: “Trước năm 1945 xã Tân Khánh có 129 hộ thì 100 hộ thiếu ăn quanh năm; xã Lương Phú có 287 hộ thì

248 hộ thiếu ăn; xã Thanh Ninh có tới 30% số người lao động nghèo khổ phải

đi ở cho bọn nhà giàu, có gia đình ba đời đi ở cho bọn địa chủ vẫn không trả hết nợ [4, tr 8] Tại xã Kha Sơn trước Cách mạng tháng Tám, nông dân chiếm đến hơn 90% dân số trong xã nhưng chỉ có 30% ruộng đất để cấy cày Hầu hết ruộng đất đã bị chủ đồn điền người Pháp và địa chủ chiếm đoạt Vì tô cao, tức nặng nên trong xã Kha Sơn có hơn 555 hộ thì chỉ có 22 hộ giàu, hơn 40% số hộ thuộc loại nghèo đói [21, tr.10]

Được sự nâng đỡ của chính quyền thực dân, các chủ đồn điền lập bộ máy cai trị khép kín: Sinh hoạt chính trị, kinh tế riêng, tự đặt ra luật lệ, nhà giam riêng Tại Phú Bình, chúng chia thành hai khu cai trị riêng rẽ:

Vùng đồn điền, quyền hành tập trung trong tay bọn chủ người Pháp hoặc người Việt Việc tổ chức bộ máy trong đồn điền hay ấp, trại có Lí trưởng hay

Ấp trưởng để quản lí chặt người nông dân - tá điền, bên trên có Chánh tổng, Phó tổng, Chủ chiêu, Quản lí, Thầy kí … tạo thành một hệ thống chính quyền có những quy chế (luật lệ) riêng của đồn điền

Vùng “dân sứ” là vùng cư trú của nông dân tự do ngoài đồn điền, chịu

sự cai trị trực tiếp của bộ máy thống trị hành chính gồm: Chánh tổng, Phó tổng, Lí trưởng, Phó lí [35, tr.19]

Cả hai bộ máy thống trị đó đều tăng cường bóc lột, đàn áp tá điền đồng thời xúi giục tá điền chèn ép dân sứ Người ngoài đồn điền vì thế không sống nổi, phải bỏ ruộng vườn mà phiêu bạt hoặc trở thành tá điền Trong cả hai trường hợp, đất đai của đồn điền đều được mở rộng

Trang 20

Thực dân Pháp còn tăng cường lực lượng quân sự để bảo vệ bộ máy hành chính tay sai, đàn áp sự phản kháng của nhân dân Hệ thống đồn bốt, điếm canh được xây dựng ở khắp nơi Ở các làng có bọn Tổng đoàn, Xã đoàn, Trương tuần và những tên tay sai, chỉ điểm Lực lượng này không chỉ đàn áp sự phản kháng của nhân dân mà còn thường xuyên càn quét, cướp bóc, thúc giục sưu thuế, khiến cho không khí chính trị của các thôn, xóm luôn căng thẳng

Nhằm đè bẹp ý chí phản kháng của nhân dân ta và dễ bề cai trị, bóc lột, ngoài việc đàn áp, khủng bố tàn bạo, thực dân Pháp áp dụng hai thủ đoạn thâm độc: Một là ra sức bần cùng hóa, hai là thực hiện chính sách ngu dân, hạn chế trường học, khuyến khích tệ nạn, tập tục, chia rẽ dân tộc Tại Phú Bình trong suốt những năm đô hộ từ năm 1884 đến tháng 8/1945, thực dân Pháp chỉ mở hai trường học: Một trường sơ học toàn cấp (từ lớp 1 đến lớp 3)

ở Phương Độ và một trường sơ học bán cấp (từ lớp 1 đến lớp 2) ở Hà Châu Chỉ có con em địa chủ, hào lí, gia đình khá giả mới có điều kiện đi học, do đó trên 95% dân số Phú Bình mù chữ [34, tr 16] Chính quyền thực dân còn ra sức thực hiện chính sách “chia để trị” nhằm phá vỡ khối đoàn kết các dân tộc trong huyện, chia rẽ giữa người Kinh với các dân tộc khác…Đáng chú ý nhất

là chúng lợi dụng đạo Thiên Chúa để mê hoặc giáo dân, chia rẽ lương và giáo Trên thực tế số giáo dân của huyện chỉ chiếm khoảng 2,5% dân số nhưng năm

1870, chúng cho thành lập xứ đạo tại Nhã Lộng Chính quyền thực dân còn ra sức đầu độc nhân dân bằng rượu cồn, thuốc phiện Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cưỡng bức nhân dân phải mua rượu của các công ti Đông - Pháp Tại các làng xã đều có đại lí bán lẻ rượu và thuốc phiện Chúng đặt ti rượu tại phủ

lị Một bộ phận “sở đoan” đóng ở Phương Độ để kiểm soát giữ độc quyền nấu rượu và bán rượu của nhà nước thực dân Ai vi phạm dù chỉ là một nắm men, một li rượu lậu trong nhà hay góc vườn, là bị tù đày, khuynh gia bại sản Bàn đèn thuốc phiện và sòng bạc gần như làng nào, ấp nào cũng có

Trang 21

công khai, khiến cho không ít người dân vì đam mê, vì một phút sai lầm

mà gia đình tan nát, khánh kiệt Các hủ tục như tảo hôn, đa thê, ăn khao, đồng bóng, ma to, cưới lớn, đóng góp nặng trong phe giáp, mua ngôi bán thứ… được khuyến khích phát triển, nhất là ở các xã phía Nam huyện [34, tr 17] Trong khi đó, việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân không được quan tâm Toàn huyện chỉ có một nhà thương với số giường bệnh ít ỏi và chỉ tiếp nhận gia đình giàu Còn những người nông dân ốm đau, bệnh tật chỉ biết trông vào thần thánh, lễ bái tốn kém mà vẫn “tiền mất tật mang” Các loại bệnh dịch như đau mắt hột, tả lị, thương hàn… diễn ra thường xuyên trong huyện, hằng năm có hàng trăm người chết, có những gia đình không một người sống sót

Có thể nói, xã hội Phú Bình dưới thời Pháp thuộc là bức tranh khắc họa đầy đủ những cảnh đói nghèo, những thảm họa của người nông dân dưới ách thống trị và bóc lột nặng nề của bè lũ thực dân, phong kiến Trong xã hội chất chứa đầy rẫy những mâu thuẫn, trong đó gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa nhân dân Phú Bình với chính quyền thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nông dân, tá điền với chủ đồn điền Song đói nghèo và cực khổ không thể chôn vùi những ước mơ, khát vọng về cuộc sống tự do của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình

1.2 Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình

Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình tuy nghèo khó về vật chất nhưng có lòng dũng cảm, có nghị lực, không bao giờ khuất phục trước khó khăn, trước cường quyền, đấu tranh cho chính nghĩa, cho độc lập tự do Người dân Phú Bình cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống áp bức cường quyền

Trang 22

Thế kỉ XI, nhà Tống đưa 30 vạn quân vào xâm lược nước ta Nhân dân các dân tộc huyện Tư Nông đã sát cánh cùng nhân dân cả nước dưới sự chỉ huy tài giỏi của Lý Thường Kiệt chặn đứng quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giữ vững độc lập chủ quyền của nước Đại Việt

Đầu thế kỉ XV, đất nước ta bị giặc Minh đô hộ Không cam chịu kiếp sống

nô lệ cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thái Nguyên đã tiến hành các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh Năm 1408, cuộc khởi nghĩa do Trần Nguyên Khoáng và Nguyễn Đa Bí lãnh đạo đã mở đầu phong trào đấu tranh chống giặc Minh của nhân dân Thái Nguyên, sau đó hàng loạt các cuộc khởi nghĩa đã diễn ra: Khởi nghĩa của Chu Sư Nhan, Bùi Quí Thăng, Ông Lão… Trong cuộc khởi nghĩa do Ông Lão lãnh đạo, nghĩa quân đã mở rộng địa bàn hoạt động xuống huyện Tư Nông, nhân dân các dân tộc huyện Tư Nông đã tự nguyện tham gia nghĩa quân, biến xóm, làng thành đồn, thành lũy để chiến đấu chống giặc Minh

Bước vào thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng Thiên tai, bệnh dịch, nạn đói xảy ra thường xuyên khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ Trong cả nước, phong trào đấu tranh của nông dân chống lại chính quyền phong kiến diễn ra mạnh mẽ Tại Thái Nguyên, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương kéo dài từ năm 1740 đến năm 1751 đã lan rộng khắp các huyện, phủ trong tỉnh và các tỉnh lân cận (vùng Sơn Tây, Tuyên Quang) Tại vùng Tư Nông, Nguyễn Danh Phương đã xây dựng đồn

Úc Kỳ và một số đồn nhỏ khác để tập trung lực lượng, dự trữ lương thảo cho nghĩa quân Đồn Úc Kỳ được xây dựng vững chắc, lại được nhân dân huyện

Tư Nông tận tình giúp đỡ, ủng hộ, cung cấp sức người, sức của nên cuộc nghĩa của Nguyễn Danh Phương kéo dài trên 10 năm

Sang thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam càng lún sâu vào khủng hoảng, suy vong trầm trọng; hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra

Trang 23

khắp cả nước Nhân dân vùng Đông Bắc, trong đó có nhân dân huyện Tư Nông tham gia chống lại chế độ phong kiến diễn ra gay gắt, quyết liệt Năm

1806, Dương Đình Cúc phất cờ khởi nghĩa được đông đảo nhân dân trong huyện hưởng ứng, duy trì cuộc chiến đấu gần 20 năm Năm 1833, nhân dân huyện Tư Nông cùng với nhân dân trong tỉnh hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân - Tù trưởng vùng Bảo Lạc (Cao Bằng) Nghĩa quân đã chiếm được thành Thái Nguyên, bắt quan lại nhà Nguyễn thích vào mặt dòng chữ

“Quan tỉnh hay ăn hối lộ” rồi đuổi ra khỏi thành Nhà Nguyễn phải dốc nhiều lực lượng trong nhiều năm mới đàn áp được cuộc khởi nghĩa nhưng không đè bẹp được tinh thần phản kháng của nhân dân Cũng trong năm 1833, nhân dân

Tư Nông tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Cai Vàng chỉ huy Năm

1870, tàn quân của phong trào nông dân “ Thái bình thiên quốc” bị quân triều đình nhà Thanh tấn công dữ dội đã chạy xuống biên giới Việt - Trung, tràn vào các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, sinh sống bằng nghề cướp bóc Chúng đánh chiếm thành Thái Nguyên rồi kéo xuống cướp phá địa bàn Tư Nông Nhân dân các dân tộc trong phủ đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tri phủ Đoàn Công Trịnh, tự vũ trang đứng lên đánh trả quyết liệt, bảo vệ quê hương Cuộc chiến đấu giành được thắng lợi, nhưng Đoàn Công Trịnh đã hi sinh Để tưởng nhớ tấm gương vì dân hi sinh của ông, nhân dân trong huyện đã chọn địa thế đẹp nhất ở làng Triều Dương xã Thượng Đình lập đền thờ ông

[3, tr.28]

Ngay sau đó, Lý A Sình, một tùy tướng của Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy một toán quân Cờ Đen kéo vào đánh chiếm thành lũy Phương Độ, cướp bóc hầu khắp các tổng trong phủ Phú Bình Nhân dân Phú Bình cầm vũ khí đánh đuổi bọn cướp Ngày 17/3/1884, thực dân Pháp đã đưa hai đại đội thuộc tiểu đoàn xung kích Angiêri và một trung đội pháo binh từ Bắc Ninh do Bơrie Đờlít chỉ huy tiến đánh phủ Phú Bình, cửa ngõ phía đông - nam thành Thái Nguyên, mở đầu quá trình đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh ở Việt Bắc Khoảng 8h

Trang 24

sáng ngày 17/3/1884, quân Pháp đã đến xã Đức Lân - cửa ngõ Đông - Nam của Phú Bình Gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân địa phương đến 16h20 phút cùng ngày, quân địch mới chiếm được phủ lị Phương Độ Tuy nhiên, do bị tổn thất nặng nề, quân Pháp phải bỏ dở cuộc tấn công lên tỉnh lị Thái Nguyên và dừng lại ở Phú Bình để cứu chữa thương binh, chờ viện binh

từ Bắc Ninh sang

Ngày 19/3/1884, sau khi thiết lập được vị trí chiếm đóng tại Phương Độ, quân Pháp mới tiếp tục thực hiện cuộc hành quân tiến công lên tỉnh lị Thái Nguyên Dù chiếm được thành, nhưng do bị quân dân Thái Nguyên đánh trả quyết liệt, quân Pháp không dám ở lại, ngày 21/3 phải lui về Bắc Ninh Phải đánh đi, đánh lại nhiều lần, ngày 10/5/1884, thực dân Pháp mới dám cho quân đóng lại ở Thái Nguyên Cùng với nhân dân trong tỉnh, nhân dân Phú Bình không vì thất thủ mà ngừng cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp Ngay cả khi triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng, nhân dân Phú Bình vẫn cùng nhân dân trong tỉnh tiến hành kháng chiến chống pháp Hàng loạt nhóm nghĩa quân do nhân dân tổ chức xuất hiện, tự vũ trang và chiến đấu để ngăn chặn các cuộc hành quân bình định của giặc Pháp

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang lan rộng khắp cả nước, năm 1884, Hoàng Hoa Thám dựng cờ khởi nghĩa lập căn cứ chống Pháp ở Yên Thế (Bắc Giang) Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, tại Phú Bình, nhiều thôn, xóm trở thành đồn lũy, thành chiến trường để đánh giặc; có nơi cả một dòng

họ, một làng nhân dân đều theo nghĩa quân Hoàng Hoa Thám Ngoài ra, nhân dân Phú Bình còn ủng hộ lương thực, vũ khí cho nghĩa quân Yên Thế Các xã thuộc phía Đông - Nam Phú Bình đã trở thành chỗ đứng chân, nơi nương tựa của nghĩa quân Yên Thế

Dập tắt cuộc khởi nghĩa Yên Thế chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại phải đối phó với cuộc nổi dậy của binh lính và các tầng lớp nhân dân tại tỉnh

lị Thái Nguyên Đêm ngày 30 rạng ngày 31/8/1917, anh em binh lính người

Trang 25

Việt trong quân đội Pháp đã cùng với tù chính trị và nhân dân các vùng xung quanh, dưới sự chỉ huy của Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn), Lương Ngọc Quyến, Đội Giá (Dương Văn Giá), Đội Trường (Phạm Văn Trường), đã nổi dậy khởi nghĩa diệt quân Pháp để giành chính quyền Tham gia cuộc khởi nghĩa có 23 lính khố xanh quê ở Phú Bình: Dương Văn Giá, Đào Văn Mảnh, Hoàng Văn Chúc, Bạch Đình Dũng, Dương Đình Bảnh, Dương Văn Bộ, Dương Văn Thìn, Nguyễn Văn Cởn, Dương Danh Lợi, Dương Đình Trọng, Dương Văn Thành, Dương Văn Kế, Dương Văn Lịch, Dương Văn Nhu, Dương Văn Tuế, Dương Văn Tuệ, Dương Văn Cung, Ngô Công Tỉnh, Nguyễn Văn Duyệt, La Văn

Cổng, Nguyễn Văn Giác [3, tr.34] Trong đó Dương Văn Giá (Đội Giá) người

làng Úc Sơn là cánh tay đắc lực, là phó tướng tin cậy của Đại Đô đốc đứng đầu “Quang Phục Quân” Trịnh Văn Cấn

Sau khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên, từ năm 1920 trở đi, phong trào đấu tranh chống lại chính sách cướp đoạt ruộng đất của bọn điền chủ diễn

ra mạnh mẽ, ban đầu thu hút được một làng, sau đó lan rộng ra khắp các vùng dân sứ Phong trào đấu tranh trong đồn điền cũng phát triển mạnh, lúc đầu chỉ

nổ ra ở một, hai đồn điền; sau đó lan ra hầu hết các đồn điền, ấp trại của cả người Pháp và người Việt Phong trào đã tạo thành khối thống nhất trong đấu tranh buộc bọn chủ phải nhượng bộ cho người lao động ở khắp các đồn điền Các cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến thối nát để giành quyền sống của nhân dân Phú Bình diễn ra liên tục, nhưng vì chưa có đường lối cứu nước đúng đắn, nên không đi đến thắng lợi Tuy vậy, phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là tiền đề trực tiếp để nhân dân Phú Bình nhanh chóng tiếp thu ánh sáng cách mạng theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 6/1/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc diễn ra tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc, Hội nghị quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt

Trang 26

Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đúng đắn đã chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối và lãnh đạo của cách mạng Việt Nam Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời thông qua Luận cương Cách mạng tư sản dân quyền (Luận cương chính trị) của Đảng do đồng chí Trần Phú soạn thảo Dưới cờ cứu nước của Đảng, phong trào công - nông phản đế bùng lên mạnh mẽ, lan rộng nhanh chóng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh

Các sự kiện trên đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân Phú Bình Tuy nhiên trong thời kì này, tình hình ở Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng có nhiều khó khăn Từ sau khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên năm 1917 đã làm chấn động dư luận nước Pháp, lại diễn ra cuộc nổi dậy của binh lính Chợ Chu (Định Hóa) năm 1922… Hơn nữa, Thái Nguyên là cửa ngõ then chốt giữa vùng Bắc Bộ và vùng thượng du, lại có nhiều hầm mỏ, đồn điền của bọn tài phiệt thực dân, nên chính quyền đô hộ thực dân Pháp

luôn coi “Phú Bình là nơi cần được coi trọng về trị an” [8, tr.2]

Trong những năm 1930 - 1935, ở tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng, chế độ bảo vệ an ninh được thực dân Pháp đặt lên hàng đầu Chúng áp đặt chế độ kiểm soát đến từng người dân nhằm một mục đích duy nhất: Ngăn ngừa ảnh hưởng của phong trào yêu nước và hoạt động của những người cộng sản đến Thái Nguyên, trong đó có Phú Bình Trước đó, từ năm

1929, tuy các cơ sở cách mạng ở các tỉnh đã chú ý hướng hoạt động của mình vào Thái Nguyên nhưng đều gặp trở ngại Tháng 11/1929, nhân dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên của Bắc Giang đã tổ chức rải truyền đơn ở bến đò Hà Châu, nhưng bị địch phát hiện nên không có ảnh hưởng lớn đến phong trào trong huyện Từ đó, địch

Trang 27

tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn trên tất cả địa bàn của các huyện Từ năm

1932, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng Cơ sở Đảng ở nhiều nơi bị tan

vỡ Đó là nguyên nhân khiến Thái Nguyên nói chung và Phú Bình nói riêng đến lúc này chưa xây dựng được cơ sở cách mạng

Đầu năm 1934, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Ban Lãnh đạo hải ngoại của Đảng được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu Dưới

sự lãnh đạo của Ban Lãnh đạo hải ngoại, các tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc được khôi phục dần Ngày 27/3/1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương khai mạc tại Ma Cao (Trung Quốc) đã nêu ra ba nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian trước mắt là: Củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi, chống chiến tranh đế quốc Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội, chỉ trong vòng 2 năm (1935 - 1936), hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương dần được khôi phục

Tại Thái Nguyên, Chi bộ hải ngoại của Đảng tại Long Châu đã cử cán bộ

về để gây dựng cơ sở Một số cán bộ, đảng viên quê Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng những năm trước, khi Pháp khủng bố, đã lánh lên Thái Nguyên bị đứt liên lạc với Đảng, nay được nối lại và tiếp tục hoạt động ở vùng Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ Cùng thời gian này, phong trào cách mạng ở các tỉnh Phúc Yên, Bắc Giang phát triển Ngay từ đầu năm 1937, dưới sự lãnh đạo của Đảng

bộ Bắc Giang, tá điền ở các đồn điền Vát, Tri Cụ và đồn điền Cọ (Hiệp Hòa)

đã thành lập được Hội Ái hữu, Hội Tương tế và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống tô cao, thuế nặng… Nhận thấy nơi đây có nhiều đồn điền, tuyệt đại bộ phận nông dân là tá điền, cuối năm 1937 đầu năm 1938, Trung ương Đảng và

Xứ ủy Bắc Kì đã cử nhiều cán bộ về đây hoạt động để giác ngộ tá điền và thúc đẩy phong trào Những cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình của tá điền trong các đồn điền ở Hiệp Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng đã

có tiếng vang và ảnh hưởng trực tiếp tới những thanh niên có tinh thần yêu nước của Phú Bình Những thanh niên xã Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa) sớm

Trang 28

giác ngộ cách mạng đã có ảnh hưởng đến những thanh niên Kha Sơn (Phú Bình), trước hết là Nguyễn Văn Nội Cuối năm 1938, Nguyễn Văn Nội (tức Cao Nhật) người xã Kha Sơn Hạ (Phú Bình) là tá điền của đồn điền Táctaranh

ở xã Thanh Vân huyện Hiệp Hòa thông qua quan hệ bạn bè đã được đồng chí Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), cán bộ Xứ ủy Bắc Kì tuyên truyền giác ngộ cách mạng [3, tr 39] Nguyễn Văn Nội đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người yêu nước, theo Đảng làm cách mạng, được kết nạp vào Hội Thanh niên Phản đế xã Vân Xuyên - Hiệp Hòa Nguyễn Văn Nội tuyên truyền, vận động thanh niên cùng trang lứa có tinh thần yêu nước ở Kha Sơn Hạ sang Vân Xuyên gia nhập Hội Thanh niên Phản

đế, được tiếp thu chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về cách mạng giải phóng dân tộc Lớp thanh niên đầu tiên này gồm có Lê Sỹ Kí, Nguyễn Tiến Bình, Nguyễn Văn Mười Năm 1939, nhóm thanh niên này đã trở về Kha Sơn Hạ vận động Nguyễn Bình Sơn, Nguyễn Thế Đạt, Nguyễn Văn Xứ, Lê Phương, Nguyễn Hữu Tài …đi theo cách mạng Trong các ngày lễ lớn: 6/1, 1/5, 12/9, 7/11 tại Chợ Đồn, Hà Châu đều có rải truyền đơn, gián áp phích Nhờ hoạt động này có ảnh hưởng đến nhiều thanh niên khác ở Kha Sơn Thượng, Mai Sơn, Kha Nhi, Bằng Cầu và đã thành lập được cơ sở của Hội Thanh niên phản đế

Từ đầu năm 1940, các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kì và Trung ương như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Lê Hoàng đã thường xuyên qua lại để chỉ đạo phong trào Cũng từ đây, các tổ chức mặt trận phản đế của Kha Sơn (bao gồm các làng Kha Sơn Thượng, Kha Sơn Hạ, Mai Sơn, Kha Nhi, Bằng Cầu) được tổ chức chặt chẽ, sinh hoạt độc lập, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí cán bộ Xứ ủy Bắc Kì: Ngô Thế Sơn, Lương Văn Đài Đến giữa năm 1940 phong trào cách mạng đã vượt ra khỏi ranh giới các xã trên và lan rộng sang các xã Dương Thành, Hà Châu, Thanh Ninh, Phương Độ…Ở các xã này đều thành lập được các tổ chức cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương Hầu hết các xã phía

Trang 29

Nam huyện đều có các tổ chức Hội Thanh niên Phản đế, Nông dân Phản đế, Phụ nữ Phản đế…Ngay ở vùng Hà Châu - nơi sát đồn bốt của kẻ thù cũng có một tổ chức Nông dân Phản đế Các tổ chức này hoạt động độc lập nhưng chưa có hệ thống tổ chức từ huyện trở xuống, mọi hoạt động vẫn dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang thông qua cán bộ của Xứ ủy phụ trách phong trào Tháng 9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ đã khích lệ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Phú Bình, nhất là trong tầng lớp thanh niên Đáp lời kêu gọi của Đảng ủng hộ chiến sĩ Bắc Sơn, tổ chức Thanh niên Phản đế làm nòng cốt bí mật vận động nhân dân trong huyện ủng hộ các chiến sĩ Bắc Sơn lương thực, vũ khí Nhưng do đường sá xa xôi, lại bị địch phong tỏa gắt gao, nên

sự chi viện không nhiều Sau khởi nghĩa Bắc Sơn là khởi nghĩa Nam Kì, binh biến

Đô Lương; mặc dù thất bại nhưng các cuộc khởi nghĩa chứng tỏ mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phát xít Nhật trở nên gay gắt, nhiệm vụ giải phóng dân tộc rất cấp bách

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng, Hội nghị đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1939 đề ra, giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) Các đoàn thể trong Mặt trận đều mang tên Cứu quốc

Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kì, cuối năm 1941, đồng chí Ngô Thế Sơn triệu tập cán bộ cốt cán của ba huyện Hiệp Hòa, Phú Bình, Phổ Yên về họp tại nhà đồng chí Cao Nhật (Kha Sơn) để phổ biến Nghị quyết 8 và chủ trương thành lập Việt Minh Tại Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng, Mai Sơn, các tổ chức Phản đế nhanh chóng chuyển thành các hội Cứu quốc, thu hút được nhiều người tham gia Công tác tuyên truyền, vận động cách mạng

Trang 30

theo chương trình của Việt Minh được mở rộng ra các xã Xuân Phương, Hương Sơn, Úc Kỳ, Thanh Ninh… Nhiều xã có tới hơn 100 người tham gia vào các hội Cứu quốc, xã ít nhất là 20 người tham gia; trong đó xã Kha Sơn hầu như nhà nào cũng tham gia đoàn thể Cứu quốc, có gia đình cả nhà

là hội viên Cứu quốc [3, tr 47]

Cùng với việc phát triển các tổ chức Cứu quốc, các đội tự vệ cũng được thành lập Cuối năm 1941, đội tự vệ đầu tiên được thành lập tại Kha Sơn Hạ Đến đầu năm 1943, hầu hết các làng trong tổng Phương Sơn (bao gồm các xã

từ Phương Độ đến Kha Sơn) đều có đội tự vệ Cứu quốc, số đội viên tự vệ chiến đấu lên đến 50 người Nhiệm vụ của tự vệ là đấu tranh vũ trang, nhưng trước mắt là cổ vũ cho các tổ chức chính trị hoạt động, làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ các cuộc họp và hỗ trợ các cuộc đấu tranh của quần chúng Đáng chú ý nhất là hai cuộc đấu tranh trong năm 1942:

- Cuộc đấu tranh của tá điền ở 48/52 ấp chống lại việc chủ đồn điền tăng tô ruộng từ 140kg/mẫu lên 180kg/mẫu, tô trâu từ 10 đồng lên 15 đồng/con Trước sự đoàn kết, kiên quyết đấu tranh của hàng ngàn tá điền, chủ đồn điền buộc phải giữ mức tô ruộng, tô trâu như cũ

- Cuối năm 1942, nhân dân các xã phía Nam đấu tranh nhất quyết không chịu nộp tre và cọc để rào Căng Bá Vân - nơi giam giữ chiến sĩ cộng sản theo lệnh của Tri phủ Phú Bình

Ngoài hai cuộc đấu tranh trên, nhân dịp các ngày lễ lớn: 1/5,7/11, 12/9, Hội Thanh niên Cứu quốc các xã đều tổ chức rải truyền đơn, treo cờ búa liềm

ở Chợ Đồn, đình Phương Độ, bến đò Hà Châu

Bước sang năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến thuận lợi cho phong trào cách mạng của nước ta Từ ngày 25 đến ngày

28 tháng 2 năm 1943, Ban Thường vụ Trương ương Đảng đã họp tại xã Võng

La (Đông Anh - Phúc Yên) quyết định mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất

và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang Sau Hội nghị của Ban Thường vụ

Trang 31

Trung ương Đảng, An Toàn Khu 2 được thành lập gồm địa phận các xã: Hoàng Vân, Thái Sơn, Hoàng An, Thanh Vân, Đồng Tân (Hiệp Hòa - Bắc Giang); Kha Sơn, Thanh Ninh, Dương Thành, Úc Kỳ, Hương Sơn, Hà Châu, Xuân Phương (Phú Bình - Thái Nguyên); Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Đồng Tiến (Phổ Yên - Thái Nguyên) [37, tr.22]; trong đó chủ yếu là 3 xã: Hoàng Vân (Hiệp Hòa), Kha Sơn (Phú Bình), Tiên Phong (Phổ Yên)

An Toàn Khu 2 đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng: Nơi dừng chân của các đồng chí cán bộ Trung ương khi lên chiến khu hoặc khi về Hà Nội; nơi tổ chức các cuộc họp, các lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Trung ương và Xứ ủy, nơi đặt các cơ quan in và phát hành các tài liệu báo chí của Đảng… Cũng trong năm 1943, Mặt trận Việt Minh tổng Phương Sơn được thành lập Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng trong huyện Từ đây, phong trào các xã phía Nam huyện hoạt động thống nhất trong một đầu mối do Mặt trận Việt Minh tổng Phương Sơn chỉ đạo Tháng 4/1943, Ban Cán sự Đảng An Toàn Khu 2

đã lựa chọn trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc của huyện những hội viên hăng hái, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh để thành lập Tổ trung kiên Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng là cơ sở đưa đến việc thành lập Chi bộ Đảng Kha Sơn Hạ vào tháng 7/1943, gồm 4 đảng viên Sau đó, vào đầu năm

1944, Chi bộ Đảng Kha Sơn Thượng được thành lập, gồm 3 đảng viên Trong những năm 1943 - 1944, tại Phú Bình có hai trạm liên lạc bí mật của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kì: Cơ quan số 1(bí danh CQ1) ở rừng làng Mấn,

Cơ quan số 2 (CQ2) ở Đồng Đèn Cán bộ, đảng viên, nhân dân Kha Sơn đã bảo

vệ giữ vững đầu mối giao thông quan trọng này của Trung ương Từ hai trạm liên lạc bí mật trên đã hình thành một đường dây liên lạc từ Xứ uỷ Bắc Kì với Chi bộ Căng Bá Vân Nhờ đó, những đảng viên cộng sản giam trong nhà tù thường xuyên nhận được chỉ thị của Xứ ủy hoạt động khôn khéo để mở rộng cơ

Trang 32

sở cách mạng ra ngoài Căng Cũng nhờ có đường dây liên lạc này mà ngày 22/8/1944, Chi bộ Căng Bá Vân cùng với Ban Cán sự Đảng An Toàn Khu 2 đã

tổ chức vượt ngục thành công cho 8 đồng chí: Hà Kế Tấn, Hoàng Bắc Dũng, Nguyễn Văn Mô, Phan Bá Thoan, Bùi Văn Hách, Trần Kiên, Nguyễn Danh Đính, Nông Văn Độ, đưa về Kha Sơn an toàn trong sự truy lùng gay gắt của kẻ

cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, tình hình của Phú Bình dần ổn định trở lại, các cơ quan của Trung ương và Xứ ủy tiếp tục hoạt động khẩn trương hơn trong An Toàn Khu 2

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế gới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, ngày diệt vong của phe phát xít đến gần Trong khi đó, phong trào cách mạng của nhân dân ta ngày càng lên cao mạnh mẽ Tình hình này làm cho mâu thuẫn Nhật - Pháp trở nên gay gắt, dẫn đến cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp đêm 9/3/1945, Đông Dương trở thành thuộc địa của phát xít Nhật Ngay đêm 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng được tổ chức ở làng Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh chủ trì Những chủ trương

của Hội nghị được thể hiện rõ trong nội dung Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và

Trang 33

hành động của chúng ta ngày 12/3/1945, phát động Cao trào kháng Nhật trong cả

nước tạo tiền đề cho Tổng khởi nghĩa Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhanh chóng đến với cán bộ, đảng viên và tự vệ Cứu quốc Phú Bình, đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Xứ ủy đã truyền đạt nội dung của chỉ thị cho đảng viên của hai Chi bộ Kha Sơn Thượng và Kha Sơn Hạ Chiều ngày 13/3/1945, đảng viên của hai chi bộ họp chung và quyết định lấy tự vệ cứu quốc làm nòng cốt phát động quần chúng tổng La Đình khởi nghĩa giành chính quyền vào sáng ngày 14/3/1945, điểm khởi đầu là Kha Sơn Hạ 8h sáng ngày 14/3/1945,

tự vệ chiến đấu Phú Bình tìm diệt những tên tay sai đắc lực của đế quốc có nợ máu với cách mạng, tịch thu tiêu hủy toàn bộ giấy tờ, sổ sách của chính quyền cũ, kêu gọi tráng dõng mang vũ khí nộp cho lực lượng tự vệ, kêu gọi nhân dân các làng tập trung tại đình Kha Sơn Hạ dự mít tinh nghe đại diện của Việt Minh tuyên

bố thành lập chính quyền cách mạng [3, tr 55] Từ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng, Mai Sơn, khí thế cách mạng của quần chúng các xã bùng lên như cơn lốc Hàng chục làng, xã ngay trong những ngày sau đó đã giành được chính quyền Ngày 23/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Phú Bình chính thức được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Xương làm Chủ tịch

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Phú Bình thắng lợi đã góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước, đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỉ nguyên độc lập, tự do; kỉ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội

Trang 34

Tiểu kết:

Là vùng đệm nối liền miền rừng núi phía Bắc với đồng bằng châu thổ

Bắc Bộ, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên giữ vai trò quan trọng cả về kinh

tế cũng như an ninh quốc phòng của tỉnh

Ở vị trí chiến lược và địa bàn dụng võ mà lịch sử dành cho Thái Nguyên nói chung, huyện Phú Bình nói riêng đã hun đúc cho người dân huyện Phú Bình những truyền thống tốt đẹp Nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình có truyền thống cần cù, đoàn kết, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm Nêu cao truyền thống yêu nước và cách mạng, vượt qua mọi sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, nhân dân các dân tộc Phú Bình hăng hái tham gia các đoàn thể Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh Khi thời cơ, đến dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân Phú Bình tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi

Phú Bình là nơi hội tụ các nhân tố để nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phát triển cách mạng giành thắng lợi Truyền thống yêu nước cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình - nhân dân vùng An Toàn Khu 2 tiếp tục được phát huy trong kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ nền độc lập, tự do

Trang 35

Chương 2:

QUÂN, DÂN HUYỆN PHÚ BÌNH ĐẤU TRANH BẢO VỆ,

XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN, TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (1945 - 1950)

2.1 Quân, dân huyện Phú Bình đấu tranh bảo vệ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân

Thành quả lớn nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là giành được chính quyền về tay nhân dân trong phạm vi cả nước Lần đầu tiên trong lịch

sử dân tộc, nhân dân ta được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội

Tuy nhiên, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn Sau khi giành được chính quyền, nhân dân ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trở ngại cả về đối nội và đối ngoại Sau ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cùng một lúc đối phó với ba loại giặc nguy hiểm: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt và nhiều tệ nạn trong xã hội

do chế độ cũ để lại Nền độc lập của Tổ quốc sau gần một thế kỉ đấu tranh mới giành được đang bị đe dọa nghiêm trọng Đất nước lâm vào tình thế

“Ngàn cân cheo sợi tóc”

Cùng với những khó khăn chung của nhân dân cả nước, khi cách mạng thành công, nhân dân huyện Phú Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh

tế - xã hội, văn hóa Kinh tế của huyện vốn là nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại kiệt quệ nặng nề do chính sách vơ vét, bóc lột của thực dân Pháp - phát xít Nhật Thêm vào đó, trận lụt xảy ra trong tháng 8/1945 và sau đó hạn hán kéo dài

đã khiến cho phần lớn diện tích canh tác trong huyện bị bỏ hoang Hậu quả của nạn đói khủng khiếp do Nhật - Pháp gây nên hồi cuối năm 1944 đầu năm 1945 chưa khắc phục được thì nguy cơ nạn đói mới lại xuất hiện Mặt khác, bệnh tật,

ốm đau thường xuyên xảy ra, nạn thất học và bao tệ nạn xã hội do chế độ thực

Trang 36

dân phong kiến để lại tồn tại rất phổ biến Đời sống nhân dân huyện Phú Bình bị

đe dọa nghiêm trọng

Dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, khoảng 5000 quân Trung Hoa Dân quốc trong Quân đoàn 93 thuộc Phương diện quân thứ nhất, sau khi tràn qua một số tỉnh biên giới phía Bắc,

đã kéo vào địa phận tỉnh Thái Nguyên Tại Phú Bình, lợi dụng tâm lí nhẹ dạ của một số đồng bào người Hoa sinh sống tại các xã Tân Hòa, Tân Kim, bọn phản động trong người Hoa đã lôi kéo họ vào “Nam Dương Hoa kiều hiệp hội” Một số phần tử phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa ở xứ Nhã Lộng, đứng ra tổ chức “ Liên đoàn thanh niên chống cộng” Chúng bí mật liên hệ với thực dân Pháp xin cung cấp vũ khí để chống lại cách mạng Tại các xã Tân Hòa, Tân Khánh, bọn lưu manh, trộm cắp, thổ phỉ xuất hiện, đe dọa cuộc sống của nhân dân và ảnh hướng đến trật tự xã hội [3, tr 63]

Quán triệt bản Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc ngày 25/11/1945 Ban

Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị trước mắt Điều quan trọng hàng đầu là phải làm tốt công tác phát triển Đảng, bảo vệ và xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất Giữa tháng 9/1945, Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên được tổ chức tại Trường Xô (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương), đã công bố Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kì chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên Hội nghị còn thảo luận và thông qua một số chủ trương, biện pháp đối phó với quân Trung Hoa Dân quốc, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng Hội nghị Trường Xô là mốc quan trọng đánh dấu sự thống nhất lãnh đạo của Đảng bộ trên địa bàn toàn tỉnh Từ đây, Đảng bộ Phú Bình đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ Thái Nguyên [34, tr 68]

Trang 37

Tại Phú Bình, công tác phát triển Đảng có nhiều thuận lợi hơn so với các huyện trong tỉnh Trên địa bàn của huyện, các tổ chức cơ sở đảng đã được hình thành từ rất sớm (tháng 7/1943) Sau ngày giành chính quyền, số lượng đảng viên của Đảng bộ tăng lên gần 20 người, phần lớn đã được rèn luyện, trưởng thành trong phong trào cách mạng ở cơ sở Tuy nhiên, trình độ và năng lực của đảng viên còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ văn hóa và lí luận chính trị Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng đã đặt ra những yêu cầu cấp bách và nặng nề cho Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Bình Căn cứ vào thực tế tình hình và thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội nghị Ban Cán sự Đảng huyện Phú Bình họp vào cuối mùa đông năm 1945 đã khẳng định: Trận chiến đấu mới bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương và cải cách đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện…muốn giành được thắng lợi, điều

có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng Đảng bộ trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó việc mở rộng đội ngũ đảng viên có một tầm

quan trọng lớn [34, tr.68, 69] Các chi bộ trong huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt

động, tích cực xây dựng cơ sở ở khắp các thôn, xóm Nhiều đảng viên được phân công đi vào quần chúng làm công tác tuyên truyền, vận động, kết nạp thêm đảng viên mới

Cuối năm 1945, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Đảng bộ huyện Phú Bình chuyển vào hoạt động bí mật Đảng bộ tích cực vận động, hướng dẫn cán bộ cơ sở, nhất là thanh niên tham gia sinh hoạt, học tập trong Ủy ban Tuyên truyền chủ nghĩa Mác Thông qua hoạt động của tổ chức này, một số tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin và tờ báo Sự thật - cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương được phổ biến trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Từ đó đến tháng 8/1946, cuộc vận động xây dựng

Trang 38

Đảng bắt đầu được đẩy mạnh Những cán bộ và quần chúng trung kiên, trong

đó một số cán bộ, chiến sĩ tự vệ đã từng tham gia hoạt động trong thời kì đấu tranh giành chính quyền đều lần lượt được đứng trong hàng ngũ của Đảng Từ chỗ chỉ có gần 20 đảng viên tập trung ở 3 xã Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng, Mai Sơn và một chi bộ công sở các cơ quan huyện, đến năm 1946, toàn Đảng

bộ đã có hơn 100 đảng viên có mặt ở hầu hết các xã trong huyện [3, tr.68]

Tháng 8/1946, Ban Cán sự Đảng huyện Phú Bình họp Hội nghị toàn thể đảng viên tại ấp Vân Đình, xã Đức Liên (nay là xã Thanh Ninh) Trên cơ

sở phân tích tình hình cụ thể của địa phương, Hội nghị nhất trí thông qua nhiệm vụ của Đảng bộ phải tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc ở địa phương, trong đó việc có ý nghĩa quan trọng quyết định là củng cố tổ chức Đảng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, tăng cường sức chiến đấu của Đảng bộ Hội nghị quyết định thành lập Huyện ủy thay cho Ban Cán sự Đảng, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Bình Sơn làm Bí thư Huyện ủy Hội nghị đảng viên toàn huyện Phú Bình (tháng 8/1946) được coi như Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II và đây cũng là mốc đánh dấu bước trưởng thành Đảng bộ huyện Phú Bình

Cùng với việc phát triển đảng viên, Đảng bộ huyện rất quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, quan điểm giai cấp cho cán

bộ, đảng viên Đảng bộ đã cử những đảng viên đang đảm nhiệm trọng trách tham gia các lớp bồi dưỡng dài hạn do Đảng bộ tỉnh tổ chức Chương trình huấn luyện bồi dưỡng bao gồm lí luận sơ giản về chủ nghĩa cộng sản, lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương, lí luận về cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới

và tình hình cách mạng trong giai đoạn mới Thông qua các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, trình độ nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện được nâng lên

Trang 39

Song song với công tác củng cố tổ chức Đảng, nhân dân huyện Phú Bình tích cực tham gia xây dựng bộ máy chính quyền Ngày 17/10/1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 51 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử và ấn định đến ngày 23/12/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho việc chuẩn bị Tổng tuyển cử chu đáo hơn và để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 76 hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946, theo đó hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến hết ngày 27/12/1945 Thái Nguyên không nhận được Sắc lệnh của Trung ương lùi ngày Tổng tuyển cử, nên ngày 23/12/1945, với niềm phấn khởi, tự hào vì được sống trong độc lập,

tự do, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và huyện Phú Bình hăng hái đi bỏ phiếu, bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tỉnh Thái Nguyên có 3 đại biểu (ông Lê Trung Đình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Đặng Đức Thái - đại biểu trí thức, ông Nguyễn Trung Thành - đại biểu dân tộc) đã trúng

cử vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta [2, tr 183]

Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp bộ đảng thực hiện Sắc lệnh số 63 của Chính phủ Lâm thời (ngày 22/11/1945) quy định chế độ tổ chức chính quyền nhân dân xã, tỉnh trong phạm vi cả nước, nhân dân trong huyện nô nức tham gia bầu cử Hội đồng Nhân dân hai cấp tỉnh và xã Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và bầu cử Hội đồng Nhân dân đã đập tan âm mưu chia rẽ, phá hoại và lật đổ của các thế lực phản động; đồng thời có tác dụng nâng cao lòng yêu nước, phát huy ý thức làm chủ trong mọi tầng lớp nhân dân Ủy ban Hành chính các cấp được thành lập thay thế cho Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Các ban chuyên môn của chính quyền dần dần được hình thành và đi vào hoạt động Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân từ xã đến huyện

Trang 40

từng bước được củng cố và kiện toàn, trở thành công cụ sắc bén trong việc chống thù trong giặc ngoài, xây dựng chế độ xã hội mới

Cùng với việc xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền, công tác xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân được Đảng ta rất coi trọng Để tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) được thành lập Hội Liên Việt là một hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi trong thời kì mới, nhằm đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, dân chủ,

phú cường: “Bao nhiêu thành kiến giai cấp, bao nhiêu phân tranh đảng phái,

bao nhiêu đố kị về tôn giáo và nòi giống phải hất ra khỏi con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam Từ nay quốc dân Việt Nam đã liên hiệp không phải ở trong chính phủ, mà còn liên hiệp ở quảng đại quần chúng nhân dân…Thống nhất dân tộc là vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù của dân tộc Vũ khí ấy ta phải giữ như một của báu… Lúc này bí quyết của sự thành công chính là tinh thần đoàn kết” [17, tr.1]

Tại Thái Nguyên, vào nửa sau năm 1946, Hội Liên Việt được thành lập Tham gia Ban lãnh đạo Hội Liên Việt gồm đại biểu trí thức, tư sản dân tộc, tiểu thương, viên chức… Tại Phú Bình, các đoàn thể quần chúng trong tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tiếp tục được củng cố và đẩy mạnh trong toàn huyện Cuối năm 1946, Hội Liên Việt được thành lập, tập hợp đông đảo mọi người yêu nước, nhất là giáo viên tiểu học, hương sư, viên chức

và các nhà phú hào Hội còn gây ảnh hưởng trong nhà thờ Nhã Lộng

Những kết quả trên có ý nghĩa quan trọng, là nhân tố cơ bản có tính quyết định cho việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của cách mạng trong thời kì mới, trước mắt là chống “giặc đói” và “ giặc dốt”

Ngày đăng: 13/08/2015, 10:38

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bắc Thái (1987), Bắc Thái trong căn cứ địa Việt Bắc, Tỉnh ủy Bắc Thái xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bắc Thái trong căn cứ địa Việt Bắc
Tác giả: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bắc Thái
Năm: 1987
2. Ban Chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1(1936 - 1965), Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1(1936 - 1965)
Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên
Năm: 2003
3. Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Bình (2007), Huyện Phú Bình: Lịch sử kháng chiến chống xâm lược và xây dựng - bảo vệ tổ quốc (1945 - 2000), Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Bình xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Huyện Phú Bình: Lịch sử kháng chiến chống xâm lược và xây dựng - bảo vệ tổ quốc (1945 - 2000)
Tác giả: Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Bình
Năm: 2007
4. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Bắc Thái: Tài liệu thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám huyện Phú Bình, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tài liệu thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám huyện Phú Bình
6. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bắc Thái (1980), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, tập 1, Tỉnh ủy Bắc Thái Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Thái
Tác giả: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bắc Thái
Năm: 1980
7. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2010), Lịch sử công tác tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930-2010), Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử công tác tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930-2010)
Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
Nhà XB: Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên
Năm: 2010
8. Báo cáo của Sở mật thám Bắc Kì t3/1933, tư liệu phòng Lịch sử - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báo cáo của Sở mật thám Bắc Kì
9. Báo Cứu quốc, số 24/9/1945: “Lời hiệu triệu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lời hiệu triệu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
10. Báo cáo công tác năm 1949 của Tỉnh ủy Thái Nguyên, số 08/BC- TN, 20/10/1949, tài liệu lưu trữ của Phòng Lịch sử - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báo cáo công tác năm 1949 của Tỉnh ủy Thái Nguyên
11. Báo cáo tình hình 15/10-15/11/1952 của Tỉnh ủy Thái Nguyên, tài liệu lưu trữ của Phòng Lịch sử - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báo cáo tình hình 15/10-15/11/1952 của Tỉnh ủy Thái Nguyên
12. Báo Cứu quốc số ra ngày 3/5/1946, lưu trữ tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báo Cứu quốc số ra ngày 3/5/1946
13. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái (1990), Bắc Thái lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bắc Thái lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
Tác giả: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái
Năm: 1990
14. Bộ Tư lệnh Quân khu I, tập 1 (1990), tập 2, tập 3 (1991), Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc (1945 - 1954), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc (1945 - 1954)
Tác giả: Bộ Tư lệnh Quân khu I, tập 1 (1990), tập 2, tập 3
Nhà XB: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
Năm: 1991
15. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên (1999), Thái Nguyên lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941-1954), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thái Nguyên lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941-1954)
Tác giả: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên
Năm: 1999
16. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Quân đội nhân dân Việt Nam (biên niên sự kiện), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quân đội nhân dân Việt Nam (biên niên sự kiện)
Tác giả: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Nhà XB: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
Năm: 2002
17. Trường Chinh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời, Báo Sự thật, số 38, ngày 1/6/1946 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời
18. Công tác hậu cần cho chiến dịch Hòa Bình (1978), Tổng cục Hậu cần, Ban Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Công tác hậu cần cho chiến dịch Hòa Bình
Tác giả: Công tác hậu cần cho chiến dịch Hòa Bình
Năm: 1978
19. Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam (1985), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam
Tác giả: Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam
Nhà XB: Nhà xuất bản Sự thật
Năm: 1985
20. Đại Nam nhất thống chí tập IV (1971), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đại Nam nhất thống chí
Tác giả: Đại Nam nhất thống chí tập IV
Nhà XB: Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Năm: 1971
22. Địa lí tỉnh Thái Nguyên (1998), Sở Giáo dục - đào tạo Thái Nguyên xuất bản Sách, tạp chí
Tiêu đề: Địa lí tỉnh Thái Nguyên
Tác giả: Địa lí tỉnh Thái Nguyên
Năm: 1998

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w