1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt

148 1,9K 22
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 148
Dung lượng 555,86 KB

Nội dung

Đề tài : Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- W › X -

LÊ THỊ KIM ĐÍNH

LỊCH SỰ TRONG HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN

TIẾNG VIỆT

CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ HỌC

MÃ SỐ: 60.22.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

TS DƯ NGỌC NGÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2006

Trang 2

LỜI CẢM ƠN

Luận văn này hoàn thành ngoài sự nỗ lực của chính bản thân còn có sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các thầy cô, các anh chị và các bạn học

Phòng Đào tạo Sau Đại học và Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm

thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để tôi thực hiện và bảo vệ luận

Trang 3

MỤC LỤC

DẪN NHẬP

0.1 Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu .1

0.2 Lịch sử vấn đề 2

0.3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .10

0.4 Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 11

0.5 Cấu trúc của luận văn .12

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỰ NGÔN NGỮ VÀ HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN 1.1 Lịch sự ngôn ngữ .15

1.1.1 Khái niệm 15

1.1.1.1 Khái niệm lịch sự 15

1.1.1.2 Vai giao tiếp .16

1.1.2 Các phương châm lịch sự 17

1.1.3 Thể diện với lịch sự .18

1.1.3.1 Thể diện dương tính .19

1.1.3.2 Thể diện âm tính .19

1.1.3.3 Hành vi đe dọa thể diện 20

1.1.4 Các chiến lược lịch sự .21

1.1.4.1 Chiến lược lịch sự âm tính 21

1.1.4.2 Chiến lược lịch sự dương tính .23

1.1.5 Lịch sự và văn hóa 25

1.2 Cầu khiến và hành động cầu khiến .26

1.2.1 Khái niệm 26

Trang 4

1.2.2 Phân loại các hành động cầu khiến .33

1.2.2.1 Cầu khiến cạnh tranh 34

1.2.2.2 Cầu khiến hòa đồng .37

1.2.3 Cầu khiến lịch sự 38

Chương 2 LỊCH SỰ TRONG HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN TIẾNG VIỆT 2.1 Các hành động cầu khiến trong quan hệ với phép lịch sự 44

2.1.1 Các hành động cầu khiến có tính lịch sự dương tính 45

2.1.1.1 Hành động mời .45

2.1.1.2 Hành động động viên/ an ủi .53

2.1.1.3 Hành động khuyên răn/nhắc nhở 59

2.1.2 Các hành động cầu khiến có tính lịch sự âm tính 65

2.1.2.1 Hành động ra lệnh .65

2.1.2.2 Hành động yêu cầu .71

2.1.2.3 Hành động xin phép 74

2.1.2.4 Hành động thỉnh cầu 79

2.2 Phương thức biểu hiện lịch sự các hành động cầu khiến trong tiếng Việt 84

2.2.1 Phương thức thể hiện trực tiếp .86

2.2.1.1 Dùng thành phần mở rộng 86

2.2.1.2 Dùng từ xưng hô 101

2.2.2 Phương thức thể hiện gián tiếp .108

2.2.2.1 Dùng hình thức khẳng định/ phủ định .111

2.2.2.2 Dùng hình thức nghi vấn .116

Trang 5

KẾT LUẬN 127

TÀI LIỆU THAM KHẢO 132

PHỤ LỤC 141

Trang 6

DẪN NHẬP

0.1 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

Một trong hai chức năng cơ bản của ngôn ngữ là giao tiếp xã hội

Hòa mình vào sự phát triển của ngôn ngữ học thế giới, Việt ngữ học cũng chuyển mình để tiếp cận ngôn ngữ trên bình diện mới – ngôn ngữ trong sự hành chức của nó Đặt ngôn ngữ trở về đúng vị trí của nó trong mối tương quan giữa nhiều yếu tố, đặc biệt là ngữ cảnh giao tiếp và đối tượng giao tiếp, các nhà ngôn ngữ học đã mở

ra một con đường mới trong nghiên cứu ngôn ngữ: Ngữ dụng học Lúc này, ngôn ngữ không còn là một yếu tố tĩnh tại mà là một hoạt động mang tính liên cá nhân Do đó, một vấn đề tối quan trọng được đặt ra: phép lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ và nó ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều nhà ngôn ngữ học

Có thể nói rằng lịch sự không phải là một vấn đề thuần tuý ngôn ngữ học Ngược lại, nó bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố bên ngoài ngôn ngữ như ngữ cảnh giao tiếp, vai giao tiếp, phong tục tập quán, văn hóa…

Lịch sự ngôn ngữ là một mảnh đất rộng lớn đang cần các nhà ngôn ngữ học khai phá Tuy nhiên, trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi bước đầu chỉ miêu tả một số hành động cầu khiến chủ yếu và khảo sát phép lịch sự ngôn ngữ chi phối như thế nào đến việc lựa chọn các phương tiện biểu đạt hành động cầu khiến của người Việt

Hiện nay, song song với quá trình giao lưu kinh tế của các quốc gia là quá trình giao lưu giữa các nền văn hóa mà một phần trong đó là ngôn ngữ thì nghiên cứu về tiếng Việt nói chung và về lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt nói riêng là một vấn đề thực sự cần thiết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt

Trang 7

0.2 LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Vấn đề lịch sự trong ngôn ngữ nói chung và lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt nói riêng vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ

0.2.1 Trong vài chục năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ứng

xử lịch sự trong ngôn ngữ trên nhiều bình diện Robin Lakoff (1972, 1977), Geoffery Leech (1983), Penelop Brown & Stephen Levinson (1978, 1987), George Yule (1977)… đã xây dựng mô hình lịch sự chung cho tất cả các ngôn ngữ và cho rằng lịch sự là chiến lược hay là phương tiện giữ thể diện trong giao tiếp Còn J House (1989), Held (1992), Blum-Kulla (1987), Maria Sifianou (1999) lại nghiên cứu đối chiếu hiện tượng lịch sự giữa các ngôn ngữ khác nhau

Ngoài ra, vấn đề lịch sự có liên quan đến giới tính hay lịch sự trong sự tương tác giữa các nền văn hóa cũng được nhiều nhà nghiên cứu như P Brown (1976), S Zimin (1981)… đề cập đến Tuy nhiên, về mặt quan điểm, giữa các nhà nghiên cứu trên vẫn có nhiều bất đồng khi xác định nội dung, phương tiện biểu hiện lịch sự hay vai trò các nhân tố xã hội đối với sự đánh giá mức độ lịch sự của ngôn ngữ trong giao tiếp

Sau đây, luận văn sẽ đi vào mô tả khái quát những điểm chính trong lý thuyết của các tác giả đã nêu trên

R Lakoff (1973) là người mở đầu cho việc nghiên cứu lịch sự trong ngôn ngữ

Kế thừa và phát huy nguyên tắc cộng tác (cooperative principle) trong lý thuyết hội thoại của P Grice, tác giả này đã mở rộng các khái niệm về quy tắc ngữ pháp (grammatical rules) và khái niệm về tạo dựng các hình thức phù hợp với ngữ dụng học Từ đó, bà đã đưa ra khái niệm “lịch sự là tôn trọng nhau” Đây chính là biện

Trang 8

pháp hữu hiệu để giảm bớt sự xung đột trong diễn ngôn Theo R Lakoff, có ba quy tắc lịch sự trong giao tiếp:

- Không được áp đặt (Don’t impose)

- Để ngỏ sự lựa chọn (Offer optionality)

- Làm cho người đối thoại cảm thấy thoải mái (Make a feel good)

Sau này, trong nhiều công trình nghiên cứu, R Lakoff đã xem xét lịch sự trong sự tương tác giữa các nền văn hóa, trong đó có sự lễ độ và phật lòng trong diễn đạt ngôn ngữ

Lý thuyết lịch sự của G Leech (1983) dựa trên khái niệm “lợi” (benefit) và

“thiệt” (cost) giữa người nói và người nghe do ngôn từ gây nên Vì thế, sự thay đổi mức độ lợi – thiệt trong một phát ngôn sẽ làm thay đổi mức độ lịch sự trong lời nói Từ quan niệm đó, G Leech đưa ra nguyên tắc giảm tới mức tối thiểu những cách nói không lịch sự và tăng tới mức tối đa những cách nói lịch sự Theo G Leech, lịch sự là sự bù đắp những hao tổn, thiệt thòi do hành động nói của con người gây ra cho người đối thoại Một phát ngôn lịch sự phải là một phát ngôn có các phương tiện để điều chỉnh mức lợi – thiệt sao cho tạo được sự cân bằng xã hội và tình thân giữa người nói với người nghe Sau đây là 6 phương châm lịch sự trong lý thuyết của G Leech:

- Phương châm khéo léo

- Phương châm hào hiệp

- Phương châm tán thưởng

- Phương châm khiêm tốn

- Phương châm tán đồng

- Phương châm cảm thông

Trang 9

Cũng theo Leech, hành động ra lệnh là hành động có bản chất không lịch sự vì nó mang tính áp đặt, buộc người nghe phải hành động theo ý muốn của người nói Ngược lại, hành động khen tặng là hành động lịch sự

Khảo sát qua ngôn ngữ trong sự hành chức của nó, chúng ta thấy quan điểm này có nhiều chỗ không hoàn toàn đúng đắn vì khi ngôn ngữ được thể hiện trong giao tiếp thì tính lịch sự của nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố như sự chênh lệch về quyền uy giữa người nói và người nghe, quy tắc, tôn ti, tuổi tác, mối quan hệ… Hơn nữa, có những loại lệnh được thiết chế xã hội cho phép trong một số hoàn cảnh nào đó nên nó không thể bị xem là mất lịch sự Khen là một biểu hiện lịch sự, nhưng lời khen không đúng lúc sẽ tác động tiêu cực đến người nghe

Có thể nói P Brown & S Levinson (1978 – 1987) là hai tác giả lớn và có ảnh

hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sự Dựa trên khái niệm “thể

diện” của E Goffman (1972), “thể diện là hình ảnh của bản thân trước người khác”

(public self image), hai tác giả này đã xây dựng một cặp lưỡng phân quan trọng: thể diện dương tính (positive face) và thể diện âm tính (negative face) Hai loại thể diện này bao giờ cũng nằm trong mối quan hệ đối lập nhưng thống nhất

khác xác nhận, bênh vực và ủng hộ

khác ép buộc, áp đặt

Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, có nhiều lời nói tiềm tàng nguy cơ gây mất thể diện của chính người nói hay của người nghe Khi ấy, lịch sự là một chiến lược nhằm

giảm thiểu mức độ “mất thể diện” cho những đối tượng tham gia giao tiếp Theo P

Brown & S Levinson, có ba chiến lược lịch sự cơ bản: lịch sự dương tính (positive politeness) là hành vi sửa đổi hướng đến thể diện dương tính của người nghe, lịch sự

Trang 10

âm tính (negative politeness) là hành vi sửa đổi hướng đến thể diện âm tính của người nghe và gián tiếp là hành vi sửa đổi bằng cách tránh bộc lộ trực tiếp giá trị ngôn trung của lời nói

Mặc dù lý thuyết của P Brown & S Levinson vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng khi cho rằng lịch sự là một chiến lược giao tiếp của cá nhân mà bỏ qua sự ảnh hưởng của các chuẩn mực xã hội trong ứng xử bằng ngôn ngữ nhưng lý thuyết này vẫn được xem là có sức giải thích lớn nhất

Sau P Brown & S Levinson, G Yule (1996) cũng có thảo luận về vấn đề lịch

sự và tương tác trong Pragmatics Theo tác giả, lịch sự là phương tiện dùng để chứng

tỏ sự nhận thức thể diện của người khác Nhìn chung, so với lý thuyết của P Brown &

S Levinson thì nghiên cứu của G Yule cũng không có gì mới hơn

0.2.2 Ở Việt Nam, bắt đầu từ những năm 90, vấn đề lịch sự trong ngôn ngữ nói

chung và trong hành động cầu khiến nói riêng cũng bắt đầu được nghiên cứu Mở đầu

cho xu hướng này là tác giả Nguyễn Đức Dân với công trình Ngữ dụng học (1998)

khi ông đề cập đến nguyên lý lịch sự thông qua việc bàn luận về vấn đề thể diện trong lý thuyết của P Brown & S Levinson và nêu ra những điều chưa thỏa đáng trong lý thuyết của G Leech

Đến năm 2000, Nguyễn Thiện Giáp cũng điểm qua lý thuyết về lịch sự ngôn

ngữ trong Dụng học Việt ngữ

Trong Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Ngữ dụng học (2001), Đỗ Hữu Châu đã

giới thiệu khá rõ ràng, đầy đủ và cụ thể các quan điểm về lịch sự tương đối hoàn chỉnh hơn cả của R Lakoff, G Leech, P Brown & S Levinson Tuy ngữ liệu để phân tích chủ yếu là tiếng Anh, nhưng đây có thể được xem là tài liệu tham khảo chính bằng tiếng Việt khi nghiên cứu về vấn đề lịch sự trong ngôn ngữ

Trang 11

Ngoài ba tác giả trên, còn có một số bài viết rải rác trên các báo và tạp chí đề cập đến một số vấn đề liên quan đến phép lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ, đặc biệt là trong khi đưa ra hành động cầu khiến trong tiếng Việt

Vũ Thị Thanh Hương, qua nhiều bài viết của mình, đã đi vào tìm hiểu tính lịch

sự trong lời cầu khiến tiếng Việt dưới hai góc độ: phương thức biểu hiện và mối quan hệ giữa hình thức biểu đạt gián tiếp với tính lịch sự trong lời cầu khiến của người Việt Từ đó, tác giả đưa ra 12 chiến lược thay đổi mức lợi – thiệt cho các hành động cầu khiến cạnh tranh và 9 chiến lược thay đổi mức lợi – thiệt cho các hành động cầu khiến hòa đồng Qua đó, tác giả cũng cho rằng nguyên tắc phổ niệm đồng nhất giữa tính lịch sự và gián tiếp của các tác giả nước ngoài không phù hợp với tiếng Việt

Dưới góc nhìn lịch sự trong sự liên quan mật thiết với văn hóa, Nguyễn Quang,

với bài viết Các chiến lược lịch sự dương tính trong tiếng Việt, đã giới thiệu chi tiết 17

chiến lược lịch sự dương tính sử dụng trong giao tiếp Theo tác giả, tính được ưa chuộng hơn của một hay một một số chiến lược phụ thuộc vào các thành tố giao tiếp

và các “ẩn tàng văn hóa” như các giá trị, quan niệm, đức tin và phong cách giao tiếp…

Cũng xem xét lịch sự dưới góc nhìn văn hóa, Tôn Nữ Mỹ Nhật có bài “Bước

đầu tìm hiểu các đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa trong hành vi yêu cầu của người Việt”,

Đỗ Quang Việt thì so sánh sự khác biệt trong việc sử dụng các chiến lược thỉnh cầu

của người Việt và người Pháp, còn Nguyễn Văn Độ thì đối chiếu để tìm ra những nét

tương đồng và khác biệt từ những yếu tố làm biến đổi lực ngôn trung của lời thỉnh cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt…

0.2.3 Về vấn đề câu cầu khiến, chúng ta thấy trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt, câu

cầu khiến được bàn luận rất nhiều Ở đây, chúng tôi chỉ điểm qua một số quan điểm tiêu biểu

Trang 12

Theo quan điểm ngữ pháp học truyền thống, các tác giả như Lê Văn

Lý, Bùi Đức Tịnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Trọng Phiến, Diệp Quang Ban phân loại câu theo “mục đích phát ngôn” gắn liền với các phương tiện ngôn ngữ điển hình cấu tạo nên nó

Trong Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam (1968), Lê Văn Lý chia câu tiếng Việt ra

làm 13 loại Trong đó, câu khuyến lệnh là câu mà người nói dùng để bộc lộ ý muốn của mình

Nguyễn Kim Thản (1964) trong Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập 2, đã

chú ý đến loại câu nghi vấn cầu khiến khi phân biệt câu nghi vấn chân chính với các loại câu nghi vấn khác như câu nghi vấn tu từ học, câu nghi vấn khẳng định… Không những thế, Nguyễn Kim Thản còn nhận diện các động từ khi chúng mang ý nghĩa mệnh lệnh thì chúng thể hiện lời yêu cầu, đề nghị hay mệnh lệnh của người nói/ người viết đối với người nghe/ người đọc

Hoàng Trọng Phiến (1980) trong công trình nghiên cứu Ngữ pháp tiếng Việt

đã phân loại câu tiếng Việt thành 4 loại: câu kể, câu cầu khiến, câu hỏi và câu than

gọi Về mặt hình thức, câu cầu khiến được nhận diện bằng một số phương tiện hư từ

và ngữ điệu Về mặt nội dung, câu cầu khiến nói lên ý muốn của chủ thể phát ngôn và yêu cầu người nghe đáp lại bằng hành động

Nhà nghiên cứu Diệp Quang Ban trong Ngữ pháp tiếng Việt, tập 2 (2002) đã

phân loại câu tiếng Việt thành bốn loại: câu tường thuật, câu nghi vấn, câu mệnh lệnh

và câu cảm thán Theo tác giả, câu cầu khiến bày tỏ ý muốn nhờ hay bắt buộc người

nghe thực hiện điều được nêu lên trong câu Loại câu này có những hình thức nhất định: phụ từ mệnh lệnh đứng trước vị từ và ngữ điệu mệnh lệnh

Trang 13

Hồ Lê (Cú pháp tiếng Việt – 1992) quan niệm mỗi câu phát ra đều phải theo

bốn định hướng: trần thuật, nghi vấn, cầu khiến và cảm thán Đối với câu cầu khiến,

người nghe phải nhận ra điểm cầu khiến trong câu và chuẩn bị cho hành động phản ứng Tuy phân loại câu như vậy nhưng tác giả Hồ Lê cho rằng đây không phải là cách

phân loại câu theo mục đích nói năng vì mục đích nói năng không thể nào là một

phạm trù rõ và được xác định bằng quan hệ ngữ nghĩa – cú pháp cả Từ đó, tác giả

căn cứ vào đặc điểm ngữ nghĩa – ngữ pháp của câu để chia câu cầu khiến ra làm bốn tiểu loại nhỏ:

- Câu mệnh lệnh

- Câu yêu cầu

- Câu khuyên răn

- Câu dặn dò

Tuy nhiên, theo lý thuyết về hành động ngôn từ của J Searle (1969) thì không phải lúc nào kiểu câu cũng phù hợp với mục đích phát ngôn của người nói Muốn xác định chính xác mục đích phát ngôn ấy, người nghe phải dựa vào nhiều yếu tố không hiện diện trong lời nói như ngữ cảnh… Vì thế, suy cho cùng, cách phân loại câu của các nhà nghiên cứu theo quan điểm ngữ pháp truyền thống cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng

Thiện Giáp, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân… lại tiến hành phân loại câu theo hành động ngôn trung

Nguyễn Thiện Giáp trong Dẫn luận ngôn ngữ học (1997) đã tách biệt đơn vị

câu và đơn vị phát ngôn trước khi tiến hành phân loại chúng Phát ngôn là biến thể của câu trong lời nói Khi xem xét phát ngôn dựa vào hành động ngôn trung và mục

Trang 14

đích giao tiếp đơn thuần của nó, tác giả này chia phát ngôn ra làm bốn tiểu loại: phát

ngôn nghi vấn, phát ngôn mệnh lệnh, phát ngôn cảm thán và phát ngôn tường thuật

Theo tác giả, với cách phân tích này, một phát ngôn hỏi hay phát ngôn tường thuật cũng có thể trở thành một phát ngôn cầu khiến…

Trước đó, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê đã có sự đổi mới khi phân

loại câu tiếng Việt Hai tác giả này không phân loại câu theo mục đích nói mà phân

loại câu theo ngữ điệu thành câu có giọng thường, giọng hỏi và giọng biểu cảm

Sau đó, Cao Xuân Hạo, Bùi Mạnh Hùng phân loại câu theo trường phái ngữ pháp chức năng Chịu ảnh hưởng lý thuyết hành động ngôn từ của J Austin, J Searle,

Cao Xuân Hạo trong Sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991) cho rằng sự phân loại câu

theo mục đích nói là hoàn toàn không đúng với thực tế sử dụng của ngôn ngữ Từ đó,

dựa trên hình thức ngữ pháp, tác giả phân chia câu tiếng Việt thành hai loại lớn: câu

trần thuật và câu nghi vấn Còn câu cầu khiến là một tiểu loại của câu trần thuật khác

với các tiểu loại khác về tình thái Cũng theo Cao Xuân Hạo, câu hỏi gần với câu

mệnh lệnh nhiều hơn vì cả hai loại câu này đều nhằm yêu cầu người nghe làm việc gì đó Hỏi là yêu cầu cung cấp thông tin còn mệnh lệnh thì có thể yêu cầu một hành động bất kỳ Tuy nhiên, khi đưa ra cách phân loại này, tác giả cũng nhấn mạnh rằng

phần lớn giá trị ngôn trung này lệ thuộc quá nhiều vào ngôn cảnh

Trong bài viết Bàn về vấn đề phân loại câu theo mục đích phát ngôn, tác giả

Bùi Mạnh Hùng quan niệm trong cấu trúc của câu bao giờ cũng có phương tiện ngôn

ngữ giúp ta quy câu về một kiểu nhất định gắn với mục đích phát ngôn (lực ngôn trung) điển hình Theo đó, tác giả phân loại câu theo dấu hiệu hình thức gắn với mục đích phát ngôn điển hình Dựa trên ba tiêu chí: không xét một câu nào đó vào hai kiểu câu

khác nhau, mỗi kiểu câu có một hình thức riêng mà kiểu câu khác không có, không

coi ngữ điệu là phương tiện đánh dấu kiểu câu, tác giả cho rằng câu cầu khiến không

Trang 15

nhất thiết phải được xác lập thành một kiểu câu riêng Sau đó vì quan niệm rằng hành

động cầu khiến là hành động mà bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có nên tác giả đưa ra khái niệm câu cầu khiến trong sự phân biệt giữa câu cầu khiến (dựa vào dấu hiệu hình thức) và hành động cầu khiến (dựa vào lực ngôn trung)

Ở trên, luận văn đã điểm qua một số công trình nghiên cứu có liên quan đến lịch sự, hành động cầu khiến và câu cầu khiến Dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung, hầu hết các nhà nghiên cứu Việt ngữ học đều thống nhất với nhau: hành động cầu khiến được thể hiện qua “câu cầu khiến” Qua những công trình nghiên cứu đó, chúng tôi cũng nhận thấy các nghiên cứu về lịch sự trên ngữ liệu tiếng Việt, đặc biệt là trong hành động cầu khiến còn quá khiêm tốn Vì vậy, trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành tựu đã có, luận văn này tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vấn đề lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt

0.3 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Cho đến nay, việc nghiên cứu về tính lịch sự trong lời cầu khiến tiếng Việt vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ và thành tựu chưa nhiều

Như đã trình bày ở phần trên, cầu khiến là một khái niệm rộng và nó có nhiều nét nghĩa khác nhau Cách thức thể hiện nội dung cầu khiến trong ngôn ngữ cũng vô cùng đa dạng, phong phú Tuỳ theo vị thế xã hội, bối cảnh và nội dung cầu khiến mà người Việt lựa chọn cách cầu khiến phù hợp làm cho lời cầu khiến có hiệu quả cao nhất Đó chính là cách cầu khiến lịch sự

Do tính phức tạp của vấn đề, do hạn chế nguồn tài liệu nghiên cứu cũng như trình độ hiểu biết của người viết nên luận văn này chỉ tập trung miêu tả các hành động cầu khiến và cách thể hiện lịch sự các hành động cầu khiến trong tiếng Việt sau khi làm rõ các khái niệm liên quan đến lịch sự và hành động cầu khiến

Trang 16

0.4 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN NGỮ LIỆU

0.4.1 Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nội dung nghiên cứu trên, luận văn này sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp với đặc trưng của chuyên ngành lí luận ngôn ngữ Ngoài những thủ pháp nghiên cứu khoa học chung như: quan sát, sưu tầm, thu thập ngữ liệu, nhạän xét, phân loại… , luận văn chủ yếu vận dụng xuyên suốt những phương pháp sau:

0.4.1.1 Phương pháp phân tích ngữ pháp – ngữ nghĩa – ngữ dụng

Tính lịch sự trong giao tiếp bị chi phối bởi nhiều yếu tố Do đó, khi nghiên cứu một ngôn bản nào đó, chúng tôi xem xét đơn vị này không chỉ dựa vào cấu trúc bên trong của nó mà còn dựa vào cả các yếu tố bên ngoài chi phối đến mức độ lịch sự của phát ngôn

Cụ thể, luận văn này sẽ dùng các thủ pháp ngữ nghĩa – ngữ pháp – ngữ dụng học, trong đó chủ yếu là thủ pháp ngữ dụng học, để phân tích các vai giao tiếp, ngữ cảnh và hiệu quả cầu khiến dựa trên các yếu tố trong và ngoài ngôn ngữ

0.4.1.2 Phương pháp miêu tả

Phương pháp miêu tả là phương pháp chiến lược trong luận văn này Các nhận định đưa ra đều dựa chủ yếu vào kết quả phân tích, miêu tả ngữ liệu – phần lớn là lời nói được sưu tầm trong đời sống của người Việt

0.4.1.3 Phương pháp đối chiếu

Phương pháp này được sử dụng để tìm hiểu những nét tương đồng và dị biệt trong các hình thức diễn đạt tính lịch sự trong tiếng Việt

0.4.2 Nguồn ngữ liệu

Ngữ liệu trong luận văn này được thu thập từ các nguồn sau:

Trang 17

- Trong các tác phẩm văn học, sách báo, tạp chí

0.5 CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN :

Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận, Phụ lục và danh mục Tài liệu tham khảo, luận văn gồm hai chương:

Chương 1: Tổng quan về lịch sự ngôn ngữ và hành động cầu khiến

Chương 2 : Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt

Ở chương 1, chúng tôi tìm hiểu những vấn đề liên quan đến lịch sự trong ngôn ngữ; khái niệm “cầu khiến”ø, “hành động cầu khiến” và “cầu khiến lịch sự”

Sang chương 2, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, phân loại các hành động cầu khiến chủ yếu trong tiếng Việt dựa trên tính lịch sự âm tính hay dương tính, xem xét chúng trong mối quan hệ với lịch sự rồi từ đó miêu tả cách biểu hiện lịch sự của các hành động ấy

Trang 18

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỰ NGÔN NGỮ

VÀ HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN

Hoạt động giao tiếp xuất hiện ngay từ khi con người bắt đầu tồn tại Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người đã dùng nhiều phương tiện khác nhau để thực hiện việc giao tiếp như ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, các loại tín hiệu (tín hiệu giao thông, tín hiệu hàng hải…), âm thanh trong âm nhạc, màu sắc trong hội họa… , trong đó ngôn ngữ dần dần đã chứng tỏ khả năng truyền tải thông tin vượt trội của mình so với các phương tiện khác Từ đó, ngôn ngữ trở thành phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người Nhờ ngôn ngữ, con người có thể trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả Hơn thế nữa, thông qua ngôn ngữ, người ta có thể đánh giá được trình độ văn hóa của cả một cộng đồng Xã hội ngày càng văn minh thì nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ càng phải được trau dồi Chẳng phải

ngẫu nhiên mà ngay từ thuở xa xưa ông cha ta đã dạy con cháu “học ăn, học nói”

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội Tất cả chúng ta đang chung sống trong một cộng đồng với nhiều mối quan hệ xã hội Với mỗi mối quan hệ, chúng

ta có cách ứng xử, giao tiếp thích ứng để không làm phiền lòng người khác và cũng để thể hiện phép lịch sự, tế nhị của con người trong thời đại mới

Tại sao cùng một nội dung yêu cầu nhưng khi dùng cách nói này thì yêu cầu được thực hiện, còn khi dùng cách nói khác thì không? Tìm hiểu lý thuyết lịch sự trong hội thoại, chúng ta sẽ có câu trả lời

1.1 LỊCH SỰ NGÔN NGỮ

Trang 19

1.1.1 Khái niệm

1.1.1.1 Khái niệm lịch sự

Lịch sự (politeness) là một nhu cầu trong xã hội, đặc biệt là trong xã hội văn minh Nó tác động, chi phối đến quá trình giao tiếp và cả đến hiệu quả giao tiếp Vì thế, các nhà ngôn ngữ học đều xem nó là thuộc tính của diễn ngôn

Có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về lịch sự từ những góc nhìn khác nhau như: Robin Lakoff, Geoffery Leech, Evring Goffman, Stephen Levinson – Penelop Brown… Trong mỗi công trình nghiên cứu, các tác giả, tuỳ theo quan niệm của mình mà đưa ra những khái niệm khác nhau về lịch sự Sau đây, luận văn sẽ nêu ra một số khái niệm về lịch sự của vài tác giả tiêu biểu

“Lịch sự là những chiến lược nhằm duy trì hay thay đổi quan hệ liên cá nhân”

(G Green) [8]

“Lịch sự như là một phương thức để giảm thiểu sự xung đột trong diễn ngôn (…), Những chiến lược lịch sự có nhiệm vụ đặc biệt là làm cho cuộc tương tác được thuận lợi” (R Lakoff) [8]

“Phép lịch sự liên quan tới quan hệ giữa hai người tham gia giao tiếp mà chúng

ta có thể gọi là ta và người” Cụ thể, lịch sự có chức năng “gìn giữ sự cân bằng xã

hội và quan hệ bè bạn, những quan hệ này khiến chúng ta có thể tin rằng người đối thoại với chúng ta tỏ ra trước hết là cộng tác với chúng ta” (G Leech) [8]

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy quan niệm về lịch sự của P Brown & S Levinson là rõ ràng hơn cả

“Lịch sự chỉ bất cứ phương thức nào được dùng để tỏ ra lưu ý đến tình cảm

(feelings) hay là thể diện của nhau trong hội thoại, bất kể khoảng cách xã hội giữa người nói và người nghe như thế nào”(P Brown & S Levinson)

Trang 20

1.1.1.2 Vai giao tiếp

“Vai giao tiếp” là một thuật ngữ dùng để biểu hiện vị thế xã hội của những

người tham gia hội thoại Có thể nói rằng khái niệm “vai giao tiếp” gắn liền với khái niệm lịch sự bởi vì tính lịch sự của lời nói phụ thuộc rất nhiều vào vị thế xã hội (tuổi tác, giới tính, cương vị xã hội) của người nói và người nghe

Trong quan hệ vai, mỗi tham thoại có một số diễn đạt mang tính cá nhân tương thích với vị thế xã hội của nó Khi một cá nhân chuyển từ cương vị xã hội này sang cương vị xã hội khác thì cá nhân đó đồng thời chuyển sang một mã giao tiếp khác phù hợp với cương vị mới Nói như vậy để thấy rằng vai giao tiếp của người nói và người nghe chi phối rất lớn đến dấu ấn trong ngôn ngữ giao tiếp

Vai giao tiếp thường được phân thành 2 nhóm: vai thường xuyên và vai lâm thời

Căn cứ vào mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên trong hội thoại, có thể chia quan hệ vai thành 2 nhóm: vai người nói ngang hàng với vai người nghe và vai người nói không ngang hàng với vai người nghe (vai người nói thấp hơn vai người nghe, vai người nói cao hơn vai người nghe)

Trong giao tiếp, có nhiều phương tiện ngôn ngữ biểu hiện tính lịch sự trong ứng xử vai giao tiếp tiếng Việt như dùng các đại từ xưng hô, tên riêng, từ chỉ chức danh, chức vụ… Để có phát ngôn thỏa đáng, phù hợp với chuẩn mực xã hội, những người nói phải nhận thức được bản thân mình trong quan hệ với người đối thoại, đồng thời phải phán đoán được đúng hình ảnh xã hội của người đối thoại đó

Thực ra, còn có nhiều yếu tố khác liên quan đến lịch sự và giao tiếp như nội dung được đề cập đến trong hội thoại, mục đích của hội thoại… mà chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau khi cần thiết

Trang 21

1.1.2 Các phương châm lịch sự

Để hoạt động giao tiếp đạt hiệu quả, những người tham gia vào quá trình giao tiếp cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định Đó là “giảm tới mức tối thiểu những cách nói không lịch sự và tăng tới mức tối đa những cách nói lịch sự” (G Leech) Như vậy, để có một phát ngôn lịch sự, người nói cần điều chỉnh mức lợi – thiệt nhằm đảm bảo sự cân bằng trong quan hệ liên cá nhân giữa người nói và người nghe Dựa trên bốn phương châm hội thoại của P Grice (phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm về sự thích hợp, phương châm về cách thức), G Leech đã cụ thể hóa nguyên tắc trên thành sáu phương châm lịch sự như sau:

- Phương châm khéo léo (tact maxim): Giảm đến mức tối thiểu những điều

thiệt và tăng tối đa những điều lợi cho người

- Phương châm hào hiệp (generosity maxim): Giảm đến mức tối thiểu những

điều lợi và tăng tối đa những điều thiệt cho ta

- Phương châm tán thưởng (approbation maxim): Giảm đến mức tối thiểu

những lời chê, tăng đối đa những lời khen cho người

- Phương châm khiêm tốn (modesty maxim): Giảm tối thiểu việc khen ta, tăng

tối đa việc chê ta

- Phương châm tán đồng (agreement maxim): Giảm đến mức tối thiểu sự bất

đồng, tăng tối đa sự đồng ý giữa ta và người

- Phương châm cảm thông (sympathy maxim): Giảm đến mức tối thiểu ác

cảm, tăng tối đa thiện cảm giữa ta và người

Phương châm khéo léo và phương châm hào hiệp được sử dụng khi thực hiện hành động thỉnh cầu hay cam kết còn phương châm tán thưởng thường được sử dụng trong hành vi biểu cảm

Trang 22

Điểm chung giữa các phương châm khiêm tốn, tán đồng, cảm thông là sự tương phản giảm – tăng về việc khen – chê, bất đồng – tán đồng, không thiện cảm – thiện cảm hướng về người nói và người nghe

Thực tế, có nhiều tình huống mà những người tham gia giao tiếp khó có thể tuân thủ trọn vẹn tất cả các phương châm này Trong trường hợp ấy, họ sẽ sử dụng các chiến lược lịch sự dương tính và lịch sự âm tính (mà chúng tôi sẽ nêu ra ở phần sau) để bảo đảm cho cuộc thoại được thành công Ví dụ, để người nghe dễ chấp nhận lời mời của mình, người nói thường thực hiện chiến lược “giảm tối thiểu điều thiệt và

tăng tối đa điều lợi cho mình” như “Mai cậu phải qua nhà tớ ăn tối đấy nhé, không có

cậu tớ buồn lắm”

1.1.3 Thể diện với lịch sự

Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày của người Việt, ta thường bắt gặp các câu nói như “Đừng làm mất thể diện của tôi đấy”, “Nể mặt anh…”, “Xấu mặt chưa!”…

Qua đó ta có thể nhận thấy “thể diện” (face) và “giữ thể diện” (face saving) là hai

khái niệm quan trọng gắn liền với nguyên lý lịch sự trong hội thoại Chúng được xem như là động lực chính để con người ứng xử lịch sự trong khi tham gia vào quá trình giao tiếp

Erving Goflman (1973), người đầu tiên đề cập đến khái niệm thể diện, đã đưa

ra định nghĩa “thể diện là cái giá trị xã hội tích cực mà một người muốn người khác

nghĩ mình có được trong một tình huống giao tiếp cụ thể” Vì thế, khi giao tiếp, mỗi

người cần thực hiện những điều để cho hành động của mình giữ được thể diện của mọi người, kể cả của chính mình Do vậy, ý muốn bảo toàn thể diện, sự lo ngại mất thể diện luôn là đặc trưng tâm lí chung của tất cả mọi người Và phương thức giữ thể diện hữu hiệu nhất chính là lịch sự

Trang 23

Phát triển quan niệm của E Goflman, P Brown & S Levinson, trong công

trình nghiên cứu của mình, cho rằng thể diện là “một hình ảnh về ta công cộng mà

mỗi thành viên trong xã hội muốn mình có được” [8] Nó thể hiện bằng một sự tổng

hòa của hai loại mong muốn: mong muốn thân hữu (thể diện dương tính/ positive face) và mong muốn được tôn trọng (thể diện âm tính / negative face)

1.1.3.1 Thể diện dương tính

Theo George Yule, “thể diện dương tính của một người là sự cần được người

khác thừa nhận, thậm chí quý mến, được đối xử như là một thành viên trong nhóm đó, và được biết rằng những nhu cầu của mình đang được người khác chia sẻ” [88, 121]

Nói cách khác, thể diện dương tính chính là nhu cầu, là mong muốn hình ảnh cái tôi của mình được người khác xác nhận, bênh vực và ủng hộ

1.1.3.2 Thể diện âm tính

Thể diện âm tính là “mong muốn được tự do hành động, không bị người khác áp

đặt” [88, 121] Đó là nhu cầu “được người khác tôn trọng sự riêng tư cá nhân, quyền tự chủ, quyền tự do hành động và từ chối” (P Brown & S Levinson)

Thể diện âm tính còn được gọi là thể diện “lãnh địa của cái tôi” (theo quan

điểm của E Goffman) Lãnh địa này bao gồm cả lãnh địa vật chất và lãnh địa tinh thần Trong quá trình giao tiếp, người nói luôn có ý thức tôn trọng, không xâm phạm đến “lãnh địa của cái tôi” của người nghe Hành động này được gọi là “giữ thể diện”

1.1.3.3 Hành vi đe dọa thể diện

Như trên vừa nêu, trong giao tiếp người nói luôn có ý thức “giữ thể diện” cho người khác Thế nhưng phần lớn các hành vi ngôn ngữ đều tiềm ẩn khả năng làm

Trang 24

thương tổn đến thể diện của người khác P Brown & S Levinson gọi chúng là những hành vi đe dọa thể diện (face threatening acts) Các tác giả này đã phân chia các hành vi đe dọa thể diện thành bốn loại sau:

phê bình

khuyên răn, doạ nạt…

bai, chế giễu…

Khi một hành vi đe dọa thể diện được thực hiện thì nó có thể đồng thời đe dọa

tất cả các khía cạnh thể diện đã nêu Ví dụ trong hành vi cầu khiến “Bẩm quan lớn,

xin quan lớn đèn trời soi xét” bao hàm hành vi đe doạ thể diện âm tính của người

nghe (tính áp đặt) nhưng đồng thời lại tôn vinh thể diện dương tính của họ và hạ thấp thể diện của người nói

1.1.4 Các chiến lược lịch sự

Cũng như G Leech (1983) coi lịch sự là sự bù đắp những hao tổn, thiệt thòi do người nói gây ra cho người đối thoại, P Brown & S Levinson cho rằng lịch sự là phương tiện hữu hiệu nhất để cứu vãn thể diện cho người nghe khi hành vi ở lời trong phát ngôn của người nói tiềm tàng sự đe dọa thể diện Mức độ đe dọa thể diện được

đánh giá bằng ba thông số : tương quan quyền lực, khoảng cách xã hội giữa người nói và người nghe cũng như mức độ áp đặt của các hành vi ở lời ấy Đánh giá đúng

mức độ đe doạ thể diện dựa vào ba thông số này, người nói sẽ dùng các chiến lược

Trang 25

lịch sự phù hợp để đạt hiệu quả giao tiếp tốt nhất Nhìn chung có hai chiến lược lịch sự là lịch sự âm tính và lịch sự dương tính

1.1.4.1 Chiến lược lịch sự âm tính

Chiến lược lịch sự âm tính (negative politeness strategy) hướng vào thể diện âm tính, vào lãnh địa của người tiếp nhận Có thể nói rằng đây là chiến lược có tính né tránh, không dùng những hành vi làm phương hại tới thể diện của người khác hoặc bù đắp, giảm nhẹ mức độ của các hành vi này trong trường hợp phải bắt buộc dùng chúng trong phát ngôn Khi sử dụng phép lịch sự âm tính, người nói có khuynh hướng tỏ rõ sự tôn trọng, nhấn mạnh quyền tự do của người nghe

Theo P Brown & S Levinson, cụ thể có 10 chiến lược lịch sự âm tính như sau:

thể gởi lại tôi số tiền cậu đã mượn hôm trước không?Dạo này tôi kẹt quá

một lần nữa được không?

Dậy đi thôi

nghe: Tôi vô cùng biết ơn anh vì anh đã giúp tôi làm xong giấy tờ nhà hoặc thể hiện

Trang 26

người nghe không phải chịu ơn người nói về việc người nói đã giúp đỡ người nghe

làm việc gì đó: Việc bé xíu ấy mà, có gì đâu mà ơn với huệ

Trong quá trình khảo sát các cứ liệu ngôn ngữ trong tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy chiến lược lịch sự âm tính được vận dụng nhiều khi người nói thực hiện hành vi cầu khiến Vấn đề này chúng tôi sẽ trở lại ở phần sau

1.1.4.2 Chiến lược lịch sự dương tính

Chiến lược lịch sự dương tính (positive politeness strategy) hướng vào thể diện dương tính của người nghe nhằm thực hiện những hành vi tôn vinh thể diện, là những hành vi làm gia tăng một trong hai thể diện của người nghe Khi sử dụng chiến lược lịch sự dương tính người nói cũng đồng thời làm gia tăng thể diện của mình bằng cách cố ý nhấn mạnh mục đích phát ngôn, để người nghe nhận thấy người nói có cùng mong muốn, mục đích như mình

Chiến lược lịch sự dương tính được hiện thực hoá bằng 15 chiến lược giao tiếp cụ thể:

nhỉ?

đấy

lắng Nó không sao đâu

Bố ơi, vào quán của con uống miếng nước tránh nắng đi bố

cùng quan tâm: Cậu còn nhớ Long “xóm chài” không? Hôm qua tớ vừa gặp lại nó đó

Nó có hỏi thăm cậu

Trang 27

- Tránh sự bất đồng: Em hy vọng là anh có thể gia hạn cho em thêm vài

ngày nữa

điện cho em nha?

nên hôm qua thấy nó ở chợ là mình mua ngay giùm nhỏ đó

sao đâu Ngày nào tớ chẳng bị sếp la

Ngoài các chiến lược này, khi nghiên cứu trên nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là trên ngữ liệu tiếng Việt, Nguyễn Quang đã phát hiện thêm hai chiến lược lịch sự dương tính là “an ủi, khích lệ” và “thăm hỏi chuyện riêng tư” Cả hai chiến lược này đều có tác dụng rút ngắn khoảng cách giữa người nói và người nghe khi cả hai tham gia vào quá trình giao tiếp Riêng chiến lược “thăm hỏi chuyện riêng tư” là chiến lược thường được sử dụng trong phần đầu của hoạt động giao tiếp Nhờ nó, người nói có thể dễ dàng đưa ra hành động cầu khiến và hành động này cũng dễ đạt được sự đồng tình từ phía người nghe hơn Nhưng trong luận văn này, do chỉ khảo sát trên phát ngôn có hành động ngôn trung là cầu khiến nên vấn đề này sẽ không được tiếp tục xem xét

Trang 28

1.1.5 Lịch sự và văn hóa

Lịch sự là một khái niệm có quan hệ mật thiết với phạm trù văn hóa Một hành động, cử chỉ, lời nói được cho là lịch sự ở nền văn hóa này lại có thể bị coi là bất lịch sự, thậm chí “phỉ báng” ở một nền văn hoá khác Ví dụ, hành động mở quà ngay sau khi được tặng được xem là lịch sự ở các nước phương Tây nhưng lại bị xem là không lịch sự ở nhiều nước phương Đông; lá dương xỉ được coi là biểu tượng của sự may mắn đối với người Nhật, nhưng với người Nga, nó lại vật tượng trưng cho bất hạnh, chết chóc…

Ngôn ngữ là một nét văn hóa đặc sắc Mỗi dân tộc có một cách sử dụng ngôn

ngữ riêng Ví dụ, người Anh hay người Mỹ chỉ sử dụng duy nhất một từ “you” chỉ

ngôi thứ hai trong giao tiếp, cho dù người đối thoại là vị một tổng thống đầy quyền lực hay là một tên tội phạm bị tước mất quyền công dân Trong khi đó, người Việt lại

có rất nhiều từ xưng hô để chỉ đối tượng giao tiếp như ông, bà, anh, chị, bạn, chú, bác,

giám đốc, cô giáo… Điều đó cho thấy, trong tâm thức của mình, người Anh, Mỹ đề

cao tính bình đẳng trong giao tiếp còn người Việt lại đề cao tính tôn ty, trật tự trong gia đình, xã hội Vì thế, trong giao tiếp tiếng Việt, nếu người nói chọn từ xưng hô không phù hợp với đối tượng giao tiếp sẽ bị xem là mất lịch sự hay vô phép

Trong mỗi nền văn hóa, khái niệm lịch sự cũng có thể thay đổi theo không gian và thời gian do sự vận động nội tại của bản thân nền văn hoá ấy, hoặc do sự hấp thụ các giá trị xã hội từ các nền văn hóa khác qua quá trình giao lưu Ví dụ, cách đây vài

thập kỷ, hai cặp đại từ xưng hô: mày – tao, mi – tớ được bọn quý tộc, quan lại, địa

chủ… dùng để xưng hô với các tầng lớp thấp của xã hội mà chúng gọi là “bọn hạ lưu” nhưng hiện nay, các cặp xưng hô này thường xuyên được những người có vai giao tiếp ngang bằng nhau sử dụng trong cuộc thoại để thể hiện tình cảm thân mật giữa người nói và người nghe Hơn thế nữa, trong cùng một bối cảnh không gian và thời gian,

Trang 29

nhưng tiêu chí để đánh giá mức độ lịch sự trong phát ngôn của người lớn tuổi cũng khác với người nhỏ tuổi, của nam giới cũng khác với nữ giới Người ở tuổi năm mươi nếu dùng từ xưng hô “mày – tao” với bạn bè sẽ bị xem là mất lịch sự, nhưng nếu là người trẻ tuổi thì việc xưng hô “mày – tao” lại làm cho những người tham gia giao tiếp cảm thấy gần gũi hơn

Kinh tế càng phát triển, tốc độ giao lưu văn hoá càng tăng nhanh, làm cho các nền văn hóa trở nên xích lại gần nhau hơn Một chuẩn mực chung về lịch sự được hình thành bên cạnh những quy ước về hành vi lịch sự của riêng từng nền văn hóa Vì thế, việc tìm hiểu cách ứng xử lịch sự trong từng nền văn hóa vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà ngôn ngữ học hiện đại

Trên đây là một số vấn đề cơ bản có liên quan đến phép lịch sự Có thể nhận thấy rằng lịch sự với những nguyên lý, quy tắc của nó đã chi phối rất lớn đến hiệu quả của quá trình giao tiếp

1.2 CẦU KHIẾN VÀ HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN

1.2.1 Khái niệm

1.2.1.1 Khái niệm cầu khiến

Suy cho cùng, lý do tồn tại thật sự của ngôn ngữ là giao tiếp Mà giao tiếp bao giờ cũng gắn liền với một ngữ cảnh nhất định Trong thực tế, ta thấy cùng một câu nói nhưng tùy theo ngữ cảnh mà người nghe có những cách hiểu khác nhau

Ví dụ: Phát ngôn “Trời lạnh quá” có thể được hồi đáp bằng các hành động

khác nhau :“đóng cửa sổ”, “bật lò sưởi”, hay “lấy giùm áo lạnh”

Trang 30

Hoặc cùng là một yêu cầu “mở cửa sổ” nhưng được diễn đạt bằng nhiều cách

như: “Mở cửa sổ ra đi”, “Làm ơn mở giùm mình cửa sổ”, “Cho chút gió đi”, “Trời

nóng quá”, “Bạn có thể mở giùm tôi cánh cửa sổ đó không?”…

Về mặt hình thức, các phát ngôn trên chia làm ba loại: hỏi, cầu khiến và khẳng định, nhưng về mặt nội dung, chúng lại hoàn toàn giống nhau: đưa ra một lời yêu cầu

Một vấn đề được đặt ra: phải phân loại các phát ngôn này như thế nào?

Trong công trình nghiên cứn “How to do thing with words?”, J Austin đã bày tỏ

quan điểm “To say is to do something” (Nói là hành động) Khi chúng ta nói là chúng

ta đã thực hiện một hành động bằng ngôn ngữ và hành động đó được các nhà nghiên cứu gọi là “hành động ngôn từ” Theo J Austin, có ba loại hành động ngôn từ:

- Hành động tạo lời (locutionary act): là hành động sử dụng các yếu tố ngôn ngữ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, để tạo nên câu nói

- Hành động tại lời (illocutionary act): là hành động mà người nói thực hiện ngay khi nói Ví dụ khi người nói đưa ra một câu hỏi là họ đồng thời thực hiện một hành động hỏi… Hành động này chính là hành động ngôn trung, là đích của lời nói vì nó là cốt lõi của hành động ngôn từ

- Hành động mượn lời (perlocutionary act): là hành động người nói thông qua phát ngôn để tác động đến tư tưởng, tình cảm của người nghe

Khi phân loại các hành động ngôn từ, J Austin chỉ phân loại các hành động ngôn từ trực tiếp dựa trên các động từ ngôn hành hiện diện trong phát ngôn Từ mặt còn hạn chế của J Austin, J Searle đưa ra khái niệm “hành động ngôn từ gián tiếp”

Theo J Searle, hành động ngôn từ gián tiếp là một hành động ngôn từ “được thực

hiện bằng một hình thức của hành động ngôn từ khác” Nghĩa là lúc này, hành động

tại lời được thực hiện gián tiếp thông qua một hành động tại lời khác Từ đó, dựa trên nhiều tiêu chí, J Searle chia các hành động ngôn từ thành 5 tiểu loại nhỏ:

Trang 31

- Hành động tái hiện (representatives) là hành động miêu tả lại một sự tình

- Hành động điều khiển (directives) là hành động đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai và thể hiện mong muốn của người nói rằng người nghe sẽ thực hiện hành động đó

Ví dụ: Cậu lấy cho tớ cái nón

- Cam kết (commissives) là hành động mà người nói tự gán trách nhiệm cho mình là phải thực hiện một hành động nào đó trong tương lai

Ví dụ: Em hứa sẽ chép bài đầy đủ

- Bày tỏ (expressives) là hành động bày tỏ một trạng thái tâm lý nào đó

Ví dụ: Em xin lỗi anh

- Tuyên bố (declarations) là hành động gây ra một sự thay đổi nào đó bằng lời tuyên bố

Ví dụ: Thay mặt Ban tổ chức, tôi tuyên bố bế mạc đại hội

Tóm lại, hành động phát ngôn phân biệt các phát ngôn với nhau về phương diện mục đích nói và tác dụng trong giao tiếp Nó liên quan đến giá trị ngôn trung của câu nói, trong đó có sự phân biệt giữa “trần thuật”, “nghi vấn”, cầu khiến” và

“cảm thán”

Như vậy, cầu khiến là một hành động định hướng phát ngôn, hướng phát ngôn vào người nghe nhằm điều khiển hành vi của người nghe theo chủ ý của người nói

1.2.1.2 Khái niệm hành động cầu khiến

Cho đến nay vấn đề phân biệt và sử dụng các thuật ngữ “câu”, “câu nói”, “lời nói”, “phát ngôn” vẫn còn có những ý kiến khác nhau Nhưng chúng ta có thể thống nhất rằng khi nói/ viết chúng ta đã “phát ngôn” và mỗi lời nói của chúng ta ứng với một đơn vị được gọi là “câu” Nói cách khác, “phát ngôn” là đơn vị hiện thực của lời

Trang 32

nói trong giao tiếp còn “câu” là đơn vị trừu tượng, phi hiện thực của lời nói Trong luận văn này chúng tôi thống nhất dùng cả ba khái niệm “câu”, “lời” và “phát ngôn” Tuỳ theo từng trường hợp mà chúng tôi chọn lựa thuật ngữ nào để sử dụng

Như đã nói ở trên, cầu khiến là một loại hành động của phát ngôn Đơn vị nhỏ nhất của phát ngôn là “câu” Hành động cầu khiến trong câu được thể hiện qua một số phương tiện ngữ pháp – ngữ nghĩa – ngữ dụng nhất định Nhìn chung, cho đến nay, việc định nghĩa khái niệm “câu cầu khiến” hay “hành động cầu khiến” cũng còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi

Theo quan điểm của các nhà ngữ pháp học truyền thống, câu cầu khiến là loại câu được phân loại theo mục đích phát ngôn

Lê Văn Lý (1972) khảo sát nhận diện 13 loại câu trong tiếng Việt Trong đó,

có câu khuyến lệnh, là câu dùng để bộc lộ ý muốn của mình Việt ngữ có nhiều

phương tiện để làm thành câu khuyến lệnh, ta có thể sắp xếp các phương tiện đó vào

ba mục sau đây: giọng điệu, thành tự và trạng tự như đi, hãy, đừng, chớ …

Bùi Đức Tịnh trong Văn phạm Việt Nam quan niệm câu khuyến lệnh là những

câu dùng để khuyên mời hoặc ra mệnh lệnh.[75, 293]

Nguyễn Kim Thản (1964) trong cuốn Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập 2,

đã đưa ra khái niệm câu cầu khiến là câu dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị

Hoàng Trọng Phiến (1980) phân chia câu tiếng Việt ra thành bốn tiểu loại:

câu kể, câu cầu khiến, câu hỏi và câu than gọi Trong đó, tác giả cho rằng câu cầu

khiến không có những dấu hiệu ngữ pháp đặc biệt gì, ngoài một số phương tiện như hư từ và ngữ điệu Câu cầu khiến có nhu cầu của ý chí làm thành yếu tố thường trực của câu Nó nêu lên ý muốn của chủ thể phát ngôn và yêu cầu người nghe đáp lại bằng hành động Câu cầu khiến gắn liền với ý nghĩa hành động Nội hàm của khái niệm cầu khiến bao gồm sự mời mọc, yêu cầu, mệnh lệnh, cấm đoán và chúc tụng Câu cầu

Trang 33

khiến cũng có khẳng định và phủ định Hai dạng câu này có một số từ chuyên dùng để thể hiện.[53, 288]

Cũng thuộc quan niệm này, Diệp Quang Ban (1998) cho rằng câu mệnh lệnh

là câu dùng để bày tỏ ý muốn nhờ hay bắt buộc người nghe thực hiện điều được nêu lên trong câu và có những dấu hiệu hình thức nhất định [3, 235] Từ đó, tác giả phân

câu mệnh lệnh ra thành hai tiểu loại nhỏ: câu mệnh lệnh đích thực và câu mệnh lệnh lâm thời

- Câu mệnh lệnh đích thực là loại câu mệnh lệnh được tạo nên nhờ những phụ

từ tạo ý mệnh lệnh, ngữ điệu mệnh lệnh hoặc đảm bảo điều kiện là chỉ chứa những phụ từ hay vị từ liên quan đến nội dung của lệnh

- Câu mệnh lệnh lâm thời là những câu không phải là câu mệnh lệnh đích thực

nhưng mang nội dung mệnh lệnh Để nhận diện được những loại câu này, chúng ta phải dựa vào những dấu hiệu hình thức như ngữ điệu, phụ từ đi kèm hoặc một tình huống nói năng

Hồ Lê (1992) trong “Cú pháp tiếng Việt” đã phân câu cầu khiến thành bốn tiểu

loại nhỏ:

- Câu mệnh lệnh: Về ngữ nghĩa, nó buộc người khác phải thực hiện điều nó nói ra Về mặt cú pháp, câu thường do động từ hoặc tổ động từ đảm nhiệm, còn chủ ngữ thường bị tỉnh lược Câu rất ít sử dụng trợ từ, mà nếu có dùng thì trợ từ thích hợp là “đi” đặt ở cuối câu Ngữ điệu thường được xướng cao và mạnh

- Câu yêu cầu: Về ngữ nghĩa nó nhắc nhở người khác về một điều gì đó Về mặt cú pháp, câu thường có kết nối đề – thuyết và thường dùng những động từ tâm lí như: cần, phải, cần phải

Trang 34

- Câu khuyên răn: Về ngữ nghĩa, nó bảo ban người khác về một điều gì đó Về mặt cú pháp, câu thường có kết cấu đề thuyết và thường dùng những động từ tâm lý như cần/ cần phải, phải, nên …

- Câu dặn dò: Về ngữ nghĩa nó nhắc nhở người khác về một điều gì đó Về cú pháp, câu thường có kết cấu đề – thuyết và thường dùng động từ “nhớ”, phụ từ “hả” và trợ từ “nhé”, “nghe”, “nghen”[46, 422-425]

Dựa vào lý luận hành động ngôn từ của J Austin, J Searle… các nhà ngữ dụng học không phân loại câu theo mục đích phát ngôn như các nhà ngữ pháp truyền thống mà chỉ khảo sát hành động ngôn trung của các phát ngôn

Nguyễn Thiện Giáp trong “Dụng học Việt ngữ” đưa ra khái niệm cầu khiến là

hành động mà người nói sử dụng để khiến người nghe làm cái gì đó Hành động này được thể hiện ở những câu mà nhờ chúng mà người nói khiến cho người nghe làm một việc gì.[25, 48]

Cao Xuân Hạo (1991) trong cuốn Sơ thảo ngữ pháp chức năng phân loại câu

theo hành động ngôn trung Dựa trên lực ngôn trung, tác giả phân loại câu tiếng Việt

ra làm hai loại lớn: câu trần thuật và câu nghi vấn Theo Cao Xuân Hạo, câu cầu khiến là một tiểu loại của câu trần thuật khác các tiểu loại khác về tình thái

Nối tiếp quan điểm này, Bùi Mạnh Hùng trong bài viết Bàn về vấn đề phân

loại câu theo mục đích phát ngôn (Ngôn ngữ số 2/2003) cho rằng câu cầu khiến không nhất thiết phải được xác lập thành một kiểu câu riêng Tuy nhiên, do hành động yêu cầu, đề nghị, ra lệnh… là hành động thường xuyên và quan trọng đến mức không có ngôn ngữ nào trên thế giới thiếu kiểu câu này nên tác giả cũng định nghĩa câu cầu khiến là câu có từ cầu khiến như hãy/ đừng/ chớ và chủ thể của hãy/ đừng/ chớ bao giờ cũng ở ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ nhất số nhiều; có khả năng thêm hãy/ đừng/ chớ vào những câu đã nêu trên

Trang 35

Nguyễn Văn Độ thì định nghĩa Hành động thỉnh cầu là việc người nói phát ra

tín hiệu bằng ngôn ngữ nhằm chuyển tới người nghe một ý định, một sự mong mỏi hay một yêu cầu kèm theo thái độ của người nói sao cho người nghe thực hiện một hành động nào đó vì lợi ích của người nói, đôi khi vì lợi ích của cả người nghe.[19, 44]

Nguyễn Văn Độ chia hành động thỉnh cầu làm hai phần, phần cốt lõi (phần

hiện thực thỉnh cầu) và phần ngoại biên (phần làm tăng hoặc giảm lực thỉnh cầu gọi là những yếu tố làm biến đổi lực ngôn trung của thỉnh cầu [19, 44])

Vũ Thị Thanh Hương trong bài Chiến lược lịch sự thay đổi mức độ lợi – thiệt

trong lời cầu xin tiếng Việt (Ngôn ngữ số 10/ 2000) đã khẳng định cầu khiến là loại hành vi ngôn từ được người nói sử dụng nhằm điều khiển người nghe hành động theo chủ ý của mình Tùy theo lực ngôn trung và hiệu lực suy ngôn của chúng, các hành vi cầu khiến có thể có những tác động tích cực (làm lợi) hay tiêu cực (làm thiệt) khác nhau cho người nói và người nghe [40, 39]

Lê Đình Tường (KHXH, số 2B/2003) định nghĩa phát ngôn cầu khiến là loại

phát ngôn ngữ vi, tức phát ngôn mà khi thực hiện nó, vai trao không những thực hiện hành động mà còn thông báo cho vai nhận về hành động mà vai nhận hoặc vai trao cùng vai nhận cùng thực hiện.[82, 64]

Khảo sát một số câu cầu khiến tiếng Việt ta thấy tuy cùng thuộc một hành động ngôn trung nhưng các câu cầu khiến này có nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau

Khi đề cập đến vấn đề này, tác giả Đỗ Hữu Châu phân biệt khẩn cầu “xin” và “ra

lệnh” tuy cùng đích ở lời nhận được hành động C ở B nhưng hiệu lực khác nhau :

“lệnh” có tính cưỡng bức, khẩn cầu “xin” không có tính cưỡng bức mà trông vào “lòng tốt”, “thiện ý” của B.[8]

Tóm lại, trong các công trình nghiên cứu của mình, các nhà ngữ dụng học đã nhấn mạnh đến hành động tại lời của phát ngôn cầu khiến Như đã nói, cầu khiến là

Trang 36

loại hành động mang tính đe dọa thể diện cao Chính vì vậy, khi thực hiện hành động này chúng ta cần phải lựa chọn phương thức thích hợp để thoả mãn yêu cầu lịch sự Nhờ đó, hoạt động giao tiếp sẽ đạt được hiệu quả cao hơn

1.2.2 Phân loại các hành động cầu khiến

“Nói là một hành động ngôn từ” Khi chúng ta nói là chúng ta đã thực hiện một

loại hành động đặc biệt bằng phương tiện ngôn ngữ Các hành động ấy có thể là: hỏi, cầu khiến, hứa hẹn, khen ngợi… Trong đó, cầu khiến là một hành động ngôn từ mà người nói thực hiện để khiến người nghe làm một điều gì đó theo chủ ý của người nói Có những hành động cầu khiến chủ yếu sau: ra lệnh/ cấm đoán, sai bảo, đề nghị/ yêu cầu, nhờ vả, kêu gọi, mời mọc, an ủi , động viên, xin phép, khuyên răn Xét về mặt lịch sự thì cầu khiến là một loại hành động ngôn từ có tính chất đe doạ thể diện cao vì nó có thể gây ra tác dụng tích cực (làm lợi) hoặc tiêu cực (làm thiệt) cho cả người nói và người nghe Dựa trên tác dụng này, có thể phân hành động cầu khiến ra làm hai loại: cầu khiến cạnh tranh và cầu khiến hòa đồng

1.2.2.1 Cầu khiến cạnh tranh

Cầu khiến cạnh tranh (ra lệnh/cấm đoán, thỉnh cầu, nhờ vả, xin phép…) là loại cầu khiến có lợi ích của người nghe tương phản tiêu cực với lợi ích của người nói Nghĩa là người nghe thường bị thiệt còn người nói được lợi hay ít nhất cũng là trung hòa Chính sự mâu thuẫn về lợi ích này làm cho hành động cầu khiến của người nói

đe dọa thể diện của người nghe Lấy tiêu chí là vị thế giao tiếp của người nói cao hơn hay thấp hơn người nghe, có thể phân các hành động cầu khiến cạnh tranh ra làm hai nhóm nhỏ:

Trang 37

1.2.2.1.1 Hành động ra lệnh/ cấm đoán/ sai bảo

Đây là loại hành động mà người nói đưa ra một mệnh lệnh bắt buộc người nghe phải thực hiện hành động được nói đến trong câu

Ví dụ:

- Nghiêm! Đứng lại, đứng! Bên phải, quay!

- Cấm đổ rác!

- Cút ngay!

- Tôi cấm anh không được bước chân vào công ty này nữa

- Làm ngay đi!

Nhìn chung, hành động cầu khiến này có những đặc điểm sau:

người nói

chủ ngữ

lệnh, ngoại trừ tiểu từ tình thái “đi”

trong phong cách sinh hoạt hàng ngày

1.2.2.1.2 Hành động yêu cầu/ đề nghị, nhờ vả/ thỉnh cầu, xin phép

Trang 38

Yêu cầu/ đề nghị: là hành động đưa ra lời yêu cầu người nghe thực hiện

hành động được nói đến trong câu (mà bản thân người nói không thực hiện được), thể hiện mong ước, nguyện vọng của người nói rằng hành động đó sẽ được người nghe thực hiện

Ví dụ:

- Mình đổi vị trí cho nhau nhé?

- Em phải trực tiếp gặp nhà cung cấp để giải quyết dứt điểm vấn đề đó nhé

- Cậu xuống lấy xe ra trước rồi chờ tôi 5 phút nhé Tôi sẽ xuống ngay

Xin phép là hành động xin sự thỏa thuận, cho phép đồng ý của cơ quan,

tổ chức, cá nhân nào đó cho người nói/ viết thực hiện hành động nào đó

Ví dụ:

- Xin phép cô cho cháu nghỉ một buổi học chiều ngày 20 – 4 – 2006

- Xin phép hai bác, cho Mai đi chơi với cháu tối nay

- Mai bác cho cháu về nhà chơi, được không ạ?

Nhờ vả/ thỉnh cầu là hành động được đưa ra để nhờ vả người khác làm

điều gì đấy

Ví dụ:

- Em cắn rơm cắn cỏ lạy bác giúp em

- Biết anh bận trăm công nghìn việc nhưng ngoài anh ra chẳng còn ai có thể

giúp được em cả

- Anh ơi, mở giùm em cánh cửa Hai tay em đều bận hết cả rồi

Nhìn chung, các hành động này có những đặc điểm sau:

- Hành động này được sử dụng trong trường hợp lợi ích của việc thực hiện hành động chủ yếu quan hệ đến người nói và có khi thuộc cả người nghe

Trang 39

- Vị thế giao tiếp và quyền uy của người nói thấp hơn hoặc ngang bằng với người nghe

- Không mang tính bắt buộc hoặc mang tính bắt buộc ở mức độ thấp

- Hành động này xuất hiện hầu hết ở các kiểu câu

- Thường xuất hiện kèm theo các dấu hiệu lịch sự (tiểu từ tình thái, từ bổ trợ như lạy, xin, cắn rơm cắn cỏ…) để làm tăng thêm lực thỉnh cầu, nhờ vả, xin phép Xuất hiện trong hầu hết các phong cách ngôn ngữ nhưng chủ yếu là trong phong cách chính luận, văn chương nghệ thuật, sinh hoạt hàng ngày

- Thường xuất hiện dưới cả hai hình thức cầu khiến trực tiếp và cầu khiến gián tiếp

- Thường thể hiện hành vi đe doạ thể diện âm tính của người nghe Trong một số trường hợp làm tăng thể diện dương tính của họ khi sử dụng các từ ngữ tôn vinh vị thế xã hội của người nghe và hạ thấp vị thế xã hội của người nói

1.2.2.2 Cầu khiến hòa đồng

Cầu khiến hoà đồng (mời mọc, rủ rê, khuyên răn, động viên/ an ủi…) là loại hành động cầu khiến có lợi ích của việc thực hiện nó thuộc về người nghe hoặc trung hoà hoặc không thuộc về người nói

Khuyên răn là hành động cầu khiến dùng để đưa ra lời khuyên về mức

độ lợi - thiệt của hành động được nói đến trong câu Nghĩa ngôn trung của nó là có ý ngăn cản hành động này xảy ra vì như thế nó sẽ tác dụng tiêu cực (thiệt) cho người nghe

Ví dụ:

- Cậu đừng để lửa lớn như thế, cá sẽ bị cháy đấy

- Sắp thi rồi, bạn đừng ham chơi nữa

Trang 40

- Mình thấy màu hồng không hợp với cậu đâu

An ủi/ động viên là hành động ngôn từ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ

của người nói đối với người nghe bằng cách khuyên giải hay tác động làm cho tinh thần người nghe phấn chấn hơn để chấp nhận hay cố gắng làm một điều gì trong thực

tế Nhờ vậy, người nghe sẽ được lợi về vật chất hay tinh thần

Ví dụ:

- Cậu đừng lo, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy thôi

- Cháu đã cố gắng hết sức rồi mà Đừng khóc nữa

- Đừng buồn! Mai tớ sẽ tặng cho cậu cái máy tính khác

Mời mọc là hành động được đưa ra để bày tỏ ý mong muốn, yêu cầu

người khác thực hiện một hành động gì đó có lợi cho người nghe

Ví dụ:

- Chiều mai đi uống cà phê với mình nhé

- Mời cậu tới dự tiệc sinh nhật của tớ vào tối mai

Những hành động này có đặc điểm chung như sau:

- Đều được dùng trong trường hợp lợi ích của việc thực hiện hành động trong câu nói chủ yếu quan hệ với người nghe

- Khi sử dụng hành động khuyên răn, vị thế giao tiếp của người nói thường cao hơn hoặc ngang bằng với vị thế giao tiếp của người nghe Ngược lại, khi sử dụng hành động mời mọc/ an ủi thì vị thế giao tiếp của người nói và người nghe ít được tính đến

- Không mang tính bắt buộc hoặc mang tính bắt buộc ở mức độ thấp

- Xuất hiện trong hầu hết các kiểu câu, thường là những câu có sự hiện diện của chủ ngữ

Ngày đăng: 11/04/2013, 09:43

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Nguyễn Thị Vân Anh (2002), Tham thoại tiền dẫn nhập trong sự kiện lời nói xin, Ngôn ngữ số 4 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tham thoại tiền dẫn nhập trong sự kiện lời nói xin
Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh
Năm: 2002
2. J. L. Austin (1962), How to do things with words, Oxford University Press Sách, tạp chí
Tiêu đề: How to do things with words
Tác giả: J. L. Austin
Năm: 1962
3. Diệp Quang Ban (2000), Ngữ pháp tiếng Việt, Tập 2, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ pháp tiếng Việt
Tác giả: Diệp Quang Ban
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2000
4. Diệp Quang Ban – Hoàng Văn Thung (2000), Ngữ pháp tiếng Việt, Tập 1, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngữ pháp tiếng Việt
Tác giả: Diệp Quang Ban – Hoàng Văn Thung
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2000
5. Lê Biên (1998), Từ loại tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ loại tiếng Việt hiện đại
Tác giả: Lê Biên
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1998
6. Lê Cận - Phan Thiều - Diệp Quang Ban - Hoàng Văn Thung (1983), Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, tập 2, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt
Tác giả: Lê Cận - Phan Thiều - Diệp Quang Ban - Hoàng Văn Thung
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1983
7. Đỗ Hữu Châu ( 1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng
Nhà XB: Nxb Giáo dục
8. Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương ngôn ngữ học, Tập 2, Ngữ dụng học, Nxb Giáo duùc Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đại cương ngôn ngữ học", Tập 2, "Ngữ dụng học
Tác giả: Đỗ Hữu Châu
Nhà XB: Nxb Giáo duùc
Năm: 2001
9. Đỗ Hữu Châu (2003), Cơ sở ngữ dụng học, Tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cơ sở ngữ dụng học
Tác giả: Đỗ Hữu Châu
Nhà XB: Nxb Đại học Sư phạm
Năm: 2003
10. Nguyễn Phương Chi (2003), Một số cơ sở của các chiến lược từ chối, Ngôn ngữ soá 8 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Một số cơ sở của các chiến lược từ chối
Tác giả: Nguyễn Phương Chi
Năm: 2003
11. Trương Văn Chình – Nguyễn Hiến Lê (1963), Khảo luận về Ngữ pháp Việt Nam, Đại học Huế Sách, tạp chí
Tiêu đề: luận về Ngữ pháp Việt Nam
Tác giả: Trương Văn Chình – Nguyễn Hiến Lê
Năm: 1963
12. Nguyễn Đức Dân (1999), Lôgích và tiếng Việt, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lôgích và tiếng Việt
Tác giả: Nguyễn Đức Dân
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1999
13. Nguyễn Đức Dân (1999), Ngôn ngữ và giới tính, Ngôn ngữ & Đời sống số 12 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngôn ngữ và giới tính
Tác giả: Nguyễn Đức Dân
Năm: 1999
14. Nguyễn Đức Dân (2003), Giáo trình nhập môn lôgích hình thức, Đại học Quốc gia Tp.Hoà Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình nhập môn lôgích hình thức
Tác giả: Nguyễn Đức Dân
Năm: 2003
15. Vũ Tiến Dũng (2002), Tìm hiểu một vài biểu thức tình thái gắn với tính lịch sự của nữ giới trong giao tiếp, Ngôn ngữ số 3 Sách, tạp chí
Tiêu đề: hiểu một vài biểu thức tình thái gắn với tính lịch sự của nữ giới trong giao tiếp
Tác giả: Vũ Tiến Dũng
Năm: 2002
16. Vũ Tiến Dũng (2002), Chiến lược lịch sự âm tính với lời xin lỗi trong giao tiếp tiếng Việt, Khoa học số 5 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chiến lược lịch sự âm tính với lời xin lỗi trong giao tiếp tiếng Việt
Tác giả: Vũ Tiến Dũng
Năm: 2002
17. Phạm Tất Đắc (?), Phân tích tự loại và phân tích mệnh đề, Nxb ABC, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phân tích tự loại và phân tích mệnh đề
Nhà XB: Nxb ABC
18. Hữu Đại (2000), Văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp của người Việt, Nxb Văn hóa thoâng tin Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp của người Việt
Tác giả: Hữu Đại
Nhà XB: Nxb Văn hóa thoâng tin
Năm: 2000
19. Nguyễn Văn Độ (1995), Về việc nghiên cứu lịch sự trong giao tiếp, Ngôn ngữ số 1 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về việc nghiên cứu lịch sự trong giao tiếp
Tác giả: Nguyễn Văn Độ
Năm: 1995
20. Nguyễn Văn Độ (1999), Những yếu tố làm biến đổi lực ngôn trung của lời thỉnh cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt, Ngôn ngữ số 1 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những yếu tố làm biến đổi lực ngôn trung của lời thỉnh cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt
Tác giả: Nguyễn Văn Độ
Năm: 1999

HÌNH ẢNH LIÊN QUAN

Vì có hình thức hỏi nên những lời thỉnh cầu hàm ngôn giúp cho người nghe có quyền tự do lựa chọn thực hiện hay không thực hiện hành động mà người nói đưa ra - Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
c ó hình thức hỏi nên những lời thỉnh cầu hàm ngôn giúp cho người nghe có quyền tự do lựa chọn thực hiện hay không thực hiện hành động mà người nói đưa ra (Trang 85)
Hình thức câu cầu khiến mà thường là bằng hình thức hỏi. Muốn tri nhận được nội  dung thỉnh cầu, người nghe phải qua quá trình suy ý - Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
Hình th ức câu cầu khiến mà thường là bằng hình thức hỏi. Muốn tri nhận được nội dung thỉnh cầu, người nghe phải qua quá trình suy ý (Trang 85)

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w