SỰ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP MÙA VỤ VÀ HỢP TÁC XÃ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NCS. VÕ THỊ KIM SA tưởng viết bài báo này được hình thành rất tình cờ, từ một hiện tượng quan sát trong thực tế. Trong một chuyến nghiên cứu thực tiễn, tác giả gặp và trò chuyện với một số người trong “vạn cấy” của trùm “vạn” Chín Táo. Linh động đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động nông nghiệp vào lúc cao điểm, ông Chín Táo (Song Lộc, Châu Thành, Trà Vinh) đã tập hợp hơn 40 nông dân trong vùng và thành lập “vạn cấy”. Từ câu chuyện “vạn cấy” của ông trùm “vạn” Chín Táo, tác giả nhìn bao quát hơn trong nông thôn Nam Bộ và nhận thấy rằng đây không phải là một hiện tượng cá biệt. Trong thực tế tại nhiều vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, hình thức tổ chức tương tự như “vạn” ngày xưa đã tái xuất hiện rải rác và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Phải chăng nghề trùm “vạn” trong những câu chuyện kể về cuộc sống vùng nông thôn Nam Bộ ngày xưa, tưởng chừng đã biến mất, giờ đây lại khôi phục nhằm thích ứng với tình trạng khan hiếm lao động nông nghiệp mùa vụ hiện nay? Nếu đúng như vậy, “vạn” ngày nay có gì tương đồng với khái niệm rất mới: “Hợp tác xã của người lao động” trong dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn, đã được trình Quốc hội để thảo luận và thông qua vào năm 2011 tới đây? Ý “Vạn” ngày xưa Ở Nam Bộ trong thời gian kháng chiến, “vạn” được hình thành từ nhu cầu của người chủ đất, lẫn nhu cầu của người làm thuê. Lúc bấy giờ, một chủ đất có từ vài héc ta đến hàng trăm héc ta đất. Chủ đất rất khó khăn tìm đủ nhân lực để gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cho kịp thời vụ. Thời đó, chủ đất trả công cho người làm thuê chủ yếu bằng nông sản vào mùa thu hoạch, chẳng hạn một công cấy sẽ được chủ đất trả công bằng một giạ 1 lúa. Về phía người làm thuê, nếu đầu mùa cấy thuê cho 10 chủ đất khác nhau thì khi thu hoạch sẽ nhận lúa từ 10 chủ ruộng khác nhau vào những thời điểm khác nhau vì thường họ không thu hoạch cùng một lúc. Xuất phát từ những phiền toái thực tế vừa của người chủ đất, vừa của người làm thuê, một người có địa vị trong xã hội, có mối quan hệ quen biết rộng, có uy tín trong làng đứng ra khởi xướng thành lập “vạn”. Người này được gọi là “trùm vạn”, “bầu vạn” hay “lãnh công”… Họ làm trung gian giữa người làm thuê và chủ ruộng và nhận tiền công bằng cách nhận tiền chiết khấu của chủ ruộng (dân gian gọi là “ăn cò”). “Vạn” được hình thành nhằm giản tiện cho việc thuê mướn lao động, nên nhanh chóng được phổ biến rộng rãi khắp vùng quê Nam Bộ. 20 Trải qua thời gian, “vạn” có những biến đổi nhiều mặt cả về hình thức tổ chức lẫn vai trò. Có những lúc, “vạn” đã phát triển mạnh và có ý nghĩa lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng có thời gian, hình thức tổ chức này hầu như biến mất khỏi cuộc sống của người dân nông thôn. Và gần đây, “vạn” được hồi sinh và tái xuất hiện nhưng với diện mạo khác hơn, tính chuyên môn cao hơn và phạm vi hoạt động rộng hơn. Diện mạo mới của “vạn” Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá đã và đang làm cho một lượng lớn lao động dịch chuyển từ ngành nông nghiệp sang ngành phi nông nghiệp và từ nông thôn ra thành thị. Một mặt, sự chuyển dịch lao động là một hiện tượng tất yếu của tiến trình phát triển, là một nhân tố quan trọng phân bố lại nguồn lực giữa các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế dưới sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, một trong những hậu quả của quá trình này là hiện tượng khan hiếm lao động nông nghiệp cục bộ, theo thời vụ, giá thuê lao động tăng cao do tình trạng mất cân đối cung và cầu trong thị trường lao động tại chỗ ở vùng nông thôn. Đặc điểm sinh học của sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân tác động đúng lúc, đúng cách theo nguyên tắc “nhất thì, nhì thục” đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi để đạt năng suất và hiệu quả cao nhất. Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao dẫn đến tình trạng căng thẳng về lao động nông nghiệp trong những thời điểm nhất định. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà mật độ dân cư thấp, diện tích đất nông nghiệp bình quân trên lao động tương đối cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trước tình hình thiếu hụt lao động nông nghiệp thời vụ, nhóm hộ thiếu đất, thừa lao động bán “sức lao động” qua một thị trường không chính thức, hình thành nên những nhóm người lao động, có tổ chức, có người đứng đầu, nhưng không có chứng thực hợp đồng hợp tác hoặc tư cách pháp nhân… Một cách tự phát nhiều tổ, nhóm của người lao động làm thuê được hình thành và ngày càng trở nên phổ biến. Các tổ, nhóm này dần dần xóa bỏ mối quan hệ sử dụng lao động theo phương thức truyền thống là "vần công - đổi công" và thay thế bằng phương thức mang tính chất trao đổi kinh tế (người thuê - người làm thuê). Đây là xu hướng thích ứng thể hiện sự năng động của nông dân, vừa giải quyết thiếu hụt lao động nông nghiệp ở những hộ khá, giàu; vừa tăng thu nhập cho nhóm nông dân ít đất hoặc không có đất sản xuất. Trong một chừng mực nào đó, các hình thức tổ chức hình thành tự phát này mang dáng dấp của “vạn” ngày xưa nên ngày nay nó cũng được dân gian gọi nôm na là “vạn”. HTX của người lao động Diện mạo mới của hình thức “vạn” mang dáng dấp của hình thức HTX của người lao động (worker cooperative), một hình thức khá quen thuộc ở những nước có phong trào HTX phát triển mạnh như Canada, Đức, Mỹ… nhưng lại vô cùng mới mẻ ở Việt Nam. 21 Trong lịch sử, mầm mống của HTX của người lao động được hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp như là sự phản ứng lại chủ nghĩa tư bản công nghiệp và sự thái quá của cuộc cách mạng công nghiệp và là một phần kết quả của phong trào chuyển dịch lao động. Khi di chuyển đến làm việc tại các khu vực công nghiệp và nhất là trong các lĩnh vực công việc độc hại, những người công nhân đã hình thành tổ chức của riêng mình và tự kiểm soát hoạt động kinh doanh của tổ chức. Tiền thân của HTX của người lao động, chẳng hạn như Lời hiệu triệu linh thiêng của các Hiệp sĩ lao động (Noble and Holy Order of the Knights of Labor) ở Mỹ vào thế kỷ XIX, được định hình trong xã hội nhằm "đối phó với những tệ nạn của chủ nghĩa tư bản và sự thiếu bảo hiểm trong tiền lương của công nhân" 2 . Thông điệp năm 2010 mà Liên hiệp các HTX của người lao động tại Hoa Kỳ muốn chuyển đến cho toàn xã hội là công việc chúng tôi làm là giải pháp (the work we do is the solution). Dựa vào định nghĩa, các giá trị và nguyên tắc HTX do Liên Minh HTX Quốc tế (ICA) đưa ra vào năm 1995 và nghị quyết về thúc đẩy phát triển HTX của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tháng 9 năm 2005, Tổ chức Quốc tế của những người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ (CICOPA) đưa ra bản Tuyên ngôn chung của thế giới về HTX của người lao động. Lần đầu tiên các đặc trưng cơ bản của HTX của người lao động được trình bày một cách chính thức và được công bố rộng rãi. Sau đây là 6 đặc trưng cơ bản của HTX của người lao động được thống nhất và thông qua tại bản Tuyên ngôn chung của thế giới về HTX của người lao động 3 . 1. HTX của người lao động có mục đích chủ yếu là tạo ra và duy trì việc làm hoặc các hoạt động tạo thu nhập bền vững nhằm cải thiện chất lượng sống của các xã viên đồng thời cũng là người lao động trong HTX, hướng đến quản lý dân chủ, phát triển cộng đồng và xã hội nhân văn tốt đẹp. 2. Sự tự nguyện tham gia của các xã viên nhằm đóng góp nguồn lực vật chất và sức lao động cá nhân là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của HTX của người lao động. 3. Như một quy luật chung, công việc của HTX được các xã viên đảm nhận thực hiện. Điều này có nghĩa là đa số người lao động trong HTX phải là xã viên và tất cả xã viên của HTX phải là người lao động trong HTX. 4. Quan hệ đặc biệt xã viên – người lao động (một người vừa đóng vai trò là xã viên, vừa là người lao động trong HTX), làm cho xã viên trong HTX của người lao động hoàn toàn khác biệt với công nhân làm công, ăn lương hoặc người lao động tự làm cho chính mình. 5. Điều lệ và quy chế nội bộ của HTX là sản phẩm tập thể do các xã viên thảo luận và thông qua một cách dân chủ. 6. Đối với Nhà nước hoặc các bên thứ ba, HTX của người lao động là tổ chức tự trị và độc lập trong quản lý 22 lao động, sử dụng và quản lý các nguồn lực. Tại Việt Nam, HTX của người lao động là khái niệm mới được đưa vào dự thảo luật HTX sửa đổi. Theo đó, HTX của người lao động được định nghĩa là HTX được thành lập nhằm mục đích tạo việc làm cho thành viên 4 . Như vậy, mục đích tối thượng của HTX của người lao động là tạo ra và duy trì việc làm hoặc các hoạt động tạo thu nhập bền vững nhằm cải thiện chất lượng sống của các xã viên đồng thời cũng là người lao động trong HTX, hướng đến phát triển cộng đồng và xã hội nhân văn tốt đẹp. Kết luận Sự hình thành các hình thức tổ chức tự phát và phi chính thức của người lao động làm thuê thể hiện sự năng động của nông dân thích ứng với tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp cục bộ, theo mùa vụ. Tuy nhiên, vì hoạt động trong thị trường lao động không chính thức, dưới hình thức tổ chức không có tư cách pháp nhân nên lợi ích (phúc lợi xã hội, bảo hiểm, tiền thưởng…) của người lao động không được pháp luật bảo vệ. Về mặt lý thuyết, HTX của người lao động có tính ưu việt hơn các hình thức liên kết tự phát, phi chính thức như hiện nay. HTX của người lao động có thể được xem là lựa chọn tốt để thích ứng với trình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong thực tế việc hình thành và tổ chức các HTX của người lao động hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất và mang tính bao quát nhất là khuôn khổ pháp lý. Khái niệm HTX của người lao động chưa được thể chế hóa trong Luật HTX hiện hành (2003) và các văn bản liên quan đến HTX. Khái niệm này chỉ mới được đưa vào dự thảo Luật HTX sửa đổi, chưa được thông qua. Khó khăn thứ hai xuất phát từ tâm lý và nhận thức của những người lao động làm thuê - xã viên tiềm năng về HTX nói chung và HTX của người lao động nói riêng. Hơn thế, những thất bại của mô hình HTX thời bao cấp đã làm đổ vỡ lòng tin của nông dân vào các hình thức kinh tế tập thể. Đưa ra những khó khăn nêu trên, tác giả không muốn và không thể phủ định tính ưu việt của mô hình HTX của người lao động. Điều mà tác giả muốn nhấn mạnh ở đây là chuyển từ mô hình lý thuyết thành mô hình thực tiễn, không những cần những luận cứ khoa học, sự thấu hiểu bản chất của nó mà quan trọng hơn là cần những quyết tâm và nỗ lực của những người thực thi. Nếu thiếu những yếu tố này thì mô hình lý thuyết sẽ mãi mãi là lý thuyết suông. 23 1 Giạ - đơn vị đo lường. Một giạ bằng hai thùng. Mỗi thùng có dung tích là 20 lít. 2 William F.W., Kathleen K.W (1988), The Growth and Dynamics of the worker cooperative complex, ILR press, United states of America 3 International Organisation of Industrial, Artisanal and Service Producers’ Cooperatives (CICOPA) (23 September 2005), World declaration on worker cooperatives 4 Điều 10, dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn. . SỰ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP MÙA VỤ VÀ HỢP TÁC XÃ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NCS. VÕ THỊ KIM SA tưởng viết bài báo này được hình thành. người lao động trong HTX. 4. Quan hệ đặc biệt xã viên – người lao động (một người vừa đóng vai trò là xã viên, vừa là người lao động trong HTX), làm cho xã viên trong HTX của người lao động. Kết luận Sự hình thành các hình thức tổ chức tự phát và phi chính thức của người lao động làm thuê thể hiện sự năng động của nông dân thích ứng với tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp