PHẦN MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của đề tài Cũng như nhiều nước Đông Nam Á, nương rẫy là phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống ở nước CHDCND Lào. Trong quá trình hình thành và phát triển, phương thức canh tác này đã tạo nên bản sắc văn hóa trong canh tác nông nghiệp và văn minh nông nghiệp rực rỡ, đa dạng của các bộ tộc Lào (Souvanthong Pheng, 1995)[64]. Chính phương thức canh tác này đã được coi là cội nguồn của NLKH tại Lào (Peter Kurt Hansen và Houmchisavat Sodarak, 1996) [63]. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung, nền kinh tế hàng hóa đang hình thành ở Lào và những phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống mang nặng tính tự cung tự cấp đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, trong đó, canh tác nương rẫy được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng và suy thoái rừng hiện nay. Trước năm 1940, độ che phủ rừng ở Lào đạt tới 70%; tỷ lệ này đến năm 1982 chỉ còn 47% và theo công bố năm 2011 của Chính phủ Lào độ che phủ hiện tại là 41,5% [59]. Bolikhamxay là một tỉnh có diện tích khá lớn của nước CHDCND Lào với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.558.436,0 ha, đất nông nghiệp chiếm 16,37% ( 251.799,0 ha) trong đó chỉ có 1.460 ha diện tích đất canh tác lúa nước. Đây là một tỉnh miền núi với trên 80% diện tích là đất lâm nghiệp (1.252.075,0 ha) với tổng số dân 236.559 người với 85% dân số làm nông nghiệp. Toàn tỉnh được chia thành 2 vùng chính với 36,3% diện tích tự nhiên là đồng bằng và 63,7% là vùng miền núi, diện tích có rừng che phủ chiếm 62,12% diện tích của toàn tỉnh. Trong tỉnh, tổng diện tích đất nương rẫy hiện tại xấp xỉ 5.000 ha, tập trung ở 4 huyện chính là Bolikhan, Khamkợt, Viêngthong và Xaychamphon [67]. Ở Lào, canh tác NLKH đã có từ lâu đời. Từ những hệ thống canh tác nương rẫy truyền thống của đồng bào các dân tộc, các mô hình vườn nhiều tầng, các hệ thống canh tác trên đất dốc, sử dụng đất tổng hợp... ở nhiều vùng địa lý sinh thái trên cả nước đã hình thành nên sự đa dạng trong các phương thức canh tác này. Xét ở khía cạnh xã hội và kỹ thuật, có thể thấy NLKH ở Lào đã phát triển không ngừng. Bolikhamxay là một tỉnh thuần nông, do những đòi hỏi từ thực tiễn của nền sản xuất tự cung tự cấp, NLKH đã được hình thành, phát triển rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, các phương thức canh tác này phần lớn là tự phát và trong nhiều trường hợp hiệu quả kinh tế thấp và kém bền vững. Câu hỏi đặt ra là, ở Lào nói chung và tại Bolikhamxay nói riêng phương thức canh tác NLKH nào được coi là bền vững, vừa đảm bảo phát triển sinh kế và vừa có tác dụng giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường để hướng tới sản xuất bền vững hơn; cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thật thuyết phục. Hiện nay, việc trao đổi hàng hoá và tiếp thị là yếu tố cơ bản trong nền kinh tế thị trường đang manh nha hình thành ở Lào. Sự phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp trên địa bàn sẽ tạo ra hàng loạt sản phẩm và cũng sẽ tạo ra các nguồn thu cho cộng đồng. Tại các vùng núi hẻo lánh của Lào, NLKH đã tạo ra sản phẩm lương thực tại chỗ nhằm duy trì cuộc sống của đồng bào địa phương, đảm bảo được an sinh xã hội. Tuy nhiên, ở nhiều vùng khác, sản phẩm NLKH đã trở thành hàng hoá, cần được chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao hơn thu nhập cho người dân. Mặt khác, sự phát triển đòi hỏi những chính sách thích hợp của Đảng và Nhà nước Lào nhằm khuyến khích sản xuất và các chính sách thuận tiện cho xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sá, bến bãi và mối giao lưu tới các thị trường lớn ở mọi miền (dẫn theo Nghị quyết trung ương Đảng NDCM Lào lần thứ VII, 2006)[60]. Có như vậy, mới phát triển được sản xuất, cải thiện đời sống vật chất cũng như văn hoá xã hội của nông dân sống ở vùng nông thôn miền núi. Theo định hướng phát triển của tỉnh, sản xuất nông lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu và luôn bám sát với công nghiệp chế biến và dịch vụ. NLKH được phát triển tại Bolikhamxay không chỉ nhằm nâng cao năng suất các sản phẩm nông lâm nghiệp của tỉnh mà còn tạo ra môi trường ổn định cho các vùng khác [67]. Trong bối cảnh trên, việc xác định và đánh giá được các mô hình NLKH có hiệu quả tốt nhất làm cơ sở cho việc nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh Bolikhamxay là việc làm cần thiết và cấp bách. Thực tế đã chứng minh, để thay đổi tập quán sản xuất của người dân tại tỉnh Bolikhamxay là vấn đề không đơn giản. Để có thể đánh giá một cách đúng đắn, đầy đủ và khách quan về hiệu quả của sản xuất nông lâm kết hợp tại địa phương, việc thực hiện đề tài luận án Đánh giá hiệu quả của một số mô hình nông lâm kết hợp tại tỉnh Bolikhamxay nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là hết sức cần thiết. Những kết quả của đề tài luận án sẽ là những minh chứng cụ thể cho những đề xuất nhằm tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao đồng thời cũng đưa ra được những khuyến cáo để hạn chế và tiến tới chấm dứt những mô hình không đem lại được các hiệu quả như mong muốn.