Tuy nhiên, mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu như vậy nhưng cho đến nay các công trình nghiên cứu ấy mới chỉ dừng lại việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương trên từng mặt, từng phương diện nào
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-o0o -
ĐỖ THỊ HẠNH
TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN TRONG THƠ
HỒ XUÂN HƯƠNG CHUYÊN NGÀNH: TRIẾT HỌC
MÃ SỐ: 60.22.80
LUẬN VĂN THẠC SỸ TRIẾT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS TS ĐỖ THỊ HOÀ HỚI
Hà Nội - 2008
Trang 2MỤC LỤC
Trang
Mở đầu……… 3 Nội dung
Chương 1 Những tiền đề cho sự hình thành
tư tưởng nhân văn ở thơ Hồ Xuân Hương……….16
1.1 Điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội
Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX……… 16
1.2 Tiền đề văn hoá – tư tưởng……… 23
Chương 2 Tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương
và ý nghĩa của nó đối với hiện nay……… 36
2.1 Một số vấn đề về khái niệm “chủ nghĩa”,
“chủ nghĩa nhân văn”, “tư tưởng nhân văn”………36
2.2 Tư tưởng nhân văn trong thơ
Hồ Xuân Hương và ý nghĩa của nó đối với hiện nay……… 43
2.2.1 Những nội dung độc đáo, đặc sắc của
tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương……… 43
2.2.2 Ý nghĩa của tư tưởng nhân văn trong thơ
Hồ Xuân Hương đối với hiện nay……… 68
Kết luận……… 73 Danh mục tài liệu tham khảo ……… 75
Trang 3MỞ ĐẦU
1 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Tinh thần nhân văn đã trở thành nét truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam Ngay từ xưa, trong ca dao dân ca của người Việt đã có những câu thể hiện rõ nét tinh thần nhân văn ấy như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Thương người như thể thương thân”… Dòng chảy tinh thần nhân văn ấy tiềm tàng nhưng mãnh liệt xuyên suốt tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam, nhưng phải đến tận cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX nó mới thực sự phát triển mạnh và trở thành một trào lưu tư tưởng mang tính bộc phát
Chúng ta đều biết, cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX là thời kỳ đánh dấu sự mục ruỗng và suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam Song trong chính bối cảnh xã hội rối ren, con người bị đè nén đến cùng cực như vậy thì những tiếng nói phản kháng chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến, đòi hỏi quyền sống, bảo vệ những giá trị của con người càng được đề cao Những nguyên tắc, lễ nghi phong kiến xơ cứng không còn đủ sức để trói buộc con người, mà ngược lại người ta luôn mong ước được giải phóng ra khỏi những nghi lễ ràng buộc ấy, ước mơ được tự do, được hưởng những hạnh phúc trần tục đời thường mà vì những lý do khuôn mẫu giáo điều người ta vẫn khinh rẻ
và chối bỏ chúng Các nhà Nho tiêu biểu như Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… chính là các nhà tư tưởng tiêu biểu của thời đại đã nói lên tiếng nói chung, khát vọng chung của quảng đại quần chúng Đặc biệt, trong dòng chảy tư tưởng nhân văn chung của thời kỳ này, sẽ thực sự là một thiếu sót rất lớn nếu chúng ta không nhắc đến sự xuất hiện của “hiện tượng Hồ Xuân Hương” như
là một nguồn năng lượng tiếp sức làm phong phú cho lịch sử tư tưởng Việt Nam
Sự xuất hiện của hiện tượng Hồ Xuân Hương đánh dấu một bước ngoặt trong sự thể hiện tư tưởng nhân văn Việt Nam là một sự đột phá trong quan
Trang 4niệm về con người trong bối cảnh thời đại đó Dẫu rằng, Hồ Xuân Hương là một nhà tư tưởng mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều những tồn nghi xung quanh tiểu sử cũng như văn bản nên việc nghiên cứu về Hồ Xuân Hương gặp phải rất nhiều những trở khó khăn Nhưng điều đó không thể ngăn cản giới nghiên cứu đam mê tìm hiểu, mà ngược lại việc nghiên cứu hiện tượng Hồ Xuân Hương thực sự là một đề tài hấp dẫn, thu hút sụ chú ý của giới nghiên cứu nhất là từ góc độ tiếp cận văn học, sử học, văn hoá học, văn bản học…ở
cả trong và ngoài nước Tuy nhiên, mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu như vậy nhưng cho đến nay các công trình nghiên cứu ấy mới chỉ dừng lại việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương trên từng mặt, từng phương diện nào từ các lĩnh vực văn học, lịch sử, văn hoá học chứ chưa có một công trình nghiên cứu
từ phương diện lịch sử tư tưởng mang tính tổng thể để có được sự đánh giá toàn diện về vị trí của Hồ Xuân Hương trong lịch sử tư tưởng Việt, vẫn còn rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài: “Tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương” làm đề tài thạc sĩ triết học để nghiên cứu với mong muốn khái quát hệ thống hoá và khẳng định những nội dung và giá trị của tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương trong dòng chảy tư tưởng Việt Nam, góp phần làm sâu sắc và đầy đủ hơn nội dung lịch sử tư tưởng Việt Nam giai đoạn này
2 TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU.
Như trên đã nói, cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX là một thời đại khởi phát của tư tưởng nhân văn ở Việt Nam với hàng loạt các nhà tư tưỏng tiêu biểu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát…và đặc biệt là Hồ Xuân Hương
Nhiều công trình nghiên cứu xác lập nhiều cứ liệu chân thực đã khẳng định Hồ Xuân Hương là một nhân vật lịch sử và là một nhà thơ lớn có những tư tưởng vô cùng đặc sắc, cho nên về con người, thơ văn và tư tưởng của bà đã được rất nhiều học giả quan tâm nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau, điều này đã thể hiện tập trung, thống nhất qua thư mục hơn một
Trang 5trăm công trình nghiên cứu mà chúng tôi sắp xếp trong thư mục tài liệu tham khảo
Trước hết là về vấn đề lịch sử nghiên cứu tiểu sử, tác phẩm Hồ Xuân Hương: như đã khẳng định ở trên, sự xuất hiện của Hồ Xuân Hương là một
hiện tượng độc đáo văn chương, văn hoá và nhất là trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, vì vậy nghiên cứu về Hồ Xuân Hương là một đề tài thu hút sụ chú ý của rất nhiều các nhà nghiên cứu từ trước cho đến nay Theo thời gian, có thể chia lịch sử nghiên cứu Hồ Xuân Hương làm hai giai đoạn lớn là trước và sau năm
1975
* Trước 1975: Việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương đã phát triển khá rầm rộ và đã thu được những kết quả nhất định Trong số các công trình sớm nhất trước cách mạng nghiên cứu về Hồ Xuân Hương phải kể đến Quốc văn trích diễm (Dương Quảng Hàm, 1925), Nam thi hợp tuyển (Nguyễn Văn Ngọc, 1927), Nữ lưu văn học sử ( Lê Dư, 1927) Qua các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi tiếp nhận được rằng phần lớn các tác giả đã phác hoạ những nét khái quát nhất về tiểu sử và văn bản, nội dung các tác phẩm chính yếu của Hồ Xuân Hương Tiếp sau đó là các nhà nghiên cứu đã chú ý hơn tới con người và đặc điểm thơ Hồ Xuân Hương, Tản Đà nhận xét về Hồ Xuân Hương và thơ của bà là: “Trong thơ có ma Song mà nhận ra thời tục”, hay Nguyễn Văn Hanh trong tác phẩm “Hồ Xuân Hương – thân thế - tác phẩm – văn tài” in năm 1936 cho rằng Hồ Xuân Hương bị chi phối bởi: “khát vọng tiềm thức”…Như vậy, mặc dầu có sự khác biệt về chi tiết song nhìn chung những nghiên cứu về Hồ Xuân Hương trước Cách mạng tháng 8/1945 cho thấy có sự tương hợp trong cách quan niệm về văn bản; nguồn thơ Nôm truyền tụng dần được định hình rõ nét, tiểu sử Hồ Xuân Hương coi như được xác định về các đường nét lớn
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, việc nghiên cứu, khẳng định con người và giá trị thơ Hồ Xuân Hương vẫn tiếp diễn Năm 1950, Lê Tâm xuất bản cuốn “Thân thế và thơ ca Hồ Xuân Hương” Đây là lần đầu tiên Hồ
Trang 6Xuân Hương được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm” Hoa Bằng cũng khẳng định: “Bà chẳng những là một nhà đại thi hào mà là nhà đại tư tưởng, đại cách mạng” trong cuốn “Hồ Xuân Hương – nhà thơ cách mạng” in năm 1950 Nhận xét trên của Hoa Bằng bị phê phán bởi theo một số nhà nghiên cứu, Hoa Bằng đã lấy quan niệm duy vật lịch sử làm căn bản lập luận, “ông Hoa Bằng thuộc phái chính trị - xã hội…Sau cùng là ý đại cách mạng ” là hơi đề cao Hồ Xuân Hương quá…
Ở miền Nam, trong các công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương các nhà nghiên cứu chủ yếu đi tìm hiểu về địa vị xã hội, nguồn gốc xã hội và lịch sử của hiện tượng Hồ Xuân Hương Nhưng do những hạn chế lịch sử và nhận thức thiên lệch, có người trong số đó đã phủ nhận những ý nghĩa xã hội trong thơ Hồ Xuân Hương Trong khi đó, ở Miền Bắc, sau năm 1961 nhờ việc phát hiện các nguồn tư liệu mới như: Lưu Hương ký, Xuân Đường đàm thoại…đã tạo nên không khí sôi nổi cho việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương Tiêu biểu là bài viết của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại: “Thử bàn lại vấn đề dâm và tục trong thơ Hồ Xuân Hương ”, trong đó ông đã đặt vào bối cảnh xã hội văn hoá Việt Nam nhằm giải thích trào lưu thơ văn có giá trị nhân văn thời đại Hồ Xuân Hương…
Hoặc như tác phẩm: “Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, văn học
và giáo dục” của nhà nghiên cứu Văn Tân, năm 1957, đã có những nhận xét xác đáng về giá trị thơ Hồ Xuân Hương đối với thời đại của bà, và nhiều tác phẩm khác…
Như vậy, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nhưng trước năm 1975, giới nghiên cứu đã có những thành quả đáng trân trọng trong việc nghiên cứu tiểu sử, văn bản thơ của hiện tượng Hồ Xuân Hương Với những công trình nghiên cứu công phu, có nhiều nhà nghiên cứu đã đưa Hồ Xuân Hương lên một vị trí xứng đáng, ngang tầm với các nhà tư tưởng lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Song về chi tiết còn nhiều điều chưa có được sự thống nhất
Trang 7* Bước sang giai đoạn sau năm 1975: Việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương có điều kiện tiếp tục được chú ý Các nhà nghiên cứu chú tâm đến sự tương quan giữa phần Lưu hương ký mới phát hiện được và phần thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau chẳng hạn như nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc chủ trương mặc dù cần tính đến Lưu hương ký song cần lấy thơ Nôm truyền tụng làm căn cứ nghiên cứu Ngược lại, nhà nghiên cứu về Hồ Xuân Hương là Đào Thái Tôn lại xác định cần phải lấy Lưu hương ký làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét từ đó nhận định chung về hiện tượng Hồ Xuân Hương Đồng thời với hai hướng nghiên cứu trên còn có hàng trăm bài báo, bài luận, phân tích, bình giảng theo từng chủ
đề hoặc theo từng bài thơ đặc sắc của Hồ Xuân Hương được đăng tải trên các tạp chí, báo Trong số các nghiên cứu gần đây nhất, có luận văn thạc sỹ văn học của Bùi Ngọc Minh: “Hồ Xuân Hương - Hiện tượng giao thoa giữa văn hoá Folklo và văn hoá bác học”, Hà Nội năm 1999 Đặc biệt là có cuốn “Hồ Xuân Hương – con người – tư tưởng – tác phẩm” của Hoàng Bích Ngọc, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội năm 2003 Đây là những công trình nghiên cứu khá công phu về con người và tác phẩm của Hồ Xuân Hương, đặc biệt trong cuốn sách này, tác giả đã chú ý kế thừa và phát triển thêm những thành quả của các công trình nghiên cứu trước đó, đặc biệt tác giả đã có những phân tích tinh tế về những đóng góp trên phương diện tư tưởng của thơ Hồ Xuân Hương tuy nhiên đó mới chỉ là những đường nét phác thảo chứ tác giả chưa đi sâu cụ thể hoá tư tưởng nhân văn và đặt nó trong tiến trình lịch sử tư tưởng dân tộc như một chuyên khảo
Từ những điều chúng tôi vừa khái lược về lịch sử nghiên cứu Hồ Xuân Hương đã cho thấy mặc dù còn một số chi tiết chưa xác định song về phần cơ bản, vị thế của bà không chỉ quan trọng trên thi đàn mà tư tưởng của bà có những giá trị xuất sắc nổi bật trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam Chúng tôi cho rằng, những nghiên cứu về bà sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà
Trang 8rất cần tiếp tục đi sâu, giúp chúng ta nhận ra thêm những đóng góp to lớn của
bà cho lịch sử tư tưởng dân tộc
Về hướng tiếp cận khi nghiên cứu về tiểu sử của Hồ Xuân Hương: như
đã trình bày ở phần trên, Hồ Xuân Hương là một tác giả, một nhà tư tưởng
“đặc biệt” mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn nghi xung quanh tiểu
sử, tác phẩm của bà Vì vậy việc nghiên cứu tiểu sử Hồ Xuân Hương cũng được tiếp cận theo nhiều hướng với những phương pháp khác nhau Có thể khẳng định lịch sử nghiên cứu Hồ Xuân Hương là “lịch sử nỗi ám ảnh chưa bao giờ đứt đoạn của vấn đề tiểu sử và văn bản thơ Hồ Xuân Hương” [71;16]
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã nói rằng việc xác định tiểu sử chính xác cuộc đời Hồ Xuân Hương là “cuộc tìm kiếm giữa màn sương huyền
thoại” Hàng loạt các bài viết của các nhà nghiên cứu về khi viết về Hồ Xuân Hương đã đặt ra vấn đề: “Có nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay không ?” (Hồng Tú Hồng), “Có Chăng một bà Hồ Xuân Hương” (Lữ Hồ), hay “Thử tìm tên thật của Hồ Xuân Hương ” (Nam Trân), “Hồ Xuân Hương sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX ?” (Trần Tường), tác giả Hoàng Xuân Hãn lại đưa ra một giả thuyết là “Có một Hồ Xuân Hương khác”…Nhìn chung, những nghiên cứu về tiểu sử của Hồ Xuân Hương rất phong phú với rất nhiều
tư liệu khẳng định có sự tồn tại một Hồ Xuân Hương song vẫn chưa có một kết luận chính xác về năm sinh năm mất và di cảo của bà Có thể liệt kê những ước thuyết về con người, cuộc đời của Hồ Xuân Hương, theo các nhà nghiên cứu như sau:
- Theo Siêu Hải, Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1735 – 1739 (căn cứ vào mối quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Phạm Đình Hổ, tạp chí Văn học, số 5- 1991, tr70)
- Phần đông các nhà nghiên cứu như Dương Quảng Hàm, Văn Tân, Nguyễn Lộc, Trương Tửu, Hồ Tuấn Niêm thì lại cho rằng Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1770, là con của Hồ Phi Diễn, quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh
Trang 9Lưu, Nghệ An với bà vợ lẽ họ Hà tại phường Khán Xuân, thuộc huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long Chúng tôi cũng coi đây là tiểu sử khá hợp lý để là cơ sở nghiên cứu
- Các tác giả như Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn khẳng định Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1770 nhưng không phải con của Hồ Phi Diễn
mà là con của Hồ Sĩ Danh – anh em họ của Hồ Phi Diễn ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An
- Hồ Xuân Hương từng có quan hệ thân thiết với Nguyễn Du (1766
- 1820)
- Hồ Xuân Hương từng làm vợ lẽ Tổng Cóc ở Phú Thọ
- Hồ Xuân Hương là vợ kế của Phạm Viết Đại (1802 – 1842) - từng
có thời làm tri phủ Vĩnh Tường
- Theo Xuân đường đàm thoại, Hồ Xuân Hương mất năm Kỷ tỵ, Tự Đức thứ 22 (1869)… Như vậy, Hồ Xuân Hương sống ở khoảng cuối Lê, đầu Nguyễn và là một nữ sĩ danh tiếng, song vẫn còn nhiều chi tiết cần phải xác minh thêm
Nếu những liệt kê trên cho thấy việc nghiên cứu tiểu sử, cuộc đời
Hồ Xuân Hương vẫn còn là vấn đề mở thì việc nghiên cứu di cảo văn thơ của
bà cũng không kém phần mờ ảo và hết sức phức tạp:
- Theo Đào Thái Tôn, trong cuốn “Hồ Xuân Hương - tiểu sử, văn bản, tiến trình huyền thoại dân gian hoá” tại thư viện Hán Nôm còn lưu giữ 18 cuốn sách chép thơ Nôm của Hồ Xuân Hương và 3 văn bản khắc ván chữ Nôm có kèm phần phiên âm chữ quốc ngữ Trong đó còn phải dựa vào Lưu hương ký để làm căn cứ tìm hiểu giá trị thơ văn Hồ Xuân Hương
- Theo nghiên cứu của Hoàng Xuân Hãn, phần thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương gồm có 77 bài, được tập hợp trong Xuân Hương thi nhưng trong Quốc âm thi tuyển chỉ có 27 bài Phần thơ văn đó là bộ phận có thể tin cậy để nghiên cứu về phong cách và nội dung tư tưởng Hồ Xuân Hương
Trang 10- Trong Giai nhân di mặc, Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, có 45 bài thơ, một số câu đối và các bài ca khuyết danh về Hồ Xuân Hương là đáng tin cậy
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho rằng, có khoảng 46 bài thơ Nôm
in đậm phong cách thơ Hồ Xuân Hương Trong cuốn Thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Lộc còn đưa thêm 9 bài thơ Nôm và 13 bài thơ chữ Hán trong Lưu hương ký vào, được phần đông độc giả thừa nhận là thơ của Hồ Xuân Hương
- Đào Thái Tôn cho Hồ Xuân Hương có khoảng 30 bài thơ chữ Hán
và thơ chữ Nôm trong Lưu hương ký, còn lại, thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương chỉ có khoảng 26 bài…
Nhìn chung, về văn bản thơ Hồ Xuân Hương còn nhiều tranh cãi về
số lượng cụ thể nhưng có thể tóm gọn mấy nhận định cơ bản như sau:
- Có nhiều ý kiến thừa nhận có một Hồ Xuân Hương là tác giả của những bài thơ Nôm truyền tụng có phong cách ổn định riêng biệt
- Sau khi phát hiện ra Lưu hương ký, có ý kiến cho rằng chỉ có một
Hồ Xuân Hương là tác giả của những bài thơ chữ Hán trang trọng mẫu mực,
là nguyên mẫu để người ta ghép vào những vần thơ nhảm như Quả mít, Ốc nhồi…
- Có ý kiến lại thừa nhận Hồ Xuân Hương có cả thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán và họ cũng có đủ những cứ liệu hết sức thuyết phục về sự thống nhất các đối lập ở con người và các tư tưởng Hồ Xuân Hương Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn không nhất trí với quan điểm này vì họ cho rằng giữa thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán quá khác nhau một đằng thì trang trọng, mẫu mực (thơ chữ Hán), một đằng thì lại quá “dâm” và “tục”, đó không thể là sáng tác của cùng một Hồ Xuân Hương
Từ các phân định trên, chúng tôi thấy rằng cần thừa nhận sự thực: ở thời đại cuối Lê, đầu Nguyễn có một Hồ Xuân Hương là con của một nhà Nho họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An với bà vợ thứ họ Hà, ngụ ở
Trang 11phường Khán Xuân, Thăng Long Nàng có tâm, có tài, có sắc nhưng bất hạnh trong tình duyên (phải làm lẽ hai lần nhưng cả hai người chồng đều chết), nàng cũng là tác giả của thơ Nôm truyền tụng và của tập Lưu Hương ký
Từ khi hình thành lịch sử nghiên cứu về Hồ Xuân Hương cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để tiếp cận đối tượng Có thể khái lược một vài cách tiếp cận cơ bản như sau:
- Nhà thơ Tản Đà đã đưa ra nhận xét về thần thái thơ Hồ Xuân Hương như sau:
“Thơ Hồ Xuân Hương thật là linh quái, những câu hay đọc lên đến ghê người Người ta thường có câu “Thi trung hữu hoạ”, nghĩa là “trong thơ
có hoạ”, nhưng thơ Xuân Hương thời lại là “Thi trung hữu quỷ” nghĩa là trong thơ có quỷ Song mà nhận ra thời tục” [18]
Đào Thái Tôn thì nhận xét: “với Hồ Xuân Hương không có cảnh nào chết cứng, đứng yên, bất động, luôn luôn dồi dào sức trẻ” [98;48]… Cách nhìn nhận trên về con người và đặc điểm thơ của Hồ Xuân Hương được rút ra
từ phong cách thơ văn của bà, các nhà nghiên cứu đã cố gắng chỉ ra thần thái riêng của Hồ Xuân Hương so với các tác giả cùng thời Tuy nhiên cách nghiên cứu vấn đề như trên tỏ ra là thiếu tính hệ thống, tính chỉnh thể và mạch lạc, vì vậy, nó gần với sự thưởng thức hơn là nghiên cứu tư tưởng của bà
- Trong bài viết “Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương”, Trương Tửu lại
đã vận dụng thuyết phâm tâm học Frued vào việc phân tích cội nguồn tâm thức sáng tạo của thơ Hồ Xuân Hương Theo ông Trương Tửu, sở dĩ Hồ Xuân Hương viết những bài thơ đậm chất “dâm” và “tục” như vậy vì bà bị mắc bệnh thần kinh do dục tình không được thoả mãn, do ẩn ức tình dục Nguyễn Văn Hanh cũng tán đồng ý kiến của Trương Tửu và cho rằng: “Người thiếu thốn khao khát nhục dục như Hồ Xuân Hương thì ngồi nhà hay đi ra ngoài
vạn vật hoạt động dưới mắt nàng đều có vẻ dâm tục hết” [21] Nếu nhìn nhận
những sáng tác của Hồ Xuân Hương chỉ theo như phương pháp trên thì còn thiếu sót vì giá trị tư tưởng ở những sáng tác của Hồ Xuân Hương không phải
Trang 12chỉ để giải toả ẩn ức cá nhân mà còn để giải toả ẩn ức cộng đồng, tiếng nói của Hồ Xuân Hương chính là tiếng nói của những con người thời đại đó trước
sự đè nén của chế độ phong kiến, nó phản ánh sự phản kháng của cộng đồngchống lại chế độ, đạo đức, lễ giáo phong kiến vì thế di sản thơ văn được coi là của Hồ Xuân Hương là sản phẩm vừa có tính bác học của một chủ thể
là cá nhân, vừa là có chủ thể toàn cộng đồng, mang tính dân gian
- Năm 1950, Hoa Bằng cho in cuốn “Thân thế và thơ ca Hồ Xuân Hương ”, trong đó, Hoa Bằng nhiệt thành ca ngợi Hồ Xuân Hương “không những là một nhà đại thi hào mà lại là nhà đại tư tưởng, đại cách mạng” [4], thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói chống nam quyền, chống chế độ phong kiến, chống thành kiến trọng nam khinh nữ… Văn Tân chỉ ra rằng “Xuân Hương căm ghét đạo đức, lễ giáo phong kiến, nhưng bà chỉ căm ghét như một phụ nữ…”[76;23], Thanh Lương nhận xét: “Hồ Xuân Hương và Cống Quỳnh đã đại diện cho tinh thần thời đại họ và là kẻ bảo hiểm của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn” Những nhận định của các nhà nghiên cứu trên tiếp cận từ góc độ chính trị - xã hội - lịch sử đã thừa nhận một vấn đề cơ bản là vào thời đại cuối Lê đầu Nguyễn, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa nhưng hạn chế ở chỗ các ông đã vận dụng quá mức quan điểm giai cấp - xã hội vào phê bình thơ Hồ Xuân Hương dẫn đến những kết luận mang phần khiên cưỡng
- Ngoài những tiếp cận nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương mà chúng
ta vừa nêu trên, khi nghiên cứu Hồ Xuân Hương các nhà nghiên cứu còn cố gắng tiếp cận từ phong cách thơ Hồ Xuân Hương Chẳng hạn như Nguyễn Lộc đã nhận xét: “Hồ Xuân Hương thuộc dòng phong cách bình dân, nhưng thơ bà không tan biến trong phong cách chung ấy mà sắc thái cá nhân vẫn
đậm nét” [39; 278] Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ
dòng Việt Nam, bà chúa thơ Nôm…thơ Hồ Xuân Hương đã làm cho chữ
“nôm na” không đồng nghĩa với “mách qué” nữa mà nôm na là đồng nghĩa với thuần tuý, trong trẻo tuyệt vời” [16] Với phương pháp tiếp cận phong
Trang 13cách học này đã cho thấy những góc độ nhìn nhận mới, những khám phá mới
về thơ Hồ Xuân Hương từ góc độ văn chương
- Người đầu tiên đặt vấn đề tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương theo phương pháp Bakhtin là nhà nghiên cứu người Nga N.I.Niculin, ông đã chỉ ra tính hai chức năng, tính lưỡng trị, sự giao thoa giữa văn hoá bác học với văn học dân gian ở một điển hình Việt Nam trong thơ Hồ Xuân Hương:
“Tiếng cười của bà gắn với tính chất tự phát của những ngày lễ hội
và những buổi biểu diễn của nhân dân…tiếng cười yêu ghét lẫn lộn trong đó
sự chỉ trích và ca tụng, phủ nhận và xác nhận, tử vong và sinh sản gắn bó chặt chẽ như hai mặt của một quá trình phục sinh”
Đối với giới nghiên cứu văn học Việt Nam, áp dụng phương pháp Bakhtin vào hiện tượng Hồ Xuân Hương, các nghà nghiên cứu như Nguyễn Lộc, Lê Trí Viễn, Xuân Diệu, Trần Ngọc Vương…đã chỉ ra sự ảnh hưởng của văn học dân gian, đặc biệt là ca dao, dân ca đối với thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương đã tạo nên ở hiện tượng này một gương mặt thơ độc đáo vô song Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên đã đặt ra vấn đề: “Cần phải đặt nó vào nền văn hoá dân gian thế kỷ XVIII, XIX vì thơ Hồ Xuân Hương nảy sinh trên
và trong nền văn hóa dân gian ấy ”
- Trong khi nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu còn tiếp cận thơ bà dưới góc độ ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực Người đầu tiên áp dụng cách tiếp cận này là Trương Tửu, kế đó là Nguyễn Tuân, Lê Trí Viễn, Tam Vị… Phát hiện mối quan hệ giữa ảnh hưởng của loại hình tín ngưỡng dân gian phồn thực với tư tưởng Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tuân trong Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương khẳng định:
“Thế giới quan, nhân sinh quan của Hồ Xuân Hương là một nhỡn quan nõn nường Bất cứ cái gì, bất kể lúc nào và ở đâu vẫn ngân vang lên chữ nõn và nường, câu nào, chữ vần nào cũng chỉ có mỗi cái sự nhà thế, của cái
ấy và cái nọ” [100]
Trang 14Trong “Hồ Xuân Hương – hoài niệm phồn thực”, Đỗ Lai Thuý lại khẳng định một cách thuyết phục rằng Hồ Xuân Hương là “người phát ngôn phồn thực” Nhưng đây mới là các khía cạnh tiếp cận mới cần được lý giải đầy đủ hơn nữa
Trên đây theo Bùi Ngọc Minh và Hoàng Bích Ngọc là các cách tiếp cận nghiên cứu về hiện tượng Hồ Xuân Hương, từ các góc độ riêng đều có những lý giải hợp lý và cả điểm hạn chế riêng, song với các lối nghiên cứu mới ấy, các nhà nghiên cứu đã ngày càng đạt được những thành tựu mới trong nghiên cứu về hiện tượng Hồ Xuân Hương góp phần làm cho những vấn đề thuộc hiện tượng Hồ Xuân Hương ngày càng được sáng tỏ hơn Nhưng rõ ràng qua tình hình này chúng cũng khẳng định tính mở cần tiếp tục được khái quát, hệ thống hoá, đặc biệt là khía cạnh các giá trị tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương cần có sự phân tích sâu hơn trong các chuyên khảo để làm rõ hơn nội dung và ý nghĩa của nó
3 MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
- Mục đích nghiên cứu: Tìm hiểu đầy đủ hơn những nội dung và ý nghĩa tư tưởng nhân văn của Hồ Xuân Hương thông qua việc nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương
- Nhiệm vụ nghiên cứu: luận văn cần phải làm sáng tỏ được những vấn đề sau:
+ Những tiền đề cho sự xuất hiện của hiện tượng Hồ Xuân Hương + Nội dung tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương
+ Những ý nghĩa của tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương trong giai đoạn hiện nay
4 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Cơ sở lý luận: Dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của triết học Mác – Lênin, những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc kế thừa và phát triển những tinh hoa văn hoá dân tộc trong điều kiện hiện nay
Trang 15- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được thực hiện dựa trên những phương pháp nghiên cứu khoa học của bộ môn lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam như: Phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp logic - lịch sử, phương pháp liên ngành…
5 ĐỐI TƢỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Trong đề tài luận văn, chúng tôi tập trung tìm hiểu đối tượng là những nội dung tư tưởng nhân văn của thơ Hồ Xuân Hương bởi vậy giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài là tiểu sử cuộc đời và tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương đã được thừa nhận ở các công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề này về cơ bản đã được các nhà nghiên cứu nhất trí xác định
6 ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
Luận văn góp phần hệ thống hoá, làm rõ nội dung và giá trị của tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp thêm vào việc làm đầy đủ hơn nội dung tư tưởng của một giai đoạn phát triển của lịch sử tư tưởng nước nhà trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX hiện còn chưa được đi sâu đầy đủ
7 Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN VĂN
Qua tìm hiểu những tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương là nhằm góp phần nhỏ bé nhằm khôi phục, bổ sung dầy đủ hơn và phát huy truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bước đầu khai thác và đưa những giá trị tinh thần ấy vào phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH Đồng thời, luận văn cũng làm tài liệu tham khảo cho những người quan tâm tới nội dung lịch sử tư tưởng Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX và trong tiến trình lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung
8 KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và phần Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn bao gồm 2 chương, 4 tiết:
Trang 16CHƯƠNG 1 NHỮNG TIỀN ĐỀ CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ
TƯỞNG NHÂN VĂN Ở THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
Sự hình thành của bất kể một học thuyết lý luận, một hệ tư tưởng nào cũng bắt nguồn và chịu sự chi phối của những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định Tìm hiểu lịch sử tư tưởng của dân tộc thực chất là tìm hiểu cốt tuỷ tư tưởng triết học – tư tưởng nhân văn của dân tộc là một trong các hình thái ý thức xã hội nên cần phải đặt nó trong hiện thực để nghiên cứu, vì vậy nên sự
ra đời của các thi phẩm chứa đựng tư tưởng nhân văn cũng không nằm ngoài quy luật đó Điều này có nghĩa để hiểu rõ nội dung tư tưởng của các tác phẩm
ấy, trước hết phải nắm bắt được những thực tế lịch sử của thời đại mà các tác phẩm ấy ra đời Chính vì thế, nghiên cứu tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương, điều đầu tiên chúng ta phải làm là tìm hiểu thời đại của hiện tượng Hồ Xuân
Hương đó
Tuy hiện nay chúng ta vẫn chưa biết rõ về cuộc đời của Hồ Xuân Hương, ngay cả năm sinh và năm mất Nhưng qua khảo cứu các công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, có một điều chắc chắn là nhân vật Hồ Xuân Hương đã sống trong những điều kiện lịch sử đặc biệt của những năm nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX Vì thế chúng ta sẽ không thể hiểu được hiện tượng tư tưởng Hồ Xuân Hương nếu chúng ta bỏ qua hay xem nhẹ những điều kiện lịch sử đó Nếu bỏ qua những điều kiện lịch sử của xã hội phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX chúng ta sẽ không thể hiểu tại sao trong lòng chế độ phong kiến hà khắc như vậy lại có thể có một hiện tượng tư tưởng “phản chính thống” ngang nhiên chế diễu từ vua chúa cho đến quan lại, nho sĩ và nguyền rủa tất cả những lễ giáo phong kiến đè nén người phụ nữ như vậy
Trang 171.1 Điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII
- nửa đầu thế kỷ XIX
Đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là sự khủng hoảng nghiêm trọng của chế độ phong kiến trên mọi mặt từ kinh tế đến chính trị và văn hoá tư tưởng
Về kinh tế: nền kinh tế của xã hội phong kiến Việt Nam nửa cuối thế
kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX suy sụp một cách toàn diện
* Về nông nghiệp: Do chiến tranh chia cắt liên miên, khởi nghĩa nông
dân liên tục nên nghành nông nghiệp rơi vào tình trạng bị đình trệ trầm trọng Phần lớn ruộng đất là nằm trong tay bọn địa chủ, quan lại và cường hào Nông dân không còn một tấc đất cắm dùi, thêm vào đó và tô thuế nặng nề, nạn mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra đã đẩy người nông dân vào đường cùng
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có viết về nạn sưu cao thuế nặng thời ấy như sau: “Vào khoảng năm Giáp Thìn (1724) xét biên, trong dân gian, ai có nghề nghiệp gì là chiếu bổ thuế sản Vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt không thể nộp nổi đến nỗi người ta thành ra bần cùng mà phải bỏ nghề nghiệp Có người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, có người vì thuế vải lụa mà phải phá khung cửi Cũng có kẻ vì nộp gỗ cây mà bỏ rìu, búa, vì phải bắt tôm cá mà xé lưới chài, vì phải nộp mật mía
mà không trồng mía nữa, vì phải nộp bông chè mà phải bỏ vườn hoang” Dẫn đến tình trạng: “Dân phiêu tán dắt díu nhau đi ăn xin đầy đường Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa ăn no Nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nỗi phải ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói đầy đường chồng chất lên nhau, số dân còn lại mười phần không được một, làng nào vốn
có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại năm ba hộ”
Mấy năm ổn định, chấm dứt chia cắt ngắn ngủi dưới thời Quang Trung, tình hình được cải thiện hơn Năm 1789, sau chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung ra chiếu khuyến nông ra lệnh lấy ruộng đất của bọn phản động giao cho làng xã, sửa đổi lại chính sách quân điền, đảm bảo cho nông
Trang 18dân có ruộng cày cấy, dân lưu tán được lệnh trở về quê cũ làm ăn Tuy nhiên, liền sau cái chết của vua Quang Trung, Nguyễn Ánh xác lập vương vị, những năm dưới triều Nguyễn, nhà nước phong kiến bất lực trong việc bảo vệ đê điều và làm các công trình thuỷ lợi nên đê điều liên tục bị vỡ Riêng đê sông Hồng ở Khoái Châu – Hưng Yên, dưới thời Tự Đức hơn mười năm liền bị vỡ Công cuộc khai hoang của nhà Nguyễn cũng chẳng đem lại nhiều kết quả vì vùng này khai hoang thì vùng kia nông dân bị bóc lột lại bỏ lưu tán đi nơi khác Đời sống người dân, đặc biệt là nông dân vô cùng điêu đứng, cực khổ Ngô Thì Sĩ viết: “Những dân phiêu lưu, ruộng đất phải bỏ hoang, phần nhiều
bị bọn thế gia và các làng lân cận chiếm cày, lập văn khế giả làm bằng cứ Thậm chí có khi ruộng đã cày cấy hết mà vẫn khai là hoang phế Dân lưu vong muốn trở về cũng không có ruộng cày cấy, mà kiện cáo thì khổ nỗi không đủ sức”
Theo thống kê của Ngô Thì Sĩ, nửa cuối thế kỷ XVIII bốn trấn ở đồng bằng Bắc Bộ ngày nay có 9668 làng xã thì có đến 1076 làng xã bị điêu tàn Trấn Thanh Hoá có 1393 làng xã thì có 297 làng xã bị điêu tàn và trấn Nghệ
An có 706 làng xã thì có tới 115 làng xã bị điêu tàn…[34]
* Về công thương nghiệp: Giai đoạn trước đó tuy được khởi sắc song
sang triều Nguyễn cũng không phát triển Lo sợ sự xâm lược, khởi loạn chính quyền phong kiến thực hiện chính sách kìm hãm thương nghiệp phát triển, có chăng chỉ một số nghành công thương nghiệp được đẩy mạnh chỉ nhằm phục
vụ nhu cầu và lợi ích của giai cấp thống trị Chẳng hạn như nghề khai mỏ giai đoan này rất được chú trọng là chỉ để lấy đồng đúc tiền, đóng tàu, đúc súng hay đổi cho các lái buôn phương Tây để lấy vũ khí Chỉ có một số ít mỏ là thuộc quyền quản lý của thương nhân người Việt và Hoa Kiều, còn lại phần lớn mỏ là thuộc quyền quản lý của nhà nước Nhiều mỏ tư nhân bị nhà nước bắt lĩnh trưng và nộp thuế quá nặng buộc phải đóng cửa Người làm công trong các khu mỏ của nhà nước cũng như của tư nhân được trả tiền công rất ít, đời sống vô cùng cực khổ
Trang 19Về thương nghiệp: dưới thời các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, lo sợ cho quyền lợi của tập đoàn phong kiến thương nghiệp bị bóp nghẹt, việc buôn bán của thương nhân bị ngăn cấm Đến năm 1789, vua Quang Trung ra lệnh bỏ những thuế quá nặng đánh vào thương nghiệp, đề nghị nhà Thanh mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hoá không ngưng đọng để làm lợi cho sự tiêu dùng của dân Nhưng triều đại Tây Sơn không tồn tại lâu, khi Gia Long lên ngôi, tình hình trở lại như cũ, việc buôn bán bị hạn chế Gia Long, Minh Mệnh sợ dân tụ tập chống đối nên ra lệnh cấm họp chợ Triều đình thực hiện chính sách “bế quan toả cảng” từ chối không chịu đặt quan hệ thương mại với thương nhân phương Tây
Về chính trị: Nếu như trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu
thế kỷ XIX nền kinh tế đất nước bị suy thoái, trì trệ trầm trọng thì về mặt chính trị - xã hội cũng không kém phần khủng hoảng Nhìn chung, tình hình
chính trị Việt Nam trong giai đoạn này nổi lên hai đặc điểm cơ bản đó là sự suy đồi, thối nát của bộ máy cai trị và tinh thần quật khởi đòi quyền sống của quần chúng, đặc biệt là giai cấp nông dân
Giai cấp phong kiến Việt Nam trong giai đoạn này đã bộc lộ rõ sự suy yếu và bạc nhược đến cùng cực Nếu như coi chế độ phong kiến Việt Nam
như một cái cây thì thời kỳ tươi tốt sum suê đã qua đi Đến thời kỳ này, cái cây ấy đã bị sâu mọt đục ruỗng, nó đã bị lung lay tới tận gốc rễ Không còn cảnh “vua sáng tôi hiền”, “tướng sĩ một lòng phụ tử” như ngày nào nữa Đối với người dân Việt Nam, đây là giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử nước nhà bởi lẽ chưa bao giờ giai cấp phong kiến Việt Nam lại bộc lộ rõ bản chất tàn bạo, phản động một cách trắng trợn, sâu sắc và toàn diện như lúc này C.Mác đã nói khi một giai cấp sắp rời vũ đài lịch sử, bao giờ tự nó cũng diễn lấy vở hài kịch của chính bản thân nó Giai cấp phong kiến Việt Nam khủng hoảng đến cùng cực, những cảnh trái đạo diễn ra ngay trong cung vua phủ chúa Thời Lê mạt, vua Lê chỉ ngồi làm vì, mọi quyền hành đều tập trung trong tay chúa Trịnh Các chúa Trịnh thì chuyên quyền, độc đoán, chỉ lo việc
Trang 20ăn chơi hơn là lo việc trị nước yên dân Khi Trịnh Cương lên ngôi chúa, thấy dân đói nên tha thuế cho nửa năm, nhưng sau cần tiền xây chùa chiền lại ra lệnh tăng thuế Trịnh Cương xây chùa Phúc Long, dựng hành cung Cổ Bi bắt dân ba huyện ở Kinh Bắc phục dịch suốt sáu năm…
Trái lại Trịnh Sâm lại có lối ăn chơi khác, trong tác phẩm Vũ trung tuỳ bút có ghi cảnh ăn chơi của Trịnh Sâm: mỗi tháng ba bốn lần ngự chơi cung Thụy Liên bên Hồ Tây thì binh lính dàn quanh bốn mặt hồ, giả làm đàn bà bày hàng Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng lập con thứ, gây ra cảnh hỗn loạn trong phủ chúa Quận mã Đặng Mậu Lân cưỡng dâm một người đàn bà không được bèn cắt vú người ta Đại thần Trương Phúc Loan phơi vàng đầy sân sau một trận lụt Không những vậy việc thi cử cũng biến thành việc mua bán, mua bán quan tước là việc thường sự
Đến thời nhà Nguyễn, nhà Nguyễn không xây nhiều chùa nhưng lại xây lăng tẩm Công việc xây lăng Vạn Niên thời Tự Đức được ghi lại trong câu ca dao:
“Vạn Niên là vạn niên nào Thành xây xương lính, hào đào máu dân ” Ngoài ra, các vua nhà Nguyễn thường hay đi tuần du, mỗi lần như vậy cũng tốn kém cả trăm vạn quan tiền…
Chưa bao giờ chính quyền phong kiến lại vô sỉ như thời này, Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong Vũ trung tuỳ bút đã phải thốt lên rằng “đời suy thói tệ”, những khuôn vàng thước ngọc của chế độ phong kiến bị phá nát tan tành.Còn đâu lễ giáo quân - thần, phu - phụ khi Nguyễn Cảnh Thước tước hòm vàng, lột cả áo bào vua Lê Chiêu Thống trong cơn nguy biến, rồi chuyện Đặng Thị Huệ thề sống thề chết sẽ giữ trọn tình thuỷ chung cùng Chúa mà đương khi Trịnh Sâm chưa chết đã tư thông với Quận huy Hoàng Đình Bảo
Cũng chưa bao giờ giai cấp thống trị bộc lộ rõ bộ mặt phản động trắng trợn như lúc này Chính từ chuyện tranh giành quyền lực ấy đã dẫn đến hành động bỉ ổi “cõng rắn cắn gà nhà” của Lê Chiêu Thống Trong Hoàng Lê nhất
Trang 21thống chí của Ngô gia văn phái có viết về mối quan hệ giữa Lê Chiêu Thống với Tôn Sĩ Nghị, tướng nhà Thanh như sau:
“Tuy là hoàng thượng được phong vương nhưng giấy má đưa đi các nơi vẫn viết niên hiệu Càn Long vì Nghị còn ở đấy nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống Ngày ngày tan buổi chầu, ngài đến dinh Nghị chờ nghe công việc quốc quân …Nghị cũng ngông nghênh tự đắc, hoàng thượng đến dinh, có khi Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng trên linh các truyền rằng “Nay không có việc quốc quân, hãy về cung nghỉ”
Sự suy đồi và phản động của giai cấp phong kiến đã trở thành chất xúc tác cực mạnh nhóm lên ngọn lửa căm hờn trong quần chúng nhân dân, đặc
biệt là giai cấp nông dân Phong trào nông dân nổi dậy mạnh mẽ là tất yếu lịch sử Trong Việt sử thông giám cương mục có viết: “chính sự trái ngược,
thuế khoá nặng nề, lòng người mong mỏi cho chóng loạn lạc”
Nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, nhân dân Việt Nam sống cực khổ hơn bao giờ hết Ngoài chế độ bóc lột hà khắc còn hàng trăm năm chiến tranh với bao nhiêu ly thương tang tóc Có những năm ở Hải Dương có làng chết gần hết và đói khổ đến nỗi ăn cả thịt người Những người thợ thủ công cũng nghèo khổ, họ phải đợi tiền đặt hàng của ngoại quốc mới có vốn sản xuất Nho sĩ, quý tộc cũng nhiều người bị thất thế Thực tế này buộc nông dân phải nổi dậy giành lấy quyền sống và họ được sự ủng hộ của thợ thủ công, thương nhân và một phần số nho sĩ phong kiến
Năm 1737, Nguyễn Dương Hưng tiến hành cuộc khởi nghĩa ở Sơn Tây
mở màn cho phong trào khởi nghĩa của nông dân trong giai đoạn này Tiếp đó
là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oanh ở Hải Dương, Lê Duy Mật ở Thanh Hoá, Nghệ An…trong đó có những cuộc khởi nghĩa lớn kéo dài hàng chục năm như cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (từ 1741- 1751), hoạt động trên một vùng rộng lớn của đồng bằng Bắc bộ, uy hiếp cả kinh thành Thăng Long, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây rồi tràn sang Thái Nguyên, Tuyên Quang Cuộc khởi nghĩa của
Trang 22người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã cuốn đi những gì là rác rưởi của thời đại, đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước Mặc dù sự xuất hiện của triều đại Tây Sơn rốt cuộc vẫn là sự thay thế triều đại phong kiến này bằng một triều đại phong kiến khác nhưng phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đã chứng tỏ sức mạnh của nhân dân lao động, niềm khao khát hướng đến cuộc sống mới tự do, hạnh phúc Bởi vậy, phong trào Tây Sơn sẽ mãi mãi không bị mất đi sự vĩ đại của nó
Trong Hoàng Lê nhất thống chí đã nói lên sự thất bại thảm hại, nhục nhã của tên vua mất nước và bọn ngoại xâm: “Lê Chiêu Thống chạy đến cửa
ải, Nghị cũng ở đó Vua vào ra mắt Nghị Các quan lục tục kéo đến, ai nấy trông nhau, nước mắt chứa chan Sĩ Nghị cũng phải xấu hổ” Hoà Khôn, tướng nhà Thanh, khi tâu với vua Thanh phong vương cho Quang Trung cũng nói: “Từ xưa đến nay, chưa đời nào đắc chí ở Nam bang Tống, Nguyên, Minh đều bị thua nhục cả, gương đó cũng không xa lắm”
Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn miêu tả khá sinh động về phong trào nông dân khởi nghĩa trong giai đoạn này:
“Lúc ấy về mặt Hải Dương có bọn Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh
Xá, Vũ Trác Oánh ở Mộ Trạch; về mặt Sơn Nam có Hoàng Công Chất, đảng lớn phe nhỏ hết chỗ này đến chỗ khác thúc giục nhau phiến động, chỗ nào cũng tự dấy quân, tự xưng danh hiệu: Nguyễn Tuyển xưng hiệu Minh chủ, Trác Oánh xưng hiệu Minh công, hội họp nhau ở xã Ninh Xá đều mượn tiếng
“phù Lê” Dân ở vùng Đông, vùng Nam, người đeo bừa, người vác gậy đi theo, chỗ nhiều có đến hơn vạn, chỗ nhỏ cũng hàng ngàn hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc làng xóm, vây đánh các ấp, các thành, triều đình không thể nào
ngăn cấm được” [117, 1690]
Dưới triều Nguyễn, khởi nghĩa nông dân không có phong trào nào có quy mô lớn như ở giai đoạn trước nhưng cũng liên tiếp xảy ra Triều đình nhà Nguyễn dùng mọi cực hình để trị tội những kẻ “phản nghịch” như xẻo thịt cho đến chết, chém đầu, phanh thây…nhưng không vì thế mà phong trào giảm sút
Trang 23Những dữ liệu lịch sử trên đây cho thấy chế độ chuyên chế đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, kéo theo đó là sự khủng hoảng về mặt ý thức hệ Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những yếu tố của một nền kinh tế đô thị Thế
kỷ XVIII – XIX ngoài kinh đô Thăng Long ở Đàng ngoài, đã bắt đầu hình thành một số huyện lị, tỉnh lị lớn Ngoài chức năng là trung tâm chính trị, các
đô thị này còn có vai trò quan trọng về kinh tế Dưới triều Mạc, các làng nghề thủ công xuất hiện ở nhiều nơi tạo thành các trung tâm thương mại lớn như
Kẻ Chợ, phố Hiến ở Đàng ngoài, Hội An, Thanh Hà ở Đàng trong Đi kèm với sự ra đời của các trung tâm thương mại là sự xuất hiện của một giai tầng mới - tầng lớp thị dân Sự có mặt của tầng lớp mới này nảy sinh nên một lối sống, một tâm lý mới – tâm lý thị dân và tất yếu sẽ làm ảnh hưởng phần nào đến ý thức tư tưởng chung của cả xã hội lúc đó và làm xuất hiện tư tưởng Hồ Xuân Hương
Tóm lại, trên đây là những điểm cơ bản nhất của những điều kiện kinh
tế - chính trị - xã hội nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX làm nảy sinh hiện tượng Hồ Xuân Hương Trong đó khủng hoảng xã hội, khởi nghĩa nông dân và yếu tố kinh tế đô thị là hai trong những điều kiện cơ bản nhất bởi vì
Hồ Xuân Hương là người sinh ra và lớn lên ở trung tâm Thăng Long ở thời kỳ này thì chắc chắn tinh thần phản kháng lại hệ tư tưởng phong kiến cuối mùa của kẻ sĩ Bắc Hà, nền kinh tế hàng hoá và tư tưởng thị dân ít hay nhiều sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của bà
1.2 Tiền đề văn hoá – tư tưởng
Có một điều “nghịch lý” về hình thức nhưng “thuận lý” về tính tất yếu nội tại là trái với sự khủng hoảng và sự suy thoái nghiêm trọng của tình hình kinh tế, chính trị của xã hội Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX thì đời sống về mặt văn hoá – tư tưởng của Việt Nam lúc này lại có những bộc phát Điều này có thể giải thích được khi chúng
ta nắm bắt được quy luật duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức
xã hội so với đời sống vật chất của xã hội
Trang 24Thời kỳ này nghề in có phát triển đôi chút nhưng việc xuất bản sách không hề dễ dàng do chi phí cao, thêm vào đó là phương tiện lưu thông cũng không thuận tiện nên về cơ bản người ta vẫn trực tiếp trao đổi về tư tưởng thông qua các diễn đàn, các văn đàn thi xã tiêu biểu như Cổ nguyệt đường của
nữ sĩ Hồ Xuân Hương…nở rộ ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài
Giai đoạn này, âm nhạc phát triển mạnh ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài không chỉ là món tiêu khiển của cung đình mà còn trở thành nhu cầu thưởng thức của nhân dân Do yêu cầu xây dựng, các nghành như điêu khắc, kiến trúc cũng phát triển Một số chùa chiền có cách kiến trúc mỹ lệ và những công trình điêu khắc tài tình được xây dựng từ thời kỳ này cho đến nay vẫn còn là niềm tự hào của dân tộc
Xã hội tuy loạn lạc song trên lĩnh vực học thuật, các ngành văn học, sử học, y học…đều có những thành tựu to lớn với các đại biểu như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Lê Hữu Trác…Bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú được mệnh danh là bộ Bách khoa toàn thư của dân tộc Việt, bộ Lãn Ông y tập của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm một trăm quyển là một pho sách thuốc vô cùng quý giá Hay Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ là một tác phẩm khảo sát và phê bình các bản sử cũ rất có giá trị Đặc biệt, những thành tựu văn hoá thời kỳ này ngoài việc tiếp thu những thành tựu của văn hoá nước ngoài đã thể hiện rõ tính dân tộc, tính nhân văn cũng như tinh thần khảo chứng duy lý rất cao Chẳng hạn, khi Phan Huy Chú biên soạn cuốn Lịch triều hiến chương loại chí có nói rằng:
“Phàm những sự tích chép trong sách này, trên từ đời cổ, dưới đến cuối
Lê, đều nói có sách mách có chứng cả Hễ thấy những lời nghị luận trong sách
sử có điều gì tỏ sáng thêm thì cũng nhặt lượm vào để cho đầy đủ mà xem xét Gián hoặc có kiến giải dị đồng gì thì tác giả lại lấy ý mình mà cân nhắc bàn bạc, nhưng vẫn nêu một chữ “án” ở dưới đó để tỏ ra là lời bàn của mình Mục đích cốt là so sánh mọi việc mọi lẽ, cầu cho rất mực đích đáng, chứ không phải dám phóng bút khua môi xằng”
Trang 25Cùng với những thành tựu lớn lao trên lĩnh vực văn hóa thì về mặt tư tưởng cũng có những kế thừa những thành quả của thời kỳ trước và có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là sự xuất hiện xu hướng tư tưởng nhân văn mang tính đột phá Giai đoạn lịch sử xuất hiện hiện tượng tư tưởng Hồ Xuân Hương
là giai đoạn xã hội Việt Nam xảy ra những biến cố lớn lao làm đảo lộn những
nề nếp tư tưởng cũ “hệ tư tưởng chính thống và nền văn hoá phục vụ cho giai cấp thống trị bị khủng hoảng và sụp đổ” [40; 48], thay vào đó là một luồng tư tưởng mới lạ đã ra đời – đó chính là sự ra đời của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa (nhân văn chủ nghĩa) Giai đoạn này xuất hiện rất nhiều nhà tư tưởng, nhà văn hoá lớn của dân tộc như Nguyễn Gia Thiều, Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du… Trong đó, Hồ Xuân Hương có những đóng góp thật đặc sắc về tư tưởng nhân văn bằng hình thức độc đáo là thơ Hồ Xuân Hương
Dĩ nhiên, chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân văn này thuộc phạm trù văn hoá phương Đông nên có những đặc thù so với chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân văn phương Tây thời Phục hưng, khi giai cấp tư sản xuất hiện trong bối cảnh văn hoá Tây Âu
Ở phương Tây, khi nói đến chủ nghĩa nhân văn, người ta thường liên tưởng ngay đến sự phát triển của các đô thị, đến nền kinh tế hàng hoá và sự ra đời của giai cấp tư sản bởi có thể nói chủ nghĩa nhân văn, ở một góc độ nào
đó là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản đang lên nhằm chống lại hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến đang thống trị và nó được thể hiện cả trong văn học, nghệ thuật và nhất là trong các tác phẩm chính luận bàn về chủ nghĩa nhân văn từ các mức độ
Nếu đem áp đặt công thức phương Tây như chúng ta vừa nói trên vào nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam là không đủ cơ sở, nếu không muốn nói
là cục bộ, phiến diện và giáo điều Trong bài Những nhận xét phê phán về vấn
đề dân tộc, V.I Lênin đã viết:
“Trong mỗi nền văn hoá dân tộc đều có những yếu tố văn hoá dân chủ
và xã hội chủ nghĩa – dù rằng những yếu tố ấy ít nhiều phát triển đến đâu đi
Trang 26chăng nữa - bởi vì trong mỗi dân tộc đều có quần chúng lao động và bị bóc lột
mà những điều kiện sinh hoạt tất nhiên phải làm phát sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa”
Những yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa mà V I Lênin nói đến ở trên không phải là cái gì khác mà thực chất đó chính là những nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Như vậy, chủ nghĩa nhân văn ra đời không chỉ gắn liền với sự hình thành của giai cấp tư sản và nền kinh tế hàng hóa mà trước hết nó gắn liền với quần chúng lao động bị bóc lột, và có những biểu hiện đa dạng ở mỗi nền văn hoá dân tộc
Nói đến đặc điểm sự hình thành của trào lưu nhân văn chủ nghĩa ở Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX thì giai đoạn này chưa thể có ý thức hệ tư sản Tuy nhiên, ở Việt Nam một mặt trong lịch sử đã tiềm tàng tư tưởng nhân văn đến lúc này cũng đã hình thành các đô thị lớn và mầm mống tầng lớp thị dân Hơn nữa phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân bị áp bức phát triển rất mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn Mặc dù cho đến lúc này, giai cấp nông dân vẫn không có ý thức hệ độc lập nhưng phong trào đấu tranh của họ cùng với sự ảnh hưởng trong một chừng mực nhất định nào đó, ý thức thị dân đã trở thành cơ sở cho sự ra đời của trào lưu nhân văn chủ nghĩa Chỉ có điều khi chủ nghĩa nhân văn ra đời trong bối cảnh xã hội chưa có ý thức hệ tiên tiến như ý thức hệ tư sản thì tính chất của nó dĩ nhiên sẽ khác với chủ nghĩa nhân văn ra đời khi xã hội đã có ý thức hệ tư sản hoàn chỉnh làm nền tảng
Nhìn nhận một khía cạnh lịch sử cụ thể hàng loạt các tác giả, tác phẩm giai đoạn này chúng ta có thể khẳng định, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, ở Việt Nam chủ nghĩa nhân văn đã hình thành không phải như một yếu tố hay tính chất mà là một trào lưu Chưa bao giờ trong lịch
sử tư tưởng Việt Nam, vấn đề con người lại được đề cập đến nhiều như lúc này Nếu trước thế kỷ XVIII, tinh thần nhân văn biểu hiện là sự khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh phẩm chất con người Việt Nam trong cuộc sống,
Trang 27trước hết là trong chiến đấu, bảo vệ tổ quốc; là tình thương, lòng bác ái, nghĩa đồng bào còn vấn đề quyền sống, quyền làm người chưa được chú ý, thì đến giai đoạn này, con người đã ý thức rõ về quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc Vấn đề con người trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế
kỷ XIX được đề cập đến trên các phương diện cơ bản:
- Nhận thức và đấu tranh đòi được giải phóng cá nhân con người về mặt tình cảm và đời sống bản năng của con người
- Quan niệm đề cao, ca ngợi người phụ nữ, người phụ nữ tự nhận thức, đòi quyền sống, quyền được hạnh phúc
Chúng ta biết rằng, từ rất lâu trong đời sống tinh thần, tư tưởng ở Việt Nam đã tồn tại hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên”, nghĩa là sự tồn tại và ảnh hưởng đồng thời của cả ba hệ tư tưởng là Nho, Phật và Đạo Tư tưởng nhân văn ở thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng tư tưởng nhà Nho Trung đại, trong tình hình một vùng văn hoá “tam giáo đồng nguyên”, thì lẽ dĩ nhiên dù trực tiếp hay không thì Hồ Xuân Hương vẫn phải chịu sự ảnh hưởng của những triết thuyết trong tam giáo Nho - Phật - Đạo Vì vậy, cắt nghĩa hiện tượng này không thể bỏ qua vai trò của các học thuyết trên
Trước tiên cần phải khẳng định rằng việc tìm hiểu những dấu vết ảnh hưởng trực tiếp của các học thuyết trên trong thơ Hồ Xuân Hương tuy có tính hiện thực, nhưng không điển hình và không tập trung Trong thơ Hồ Xuân Hương thì bộ phận Lưu Hương ký mang đậm nét ảnh hưởng của Nho giáo nhưng bộ phận thơ Nôm truyền tụng về cơ bản là đi ngược lại các tín điều của Nho giáo Đây là bộ phận thơ mà luận văn chúng tôi tập trung chú ý nhiều hơn
Nho giáo là một học thuyết chính trị - xã hội lấy mục đích là thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội theo chế độ tông pháp đẳng cấp tôn trọng lễ giáo Để làm được điều đó các nhà Nho phải tuân theo những quy định hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt Nho giáo lấy chữ Nhân làm hạt nhân cơ bản để phân định
Trang 28và đánh giá con người, như Khổng Tử đã nói: “Đức nhân cần thiết cho mọi người, còn quan trọng hơn cả nước và lửa” Nhưng ở một phương diện khác, không phải ai cũng có thể thực hiện được chữ “nhân” và nó là đặc quyền của thiểu số người “quân tử” trong xã hội Đây chính là mặt hạn chế trong học thuyết của Nho giáo Đối chiếu với quan niệm của chúng ta về nội dung tư tưởng nhân văn thì chủ nghĩa nhân văn: “là một học thuyết đạo đức và chính trị coi việc giải phóng năng lực và thoả mãn những nhu cầu lành mạnh của con người ở ngay trên trần thế chứ không phải trong một thế giới hoang tưởng nào đó làm mục đích cuối cùng của mình” Vậy nếu chiếu theo quan điểm này
về chủ nghĩa nhân văn sẽ thấy Nho giáo là một học thuyết không quan tâm đến việc giải phóng năng lực sinh học của mọi loại “thứ, hạng” người mà lại chủ trương người quân tử phải tiết dục Nội hàm khái niệm năng lực con người có hai phương diện cơ bản là tồn tại và phát triển về mặt bản năng sinh học và mặt xã hội Nho gia chỉ chấp nhận những năng lực có lợi cho lợi ích chính trị của tập đoàn phong kiến Những năng lực khác thường bị ức chế bởi những tín điều nghiệt ngã Những năng lực người vượt qua khuôn khổ mẫu người quân tử của Nho giáo thì đều bị kìm kẹp, kiểm soát hết sức chặt chẽ Nho giáo còn bộc lộ tính chất phản nhân văn trên phương diện thoả mãn các nhu cầu của con người Chủ trương “tiết dục”, “khắc kỷ phục lễ” của Nho gia thể hiện rất rõ điều này Trong các nhu cầu của con người, Nho gia chỉ chú ý đến các nhu cầu đạo đức tinh thần mang tính phiến diện, khổ hạnh Đặc biệt, Nho gia rất coi thường những nhu cầu của con người trong quan hệ tình yêu nam nữ, luôn tìm mọi cách kìm hãm chúng Trên phương diện này, Nho gia
đã bộc lộ rõ tính chất phản nhân văn của nó Trong thơ Hồ Xuân Hương đã lên tiếng mỉa mai quan niệm đạo đức xơ cứng của các “hiền nhân quân tử”, là một trong những giá trị nhân văn đáng quý của bà
Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm và nó cũng mau chóng trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho giai cấp thống trị Việt Nam Nhưng cho đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX chỗ
Trang 29dựa tinh thần ấy đã bị rạn nứt, suy sụp Bao nhiêu đạo đức cơ bản của Nho gia
từ trước vẫn được trân trọng, được coi như những “khuôn vàng thước ngọc” như đạo vua – tôi, tình thầy – trò, nghĩa vợ - chồng… đều bị vi phạm nghiêm trọng mà trước hết là ngay bởi hàng ngũ giai cấp phong kiến làm khuôn mẫu hình thức
Có thể nói chính những nguyên tắc, giáo điều xơ cứng mang tính phản nhân văn trên của Nho giáo cùng với sự vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc ấy của bè lũ phong kiến trở thành điểm xuất phát của những tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương Hồ Xuân Hương chống lại những yếu tố phi nhân bản trong hệ tư tưởng Nho giáo một cách triệt để Ngược lại, Hồ Xuân Hương chính từ thực tiễn cuộc sống sinh động đã thấy được những nhu cầu, những khát vọng nhục cảm mang đầy tính bản năng của con người, nhưng những nhu cầu bản năng ấy trong con mắt của Hồ Xuân Hương đã được “người hoá” chứ không chỉ là ở góc độ bản năng thuần tuý Hồ Xuân Hương đã tìm thấy những gì là chính đáng, là đẹp đẽ trong chính những gì mà Nho giáo cho là xấu xa, thô bỉ Nếu không có sự áp đặt hà khắc, hình thức của đạo Nho thì sẽ không có hiện tượng tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương Nho giáo là chính
đề đầu tiên để tạo nên phản đề tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương
Điều cần chú ý nữa là đến giai đoạn này, trong khi Nho giáo bị khủng hoảng, rạn nứt, suy tàn, cuộc đời bế tắc, vận mệnh chênh vênh thì con người, ngay cả tầng lớp vua chúa quan lại quay trở về tôn sùng Phật giáo, đạo Lão – Trang để mong tìm được lối thoát, trốn tránh hiện thực Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, Phật giáo và Đạo Lão – Trang trong dân gian càng thịnh hành thì Nho giáo càng bị mất đi địa vị chính thống độc tôn của
nó
Phật giáo là một tôn giáo lớn có nguồn gốc từ Ấn Độ coi sự vô minh là cội nguồn mọi nỗi khổ của con người chủ trương lấy sự tự tu dưỡng đạo đức trí tuệ từ, bi, hỉ, xả của bản thân để đạt đến Phật tính Đây là mặt chính của giá trị Phật giáo Phật giáo chia ra làm nhiều trường phái nhưng nhìn chung
Trang 30đều hướng tới việc giải thoát con người khỏi mọi đau khổ bằng con đường bát chính đạo, trong đó đặc biệt loại bỏ tham, sân, si bằng cách cấm dục, diệt dục, đặc biệt là sắc dục và thực dục Như vậy, bên cạnh giá trị nhân văn còn có một khía cạnh nữa là Phật giáo đã tìm mọi cách hạ thấp, kìm nén, giết chết cái nhu cầu bản năng sinh học của con người Đây là yếu tố phản nhân văn của Phật giáo, nhất là Phật giáo thời kỳ này
Ở khía cạnh triết lý cấm dục, diệt dục ấy của Phật giáo, việc chối bỏ cuộc sống trần thế tràn đầy những niềm vui trần tục, những khát vọng rất con người ấy của Phật giáo là một điều không phù hợp với nhu cầu của con người nơi trần thế Không những thế, nhìn thực trạng Phật giáo ở nước ta lúc đó không thiếu gì những hiện tượng giới tu hành vi phạm giới luật, vi phạm giá trị nhân văn Hiện tượng “sư hổ mang” này cho thấy sự tha hoá đổ vỡ, rạn nứt của giá trị Phật giáo ở một bộ phận những người đại diện cho Phật giáo, đại diện cho triết thuyết coi thường, hạ thấp nhu cầu sắc dục Đây là phương diện
tư tưởng thứ hai làm tiền đề cho sự xuất hiện hiện tượng tư tưởng Hồ Xuân Hương chống lại tư tưởng chính thống xơ cứng
Ngoài việc lấy Phật giáo làm lối thoát trong bối cảnh thời đại xã hội loạn lạc đó, ngay tầng lớp vua chúa quan lại cũng quay về mong tìm thấy ở đạo Lão – Trang như là một phương thuốc tinh thần để giải toả căn bệnh thời đại ấy Bởi tinh thần cơ bản của đạo Lão – Trang là “vô vi”, lánh đời, sống theo triết lý tự nhiên Nhưng đến thời kỳ này ở xã hội khủng hoảng, tao loạn, đạo Lão – Trang lại đi vào con đường thần bí, phù thuỷ mà không có được nhiều các giá trị nhân văn của thời kỳ đầu, các loại thầy bói, thầy cúng, thầy phù thuỷ tha hoá rất nhiều Sự tha hoá của những người theo nguyên lý “tiết dục”, lánh đời của đạo Lão – Trang cùng những biến tướng “tha hoá” khác của chúng cũng trở thành tiền đề văn hoá – tư tưởng thứ ba cho sự ra đời của hiện tượng tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương
Trong lịch sử, phải thừa nhận các học thuyết Nho, Phật, Đạo Lão – Trang đều chứa đựng những thành tựu của tư duy nhân loại và giá trị nhân
Trang 31văn đặc sắc và học thuyết nào cũng có điểm hợp lý của nó Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ở các thời kỳ rối ren, khủng hoảng vì lợi ích chính trị của tập đoàn phong kiến mà đáng tiếc các học thuyết ấy đã bị giai cấp này khuôn mẫu hoá dẫn đến xơ cứng và giáo điều, hình thức, trở nên đối tượng bị đả kích, chế giễu Điều này thể hiện đặc biệt rõ nét ở Nho, Phật, Đạo với tư cách
là công cụ tinh thần của xã hội phong kiến giai đoạn này Trong khi xã hội ngày một biến đổi, những khuôn mẫu cứng nhắc ấy của Nho, Phật, Đạo đã không còn phù hợp, vì vậy, yêu cầu tất yếu của sự phát triển là nó phải bị phê bình để cuộc sống, con người tồn tại và phát triển Sự xuất hiện hiện tượng tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương chính là một kiểu đại diện cho nhu cầu đổi mới, đòi hỏi giải phóng con người nhất là giải phóng về mặt bản năng: “Hồ Xuân Hương không giả dối, bà đã công khai nói lên cái sự thật ấy Thoả mãn cuộc sống bản năng cũng là một khát vọng chính đáng của con người, giống như bất cứ một khát vọng chính đáng nào” [42; 11]
Thông thường các nhà Nho gặp lúc thời vận suy vi họ bất đắc chí tìm đến với đạo Phật, đạo Lão – Trang và cả tư tưởng dân gian Mặc dù không phải là một nhà Nho chính thống nhưng chắc chắn khi đó ít nhiều Hồ Xuân Hương cũng chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Nho - Phật - Đạo Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, việc tìm hiểu những dấu vết trực tiếp của các triết thuyết trên trong các sáng tác của Hồ Xuân Hương là rất khó khăn, vì chúng thường thể hiện không tập trung và không điển hình Trong thơ Hồ Xuân Hương, bộ phận Lưu hương ký mang ảnh hưởng đậm chất nhà Nho, nhưng bộ phận thơ Nôm truyền tụng về cơ bản là đi ngược lại những tín điều, giáo điều của Nho giáo về cả nội dung tư tưởng cũng như hình thức thể hiện Có thể giải thích nguyên nhân của tình trạng sóng đôi trên là do Hồ Xuân Hương trước hiện thực xã hội ở thời đại mình không tìm thấy ở các học thuyết đã bị
xơ cứng, hình thức, giáo điều ấy những nguồn mạch sự sống, chính vì vậy, Hồ Xuân Hương đã quay trở về với cội nguồn tư tưởng văn hoá dân gian Ở hiện tượng tư tưởng nhân văn Hồ Xuân Hương, yếu tố tư tưởng văn hoá dân gian
Trang 32đã trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc hình thành tư tưởng, quan điểm sống Có thể nói, Hồ Xuân Hương là đại diện tiêu biểu nhất cho sự quay trở về với nguồn mạch văn hoá dân gian Tư tưởng Hồ Xuân Hương chính là sự tìm kiếm những giá trị tinh thần mới trên con đường tiếp tục phát triển của tư tưởng Việt Nam nhờ quay về cội nguồn
Khi chú ý đến sự tiếp thu, kế thừa những giá trị của văn hoá dân gian,
ở tư tưởng Hồ Xuân Hương, ta có thể tìm thấy dấu ấn ảnh hưởng quan niệm của tín ngưỡng phồn thực đã từng tồn tại trong đời sống cư dân nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung từ thời xa xưa Điều đáng chú ý, quan niệm về con người, quan niệm nhục thể nhân sinh trong thơ Hồ Xuân Hương về cơ bản không phải chỉ bắt nguồn từ hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo, không phải hoàn toàn chỉ có thể tìm thấy trong tâm thức, tâm linh dân gian bản địa, trong “vô thức tập thể”, “vô thức cộng đồng” của người Việt cổ, mà
nó còn có tính phổ biến ở nhiều cộng đồng từ thời xa xưa và cả hiện nay trong lịch sử các nền văn hoá khác nữa nên ý nghĩa của nó là rất phổ quát Quan niệm về con người trong thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương là con người
cá nhân cụ thể, sống động mang đậm màu sắc bản năng:
“Hồ Xuân Hương không giả dối, bà đã công khai nói lên cái sự thật ấy Thoả mãn cuộc sống bản năng cũng là một khát vọng chính đáng của con người, giống như bất cứ một khát vọng chíng đáng nào; và điều đáng chú ý hơn nữa là nhà thơ này đã công khai nói lên cuộc sống bản năng, dù viết về đề tài cốt để người ta liên tưởng đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng, nhưng bất cứ một bài thơ nào của bà đều gợi lên một cảm giác đẹp hiếm có
Và chính điều này đã nâng bà lên hàng những nghệ sĩ lỗi lạc chứ không phải
là những kẻ tầm thường làm thơ, viết văn với mục đích khiêu dâm” [39,11]
Theo ý kiến của các nhà khảo cổ học, nhân loại học, văn hoá học thì tín ngưỡng phồn thực này ra đời vào thời kỳ đồ đá mới, khi trồng trọt, chăn nuôi
đã phát triển Sự mong muốn cây cối đơm hoa kết trái thật nhiều, vật nuôi đẻ đàn sinh đống, cuộc sống phồn thịnh kết hợp với trình độ tư duy, văn hoá thời
Trang 33ấy đã làm nảy sinh nhu cầu tín ngưỡng phồn thực lấy âm vật, dương vật là đối tượng thờ cúng Hạt nhân quan niệm nhân sinh của tín ngưỡng phồn thực là
sự sùng bái năng lực sinh sản sự sống tập trung ở biểu tượng thờ là sinh thực khí Tín ngưỡng này đặc biệt phát triển mạnh ở các nền văn minh nông nghiệp, trên thế giới hiện còn bảo lưu ở nhiều vùng, miền
Ở Việt Nam, dấu vết của quan niệm nhân sinh ở tín ngưỡng phồn thực vẫn còn tồn tại và được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ học, trong các lễ hội dân gian truyền thống…Tại Việt Nam hiện nay tín ngưỡng phồn thực còn được hỗn dung, bảo lưu ngay cả trong Phật giáo, Đạo giáo Nó đi vào biểu tượng môtíp trong kiến trúc, điêu khắc đền, chùa, đình miếu…Tín ngưỡng này còn có dấu vết trong ngôn ngữ thông tục, suồng sã (nói tục, chửi thề), trong xã hội hiện đại, đương đại Ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX mà Hồ Xuân Hương sống, trong văn hoá dân gian xuất hiện sự nở
rộ trở lại với cội nguồn bằng biểu hiện là hàng loạt truyện tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn… Quan niệm nhân sinh trong văn hoá dân gian còn thâm nhập vào cả các sáng tác của các nhà Nho chính thống để làm bật lên những tiếng nói đầy nhục cảm trong Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… vừa như là sự cân bằng lại, là sự phản ứng lại những tín điều khô cứng, mất sức sống của Nho giáo, vừa như là dấu vết của ảnh hưởng quan niệm nhân sinh trong tín ngưỡng phồn thực dưới dáng vẻ thời cận đại nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX
Một nội dung tư tưởng nhân văn không nằm trong quan hệ với hệ tư tưởng tam giáo ở trong thơ Hồ Xuân Hương, đó là nhờ mối quan hệ quan niệm nhân sinh của tín ngưỡng phồn thực đã trở thành một cảm hứng sáng tạo Trong thơ của Hồ Xuân Hương tràn đầy những biểu tượng dấu vết ảnh hưởng quan niệm nhân sinh của tín ngưỡng phồn thực Hồ Xuân Hương đã nâng những biểu tượng phồn thực lên thành những biểu tượng mang giá trị thẩm mỹ - văn hoá một đóng góp rất riêng cho đời sống tư tưởng, văn hoá Sự kết hợp giữa hai yếu tố “tục” và “thiêng” trong thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân
Trang 34Hương có ý nghĩa đột phá, cách tân, đổi mới trên phương diện tư tưởng Nó như là sự cân bằng lại những căng thẳng, là sự giải toả những tâm lý, tâm trạng, “ẩn ức cá nhân”, “ẩn ức cộng đồng” đã bị hệ tư tưởng chính thống, bị chế độ chuyên chế kìm kẹp lâu nay Điểm đáng chú ý chúng tôi muốn nhấn mạnh ở những biểu tượng phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương vừa mang yếu
tố tư tưởng nhân văn của văn hoá bác học, vừa mang yếu tố tư tưởng nhân sinh của văn hoá dân gian Nhưng Hồ Xuân Hương không chỉ phản ánh trong những biểu tượng phồn thực của văn hóa dân gian khát vọng phồn sinh, phồn thực mà còn phát biểu quan niệm sống trong đó thể hiện sự chân chính nhu cầu được thoả mãn, đáp ứng những khát khao lạc thú của con người trần tục Chính ở điều này đã cho chúng ta thấy quan niệm của Hồ Xuân Hương về con người rất gần gũi, tương đồng với quan niệm con người hiện đại Rõ ràng, nhờ “gắn” được với cội nguồn văn hoá dân gian truyền thống mà thơ Hồ Xuân Hương mang những giá trị nhân văn vừa truyền thống, vừa hết sức hiện đại
Rõ ràng như vậy, sự xuất hiện hiện tượng tư tưởng nhân văn ở thơ Hồ Xuân Hương chính là kết quả của sự tích hợp của các yếu tố lịch sử: chính trị
- kinh tế - xã hội, văn hoá – tư tưởng của thời đại cùng với tài năng xuất sắc của bà Đó còn là sự tiếp biến văn hóa, tuy mang nét đặc thù nhưng không nằm ngoài quy luật vận động và phát triển của tư tưởng nhân loại Sự xuất hiện hiện tượng tư tưởng nhân văn ở thơ Hồ Xuân Hương đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự vận động của lịch sử tư tưởng Việt Nam nhờ có sự kết hợp giữa những yếu tố trí tuệ bác học với yếu tố trí tuệ dân gian
Tiểu kết chương 1
Đã có cơ sở hiểu về nội dung tư tưởng nhân văn trong thơ Hồ Xuân Hương, trước hết ở chương này chúng tôi đã phân tích những điều kiện lịch
sử của sự hình thành hiện tượng Hồ Xuân Hương Từ các phân tích, có thể rút
ra những nhận xét như sau: Sẽ không thể hiểu được nội dung tư tưởng nhân văn được truyền tải trong thơ của Hồ Xuân Hương nếu chúng ta không nắm
Trang 35bắt được những điều kiện lịch sử của sự hình thành hiện tượng tư tưởng Hồ Xuân Hương Dù không biết đích xác về chi tiết tiểu sử và hành trạng Hồ Xuân Hương nhưng có một điều chắc chắn tư tưởng Hồ Xuân Hương là có thực và được hình thành vào những năm cuối nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX Trong khoảng thời gian ấy xã hội Việt Nam đã xảy ra những biến
cố lịch sử vô cùng lớn lao Đó là sự suy sụp trầm trọng và sự khủng hoảng đến tận gốc rễ của chế độ phong kiến Việt Nam cùng ý thức hệ Nho - Phật - Đạo chính thống của nó Đồng thời đây cũng là giai đoạn chứng kiến sức mạnh của sự nổi dậy của quần chúng nhân dân trước sự kìm kẹp của chế độ phong kiến cùng với sự sống dậy, sự thăng hoa của tư tưởng, văn hoá dân tộc nhờ sự trở lại cội nguồn và tiếp biến mới, cách tân truyền thống Chính những tiền đề đó giải thích tại sao trong lòng chế độ phong kiến hà khắc như vậy lại
có một người phụ nữ dám lên tiếng ngang nhiên nguyền rủa tất cả những gì đè nén, chà đạp lên nhân phẩm con người, đặc biệt là người phụ nữ và lớn tiếng đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc trần tục của con người Ở xã hội ấy, cá nhân con người bị o ép, chà đạp sẽ tất yếu bật lên tư tưởng đòi quyền làm người và Hồ Xuân Hương chính là hiện tượng kết tinh của cả dòng
tư tưởng bác học và của cả dòng tư tưởng dân gian tiêu biểu cho tinh thần thời
đó
Trang 36CHƯƠNG 2 TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI HIỆN NAY
2.1 Một số vấn đề về khái niệm “chủ nghĩa”, “ chủ nghĩa nhân văn”, tư tưởng nhân văn
Để hiểu về “chủ nghĩa nhân văn”, trước hết chúng ta cần phải hiểu khái niệm “chủ nghĩa” là gì?
“Chủ nghĩa” là khái niệm dùng để chỉ các quan điểm, quan niệm hoặc chủ trương, chính sách hoặc ý thức tư tưởng thành hệ thống về triết học, chính trị, đạo đức, văn học, nghệ thuật…[122; 235]
Như vậy, theo cách hiểu của khái niệm “chủ nghĩa” như trên thì chúng
ta có thể hiểu khái niệm “chủ nghĩa nhân văn” là khái niệm dùng để chỉ hệ thống các quan điểm, tư tưởng vì con người, đề cao những giá trị của con người
Khái niệm chủ nghĩa nhân văn có một lịch sử phát triển rất lâu dài, kể
từ thời kỳ tiền văn hoá Phục Hưng (thế kỷ XIV) ở Italia qua thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV và XVI) cho đến ngày nay
Tuỳ cách tiếp cận dưới góc độ triết học, tôn giáo học, nhân chủng học, đạo đức học…chúng ta có thể hiểu khái niệm nhân văn theo nhiều nghĩa khác nhau Trải qua quá trình phát triển, nội hàm khái niệm chủ nghĩa nhân văn cũng có nhiều thay đổi Ban đầu, người ta sử dụng thuật ngữ gốc La Tinh là Studia Humanitatis nghĩa là chủ nghĩa nhân văn dùng để chỉ việc nghiên cứu
về các môn học của người Hi lạp cổ như nghệ thuật, văn học, lịch sử, đạo đức đó là những môn học tách hẳn khoa học tự nhiên, siêu hình học và thần học mà người ta cho là đề cập thẳng đến con người, tư duy và trí tuệ, tư cách sống của con người
Như vậy, theo nghĩa rộng “chủ nghĩa nhân văn” (nhân đạo) bao gồm
“tất cả những cố gắng, tư tưởng, và trào lưu lấy con người tiến lên tự do làm
Trang 37trung tâm, xuất phát từ sự tôn trọng giá trị con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con người, yêu con người và cuộc sống trần gian Chủ trương phát triển mọi khả năng con người và xã hội Nội dung của chủ nghĩa nhân đạo tuỳ thuộc vào những điều kiện lịch sử của từng xã hội và mang tính giai cấp
Chủ nghĩa nhân đạo cổ đại phương Tây phát triển toàn vẹn nhất ở Hy Lạp khoảng từ 500 năm trước Công nguyên và tiếp tục phát triển ở La Mã cổ Thể hiện cao nhất trong lý tưởng cổ Hy Lạp đào tạo mẫu người hoàn chỉnh, phát triển cả thân thể lẫn tinh thần
Chủ nghĩa nhân đạo tư sản Phương Tây hình thành với sự xuất hiện của
xã hội tư bản Hình thức đầu tiên của nó (thế kỷ XIV - XVI) là trào lưu Phục Hưng văn nghệ Cổ Hi Lạp – La Mã Sau đó, trào lưu Ánh sáng (thế kỷ XVIII)
kế tục và phát triển cuộc đấu tranh chống tư tưởng kinh viện *Công giáo* và chế độ phong kiến Trung cổ, chuẩn bị cho cách mạng Tư sản (thế kỷ XIX) Giai cấp tư sản đang lên tạo ra những giá trị nhân đạo mới trên cơ sở sở hữu
tư nhân và chủ nghĩa cá nhân Nhưng xã hội Tư bản áp bức bóc lột đẻ ra những mâu thuẫn giai cấp gay gắt và những giá trị nhân đạo mới ngày càng
bị gạt bỏ hoặc xuyên tạc để phục vụ giai cấp tư sản (nhất là sang thời kỳ đế quốc chủ nghĩa) Những người trí thức tư sản trung thực bảo vệ một cách nhất quán các lý tưởng nhân đạo tư sản tốt đẹp nhất, nhận thức được tính chất ngày càng phản nhân đạo của văn hoá tư sản, họ nhích dần hoặc theo hẳn lập trường giai cấp vô sản cách mạng, tức là chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa
Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa: trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, giai cấp vô sản tiếp thu và phát huy tất cả các giá trị nhân đạo đã được tạo ra, chủ trương đấu tranh để giải phóng con người khỏi mọi áp bức khiến con người thắng được tự nhiên, làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, không còn người bóc lột người” [105;332]
Cũng có thể hiểu chủ nghĩa nhân văn “là toàn bộ những quan điểm chính trị, đạo đức bắt nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên, kỳ ảo, từ những nguyên lý ngoài đời sống nhân loại mà từ con người tồn tại thực tế trên mặt
Trang 38đất với những nhu cầu, những khả năng trần thế và hiện thực của nó và những nhu cầu ấy, những khả năng ấy đòi phải được phát triển đầy đủ và phải được thoả mãn” [122, 6]
Trên thực tế, không phải đến tận thế kỷ XIV, con người mới được đề cập đến với tư cách là chủ thể và là trung tâm của mọi vấn đề Trong triết học
Hi Lạp cổ đại, ngay từ rất sớm, Prôtago đã khẳng định “con người là thước đo của tất thảy mọi vật”, Arixtốt lại khẳng định rằng tất cả các thể chế chính trị, nhà nước… “không chỉ bảo đảm cho mọi người sống bình thường, mà còn
phải làm sao để con người được sống hạnh phúc” [124, 206 ]
Cho đến thời kỳ tiền Phục Hưng (thế kỷ XIV), khi giai cấp tư sản ra đời
và ngày càng lớn mạnh, để chống lại giai cấp phong kiến, chống lại sự độc tài của Giáo hội Thiên Chúa giáo cùng với một hệ thống các quan niệm đạo đức khổ hạnh thời phong kiến, giai cấp tư sản đã tiếp thu những thành tựu của triết học Hi Lạp về con người, vấn đề con người đặc biệt là yêu cầu phát triển con người về mặt cá nhân ngày càng được đề cao Những quan niệm về con người của các triết gia Hi Lạp cổ đại như Platôn, Arixtốt…được phục hồi và giảng dạy trong các trung tâm nhân văn học lớn của nước Italia như Florenxơ, trong
đó người ta đặc biệt đề cao vẻ đẹp tự nhiên và đạo đức con người Từ Italia, chủ nghĩa nhân văn phát triển sang các nước Châu Âu khác như Pháp, Hà Lan, Anh, Đức, Tây Ban Nha Thế kỷ XVI là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của chủ nghĩa nhân văn ở Châu Âu với các đại biểu như Sếchxpia ở Anh, Rabơle ở Pháp, Xécvantéc ở Tây Ban Nha…
Chủ nghĩa nhân văn Châu Âu thời kỳ này ca ngợi con người tự do tự mình xây dựng vận mệnh của bản thân, khẳng định những khát vọng, dục vọng của con người như một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa nhân văn là Pie De
La Mirandole đã nói: “con người là thợ rèn rèn ra hạnh phúc của mình” Không những vậy, các đại biểu tiêu biểu cuả chủ nghĩa nhân văn thời kỳ này như Laurent Valla đã đi đến chỗ sùng bái tự nhiên như thần thánh và cho rằng chính tình yêu của con người đối với bản thân mình là đức tính tự nhiên của
Trang 39con người, sự thoả mãn mọi khát vọng nhục thể cũng như tinh thần, lối sống hành lạc của con người là sự tất yếu của tự nhiên: “không có sự hành lạc nào
là trái với đạo đức”
Như vậy, hiểu theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu tư tưởng nảy sinh và phát triển từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI ở Châu Âu mà lý tưởng nhân văn chủ nghĩa chủ trương lấy cá nhân con người làm trọng, cá nhân con người phải được tự do thoả mãn mọi nhu cầu của mình Chủ nghĩa nhân văn là: “Trào lưu tư tưởng và văn hoá thời Phục Hưng ở Châu Âu nhằm giải phóng cá nhân con người khỏi sự đè nén về tinh thần của chế độ phong kiến, chủ nghĩa kinh viện và giáo hội ” [122; 235]
Dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp hoặc dưới góc độ nào đi nữa thì nói một cách khái lược, chủ nghĩa nhân văn cũng có những biểu hiện chung là lấy con người làm trung tâm, “đề cao những giá trị tinh thần, trí tuệ, tình cảm, lòng nhân ái của con người; ca ngợi tự do của con người; tình yêu nam nữ chính đáng” đúng như Mác đã nói: “con người là thực thể cao nhất đối với con người” [114, 15] Chủ nghĩa nhân văn là “hệ thống quan điểm coi trọng nhân phẩm, thương yêu con người, coi trọng quyền con người được phát triển
tự do, coi trọng lợi ích con người là tiêu chuẩn đánh giá các quan hệ xã hội” [122; 235]
Tuy nhiên chủ nghĩa nhân văn ở Châu Âu với tư cách là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản cũng có nhiều hạn chế đó là:
- Khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái mà cách mạng dân chủ tư sản đưa
ra chỉ là một luận điệu hình thức vì cho đến nay chưa bao giờ giai cấp tư sản thực hiện nó một cách đầy đủ và hoàn bị
- Một số quan điểm nhân văn của phương Tây bị cường điệu đã dẫn đến “chủ nghĩa dân tộc trung tâm” và chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cá nhân cực đoan Một số quan điểm khác lại bị tuyệt đối hoá dẫn con người từ con người trí tuệ đến con người tôn giáo
Trang 40Khác với các nước phương Tây, ở phương Đông chủ nghĩa nhân văn cũng tiềm tàng trưởng thành lên từ văn hóa dân gian và chịu ảnh hưởng của các học thuyết, các tôn giáo lớn như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo…Phật giáo luôn dạy con người phải “tu nhân tích đức” hay “tránh cái ác, trau dồi cái thiện và thanh lọc trí tuệ”, còn Nho giáo lại đưa ra một hệ thống các nguyên tắc, những luân lý đạo đức nhằm gắn kết con người từ trong gia đình đến ngoài xã hội trong một trật tự ổn định
Ở Việt Nam, để sinh tồn và phát triển, con người phải sớm đối mặt với những thế lực huỷ diệt cuộc sống khắc nghiệt nên chủ nghĩa nhân văn đã sớm hình thành như một trào lưu, một mạch ngầm, một hệ tư tưởng mang tính triết học và nổi bật tính đặc thù phương Đông qua từng thời đại Nhưng chủ nghĩa nhân văn được chuyển tải không điển hình như ở phương Tây mà dưới dạng những truyền kỳ, thần tích, thơ văn biểu hiện về mặt tư tưởng và triết lý thể hiện rất sâu sắc thành nét truyền thống dân tộc Từ rất lâu, trong văn hoá dân gian đã có những truyện kể, những câu ca dao, tục ngữ thấm đẫm những quan niệm về lẽ sống, về đạo lý làm người, những nguyên tắc ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với con người như: “Người ta là hoa của đất”, “Người sống đống vàng”…
Trong quan niệm của người Việt Nam, con người là kết tinh của linh khí thiên địa, là hương hoa của vũ trụ, mọi của cải vật chất đều không gì quý báu bằng con người Tinh thần nhân văn Việt Nam còn thể hiện trong tình thương người, một trong những năng lực nhân tính vĩ đại của con người Ngay từ xa xưa bản chất giàu tình thương đã ăn sâu trong lối sống, tâm hồn người dân Việt Nam Trong kho tàng ca dao, tục ngữ có không ít các câu chứa đựng tinh thần đẹp đẽ ấy như:
“Thương người như thể thương thân”
Hoặc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước thì thương nhau cùng”