CHƢƠNG 2 TƢ TƢỞNG NHÂN VĂN TRONG THƠ HỒ XUÂN HƢƠNG VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI HIỆN NAY
2.1. Một số vấn đề về khái niệm “chủ nghĩa”, “chủ nghĩa nhân văn”, tƣ tƣởng nhân văn.
XUÂN HƢƠNG VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI HIỆN NAY
2.1. Một số vấn đề về khái niệm “chủ nghĩa”, “ chủ nghĩa nhân văn”, tƣ tƣởng nhân văn. tƣởng nhân văn.
Để hiểu về “chủ nghĩa nhân văn”, trước hết chúng ta cần phải hiểu khái niệm “chủ nghĩa” là gì?
“Chủ nghĩa” là khái niệm dùng để chỉ các quan điểm, quan niệm hoặc chủ trương, chính sách hoặc ý thức tư tưởng thành hệ thống về triết học, chính trị, đạo đức, văn học, nghệ thuật…[122; 235]
Như vậy, theo cách hiểu của khái niệm “chủ nghĩa” như trên thì chúng ta có thể hiểu khái niệm “chủ nghĩa nhân văn” là khái niệm dùng để chỉ hệ thống các quan điểm, tư tưởng vì con người, đề cao những giá trị của con người.
Khái niệm chủ nghĩa nhân văn có một lịch sử phát triển rất lâu dài, kể từ thời kỳ tiền văn hoá Phục Hưng (thế kỷ XIV) ở Italia qua thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV và XVI) cho đến ngày nay.
Tuỳ cách tiếp cận dưới góc độ triết học, tôn giáo học, nhân chủng học, đạo đức học…chúng ta có thể hiểu khái niệm nhân văn theo nhiều nghĩa khác nhau. Trải qua quá trình phát triển, nội hàm khái niệm chủ nghĩa nhân văn cũng có nhiều thay đổi. Ban đầu, người ta sử dụng thuật ngữ gốc La Tinh là Studia Humanitatis nghĩa là chủ nghĩa nhân văn dùng để chỉ việc nghiên cứu về các môn học của người Hi lạp cổ như nghệ thuật, văn học, lịch sử, đạo đức.. đó là những môn học tách hẳn khoa học tự nhiên, siêu hình học và thần học mà người ta cho là đề cập thẳng đến con người, tư duy và trí tuệ, tư cách sống của con người.
Như vậy, theo nghĩa rộng “chủ nghĩa nhân văn” (nhân đạo) bao gồm “tất cả những cố gắng, tư tưởng, và trào lưu lấy con người tiến lên tự do làm
trung tâm, xuất phát từ sự tôn trọng giá trị con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con người, yêu con người và cuộc sống trần gian. Chủ trương phát triển mọi khả năng con người và xã hội. Nội dung của chủ nghĩa nhân đạo tuỳ thuộc vào những điều kiện lịch sử của từng xã hội và mang tính giai cấp.
Chủ nghĩa nhân đạo cổ đại phương Tây phát triển toàn vẹn nhất ở Hy Lạp khoảng từ 500 năm trước Công nguyên và tiếp tục phát triển ở La Mã cổ. Thể hiện cao nhất trong lý tưởng cổ Hy Lạp đào tạo mẫu người hoàn chỉnh, phát triển cả thân thể lẫn tinh thần.
Chủ nghĩa nhân đạo tư sản Phương Tây hình thành với sự xuất hiện của xã hội tư bản. Hình thức đầu tiên của nó (thế kỷ XIV - XVI) là trào lưu Phục Hưng văn nghệ Cổ Hi Lạp – La Mã. Sau đó, trào lưu Ánh sáng (thế kỷ XVIII) kế tục và phát triển cuộc đấu tranh chống tư tưởng kinh viện *Công giáo* và chế độ phong kiến Trung cổ, chuẩn bị cho cách mạng Tư sản (thế kỷ XIX). Giai cấp tư sản đang lên tạo ra những giá trị nhân đạo mới trên cơ sở sở hữu tư nhân và chủ nghĩa cá nhân. Nhưng xã hội Tư bản áp bức bóc lột đẻ ra những mâu thuẫn giai cấp gay gắt và những giá trị nhân đạo mới ngày càng bị gạt bỏ hoặc xuyên tạc để phục vụ giai cấp tư sản (nhất là sang thời kỳ đế quốc chủ nghĩa). Những người trí thức tư sản trung thực bảo vệ một cách nhất quán các lý tưởng nhân đạo tư sản tốt đẹp nhất, nhận thức được tính chất ngày càng phản nhân đạo của văn hoá tư sản, họ nhích dần hoặc theo hẳn lập trường giai cấp vô sản cách mạng, tức là chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa: trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, giai cấp vô sản tiếp thu và phát huy tất cả các giá trị nhân đạo đã được tạo ra, chủ trương đấu tranh để giải phóng con người khỏi mọi áp bức khiến con người thắng được tự nhiên, làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, không còn người bóc lột người”. [105;332]
Cũng có thể hiểu chủ nghĩa nhân văn “là toàn bộ những quan điểm chính trị, đạo đức bắt nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên, kỳ ảo, từ những nguyên lý ngoài đời sống nhân loại mà từ con người tồn tại thực tế trên mặt
đất với những nhu cầu, những khả năng trần thế và hiện thực của nó và những nhu cầu ấy, những khả năng ấy đòi phải được phát triển đầy đủ và phải được thoả mãn”. [122, 6]
Trên thực tế, không phải đến tận thế kỷ XIV, con người mới được đề cập đến với tư cách là chủ thể và là trung tâm của mọi vấn đề. Trong triết học Hi Lạp cổ đại, ngay từ rất sớm, Prôtago đã khẳng định “con người là thước đo của tất thảy mọi vật”, Arixtốt lại khẳng định rằng tất cả các thể chế chính trị, nhà nước… “không chỉ bảo đảm cho mọi người sống bình thường, mà còn phải làm sao để con người được sống hạnh phúc”. [124, 206 ]
Cho đến thời kỳ tiền Phục Hưng (thế kỷ XIV), khi giai cấp tư sản ra đời và ngày càng lớn mạnh, để chống lại giai cấp phong kiến, chống lại sự độc tài của Giáo hội Thiên Chúa giáo cùng với một hệ thống các quan niệm đạo đức khổ hạnh thời phong kiến, giai cấp tư sản đã tiếp thu những thành tựu của triết học Hi Lạp về con người, vấn đề con người đặc biệt là yêu cầu phát triển con người về mặt cá nhân ngày càng được đề cao. Những quan niệm về con người của các triết gia Hi Lạp cổ đại như Platôn, Arixtốt…được phục hồi và giảng dạy trong các trung tâm nhân văn học lớn của nước Italia như Florenxơ, trong đó người ta đặc biệt đề cao vẻ đẹp tự nhiên và đạo đức con người. Từ Italia, chủ nghĩa nhân văn phát triển sang các nước Châu Âu khác như Pháp, Hà Lan, Anh, Đức, Tây Ban Nha. Thế kỷ XVI là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của chủ nghĩa nhân văn ở Châu Âu với các đại biểu như Sếchxpia ở Anh, Rabơle ở Pháp, Xécvantéc ở Tây Ban Nha…
Chủ nghĩa nhân văn Châu Âu thời kỳ này ca ngợi con người tự do tự mình xây dựng vận mệnh của bản thân, khẳng định những khát vọng, dục vọng của con người như một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa nhân văn là Pie De La Mirandole đã nói: “con người là thợ rèn rèn ra hạnh phúc của mình”. Không những vậy, các đại biểu tiêu biểu cuả chủ nghĩa nhân văn thời kỳ này như Laurent Valla đã đi đến chỗ sùng bái tự nhiên như thần thánh và cho rằng chính tình yêu của con người đối với bản thân mình là đức tính tự nhiên của
con người, sự thoả mãn mọi khát vọng nhục thể cũng như tinh thần, lối sống hành lạc của con người là sự tất yếu của tự nhiên: “không có sự hành lạc nào là trái với đạo đức”.
Như vậy, hiểu theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu tư tưởng nảy sinh và phát triển từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI ở Châu Âu mà lý tưởng nhân văn chủ nghĩa chủ trương lấy cá nhân con người làm trọng, cá nhân con người phải được tự do thoả mãn mọi nhu cầu của mình. Chủ nghĩa nhân văn là: “Trào lưu tư tưởng và văn hoá thời Phục Hưng ở Châu Âu nhằm giải phóng cá nhân con người khỏi sự đè nén về tinh thần của chế độ phong kiến, chủ nghĩa kinh viện và giáo hội ”. [122; 235]
Dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp hoặc dưới góc độ nào đi nữa thì nói một cách khái lược, chủ nghĩa nhân văn cũng có những biểu hiện chung là lấy con người làm trung tâm, “đề cao những giá trị tinh thần, trí tuệ, tình cảm, lòng nhân ái của con người; ca ngợi tự do của con người; tình yêu nam nữ chính đáng” đúng như Mác đã nói: “con người là thực thể cao nhất đối với con người” [114, 15]. Chủ nghĩa nhân văn là “hệ thống quan điểm coi trọng nhân phẩm, thương yêu con người, coi trọng quyền con người được phát triển tự do, coi trọng lợi ích con người là tiêu chuẩn đánh giá các quan hệ xã hội”. [122; 235]
Tuy nhiên chủ nghĩa nhân văn ở Châu Âu với tư cách là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản cũng có nhiều hạn chế đó là:
- Khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái mà cách mạng dân chủ tư sản đưa ra chỉ là một luận điệu hình thức vì cho đến nay chưa bao giờ giai cấp tư sản thực hiện nó một cách đầy đủ và hoàn bị.
- Một số quan điểm nhân văn của phương Tây bị cường điệu đã dẫn đến “chủ nghĩa dân tộc trung tâm” và chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Một số quan điểm khác lại bị tuyệt đối hoá dẫn con người từ con người trí tuệ đến con người tôn giáo.
Khác với các nước phương Tây, ở phương Đông chủ nghĩa nhân văn cũng tiềm tàng trưởng thành lên từ văn hóa dân gian và chịu ảnh hưởng của các học thuyết, các tôn giáo lớn như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo…Phật giáo luôn dạy con người phải “tu nhân tích đức” hay “tránh cái ác, trau dồi cái thiện và thanh lọc trí tuệ”, còn Nho giáo lại đưa ra một hệ thống các nguyên tắc, những luân lý đạo đức nhằm gắn kết con người từ trong gia đình đến ngoài xã hội trong một trật tự ổn định.
Ở Việt Nam, để sinh tồn và phát triển, con người phải sớm đối mặt với những thế lực huỷ diệt cuộc sống khắc nghiệt nên chủ nghĩa nhân văn đã sớm hình thành như một trào lưu, một mạch ngầm, một hệ tư tưởng mang tính triết học và nổi bật tính đặc thù phương Đông qua từng thời đại. Nhưng chủ nghĩa nhân văn được chuyển tải không điển hình như ở phương Tây mà dưới dạng những truyền kỳ, thần tích, thơ văn biểu hiện về mặt tư tưởng và triết lý thể hiện rất sâu sắc thành nét truyền thống dân tộc. Từ rất lâu, trong văn hoá dân gian đã có những truyện kể, những câu ca dao, tục ngữ thấm đẫm những quan niệm về lẽ sống, về đạo lý làm người, những nguyên tắc ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với con người như: “Người ta là hoa của đất”, “Người sống đống vàng”…
Trong quan niệm của người Việt Nam, con người là kết tinh của linh khí thiên địa, là hương hoa của vũ trụ, mọi của cải vật chất đều không gì quý báu bằng con người. Tinh thần nhân văn Việt Nam còn thể hiện trong tình thương người, một trong những năng lực nhân tính vĩ đại của con người. Ngay từ xa xưa bản chất giàu tình thương đã ăn sâu trong lối sống, tâm hồn người dân Việt Nam. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ có không ít các câu chứa đựng tinh thần đẹp đẽ ấy như:
“Thương người như thể thương thân” Hoặc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
Tiếp thu tinh thần cao đẹp ấy của văn hoá dân gian, Trần Nghệ Tông có câu:
“Sinh dân tất thị ngã bào đồng Tứ hải hà tâm xử khốn cùng”.
(Nghĩa là: Tất cả nhân dân đều là đồng bào Nỡ lòng nào lại để nhân dân bốn cõi phải khốn cùng).
Khi xã hội có sự phân chia giai cấp, đời sống của nhân dân lao động vô cùng cực khổ, họ bị các thế lực phong kiến chà đạp, bóc lột đến tận xương tuỷ. Tinh thần nhân văn còn thể hiện ở mức cao hơn thái độ phê phán, tố cáo những thế lực áp bức bóc lột, chà đạp lên nhân phẩm và hạnh phúc con người, vạch trần bản chất xấu xa, đen tối của các thế lực ấy như:
“Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
Nhận thức có tính phê phán đối với các thế lực xấu xa chà đạp lên hạnh phúc con người được thể hiện tập trung trong nội dung các câu chuyện cổ tích như Cây tre trăm đốt, Tấm Cám, Cây khế…Trong các tác phẩm ấy, những kẻ chà đạp lên quyền sống, quyền làm người luôn bị lên án, bị kết tội và bị trừng phạt thích đáng mặc dù đó chỉ là mơ ước của quần chúng nhưng đã thể hiện rõ quan niệm về tình thương yêu con người và ước mơ cuộc sống hạnh phúc cho con người của quần chúng.
Qua các thời kỳ tinh thần nhân văn truyền thống trong văn hoá dân gian tiếp tục được kế thừa và phát triển trong những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau. Trong suốt thời kỳ trung đại, tuy sự ảnh hưởng của các hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo song tinh thần nhân văn ấy càng được phát huy cao độ trong điều kiện khắc nghiệt. Từ thế kỷ XVIII trở về trước, tinh thần nhân văn Đại Việt là sự khẳng định bản lĩnh, phẩm chất người Việt về tình thương yêu cộng đồng, xã hội và ý thức bảo vệ cuộc sống con người trước những thế lực phản nhân văn.
Khi đất nước bị giặc ngoại xâm, tinh thần nhân văn thể hiện trước hết là ở tư tưởng yêu nước, căm thù giặc và tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược đã chà đạp lên con người, giày xéo lên giang sơn đất nước: “Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”….. “chỉ căm tức rằng chưa xả thịt, lột da, uống máu kẻ thù” (Trần Quốc Tuấn - Hịch tướng sĩ).
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã đưa ra một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của giặc Minh:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”
Tình cảnh đất nước bị quân thù giày xéo ấy càng làm bùng lên ý thức bảo vệ nòi giống dân tộc vốn luôn thường trực trong lòng người dân Đại Việt. Việc trừ tàn bạo, đánh đuổi quân xâm lược được thôi thúc bởi mục đích cao cả là đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Lúc này tinh thần yêu nước đã hoà quyện vào với tư tưởng nhân văn của thời đại. Bản chất con người có nhân có nghĩa được tôn vinh và trở thành thước đo nhân cách con người. Người Việt Nam hiểu rằng tài năng, trí tuệ và phẩm chất của con người được xem là nhân tố quyết định vận mệnh dân tộc:
“Tuy nhiên: Từ vũ trụ đã có giang sơn Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc điện an” (Bạch Đằng giang phú – Trương Hán Siêu)
Như vậy, trước thế kỷ XVIII tinh thần nhân văn Việt Nam thể hiện ở khía cạnh khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh, phẩm chất con người, dân tộc Việt Nam trong cuộc sống, trước hết là trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng tổ quốc; là tình thương, lòng ưu ái, nghĩa đồng bào. Thời kỳ này chưa nói nhiều đến con người cá nhân với quyền sống, quyền làm người, quyền phát triển năng lực trí tuệ… Cho đến thế kỷ XVIII, với những điều kiện lịch sử quy định, vấn đề con người cá nhân mới được chú ý quan tâm đề cao. Con
người mới ý thức được rõ quyền sống tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Chính vì thế vấn đề số phận con người, vấn đề cái tôi cá nhân được chú ý là một trình độ mới của tư tưởng nhân văn đến giai đoạn này đạt tới.
Nhìn chung, trải cùng chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc, nội hàm khái niệm chủ nghĩa nhân văn Việt Nam ngày càng thay đổi, có sự bổ sung và phát triển những nội dung mới. Nhưng có thể khẳng định cách hiểu tư tưởng nhân văn ở Việt Nam hiện đại có những nội dung cơ bản như sau:
- Đề cao tình thương, lòng nhân ái, thuỷ chung giữa con người với con người. Coi trọng chính nghĩa, lẽ phải và cái thiện.
- Quý trọng, bảo vệ tình yêu nam nữ trong sáng, hạnh phúc lứa đôi - Luôn đấu tranh vì sự giải phóng con người.
- Gắn bó giữa cá nhân và tập thể trong cuộc đấu tranh cho một xã hội mới vì hạnh phúc con người.
Nói tóm lại, quan niệm chủ nghĩa nhân văn Việt Nam vừa hoà nhập vào xu thế chung của nhân loại là đấu tranh vì sự giải phóng con người nhưng nó