PHẦN MỞ ĐẦU Sự phát triển của thế giới đang bước sang trang mới với những thành tựu có tính đột phá, trong đó yếu tố đóng vai trò trung tâm quyết định sự biến đổi về chất của nền kinh tế chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thống trị của các nhân tố truyền thống như số lượng đất đai, lao động, hay nguồn vốn giờ đây đã được thay đổi. Chính nguồn nhân lực chất lượng cao mới là yếu tố cơ bản nhất của mọi quá trình, bởi lẽ những yếu tố khác vẫn có thể có được nếu có tri thức, song tri thức không tự nhiên xuất hiện mà phải thông qua một quá trình giáo dục, đào tạo và hoạt động thực tế. Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, các doanh nghiệp chủ yếu là cạnh tranh về hàm lượng chất xám, nghĩa là hàm lượng tri thức kết tinh trong sản phẩm hàng hoá dịch vụ nhờ vào nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy, để có được tốc độ phát triển cao và bền vững, các quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực,một vấn đề cấp bách có tầm chiến lược, có tính sống còn trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế thế giới. Hiện nay, công nghệ Việt Nam ở mức trung bình kém. Trong các ngành công nghiệp, hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu từ 2 đến 4 thế hệ so với thế giới. Tình trạng thiếu công nhân kỹ thuật, đặc biệt là công nhân bậc cao là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ, làm giảm hiệu suất sử dụng của thiết bị công nghệ. Trong cơ cấu trình độ của lực lượng lao động của nước ta, tỷ lệ lao động được đào tạo không chỉ quá thấp mà còn rất bất hợp lý. Chúng ta thiếu cả cán bộ trên đại học, đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật lành nghề, nhưng thiếu hụt nghiêm trọng hơn cả là chuyên gia đầu ngành và công nhân lành nghề – kỹ thuật viên (Lê Văn Toàn, 2007). Báo cáo chính trị của Ban Chấp Hành trung ương khoá IX tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng xác định rằng con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, và muốn vậy thì phải phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam thông qua giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, gắn với hội nhập quốc tế, phát huy lợi thế của đất nước, gắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá với kinh tế tri thức, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ tiên tiến, hiện đại về khoa học và công nghệ. Kế thừa quan điểm phát triển, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục xác định: “phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”; “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược…”, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục đào tạo” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011) Từ nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã xác định nguồn nhân lực là một trong những nhân tố tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, chủ trương phát triển nguồn nhân lực đã được Đảng bộ thành phố đề ra từ Đại hội lần thứ VII (2001-2005) và lần thứ VIII (2006-2010) Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã phân tích nhiều nhu cầu cấp bách phải tái cấu trúc kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là một trong sáu chương trình đột phá của thành phố Hồ Chí Minh. (Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, 2010). Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu về nguồn nhân lực – một yếu tố then chốt và quyết định - hiện đang đặt ra cho nền kinh tế nước ta nói chung cũng như cho thành phố Hồ Chí Minh những vấn đề nan giải, cấp bách: Số lượng lao động thì dư thừa, nhưng chất lượng nguồn lao động thì lại không đáp ứng, yêu cầu lao động chất xám, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề luôn thiếu hụt. Hệ thống giáo dục, đào tạo tuy đã được cải tiến, tiếp cận với hệ thống quốc tế, chất lượng đội ngũ giáo viên đã được nâng lên một bước, tuy nhiên chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Điều đó sẽ hạn chế khả năng cung ứng nguồn nhân lực cho một thị trường với yêu cầu phát triển cao về chất nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố. (Nguyễn Trần Dương, 2005). Từ thực trạng và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực nêu trên, tác giả quyết định chọn đề tài: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc ở thành phố Hồ Chí Minh” làm luận án tiến sỹ chuyên ngành kinh tế chính trị. 1. Bối cảnh nghiên cứu và lý do chọn đề tài 1.1. Những công trình nghiên cứu về nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lƣợng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế Tác giả Nguyễn Bá Ngọc và Trần Văn Hoan (2002) cho rằng quá trình toàn cầu hoá có tính chất hai mặt, vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra những thách thức đối với các nước đang phát triển. Lao động Việt Nam có trở thành nguồn lực quyết định sự thành công trong tham gia hội nhập quốc tế hay trở thành rào cản trong tiến trình đuổi kịp các nước tiên tiến, đều tuỳ thuộc vào ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam. Tác giả cũng đề cập đến tác động của toàn cầu hoá đối với lao động, việc làm, với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam như: di chuyển lao động trên thị trường lao động trong nước và quốc tế; biến đổi lao động và thất nghiệp dưới tác động của toàn cầu hoá kinh tế; tác động đến cải cách thể chế, quan hệ lao động, điều kiện lao động và các vấn đề xã hội của lao động ở Việt Nam. Tác giả Phạm Thị Thu Hằng (2008) và Hoàng Văn Châu (2009) đều đánh giá tổng quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam 2007, phân tích các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên 4 khía cạnh: lao động, tài chính, công nghệ và tiếp cận thị trường trong 6 ngành (dệt may, xây dựng, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất chế biến thực phẩm) bị ảnh hưởng nhiều nhất của việc Việt Nam gia nhập WTO từ các vấn đề lao động và phát triển nguồn nhân lực. Các tác giả nhận định thị trường lao động Việt Nam sẽ tiếp tục thiếu hụt và khan hiếm nguồn nhân lực cao cấp quản lý trở lên. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính qua đi, khi các doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc và nhu cầu nhân lực có chất lượng cao tăng lên thì chắc chắn sự mất cân đối cung - cầu trên thị trường lao động sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn nếu như Việt Nam không có những biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân của việc này là do các doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường lao động và chưa tiếp cận một cách hiệu quả được với các dịch vụ đào tạo; nhiều doanh nghiệp chưa tích cực tham gia vào các chương trình đào tạo; các sinh viên đã không được định hướng tốt trong việc chọn trường, chọn ngành nghề theo học. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Liên (2011) đã đánh giá những điểm mạnh của TP.HCM trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là tập trung nhiều trường ĐH, CĐ danh tiếng của cả nước; là địa phương làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực và sàn giao dịch việc làm; Nhiều trường ĐH, CĐ trong thành phố như ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, CĐ Lý Tự Trọng đã hợp tác liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước về nhu cầu lao động. Đồng thời tác giả cũng phân tích những hạn chế của TP.HCM là cung lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, trong đó thiếu hụt mạnh là khu vực ngoại thành. Tác giả bài viết cho rằng nguyên nhân chính của vấn đề là mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ, và sự đầu tư cho quá trình chuyển đổi của thành phố chưa theo kịp nhu cầu xã hội. Từ đó tác giả các giải pháp là tái cấu trúc nhân lực thành phố, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho trường học theo hướng hiện đại, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đồng thời nâng cao vai trò quản lý của nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.