1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Tổ chức tự sự trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy

94 8K 17

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 94
Dung lượng 847,9 KB

Nội dung

Chính vì vậy tiếp cận truyện ngắn từ phương diện tổ chức tự sự là một hướng tiếp cận khoa học sẽ giúp chúng ta thấy được những đặc sắc trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, đồng thời cũng

Trang 1

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

LƯƠNG VĂN THÀNH

TỔ CHỨC TỰ SỰ TRONG TRUYỆN NGẮN

CỦA ĐỖ BÍCH THUÝ

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

THÁI NGUYÊN, NĂM 2012

Trang 2

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp

THÁI NGUYÊN, NĂM 2012

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi

Các nội dung nêu trong luận văn là kết quả làm việc của tôi và chưa được công bố trong bất cứ một công trình nào khác

Thái Nguyên, tháng 8 năm 2012

Tác giả luận văn

Lương Văn Thành

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo, cán bộ khoa Ngữ văn, Phòng quản lý và Đào tạo sau đại học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên – Đại học Thái Nguyên đã dạy dỗ, tạo điều kiện cho em học tập

Đặc biệt, em xin trân trọng cảm ơn PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, người trong suốt thời gian qua đã tận tình giúp đỡ và động viên để em hoàn thành luận văn này

Lời cuối cùng, tôi xin cảm ơn những người thân trong gia đình đã hỗ trợ, động viên và cùng tôi vượt qua bao khó khăn trong quá trình vừa làm vừa học

Thái Nguyên, tháng 8 năm 2012

Tác giả luận văn

Lương Văn Thành

Trang 5

MỤC LỤC

Trang Trang bìa phụ

Lời cam đoan i

Lời cảm ơn ii

Mục lục iii

MỞ ĐẦU 1

NỘI DUNG 7

Chương 1 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA ĐỖ BÍCH THÚY 7

1.1 Những chuyển đổi về tư duy nghệ thuật trong Văn học Việt Nam đương đại 7

1.2 Đề tài miền núi và sự xuất hiện của Đỗ Bích Thúy 11

1.2.1 Giai đoạn 1945 – 1975 11

1.2.2 Giai đoạn sau 1975 21

1.3 Quan niệm về văn chương của Đỗ Bích Thúy 27

Chương 2 CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT 31

2.1 Tổ chức cốt truyện 31

2.1.1 Quan niệm về cốt truyện 31

2.1.2 Các kiểu cốt truyện trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy 44

2.2 Nhân vật 50

2.2.1.Khái niệm về nhân vật 50

2.2.2 Các kiểu nhân vật 54

2.2.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật 65

Chương 3 TỔ CHỨC TRẦN THUẬT 69

3.1 Tổ chức điểm nhìn 69

3.2 Ngôn ngữ 71

3.3 Giọng điệu 78

PHẦN KẾT LUẬN 83

TÀI LIỆU THAM KHẢO 86

Trang 6

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

1.1 Tự sự học là một ngành nghiên cứu còn non trẻ, định hình từ những năm 1960 – 1970 ở Pháp nhưng đã nhanh tróng trở thành một trong những lĩnh vực học thuật được quan tâm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới Ở Việt Nam, các công trình về tự sự học đã xuất hiện, tuy nhiên công trình chuyên sâu và dày dặn vẫn còn hiếm

1.2 Tự sự học vốn là một nhánh của thi pháp học hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng nghiên cứu cấu trúc của văn bản tự sự và các vấn đề liên quan hay nói cách khác là nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật trần thuật của văn bản tự sự

Vì thế, tiếp cận truyện ngắn trên từ phương diện tổ chức tự sự là hướng tiếp cận từ góc độ thi pháp

1.3 Nhà văn Đỗ Bích Thúy tuy mới xuất hiện trên văn đàn, trên dưới

10 năm sáng tác, đã tạo được khá nhiều dư luận Giọng văn ấn tượng và tài năng nghệ thuật của chị được khẳng định bằng nhiều giải thưởng quan trọng

là ngay từ những sáng tác đầu tay

Chùm truyện ngắn Sau những mùa trăng, Đêm cá nổi, Ngải đắng ở

trên núi đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998

– 2000 Tiểu thuyết Bóng cây sồi đoạt giải C trong cuộc thi sáng tác văn học

tuổi trẻ 2003 – 2004 do nhà xuất bản Thanh niên và tuần báo Văn nghệ tổ

chức Truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được đạo diễn Ngô Quang

Hải chuyển thể thành công tác phẩm điện ảnh Chuyện của Pao – Tác phẩm đoạt giải cánh diều vàng 2005 của Hội điện ảnh Việt Nam Những thử nghiệm của chị gần đây trong lĩnh vực sân khấu cũng đã đạt được nhiều hứa hẹn và thành công Tác phẩm của chị hấp dẫn người đọc, bởi Đỗ Bích Thúy có cách

Trang 7

kể chuyện chân thực, hóm hỉnh và cách miêu tả tài tình, cách thể hiện nhân vật một cách sống động và biết quan tâm tới những số phận, những niềm vui, nỗi buồn… của mọi người trong cuộc sống đời thường

Chính vì vậy tiếp cận truyện ngắn từ phương diện tổ chức tự sự là một hướng tiếp cận khoa học sẽ giúp chúng ta thấy được những đặc sắc trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, đồng thời cũng góp phần khẳng định những đóng góp của chị đối với diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại

2 Lịch sử vấn đề

2.1 Đánh giá chung và những sáng tác của Đỗ Bích Thúy

Trước thực trạng phát triển văn học hiện nay, rất nhiều cây bút trước sức ép của nền kinh tế thị trường phải chạy theo những mảng đề tài nóng, những vấn đề thời thượng thì sự lặng lẽ chuyên tâm, tình yêu dành cho miền núi như nhà văn Đỗ Bích Thúy là vô cùng đáng quý Đề tài chị khai thác là thiên nhiên, con người miền núi, với những vẻ đẹp hoang sơ huyền bí và con người với những phong tục, tập tục và hủ tục Chị đã khá thành công với mảng đề tài này, mặc dù đề tài này trước đó Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng…họ đã rất thành công Trong những sáng tác của Đỗ Bích Thúy với

những tập truyện ngắn Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua

cuộc đời, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đã đạt giải cao trong các cuộc thi

truyện ngắn gần đây của các báo và tạp chí Văn nghệ Quân đội, Sông Hương… đã ghi nhận tài năng của chị Qua những cuộc thi vừa là dịp dành cho Đỗ Bích Thúy và các cây bút trẻ thử sức, thi thố tài năng, vừa là dịp cho chúng ta thấy bộ mặt nông thôn mới, đô thị mới, miền núi mới với bao nhiêu

sự khác lạ, phức tạp bề bộn, trăn trở, bao điều mà văn học giai đoạn trước ít

có điều kiện đề cập tới

Trang 8

2.2 Đánh giá về truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy

Trong quá trình quan sát “truyện ngắn hôm nay”, Bùi Việt Thắng nhận thấy: “ văn học đương đại Việt Nam mang gương mặt nữ” [46] Thực tế sáng

tác và từ các cuộc thi trên Tuần báo, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cho thấy

điều đó Sau một số nhà văn như Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà là Đỗ Bích Thúy liên tục giành giải thưởng cao quý nhất cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội Nhà văn Chu Lai đánh giá cao về Đỗ Bích Thúy Theo ông, thành công của Đỗ Bích Thúy là mang đến cho người đọc một “món ăn lạ”, khiến họ được sống trong một mảnh đất lạ

mà “tất cả được miêu tả dịu nhẹ, chênh vênh, chấm phá, không dài dòng, không đa ngôn” Ông cũng cho rằng: “chất bình dị, xôn xao, chân thật không chỉ là tiêu chí trong các cuộc thi văn của Tạp chí mà còn là đặc trưng của nền văn học”[22] Cũng chính yếu tố đó làm nên cái duyên và sức gợi của nhà văn

trẻ Đỗ Bích Thúy Chu Lai cũng chỉ ra những nhược điểm của tập truyện Sau

những mùa trăng là sự thử nghiệm sang mảng đề tài khác còn vụng về, gượng

gạo (Sông còn chảy mãi, Phía sau kí ức) Những tìm tòi trong cách thể hiện

của Đỗ Bích Thúy (cảm hứng giọng điệu, cốt truyện…) được Chu Lai ghi

nhận bước đầu

Trong lời giới thiệu tập truyện ngắn Những buổi chiều ngang qua cuộc

đời, Nguyễn Hòa khẳng định “trong vài năm trở lại đây, số các cây bút trẻ

viết về đề tài dân tộc và miền núi không nhiều và Đỗ Bích Thúy là một người thành công trong số it đó”

Sự vững vàng của cây bút nữ gắn bó với mảnh đất Hà Giang một lần

nữa đượ Lê Thành Nghị khẳng định qua lời giới thiệu tập truyện Tiếng đàn

môi sau bờ rào đá: “Khát vọng về hạnh phúc, những tâm sự cháy bỏng về lẽ

sống, ý thức về những ngày hiện tại ở một vùng đất độc đáo, đầy kỉ niệm đã

Trang 9

tạo ra trong ngòi bút của Đỗ Bích Thúy niềm xúc động chân thành, chảy dào dạt trên trang viết” Với những gì Đỗ Bích Thúy đã, đang và sẽ viết, chúng ta

có quyền nghĩ đến “một ngày chị sẽ trở thành một cây bút thực sự trưởng thành của văn xuôi Việt Nam hiện đại” [33]

Đọc Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Nguyễn Phương Liên nhận thấy

“Tất cả những truyện ngắn chị đều viết về cuộc sống và con người nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình Nét độc đáo, vẻ đẹp đời sống tâm hồn, chiều sâu tâm linh của người dân tộc thiểu số được chị thể hiện đơn giản mà sâu sắc” [23]

Đi một chặng đường dài từ Hà Giang về Hà Nội, mấy năm đã qua, chị

vẫn là một cô gái nông thôn chất phác với những cử chỉ chậm rãi, một “con

trăng trong rừng ngải đắng” Đoạt không ít giải thưởng văn xuôi, những tác

phẩm của Đỗ Bích Thúy khiến người ta phải nao lòng bởi sự gắn bó bền bỉ,

da diết với miền sơn cước”.[10]

Trong không khí đổi mới văn chương mạnh mẽ có thể thấy rằng lối viết của Đỗ Bích Thúy không mới, không hiện đại, không cách tân, chị viết trung thành với quan niệm của riêng mình bởi chị quan niệm: “nếu mới mà làm người đọc thất vọng thì thà làm cũ còn hơn” Lối viết truyền thống và sự

“chung thủy với cây hương, bếp lửa quê mình” chị tạo nên một không khí văn chương đích thực trên mỗi trang viết Với chị, điều quan trọng nhất ở mỗi nhà văn chính là ở chỗ “anh ta luôn sống hết mình, viết hết mình và viết những gì mình có, mình đau đớn vì nó, không vay mượn, cố gắng” [58] Ngoài thể loại truyện ngắn, hình ảnh Đỗ Bích Thúy còn đa dạng hơn trong đôi mắt độc giả khi chị mạnh dạn thử sức và khá thành công ở lĩnh vực khác như

kí, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim Các bài viết của Nguyễn Thị Thu Hiền, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Hoàng Linh Giang, Phong Điệp

…đã ghi nhận những nỗ lực tìm tòi của Đỗ Bích Thúy ở hướng đi mới này

Trang 10

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Nói đến tổ chức tự sự là nói đến việc tìm hiểu tác phẩm trên nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau trong luận văn này chỉ

xin đề cập đến những khía cạnh nổi bật như: Quan niệm nghệ thuật của tác

giả, cốt truyện và nhân vật, tổ chức trần thuật

Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập chung khảo sát một số tập truyện ngắn sau:

1 Sau những mùa trăng – Đỗ Bích Thúy(2001), Nxb Quân đội Nhân dân

2 Những buổi chiều ngang qua cuộc đời – Đỗ Bích Thúy(2002), Nxb

4 Phương pháp nghiên cứu

Quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi vận dụng các phương pháp chủ yếu sau:

Trang 11

5.2 Về mặt thực tiễn

Góp phần khám phá, phát hiện những đóng góp mới mẻ, độc đáo trong việc tiếp cận hiện thực đời sống và có những đánh giá thỏa đáng về sáng tác của nhà văn Đỗ Bích Thúy

Góp thêm tư liệu tham khảo cho các bạn sinh viên, cho những ai quan tâm đến đề tài này và đặc biệt quan tâm đến sáng tác của Đỗ Bích Thúy

6 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phần nội dung chính của luận văn gồm

có 3 chương:

Chương 1: Quan niệm nghệ thuật của Đỗ Bích Thúy

Chương 2: Cốt truyện và nhân vật

Chương 3: Tổ chức trần thuật

Trang 12

NỘI DUNG

Chương 1 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA ĐỖ BÍCH THÚY

1.1 Những chuyển đổi về tư duy nghệ thuật trong Văn học Việt Nam đương đại

Chiến thắng năm 1975 là một dấu mốc lớn trong lịch sử dân tộc Tuy không thật trùng khít với những mốc lịch sử, nhưng mỗi bước chuyển lớn của lịch sử đều tạo nên những chuyển động, đều để lại những dấu ấn trong đời sống văn học Do vậy, có thể thấy, từ sau 1975, văn học đã có những chuyển đổi mang ý nghĩa một sự chuyển bị, một giai đoạn “bản lề” để đi tới công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc toàn bộ với sự đổi mới của đất nước từ sau

1986 Tuy nhiên, để có được tư duy nghệ thuật trong văn học mới là cả một hành trình với nhiều “vấp váp và trả giá” (Nguyên Ngọc) với những đóng góp

âm thầm nhưng “quả quyết” của nhiều thế hệ nhà văn Có thể chú trọng đến những đóng góp của một số cây bút văn xuôi vào sự đổi mới tư duy nghệ thuật trong văn học Việt Nam đương đại

Ngay từ trước 1975, bằng sự mẫn cảm và tài năng, một số cây bút đã sớm nhận ra sự bất cập và khoảng cách của văn học với đời sống Biết đó là khoảng cách khó tránh và khó vượt trong hoàn cảnh chiến tranh, khi mà mọi

nỗ lực của văn học đang phải dồn vào mục tiêu gần như duy nhất “chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc”, nhưng các nhà văn vẫn âm thầm nuôi khát vọng, âm thầm dự cảm về một sự đổi mới tất yếu về tư duy nghệ thuật của văn học Nguyễn Minh Châu là một trong những số ít cây bút mẫn cảm có

bản lĩnh và tài năng đó Ngay khi đang viết những trang Dấu chân người lính

hào sảng, ông đã cảm nhận khá sâu sắc sự “bất lực” của văn học Trong hình dung của ông hiện thực đời sống như “một cánh rừng già chưa khai phá” với

Trang 13

biết bao “những vấn đề còn ẩn náu” Ngay từ thời điểm đó, Nguyễn Minh Châu đã lặng lẽ suy ngẫm và đúc kết được những điều sau này đã trở thành những vấn đề thiết cốt của đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới văn học Theo ông, người cầm bút không những không được phép biến những “cánh rừng già của đời sống” thành những vườn cây xanh, biến những “trái núi” cuộc đời thành những hòn “non bộ” xinh xẻo mà cao sâu hơn, văn học phải “là cái điều chiêm nghiệm có triết học của cả một đời người viết văn”; văn học phải thâm nhập sâu vào “vương quốc tình đời”, phải “đào sâu cho đến cùng đáy cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm nguồng cơn của con người”… Nói theo Bakhtin

là “đi tìm con người bên trong con người” Tất nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, những ý tưởng, những khắc khoải đó vẫn mới chỉ được âm thầm ấp ủ trong suy ngẫm của nhà văn Tuy nhiên, ý thức ấy ít nhiều đã để lại dấu ấn trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu với những “âm trầm nốt lặng”, có gì như “lạc giọng” với văn học một thời

Sau 1975, hoàn cảnh đất nước thay đổi “Từ cuộc chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc” văn học phải tham gia vào “cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người” một cuộc chiến cam go và gian khổ, một cuộc giao tranh, nói như Nguyễn Minh Châu “không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày khắp mọi lĩnh vực đời sống” Văn học phải có sự chuyển đổi thực

sự để đáp ứng nhu cầu mới của đời sống, của công chúng Theo dõi văn học

từ năm 1975 đến nay, có thể nhận thấy sự chuyển đổi này diễn ra theo hai giai đoạn Giai đoạn đầu, văn học chủ yếu chuyển đổi về chất liệu, về hướng tiếp cận hiện thực đời sống và giai đoạn sau là những chuyển đổi trong chiều sâu, trong ý thức nghệ thuật của nhà văn Ở giai đoạn thứ nhất, văn học chuyển từ hiện thực chiến tranh, sang hiện thực đời sống thường nhật với tất

cả mối quan hệ phong phú, ngổn ngang, phức tạp và luôn vận động Đây quả

là bước chuyển không đơn giản đối với một nền văn học từng nhiều thập kỷ

Trang 14

gắn bó với hiện thực chiến tranh Chính Nguyễn Khải, cây bút già dặn, có nhiều thanh tựu và cũng rất nhạy cảm trong việc nắm bắt những vấn đề cập nhật, gai góc của đời sống cũng đã phải cảm nhận: “chiến tranh ồn ào náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó, hòa bình mà lại chứa chất những sóng ngầm, những gió xoáy ở bên trong” (1) Bởi thế, giai đoạn này phần lớn nhà văn vẫn tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh(2) Mặc dù đã có đôi cuốn đã

có những sắc thái mới ví như Đất trắng (Tập1) của Nguyễn Trọng Oánh khi

phản ánh những sự nghiệt ngã, mất mát của chiến tranh, nhưng hầu hết những sáng tác này vẫn trượt theo “quán tính”, vẫn chủ yếu ghi lại “ những ấn tượng còn nóng hổi trong những diễn biến và từng trải được trình bày chưa kịp qua suy ngẫm và sàng lọc, có thể còn chưa đủ độ lắng nhưng lại mang tính chất sinh động kịp thời”(3) Trong khi nhiều cây bút vẫn lúng túng trong hướng tiếp cận những phạm vi hiện thực mới của đời sống, bằng sự nhạy cảm của mình Nguyễn Khải, đặc biệt là Nguyễn Mạnh Tuấn đã kịp thời hòa nhập vào dòng chảy của đời sống, kịp thời nắm bắt những mảng hiện thực mới “tươi ròng” của miền Nam sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước Nếu như

trong Gặp gỡ cuối năm, Nguyễn Khải đi sâu vào những vấn đề sự lựa chọn

của mỗi cá nhân để hòa nhập và thích ứng với thời thế, với cuộc sống hiện tại

thì Cha và con và…nhà văn lại chú tâm tới vấn đề tôn giáo và dân tộc, tôn

giáo và chủ nghĩa xã hội, tôn giáo và sự vận động để tồn tại và sự hiện hữu với ý nghĩa tích cực nhất trong đời sống tinh thần của dân tộc Ở giai đoạn này, Nguyễn Mạnh Tuấn là cây bút văn xuôi thu hút được sự chú ý của người đọc Những vấn đề nhà văn quan tâm khai thác thực sự cấp thiết của đời sống,

nó quan hệ đến hàng vạn, hàng triệu người dân miền Nam sau chiến tranh Xoay quanh xung đột của một gia đình nửa thành viên là cách mạng, nửa kia

là tư sản sau giải phóng, Những khoảng cách còn lại đã đề cập đến một vấn

đề nhức nhối của đơi sống dân tộc - bi kịch và nỗi đau mới của mỗi gia đình,

Trang 15

của đất nước sau chiến tranh Vừa ngất ngây hạnh phúc trong niềm vui đoàn

tụ ngắn ngủi, con người phải lập tức rơi vào những xung đột mới không kém phần nghiệt ngã - xung đột về chính kiến, nếp sống, suy nghĩ, tình cảm - căn cốt của nó vẫn là xung đột của hai hệ ý thức của những con người từng nhiều năm dai dẳng sống ở hai chiến tuyến đối lập Những xung đột này không chỉ diễn ra ở phạm vi xã hội mà ở ngay trong một phạm vi gia đình, ngay giữa những người ruột thịt Mỗi người dù theo chính kiến nào, tư sản hay cách

mạng đều không tránh được phải trả giá Sau Những khoảng cách còn lại,

Nguyễn Mạnh Tuấn lại “sáp” ngay vào một mảng hiện thực có phần gai góc, cấn cái hơn của đời sống Từ bối cảnh một nhà máy đánh cá đã “quá nát”, quá

bê bối về phương diện, Đúng trước biển không ngần ngại phản ánh tình trạng

yếu kém trong quản lí kinh tế một thời và dự báo về sự chuyển đổi từ nền

kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường Với Cù lao Tràm thêm

một lần nữa Nguyễn Mạnh Tuấn lại thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng Thông qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa một Bí thư

xã có tri thức, năng động, có trình độ tổ chức, đoàn kết quần chúng với một bí thư huyện ủy vừa kém cỏi về tài năng, vừa thiếu nhân cách, bản lĩnh, ưa xu

nịnh luồn lọt… Cù lao Tràm đã phản ánh chân thực và đặt ra những nhu cầu

cấp thiết cho công cuộc cải tạo nông thôn Nam Bộ sau chiến tranh Với những tác phẩm rất cập nhật này Nguyễn Mạnh Tuấn được công luận đánh giá là nhà văn tiêu biểu đầu những năm 80 Bằng việc năng động, nhạy cảm kịp thời nắm bắt và đưa vào văn học những chất liệu mới của đời sống, những cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những bất ngờ… Nguyễn Mạnh Tuấn đã góp phần tạo nên một tư duy nghệ thuật trong văn học, có khả năng hòa nhập vào dòng chảy của đời sống, xích gần lại khoảng cách giữa văn học và đời sống và dân chủ hơn ở khả năng tranh luận, đối thoại

Trang 16

1.2 Đề tài miền núi và sự xuất hiện của Đỗ Bích Thúy

1.2.1 Giai đoạn 1945 – 1975

Con người miền núi

Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX gắn với sự thức tỉnh và phát triển của cái Tôi cá nhân thì văn học cách mạng 1945 - 1975 lại phát triển trên nền tảng

ý thức cộng đồng Cách mạng đã tập hợp những cá nhân thành một khối thống nhất, thức tỉnh ở mỗi con người tình cảm dân tộc, ý thức công dân, đưa con người hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, trực tiếp tham gia vào biến cố lịch

sử trọng đại Phản ánh con người trong đời sống lịch sử xã hội, hướng vào thể hiện con người quần chúng nhân dân đã đưa tới những biến đổi đáng kể trong cách xây dựng nhân vật của văn xuôi kháng chiến Việc xây dựng hình tượng con người trong văn xuôi miền núi giai đoạn này cũng không nằm ngoài quy luật chung đó

Cùng cách mạng đi khắp các nẻo “đường vui” kháng chiến là cuộc hành trình khám phá thế giới và nhận thức lại bản thân của nhiều nghệ sĩ Chính trong những năm tháng gặp gỡ, chung sống và sẻ chia cuộc sống với con người miền núi “giản dị và biết bao mến phục” đã để lại trên trang viết của những nhà văn - chiến sĩ như Nam Cao, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyên Ngọc…những tình cảm, cảm xúc đầy nâng niu, trân trọng Ở đâu ta cũng bắt gặp một thái độ ngạc nhiên, thú vị, mê say, náo nức khi phát hiện ra những chiếu kịch mới mẻ của những con người mới

Có lẽ không ai đi khắp, đi lâu và đi sâu như Tô Hoài đi trên các vùng núi cao, rừng sâu của đất nước từ Bắc chí Nam Núi rừng và tấm lòng con

người miền núi đã để thương để nhớ cho ông Tiếng gọi “Chéo lù! Chéo lù!” văng vẳng kỉ niệm thiết tha luôn vẫy gọi ông trên từng trang Truyện Tây Bắc

và Vợ chồng A Phủ được coi là “tác phẩm thành công xuất sắc đầu tiên về đề

Trang 17

tài miền núi trong văn xuôi cách mạng hiện đại”[26] Còn với Ma Văn Kháng thì mảnh đất Lào Cai đã trở thành “đất viết”, thành quê hương thứ hai của ông

Mang cảm quan hiện thực và nhân văn mới cùng với trải nghiệm thực

tế, thấu hiểu nỗi khổ đau, tủi nhục của con người miền núi, Tô Hoài đào sâu vào những cuộc đời, thân phận những con người trong cuộc đời cũ còn mang nhiều tàn tích có khi còn mang màu sắc thời trung cổ, đặc biệt là người phụ

nữ Bà Ảng (Cứu đất cứu mường) từng là cô gái đẹp nức tiếng Mường Cơi bị

bắt đi hầu quan, thành người chuyền tay của các quan châu, quan lang, chúa đất Mường Cơi, Mường Vạt, Mường La Hai đứa con không ai nhận làm cha nên một đứa phải bán cho người Dao lấy mười đồng bạc trắng nộp vạ làng Còn một đứa, mẹ con ôm nhau la liếm đi vét cối giã gạo ngoài xuối xin ăn Đứa con ấy lớn lên tiếp tục đi hầu quan như bà Ảng Thời gian trôi qua, rách quá, ốm quá, gìa quá, cô Ảng biến thành bà lão Ảng, bà lão Ảng ăn mày Cả cuộc đời bà Ảng là những chuỗi ngày tủi nhục, bi thảm Khi gặp và nhận ra chân lí cách mạng, “già sắp chết mới được canh nương ngô của mình thế này” thì cũng là lúc bà bị lính châu đoàn trói đánh chết gục dưới gốc xoan

Mỵ (Vợ chồng A Phủ) là nạn nhân của xã hội đầy hủ tục, tệ nan và bạo

lực Chưa lọt lòng mẹ cô đã mang món nợ truyền kiếp của những người nghèo Từ cô gái xinh đẹp, yêu đời bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà Thống Lí Pá Tra, “ có đến mấy tháng, đêm nào Mỵ cũng khóc” để rồi biến thành “ con rùa lùi lũi trong xó cửa”, chai lì, đui điếc, u mê, vô cảm “Ở lâu trong cái khổ, Mỵ quen khổ rồi” Số phận của bà Ảng, của Mỵ của Mát

(Mường Giơn) là lời tố cáo tội ác của bọn thống trị và những hủ tục phi nhân

tính bao đời trói buộc con người

Tuy khát vọng và hạnh phúc bị dồn nén nhưng trong tâm hồn con người miền núi luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, chờ lúc để được bùng

Trang 18

lên mạnh mẽ Mỵ đã giải thoát cho A Phủ và tự giải thoát cho mình Chạy thoát khoải Hồng Ngài, gặp cán bộ A Châu, gặp cách mạng họ đã bước vào cuộc đời mới Mỵ và A Phủ tiếp tục tham gia vào đội du kích ở Phiềng Sa Những ngày đầu khó khăn, khu du kích thường xuyên bị lính đồn càn quét,

đã có lúc Mỵ hoang mang, hoảng sợ, ý nghĩ “lại đi” cứ quanh quẩn Chỉ đến khi A Phủ quát lên: “ Mê à! Đây không phải là Hồng Ngài, đây là khu du kích Phiềng Sa, A Phủ là tiểu đội trưởng du kích mà”, rôi nghĩ đến cán bộ A Châu, Mỵ lại bồi hồi, tin tưởng mong chờ, Mỵ quyết tâm cùng du kích xuống đánh đồn bản Pe cứu người già, trẻ con về

Cuộc đời của Mỵ, A Phủ (Vợ chồng A Phủ) Nhấn (Cứu đất cứu

mường), Sạ, Ính (Mường Giơn) tiêu biểu cho quá trình đến với cách mạng từ

tự phát đến tự giác của đồng bào các dân tộc miền núi Họ đã trở thành những chiến sĩ đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc mình

Cách mạng thắng lợi là nhờ có tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh

em Đây là vấn đề văn xuôi cách mạng thường xuyên đề cập tới khi viết về miền núi Cùng chịu cảnh bị áp bức, những con người từ tận cùng đau khổ đã sớm nhận thức và sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù A Phủ cùng A Châu kết nghĩa anh em Họ cùng với du kích Phiềng Sa chiến đấu

“quyết giữ đường này cho bộ đội” Tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em

được thể hiện rõ nét trong Mường Giơn Những cán bộ du kích người Dao,

người Mèo luôn có mặt kịp thời, giúp đỡ, chia sẻ cùng đồng bào Thái trong những thời điểm khó khăn nhất Người Thái bị bắt về nhốt tập trung, người Dao, người Mèo xuống giúp cất dấu đồ đạc để không bị người Tây cướp mất Người Thái bị bắt đi phu tải lương, tải đạn, xây đồn Lạn Phạ, người Mèo hướng dẫn cách đối phó: “ cứ lúc nào bỏ chạy được về là chạy thôi Không chạy được thi bảo nhau làm lười, làm hỏng” Làm theo lời dặn ấy và được du kích Mèo giúp đỡ, ông Mờng sung sướng kể với các con: “Thằng Tây không

Trang 19

thể làm được cái đồn Lạn Phạ, thằng Tây phải chạy về hết rồi” Mùa gặt, Sạ

và anh em du kích Mèo bí mật giúp làng Thái chuyển thóc gạo đến nơi cất giấu an toàn Đồng bào các dân tộc ngày càng đoàn kết, tin tưởng cách mạng Trước mọi âm mưu thủ đoạn, bao lâu khủng bố, càn đi quét lại của kẻ thù, họ vẫn một lòng chơ bộ đội cụ Hồ Mường Giơn được giải phóng, nhìn cây hoa mai trắng tinh trên sườn núi Pàng Chải, Sạ lại nhớ đến “những người Dao và

Xá ven sông rách và thiếu ăn quanh năm nhưng lúc nào cũng miệt mài trở đò,

đi giao thôg và đưa bộ đội đi giấu” Sự trận trọng, tin yêu, mến phục các nhà văn dành cả cho những người ấy

Đọc Truyện Tây Bắc, chúng ta thấy: “Ở nơi núi rừng thơ mộng ấy, các

dân tộc không lặng lẽ chịu đựng Họ đã thức tỉnh Cán bộ Đảng tới đâu thì các dân tộc đứng lên tới đó, trước nhất là những người trẻ tuổi Họ thật đẹp và yêu đời”(Tô Hoài) Vẻ đẹp lí tưởng của những con người trẻ tuổi ấy một lần nữa được các nhà văn tái hiện trên những trang viết vê một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc - giai đoạn đâu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa Chân dung của những con người miền núi được bồi đắp lại càng trở nên đầy đặn hơn và đẹp hơn trong cuộc sống mới

Liên tục từ 1962 đến 1975 là sự xuất hiện của các tác phẩm Rẻo cao (1962)- Nguyên Ngọc; Miền Tây (1965) - Tô Hoài ; Xa Phủ (1969), Người

con trai họ Hạng (1972), Mùa mận hậu (1972); Cái móng ngựa (1973), Bài

ca trăng sáng (1974) - Ma Văn Kháng; Lặng lẽ Sa Pa (1970), Núi Đỗ Quyên

(1972) - Nguyễn Thành Long Hầu hết các tác phẩm đều viết về sự đổi thay trong suy nghĩ, nhận thức và hành động của con người miền núi Họ đã tích cực, chủ động chuyển minh thành những con người mới làm chủ cuộc đời trong dòng chảy chung của đất nước và làm nên sự đổi thay mạnh mẽ của làng bản quê hương mình

Trang 20

Mùa mận hậu (Ma Văn Kháng) là tập truyện dành cho ca ngợi những

tấm gương phụ nữ vùng cao trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu Người Dao đỏ Dền Sáng xưa kia nghĩ rằng “có thuốc phiện là có tất cả”,

“thuốc phiện đổi ra thịt, ra mỡ, gạo, ra muối, ra vải vóc, kim chỉ” Dân Dền Sáng nghiện thuốc phiện nhiều Thương xót anh em, bà con trong thôn bản, hiểu bản tính người Dao “có gì nhẹ nhàng bảo nhau, người Dao ta ưa tiếng

nhỏ, mưa phùn ướt đất tốt cày”, chị San Mẩy (Hương thảo quả) làm việc hết

mình, không quản ngại khó khăn với mong ước, “mọi người đều phải tốt,đều phải thơm như hương thảo quả” Chị San Mẩy – người tổ trưởng tổ trưởng tổ đổi công đầu tiên, người chủ nhiệm hợp tác xã đầu tiên – đã cảm hóa thành công những người đi cai nghiện bằng tấm lòng nhân ái, tình thương đồng loại, bằng những câu chuyện giản dị mà ý nghĩa, bằng những câu hát, sự quan tâm thuyết phục và vạch đường chỉ lối chân thành

Cô Vàng Mỷ (Đường xa) – chiến sĩ thi đua dân quân La Pan Tẩn, chị Hạng A Cở ( Một khoảng cách) Chủ tịch xã Hồng Ngài, cô giáo Giàng Thị Xóa (Mùa mận hậu) ở Ngải Phón Chổ, Sùng Mỷ (Sùng Mỷ) là những hình

ảnh người phụ nữ Dao, H’Mông hoàn toàn đổi khác, họ không dễ dàn đầu hàng số phận, không chịu để cho những định kiến hủ tục hay những khó khăn trói buộc mình để vươn lên trong cuộc sống mới Chị Hạng A Cở là nạn nhân của tục cướp vợ Chị bị chồng và anh chồng trói treo lên xà nhà đánh bằng roi

da trâu không cho đi làm hợp tác xã Nhưng khỏi ốm, chị vẫn quyết tâm đi làm Có làm mới biết, phải làm để thoát đói, thoát nghèo Đảng, cách mạng đã cho chị và bà con biết rằng “phụ nữ Mèo cũng giỏi giang chẳng kém gì đàn

ông” (Một khoảng cách) Còn đối nới Vàng Mỷ, “cuộc đời mới thật đẹp, nó

mở cho Mỷ những con đường mới, quan hệ mới, những người bạn thân yêu, những đồng chí thân thiết Cuộc đời mới là cuộc đời tạo cho Mỷ được sống hết khả năng của mình Cuộc đời mới dài rộng quá!”

Trang 21

Sự sôi nổi, nhiệt tình, tình yêu quê hương, làng bản của thế hệ thanh niên cùng sự chỉ lối dẫn đường của Đảng đã mang đến hi vọng vào tương lai tươi sáng cho miền núi Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật, mạ trên cánh đồng xã Pao – Mao, Phéc – Pàng có được còn nhờ ở sức mạnh, trí tuệ

tập thể ở trong mấy chục xã viên Con mắt Cư Seo Tảo (Con mắt Cư Seo Tảo)

hay trái tim yêu thương luôn hướng về bản làng cộng với kiến thức đã học được ở trường đã giúp anh tìm ra cách đưa được nước về tưới mát và giúp Lầu Thị Ngài yên tâm định cư, không bao giờ còn lo dời đi nơi khác nữa Phừ

Chàng (Cái móng ngựa) đã sắm được cho con ngựa bạch yêu quý của anh bộ

móng mới và cùng anh thợ rèn tên Nhiên tốt bụng rèn móng cho tất cả những con ngựa ở Pao Mao Chải Chúng sẽ đưa con người tới với những bản làng xa xôi nhất Tuổi trẻ các dân tộc Tây Bắc đã làm được nhiều điều kì diệu cho quê hương mình Những con người mang vẻ đẹp thể chất khỏe mạnh với tâm hồn nhân hâu, mộc mạc, chân thành, tinh thần lao động không quản ngại khó khăn, vất vả, không so đo tính toán thiệt hơn, việc gì cũng hết sức , hết lòng

ấy chính là đại diện ưu tú nhất cho cả một thế hệ thanh niên miền núi

Xây dựng hình ảnh con người dưới hai chế độ là một thành công của văn xuôi miền núi 1945 – 1975 Cuộc đời con người miền núi là hai mảng màu đối lập giữa quá khứ tối tăm, khổ đau với hiện thực trong mơ ước và tương lai tươi sáng rộng mở Sự tích cực, chủ động, sức trẻ cùng sự chỉ lối dẫn đường của Đảng và cách mạng giúp từ bỏ lối nghĩ, lối sống lạc hậu, nhanh tróng bắt nhịp với cuộc sống mới “ Một lớp người mới đã hiện ra giống như cái mầm vươn lên đón ánh mặt trời dẫu có gặp phải sỏi đá, rễ cây” ( Ma Văn Kháng)

Miền núi của những phong tục độc đáo

Văn học miền núi sau năm 1945 hấp đẫn bởi sự độc đáo của phong tục, tập quán

Trang 22

Ở nhà văn Tô Hoài, cảm quan hiện thực nghiêng về phía sinh hoạt và phong tục “Nhãn quan phong tục nhạy bén và sắc sảo” của ông đã khai thác

và thâu tóm được những nét đẹp văn hóa của các phong tục, sinh hoạt văn hóa, những cái gọi là “đất lề quê thói” của mỗi dân tộc, mỗi địa phương Lần

đầu đặt chân tới vùng rừng núi, trong Núi cứu quốc “cách nhìn của Tô Hòa

với người Tày, người Dao còn có vẻ xem ngắm, lạ người, lạ cảnh, như kẻ tìm

thấy trong sự quan sát một niềm vui kì thú” (Phan Cự Đệ) Nhưng Truyện Tây

Bắc, Tô Hoài đã hòa nhập thực sự với cuộc sống, con người Tây Bắc Đọc Vợ chồng A Phủ chúng ta không thể quên cảnh Hồng Ngài ăn tết Đó là những

trang viết đẹp nhất của Tô Hoài về phong tục miền núi: “Hồng ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét dữ dội

Nhưng trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ Đám trẻ con đợi tết, chơi quay, cười

ầm trên sân chơi trước nhà Ngoài đầu núi lấp ló, đã có ai thổi sáo rủ bạn đi chơi Mỵ nghe tiếng sáo vọng lại, tha thiết bổi hổi Mỵ ngồi nhẩm bài hát của người đang thổi

“Mày có con trai con gái Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu”

Và “những đêm tình mùa xuân đã tới” Tiếng sáo gọi bạn yêu bay lơ lửng ngoài đường, tiếng sáo đã từng theo Mỵ đi khắp núi này sang núi khác

“Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi ”

(Vợ chồng A Phủ)

Ý nghĩa sâu sắc của những phong tục miền núi là quan niệm sống, tình cảm con người gửi gắm trong đó Dù đói, dù nghèo đến mấy nhưng vẫn nhớ

Trang 23

ơn tổ tiên, vào dịp Tết mỗi nhà người Thái đều có một “cây nêu cắm lên chỉ cho hồn người chết nhớ đường về ăn Tết” (Mường Giơn) Bắn được con nai,

“ông Mờng đem biếu phần ông Chỉao mường cũ ( tri châu) một đùi rồi ông chia cả xóm uống rượu, ăn thịt Đám trai, đám gái vui nhảy xòe suốt đêm” Người Thái Mường Giơn đều ai nấy thiết tha mong bộ đội về ăn Tết “Nhà nhà tấp nập Nhiều nơi đã mổ lợn để sấy thịt Ngày nắng, trên các sân ảng, khói bếp nấu rượu nghi ngút Hai chum rượu cần đã đứng đầu cột đã cắm điếu đợi vui Tết có người đến hút Chập tối, nhiều nhà treo đèn ra cây bưởi trước cửa rồi đánh trống, đánh chiêng gọi người đến tập xòe” Các làng Mèo lại rục rịch ăn Tết lại, các làng Thái đen bên Mường Piềng cũng muốn ăn Tết sớm để được “cùng dịp đón bộ đội về cùng chung vui với Tết làng mình” (Mường Giơn) Tính cộng đồng và lòng hiếu khách là đặc điểm quan trọng luôn có mặt trong các sinh hoạt văn hóa và các phong tục của người miền núi

Nguyễn Tuân bỏ ra rất nhiều công sức để quan sát, nghiên cứu những

nết văn hóa miền núi, Xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc trưng và phổ biến

trong nhiều cộng đồng dân tộc Tây Bắc Mặc dù chỉ có dụng ý “ghi lại một số cảm xúc nặng nề về mặt xã hội” nhưng Nguyễn Tuân vẫn khiến người đọc bị hấp dẫn bởi kĩ thuật về vũ đạo và vũ thuật của xòe

Những phong tục độc đáo, nếp sinh hoạt và ngôn ngữ đã trở thành nét đẹp làm nên bản sắc riêng biệt của văn xuôi miền núi và cả một vùng văn hóa núi rừng phía Bắc

Miền núi với thiên nhiên hoang sơ, trữ tình

Không gian thiên nhiên miền núi đem đến cho các nhà văn nguồn cảm hứng vô tận, mang đến cho những trang văn miền núi vẻ tươi sáng và quyến

rũ lạ thường Với Tô Hoài thì chất thơ vẫn đậm đà từ Truyện Tây Bắc đến

Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, một chất thơ vời vợi của thiên nhiên và

Trang 24

tâm hồn con người miền núi được cảm nhận qua một khiếu quan sát đến tinh tường trước phong cảnh và phong tục sinh hoạt, lại được phô diễn trong một lối văn có bản sắc riêng không chộn lẫn được Những trang viết về thiên nhiên miền núi của Tô Hoài như được ướp hương thảo quả, hương lá thơm tinh dầu trong nắng sớm, hương từ những cánh đồng lúa chín hay vàng, hơi núi ngùn ngụt xuống đồng buổi sáng mùa đông Với Ma Văn Kháng thì “xứ này giàu chất thơ nên vừa mộng mơ, vừa hào sảng, xứ này gió xuân hây hẩy mùi men rượu, gió hè nồng đậm hương trà, gió thu mang mùi cây lá thơm và mùa đông, gió chở mùi tuyết băng”

Cảm quan hiện thực đời thường, Tô Hoài miêu tả thiên nhiên theo cách vừa nhìn ngắm một cách nhẹ nhàng, vừa chiêm ngưỡng,Tô Hoài ít khi sử dụng gam màu đậm, sự tương phản gay gắt hay những đường nét, hình khối sắc nhọn, dữ dội Ông ưa dùng những màu sắc tự nhiên tươi sáng trong một không gian thiên nhiên sáng, đẹp hiền hòa: “Hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại

đổi ra màu đỏ au, đỏ đậm rồi tím mang mác ” (Vợ chồng A Phủ) Văn Tô

Hoài đặc biệt nhiều nắng Nắng lên “đọng từng vũng trong rừng tràm cao vút,

im lặng”, những nương lúa “ chín vàng len lỏi từng hốc đá”, “ âm thầm cứ

dần dần vàng hoe rồi đỏ ngọt trong khe sâu” (Mường Giơn) “Tô Hoài viết về

miền núi với con mắt của một nhà thơ Phong cảnh đẹp và con người đẹp đẽ của Tây Bắc được ngòi bút của Tô Hoài vẽ nên với một sức dung động thơ” (Hoàng Trung Thông) Ma Văn Kháng cũng có những câu, đoạn văn tả thiên nhiên thật đẹp và rực rỡ sắc màu Những con đường, triền núi dẫn sang Tả Thàng ngập tràn sắc hoa khiến Vàng Mỷ mê mải bước chân: “ Păng – công kết từng chùm, cánh mỏng như cánh bướm, trắng muốt như hoa đại khắp nương đồi Tục – đoạn vươn nụ xanh tròn xốp như bông cúc dại, tím nhung, hồng tía, cánh xoe hớn hở, nhụy vàng thắm, thơm dịu từng vệt nở theo đường mòn Hoa găng mọc trên đá vàng như hoàng hôn, ẻo lả cạnh chùm ki- plê đỏ

Trang 25

như son ” (Đường xa) Thiên nhiên thơ mộng nhưng thường được miêu tả gắn

liền với sinh hoạt, lao động của con người

Thiên nhiên trong sáng tác của Tô Hoài cũng nhiều khi là “ một nhân vật có cuộc sống, có tâm hồn” (Hà Minh Đức) Con chim kì xanh biếc chân

đỏ trong cứu đất cứu mường xuất hiện bảy lần Tiếng hót của nó cũng là tiếng gọi của quêu hương, của hồn núi, hòa cùng niềm vui, nỗi buồn của nhân vật

Nhấn (Cứu đất cứu mường) Cây hoa mai trên đỉnh núi (Mường Giơn) như là

biểu tượng về tấm lòng thủy chung với cách mạng của nhân dân Tây Bắc

Nếu như thiên nhiên Tây Bắc của Tô Hoài thường mang vẻ đẹp lãng mạn, gần gũi thì Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân lại cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc trong sự hoang sơ hùng vĩ

Với Ma Văn Kháng, nhìn qua một vũng nước mưa trong suốt có thể thấy “một bóng diều hâu hung hung đỏ liệng vòng”, trên đường đi có thể thấy đàn trâu rừng đầm mình trong vũng bùn lầy “thở phì phì, nghếch mũi lên vừa ngốc nghếch vừa man dại” Đường đi là những “con dốc vừa chồn chân thì lại đột ngột dựng ngược lên chót vót” khi “ vầng mặt trời thân thiết bỗng chìm

nghỉm mất tăm” (Đường xa)

Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ tạo hình nghệ thuật cho thiên nhiên Tây Bắc Đi đến đâu ông cũng ghi lại những ấn tượng độc đáo về mảnh đất và con

người nơi đây qau các tập kí Suối quặng, Nhật kí lên Mèo, Tây Bắc và Lào

Cai, Cắm cột mốc giới tuyến, Mỏm Lũng Cú cực Bắc, tùy bút Đường vui, Tình chiến dịch, đặc biệt là tập Sông Đà là “một tùy bút chắc, mạnh và đẹp

lộng lẫy, là kết tinh nghệ thuật trên chặng đường sáng tác từ sau cách mạng” (Nguyễn Đình Thi) Phong cách phóng túng, sự tinh tế trong quan sát, nghệ thuật tạo hình bậc thầy của Nguyễn Tuân dựng nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng và hùng vĩ, đầy tính điện ảnh Ông hay nói về bầu trời,

Trang 26

vòm trời, ngọn núi, lòng sông, con đèo, thác nước những chiều kích tận độ của không gian: “Sao bủa đầy trời như bề mặt nổi lân tinh, bầu trời cao trong

vắt như một bầu pha lê mùa đông” (Tây Trang) Vòm trời trên các làng mèo

“chênh vênh trên nền mây như cái tổ phượng hoàng đá” (mà từ đó nhìn thấy

cả mạch âm mạch dương của Tây Bắc) thì “ánh sáng trong vô cùng, lọc vô tận Trên núi Mèo lồng lộng trời mây lại càng thấy gần sao hơn nữa, gần

trăng hơn nữa, gần trời hơn nữa” ( Nhật kí lên Mèo) “Đọc Tùy bút Sông Đà,

người đọc không chỉ đắm mình trong một cảnh sắc thiên nhiên vừa dữ dội, hoang sơ, vừa trữ tình, thơ mộng, mà còn có thêm nhiều hiểu biết lịch sử về một vùng đất đầy đau thương, đang chuyển mình đi lên với cuộc sống mới” (Hà Văn Đức) “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mùi khói núi Mèo đốt nương xuân” Nguyễn Tuân đã khiến

Sông Đà trở thành vẻ đẹp hùng vĩ điển hình của thiên nhiên Tây Bắc

Văn xuôi miền núi là một thành công đặc sắc của văn xuôi cách mạng Nam Cao, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân mỗi người một phong cách, mỗi người một thế mạnh riêng nhưng sáng tác của họ giai đoạn này đã bao quát được chiều rộng, chiều sâu của không gian, của các sự kiện lịch sử chân xác, cụ thể, của cuộc sống và tâm hồn con người miền núi Nhờ không khí cách mạng mà văn học miền núi lớn lên và trưởng thành hơn rất nhiều Văn học giai đoạn 1945 – 1975 nói chung và văn xuôi miền núi nói riêng đã góp phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội

1.2.2 Giai đoạn sau 1975

Quá trình đổi mới văn học nước ta phong phú nhưng phức tạp Giai đoạn sau 1975 được coi là chặng đường khởi động chuẩn bị cho cao trào đổi mới Văn xuôi miền núi tất nhiên cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy

Trang 27

Thời gian đầu sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, trở về với cuộc sống thời bình, văn học của chúng ta “ vẫn trượt theo quán tính cũ”.Đó

là khoảng thời gian mà Nguyên Ngọc gọi là “ khoảng chân không” trong văn học Tuy nhiên trong mười năm từ 1976 đến 1986, văn xuôi miền núi đã kế thừa, khơi sâu dòng mạch đã có từ giai đoạn trước và vẫn tiếp tục phát triển với những thành tựu mới về cả nội dung và hình thức nghệ thuật

Những tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Trăng non(1982),

Vùng biên ải (1983) của Ma Văn Kháng, Rừng động (1977) của Mạc Phi tiếp

tục mở rộng và hoàn thiện bức tranh hiện thực miền núi với sự tái hiện trên quy mô lớn quá trình cách mạng, những giai đoạn hào hùng của các dân tộc ít người vùng địa đầu Tổ quốc Hình tượng những anh hùng cách mạng, những con người mới, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đang cùng đồng bào miền núi xây dựng cuộc sống mới là trung tâm trên các trang viết Cách xây dựng con người miền núi trong văn xuôi giai đoạn này vẫn ghi nhận sự thành công của nghệ thuật điển hình hóa cao độ và vẫn chịu sự chi phối khá lớn của cảm hứng sử thi Những người con yêu quý của dân tộc H’Mông như Seo Ly, Seo Cả, Pao đến những tên thổ ty Hoàng Văn Chao, La Văn Đờ, Nông Vĩnh

Yêng (Đồng bạc trắng hoa xòe) đều có những nét ngoại hình, tính cách khó

quên Các nhân vật cũng thường có sự thống nhất giữa ngoại hình và tính cách thường được miêu tả trong từng cặp quan hệ đối lập Con người tập thể, con người mới vẫn là nhân vật trung tâm của văn học nói chung

Như vậy, có thể thấy văn xuôi miền núi của các cây bút người Kinh giai đoạn 1945 – 1975 và 1976 – 1986 khá thống nhất về cảm quan hiện thực chiến tranh miền núi và nhã quan sử thi Điểm khác là giai đoạn sau mở rộng hơn về quy mô sáng tác Giai đoạn trước, truyện ngắn, kí, tùy bút các thể loại chiếm ưu thế còn giai đoạn sau tiểu thuyết là thể loại lên ngôi Khả năng khai thác sâu hơn vào sự phức tạp trong đời sống tâm hồn và hiện thực miền núi của văn xuôi 1976 – 1986 được nâng lên một tầm cao mới

Trang 28

Sự đổi mới trong cái nhìn miền núi của lớp nhà văn kháng chiến

Trong những năm cuối của thập kỉ 80, sự đổi mới trong văn học nước

ta diễn ra mạnh mẽ và đạt đến cao trào Văn xuôi miền núi cũng có những bước chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu mới Đã có dấu hiệu bứt khỏi một mô thức đã trở nên quen thuộc Tô Hoài đánh dấu sự trở lại

mảng đề tài miền núi bằng tiểu thuyết Nhớ Mai Châu (1988) Ma Văn Kháng

vẫn kiên trì khai thác mảng đề tài này với một niềm say mê đặc biệt

Không khí dân chủ, cởi mở của đời sống xã hội cùng tinh thần khuyến khích tự do sáng tạo của Đại hội Đảng VI đã tạo động lực và điểm tựa tinh

thần cho văn nghệ sĩ phát huy hết khả năng sáng tạo của mình Gặp gỡ ở La

Pan Tẩn (1999) là một bước tiến quan trọng trong tư duy của Ma Văn Kháng

Tác phẩm tiếp nối với Đồng bạc trắng hoa xòe (1978) và Vùng biên ải (1983) hợp thành bức tranh toàn cảnh về Tây Bắc rộng lớn Các tập truyện Vệ sĩ của

quan châu (1988), Bài ca trăng sáng(1992), Móng vuốt thời gian (2003) –

Tuyển tập những truyện ngắn đặc sắc về đề tài dân tộc và miền núi của Ma Văn Kháng từ sau 1975 do Nxb Hội nhà văn ấn hành cho thấy một cái nhìn mới, sâu hơn, đa diện, đa chiều về hiện thực con người miền núi Đó là những tập truyện “thường thể hiện cái nhức nhối, xót xa, giận mà thương cho sự mông muội của những kẻ chưa thành người và những người không được làm người Như để trả lại sự cân bằng, cái nghịch dị, méo mó, phàm tục dơ dáy giờ đây cũng trở thành yếu tố”, “làm dậy hứng cho bao nhiêu sáng tác văn chương” [36] Miền núi trở lại trong sáng tác của Ma Văn Kháng không còn gói gọn trong giai cấp nữa Vùng biên ải “lúc nào cũng có hình sắc của thời mới khai thiên – đó là nơi ngự trị của cái hoang sơ và vô khối những con người chưa ý thức được hành vi của mình” [36] Ma Văn Kháng viết về cuộc đời của Mã Đại Câu u mê, càn dở, về cuộc đời của Giàng Tả - kẻ lang thang với sức khỏe và khả năng thồ bằng đầu đến kinh ngạc nhưng không phân biệt

Trang 29

được bạn, thù để minh oan cho những con người còn mông muội, để biện minh rằng không phải ai có dính líu đến kẻ địch đều là kẻ thù của nhân dân Những cái nhìn phiến diện, quan điểm cứng nhắc, những kết luận vội vàng đã

để lại cho nhân vật kể chuyện một tiếng thở dài não ruột: “ Lịch sử thế là mất

đi cái hồn nhiên của nó”

Ma Văn Kháng cho rằng không nhất thiết phải nhìn về miền núi với bộ

mặt lập nghiêm Seo Ly- Kẻ khuấy động tình trường là một bức tranh nhỏ pha

chút đùa cợt về đời sống đàn ông, đàn bà đã chốn huyện lị M đến cái làng Mèo nhỏ kiệt cùng của thế giới, nơi ngõ hẻm của vũ trụ, trên đỉnh Phan Xi

Pan Móng vuốt thời gian khảo sát cái dục vọng điên rồ muốn trường sinh bất

tử của lão già thổ ty

Những nhân vật trong sáng tác sau 1975 của Ma Văn Kháng như Mã Đại Câu, Giàng Tả, tên thổ ty Lỉn nhất là tên Kun – vệ sĩ của quan châu mang những bản năng tài tình của động vật cấp thấp “ ngửi được hơi lạ trong gió, nghe được bằng da thịt, nhìn xuyên thấu đêm tối” – còn khiến người đọc nhức nhối về sự “hồi tổ”, “lộng gió”, về “bản tính đời sống miền biên ải”

Sau mười năm đọc lại cuốn Trăng non (1982) của mình, Ma Văn

Kháng vẫn cứ ngẩn ngơ một nỗi niềm: “giá được viết lại” – “cái đề tài đầy tính nhân văn ấy sẽ được triển khai kĩ lưỡng hơn ở sự phân tích sâu sắc khát vọng sống tiềm ẩn trong con người” “Tôi cũng có thể đào xới đến tận cùng cái rắc rối trong mối ràng buộc gia tộc, bộ tộc Những mâu thuẫn trong đời sống vào lúc ấy phải né tránh thì nay sẽ được phô bày Rõ ràng cuộc sống không phải là một ánh trăng non tơ lụa, nõn nà Còn mây giông u ám Còn nhơm nhớp bẩn thỉu ” Cuộc sống, con người miền núi vẫn còn bề bộn, chưa thể xong xuôi Những điều Ma Văn Kháng vẫn còn cảm thấy nối tiếc hi vọng

sẽ được những cây bút trẻ như Đỗ Bích Thúy bổ khuyết và tiếp tục khai thác

Trang 30

Cái nhìn trẻ hóa của các nhà văn trẻ và sự xuất hiện của Đỗ Bích Thúy

Những cái tên như Nam Cao, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc và hệ thống tác phẩm đồ sộ, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của

họ đã tạo thành một cái nhìn ổn định, một hệ giá trị riêng của văn xuôi miền núi Thoát khỏi “cái bóng của tiền nhân đang âm thầm đổ xuống” không phải việc làm đơn giản đối với các nhà văn trẻ Cùng chọn miền núi làm mảnh đất sáng tác hiện nay có một số tác giả: Đỗ Tiến Thụy, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Xuân Mẫn, Trung Trung Đỉnh, Phạm Hoàng Hải, và Đỗ Bích Thúy, Chị là một cây bút trẻ nổi lên đang dần khẳng định được chỗ đứng cũng như hình thành nên phong cách của riêng mình

Thường thì các nhà văn xuất hiện trên văn đàn theo một trong hai cách sau: hoặc gây sự kiện, gây sốc, hoặc lặng lẽ, đĩnh đạc Có lẽ Đỗ Bích Thúy chọn cách thứ hai

Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 tại vùng đất Vị Xuyên, một huyện vùng cao tỉnh Hà Giang Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã kể một câu chuyện cảm động về tuổi thơ về người con gái Hà Giang ấy: Một đôi vợ chồng trẻ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ chức đã xung phong lên miền nuí vời vợi nghìn trùng xây dựng quê hương Đôi vợ chồng trẻ sinh hạ được ba người con , hai

trai , một gái Tiếng khóc dạ đề của cô con gái èo uột, còi cọc ấy lan vào rừng

núi “Những bà mẹ người Mông đã vào lâm trường cho cô bé bú Cô bé lớn lên với dòng sữa của những bà mẹ H’Mông nơi núi rừng thâm u yêu dấu kia,

và sau đó cô được cắp sách đến trường Cô nói được tiếng địa phương, ăn được mèn mén và cô đã “ăn” được cả cái văn hóa vùng cao từ thủa lọt lòng để đến bây giờ chúng ta có được cô ấy: cô ấy là nhà văn Đỗ Bích Thúy” [11]

Tốt nghiệp trung cấp Tài chính – kế toán, Đỗ Bích Thúy chút nữa đã trở thành một kế toán hay một phóng viên báo Hà Giang nếu cô không gửi

Trang 31

chùm truyện ngắn Sau những mùa trăng , Đêm cá nổi, Ngải đắng ở trên núi

dự thi và đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội

tổ chức 1998 – 2000 Đó cũng là khi chị nhận ra tình yêu văn chương của mình còn quá nồng nàn Sau khi theo học Học viện báo chí tuyên truyên, chị

trở thành Biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và tiếp tục thay đổi

sự nghiệp văn chương của mình

Đỗ Bích Thúy thực sự gây được sự chú ý của công chúng bằng những truyện ngắn mang đậm chất núi rừng nơi chị sống và trưởng thành Hai mươi mốt truyện ngắn của chị được viết rả rích từ những năm tháng còn ngồi trên

ghế giảng đường đại học tập hợp trong tập Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đã

thể hiện khá độc đáo vẻ đẹp đời sống tâm hồn và chiều sâu tâm linh con

người miền núi được thể hiện sâu sắc mà giản dị “Mỗi nhà văn thường có

một vùng đất, đó là nơi họ thấu hiểu nhất, dành nhiều tình cảm và nhiều tâm trí nhất, và khi sống tận cùng với vùng đất của mình thì rất có thể chính vùng đất đó, đề tài đó đã chọn nhà văn chứ không phải ngược lại Và núi rừng là vùng đất của tôi, tôi hiểu những gì đã viết ra đến tận cùng”[6]

Điều khác biệt giữa Đỗ Bích Thúy với thế hệ các nhà văn lớp trước là cái nhìn và cách tiếp cận con người và hiện thực miền núi Nếu nhưng tác phẩm của Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân ra đời sau những chuyến đi

“nhận đường”, “lột xác” thì Đỗ Bích Thúy lại viết về miền núi bằng tình cảm của những người con sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng từ những bầu không khí văn hóa vùng cao từ tấm bé, bằng cái nhìn từ thế hệ trẻ trong cơn lốc trong nền kinh tế thị trường, bằng không khí sáng tác thật sự tự do, dân chủ Chị viết với tư cách là những người con của núi chứ không phải với tư cách nhà văn – chiến sĩ Đây là những điều kiện thuận lợi để chị có thể đi sâu hơn, phản ánh chân thực, khách quan hơn cuộc sống, con người miền núi nhưng

Trang 32

cũng là thách thức không nhỏ đối với chị trong việc khẳng định tài năng và sức hấp dẫn của đề tài trong thực tế sáng tác văn học hiện nay

Từ Lan Khai, Thế Lữ đến Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Ma Văn Kháng và bây giờ là Đỗ Bích Thúy là một trong những cái tên đã trở nên quen thuộc và cho thấy tình cảm tốt đẹp của những cây bút văn xuôi người Kinh các thế hệ đối với miền núi Bản chất văn học là sự bồi đắp Với những thành công bước đầu, khao khát, tài năng và tình yêu miền núi, Đỗ Bích Thúy đang là một trong những nhà văn đầy triển vọng được đặt niềm tin sẽ kế cận xứng đáng lớp nhà văn đàn anh đi trước

1.3 Quan niệm về văn chương của Đỗ Bích Thúy

Trong không khí đổi mới văn chương mạnh mẽ có thể thấy rằng lối viết của nhà văn Đỗ Bích Thúy không mới, không hiện đại, không cách tân Đỗ Bích Thúy luôn tâm niệm phải viết trung thành với quan niệm riêng của mình, chị quan niệm văn chương: “nếu mới mà làm người đọc thất vọng thì tôi thà

cũ còn hơn” Quan niệm với lối viết truyền thống và sự “chung thủy với cây hương, bếp lửa quê mình” chị tạo nên một không khí văn chương đích thực trên mỗi trang viết Với chị, điều quan trọng nhất của một nhà văn chính là ở chỗ “anh ta luôn sống hết mình, viết hết mình và viết những gì mình có, mình đau đớn vì nó, không vay mượn, cố gắng”[58] Ngoài thể loại truyện ngắn,

Đỗ Bích Thúy còn đa dạng hơn trong mắt độc giả khi chị mạnh dạn thử sức

và khá thành công ở lĩnh vực khác như kí, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim Nhà văn Chu Lai đánh giá cao về Đỗ Bích Thúy Theo ông, thành công của Đỗ Bích Thúy là mang đến cho người đọc một “món ăn lạ”, khiến

họ được sống trong một mảnh đất lạ mà “tất cả được miêu tả dịu nhẹ, chênh vênh, chấm phá, không dài dòng, không đa ngôn” Ông cũng cho rằng “chất bình dị, xôn xao, chân thật không chỉ là tiêu chí trong các cuộc thi văn của tạp

Trang 33

chí mà còn là đặc trưng của nền văn học” [22] Cũng chính yếu tố đó làm nên cái duyên và sức gợi của giọng văn trẻ, qua đó cho thấy quan niệm văn chương của Đỗ Bích Thúy Sinh ra ở Hà Giang, gắn bó với nó, lớn lên đi làm báo lăn lóc với một nền văn hóa của sắc tộc, Đỗ Bích Thúy nổi trội ở cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội Tổ chức 1998 – 2000 với chùm

truyện ngắn: Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi và Đêm cá nổi Đặc biệt, sau cuộc thi không lâu, sự xuất hiện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá khá

thành công và đảm bảo bút lực của Đỗ Bích Thúy Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy dự thi, rồi những sáng tác sau này tập hợp lại thành một số tập truyện

ngắn như Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Kí

ước đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, đã góp cho văn đàn Việt Nam

một cây bút mang đậm sắc màu nổi trội và riêng biệt, một vẻ đẹp Tây Bắc hiện đại: những dấu vết mang thanh âm kì diệu âm vang sau bờ rào đá, trên những mái nhà khói bếp như mây Chuỗi truyện ngắn ấy không hoang sơ củi lửa như Tô Hoài thủa trước và sau 1945 nữa truyện của Đỗ Bích Thúy ngồn ngộn bao nhiêu chất liệu đời sống của nơi các nhà văn hiện đại lâu nay sau Tô Hoài dường như bỏ quên, sót lại bao điều chưa biết của nhiều dân tộc Mông, Nùng,Tày, Thái Những số phận cuộc đời và khát vọng của con người trên rẻo cao của các vùng núi, mà tại đó văn minh đô thị là một thứ xa xỉ, vời vợi là điểm có tính nhấn, lặp đi lặp lại, dễ nhận thấy trong các truyện ngắn và tạp văn của Đỗ Bích Thúy Tạng văn của chị ở các truyện ngắn mang màu sắc u

buồn như điệu khèn Vợ chồng A Phủ năm nào của Tô Hoài, nhưng lại đầy

những chi tiết làm nhiều người ở nhiều vùng đất, kể cả hải ngoại ấn tượng, ví như từ cái muôi gỗ, ví như từ tiếng đàn môi và những quan sát rất tinh tế, mà chỉ có một trái tim nhạy cảm mới có thể nhận ra Quan niệm của Đỗ Bích Thúy ở con người và hoàn cảnh sống cũng thấy rõ được cái đẹp kì thú trong tâm hồn của người thiểu số và cái đẹp của mảnh đất hoang sơ, thậm chí lạc

Trang 34

hậu Chuyện của Pao sau này là phim thành công lớn, nó gợi cho các nhà làm phim rất nhiều khuôn hình đầy ngôn ngữ điện ảnh, có cảnh đẹp đến nao lòng Phải chăng là sự chia sẻ từ nhà văn đến các nhà làm phim, đồng nhất từ cái đẹp trong tâm hồn con người và cảnh trí gợi cảm mà Đỗ Bích Thúy đã tạo nên

ở nhiều truyện ngắn, khi lấy Tiếng đàn môi sau bờ rào đá làm trung tâm Cái

đẹp khai phá từ văn học trong tầng văn hóa ấy, làm ngay cả những người hiện sống nơi xứ núi ấy cũng bàng hoàng, khi nhận ra vẻ đẹp quanh họ bừng lên thêm từ chính văn chương của Đỗ Bích Thúy

Khảo sát văn xuôi ở các nhà văn nữ tiêu biểu hai mươi năm qua, có thể nhận ra rằng, những truyện ngắn và cả tạp văn, tạp bút sau này của Đỗ Bích Thúy đã tạo nên một quan niệm văn chương viết về Tây Bắc không lẫn vào bất kì cây bút nào trước và sau chị, kể cả với nhà văn chuyên viết về phía Bắc

có những tác phẩm lớn như nhà văn Tô Hoài, Đỗ Bích Thúy là một đóa hoa văn Tây Bắc trong bàng bạc sương mù tháng ba núi non địa đầu Tổ quốc

Có thể thấy những đặc điểm chung nhất trong lối viết của Đỗ Bích Thúy song mới chỉ nhìn nhận theo cách riêng lẻ của từng tác phẩm hoặc từng

cụm tác phẩm Trong tuyển tập Tiếng đàn môi sau bờ rào đá làm cho người

đọc có cảm giác khi bước vào thế giới truyện ngắn của chị: bước vào một không gian lạ, không gian có núi cao, trời rộng của vùng trời phía Bắc, nơi từ

đó nhìn xuống, dòng sông Nho Quế chỉ còn “bé như sợi chỉ dưới chân núi Mã

Pí Lèng” Một không gian đầy hoa lá rừng; có tiếng gà gáy tắc te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau cô gái khoắc quẩy tấu xuống chợ; những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy màu sắc; những đêm trong sóng sánh, huyền ảo; những cụm mần tang mọc trong thung lũng; tiếng đàn môi réo rắt sau bờ rào đá; lễ hội gầu tào với điệu hát gầu Plềnh mê đắm của các cô

Trang 35

gái, chàng trai người Mông trên đỉnh núi Trong quan niệm viết của Đỗ Bích Thúy cũng luôn trăn trở trong các tác phẩm của mình; Là sự biến động của thời đại mới tác đã tác động lên mọi số phận của người Việt Nam, kể cả những người sống ở những nơi thâm sơn cùng cốc Cuộc sống đã đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ, trăn trở để làm sao vừa hòa nhập được với thời đại, với đất nước vừa không đánh mất đi những gí trị riêng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc đó chính là thử thách lớn nhất của thời mở cửa Trong văn chương của chị cũng mang cảm hứng về tình cảm người mẹ và gia đình

Qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy ta thấy quan niệm về văn chương phải là một nghệ sỹ, suốt đời trung thực với nghề, với những hình ảnh người phụ nữ miền núi với những phẩm chất cao đẹp, văn phong thuần hậu, mang đậm ngôn ngữ vùng miền, là cảm hứng nhân đạo xuyên suốt trong toàn

bộ tác phẩm

Trang 36

Chương 2 CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT

2.1 Tổ chức cốt truyện

2.1.1 Quan niệm về cốt truyện

Các nhà nghiên cứu từ cổ điển đến hiện đại thuộc những trường phái khác nhau trên thế giới đã đề xuất nhiều cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật ngôn từ qua hệ thống cốt truyện, nhằm tìm ra mô hình tự sự mang phong cách

riêng của nhà văn Ở Việt Nam, Từ điển thuật ngữ văn học cũng đã khẳng

định: “Cấu trúc đích thực của tác phẩm chỉ bao gồm hai yếu tố: Ngôn từ và

một cách có hệ thống và cách hiểu còn khá cứng nhắc

Trong các công trình của A.Veselovski, G.N Pospelov, L.I.Timofeep,

E Dobin, Kojikov, B Tomachevski, V Shklovski, P Cobley, J Culler, J Lotman… vấn đề cốt truyện đã được đề cập đến ở nhiều mức độ khác nhau Trên cơ sở những công trình đã được dịch và giới thiệu ở trong nước có thể khái quát việc tiếp nhận và nghiên cứu cốt truyện theo ba hướng chính sau Hướng thứ nhất, gồm quan điểm của các nhà lý luận Aristote, L.I Timofeep, G.N Pospelov…

Với quan điểm “nghệ thuật là sự mô phỏng” Aristote cho rằng cốt truyện chính là “linh hồn và cơ sở của bi kịch”, là cái quan trọng nhất làm thành mục đích của bi kịch Bởi bi kịch mô phỏng hành động, chính hành động gắn liền với tính cách là yếu tố quyết định số phận nhân vật (bất hạnh hay hạnh phúc) Tuy nhiên, sức mạnh lôi cuốn lòng người lại nằm ở “sự diễn biến và nhận biết” những yếu tố của cốt truyện Việc sắp xếp các hành động mới là điểm cốt yếu, “cốt truyện phải được sắp xếp như thế nào để bất kỳ ai,

dù không được xem biểu diễn, mà chỉ nghe qua về những sự việc xảy ra đó

Trang 37

cũng phải rùng mình và cảm thấy xót thương theo trình tự phát triển của các

sự kiện trong truyện”(3) Bàn về việc sắp xếp các hành động của truyện

Aristote rất chú ý đến vấn đề quy mô và tính chỉnh thể của các yếu tố cốt

truyện “Cái đẹp là ở trong kích thước và trật tự”, vì thế quy mô lớn nhỏ của cốt truyện chính là một “hạn độ” đầy đủ mà trong đó các sự kiện tiếp diễn theo “quy luật xác xuất”, trên cơ sở sự thống nhất hữu cơ của các bộ phận

Theo Aristote có hai loại cốt truyện: cốt truyện đơn giản và cốt truyện phức tạp Trừ những cốt truyện đơn giản với các hành động liên tục, thống nhất thì ở cốt truyện “đan vào nhau” (phức tạp) hành động của nhân vật luôn

diễn ra qua đột biến và nhận thức Đột biến tức là sự thay đổi sự kiện theo

chiều ngược lại và sự chuyển biến từ chỗ không biết đến biết thông qua đột

biến là sự nhận biết có ý nghĩa nhất Tuy nhiên, đột biến hay nhận thức phải

bắt nguồn từ chính bản thân thành phần cốt truyện Ở đây Aristote nhấn mạnh đến chức năng, nhiệm vụ của các sự kiện thông qua việc sắp xếp, bài trí như thế nào để làm sao căn cứ trên cơ sở của sự đột biến của các sự kiện có thể tạo

ra những hiệu quả thẩm mỹ nhất định

Đến L.I.Timofeep, nhận định về cốt truyện trong sự tương quan với các yếu tố khác của kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, ông cho rằng, khi mà các tính cách luôn đóng vai trò “người trung gian” độc đáo giữa nhà văn và cuộc sống do nhà văn phản ánh thì cốt truyện chính là hệ thống biến cố mà suy cho cùng những biến cố đó phải phản ánh những mâu thuẫn và xung đột

xã hội Trong các biến cố, tính cách bộc lộ và qua các biến cố sẽ khái quát hoá những xung đột cơ bản của cuộc sống Vấn đề là người nghệ sĩ phải lựa chọn những biến cố và quan hệ nào, lựa chọn xung đột nào tiêu biểu đối với hoàn cảnh sống của nhân vật, có khả năng khái quát hoá và điển hình nhất Ở đây,

những mâu thuẫn xã hội phải được chuyển dịch sang “tiếng nói” của những số

phận và hành động của con người cụ thể sinh động và cá biệt Như thế, cốt

Trang 38

truyện và tính cách luôn gắn bó chặt chẽ Chất lượng của cốt truyện, sức hấp dẫn của truyện được quy định do việc nó được tính cách lý giải như thế nào (rộng hơn là cuộc sống lý giải ra sao) Mặt khác, chính tính cách sẽ xác định tính chất phong phú nhiều mặt cho nội dung cốt truyện, chỉ rõ rằng cốt truyện được quy định do thực tế mà nhà văn nhận thức

Không khác nhiều so với Aristote khi cho rằng việc sắp xếp các thành phần cốt truyện bao giờ cũng là dụng ý của nhà văn, theo L.I.Timofeep việc

bố trí các thành phần cốt truyện phụ thuộc vào chỗ nhà văn hiểu cuộc sống trong sự phát triển của nó như thế nào và muốn biểu hiện nó ra sao Trả lời được câu hỏi tại sao lại trình bày và sắp xếp các sự kiện như vậy sẽ lý giải được mối liên hệ giữa các biến cố, làm sáng tỏ những dụng ý ẩn sau mỗi tính cách đó trong cuộc sống

G.N Pospelov trong công trình Dẫn luận nghiên cứu văn học cũng cho

rằng cốt truyện được hình thành chủ yếu là nhờ hành động của nhân vật Hành động là sự thể hiện các xúc cảm, ý nghĩa, ý định của con người Tuy nhiên, ở đây G.N.Pospelov không chỉ chú ý đến những hành động tạo ra những biến động bất ngờ, gay gắt trong số phận nhân vật mà ông còn quan tâm đến “sự vận động của hành động chủ yếu chỉ xảy ra bên trong” mà cơ sở là sự vận động của trạng thái tinh thần nhân vật Sự phát triển của cốt truyện không phải căn cứ vào các sự kiện “đột biến” mà là những cơn thăng trầm trong cảm xúc nhân vật, thường độc lập với bất cứ sự kiện nào

Theo G.N.Pospelov cốt truyện luôn được triển khai trên nền của những xung đột căng thẳng, nói cách khác, chức năng quan trọng nhất của cốt truyện

là bộc lộ các mâu thuẫn đời sống Tính chất xung đột/ mâu thuẫn trong truyện lại do chủ đề mà nhà văn lựa chọn quyết định cùng với phương thức thể hiện chúng là hết sức đa dạng và biến đổi một cách lịch sử Dựa trên mối liên hệ

giữa các sự kiện G.N.Pospelov đã chia ra hai dạng cốt truyện: cốt truyện biên

Trang 39

niên và cốt truyện đồng tâm Mỗi dạng cấu tạo cốt truyện được xác định tuỳ

thuộc vào sự kết hợp giữa các sự kiện trong truyện là mối liên hệ thời gian lấn

át hay mối liên hệ nhân quả chiếm ưu thế

Mặc dù quan niệm cốt truyện là những sự kiện được liên hệ với nhau

có tính chất thời gian và nhân quả, song G.N.Pospelov cũng nhận ra rằng “trật

tự thời gian” của sự kiện (tính liên tục của các tình tiết cốt truyện ) tức là kết

cấu cốt truyện theo quan niệm của ông lại có ý nghĩa và chức năng quan trọng

hơn Nó cho phép ta không chỉ hiểu mối quan hệ qua lại của các nhân vật (tức cốt truyện) mà còn có khả năng thâm nhập vào mạch lôgic của việc liên kết các phần, các chương, giúp người đọc tiếp cận với những mối liên hệ bên trong mang ý nghĩa và cảm xúc Và để tạo nên tầng ý nghĩa này, nhà văn luôn

phải sử dụng nhiều biện pháp kết cấu (chẳng hạn che giấu, nhận ra) nhằm

“đặt bẫy” người đọc tạo ra những bất ngờ thú vị trong qúa trình khám phá tác phẩm văn học.Nhìn chung, cả ba nhà lý luận Aristote, G.N.Pospelov và L.I.Timofeep đều đánh giá cao cốt truyện và việc xây dựng kết cấu cốt truyện, song mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những nguyên lý chung, chỉ ra chức năng, nhiệm vụ, những mối liên hệ cơ bản của các yếu tố cốt truyện

Hướng nghiên cứu thứ hai là của các nhà nghiên cứu thuộc trường phái hình thức Nga Trên quan điểm “nghệ thuật như là thủ pháp”, “chính sự sáng tạo ra những thủ pháp nghệ thuật sẽ làm phục sinh từ ngữ”, các nhà nghiên

cứu cho rằng để có thể tiếp cận với tính văn của tác phẩm nghệ thuật thì

chúng ta phải “đối xử với tác phẩm văn học như một đối tượng được chế tác”, nghĩa là như một tổng số các thủ pháp Nghệ thuật tư duy bằng hình tượng, song phạm trù đánh dấu sự phát triển của lịch sử văn học phải là lịch sử của những thủ pháp, chính “những hình thức nghệ thuật mới mới có thể đem lại cho con người niềm vui sống trên thế gian này, làm phục sinh các sự vật và thủ tiêu chủ nghĩa bi quan”(4)

Trang 40

B Tomachevski với tiểu luận Hệ chủ đề, là một trong những người đầu

tiên đi sâu nghiên cứu các thủ pháp cốt truyện B Tomachevski phân biệt khái

niệm chuyện kể (fabula, fable) và cốt truyện (sinzhet, subject) khác với cách

phân biệt của A Veselovski, G.N.Popspelov, L.I.Timofeep Theo ông, chuyện

kể là tập hợp những biến cố có quan hệ với nhau được thông tin cho người đọc trong suốt chiều dài tác phẩm, nó có thể được tóm tắt theo trật tự biên niên hay nhân quả của các biến cố mà không phụ thuộc vào thứ tự được trình bày Còn cốt truyện thì đi theo trình tự xuất hiện của các biến cố trong tác phẩm Nói cách khác, mối quan hệ giữa các biến cố trong chuyện kể mang tính thời gian và đi từ nguyên nhân đến kết quả, còn cốt truyện lại liên kết các môtip theo trình tự xuất hiện trong tác phẩm, và như thế nó hoàn toàn là một sản phẩm được chế tác, có tính nghệ thuật

Theo B Tomachevski, tuyến hành động của chuyện kể được hình thành qua mối quan hệ giữa các nhân vật và chính từ mối quan hệ này sẽ tạo ra tình huống Vì vậy sự di chuyển của nhân vật từ một tình huống này sang một tình huống khác có thể được thực hiện nhờ việc tham gia của một nhân vật mới (tình huống phức tạp), hoặc nhờ việc loại trừ (đối thủ bị chết), hay nhờ có sự thay đổi mối quan hệ Môtip làm thay đổi tình huống là môtip linh hoạt (động), là trung tâm và động lực của chuyện kể Còn cốt truyện chú trọng đến tuyến trần thuật, vì thế, người kể chuyện có vai trò lớn trong việc phát triển cốt truyện (một cách gián tiếp) Việc đưa vào các thành phần khác nhau của

đề tài phụ thuộc vào tính chất của câu chuyện, đó là truyện kể khách quan, truyện kể chủ quan hay phối hợp giữa chủ quan và khách quan

B Tomachevski đã trình bày nhiều thủ pháp trong nghệ thuật trần

thuật: kéo dài, trì hoãn, bình luận ngoại đề, che giấu bí mật, lặp lại, hoán vị,

đảo ngược thời gian… Ông cho rằng mỗi thời đại, mỗi trào lưu, mỗi thể loại

văn học đều có một hệ thống thủ pháp đặc trưng, thể hiện phong cách của thời

Ngày đăng: 09/11/2014, 19:40

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Lại Nguyên Ân (1990), 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, Hà Nội 2. Nguyễn Thị Bình (2007), Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995 những đổi mớicơ bản, Nxb, Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: 150 thuật ngữ văn học", Nxb ĐHQG, Hà Nội 2. Nguyễn Thị Bình (2007), "Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995 những đổi mới "cơ bản
Tác giả: Lại Nguyên Ân (1990), 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, Hà Nội 2. Nguyễn Thị Bình
Nhà XB: Nxb ĐHQG
Năm: 2007
3. Hà Duyên, Đỗ Bích Thúy (2005), “Những gì không biết tường tận tôi sẽ không bao giờ viết”, TC Truyền hình Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những gì không biết tường tận tôi sẽ không bao giờ viết”
Tác giả: Hà Duyên, Đỗ Bích Thúy
Năm: 2005
4. Đặng Anh Đào (1991), “Một hiện tượng mới trong kể chuyện hiện nay”, Tạp chí Văn Học, (6), tr. 21- 27 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Một hiện tượng mới trong kể chuyện hiện nay”, "Tạp chí Văn Học
Tác giả: Đặng Anh Đào
Năm: 1991
5. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giọng điệu trong thơ trữ tình
Tác giả: Nguyễn Đăng Điệp
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 2002
6. Nguyễn Đăng Điệp (2003) Vọng từ con chữ, Nxb Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vọng từ con chữ
Nhà XB: Nxb Văn học
7. Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy – Sẵn sàng bỏ bút nếu thấy mình đã nhạt, http://Phongdiep.net Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đỗ Bích Thúy – Sẵn sàng bỏ bút nếu thấy mình đã nhạt
8. Trung Trung Đỉnh, Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, http://english.toquoc.gov.vn 9. Thu Hà (2006), Đỗ Bích Thúy: “Chuyện của Pao sẽ kém khắn giả”,HàNội mới, số 467 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy", http://english.toquoc.gov.vn 9. Thu Hà (2006), "Đỗ Bích Thúy: “Chuyện của Pao sẽ kém khắn giả”
Tác giả: Trung Trung Đỉnh, Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, http://english.toquoc.gov.vn 9. Thu Hà
Năm: 2006
10. Thu Hà, Đỗ Bích Thúy (2006), “ Chuyện của Pao sẽ rất kén khán giả”, Hà Nội mới, (467) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chuyện của Pao sẽ rất kén khán giả”, "Hà Nội mới
Tác giả: Thu Hà, Đỗ Bích Thúy
Năm: 2006
11. Lê Bá Hán- Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007),Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb, Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển thuật ngữ văn học
Tác giả: Lê Bá Hán- Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên)
Năm: 2007
12. Hoàng Ngọc Hiến dịch - Nhập môn Văn học 13. Hoàng Ngọc Hiến - Năm thể loại bài giảng Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhập môn Văn học" 13. Hoàng Ngọc Hiến -
14. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thư pháp của truyện, Nxb Giáo Dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề thư pháp của truyện
Tác giả: Nguyễn Thái Hòa
Nhà XB: Nxb Giáo Dục
Năm: 2000
15. Tô Hoài (1994), Văn học các dân tộc thiểu số - Thực trạng và vấn đề, TCVH, số 9 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học các dân tộc thiểu số - Thực trạng và vấn đề
Tác giả: Tô Hoài
Năm: 1994
16. Tô Hoài (2002), Truyện Tây Bắc, Nxb Trẻ Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện Tây Bắc
Tác giả: Tô Hoài
Nhà XB: Nxb Trẻ
Năm: 2002
17. Nguyễn Thị Huệ (1998), Tư duy mới về nghệ thuật trong sáng tác của Ma Văn Kháng những năm 80,TCVH, số 2 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tư duy mới về nghệ thuật trong sáng tác của Ma Văn Kháng những năm 80
Tác giả: Nguyễn Thị Huệ
Năm: 1998
18. Thu Huyền, Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viết vì nhu cầu nội tâm www.vietbao.vn 19. Lê Thị Hường(0994), Quan niệm về con người cô đơn trong truyện ngắnhiện nay, TCVH, số 2 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viết vì nhu cầu nội tâm " www.vietbao.vn 19. Lê Thị Hường(0994), "Quan niệm về con người cô đơn trong truyện ngắn "hiện nay
20. Phùng Ngọc Kiếm (2006), Quan niệm về thể tài truyện ngắn trong văn học Việt Nam sau 1975, Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quan niệm về thể tài truyện ngắn trong văn học Việt Nam sau 1975
Tác giả: Phùng Ngọc Kiếm
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2006
21. Mã A Lềnh (2007), Văn chương không quay lưng lại với nỗi khổ của con người, Văn nghệ trẻ, số 44 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn chương không quay lưng lại với nỗi khổ của con người
Tác giả: Mã A Lềnh
Năm: 2007
22. Nguyễn Phương Liên, Vẻ đẹp của một cây bút vùng cao, www.evan.com.vn 23. Nguyễn Văn Long (2003), VHVN trong thời đại mới, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vẻ đẹp của một cây bút vùng cao," www.evan.com.vn 23. Nguyễn Văn Long (2003), "VHVN trong thời đại mới
Tác giả: Nguyễn Phương Liên, Vẻ đẹp của một cây bút vùng cao, www.evan.com.vn 23. Nguyễn Văn Long
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2003
24. Nguyễn Văn Long – Lã Nhâm Thìn (đồng cb) (2009), Văn học Việt Nam sau năm 1975: Những vấn đề nghiên cứu giảng dạy (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học Việt Nam sau năm 1975: Những vấn đề nghiên cứu giảng dạy
Tác giả: Nguyễn Văn Long – Lã Nhâm Thìn (đồng cb)
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2009
25. Phương Lựu (chủ biên) (2002), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lí luận văn học
Tác giả: Phương Lựu (chủ biên)
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2002

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w