Về một phương pháp dạy học văn trong trường phổ thong Vấn đề dạy học môn văn trong trường phổ thông có ý nghĩa thời sự nóng hổi, luôn thu hút sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều giới trong xã hội. Các ý kiến trao đổi của hàng loạt tác giả xoay quanh bài viết của GS. Trần Đình Sử “Con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy - học văn” (Văn nghệ số 10, 7-3-2009) đã thêm một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của một vấn đề tưởng như đơn giản, quen thuộc mà lại cũng rất phức tạp này. Mở đầu bài viết của mình, GS. Trần Đình Sử đã khẳng định rõ: “Khởi điểm của môn Ngữ Văn là dạy học sinh đọc hiểu trực tiếp văn bản văn học của nhà văn… Nếu học sinh không trực tiếp đọc các văn bản ấy, không hiểu được văn bản, thì coi như mọi yêu cầu, mục tiêu cao đẹp của môn văn đều chỉ là nói suông, khó với tới, đừng nói gì tới tình yêu văn học”. Luận điểm chính của bài báo này đã đặt lại vấn đề: “trở về với văn bản văn học nghệ thuật là con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy học văn hiện nay” (chúng tôi nhấn mạnh – L.K.T). Vấn đề đặt ra ở đây là học sinh đọc trực tiếp hay “đọc” qua người khác, đọc hiểu văn bản của nhà văn ở mức độ nào là việc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc dạy học văn. Nhưng có một thực tế đáng tiếc là trong nhiều năm nay, việc dạy học môn Ngữ văn đã có tình trạng “thế bản” lấn át, thay thế văn bản của nhà văn. Văn bản quan trọng nhất mà học sinh phải/bị học không phải là văn bản tác phẩm mà là bài giảng của thầy, là văn bản các bài phân tích, bình giảng về tác phẩm đó. Điều đó dẫn đến việc học sinh xem nhẹ việc đọc văn bản tác phẩm, hạn chế khả năng cảm thụ và sáng tạo nảy sinh từ văn bản của học sinh. Điều đó khiến cho học sinh chỉ biết tiếp thu một cách thụ động, mất dần kĩ năng đọc hiểu văn bản, thiếu năng lực đọc một cách sáng tạo. Xuất phát từ mô hình dạy học lấy học sinh làm trung tâm, coi trọng và đề cao ý thức chủ thể của học sinh. GS. Trần Đình Sử đã khẳng định “Trong giờ học, học sinh phải tự mình đọc, tự mình phán đoán, tự mình nêu câu hỏi…”; “trở về với văn bản chính là để kích thích cho học sinh hoạt động và chỉ thông qua hoạt động thì học sinh mới có dịp trưởng thành”. Đây là những quan điểm sư phạm khoa học và đúng đắn đối với việc tiếp cận môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Văn chương vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, là lĩnh vực để con người hóa thân và thăng hoa. Vì thế nó vô cùng tinh vi và phức tạp. Môn Ngữ văn trong nhà trường là môn khoa học nhân văn. Tuy vẫn mang tính phức tạp của đối tượng nghiên cứu xong là một môn học thì nó phải đòi hỏi những chuẩn mực khoa học để đánh giá các hoạt động giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Việc đọc hiểu văn bản là những thao tác đầu tiên của hình thức tập dượt nghiên cứu văn học. Nghiên cứu văn học là để hiểu văn học, đối tượng cụ thể là tác phẩm văn học. “Cơ sở và xuất phát điểm của khoa học văn học là sự đối thoại với các văn bản văn học thông qua hoạt động đọc và hiểu chúng” (1) . Đây cũng là vấn đề được tác giả Trần Đình Sử quan tâm, theo đuổi khá lâu. Trong tạp chí Nhà văn, số 6-2002, GS. cho rằng: “Về tác phẩm văn học, nhất thiết phải có khái niệm tác phẩm văn học xây dựng trên cơ sở khái niệm văn bản mà lí luận văn học hiện hành còn thiếu. Ở đó văn bản chỉ được coi như cái vỏ ngôn ngữ bên ngoài. Tác phẩm văn học phải được cắt nghĩa theo lí thuyết tiếp nhận hiện đại”. Như vậy, tư tưởng trở về với văn bản là một luận điểm khoa học khá nhất quán trong phương pháp dạy và học văn của GS. Trần Đình Sử. Tác phẩm văn học mang đặc trưng riêng của cấu trúc tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Đó là một chỉnh thể bao gồm các thành tố nhà văn – văn bản - người đọc tương tác với nhau. Nội dung thẩm mĩ của tác phẩm văn học gắn liền với tầm đón nhận của người đọc. Tiếp nhận văn học tức là đọc hiểu để biến văn bản thành một thế giới hình tượng sinh động và nắm bắt được ý nghĩa của nó. Những năm gần đây vấn đề tiếp nhận văn học cũng đã bước đầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12, ở những mặt cơ bản nhất như: Vai trò chủ động, tích cực của người đọc; Tính chủ quan và khách quan trong việc tiếp nhận tác phẩm; Tác động qua lại giữa người đọc và tác phẩm; Người đọc và “tầm đón nhận”… Như vậy là ít nhiều học sinh cũng đã được tiếp cận với lí thuyết tiếp nhận hiện đại, đã có những cơ sở bước đầu để tiếp thu văn bản tác phẩm theo hướng thi pháp học. Việc dạy học văn theo hướng thi pháp học đã bắt đầu được chú ý từ sau thời kì Đổi mới và nhanh chóng được đưa vào vận dụng trong trường học, như có tác giả đã khẳng định “Tinh thần thi pháp học đang thấm dần trong sách giáo khoa, trong giờ giảng văn và trong bài làm văn học sinh. Thi pháp học đang thu hút sự quan tâm của giới học đường… Có thể hiểu, thi pháp học là cách thức phân tích tác phẩm bám vào văn bản là chính… chỉ chú ý tới những yếu tố hình thức tác phẩm như: hình tượng nhân vật – không gian - thời gian, kết cấu - cốt truyện - điểm nhìn, ngôn ngữ, thể loại…” (2) . Bài viết này cũng đã khẳng định sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay chứa đựng rất nhiều tri thức về thi pháp học. Các đề thi và đáp án môn văn thời gian qua đã yêu cầu học sinh chú trọng, phân tích hình thức nghệ thuật. Nhưng những vấn đề nói trên phần lớn còn nằm ở dạng lí thuyết. Nó có biến thành thực tiễn sinh động hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự vận dụng tích cực của thầy và trò trong giờ giảng văn. Như vậy càng thấy rõ hơn tầm quan trọng cũng như vai trò hướng dẫn của người thầy trong giờ giảng văn. Có ý kiến cho rằng để học sinh yêu thích môn văn, yếu tố quyết định nhất là do người thầy. Tôi cũng đồng ý với quan điểm này. Để làm được việc này đòi hỏi kinh nghiệm của mỗi giáo viên. Điều đó cũng khẳng định tầm quan trọng tuyệt đối không thể thay thế của người đứng trên bục giảng khi giúp các em khám phá thế giới văn học bao la, rộng lớn. Với những thành tựu về lí luận văn học và tiếp nhận văn chương, các nhà nghiên cứu, giảng dạy đã thấy rằng phân tích tác phẩm văn chương không chỉ dừng lại ở văn bản và các yếu tố ngoài văn bản mà còn phải chú trọng đến tác động chức năng của tác phẩm đối với người đọc. Hướng về người đọc là một tiền đề quan trọng để hình thành tư tưởng tiếp cận tác phẩm văn chương. Hướng đến bạn đọc - học sinh là cốt lõi của tư tưởng đổi mới trong phương pháp dạy học văn hiện nay. Những đổi mới cơ bản này cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học đường đã góp phần tạo nên những phương pháp tiếp cận văn bản tác phẩm đạt hiệu quả cao, mà phương pháp sau đây là một ví dụ khá sinh động. Cách đây vài năm, tôi đã từng được nghe nói đến phương pháp dạy - học văn có tên gọi là: trả tác phẩm về cho học sinh của thầy giáo, TS. Nguyễn Quang Trung. Phương pháp này được áp dụng cho các bài giảng ở mọi thể loại như thơ, tự sự, kịch. Tất nhiên không phải bài văn nào cũng có thể áp dụng cho phương pháp này, mà thường được chọn lọc kĩ càng để có thể phù hợp với những tiêu chí nhất định. Khi thực hiện phương pháp này, học sinh trong lớp thường được chia thành các nhóm khác nhau. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm những công việc cụ thể. Nhóm viết có trách nhiệm soạn thảo văn bản. Đây là một việc làm công phu, đòi hỏi nhiều công sức. Các em phải tìm hiểu chung về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả, về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nhóm kịch (hay có thể gọi là nhóm diễn) có nhiệm vụ dàn dựng tiểu phẩm dựa vào nội dung chính của tác phẩm. Nhóm đạo cụ chuẩn bị trang phục, phông màn, trang trí… cho tiết mục. Nhóm hội thảo chịu trách nhiệm về những ý kiến tranh luận và các câu hỏi trắc nghiệm xung quanh tác giả và tác phẩm. Mô hình chung là như vậy, nhưng có thể thay đổi thêm bớt tuỳ theo yêu cầu của văn bản tác phẩm. Chúng tôi được biết rằng, phương pháp này đã được áp dụng rất thành công cho một số tác phẩm như Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Đất nước(Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng Xà nu (Nguyên Ngọc), Cáo Bình Ngô (Nguyễn Trãi),Mùa lạc (Nguyễn Khải), Hồn Trương Ba da hàng thịt (Lưu Quang Vũ). Khi trực tiếp trò chuyện với các em học sinh, chúng tôi thấy rằng các em tỏ ra rất hào hứng với phương pháp này. Các em cho biết qua việc tiếp cận với tác phẩm một cách say mê, chủ động, kĩ càng như vậy đã khiến cho các tác phẩm văn học không còn chỉ là những con chữ vô hồn trên trang giấy mà đã thực sự trở thành những cảm xúc và kỉ niệm sống với các em một đời. Ngày 15/4/2009, chúng tôi đã trực tiếp được dự một giờ học văn của lớp 12I trường THPT chuyên Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Quang Trung về trích đoạn Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Trong chương trình Ngữ văn THCS và THPT, văn bản kịch chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn so với các văn bản về thơ và văn xuôi. Ở THCS (lớp 9), các em được học trích đoạn trong hai vở Bắc Sơn (Nguyễn Huy Tưởng)và Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ). Ở lớp 12 được học trích đoạn trong vở Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng) và Hồn Trương Ba da hàng thịt (Lưu Quang Vũ). Tâm lí phổ biến của đời sống văn học trong nhà trường ít quan tâm đến kịch bản văn học. Kinh nghiệm thưởng thức kịch hạn chế, tài liệu về nghệ thuật viết kịch không phổ biến. Do vậy để cảm nhận một cảnh trong vở kịch là một việc làm không dễ đối với các em học sinh, thậm chí ngay cả với giáo viên, nếu không có những kiến thức hỗ trợ ngoài văn bản, nếu không có sự tìm hiểu kĩ càng về nhiều mặt. Trong một giờ dạy - học, người tham dự đã thu nhận được một lượng thông tin phong phú, bổ ích về tác phẩm. Việc tiếp cận văn bản đã được thực hiện một cách “chuyên nghiệp” và hết sức thấu đáo. Mở đầu tiết học, một em học sinh trong vai trò MC dẫn dắt chương trình, giải thích khái quát về tác giả và vở diễn. Sau đó là một clip quay cảnh chuẩn bị tiểu phẩm và tư liệu về tác giả, tác phẩm. Clip được thực hiện một cách đơn giản, ngắn gọn nhưng cũng hết sức thông minh và sáng tạo. Hấp dẫn và thu hút sự quan tâm hơn cả là tiểu phẩm dựng lại trích đoạn kịch trong sách giáo khoa. Những “diễn viên không chuyên” đã tái hiện sinh động các nhân vật trên sàn diễn. Mặc dù còn khá nhiều vụng về, non nớt nhưng các em đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả - là các thầy cô giáo, các bạn học sinh trong lớp, trong trường. Phần cuối là phần hội thảo khá hấp dẫn và sôi nổi với những trò chơi và các câu hỏi trắc nghiệm. Một điểm đáng lưu ý nữa là các em học sinh đã thực hiện việc khảo sát văn bản với những thao tác mang tính chuyên nghiệp cao. Sau khi so sánh hai bản in: Văn bản gốc và văn bản trong sách giáo khoa, các em đã đưa ra một số nhận xét, đánh giá của nhóm nghiên cứu khá tinh tế và sắc sảo. Qua đó có thể thấy rằng các em đã thực sự sống với tác phẩm. Việc tiếp nhận văn bản đã trở thành một phương thức đồng sáng tạo. Không khí tự do dân chủ được thực hiện một cách triệt để, hoạt động sáng tạo của học sinh được phát huy tới mức tối đa. Giáo viên chỉ là người định hướng tổ chức, không còn là người truyền giảng một cách áp đặt những suy nghĩ chủ quan của mình. Cuối cùng là phần rất quan trọng phục vụ trực tiếp cho việc ôn tập và thi cử của các em, đó là việc tham khảo các đề thi và đáp án liên quan trực tiếp đến tác phẩm. Sau một khoảng thời gian được quy định khá chặt chẽ cho từng phần (Giới thiệu khái quát 2 phút, phóng sự 3 phút, tiểu phẩm 15 phút, thuyết trình 10 phút, hội thảo từ 40 đến 50 phút), là phần nhận xét đánh giá và cho điểm từng phần cụ thể của giáo viên. Suốt buổi học, các em học sinh hoàn toàn bị cuốn hút vào tác phẩm một cách say sưa, đầy hứng thú. Có thể cả thầy và trò chưa biết đến lý thuyết trò chơi của H.G. Gadame, nhưng họ đã thực sự tham gia vào nó một cách thấu triệt, hồn nhiên và đầy đủ nhất. Theo quan niệm của Gadame, trò chơi là sự xác định ý nghĩa tác phẩm từ phương diện từ chương học. Nó cho thấy tính chủ quan và phương thức tồn tại của văn bản. Nhà lý luận cho rằng: “Trò chơi có cái gì đó bay bổng, cần phải nhìn nhận nó một cách nghiêm túc, nhưng không thể thay thế nó bằng hiện thực. Người không tham dự một cách nghiêm túc cũng như kẻ quá nghiêm túc trong trò chơi đều là “những người không biết chơi”, họ là những kẻ làm triệt tiêu phương thức tồn tại của trò chơi” (3) . Phương pháp này đã xây dựng cho các em khả năng tự học, đánh thức tư duy nghiên cứu độc lập, tạo dựng khả năng liên kết nhóm, sự tự tin và kĩ năng thuyết trình vấn đề… Qua những điều đã trình bày có thể thấy đây là một phương pháp có nhiều ưu thế, nhưng có lẽ cũng khó thực hiện một cách đại trà. Bởi vì đối tượng học sinh ở đây thuộc loại “trường chuyên, lớp chọn”. Các em đã được tuyển lựa với chất lượng tương đối cao ngay từ khâu đầu vào. Hơn nữa, môi trường học tập ở thủ đô cũng có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, tiếp xúc với tác giả, tác phẩm. Chúng tôi được biết, để thực hiện công việc của mình, nhóm học sinh đã trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn với các tác giả như Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Khải Chúng tôi không cho rằng đây là phương pháp duy nhất đúng. Để có thể dạy - học văn một cách hiệu quả cần phải áp dụng đồng bộ các phương pháp khác nhau. Thật không dễ dàng để có một phương pháp nào toàn vẹn, thỏa mãn được tất cả các học sinh, các yêu cầu dạy và học văn. Tuy nhiên việc định hướng, gợi mở và tôn trọng những tìm tòi sáng tạo của học sinh là cách thức hữu hiệu nhất tạo ra cho các em niềm say mê với thế giới văn chương phong phú, nhiều màu sắc . Về một phương pháp dạy học văn trong trường phổ thong Vấn đề dạy học môn văn trong trường phổ thông có ý nghĩa thời sự nóng hổi, luôn. vào vận dụng trong trường học, như có tác giả đã khẳng định “Tinh thần thi pháp học đang thấm dần trong sách giáo khoa, trong giờ giảng văn và trong bài làm văn học sinh. Thi pháp học đang thu. quán trong phương pháp dạy và học văn của GS. Trần Đình Sử. Tác phẩm văn học mang đặc trưng riêng của cấu trúc tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Đó là một chỉnh thể bao gồm các thành tố nhà văn – văn