Kế sách giữ nước thời Lý-Trần CHƯƠNG III XÂY DỰNG KINH TẾ LÀM CHO DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, “QUỐC PHÚ BINH CƯỜNG” Đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ được nền độc lập tự chủ, trước hết là thành tựu của võ công, sức mạnh của quân đội. Tuy nhiên, thắng lợi trên chiến trường còn phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh tổng hợp của hậu phương về mọi mặt, kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, trong đó yếu tố kinh tế giữ vai trò hết sức quan trọng. Nước Đại Việt thời Lý - Trần ở vào thế luôn luôn bị đe dọa xâm lược: quấy nhiễu từ hai đầu biên cương nam và bắc. Trong tình thế đó, nhà nước cùng với việc sắp đặt tổ chức, rèn luyện một lực lượng vũ trang mạnh còn đặc biệt quan tâm mở mang kinh tế, làm cho dân giàu nước mạnh, bảo đảm “thực túc binh cường”. Ở đây có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ giữa dựng nước và giữ nước - hai phạm trù riêng biệt nhưng là điều kiện của nhau: có dựng nước mới giữ được nước và ngược lại. Xây dựng đất nước vững mạnh bao gồm nhiều mặt. Trong chương này chỉ đề cập đến mặt kinh tế. Là một quốc gia nông nghiệp, nước Đại Việt vào các thế kỷ XI- XIV trải trên một vùng lãnh thổ không phải là rộng lớn lắm, giới hạn từ giải cao nguyên và núi non Hà Giang - Cao Bằng đến Móng Cái ngày nay ở phía bắc và bên trong về phía nam Hải Vân1. Tuyệt đại bộ phận lãnh thổ là rừng núi và đồi trung du không thuận tiện cho nông nghiệp lúa nước. Để bù lại sự thiệt thòi đó lại có đồng bằng châu thổ mầu mỡ của sông Hồng, sông Mã và sông Lam mà cư dân Việt đã bắt đầu tràn xuống định cư và khai thác từ thời sơ sử. Tuy nhiên, bước vào thời Lý - Trần với cư dân ước khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu2 các vùng đồng bằng châu thổ trên chưa phải đã được khai thác hết. Chưa nói đến khu ngập mặn ven biển Bắc Bộ mà vùng thị xã Thái Bình vào thế kỷ X còn là cửa biển với tên gọi cửa Bố (Bố Hải khẩu); ở Thiên Trường, Trường Yên thuộc Nam Hà, Ninh Bình ngày nay mãi cho đến năm 1471 đê Hồng Đức mới được xây dựng; một số xã ven biển thuộc Nga Sơn, Thanh Hóa mới hình thành sau này. Trong khi đó, trên bề mặt châu thổ sông Hồng, sông Mã còn loang lổ nhiều đầm hồ, ô trũng và rừng núi. Cảnh quan Thăng Long thời Lý - Trần với một loạt hồ lớn như hồ Lục Thủy (Hồ Gươm), Hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), hồ Chu Tước (Hồ Bẩy Mẫu) còn thông nhau với những vùng trũng, khu rừng rú ở phía tây, khu lầy lội ở phía đông nam cho ta một hình ảnh cụ thể. Ở Dâm Đàm còn có voi rừng để cho vua Lý Thái Tông tổ chức săn bắt vào năm 10443. Châu thổ màu mỡ nhưng thiên nhiên lại vô cùng khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường năm theo chu kỳ hai mùa mưa nắng. Thiên nhiên đã mở ra một chân trời rộng lớn, nhiều hứa hẹn và hấp dẫn với người dân Đại Việt, nhưng cũng đòi hỏi nhiều công sức, nhiều thử thách mà sức con người đơn độc, một địa phương nhỏ hẹp không giải quyết nổi. Ở đây đòi hỏi một hợp lực có sự điều hành của bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Để tìm hiểu về xây dựng kinh tế nhằm đạt mục tiêu “quốc phú binh cường” trong kế sách giữ nước thời Lý - Trần, chúng ta lần lượt đề cập đến các mặt nông nghiệp, công thương nghiệp và giao thông vận tải. I. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP Dường như đã thành một nhìn nhận quen thuộc, có thể là sáo mòn, khi nói đến cái gọi là “trọng nông ức thương” trong chính sách kinh tế nhằm xây dựng đất nước của các nhà nước quân chủ nước ta thời trung đại “ức thương” hay không còn phải bàn, còn “trọng nông” là điều đã khẳng định. Trong lịch sử dân tộc ta, nhà nước thời nào cũng vậy, kể cả ngày nay, không thể không “trọng nông”. Có chăng sự khác nhau là ở chỗ trọng nông theo kiểu nào, bằng cách nào, ở mức độ nào trong mối tương quan với các mặt hoạt động kinh tế khác. Điều này còn tùy thuộc vào yếu tố khách quan - giới hạn của thời đại, và yếu tố chủ quan - khả năng và nhận thức của nhà nước quy định. Thời Lý - Trần, nhà nước đã có cách giải quyết khá độc đáo vấn đề nông nghiệp. Trước hết, trong quan điểm người đứng đầu nhà nước đã rất coi trọng công việc nặng nhọc của người lao động trên đồng ruộng. Việc nhà vua cày tịch điền ở nước ta đã được thực hiện từ thời Lê Hoàn vào năm 987. Việc làm này được vua Lý Thái Tông lặp lại vào các năm 1030 ở Điểu Lộ (Hưng Yên cũ?), năm 1032 ở Đỗ Động Giang (Hà Tây ngày này). Cũng ông vua này vào năm 1038 đã đến cửa Bố cày ruộng. Sau khi sai đắp đàn làm lễ tế thần nông, nhà vua tự thân cầm cày. Có viên nịnh thần nào đó đã can: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế”. Nhà vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”4. Dẫu chỉ là cày tượng trưng, có tính chất “động viên”, nhưng ít nhất việc làm và lời nói của nhà vua cũng biểu thị một tinh thần tôn trọng, khuyến khích công việc sản xuất nông nghiệp. Chung quanh vấn đề phát triển nông nghiệp thời Lý - Trần, chúng ta lần lượt tìm hiểu những điểm sau đây: 1. Sự phát triển của sở hữu tư nhân về ruộng đất. Nông nghiệp, bản thân nó bao gồm hai nhân tố cơ bản: người cày ruộng với tư cách là chủ thể lao động sáng tạo và ruộng đất với tư cách là khách thể, đối tượng khai thác. Thiếu một trong hai nhân tố đó không có nông nghiệp. Nông nghiệp ở nước ta đã xuất hiện từ rất sớm: “Lạc dân” cùng “Lạc điền” đã xuất hiện từ buổi đầu lịch sử. Bước vào thời Lý - Trần, sở hữu ruộng đất đã thành vấn đề lớn của xã hội. Hẳn rằng thời kỳ ruộng đất trên danh nghĩa là của nhà vua (chỉ kể từ khi giành được độc lập tự chủ), trong thực tế giao cho các công xã nông thôn quản lý, các thành viên chia nhau cày cấy và làm nghĩa vụ tô thuế theo một phương thức nào đó, mà tài liệu chưa cho phép làm sáng tỏ không còn phù hợp nữa. Sự không phù hợp này có thể do phương thức tổ chức quản lý canh tác, do nhu cầu dân sinh đòi hỏi phải nâng cao hiệu suất nông nghiệp, do phân hóa xã hội, dẫn đến sự giải thể của các công xã nông thôn. Và đi liền với nó là sự xuất hiện của sở hữu tư nhân các loại, ghi dấu một bước phát triển của xã hội. Hàng loạt hiện tượng tranh chấp chung quanh việc mua bán ruộng đất đã diễn ra buộc nhà nước Lý - Trần phải can thiệp, đưa vào luật lệ, hoặc chiếu lệnh. Lần đầu tiên sử chép vào năm 1135 đời Lý Thần Tông: “Xuống chiếu những người đã bán ruộng ao không được trả tăng tiền mà chuộc lại, làm trái thì phải tội”1. Có lẽ cần nhắc lại rằng không phải đến thế kỷ XII sở hữu tư nhân về ruộng đất mới xuất hiện. Ngay từ những năm trước thế kỷ X, dưới chế độ đô hộ của ngoại bang, điền trang đã xuất hiện. Khi giành lại được độc lập tự chủ, cùng với việc xóa bỏ ách đô hộ, các điền trang của bọn thống trị ngoại tộc bị thủ tiêu. Tuy nhiên cũng còn những điền trang của người Việt tồn tại. Ta có thể kể đến các trường hợp Lê Lương, Dương Đình Nghệ ở Châu Ái (Thanh Hóa) làm ví dụ. Nhưng nhìn chung trên đại thể, công xã nông thôn với chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất vẫn thống trị trong kết cấu ruộng đất hồi thế kỉ X. Trong quá trình vận động phát triển của xã hội, sở hữu tư nhân về ruộng đất xuất hiện từ cá biệt đến phổ biến và thành vấn đề ở thế kỷ XII, buộc nhà nước thời Lý phải can thiệp như đã dẫn trình. Từ đây, nhà nước Lý - Trần không những không ngăn chặn mà còn tạo điều kiện để sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển bằng nhiều cách: cho phép mua, bán, chuộc theo luật lệ, quy định việc tranh chấp, bán ruộng công cho dân, cho phép vương hầu, quý tộc, phò mã, cung tần lập điền trang. Có thể dẫn ra một số trường lợp cụ thể: tháng chạp năm Nhâm Tuất (1142) vua Lý Anh Tông xuống chiếu: “Những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại, việc tranh chấp ruộng đất trong vòng năm năm hay 10 năm thì còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cầy cấy trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng”2. Cùng năm này nhà vua lại xuống chiếu: “Những người tranh nhau ruộng ao của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế, làm trái thì đánh 80 trượng xử tội đồ”3. Thời Trần Thái Tông, vào năm Mậu Thân (1248) tổ chức đắp đê “chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo thời giá trả lại tiền”4. Năm Giáp Dần (1254) “bán ruộng công, mỗi diện (mẫu) là 5 quan tiền, cho phép dân mua làm ruộng tư”5. Thời Trần Thánh Tông, năm Bính Dần (1266) “xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán, không sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang”6. Rõ ràng trên lý thuyết, ruộng đất là của nhà vua: “đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”, nhưng trong thực tế người dân có quyền sở hữu bao gồm các quyền: sử dụng, hưởng hoa lợi, mua bán, cầm nhượng, thừa kế được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Đây là điều độc đáo và cơ bản trong chính sách ruộng đất của nhà nước Lý - Trần. Độc đáo ở chỗ mở đầu và còn có chính sách không thấy được lặp lại ở các vương triều sau như đặc quyền lập điền trang của vương hầu chẳng hạn. Cơ bản ở chỗ tạo nên một sự gắn bó chặt chẽ giữa chủ thể canh tác và khách thể được khai thác. Với chính sách này, người nông dân là chủ nhân phần ruộng đất của mình, tất nhiên giới hạn ở khu vực ruộng tư. Nhưng tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó. Chúng tôi muốn nói đến sự phân hóa xã hội dẫn đến một bộ phận nông dân biến thành nô tỳ, sự thu hẹp của ruộng công do làng xã quản lý - chỗ dựa về kinh tế của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Nhưng trên đại thể, mặc dù không có số liệu cụ thể, bằng suy luận ta thấy chính sách này mang nội dung tích cực tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp: mở rộng diện tích canh tác, năng suất ruộng đất cao hơn và do đó sản lượng nông nghiệp toàn xã hội tăng. Hệ quả tất nhiên dẫn đến cuộc sống no đủ - một đòn bẩy không nhỏ tạo nên thế mạnh “thực túc binh cường” ở thời Lý - Trần. . nước mạnh, bảo đảm “thực túc binh cường”. Ở đây có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ giữa dựng nước và giữ nước - hai phạm trù riêng biệt nhưng là điều kiện của nhau: có dựng nước mới giữ được nước. Kế sách giữ nước thời Lý-Trần CHƯƠNG III XÂY DỰNG KINH TẾ LÀM CHO DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, “QUỐC PHÚ BINH CƯỜNG” Đánh thắng. sự điều hành của bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Để tìm hiểu về xây dựng kinh tế nhằm đạt mục tiêu “quốc phú binh cường” trong kế sách giữ nước thời Lý - Trần, chúng ta lần