Truyện ngắn R. Tagore trên hành trình hiện đại hóa văn xuôi Ấn Độ thế kỉ XX Tagore đến với thể loại truyện ngắn vào thập niên chín mươi của thế kỷ XIX, khi ông đã xác lập được một vị thế rõ ràng của mình trên văn đàn Ấn Độ trong tư cách một nhà thơ. Đây có thể xem là một bước ngoặt không chỉ đối với hành trình sáng tạo của R. Tagore mà cả với nền văn học Ấn Độ hiện đại. Cũng như nhiều nước ở phương Đông, Ấn Độ không có truyền thống văn xuôi. Lịch sử văn học, về cơ bản là lịch sử thơ ca. Thơ trữ tình, và một chừng mực nào đó là kịch thơ, luôn giữ vị trí hàng đầu trong đời sống văn học. Điều này đã được lý giải theo nhiều hướng khác nhau, trong đó đặc trưng tư duy, quan niệm thẩm mỹ, tính đặc thù của ngôn ngữ đã được nói đến như những lý do căn bản. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XIX, đặc biệt là từ sau cuộc cách mạng văn học ở Bengal do B. Bankim Chandra khởi xướng, tình hình ít nhiều đã thay đổi. Cùng với những truyện ngắn, tiểu thuyết phương Tây được dịch giới thiệu, các nhà văn và công chúng Ấn Độ đã bước đầu làm quen với những thể loại mới, mặc dầu sự khởi đầu của nó là hết sức chậm chạp và gặp không ít khó khăn. Tác giả và công chúng của các thể loại văn học mới mẻ này đều thuộc tầng lớp trí thức Tây học. Nhiều người trong số họ đã có thời gian dài sống, học tập ở nước Anh. Bởi thế, ngay từ khi mới xuất hiện, văn xuôi viết bằng tiếng Anh đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa dân tộc và thái độ hờ hững của số đông công chúng. Đó vừa là sự dị ứng cái mới trong tâm lý tiếp nhận vừa là thái độ kỳ thị đối với tiếng Anh, một ngôn ngữ ngoại lai, không có một nền tảng tôn giáo như các ngôn ngữ bản địa. Đặt vào hoàn cảnh đó mới thấy hết vai trò, vị trí của R. Tagore đối với nền văn xuôi Ấn Độ. Năm 1891, lần đầu tiên R. Tagore xuất hiện với tư cách là một nhà văn viết truyện ngắn, với hai tác phẩm Ông chủ bưu điện và Sự trở lại của Khobababur (1) . Cả hai tác phẩm đều viết bằng tiếng Bengali. Theo cách nói của nhà văn Salman Rushdie (2) , đây có thể xem là một ngoại lệ. Bởi lẽ, có một thực tế là nếu trong thơ ca, các ngôn ngữ Ấn Độ như Sanskrit, Bengali, Hindu, Urdu đã có những thành tựu rực rỡ, thì ở văn xuôi, lại hoàn toàn ngược lại. Trước R. Tagore, cùng thời với R. Tagore, dường như chưa có nhà văn nào ở Ấn Độ thành công với những tác phẩm văn xuôi viết bằng ngôn ngữ bản địa, ngay cả sáng tác của B. Bankim Chandrra. Tình hình này cũng không có nhiều thay đổi trong thế kỷ XX. Có thể thấy rõ điều này qua tuyển tập Những tác phẩm văn học Ấn Độ điển hình (1947-1997) do nhà xuất bản Vintage, London ấn hành năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Ấn Độ độc lập. Đây là một tuyển tập quy mô, tập hợp những tác phẩm được xem là xuất sắc nhất của văn học Ấn Độ trong nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Nhưng thật ngạc nhiên, cả tuyển tập chỉ có một tác phẩm nguyên tác viết bằng tiếng bản địa. Đó là truyện ngắn Toba Tek Singh của S.H. Manto (3) . Số còn lại đều được viết bằng tiếng Anh. Nói điều này để thấy sự xuất hiện của những truyện ngắn R. Tagore viết bằng tiếng Bengali từ cuối thế kỷ XIX là hết sức đặc biệt. Nó không chỉ thể hiện một ý thức dân tộc mà còn cho thấy bản lĩnh và khả năng sáng tạo của R. Tagore. Với ông, tiếng Anh, tiếng Bengali hay bất cứ một ngôn ngữ nào cũng đều có thể trở thành ngôn ngữ nghệ thuật tinh tế, có sức biểu đạt ở nhiều thể loại khác nhau. Trong sáng tạo văn học, sức biểu đạt và khả năng của mọi ngôn ngữ là bình đẳng và vô cùng. Không có một ngôn ngữ nào lại không thể trở thành ngôn ngữ chung của mọi thể loại. Thực tế sáng tác của R.Tagore đã cho thấy điều đó. Những truyện ngắn của R.Tagore viết bằng tiếng Bengali (4) , tiếng Hindu hoàn toàn không mất đi vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng của thể loại. Nhiều nhà nghiên cứu ở Ấn Độ như Sakumar Sen, Bhudev Chaudhuri đều thống nhất khi cho rằng, R. Tagore là nhà văn đầu tiên viết truyện ngắn bằng tiếng Bengali, và là người xác lập một vị trí rõ ràng cho văn xuôi viết bằng tiếng bản địa trong quá trình hiện đại hoá văn học Ấn Độ. Sau hai truyện ngắn đầu tay, R.Tagore liên tiếp cho ra đời hàng loạt truyện ngắn viết về nhiều đề tài khác nhau, mà tiêu biểu là các tác phẩm như: Một đêm (1892), Biên tập viên (1893),Đền tội (1894), Mây và mặt trời (1894), Kẻ gây rắc rối (1895) Chúng tôi tôn anh làm vua (1898) Hầu hết những tác phẩm này đều được R. Tagore viết khi ông về sống ở Shilaidaha, một vùng quê yên tĩnh ở miền đông Bengal. Sống gần gũi những người nông dân, tận mắt chứng kiến cuộc sống đói nghèo tăm tối của họ, ông đã nhận ra một sự thật phũ phàng, đó là tình trạng bất bình đẳng sâu sắc của xã hội Ấn Độ. Khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo, sự đối lập giữa nông thôn và thành thị ngày càng trở nên sâu sắc hơn dưới sự thống trị của người Anh. Và cùng với nó là thái độ thờ ơ, vô cảm của phần đông những kẻ có học vấn trong tầng lớp địa chủ Tây học. Điều này đã có một tác động rất lớn đến tư tưởng tình cảm và những xúc cảm nghệ thuật mạnh mẽ của R.Tagore. Phần lớn các truyện ngắn của ông đều viết về cuộc sống tăm tối và số phận bất hạnh của những người nông dân khuất lấp sau bóng thị thành. Đây là điều chưa hề được biết đến trong văn học Ấn Độ trước đó, mà nguyên nhân của nó là sự thiếu hiểu biết về nông thôn, lối sống vụ lợi và thái độ dửng dưng vô cảm của giới nhà văn quý tộc. Theo cách nói của R. Tagore, họ “chỉ tìm kiếm sự thoả mãn cá nhân của mình ngoài những gì làng quê có” (5) . Là một nhà văn xuất thân trong một gia đình đại quý tộc nhưng R. Tagore không hề xa lánh cuộc sống, số phận của những người dân quê. Ông đã nhìn cuộc sống của họ không phải xuất phát từ sự hiếu kỳ mà bằng sự quan tâm, mối thiện cảm đặc biệt của một nhà nhân đạo chủ nghĩa. Viết về cuộc sống thôn quê, ông đặc biệt quan tâm sâu sắc đến những quan hệ trong đời sống gia đình trước những va đập dữ dội của cơn lốc Âu hoá. Nó trở thành cảm hứng chủ đạo trong truyện ngắn của ông. Dưới dạng này hay dạng khác, trực tiếp hay gián tiếp những xung đột gay gắt của hiện thực xã hội đã được ông “gia đình hoá” qua những xung đột giữa cha, con; chồng, vợ; anh em mà bao trùm lên là xung đột giữa cái cũ và cái mới, trong đó không phải cái cũ nào cũng đã lỗi thời và cái mới nào cũng tiến bộ. Cũng như ở nhiều nước phương Đông, trong xã hội Ấn Độ hiện đại, gia đình vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng. Nó vừa là nơi hội tụ những quan hệ mang tính điển hình của xã hội, vừa là nơi lưu giữ những tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp nhất trong đời sống mỗi con ngưòi. Có thể xem đó như một thành trì cuối cùng để bảo vệ các giá trị truyền thống trước cuộc xâm lăng ồ ạt từ nhiều phía của văn hoá thực dân. Trong hoàn cảnh bấy giờ của xã hội Ấn Độ, nó đã trở thành sân khấu bi hài, chứng kiến sự xung đột của những quan điểm đạo đức, những nhân cách cá nhân trong bối cảnh cái cũ mất đi, cái mới chưa ra đời. Là một nhà văn đặc biệt nhạy cảm với những biến thái trong đời sống tinh thần xã hội, R. Tagore đã nhìn thấy nhiều vấn đề nóng bỏng của hiện thực đang diễn ra trong mỗi gia đình ngay cả khi nó vẫn giữ được cái vẻ ngoài phẳng lặng, đặc biệt là ở tầng lớp bình dân. Ông đặc biệt quan tâm đến quá trình băng hoại của các giá trị đạo đức truyền thống trước sức mạnh của đồng tiền tư bản và quyền năng của những tập tục lỗi thời. Trong cái nhìn của ông, sự kết hợp giữa tập tục của thời trung cổ và sức mạnh vạn năng của đồng tiền tư bản trong xã hội thuộc địa có một sức tàn phá ghê gớm. Nó làm tha hoá con người cả về nhân hình và nhân tính. Tâm hồn con người ngày càng trở nên cằn cỗi bởi lối sống cá nhân ích kỷ trong một xã hội thực dụng, coi trọng vật chất. Sự tác động của nó đã không dừng lại ở một lớp người nào trong xã hội. Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi ta bắt gặp trong truyện ngắn R. Tagore cả một thế giới nhân vật phong phú, da dạng, đủ mọi thành phần xã hội. Đó là những thương gia, những viên chức nhà nước, hay những sinh viên thụ hưởng lối sống thực dụng từ nhà trường thực dân… Nhưng có lẽ nhiều nhất là những người phụ nữ, những đứa trẻ lang thang. Đọc những truyện ngắn của ông như Đá đói, Bộ xương, Dàn hoả thiêu, Quan chánh án, Bác hàng rong Kabun, Kẻ lang thang… ta bắt gặp ở đó những mảnh đời đen trắng với bao trắc trở éo le. Hiện thực tăm tối ngột ngạt của xã hội Bengal đã được R. Tagore soi chiếu dưới nhiều góc độ, hiện hình lên qua từng số phận. Đó là Anathbandhu (Đền tội – 1894), một kẻ xuất thân trong gia đình nghèo khó ở một vùng nông thôn hẻo lánh, nhưng nhiều tham vọng, để cuối cùng phải đối mặt với một sự thật phũ phàng là mất đi tình yêu, hạnh phúc, cuộc sống gia đình, sự kính trọng của mọi người - tất cả những gì thiêng liêng nhất của một con người; đó là số phận của Bindu, Mrinal (Lá thư của một người vợ – 1914), những người phụ nữ khát khao hạnh phúc nhưng cuối cùng một người phải kết thúc cuộc đời bằng cái chết oan nghiệt và người kia chôn vùi tuổi thanh xuân trong một cuộc sống mỏi mòn vô cảm. Trong văn học Bengal, R. Tagore là người đầu tiên đi vào đề tài “con người nhỏ bé” và đưa nó thành một vấn đề trung tâm của văn học. Mặc dù phải chịu sự đơn độc, bất hạnh, nhưng những con người nhỏ bé trong tác phẩm của ông không chỉ cam chịu mà đã bắt đầu có ý thức phản kháng, báo hiệu sự thức tỉnh của ý thức cá nhân trong cuộc đấu tranh vì quyền sống của con người. Mặc dầu mức độ của nó, theo cách nói của ông, chỉ mới như “những con kiến tỏ ra bạo dạn” (6) . Trong bức tranh xám xịt của cuộc sống đã xuất hiện những tia sáng mong manh, có khi chỉ là trong giấc mơ, hay trong một viễn cảnh mang tính huyễn tưởng. Điều này cho thấy một sự kết hợp hài hoà giữa hai cảm hứng hiện thực và lãng mạn trong sáng tạo của R. Tagore. Quả là khó tách biệt một cách rạch ròi, nhưng ở một mức độ nào đó có thể thấy, càng về sau, cảm hứng hiện thực càng có xu hướng nổi trội hơn trong truyện ngắn R. Tagore, nhất là ở những tác phẩm viết về số phận những con người dưới đáy xã hội. Điều này có nguyên nhân xã hội và cả sự đổi thay trong tư tưởng nghệ thuật R. Tagore. Nhiều nhà nghiên cứu Nga, vì vậy, đã xem R. Tagore là một nhà hiện thực chủ nghĩa. Một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn R. Tagore là thường có sự lồng ghép, đan cài các yếu tố thực, hư. Những mô típ trong truyện kể dân gian, những huyền thoại tôn giáo hay những yếu tố bất ngờ ngẫu nhiên xuất hiện nhiều trong tác phẩm R. Tagore. Nó thường giữ một vị trí quan trọng trong việc tổ chức cốt truyện. Đây không chỉ là biện pháp kỹ thuật mà còn thể hiện một cách nhìn cuộc sống của R. Tagore. Với ông, cuộc sống là dòng chảy tự nhiên giữa quá khứ và hiện tại; là sự hoà trộn giữa cái có thể và cái không thể; giữa bên trong và bên ngoài, linh hồn và thân xác. Truyện ngắn Kho vàng bí mật là một ví dụ. Nhân vật chính của tác phẩm là Mutunjay, một kẻ hám vàng tột đỉnh. Cuộc sống của Mutunjay gắn liền với mục đích đi tìm kho báu, mà trước đó nhiều thế hệ trong gia đình, dòng tộc đã bất lực. Có thể thấy, tác phẩm được viết dựa trên một mô típ quen thuộc trong truyện kể dân gian – môtíp “đi tìm kho báu”. Tuy nhiên, nó đã được R. Tagore sáng tạo lại và lồng chứa vào đó những vấn đề đang đặt ra trong xã hội hiện đại. Đó là sức quyến rũ của đồng tiền, sự tham lam hám lợi của một tầng lớp thanh niên trưởng thành trong xã hội thuộc địa; là khả năng con người vượt thoát khỏi những mê lộ của đời sống vật dục, tìm về những giá trị đích thực của cuộc sống. Sau bao thăng trầm vất vả, cuối cùng Mutunjay cũng đã tìm thấy vàng, thoả mãn với ý nghĩ “có bao nhiêu người trên thế gian giàu tới mức có thể vung vãi vàng” (7) như hắn. Nhưng thật bất ngờ, đúng vào khoảnh khắc ấy, khi lòng hám vàng, sự kiêu hãnh được thoả mãn, Mutunjay chợt nhận ra rằng, tất cả những đồng vàng óng ánh ấy chẳng có ý nghĩa gì, so với cuộc sống bình dị mà bao nhiêu người đang sống. Mutunjay thèm được “ngả đầu trên đầu gối bụi bặm của bà mẹ đất, trong vẻ đẹp xanh rờn của Người, dưới những khoảng không bát ngát, mát rượi của bầu trời” để “hít đầy lồng ngực ngọn gió ngọt ngào mùi cỏ mới cắt và hoa lá” với cảm giác viên mãn của một con người được giải thoát. Sự đốn ngộ của Mutunjay là biểu hiện sự chiến thắng của bản tính thiện khuất lấp trong mỗi con người, là sức đề kháng mạnh mẽ của con người trước cám dỗ của đời sống vật dục. Tác phẩm như một thanh âm trong trẻo giữa cuộc sống xô bồ, vụ lợi, bon chen, mang đến cho người đọc một niềm tin vào cái thiện. Cũng sử dụng yếu tố huyền thoại nhưng ở truyện Đá đói, R. Tagore lại khai thác triệt để tính chất huyền ảo để chuyển tải một thông điệp chứa đựng một giá trị hiện thực, một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Đó là cuộc sống tăm tối, nghiệt ngã của những người phụ nữ trong xã hội Bengal dưới ách thống trị của thực dân Anh, giai cấp phong kiến Ấn Độ và sự trói buộc của những tập tục lạc hậu. Xrijut X, nhân vật chính của tác phẩm, là một nhân viên thu thuế bông. Trong giấc mơ, Xrijut X chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ diễn ra trong một lâu đài cổ, được xây dựng hơn 200 năm trước. Anh bắt gặp các hồn ma trinh nữ, nghe thấy tiếng bước chân họ đi xuống các bậc cầu thang, với “những hình dáng huyền bí sột soạt lướt qua, những bước chân thoăn thoắt mà không thấy người, với tiếng cười vang lên khanh khách mà không nghe thấy tiếng”. Vào một đêm, trong giấc ngủ chập chờn mộng ảo, Xrijut X thấy mình đang lặng lẽ đi theo một người phụ nữ vô hình. Nàng dẫn anh đi qua những căn phòng âm u, lạnh lẽo. Ở đó có một viên quan da đen gớm ghiếc “mặc đồ gấm đen kim tuyến, đang duỗi chân ngủ gật, trong lòng đặt một thanh kiếm tuốt trần”. Lại có đêm Xrijut X nghe thấy tiếng ai đó khóc nức nở, ai oán, như hờn dỗi, trách móc vọng lên từ một nấm mồ hoang lạnh. Tác phẩm được bao bọc bởi một không khí huyền hoặc, nặng nề chẳng khác nào trong truyện kinh dị. Trở lại lâu đài cổ sau một thời gian, trong giấc mơ Xrijut X lại bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đang nằm trong một tư thế chán chường tuyệt vọng. Mái tóc xoả dài, dòng máu ứa trên trán, nàng cất tiếng cười khanh khách, và tự tay xé nát dải áo lót của mình. Hình ảnh đó đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí Xrijut X. Nó như một lời nguyện cầu, sự vẫy vùng, đập phá mà anh chưa hình dung được một cách rõ ràng đầy đủ. Mượn cái ảo để nói cái thực, lấy cái hôm qua để nói cái hôm nay, R. Tagore đã làm sống lại các huyền thoại, mang đến cho nó một sức sống mới. Bao bọc trong lớp khói sương huyền thoại là một cốt lõi hiện thực, một hiện thực phũ phàng nghiệt ngã. Đó là số phận bi thảm, lời khẩn cầu tự do hạnh phúc, và khát vọng giải phóng của người phụ nữ Ấn Độ. Nếu xem đó là biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực, thì đó là một “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” như cách nói của các nhà lý luận. Sức mê hoặc, sự ám ảnh từ những câu chuyện thực, ảo đan xen trong truyện ngắn R. Tagore đã góp phần xác lập một vị thế rõ ràng của R. Tagore trong văn xuôi Ấn Độ nửa đầu thế kỷ XX. Rất nhiều truyện ngắn R. Tagore được kết cấu theo hình thức “truyện không có chuyện”. Sự kiện, chi tiết, hành động nhân vật không đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mạch truyện và chuyển tải chủ đề tư tưởng. Thay vào đó là sự vận động của thế giới nội tâm nhân vật với những biến thái tế vi trong tâm hồn, được bao bọc trong một thế giới thiên nhiên nguyên sơ với tiết tấu chậm rãi trong giọng điệu trần thuật. Điểm nhìn trần thuật thường được dịch chuyển vào bên trong, và cùng với nó là sự kết hợp, đan xen giữa lời kể và lời bình. Chính điều này đã góp phần tạo nên một giọng điệu trần thuật rất riêng trong truyện ngắn R. Tagore. Có thể dẫn ra đây một số tác phẩm tiêu biểu như, Bác hàng rong người Kabul, Đứa trẻ bơ vơ, Mây và mặt trời, Cô dâu bé nhỏ… R. Tagore đã có sự kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình, kể và tả trong nghệ thuật trần thuật. Nhờ đó tác phẩm của ông có một sức ám gợi và một khả năng thanh lọc mạnh mẽ tâm hồn người đọc. Đây là lối kết cấu khá mới lạ, thể hiện sự tìm kiếm đổi mới nghệ thuật trần thuật của văn xuôi thế kỷ XX. Trong tác phẩm Nghệ thuật tiểu thuyết thế kỷ XX, Zatônxki đã gọi đó là khuynh hướng “tiểu thuyết hướng nội”. Tính chất siêu hình trong tư duy hướng nội, lối biểu đạt bằng biểu tượng nhiều lúc đã làm cho sự phát triển của mạch truyện và ý nghĩa tác phẩm trở nên khó nắm bắt. Tuy nhiên, là một nhà thơ viết truyện ngắn, R. Tagore lại có những ưu thế riêng trong phân tích tâm lý nhân vật, miêu tả thiên nhiên. Trong tác phẩm của ông, thiên nhiên luôn giữ một vai trò quan trọng. Nó không chỉ góp phần tạo dựng không gian, điều tiết mạch truyện, trì hoãn cốt truyện, mà còn được dùng như một thứ ngôn ngữ đặc biệt để chuyển tải những điều mà ngôn ngữ con người dường như bất lực. Những dòng độc thoại nội tâm, những trang miêu tả thiên nhiên, hay những khoảng lặng vô ngôn trong tác phẩm R. Tagore đều có sức khơi gợi mạnh mẽ tâm hồn người đọc. Tính chất duy lý của triết học phương Tây, khả năng trực giác và sự mơ mộng của người Ấn Độ đã được kết hợp hài hoà trong tư duy nghệ thuật R. Tagore. Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn R. Tagore, vì vậy, luôn có sức ám gợi. Việc khai thác ý nghĩa của nó phụ thuộc nhiều vào văn hoá thụ cảm của người tiếp nhận. Có thể nói, “tính chất mở” là một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn R. Tagore. Và đó cũng là một trong những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn hiện đại, hậu hiện đại./. . Truyện ngắn R. Tagore trên hành trình hiện đại hóa văn xuôi Ấn Độ thế kỉ XX Tagore đến với thể loại truyện ngắn vào thập niên chín mươi của thế kỷ XIX, khi ông đã xác lập được một vị thế r r ng. lập một vị trí r r ng cho văn xuôi viết bằng tiếng bản địa trong quá trình hiện đại hoá văn học Ấn Độ. Sau hai truyện ngắn đầu tay, R. Tagore liên tiếp cho ra đời hàng loạt truyện ngắn viết về. R. Tagore trong văn xuôi Ấn Độ nửa đầu thế kỷ XX. R t nhiều truyện ngắn R. Tagore được kết cấu theo hình thức truyện không có chuyện”. Sự kiện, chi tiết, hành động nhân vật không đóng vai trò quan