ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ TS. ĐẶNG THỊ XUÂN MAI Bộ môn Kinh tế Xây dựng Khoa Vận tải & Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải Tóm tắt: Bài báo nêu lên một số nội dung cơ bản như: lộ trình, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý chi phí xây dựng công trình trong quá trình đầu tư xây dựng. Summary: The article introduces some major contents; schedule, objectives, viewpoints, principles and measures for renovating the mechanism for investment cost management in construction process. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được đề cập trong nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước cũng như cấp ngành; đặc biệt là trong thập niên 90 trở lại đây. Chương trình nghiên cứu xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn xây dựng theo hướng hội nhập- đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Bộ Xây dựng chủ trì đã được hoàn thành và nghiệm thu năm 2003; và mới đây năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức thông qua nội dung Đề án “ Đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình” do Bộ Xây dựng trình. Vấn đề đổi mới cơ chế chính sách liên quan tới hoạt động xây dựng trong đó có vấn đề đổi mới quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình sao cho tiếp cận được với hệ thống quốc tế nhưng vẫn mang những đặc điểm kinh tế- xã hội của Việt Nam đang đặt ra gay gắt và mang tính thách thức cao. CT 2 II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ Điểm đổi mới lớn nhất của Đề án chính là: cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng được đổi mới theo hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với lộ trình hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chuyển việc quản lý chi phí xây dựng theo khu vực, vùng tỉnh, theo từng công trình. Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo nguồn vốn đầu tư và việc phân cấp quản lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp ngày càng rõ ràng. Giảm dần sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước và tạo sự chủ động cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Điểm mấu chốt của Đề án chính là xây dựng quy trình chuyên nghiệp hoá, linh hoạt trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, nhằm giảm thiểu những phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà trong lập và thanh toán chi phí trong đầu tư xây dựng công trình. Làm rõ trách nhiệm quản lý chi phí của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nâng cao hiệu quả quản lý- đặc biệt là đối với công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Mặt khác tạo bình đẳng trong việc thoả thuận chi phí đầu tư giữa các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Từ nay đến năm 2010, thực hiện nguyên tắc “lượng thống nhất, giá chỉ đạo, phí cạnh tranh” trong cơ chế quản lý chi phí xây dựng, Nhà nước quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách, tạo bước chuyển biến cơ bản trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phù hợp với đặc thù của thị trường xây dựng trong nước và cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. CT 2 Từ năm 2010 đến 2020, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với cơ chế quản lý chi phí xây dựng tương ứng với cơ chế đang áp dụng ở các nước trong khu vực nhằm nâng cao rõ rệt hiệu quả đầu tư xây dựng, chất lượng xây dựng công trình, chống thất thoát lãng phí và đóng góp thích đáng vào sự phát triển chung của đất nước với các mục tiêu cụ thể như sau: - Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý chi phí xây dựng; xây dựng cơ chế về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu và tổ chức tư vấn trong việc xác lập và quản lý chi phí xây dựng công trình. - Nâng cao tính tiên tiến, độ tin cậy của các công cụ hỗ trợ cho việc xác lập chi phí xây dựng công trình như hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình, hệ thống chỉ tiêu chi phí xây dựng, ngân hàng dữ liệu về chi phí xây dựng. - Xây dựng việc tổ chức hệ thống đào tạo, thực hiện việc chuyên nghiệp hoá công việc quản lý chi phí xây dựng thông qua các kỹ sư định giá và các chính sách liên quan tới việc sử dụng các kỹ sư này. - Thực hiện cải cách hành chính, phân công, phân cấp theo hướng giảm dần sự can thiệp của các tổ chức Nhà nước, tạo sự linh hoạt trong cơ chế định giá, tăng cường sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp xã hội trong việc xây dựng và giám sát việc lập, quản lý chi phí xây dựng công trình. Việc đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình cần thực hiện theo các quan điểm: a. Nhà nước thực hiện biện pháp quản lý gián tiếp là chủ yếu; quản lý chi phí các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước mang tính khống chế, hướng dẫn phương pháp và Nhà nước không can dự trực tiếp. b. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xác lập chi phí và quản lý chi phí theo công trình ( giá công trình); thực hiện cơ chế “thuận mua vừa bán”, lấy hiệu quả đầu tư xây dựng làm thước đo giá cả. Doanh nghiệp xây dựng chịu trách nhiệm về quản lý giá thành xây dựng. c. Chi phí đầu tư xây dựng được quản lý chặt chẽ trên cơ sở các quy định của pháp luật, phù hợp với từng nguồn vốn và yêu cầu thực tiễn sử dụng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. d. Xã hội hoá công tác xây dựng tiêu chuẩn, định mức chi phí xây dựng thông qua sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức tư vấn xây dựng. Nhà nước chỉ ban hành và quản lý các định mức, chỉ tiêu tổng hợp như suất đầu tư, giá chuẩn, đơn giá tổng hợp. Xây dựng cơ chế định giá đầu tư xây dựng công trình trên cơ sở thị trường có định hướng của Nhà nước. e. Bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới cơ chế trong đầu tư xây dựng với đổi mới chi phí quản lý xây dựng, với sự phân công, phân cấp và quy định trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, các cấp và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. CT 2 f. Thực hiện và nêu cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý chi phí, lấy hiệu quả đầu tư xây dựng công trình làm thước đo. g, Hệ thống quản lý chi phí xây dựng phải đảm bảo tính hiệu quả, độ tin cậy cao, dễ áp dụng đối với mọi chủ thể tham gia quá trình xây dựng; tiệm cận các tiêu chuẩn, định mức tiên tiến của thế giới nhằm tạo ra đổi mới trong việc sử dụng phương pháp, công nghệ xây dựng và huớng tới việc hội nhập thị trường xây dựng quốc tế. Việc đổi mới cơ chế quản lý chi phí xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: 1. Chi phí xây dựng phải được hình thành phù hợp với các giai đoạn xây dựng, được xác định từ tổng hợp đến chi tiết có tác dụng khống chế và bổ sụng lẫn nhau để xác định chi phí hợp lý theo yếu tố cung cầu. Khối lượng dùng để xác định chi phí xây dựng phải được xác định trên một phương pháp thống nhất giữa các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. 2. Chi phí xây dựng phải bảo đảm độ tin cậy cho việc phân tích kinh tế, tài chính, lập kế hoạch và quản lý vốn đầu tư của dự án; bảo đảm đủ cơ sở làm căn cứ cho quá trình lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng trong hoạt động xây dựng. 3. Chi phí xây dựng được quyết định bởi người quyết định đầu tư, chủ đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của pháp luật. 4. Phương pháp xác lập chi phí xây dựng phải bảo đảm đưa ra được một giới hạn hợp lý chi phí của dự án; cơ chế quản lý phải đảm được việc giám sát chi tiêu, khống chế trong giới hạn chi phí hợp lý của dự án đã được quyết định. 5. Chi phí xây dựng phải được xác định trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật chi tiết, độ tin cậy cho cùng với hệ thống giá thị trường, vật tư, lao động được chuẩn bị sẵn được cập nhật thích hợp với mục đích xác định chi phí xây dựng ở từng giai đoạn xây dựng. Để thực hiện được những mục tiêu trên Bộ Xây dựng sẽ thực hiện 7 nội dung đổi mới trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. - Thứ nhất là, phân định chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý của chủ đầu tư trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước được giao trách nhiệm làm chủ đầu tư các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. - Thứ hai là, xây dựng phương pháp xác định tổng mức đầu tư theo hướng đảm bảo tổng mức đầu tư được tính đúng, tính đủ trong đó yếu tố trượt giá được xác định khoa học, phù hợp với độ dài thời gian xây dựng. - Thứ ba là, giá xây dựng công trình sẽ được thực hiện với việc Nhà nước bỏ công bố giá vật liệu xây dựng mà xác định phù hợp với công trình xây dựng và gắn với vị trí xây dựng công trình. CT 2 - Thứ tư là, chỉ số giá xây dựng sẽ được xác định theo loại công trình xây dựng, theo khu vực, thời gian và được công bố theo từng thời điểm. - Thứ năm là, Nhà nước hướng dẫn phương pháp xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng tiếp cận với thông lệ quốc tế. - Thứ sáu là, hoàn chỉnh các nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. - Thứ bảy là, thực hiện xã hội hoá công tác kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình thông qua việc đề cao quyền và trách nhiệm của các tổ chức tư vấn, kỹ sư định giá chuyên nghiệp. III. KẾT LUẬN Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã đưa ra các giải pháp đổi mới sau: 1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật hệ thống định mức, đơn giá xây dựng theo định hướng thị trường - Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật tổng hợp như chỉ tiêu đất xây dưng, định mức thời hạn xây dựng, suất vốn đầu tư phục vụ cho việc quyết định đầu tư dự án, - Hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng phù hợp với mức độ phát triển của sản xuất xây dựng, khoa học công nghệ. - Đổi mới các yếu tố cấu thành đơn giá xây dựng công trình theo hướng thị trường. - Đổi mới nội dung và phương pháp lập dự toán chi phí xây dựng theo hướng đơn giản, dễ áp dụng 2. Đổi mới định mức và phương pháp xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình - Việc đổi mới phương pháp lập và quản lý chi phí tư vấn đầu tư xây dựng cần có giai đoạn chuyển tiếp trước khi chuyển đổi hoà nhập với thông lệ quốc tế. - Trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi hệ thống định mức chi phí tư vấn dầu tư xây dựng hiện hành. - Trong giai đoạn chuyển đổi hoà nhập, sẽ tiếp cận thông lệ quốc tế chi phí tư vấn sẽ tính theo “tháng- công”, tiệm cận với mức lương cùng loại của các nước trong khu vực. - Nhà nước sẽ không trực tiếp ban hành các hệ thống định mức chi phí tư vấn mà sẽ có các quy định về kiểm toán và các chế tài khác để kiểm soát. 3. Đổi mới việc khống chế và kiểm soát chi phí xây dựng công trình - Nhà nước thực hiện quản lý vĩ mô chi phí xây dựng công trình thông qua các chỉ tiêu tổng hợp và các chỉ tiêu định mức tiêu hao thống nhất trên cả nước. - Xây dựng cơ chế kiểm soát chi phí xây dựng thông qua công tác thẩm tra dự toán, đấu thầu và bảo đảm việc quản lý chi phí phải đạt được mục tiêu là đưa ra được một giới hạn chi phí hợp lý và giám sát, quản lý chi tiêu trong giới hạn được chấp nhận - Thực hiện khống chế giá và kiểm soát chi phí theo thị trường thông qua hoạt động của các cá nhân, tổ chức tư vấn thẩm định giá, kỹ sư định giá. CT 2 4. Hoàn thiện cơ chế thanh quyết toán công trình - Xây dựng cơ chế tạm ứng chi phí xây dựng, phương thức thanh toán trên cơ sở thoả thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu. - Thực hiện cơ chế kiểm tra bảo đảm việc bố trí vốn, tạm ứng, thanh toán phù hợp với tiến độ xây dựng và các điều kiện của hợp đồng. - Xây dựng quy trình thanh toán trên cơ sở tự chịu trách nhiện của chủ đầu tư trước pháp luật. - Ban hành cơ chế giám sát, kiểm toán và chế tài để đảm bảo thời hạn quyết toán công trình - Tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh sự can thiệp quá sâu của các cơ quan quản lý tài chính trong quá trình tạm ứng, thanh quyết toán. 5. Xây dựng hệ thống ngân hàng dữ liệu (Data Bank Systen) về chi phí đầu tư xây dựng công trình - Thu thập, lưu trữ các số liệu có liên quan tới các yếu tố cấu thành giá xây dựng, các hệ thống định mức, đơn giá của các loại công trình, các chi phí xây dựng, giá thành xây dựng công trình đã thực hiện của tất cả các loại công trình và công tác xây dựng, tư vấn xây dựng - Thực hiện việc xử lý các thông tin, xây dựng hệ thống thông tin về đơn giá, định mức, giá thành xây dựng, hệ số chênh lệch giá, hệ số điều chỉnh tiền lương… - Xây dựng một cơ chế phối hợp để có thể thu thập và truyền số liệu từ các doanh nghiệp xây dựng, các tổ chức tư vấn tới các trung tâm lưu trữ. - Tiến tới việc xã hội hoá, thị trường hoá theo nguyên tắc “xã hội dùng chung số liệu” dưới hình thức Ngân hàng dữ liệu (Data Bank). Tài liệu tham khảo [1]. Đề án Đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình. Bộ Xây dựng 12/2005. [2]. Tài liệu Hội thảo Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình. Bộ Xây dựng 1/2006. [3]. Đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thời báo kinh tế Việt Nam số 206, 16/10/2006. [4]. TS. Dương Văn Cận. Đổi mới cơ cấu dự toán chi phí xây dựng công trình. Tạp chí Kinh tế xây dựng. Viện kinh tế xây dựng. Bộ Xây dựng số 4/2007 ♦ . dung đổi mới trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. - Thứ nhất là, phân định chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý của chủ đầu tư trong quản lý chi phí đầu tư xây. khảo [1]. Đề án Đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình. Bộ Xây dựng 12/2005. [2]. Tài liệu Hội thảo Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình luật thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý chi phí xây dựng; xây dựng cơ chế về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu và tổ chức tư vấn trong việc xác lập và quản lý chi phí xây dựng công