Chàng nhạc sĩ mù sống chết với đam mê Giadinh.net - Bị mù từ lúc 3 tuổi nhưng lòng đam mê âm nhạc mãnh liệt đã giúp cậu bé Hà Chương vượt qua mọi khó khăn, từng bước khẳng định mình. Dám mạo hiểm rời quê nhà Quảng Ngãi một mình khăn gói ra Hà Nội làm đủ mọi việc có thể làm để sống chết với niềm đam mê âm nhạc đó, cho đến nay, nhìn vào bề dày thành tích của chàng nhạc sĩ này, không ai có thể tin được một người khiếm thị như anh lại có thể làm được những điều kỳ diệu đó. “Nhìn” đời bằng đôi tai và trái tim Hà Chương say sưa với những nốt nhạc của cây đàn ghi ta. Đi lại nhanh nhẹn, dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen đậm chất xứ Quảng, giọng nói lơ lớ nửa Bắc nửa Nam và mái tóc dài buộc túm ở đằng sau đầy lãng tử - đó là những ấn tượng ban đầu khi gặp nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương. Không ngờ con người ấy lại là tác giả của những “Lời ru mùa xuân”, “Tìm về lời ru” từng làm say đắm một thời. Và càng nể phục hơn khi nhìn vào bề dày thành tích hoạt động nghệ thuật của anh: Huy chương vàng về độc tấu đàn bầu cuộc thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” ở Quảng Nam - Đà Nẵng 1995; 2 huy chương vàng toàn quốc về hát đơn ca và độc tấu đàn bầu cuộc thi “Văn nghệ thể thao dành cho người khuyết tật” ở Quảng Trị 1997; 6 huy chương vàng trong nhiều cuộc thi khác từ năm 1999 đến 2003 cấp toàn quốc và tỉnh, thành phố. Năm 2008, anh là 1 trong 13 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam được nhận giải thưởng “Mãi mãi tuổi hai mươi” Đó là những thành tích mà ngay cả những người sáng mắt cũng khó mà đạt được. Vậy mà Hà Chương đã làm được, bằng chính sự nỗ lực và lòng đam mê âm nhạc mãnh liệt của một người khiếm thị. Anh chia sẻ: “Người sáng mắt nhìn đời bằng đôi mắt, còn người khiếm thị chúng tôi bước vào đời bằng nghị lực và niềm đam mê. Tôi “nhìn” đời bằng đôi tai và trái tim của người nghệ sĩ. Và tôi luôn cố gắng để mọi người biết rằng tôi cũng yêu đời, yêu cuộc sống chẳng thua kém gì mọi người Dù ngày dài hay đêm tối, dù đường gập ghềnh xa muôn lối, dù gió xuôi hay bão ngược, ta vẫn ung dung đón mặt trời lên (lời của một bài hát do anh sáng tác)”. Năm 3 tuổi, sau một trận ốm nặng, đôi mắt của Chương cứ mờ dần, mờ dần, cho đến khi trước mặt chỉ còn một màn đen tối tăm. Cha mẹ đã bán hết những gì có thể để chạy chữa cho Chương nhưng tất cả đều vô vọng. Chương phải sớm nếm những giọt nước mắt đắng cay của cuộc đời khi còn quá nhỏ. Không nhìn thấy ánh sáng nhưng niềm đam mê âm nhạc của cậu bé Chương thì ngày càng mãnh liệt. Năm 7 tuổi, trước niềm đam mê của cậu em út, người chị gái đã dồn hết số tiền khó khăn lắm mới dành dụm được để mua một cây đàn ghita về dạy cho Chương những nốt nhạc đầu tiên. Cái cảm giác hạnh phúc đến ngập tràn khi lần đầu tiên được cầm trên tay cây đàn ghita hãy còn rõ mồn một trong anh mỗi lần nhớ lại: “Hồi đó Chương 7 tuổi nhưng bé hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. Tay không thể với hết cả cây đàn ghita nên chị gái phải đặt đàn nằm ngửa xuống rồi Chương dạo các phím đàn như gảy đàn thập lục vậy”. Năm 12 tuổi, Chương rời xa gia đình từ Quảng Ngãi đến trường Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng bắt đầu một chặng đời mới. Ở đây, Hà Chương đã gặp nghệ sĩ Lưu Học - người dạy anh biết đánh đàn bầu và NSND Tường Vi – cả hai người đều có ảnh hưởng rất lớn đến các ca khúc của anh sau này. 15 tuổi Hà Chương đã có ca khúc đầu tay “Ánh sáng đời em” là tiếng nhạc đầu tiên của một thanh niên khiếm thị gõ vào cuộc đời để nói lên niềm yêu đời thiết tha, cháy bỏng: “Em không thấy trời xanh, em không thấy biển xanh, mà chỉ nghe lời ru buồn của bà à ơi, à ơi ”. Hát lên cho dối gian tan trong thật thà Nhạc sĩ Hà Chương biểu diễn trong chương trình “Góp niềm vui nhỏ nhân vạn tiếng cười trẻ thơ” của Trung tâm Nghị lực sống. Năm 2004, niềm đam mê cháy bỏng muốn được học chuyên sâu về đàn bầu đã khiến Hà Chương bất chấp mọi khó khăn, một mình khăn gói ra Hà Nội dự thi hệ trung cấp ngành đàn bầu của Học viện âm nhạc Quốc gia và đã đỗ thủ khoa. Từ đây, cuộc đời Hà Chương bước sang một trang mới. Ở đây, Hà Chương vừa phải học vừa phải đi hát, đánh đàn tại các phòng trà, quán bar để tự trang trải cuộc sống. Việc học đối với anh thời kỳ ấy là cả một sự khó khăn lớn lao. Giáo trình dạy nhạc cho người khiếm thị không có, anh buộc phải học trong môi trường bình thường như các bạn khác. Không nhìn được những điều thầy viết trên bảng, anh phải nhờ bạn đọc thành lời để chép lại bằng ký hiệu nổi Braille, hoặc thu băng nội dung giáo trình sau đó dùng tay lần từng nốt nhạc rồi đánh lại trên đàn. Ấy vậy mà chỉ một năm sau đó, năm 2005, lúc mới 23 tuổi Hà Chương đã tự làm được cho mình một album đầu tay mang tên “Món quà của Sóng” gồm 10 ca khúc do chính anh sáng tác và trình bày. Ai cũng biết để có được “món quà” này dâng tặng cho đời, Hà Chương đã phải bao lần ngụp lặn trong những “con sóng” mồ hôi mặn chát. Vậy mà những lời ca của anh vẫn đẹp như muôn bông hoa ngào ngạt chất yêu đời: “Rồi một ngày con phố chợt buồn vì tiếng đời không rộn rã, rồi một ngày con sóng lạc loài vì gió ngủ quên và hàng cây đứng im lạnh lùng, một cơn mưa tê tái mùa đông nghe lòng quạnh vắng Phía sau những nụ cười là những giọt nước mắt muộn phiền trên mi. Phía sau những cuộc đời là nghìn thu đón mời dìu ta đi ”. Không biết có phải ông Trời đã bù đắp cho Hà Chương hay không mà anh không chỉ biết đánh đàn, biết sáng tác nhạc mà còn hát rất hay. Giọng của Hà Chương ấm áp mà nhẹ nhàng, mượt mà nhưng cũng đầy sâu lắng. Dù Pop Ballad, R&B hay dân gian đương đại thì khi nghe Hà Chương thể hiện người ta đều cảm nhận được chất lửa dâng tràn trong từng ca từ, giai điệu. Có lẽ vì thế mà năm 2006, anh cùng một số người bạn đã tổ chức thành công hai liveshow cho sinh viên tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, với sự dìu dắt tận tình của NSND Thanh Tâm, Hà Chương tiếp tục thi đỗ vào hệ đại học của Học viện âm nhạc Quốc gia. Bước sang năm 2007, với sự giúp đỡ, cộng tác của thầy giáo, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và ca sĩ Tùng Dương, rocker Xuân Đề Hà Chương tiếp tục cho ra album thứ hai có tựa đề “Khúc hát hai mươi”. Cuộc sống đã dội vào Hà Chương những thứ âm thanh rất đặc biệt khiến cho âm nhạc của anh mang một màu sắc rất riêng. Nó không chỉ là thứ nhạc căng tràn nhựa sống của tuổi trẻ mà còn là những bài thơ mang tính triết lý về cuộc đời đầy ý nhị: “Tuổi hai mươi đập tan đất trời, tình hai mươi nồng nàn lửa cháy, ngực hai mươi căng phồng sức trẻ, tương lai hai mươi trong tầm tay với, bước chân vững tin trên đường đi tới. Và em hai mươi đi hái sao trời, ánh sáng tinh khôi cho đời dịu lại, cho người yêu người trong tình nhân ái, cho những dối gian tan trong thật thà ”. Nghe anh hát bài hát do chính anh sáng tác người ta cảm thấy lòng bao dung hơn, thấy tình yêu đẹp đẽ hơn và thấy một cuộc đời đáng sống hơn. Đặc biệt hơn nữa là cả hai album anh làm đều do một tay anh tự lo kinh phí mà không có một nhà tài trợ nào hỗ trợ. Hiện Hà Chương đang trong quá trình chuẩn bị để cho ra album thứ ba. Vẫn miệt mài, say sưa với âm nhạc và mong muốn được sống trọn đời với nó. . Chàng nhạc sĩ mù sống chết với đam mê Giadinh.net - Bị mù từ lúc 3 tuổi nhưng lòng đam mê âm nhạc mãnh liệt đã giúp cậu bé Hà Chương vượt qua mọi khó khăn, từng. hiểm rời quê nhà Quảng Ngãi một mình khăn gói ra Hà Nội làm đủ mọi việc có thể làm để sống chết với niềm đam mê âm nhạc đó, cho đến nay, nhìn vào bề dày thành tích của chàng nhạc sĩ này, không. dối gian tan trong thật thà Nhạc sĩ Hà Chương biểu diễn trong chương trình “Góp niềm vui nhỏ nhân vạn tiếng cười trẻ thơ” của Trung tâm Nghị lực sống. Năm 2004, niềm đam mê cháy bỏng muốn được