1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nghệ thuật tuồng làng thổ hà, xã vân hà, huyện việt yên, tỉnh bắc giang

156 2 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Nghệ thuật tuồng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Tác giả Giáp Thị Hà
Người hướng dẫn TS. Dương Nguyệt Vân
Trường học Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên
Chuyên ngành Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam
Thể loại Luận văn Thạc sĩ
Năm xuất bản 2023
Thành phố Thái Nguyên
Định dạng
Số trang 156
Dung lượng 3,52 MB

Nội dung

Trang 1 ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM GIÁP THỊ HÀ NGHỆ THUẬT TUỒNG LÀNG THỔ HÀ, XÃ VÂN HÀ, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT

Trang 1

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

GIÁP THỊ HÀ

NGHỆ THUẬT TUỒNG LÀNG THỔ HÀ, XÃ VÂN HÀ,

HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2023

Trang 2

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

GIÁP THỊ HÀ

NGHỆ THUẬT TUỒNG LÀNG THỔ HÀ, XÃ VÂN HÀ,

HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG

Ngành: Văn học Việt Nam

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan đã thực hiện việc kiểm tra mức độ tương đồng nội dung luận văn qua phần mềm Turnitin một cách trung thực và đạt kết quả mức độ tương đồng 14% Bản luận văn kiểm tra qua phần mềm là bản cứng đã nộp để bảo vệ trước hội đồng Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm

Thái Nguyên tháng 11 năm 2023

Giảng viên hướng dẫn xác nhận Học viên

TS Dương Nguyệt Vân Giáp Thị Hà

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Em xin bày tỏ lòng biết ơn tới cô giáo hướng dẫn là TS Dương Nguyệt Vân

đã tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện cho em trong suốt quá trình thực hiện luận văn

Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo Khoa Ngữ Văn, Bộ môn Văn học Việt Nam, cán bộ Khoa Sau đại học Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho em trong quá trình học tập

Tôi xin được cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp

đã động viên để tôi có thể hoàn thành luận văn

Luận văn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét của các thầy cô, các nhà khoa học và bạn bè để luận văn của tôi có thể hoàn thiện hơn

Thái Nguyên, tháng 10 năm 2023

Tác giả luận văn

Giáp Thị Hà

Trang 5

MỤC LỤC

Lời cam đoan i

Lời cảm ơn ii

Mục lục iii

Danh mục bảng iv

Danh mục biểu đồ v

MỞ ĐẦU 1

1 Tính cấp thiết của đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 2

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5

4 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 5

5 Phương pháp nghiên cứu 6

6 Đóng góp của luận văn 7

7 Cấu trúc luận văn 8

NỘI DUNG 9

Chương 1: CƠ SỞ THỰC TIỄN, LÍ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 9

1.1 Khái quát về lịch sử, tự nhiên, xã hội, văn hóa làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang 9

1.1.1 Lịch sử hình thành 9

1.1.2 Đặc điểm tự nhiên, xã hội 10

1.1.3 Đặc điểm văn hóa 12

1.2 Diện mạo văn học dân gian huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang 20

1.2.1 Diện mạo chung 20

1.2.2 Tuồng - hình thức sân khấu dân gian đặc sắc 22

1.3 Thực trạng nghệ thuật tuồng của làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang 26

1.3.1 Trong đời sống cộng đồng 27

1.3.2 Trong môi trường giáo dục 28

Chương 2: GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA TUỒNG LÀNG THỔ HÀ, XÃ VÂN HÀ, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG 32

2.1 Tuồng Thổ Hà đề cao tinh thần trung quân ái quốc 32

2.1.1 Đề tài trung quân ái quốc xoay quanh chuyện cung đình 33

Trang 6

2.1.2 Đề tài trung quân ái quốc thể hiện qua những mâu thuẫn, xung đột 34

2.1.3 Phò vua diệt ngụy, hướng đến chữ “trung” 40

2.1.4 Tuồng Thổ Hà ca ngợi những con người lí tưởng 41

2.2 Vấn đề đạo đức luân lí và thuyết răn đời qua các tích tuồng 46

2.2.1 Vấn đề đạo đức luân lí trong Tuồng Thổ Hà 46

2.2.2 Thuyết răn đời qua các tích Tuồng Thổ Hà 49

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 52

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TUỒNG LÀNG THỔ HÀ, XÃ VÂN HÀ, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG 53

3.1 Nghệ thuật ngữ văn 53

3.1.1 Kết cấu 53

3.1.2 Nhân vật 54

3.1.3 Ngôn ngữ 56

3.1.4 Làn điệu (Phần ca diễn) 63

3.1.5 Vần và nhịp 68

3.1.6 Biện pháp tu từ 73

3.1.7 Điển cố 76

3.1.8 Không gian, thời gian nghệ thuật 77

3.2 Nghệ thuật diễn xướng 77

3.2.1 Thời gian diễn xướng 78

3.2.2 Không gian diễn xướng 78

3.2.3 Diễn viên diễn xướng 80

3.2.4 Trang phục diễn xướng 83

3.2.5 Đạo cụ và nhạc cụ diễn xướng 83

3.2.6 Cách hóa trang 85

3.2.7 Cách thức tổ chức diễn xướng 86

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 93

KẾT LUẬN 95

DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 98

TÀI LIỆU THAM KHẢO 99 PHỤ LỤC

Trang 7

DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 3.1 Các dạng vần chân trong Tuồng Thổ Hà 68 Bảng 3.2 Cách bắt vần chân với vần lưng trong Tuồng Thổ Hà 70

Trang 8

DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 1.1 Kết quả khảo sát người dân làng Thổ Hà 27

Biểu đồ 1.2 Kết quả khảo sát phỏng vấn nghệ nhân làng Thổ Hà 28

Biểu đồ 1.3 Kết quả khảo sát giáo viên Trường THPT Việt Yên số 2 29

Biểu đồ 1.4 Kết quả khảo sát giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt 29

Biểu đồ 1.5 Kết quả khảo sát học sinh Trường THPT Việt Yên số 2 30

Biểu đồ 1.6 Kết quả khảo sát học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt 30

Trang 9

MỞ ĐẦU

1 Tính cấp thiết của đề tài

1.1 Trên dải đất hình chữ S, Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc; với 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những đặc điểm riêng về văn hóa Điều này đã tạo nên những sắc màu vô cùng phong phú và đa dạng cho nền văn hóa dân tộc Khi tìm hiểu về loại hình văn nghệ dân gian, mỗi vùng miền lại có những nét rất đặc trưng Nói đến dân tộc Tày, người ta thường nhắc tới hát Then; dân tộc Nùng với hát Sli, hát Lượn; người Sán Dìu, Sán Chay hát với Sọong cô; người Dao với hát Pả dung… Còn khi nói tới dân tộc Kinh, người ta nghĩ ngay đến những làn điệu dân ca, quan họ đằm thắm, mượt mà của các liền anh, liền chị vùng Kinh Bắc; những tích tuồng cổ điển mẫu mực…Đặc biệt, Tuồng Thổ Hà đã đi vào lòng bao thế hệ người dân nơi đây Nghệ thuật Tuồng Thổ Hà là một loại hình sân khấu dân gian đã có từ lâu đời, là tiếng nói thể hiện đời sống tinh thần, tình cảm của người dân lao động Nghệ thuật Tuồng Thổ Hà được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, sau này kết hợp với ghi chép bằng chữ Hán cổ Khi diễn xướng tuồng, sự kết hợp giữa trang phục truyền thống mang đậm nét cổ điển và lối diễn xuất rất công phu của các diễn viên đã giúp khán giả cảm nhận được cái hay, cái đẹp cũng như sự độc đáo, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này

1.2 Sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại nói chung và sự giao thoa giữa các

nền văn hóa nói riêng đã khiến cho nghệ thuật Tuồng Thổ Hà dần mai một Khi nghiên cứu về Tuồng Thổ Hà đã có một số công trình với nhiều tên gọi khác nhau

như: “Sắc màu Tuồng Thổ Hà”, “Tuồng cổ ở Thổ Hà”, “Tuồng cổ làng Thổ Hà”,

“Trò diễn tuồng trong ngày hội làng Thổ Hà”, “Nghệ thuật tuồng cổ ở Bắc Giang”,…

Các công trình nghiên cứu này đã đề cập đến một số phương diện khác nhau của Tuồng Thổ Hà như ngôn ngữ, nội dung, nghệ thuật biểu diễn… Nhưng việc đi sâu tìm hiểu về nghệ thuật Tuồng Thổ Hà một cách chi tiết, cụ thể và có hệ thống thì vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ Vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng Thổ Hà nói riêng và nghệ thuật tuồng nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mực, nhất là việc

đi sâu vào tìm hiểu nội dung, giá trị nghệ thuật Tuồng Thổ Hà Xuất phát từ những vấn đề đó, việc nghiên cứu tuồng của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhằm phát huy, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Trang 10

1.3 Thổ Hà là một vùng quê có đời sống văn hóa phong phú với nhiều phong tục tập quán đặc sắc Nghệ thuật tuồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân Thổ Hà Trong đời sống, tuồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây Người Thổ Hà rất yêu thích và say mê loại hình sân khấu tuồng Họ biểu diễn tuồng bằng cả tình yêu và sự gắn bó với bộ môn nghệ thuật được cha ông truyền lại Bản thân tôi rất tự hào là người con của huyện Việt Yên, được sinh ra và lớn lên, được đắm mình trong các tích tuồng cổ Hơn ai hết, chúng tôi mong muốn tìm hiểu, đi sâu nghiên cứu và giới thiệu một cách có hệ thống về nghệ thuật Tuồng - loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của quê hương mình

1.4 Hiện nay, trong chương trình Ngữ văn phổ thông, cụ thể là ở lớp 10 của tỉnh Bắc

Giang, các trường học trên địa bàn đã và đang chọn dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ sách Cánh diều Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, tập 1 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), ngoài truyện kể dân gian như thần thoại, sử thi, các nhà

biên soạn sách còn đưa vào chương trình loại hình tích trò sân khấu dân gian với các

thể loại như chèo, múa rối nước và tuồng Tương tự như vậy, bộ sách Cánh diều, tập

1, loại hình sân khấu dân gian chèo và tuồng cũng được đưa vào giảng dạy Đối với nội dung giáo dục địa phương, phần văn học được đưa vào học trong chương trình địa phương lớp 10 có số tiết là 10/35 tiết (chiếm 28,6%) Tuy nhiên, loại hình sân khấu

cổ truyền mà cụ thể là tuồng vẫn chưa được đưa vào nội dung dạy học Là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT phổ thông, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi thấy rằng, Tuồng Thổ Hà rất cần được đưa vào chương trình học để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết đến; từ đó, chung tay góp sức tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn

và phát huy những giá trị văn hóa bản địa, thúc đẩy sự phát triển văn hóa địa phương

Từ những lí do trên, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài Nghệ thuật Tuồng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang làm đề tài nghiên cứu cho luận

văn của mình Hi vọng với đề tài này, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nghệ thuật tuồng của người dân Thổ Hà, đóng góp nguồn tài liệu tham khảo cho giáo viên khi dạy phần văn học địa phương tại tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Việt Yên nói riêng Từ đó hướng tới lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn học, văn hóa dân gian truyền thống của địa phương mình

2 Lịch sử vấn đề

Những năm gần đây, văn học, văn hóa dân gian đã được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm và đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể Khi nghiên cứu nghệ thuật Tuồng Thổ Hà, chúng tôi đã tiếp cận được với một số bài viết, công trình nghiên cứu liên quan tới vấn đề này Có thể kể đến một số công trình sau:

Trang 11

Trong Khóa luận tốt nghiệp Lễ hội làng Thổ Hà - Vấn đề tổ chức và quản lí

(2010), tác giả Nguyễn Thị Thùy đã giới thiệu những nét khái quát về làng Thổ Hà với lịch sử hình thành, vị trí địa lí, đặc điểm về kinh tế xã hội và văn hóa; nhấn mạnh vào lễ hội làng Thổ Hà, đánh giá về thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lí lễ hội Bài viết có nêu lên vai trò của tuồng trong đời sống tinh thần cộng đồng của vùng quê này

Trong cuốn Di sản văn hóa làng cổ Thổ Hà (2018), Nhà xuất bản Văn hóa dân

tộc, tác giả biên tập Vũ Thị Hằng đã giới thiệu nét đặc sắc văn hóa của làng Thổ Hà, với hệ thống di tích quốc gia ở làng Thổ Hà như đình, chùa, từ chỉ Thổ Hà; những công trình kiến trúc cổ ở làng Thổ Hà như cổng làng, đường làng, nhà cổ, điếm làng Thổ Hà; nghề thủ công truyền thống ở làng cổ Thổ Hà như nghề gốm, bánh đa nem, bánh đa, mì gạo…; đặc sắc ẩm thực với món bánh khúc tai mèo, cháo bánh canh, chè xắn, xáo mực Trong đó, có nhấn mạnh đến các loại hình nghệ thuật truyền thống ở làng Thổ Hà với quan họ và tuồng cổ Đặc biệt giới thiệu nét độc đáo của tuồng cổ với nghệ thuật hóa trang, trang phục và nội dung của Tuồng Thổ Hà

Trong bài viết Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng Thổ Hà dưới hình thức bảo tàng hóa, số 26, tháng 12/2018, các tác giả Trần Đức Nguyên, Lê Minh Chi đã

giới thiệu về đặc điểm tự nhiên, làng nghề, di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể cũng như vấn đề quy hoạch bảo tàng, bảo tồn di sản tại làng Thổ Hà, trong

đó có nhắc đến tuồng, một loại hình nghệ thuật độc đáo thường xuyên được biểu diễn trong các lễ hội của làng

Trong bài viết Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Thổ Hà gắn với phát triển du lịch (2018), Hội thảo khoa học do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

tỉnh Bắc Giang phối hợp với Uỷ Ban Nhân dân huyện Việt Yên tổ chức Bài viết của tác giả Minh Hằng đã tập trung phân tích, đánh giá các giá trị văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch của làng cổ Thổ Hà Các bài tham luận trong Hội thảo cũng quan tâm đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di tích, di sản phi vật thể truyền thống, trong đó có nhắc đến tuồng, việc xây dựng các đội nghệ thuật biểu diễn tuồng, dân ca quan họ để phục vụ khách du lịch

Trong bài báo Trò diễn tuồng trong ngày hội làng Thổ Hà, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1/2022, tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc đã nhấn mạnh về đặc điểm

nghệ thuật đặc sắc của Tuồng Thổ Hà Đó là tuồng pho, gồm nhiều hồi, diễn nhiều đêm và nhiều làn điệu cũng như là nghệ thuật biểu diễn của dàn diễn viên dày công tập luyện, đặc biệt nhấn mạnh đến nghệ thuật hóa trang và thực trạng của Tuồng Thổ

Trang 12

Hà trong đời sống hiện nay, Câu lạc bộ Tuồng Thổ Hà phần đông là người cao tuổi, trong khi đa số lớp trẻ thì lại không mấy quan tâm đến nghệ thuật tuồng Thực tế, loại hình nghệ thuật này đang rất cần có một thế hệ trẻ nối tiếp để giữ gìn và phát triển

Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu qua một số bài viết trên các trang điện tử giới thiệu về Tuồng Thổ Hà như:

Trang https://baotintuc.vn ngày 22/06/2016 có bài viết Tâm huyết với nghệ thuật Tuồng Thổ Hà Trong bài viết này, tác giả Phương Thúy đã giới thiệu về tuồng,

vốn tài sản vô cùng quý giá của làng Thổ Hà, về quá trình phát triển nghệ thuật tuồng Sau năm 1945, Tuồng Thổ Hà phát triển mạnh nhưng do chịu ảnh hưởng của chiến tranh, tuồng đã bị gián đoạn một thời gian Đến khoảng cuối những năm 80 của thế kỉ

XX, Tuồng Thổ Hà hoạt động trở lại Bài viết đề cập đến Câu lạc bộ Tuồng Thổ Hà với các thế hệ kế nghiệp, họ rất tâm huyết với tuồng cổ và thay nhau lưu truyền, gìn giữ

Trang https://nongthonviet.com.vn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 507, tháng

8/2022 với bài viết Tuồng cổ ở Thổ Hà Bài viết của tác giả Đông Khánh tập trung

nhấn mạnh sự độc đáo trong nghệ thuật diễn xướng tuồng với những điệu bộ, động tác, cách hóa trang Bên cạnh đó là giá trị nội dung của các vở Tuồng Thổ Hà và nỗi niềm trăn trở của các nghệ nhân nhiều năm qua, đã bỏ nhiều công sức để lưu giữ trên mảnh đất Thổ Hà Điều mà các nghệ nhân mong muốn hiện nay là chính quyền địa phương sớm đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn và truyền bá rộng rãi môn nghệ thuật này để thu hút khách du lịch trong cộng đồng và giữ gìn di sản quý giá trong nền văn học của dân tộc

Trang https://vietnam.vnanet.vn ngày 12/4/2017 với bài viết Tuồng cổ làng Thổ Hà Trong bài viết, tác giả Việt Cường kể về các diễn viên tuồng không chuyên

của làng Thổ Hà Tuy họ không được đào tạo bài bản, không qua trường lớp nào nhưng cách hóa trang, lối diễn xuất thì rất chuyên nghiệp Bài viết nhắc đến Câu lạc

bộ Tuồng Thổ Hà cũng như sự trăn trở, băn khoăn của những người trong Câu lạc bộ khi bộ môn nghệ thuật này đang trên bờ vực của sự mai một, với niềm mong muốn gìn giữ, bảo tồn, mong các cấp chính quyền địa phương sớm có cơ chế đầu tư để mở rộng Câu lạc bộ tuồng nơi đây Trong đó, chú trọng đến việc truyền dạy cho lớp trẻ

để Tuồng Thổ Hà còn mãi với thời gian

Trong bài Sắc màu Tuồng Thổ Hà đăng trên báo Bắc Giang ngày 17/02/2015,

các tác giả Nguyễn Hưởng, Hữu Trình cũng đã nhấn mạnh về nội dung, nghệ thuật và vấn đề bảo tồn Tuồng Thổ Hà Bài viết cho thấy vẻ đẹp của môn nghệ thuật tuồng cổ với cách hóa trang rất cầu kì và ấn tượng; ngôn ngữ và làn điệu trong tuồng rất độc

Trang 13

đáo Nội dung xuyên suốt của Tuồng Thổ Hà là đề tài “Phò vua diệt ngụy” mang tính

cổ điển, truyền thống Dù những người tham gia Câu lạc bộ Tuồng Thổ Hà đã bỏ nhiều công sức và đầu tư kinh phí để truyền dạy nhưng thế hệ trẻ hiện nay rất ít có sự đam mê nên Tuồng Thổ Hà vẫn đang đứng trước nỗi lo thất truyền Vấn đề tìm được lớp trẻ yêu tuồng kế cận vẫn là điều mà nhiều người quan tâm và mong đợi

Như vậy, bước đầu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có một thực tế rằng, rất ít công trình nghiên cứu, luận văn, luận án nghiên cứu chuyên sâu về giá trị nội dung

và đặc sắc nghệ thuật tuồng nói chung, Tuồng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nói riêng Viết về Tuồng Thổ Hà, chủ yếu là các bài báo nhỏ lẻ; tuy nhiên, các bài viết đa số là tìm hiểu, nghiên cứu một vài khía cạnh cụ thể như ngôn ngữ, nội dung, hay nghệ thuật diễn xướng tuồng của người dân Thổ Hà Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của những công trình nghiên cứu này, chúng

tôi chọn: Nghệ thuật Tuồng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang làm vấn đề nghiên cứu cho luận văn của mình Hi vọng, đây sẽ là cơ hội

giúp người đọc thấy được nét độc đáo, hấp dẫn, cái hay cái đẹp của loại hình sân khấu dân gian truyền thống này; đồng thời, hướng tới lưu giữ, bảo tồn giá trị văn học, văn hóa truyền thống của quê hương mình

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là nghệ thuật tuồng của người dân làng Thổ

Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

3.2 Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi địa bàn nghiên cứu: Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Đây là nơi duy nhất ở Bắc Giang còn lưu giữ những tích tuồng với số lượng khá phong phú

Phạm vi tư liệu nghiên cứu: Dựa trên những văn bản chúng tôi đã điền dã, sưu tầm, khảo sát (với 12 vở tuồng trong đời sống cộng đồng) Các vở tuồng này đều được ghi chép lại và do các nghệ nhân lưu truyền gìn giữ, chưa được xuất bản thành sách

Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Nghiên cứu phương diện nội dung và nghệ thuật tuồng của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

4 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

4.1 Mục đích nghiên cứu

- Tìm hiểu đặc điểm nội dung và nghệ thuật tuồng của người dân làng Thổ Hà,

xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Từ đó, giới thiệu một cách hệ thống các

Trang 14

vở tuồng của người làng Thổ Hà tới bạn đọc, góp phần khẳng định giá trị của Tuồng Thổ Hà trong nền văn học, văn hóa dân gian của dân tộc

- Chỉ ra thực trạng nghệ thuật tuồng trong đời sống của người dân làng Thổ

Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Đề xuất một số biện pháp góp phần gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật Tuồng Thổ Hà Trọng tâm là đưa Tuồng Thổ Hà vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương như một nội dung chính thức trong chương trình giáo dục của tỉnh Bắc Giang

4.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tìm hiểu một số vấn đề chung về tự nhiên, xã hội, đời sống văn hóa của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Tìm hiểu cơ sở lí thuyết của đề tài như: khái niệm, nguồn gốc, phân loại và quá trình phát triển của thể loại tuồng nói chung, Tuồng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nói riêng

- Điền dã, khảo sát, sưu tầm, thống kê, phân loại các vở tuồng của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Thực hiện ghi âm, ghi hình quay một số đoạn video, đối dịch, văn bản hóa tư liệu

- Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các tích Tuồng Thổ Hà Trong điều kiện có thể, chúng tôi sẽ so sánh đối chiếu với tuồng của một số địa phương khác hay một số thể loại sân khấu dân gian khác để thấy được những nét tương đồng cũng như nét riêng biệt tạo nên sự độc đáo, đặc sắc của Tuồng Thổ Hà

- Bước đầu chỉ ra mối quan hệ giữa nghệ thuật tuồng với đời sống văn hóa của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Đề xuất một số biện pháp bảo tồn nghệ thuật tuồng của dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

5 Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện được mục đích đặt ra, chúng tôi sử dụng phối hợp một số phương pháp nghiên cứu sau:

5.1 Phương pháp điền dã, điều tra, phỏng vấn

Chúng tôi sử dụng phương pháp này để ghi chép, phỏng vấn, sưu tầm, thu thập các tích tuồng từ những nghệ nhân, những cụ cao niên trong làng để nắm bắt thông tin, hiểu hơn về nội dung cũng như nghệ thuật diễn xướng và thực trạng Tuồng Thổ Hà hiện nay, phục vụ cho đề tài nghiên cứu; từ đó, tiến hành sưu tầm các vở tuồng của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Trang 15

Khảo sát mức độ phổ biến của nghệ thuật tuồng trong môi trường xã hội và môi trường giáo dục ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Từ đó, bước đầu đánh giá được thực trạng về nghệ thuật Tuồng Thổ Hà hiện nay

5.2 Phương pháp thống kê, phân loại

Từ kết quả sưu tầm, khảo sát, chúng tôi sử dụng phương pháp này để tiến hành thống kê, phân loại tuồng của người Thổ Hà theo từng tiêu chí; từ đó, đưa ra những kết luận khách quan về vấn đề nghiên cứu

Từ việc phân tích, lí giải Tuồng Thổ Hà trên phương diện nội dung, nghệ

thuật; sự vận động của tuồng trong không gian và thời gian, bước đầu chúng tôi cũng

có sự so sánh Tuồng Thổ Hà trong tương quan chung với tuồng ở một số địa phương;

so sánh nghệ thuật diễn xướng tuồng với một số hình thức diễn xướng dân gian khác

5.5 Phương pháp liên ngành

Để có cái nhìn đa chiều về nghệ thuật Tuồng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đã vận dụng những kiến thức về lịch sử, địa lí, văn hóa

để có thể lí giải, nhận định và đưa ra đánh giá về hình thức sân khấu dân gian này

6 Đóng góp của luận văn

Đề tài Nghệ thuật Tuồng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là công trình đem đến cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển

nghệ thuật Tuồng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Chỉ ra được thực trạng nghệ thuật tuồng của làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

- Công bố một cách có hệ thống các vở tuồng ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (với tổng số 12 tích tuồng); đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn học, văn hóa truyền thống của dân tộc

- Chỉ ra và phân tích nội dung, nghệ thuật trong các tích tuồng; bước đầu có sự

lí giải từ góc độ văn hóa để thấy được mối quan hệ giữa văn học, văn hóa trong đời sống của người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Trang 16

- Là nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập văn học dân gian Việt Nam nói chung và văn học địa phương tỉnh Bắc Giang nói riêng

7 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của

luận văn được triển khai trong 3 chương:

Chương 1: Cơ sở thực tiễn, lí thuyết và tổng quan vấn đề nghiên cứu

Chương 2: Giá trị nội dung của tuồng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật tuồng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt

Yên, tỉnh Bắc Giang

Trang 17

NỘI DUNG Chương 1

CƠ SỞ THỰC TIỄN, LÍ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Thổ Hà - một làng cổ thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Đây

là vùng đất mang vẻ đẹp vừa mộc mạc, nên thơ, vừa cổ kính Đồng thời, Thổ Hà còn

là một địa phương có những giá trị văn hóa dân gian truyền thống vô cùng phong phú

và đặc sắc Đặc điểm tự nhiên ở địa phương rất đặc biệt, là cơ sở hình thành đời sống văn hóa - xã hội của người Thổ Hà và từ đó góp phần tạo nên bộ môn nghệ thuật tuồng đậm bản sắc Bởi vậy, việc tìm hiểu về đặc điểm tự nhiên, đời sống văn hóa -

xã hội của người Thổ Hà là điều cần thiết, vì đó chính là nền tảng cho sự hình thành nên những vở tuồng về cả nội dung và nghệ thuật

1.1 Khái quát về lịch sử, tự nhiên, xã hội, văn hóa làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

1.1.1 Lịch sử hình thành

Thổ Hà là một ngôi làng cổ Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, Thổ Hà vẫn còn giữ được vẹn nguyên những nét cổ kính cũng như những nét văn hóa đặc trưng của một làng Việt cổ Làng Thổ Hà được đánh giá là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời Làng được xây dựng vào thế kỉ XVII cụ thể là năm 1692, gắn với dấu ấn về nghề gốm cổ, từng rất phát triển ở Thổ Hà Làng có quần thể kiến trúc

cổ thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của vùng quê đồng bằng Bắc

Bộ Cho đến nay, người ta biết đến Thổ Hà chính là nhờ danh tiếng lẫy lừng một thời của vùng quê có nghề làm gốm Ca dao đã từng khái quát rõ điều này:

Đại Bái khéo đánh nên nồi Thổ Hà khéo đúc hòn vôi nên nồng

Theo các cụ trong làng kể lại, nghề gốm xuất hiện từ thời Lý, cách đây tám thế

kỉ Nguồn gốc bắt đầu từ câu chuyện, ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cao, Lưu Phong Tú, trong một dịp đi sứ sang Trung Quốc, đến Triều Châu, các ông đã học được nghề gốm ở đây Ông Cao về làng Bát Tràng, ông Tú về Phù Lãng truyền nghề, còn ông Tiến về núi Gốm - huyện Quế Võ, đối diện với Thổ Hà Ông đã truyền nghề gốm cho làng Thổ Hà từ ngày đó Từ khi nghề gốm ra đời đến khoảng thế kỉ XX, làng Thổ Hà sống chủ yếu bằng nghề làm gốm Sự phát triển của nghề này không chỉ đem lại đời sống kinh tế ổn định cho người dân, mà còn tạo dựng được một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm làng rất uy nghi, hoành tráng Đây là

Trang 18

nền tảng tinh thần vững chắc, góp niềm vui và tôn lên vẻ đẹp đa sắc màu trong cuộc sống của nhân dân trong vùng

Cũng giống như nhiều làng nghề khác, vào đầu những năm 1990, Thổ Hà rơi vào tình trạng sản phẩm gốm làm ra nhưng không tiêu thụ được và dần bị thất truyền Nhiều người dân trong làng chuyển sang làm nghề khác vì nhu cầu của cuộc sống Nghề gốm Thổ Hà gần như ngừng hoạt động Ngày nay, nhắc đến Thổ Hà, người ta gọi bằng tên mới: làng làm bánh đa nem, bánh đa, mì gạo Vì có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nên mặc dù nghề gốm bây giờ không tồn tại nhưng làng gốm Thổ

Hà hiện nay vẫn còn lưu lại rất nhiều dấu tích cổ, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam

1.1.2 Đặc điểm tự nhiên, xã hội

1.1.2.1 Điều kiện tự nhiên

Thổ Hà có đặc điểm tự nhiên khá đặc biệt so với các vùng quê khác, ba mặt giáp sông Vào làng Thổ Hà có hai đường, đường thủy và đường bộ Nếu từ trung tâm thành phố Bắc Ninh, đi theo đường Thiên Đức, tiếp nối đường đê, đi đò Vân Hà qua sông Cầu là vào ngôi làng cổ kính này Nếu từ trung tâm Bắc Giang, theo quốc lộ 1A hướng về thành phố Bắc Ninh, khi đến gần sông Cầu thì rẽ phải theo đường đê là tới làng Thổ Hà Thổ Hà có một trục đường chính chạy dọc theo bờ Bắc sông Cầu Các ngõ vào làng sâu và hẹp chạy vuông góc với đường trục chính Bên kia sông Cầu

là thành phố Bắc Ninh, một trong những trung tâm công nghiệp hóa - đô thị hóa của nước ta Địa hình đã tạo điều kiện thuận lợi để làng Thổ Hà giao lưu về kinh tế - xã hội và văn hóa Vùng đất này vừa có vị trí địa lí đặc biệt, vừa có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời; vừa có đời sống tâm linh và tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, vừa

có một truyền thống văn hoá đặc sắc với các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: diễn tuồng, hát quan họ tồn tại từ nhiều đời nay Đây cũng chính là nét đẹp truyền thống

của người dân Thổ Hà mà nhiều vùng quê của Bắc Giang không có được

1.1.2.2 Đặc điểm kinh tế, xã hội

Thổ Hà là một thôn thuộc xã Vân Hà, xã có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời

ở vùng văn hóa Kinh Bắc Xã Vân Hà gồm ba thôn, khác biệt nhau về loại hình hoạt động kinh tế Thôn Yên Viên, ngày xưa có tên là làng Vạn Vân Đây là một làng bán nông nghiệp, vừa làm ruộng vừa nấu rượu, mang lại sự ổn định về kinh tế Thôn Nguyệt Đức, được hình thành trên vùng hạ lưu sông Cầu Người dân chủ yếu làm nghề chài lưới, vận tải đường sông và hoạt động thương mại Thôn Thổ Hà là một làng nằm kề bên dòng sông Cầu nên giao thông đường thủy ở đây khá thuận lợi Làng

Trang 19

có cảnh quan thiên nhiên vừa giản dị vừa thơ mộng của một miền quê Việt cổ truyền tiêu biểu với con đò, bến nước, mái đình, cây đa, rất có tiềm năng du lịch Hiện nay, làng Thổ Hà có 1065 hộ gia đình được chia làm bốn xóm (xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4) Dân số khoảng 4085 người, chủ yếu là dân tộc Kinh

Điểm khác biệt nhất của làng Thổ Hà so với các làng quê của Bắc Bộ là người dân nơi đây dù ở thôn quê nhưng không sống bằng nghề làm nông nghiệp mà sống bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ là chính bởi vì không có diện tích canh tác Bắc Giang có rất nhiều làng nghề và Thổ Hà là một trong các làng nghề truyền thống được công nhận ở nhiều lĩnh vực Trước năm 1960, Thổ Hà từng nổi tiếng là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt Gốm Thổ Hà có độ bền cao, chất liệu sành tốt, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men sáng bóng, mịn màng Khách hàng sử dụng đồ gốm ở đây thường yên tâm về chất lượng và vẻ đẹp của gốm Dấu tích của nghề gốm hiện nay vẫn còn sót lại trên những đoạn tường cổ, xây bằng những mảnh gốm vỡ hoặc những tiểu sành được tận dụng Theo người dân Thổ Hà cho biết, những bức tường này có sức chống chịu vừa nóng, vừa lạnh rất tốt,

để qua hàng nghìn năm không lo bị hỏng Trời lạnh thì trong nhà tỏa hơi ấm, trời nóng thì trong nhà rất thoáng mát Cũng nhờ có nghề gốm mà công ăn việc làm của người dân Thổ Hà được giải quyết và đời sống của họ được nâng cao rất nhiều Tuy nhiên, gốm Thổ Hà đã dần không thể cạnh tranh được với sản phẩm gốm sứ của Trung Quốc vừa đa dạng mẫu mã, vừa đẹp và rẻ được các tiểu thương đem về bày bán ở địa phương Nguyên nhân là do sản phẩm gốm Thổ Hà làm theo phương pháp truyền thống nên giá cả cao hơn thị trường Và cứ thế, gốm Thổ Hà dần bị mai một, thất truyền Từ năm 1990 trở lại đây, Thổ Hà nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem, bánh đa và mì gạo Mỗi dịp tết đến, xuân về, bánh đa nem Thổ Hà sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước Những chiếc bánh đa nem màu trắng ngần, mềm dẻo dễ cuốn, vừa mang vị thơm mùi gạo nguyên chất vừa

có độ dai, không trộn phụ gia nên được khách hàng trong nước rất ưa chuộng; thậm chí còn được xuất khẩu sang các nước bạn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước khác Mì gạo Thổ Hà vang danh khắp nơi vì có độ dẻo, dai và thơm ngon, khi ngâm vào nước vẫn rất dai chứ không bị nát, vụn như một số loại mì ở nơi khác Bánh đa của Thổ Hà đã trở thành thương hiệu bởi vị bùi, béo của lạc, vừng, khoai lang kết hợp với chất liệu gạo ngon cùng bàn tay khéo léo, cần mẫn của người dân Bắc Giang Vào buổi sáng, khi đến làng Thổ Hà, du khách sẽ thấy cảnh người dân tấp nập phơi bánh trên khắp các ngả đường, các bãi đất bỏ trống và cả những ngõ nhỏ,

Trang 20

chật chội Điều đó tạo cho Thổ Hà một khung cảnh độc đáo, vừa thi vị vừa dân dã mà đậm chất thôn quê Các nghề này đã lưu lại những hương vị truyền thống rất đặc trưng của làng quê Thổ Hà, đồng thời còn giúp người dân ổn định đời sống và có thu nhập đều đặn hơn Tuy nhiên, môi trường Thổ Hà cũng ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng do ảnh hưởng của làng nghề Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền để Thổ Hà trở thành một địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn

Ngày nay, khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, các hoạt động buôn bán, trao đổi ở Thổ Hà càng trở nên nhộn nhịp Với lợi thế gần thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế của cả nước, hệ thống giao thông thuận tiện, Thổ Hà những năm gần đây đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện

Người Thổ Hà rất có ý thức tôn sư trọng đạo và coi trọng việc học Hiện nay, ở làng vẫn có Câu lạc bộ Hán Nôm được thành lập từ năm 1996 Làng còn có hội người cao tuổi, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức lễ hội hàng năm và góp phần to lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn những di sản văn hóa - nghệ thuật của quê hương

Ở Thổ Hà còn có chợ làng, nằm ở vị trí ngay bến đò Bên dòng sông Cầu thơ mộng, phiên chợ họp thường xuyên mỗi buổi sáng Chợ trở thành nơi trung tâm buôn bán và tập hợp hàng hóa cũng như phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt của người dân Thổ Hà Ngày nay, chợ vẫn mang nhiều nét của chợ quê xưa với những lều quán đơn sơ, giản dị Ở Thổ Hà, đất chật người đông nên việc xây mới các công trình công cộng, phúc lợi xã hội không dễ dàng như các nơi khác Ngay cả sinh hoạt của trẻ em, học sinh ở môi trường địa phương cũng vô cùng chật hẹp Mặc dù vậy, các trường học dành cho học sinh tiểu học, mầm non được xây dựng ngay gần khu vực trung tâm của làng để cho con em trong làng theo học một cách thuận lợi nhất

1.1.3 Đặc điểm văn hóa

1.1.3.1 Đời sống văn hóa vật chất

* Những công trình kiến trúc cổ ở làng Thổ Hà

Kiến trúc nhà cửa ở Thổ Hà mang phong cách cổ, đậm chất quê, từ cổng vào làng, con đường làng, cho đến những ngôi nhà cổ và điếm làng Điều ấn tượng đặc biệt khi đến Thổ Hà là cổng làng Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc rất cổ kính và cũng

là một trong những chiếc cổng làng đẹp nhất của vùng hạ lưu sông Cầu Cổng được đặt ở vị trí đầu làng như một một biểu tượng văn hóa làm nên bản sắc riêng từ bao đời nay của Thổ Hà Cổng được xây dựng năm 1692, với hai tầng mái bằng gạch thô, không trát vữa Mặt trước và mặt sau của cổng làng đều được tạo ô cửa cuốn mái vòm Trên cổng làng hiện nay vẫn có khắc chữ ở cả hai mặt cổng Mặt trước ghi rõ

Trang 21

“Thổ Chi Tân” (đất thiêng bền đẹp), mặt sau ghi “Hà Nguyên Hậu” (nước nguồn vô tận) Tại cổng làng còn có đôi câu đối:

Muôn đại vinh khai nghênh khách chí Lầu cao hỉ kiến vĩnh bằng lai

(Cửa lớn mở rộng đón chào khách đến Lầu cao vui gặp bạn xa về)

Cổng làng Thổ Hà như một biểu tượng đặc biệt của vùng quê Việt cổ mà người dân Thổ Hà gìn giữ, trân trọng Bên cạnh đó là những con đường làng rất ấn tượng Đường làng Thổ Hà nhỏ và hẹp, chỉ vừa một người đi xe máy, được lát bằng gạch đỏ truyền thống nay đã mòn dần theo thời gian Những ngõ vào làng dài và sâu, rồi cả những bức tường không trát vữa, còn nguyên những mảnh gốm cũ chồng ghép lên nhau, mang dấu ấn đậm nét của làng nghề truyền thống

Ở Thổ Hà, ngoài những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ còn có những ngôi nhà cổ độc đáo Đất đai chật hẹp nên nhà cửa san sát nhau Làng Thổ Hà vẫn còn giữ gìn được một số ngôi nhà cổ xây dựng khoảng trên 100 năm Đây được xem

là những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở đồng bằng Bắc Bộ Vật liệu xây dựng của ngôi nhà

là những sản phẩm nghề gốm rất độc đáo Nhà cổ của người Thổ Hà thường rộng rãi, thoáng mát, ban thờ được trang trí một cách cầu kì và trang trọng thể hiện niềm thành kính, thiêng liêng Không gian ngôi nhà cổ thường được sắp xếp với cấu trúc bên trong đậm nét truyền thống, gian giữa thờ gia tiên, gian bên thờ Thánh sư và gian tĩnh thờ Phật Kiến trúc được chạm khắc các đề tài hoa, lá, vân mây, đao mác…làm tôn thêm vẻ đẹp tinh tế cho ngôi nhà Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, những ngôi nhà cổ ở Thổ Hà còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý như hoành phi, bia đá Những ngôi nhà cổ ở đây được xem là báu vật vô giá bởi vẫn giữ được y nguyên kiến trúc ban đầu Xung quanh tường bao làm bằng tiểu sành, là những dấu tích còn sót lại của nghề gốm Những ngôi nhà cổ không chỉ đẹp ở đường nét kiến trúc

mà còn đẹp ở lối sống gia đình đậm nghĩa tình, giàu truyền thống… Đó cũng chính là tinh hoa mà bao đời nay người dân Thổ Hà trân trọng, nâng niu Ngày nay, những ngôi nhà cao tầng đã và đang dần thay vào những ngôi nhà cổ Tuy nhiên, đường xá hẹp và chật chội, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống và sinh hoạt của người dân nơi đây

Điếm Thổ Hà là công trình kiến trúc cổ cũng đặc biệt ấn tượng, tô điểm thêm cho vẻ đẹp mộc mạc, dân dã mà hữu tình của làng quê Bắc Bộ Đây không chỉ là công trình tín ngưỡng thờ Thổ Thần mà còn là nơi canh gác làng, nơi nghỉ chân của

Trang 22

khách đường xa Thổ Hà có tám điếm làng Tất cả đều được xây bằng gạch, kèo gỗ, lợp ngói Những ngôi điếm làng thường không lớn lắm, có ba gian, khuôn viên gọn gàng, tường xây bít đốc, lợp mái ngói Đối với người dân Thổ Hà, điếm làng có vai trò vô cùng quan trọng Vào các ngày đại lệ, làng đều có lễ chay, lễ mặn để dâng cúng Thổ Thần Điếm làng cũng là địa điểm mà mỗi xóm nhỏ của Thổ Hà chuẩn bị

đồ lễ để nghênh rước thánh trong ngày hội làng

Có thể nói, những công trình kiến trúc cổ của làng Thổ Hà đang là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; đồng thời là kho tư liệu vô cùng quý giá cho những nhà nghiên cứu về kiến trúc, mĩ thuật, là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn cho những nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn tham gia sáng tác nghệ thuật

* Hệ thống di tích quốc gia ở làng Thổ Hà (đình, chùa, từ chỉ)

Ngoài cổng làng, đường làng, nhà cổ và các điếm làng, Thổ Hà còn có quần thể di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm: đình, chùa, từ chỉ Các công trình kiến trúc này rất tiêu biểu và có giá trị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương và du khách xa gần Đình Thổ Hà được xây dựng năm 1692, đây là ngôi đình cổ nổi tiếng xứ Kinh Bắc, đời Lê Hi Tông, mang đậm giá trị kiến trúc nghệ thuật ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Ngôi đình được đặt

ở vị trí trung tâm của làng, bên bờ Bắc sông Cầu, phía trước là bến đò và chợ Thổ Hà Đình Thổ Hà gồm ba nếp nhà là tiền tế, đại đình và hậu cung Tiền tế gồm ba gian hai chái nằm song song với đại đình, làm theo kiểu bốn mái cong, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ dải gắn hộp hình hoa chanh Đại đình gồm năm gian hai chái, thành phần chịu lực chính là bộ khung gỗ gồm 48 cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân, 24 cột hiên Hậu cung gồm ba gian kiến trúc, làm theo kiểu tường hồi bít đốc, hai hồi đắp hình hổ phù, bờ dải làm theo kiểu long đình Kiến trúc của đình Thổ Hà rất hoành tráng, điêu khắc cầu kì, tỉ mỉ, tinh tế Ðình thờ Lão Tử là Thành hoàng làng Vị thần này xuất thân từ Trung Quốc nhưng gắn bó với người dân Thổ Hà là làm gốm xưa kia Tương truyền về sự tích Lão Quân, ông trông lò bát quái trên thiên đình, rất gần với công việc làm gốm Có lẽ vì thế, Lão Quân đã được Việt hóa Ông có công dẹp giặc Xích Quỷ, giúp An Dương Vương xây thành ốc và hóa ở Thổ Hà Ngoài ra, ông còn có công mở trường dạy học ở làng Ông được vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái Thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu thờ Do vậy, dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, cầu mong ông phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình

an, may mắn và hạnh phúc Ở Bắc Giang, cùng với đình Lỗ Hạnh được xây dựng năm 1576 thì đây là ngôi đình cổ thứ hai Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm

Trang 23

linh, văn hóa của người Việt Hiện nay, đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ chứa nhiều giá trị nghiên cứu văn hóa, lịch sử Những đường nét kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Nghệ thuật trang trí điêu khắc với các chủ đề đa dạng như: hình rồng, phượng, lân, các con thú, các hình hoa, lá, mây, tiên nữ Hơn nữa, đình còn lưu giữ được một số hiện vật cổ có giá trị lịch sử, văn hóa từ thời Lê, thế kỉ XVII, XVIII, và thời Nguyễn, thế kỉ XIX như ngai thờ, bài vị, kiệu bát cống, kiệu song hành, bàn đài, hương án, hoành phi, câu đối Ngôi đình cổ không những kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là nơi lưu giữ bề dày lịch sử, văn hóa

ở khu vực bờ Bắc sông Cầu, được xếp là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Chùa Thổ Hà cũng là công trình kiến trúc nổi tiếng, vị trí được đặt kế tiếp với ngôi đình Căn cứ vào các thông tin khắc trên bia đá ở cửa chùa, được biết năm Canh Thìn (1580) đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân (1610), chùa được tu sửa lại Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự” là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa có quy mô lớn, bao gồm cổng Tam quan, Gác chuông và Tiền đường Tam quan chùa được đặt sát sau đình Gác chuông và Tiền đường được chạm trổ cầu kì với các đề tài rồng mây, hoa lá Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn và tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen Từ tòa Tam Bảo vào tới Động Tiên, kiến trúc rất độc đáo Động Tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi rời bỏ kinh thành vào động tu hành đến khi đắc đạo, tu thành chính quả Chùa là không gian sinh hoạt văn hóa trung tâm của làng mỗi khi có lễ hội hay các sự kiện quan trọng Nơi đây, mỗi dịp lễ hội, vào buổi tối thì trong chùa thường hát quan họ, ngoài sân chùa, cạnh nhà văn hóa có trò diễn tuồng Chùa Thổ

Hà không chỉ là nơi thờ phật mà còn là nơi hội tụ, gắn kết của người dân địa phương trong niềm vui đến từ câu ca, tiếng hát

Cùng với đình và chùa, từ chỉ làng Thổ Hà cũng rất đặc biệt Từ chỉ được xây dựng vào thế kỷ XVII, thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 72 vị tiên hiền Khi mới xây dựng,

từ chỉ nằm cạnh chùa Thổ Hà, đến năm 1794, từ chỉ được chuyển ra, đặt trên một khuôn viên nhỏ, hướng về phía Tây Nam, nhìn ra dòng sông Cầu Hiện nay, trong từ chỉ vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý như: hoành phi, câu đối, đồ thờ…Đặc biệt, tám tấm bia đá quý của từ chỉ ghi chép lại tên tuổi những người con của làng Thổ Hà có thành tích đỗ đạt cao Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan Đặc biệt là vào mùa thi cử, các sĩ tử đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính mong được đỗ đạt hiển vinh Với những đóng góp tiêu biểu về giá trị

Trang 24

nghệ thuật, từ chỉ làng Thổ Hà đã được công nhận là di tích nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 12/02/1994

Nhìn chung, các công trình này được xây dựng rất lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là những di tích nổi tiếng ở Bắc Giang Các di tích không chỉ là sản phẩm của nhận thức, tư duy con người về thế giới mà còn là nơi để người dân biểu hiện niềm tin, khát vọng, gửi gắm quan niệm về chân - thiện - mĩ

* Về văn hóa ẩm thực

Ẩm thực cũng là một nét đặc sắc của làng Thổ Hà Địa danh Thổ Hà từ lâu đã nổi tiếng là nơi lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của một vùng quê văn hiến Thời xưa, ở Thổ Hà ăn uống rất cầu kì và khi đi ăn cỗ, những người cùng vai

vế, cùng lứa tuổi mới được ngồi cùng nhau Cho đến nay, so với nhiều nơi khác thì làng quê này vẫn còn giữ được một số nét truyền thống trong văn hóa ẩm thực Các món ăn vẫn được nấu rất cầu kì, khéo léo và mang vị đặc trưng chỉ có ở làng Thổ Hà

Cỗ của Thổ Hà ngày nay không phải cỗ ba ràng như trước kia nhưng mang vị rất riêng Trong mâm cỗ, bao giờ cũng có món xáo chuối, đây là món ăn rất độc đáo trong cách chế biến mà các nơi khác không có Bất cứ ai đi ăn cỗ ở Thổ Hà sẽ không thể quên được hương vị của món ăn này Ngoài món xáo chuối, còn có món thịt chó, món thịt ếch cũng là món đặc biệt ấn tượng trong lòng người thưởng thức Bên cạnh đó, Thổ Hà còn nổi tiếng với những món ăn dân dã, bình dị mà đậm đà, hình thức hấp dẫn, chế biến công phu Tiêu biểu là bánh khúc tai mèo, cháo bánh canh, món chè xắn Mỗi món ăn đều có những đặc trưng riêng, để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi có dịp đến lễ hội Thổ Hà

Người Thổ Hà với cách sống, cư xử, giao tiếp, cho đến cách ăn mặc, đi lại, đều toát lên một vẻ gì đó rất nhã nhặn, đủ thân mật nhưng cũng thừa khoảng cách, chứ không thoải mái tự nhiên như ở các làng quê khác Phải chăng, ẩn sau tính cách của những con người đó có phảng phất cái hồn của chúa Trịnh xa xưa

1.1.3.2 Đời sống văn hóa tinh thần

* Về tín ngưỡng

Thổ Hà nằm trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc của vùng Kinh Bắc Tiếp giáp với Thổ Hà, về phía Đông Nam là đất Bắc Ninh, nơi đây đã nổi tiếng với các di tích văn hóa, lịch sử như: văn miếu Kinh Bắc, đền thờ bà mẹ Thánh Gióng, đền thờ Bà Chúa Kho và các đình chùa khác Thổ Hà có hệ thống dày đặc các hội hè, đình đám, các hình thức diễn xướng dân gian, các mối giao lưu văn hóa tiêu biểu nhất của đất Kinh Bắc thuở xưa Đó là cơ sở cho việc duy trì đời sống tâm linh của người dân

Trang 25

Nơi đây có đền Vua Bà - đền thờ Thủy tổ Quan họ và có cả một dải đất hai bên bờ sông Cầu thờ Thánh Tam Giang gắn với hai thời kì lịch sử: Thời Triệu Quang Phục đánh giặc Lương vào nửa cuối thế kỉ VI và thời Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt vào năm 1076, 1077

Nơi đây có tục thờ thần Rắn, liên quan đến quan niệm dân gian về nguồn gốc người Việt, đến tục thờ totem (vật tổ) thời nguyên thủy của cư dân trồng lúa nước, lấy con rắn làm vật tổ Tín ngưỡng này đã có từ rất lâu đời, phản ánh niềm khao khát lí giải

và chinh phục tự nhiên cũng như mong ước về sự bình yên, hạnh phúc của người dân

Cùng với những tín ngưỡng bản địa và tục thờ cúng tổ tiên thì Thổ Hà là làng thờ Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo) Thánh tổ được thờ ở ba “thánh đường” tôn nghiêm, trang trọng Đó là chùa Đoan Minh Tự thờ Phật, đình thờ Lão Tử và từ chỉ thờ Khổng Tử Điều đặc biệt là vào những năm đầu của thế kỉ XX, ở làng cũng từng có nhà thờ Công giáo Ngày nay, Công giáo không còn ở Thổ Hà

Thổ Hà nổi tiếng với các lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng làng, tổ nghề gốm ở địa phương Tín ngưỡng về ông tổ nghề gốm Thổ Hà đã được củng cố bằng việc thờ cúng Cụ tổ nghề gốm Đào Trí Tiến được thờ tại đây Một năm tế vào các ngày 20/2

và 15/8 âm lịch Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển thì tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng tổ nghề cũng được coi trọng Tín ngưỡng thờ cúng ông tổ nghề gốm ở Thổ Hà vẫn được duy trì và tiến hành một cách long trọng, trang nghiêm Tín ngưỡng này có tác dụng giáo dục lòng biết ơn, tưởng nhớ ông tổ nghề, sự gắn bó nghề nghiệp của những người làm nghề và ý thức tiếp nối nghề nghiệp của người thợ làm gốm Nhìn chung, những thành tố văn hóa cơ bản của người Việt được thể hiện sinh động, rõ nét ở làng Thổ Hà Những bản sắc văn hóa này đã được người dân nơi đây trân trọng, bảo vệ và phát huy

* Về phong tục tập quán

Mặc dù trải qua nhiều thế kỉ, với những biến động của lịch sử và sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội nhưng người dân Thổ Hà vẫn luôn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên Nhìn từ góc độ văn hóa có thể thấy, lối sống nghiêm ngặt theo quy định chặt chẽ của lễ giáo phong kiến được thể hiện trong những vai diễn của người nông dân, nơi mảnh đất tuồng nảy sinh, phần nào đã hình thành những phong tục riêng ở vùng đất này

Làng có một tập tục rất độc đáo liên quan đến việc truyền nghề, trong gia đình, cha mẹ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu Tập tục này được tuân thủ nghiêm ngặt, lâu đời ở xã Vân Hà Bên cạnh đó, làng Thổ Hà còn có những tập quán rất đặc

Trang 26

biệt về tang ma và cưới hỏi Về ma chay, người đi đám ma chỉ thực hiện đến viếng

mà không nặng việc điếu phúng, trả nợ Về cưới hỏi, thủ tục không rườm rà, phức tạp nhưng vẫn giữ được tính chất trang trọng ấm cúng, vui vẻ Cưới xin ở đây không có mặc cả, định lễ và thách cưới, quan trọng là đôi lứa sống hạnh phúc với nhau Vì lẽ

đó, Vua Tự Đức đã ban tặng cho làng bốn chữ rất đáng quý: “Mĩ tục khả phong”, nghĩa là làng có nhiều phong tục tập quán đẹp

Ở Thổ Hà còn có tục vào đinh, khi đứa trẻ lên sáu tuổi là vào giáp, đến 18 tuổi lại phải trình giáp một lần nữa để được lên đinh, rồi được lên chiếu các cụ Mỗi người con trai sinh ra ở làng đều phải đem một cái lễ mọn ra đình để làm lễ Thành hoàng và

để cho làng ghi tên vào sổ đinh Từ khi trưởng thành thì người con trai đó phải tham gia vào việc làng theo giáp của mình, như việc đóng góp tiền, tu bổ chùa, đình, đền, miếu, hội hè, cầu cống… Thổ Hà còn có một nét đẹp thể hiện văn hóa trọng nghĩa, trọng tình đó là lệ khao lão Làng có người nào lên lão thì được nhận cờ đỏ thêu Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường nhưng Thổ Hà vẫn giữ được phong cách và bản sắc của quê hương mà cha ông họ đã tạo dựng

* Về lễ hội truyền thống ở làng Thổ Hà

Lễ hội là sản phẩm văn hóa kết tinh lâu đời trong tiến trình lịch sử của xã hội, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tăng tình đoàn kết cộng đồng, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Lễ hội làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những lễ hội lớn, nổi tiếng khắp cả nước, được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch Năm 2012, lễ hội Thổ Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Theo lệ mới, cứ hai năm lễ hội sẽ tổ chức lễ rước một lần Lễ hội thường kéo dài ba ngày Các nghi thức, nghi lễ diễn ra uy nghiêm, thành kính Trong đó, đình, chùa là trung tâm chính của lễ hội Với người dân trong làng, lễ hội hàng năm là một dịp sinh hoạt văn hóa rất quan trọng nên họ có thể tạm gác công việc và chuẩn bị đón lễ hội một cách tươm tất Lễ hội có tế thần, rước sách và tổ chức các trò vui truyền thống Rất nhiều cuộc thi được tổ chức trong

lễ hội như: bóng bàn, cờ tướng, đấu vật, đá gà, thi bơi bắt vịt dành cho người dân địa phương và những vị khách thập phương tham dự Trong lễ hội cổ truyền của làng Thổ Hà, việc hát quan họ và biểu diễn tuồng là không thể thiếu Vì thế, dân gian đã

có câu nói: “Phi tuồng cổ bất thành hội” Lễ hội Thổ Hà gắn kết con người lại gần nhau để cùng hướng về cội nguồn và tri ân công lao của các bậc tiền nhân - những

Trang 27

người đã gây dựng, sáng tạo và để lại cho con cháu mai sau những di sản văn hóa vô cùng độc đáo và ý nghĩa

* Về văn hóa nghệ thuật

Thổ Hà không chỉ là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể mà nơi đây còn bảo lưu vốn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua các loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là dân ca quan họ và tuồng cổ Trên cơ sở nền kinh tế phát triển, cuộc sống nhân dân ổn định, người dân Thổ Hà đã tạo được đời sống văn hóa tinh thần phong phú Các hình thức ca hát và diễn xướng dân gian như diễn tuồng, hát quan họ được nuôi dưỡng

Vùng quê này vẫn giữ được những lề lối sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống của người dân làng gốm ven sông Cầu, được thể hiện qua cách chào hỏi, giao tiếp quan họ Thổ Hà có quan họ từ bao giờ không ai còn nhớ rõ, chỉ biết rằng từ xưa các cụ đã biết hát quan họ, lớp trước truyền lại cho lớp sau và cứ thế nối tiếp nhau gìn giữ cho đến ngày nay Sau những ngày lao động vất vả, cứ mỗi độ tết đến xuân về, làng mở hội, nhân dân lại được thưởng thức những làn điệu quan họ, xem những vở tuồng cổ do chính những người trên quê hương mình biểu diễn Dân gian vẫn thường dành câu khen ngợi cho vùng đất Thổ Hà: “Về Thổ Hà mới ra quan họ” Nghĩa là người chơi quan họ nguyên gốc, không hát chế, không chạy theo thị trường, không pha tạp, lai căng mà thổi hồn vào những lời cổ, những cung bậc cảm xúc ngân nga,

ấm áp lòng người Quan họ là một phần quan trọng trong lễ hội cũng như nhiều hoạt động văn hóa tại làng Thổ Hà Nhiều đoàn quan họ từ các nơi cũng tụ hội về lễ hội Khi mùa xuân về, cùng với không khí đất trời rạo rực vào xuân thì người dân Thổ Hà cũng say sưa trong những câu quan họ, các cuộc hát xướng diễn ra suốt ngày đêm, trong sân đình, trong chùa, trên dòng sông Cầu thơ mộng Đâu đâu cũng văng vẳng những câu quan họ tha thiết ngọt ngào đầy nỗi niềm tâm sự của các liền anh liền chị như tiếng lòng của người dân Kinh Bắc Quan họ Thổ Hà thể hiện văn hóa ứng xử thanh tao, chân tình, khiêm nhường, tế nhị của con người nơi đây Thổ Hà nằm trong

số 49 làng quan họ cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Làng Thổ Hà không chỉ nổi tiếng với lối chơi quan họ độc đáo mà còn là nơi duy nhất ở tỉnh Bắc Giang lưu giữ được nghệ thuật tuồng cổ, một di sản văn hóa đáng trân trọng Trong rất nhiều di sản ở làng cổ Thổ Hà thì Tuồng Thổ Hà là một di sản văn hóa độc đáo Nghệ thật tuồng là nét văn hóa truyền thống cổ truyền gốc của Thổ

Hà được người dân nơi đây duy trì đến ngày nay Người sáng lập ra đội Tuồng Thổ

Trang 28

Hà là cụ Trùm Tre, tiếp đến là cụ Bách Cốc, rồi đến đời thứ ba là ông Nguyễn Đức Đích, đời thứ tư là ông Nguyễn Đức Dĩ, đời thứ năm là ông Trịnh Xuân Thanh Đội tuồng của làng là do dân lo kinh phí để duy trì và hoạt động Hiện nay, đội tuồng có khoảng 19 thành viên, ngoài việc biểu diễn để phục vụ dân làng trong những ngày lễ hội, những sự kiện chính của làng, đội tuồng còn tham gia hội diễn đi biểu diễn ở khắp nơi mỗi khi có nhu cầu của từng địa phương

Ngoài ra, hát ca trù cũng là một nét văn hóa tiêu biểu của Thổ Hà Xưa kia, làng có truyền thống hát ca trù nhưng dần dần các lớp nghệ sĩ hát ca trù không còn nữa, lớp con cháu sau này không ai tiếp tục hát ca trù Song, vì tấm bia của làng có

ghi về việc hát ca trù: “Hễ mở cửa đình để tế lễ thần thì phải đón ca trù” Do vậy,

hàng năm các cụ ở đây đã đầu tư một số tiền chi cho việc hát ca trù để có thể duy trì nét văn hóa vốn đã tồn tại xưa kia

Có thể nói, văn hóa nghệ thuật dân gian xã Vân Hà nói chung và văn học nghệ thuật dân gian Thổ Hà nói riêng khá phong phú về nội dung, thể loại cũng như các hình thức diễn xướng Bên cạnh những đặc điểm chung của văn học truyền thống thì văn học nghệ thuật dân gian Thổ Hà có những nét riêng độc đáo Và với người Thổ

Hà, văn học nghệ thuật dân gian đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, không chỉ góp phần làm tăng niềm vui, mà còn thắt chặt tình cảm giữa con người với con người trong cuộc sống

1.2 Diện mạo văn học dân gian huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

1.2.1 Diện mạo chung

Trong quá trình điền dã, khảo sát về văn học dân gian huyện Việt Yên, chúng

tôi nhận thấy, văn học dân gian ở đây khá phong phú, đa dạng Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những truyện kể thuộc thể loại thần thoại, truyện cổ tích, truyện cười ở vùng quê này gần như vắng bóng Có thể, trong quá trình lưu truyền bằng hình thức miệng, các truyện kể này đã bị rơi rụng, thất tán Đến khi có chữ viết, người dân đã ghi chép, sưu tầm, khôi phục thì gần như không còn văn bản nào Nhưng có một đặc điểm nổi bật trong kho tàng truyện kể dân gian của huyện Việt Yên, truyền thuyết xuất hiện dày đặc Truyền thuyết phản ánh lịch sử dân tộc trên quê hương với những dấu ấn in đậm trong các di tích lịch sử, lễ hội Đó là những câu chuyện về sự kiện,

nhân vật lịch sử mang đậm tính chất huyền thoại Chẳng hạn: Sự tích chùa Bổ Đà, Truyền thuyết về các vị thần ở vùng Phúc Lăng, Phúc Tằng, Truyện kể về Lão Đam

ở Thổ Hà, Truyện kể về nghề nấu rượu ở làng Vân, Truyện tổ nghề gốm Thổ Hà

Các truyện kể về nguồn gốc ra đời của các làng, các nghề như làng Thổ Hà, nguồn

Trang 29

gốc ra đời của nghề gốm Thổ Hà, lí giải nguồn gốc thờ Thánh Tam Giang, tín ngưỡng thờ thần Rắn dọc bờ sông Cầu gắn liền với nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao với dân, với nước Các truyện kể này thường được ghi chép trên bia đá ở đền, đình, chùa của địa bàn các làng, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây; thể hiện thái độ trân trọng, thành kính và tôn vinh, ghi nhớ công ơn những người đi trước đã mở mang bờ cõi, giữ gìn chủ quyền độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân

Về thể loại các câu nói dân gian: Tục ngữ đúc kết ngắn gọn những nhận định, kinh nghiệm trong cuộc sống, thể hiện một cách chắt lọc, cô đọng, gắn liền với những địa danh, sự kiện lịch sử - xã hội của một làng quê, một vùng quê xứ Bắc Nói về phong cách và tập tục ở Bắc Giang, tục ngữ ghi chép một cách khá cặn kẽ, tỉ

mỉ và đầy đủ Chẳng hạn, hệ thống các làng hay nói khoa trương, hay châm chích thói hư, tật xấu của con người và những điểm nổi bật của từng làng:

- Nói giễu Kẻ Xe

Nói khoe Kẻ Chuối - Liềm Kẻ Rào, dao Thống, Vát

Nói khó Dục Quang - Cồng Quang Biểu, kiệu Đông Tiến, Nói ngang Bích Động - Làng Kép chết nép bờ ao

Nói dối Mật Ninh Làng Núi đánh mõ vừa đào vừa chôn Nói khinh Sen Hồ - Cua Sen Hồ, cá rô Đình Trám

- Xôi trắng làng Kép - Cá rô đồng Nếnh,

Khuôn phép làng Chàng Nước mắm Vạn Vân,

Huyênh hoang làng Núi Rau cần Kẻ Chúc

Bánh đúc chợ Chay

Vè cũng rất đa dạng, bộc lộ thái độ của người dân lao động trước sự việc nào

đó Ví dụ Vè Đại Trận khởi nghĩa:

Giặc kia Đại Trận làm đầu Quan quân binh lính ra mầu phải theo Ngoài xuôi nước nổi như bèo

Giặc phá Mỏ Thổ quan theo mé này

[Điền dã tại Vân Cốc, Vân Trung, Việt Yên] Thể loại trữ tình dân gian: Ca dao là tiếng lòng của những người bình dân Những bài ca dao chứa đựng bản sắc riêng của một vùng đồng quê trù phú với những con người sâu đậm nghĩa tình Với thể lục bát quen thuộc, được lồng vào

Trang 30

những tên đất, tên người, tên sản vật, tên sự kiện, người lao động đã tạo nên một lối thơ đầy màu sắc, vần điệu mà vẫn rất cô đọng:

- Dù ai xấu xí như ma - Cao nhất là núi Tam Tầng

Tắm nước Thổ Hà lại đẹp như tiên Anh còn đạp đổ nữa rừng cỏ may

- Nước Thổ Hà vừa trong vừa mát - Sen Hồ chính đất ăn chơi

Đường Thổ Hà gạch lát dễ đi Mật Ninh lái củi bán nơi chợ Cầu

Ai về Đông Tiến làm chi - Thổ Hà gánh đất nặn nồi

Quanh năm lụt lội đường đi lầy bùn Vạn Vân nấu rượu cho người ta mua

[Điền dã tại Quang Châu, Việt Yên]

Về dân ca, trong đó có quan họ - một tiểu loại của dân ca được nhân dân Việt Yên rất yêu thích Điều đáng chú ý, Bắc Giang có năm làng quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là làng Hữu Nghi, làng Nội Ninh, làng Giá Sơn, làng Mai Vũ của xã Ninh Sơn và làng Sen Hồ, thị trấn Nếnh đều thuộc huyện Việt Yên Người dân thường hát quan họ trong các dịp lễ, hội, giao lưu với các vùng, miền khác vừa tạo không khí vui tươi, vừa góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa quan họ của quê hương Ca dao, dân ca đã gắn liền

với hơi thở, suy nghĩ, tâm tình của biết bao thế hệ người dân Việt Yên, Bắc Giang

Sân khấu dân gian: Loại hình sân khấu dân gian chèo, tuồng đã tồn tại lâu đời ở Bắc Giang Làng Hoàng Mai là nơi được coi là đất diễn cho các vở chèo phát triển mạnh mẽ Câu lạc bộ Chèo Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên được nhiều người biết đến, đem lại niềm vui, tình yêu đời trong cuộc sống bình dị nơi thôn quê sau những ngày lao động vất vả Ngoài chèo cổ, tuồng cổ cũng là một loại hình độc đáo ở huyện Việt Yên Ngày nay, ở các vùng nông thôn Bắc Bộ, rất ít vùng còn duy trì được loại sân khấu cổ truyền này Đặc biệt, nghệ thuật tuồng duy nhất chỉ còn được lưu giữ trên mảnh đất Thổ Hà Điều này cho thấy, trong kho tàng văn học dân gian nhiều màu sắc của Thổ Hà, tuồng vẫn chiếm một vị trí quan trọng

1.2.2 Tuồng - hình thức sân khấu dân gian đặc sắc

1.2.2.1 Khái niệm

Khi nghiên cứu về tuồng, trước hết, cần phải hiểu tuồng là gì? Theo Từ điển tiếng Việt định, tuồng được định nghĩa như sau: “Là loại kịch hát dân tộc cổ truyền, mang tính chất tượng trưng và ước lệ, lời viết theo các thể văn vần cổ, thường chuyên

về đề tài lịch sử” [25; tr.1066]

Trang 31

Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả cho rằng: “Tuồng còn gọi

là hát bộ hay hát bội, một loại kịch hát truyền thống của người Việt, phát triển song song và độc lập với chèo và sau này với ca kịch cải lương Tuồng hình thành từ thời

Lý - Trần dưới hình thức “cảnh tượng”, phát triển mạnh ở Đàng ngoài dưới thời Lê Mạt và ở Đàng trong dưới thời Nguyễn” [4; tr 378]

Trong cuốn Vị trí thể loại sân khấu tuồng truyền thống, Nguyễn Thị Nhung đã dẫn cách hiểu về tuồng theo nhiều nguồn khác nhau: “Tuồng là loại sân khấu kể lại những chuyện bằng nghệ thuật diễn viên” (Hoàng Châu Ký); “Tuồng là sân khấu mô hình khoa trương, đúc kết cuộc sống thành những mô hình cơ bản chính là cái lõi của nghệ thuật tuồng” (Lê Ngọc Cầu) [15; tr37]

Trong cuốn Lịch sử văn học dân gian Việt Nam, Nguyễn Xuân Yến đã chỉ ra tên gọi khác nhau của tuồng ở từng khu vực: “Người Huế gọi là hát bội, người Nam

Bộ gọi là hát bộ, người Bắc Bộ gọi là hát tuồng Mấy chục năm gần đây, giới nghiên cứu thống nhất gọi là nghệ thuật tuồng” [28; tr.380]

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu về thể loại Tuồng Thổ Hà, chúng tôi

nhận thấy, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ và nhất quán về hình thức sân khấu này Các nghệ nhân Thổ Hà đã đưa ra định nghĩa về tuồng bằng những tên gọi khác nhau như: Tuồng pho là tuồng nguyên vở, tuồng ở trong sách, trong vở; tuồng thầy: có thầy dạy, có trình tự, bài bản từ lề lối, bước đi, cách hát câu chữ

Theo các nghệ nhân làng Thổ Hà, tuồng có hai loại là tuồng truyền thống (tuồng cổ) và tuồng hiện đại Tuồng truyền thống là loại tuồng diễn theo lối cổ, từ cách nói năng, đi đứng, trang phục đến nội dung vở diễn; còn tuồng hiện đại là tuồng đã cải biên

so với tuồng cổ, thường đề cập đến vấn đề cuộc sống hàng ngày, cách nói, điệu hát, lối diễn xuất, phục trang cũng gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn

Như vậy, đã có khá nhiều cách hiểu về tuồng Căn cứ vào nội dung, hệ đề tài, hình thức thể hiện, căn cứ vào thực tế khảo sát, điền dã ở địa bàn nghiên cứu, trong

đề tài này, chúng tôi xin được đưa ra cách hiểu về tuồng như sau: Tuồng là một loại hình sân khấu cổ truyền, được hình thành trên cơ sở phối hợp cả văn học, ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam Xét theo các tiêu chí phân loại trên, chúng tôi xác định, các vở tuồng sưu

tầm được ở Thổ Hà thuộc tuồng cổ, tuồng truyền thống

1.2.2.2 Nguồn gốc và quá trình phát triển

Theo tìm hiểu và nghiên cứu của chúng tôi, Tuồng Thổ Hà có cách đây khoảng 130 năm, thế hệ các nghệ nhân tiếp bước đến thời điểm này là thế hệ thứ bảy

Trang 32

Nói về nguồn gốc của Tuồng Thổ Hà, nghệ nhân Phạm Tiến Tuấn cho rằng: Ngày xưa, cụ trùm của làng có vào trong phủ chúa ở Huế Cụ diễn tuồng trong đó, được nhà vua ban cho khám thờ Cụ mang tuồng từ đó về và truyền dạy cho nhiều lớp Con cháu cụ hiện giờ vẫn đang thờ khám thờ vua ban Thời đó, trong làng có hai cụ trùm

tuồng là cụ Bách Cốc và cụ Trùm Tre (tên họ đầy đủ của cụ là Trịnh Xuân Mấu, Tre

là gọi theo tên con) Cả hai cụ đều là người truyền dạy bộ môn nghệ thuật tuồng cho các lớp sau Tuy nhiên, cụ Trịnh Xuân Mấu là người được đi vào trong cung đình để diễn tuồng nên cụ được gọi là trùm tuồng Tuồng Thổ Hà cũng vì thế mà ảnh hưởng

rất nhiều từ tuồng miền Trung Chẳng hạn, trong vở tuồng: Sơn Hậu, thi thoảng có xuất hiện từ địa phương miền Trung: ủa, yêng, kìa, uẩy, a Đây là vở gốc của giáo sư

Hoàng Châu Kí biên soạn

Tuồng của Thổ Hà có sự ảnh hưởng, du nhập từ nghệ thuật truyền thống Trung

Quốc Các tích Tuồng Thổ Hà thường gắn liền với lịch sử Trung Quốc xa xưa Xuất

phát từ nguyên nhân lâu đời trong dân gian, các cụ đã có sẵn những vở đó, do chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc và sự giao lưu ảnh hưởng giữa văn hóa Việt Nam và Trung Quốc Như vậy, theo lời kể của các bậc tiền bối ở làng Thổ Hà thì

có thể thấy, Tuồng Thổ Hà đã có từ rất lâu đời

Xưa kia, trong thời kì chiến tranh, Tuồng Thổ Hà cũng đã dừng hoạt động từ những năm 1945 đến những năm 1954 Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi chiến tranh chống Mĩ, khoảng hơn 20 năm, tuồng không được diễn xướng Sau đó, các cụ trong làng mới huy động, gọi anh em bắt đầu hoạt động trở lại

Môn nghệ thuật này gắn bó mật thiết với văn hóa của người Bắc Giang nói chung và người dân Thổ Hà nói riêng Ngày nay, ở Thổ Hà, tuy nghệ thuật tuồng không phát triển mạnh nhưng người dân vẫn tập, vẫn diễn, vẫn giao lưu Loại hình nghệ thuật này vẫn đang tồn tại trong đời sống văn hóa và ảnh hưởng sâu sắc đến người dân nơi đây Họ vẫn say mê tuồng Làng Thổ Hà là nơi duy nhất của tỉnh Bắc Giang, nghệ thuật tuồng còn được lưu truyền từ đời này qua đời khác

1.2.2.3 Phân loại

Trong cuốn Lịch sử văn học dân gian Việt Nam, tác giả Nguyễn Xuân Yến

đã phân loại tuồng gồm có hai loại: tuồng bác học (tuồng thầy, tuồng cung đình) và tuồng dân gian (tuồng đồ, tuồng hài) Theo các tác giả Lê Ngọc Cầu, Phan Ngọc phân tích: Tuồng thầy là những vở có tính chất mẫu mực, những vở được đem ra dạy để truyền nghề cho đàn em, hay còn cho đó là những vở có thầy dạy mới diễn đúng phép tắc nhà nghề Bậc thầy là vua quan, là các nhà khoa cử, được vua chúa

Trang 33

tin cậy, giao trách nhiệm biên soạn và chỉ cách cho diễn viên dàn dựng Tuồng thầy thường có hai loại: Loại thứ nhất phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai phe đối lập nhau

là trung và nịnh để bảo vệ ngai vàng của vua Loại thứ hai, phản ánh mối quan hệ nội bộ giữa các quan lại trong triều, nhân vật thường là vua, quan, tướng, võ Con người lí tưởng của tuồng bác học là tuyệt đối trung thành với vua, thực hiện lí tưởng của người quân tử: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ Nội dung trong tuồng thầy hướng tới chữ trung Mâu thuẫn, xung đột thường gay gắt, quyết liệt giữa các phe phái, nhân vật Diễn viên vẽ mặt một cách kĩ lưỡng, cẩn thận theo mô hình trung, nịnh, lão Ngôn ngữ dùng Hán ngữ và điển cố Bố cục gồm nhiều hồi, màn

Còn về tuồng đồ, giáo sư Đặng Thai Mai đã nhấn mạnh: chữ “đồ” còn có nghĩa là học trò Có nghĩa là tuồng của trò để phân biệt với tuồng thầy, đó là loại chưa được xem là mẫu mực, là loại quê mùa của dân gian Các vở tuồng dân gian nói về nhân tình, thế thái, về mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày, về cách ăn, ở, cư xử trong gia đình, ngoài xã hội Nhân vật thường là người bình dân, quan lại cấp thấp, từ tri huyện trở xuống Con người lí tưởng của tuồng đồ là người sống lương thiện, có tình nghĩa Nội dung của tuồng dân gian thường hướng vào việc giáo dục chữ nghĩa, chữ thiện Bố cục tuồng dân gian thường chỉ có một hồi khá đơn giản Nếu dài thì bố cục khá lỏng lẻo Mâu thuẫn xung đột thường nhẹ nhàng hơn, không gay gắt quyết liệt như tuồng thầy Diễn viên

ít vẽ mặt, có vài nhân vật vẽ mặt nhưng cũng vẽ đơn giản, vẽ chủ yếu là khoa trương các nếp nhăn để giới thiệu tính cách, xuất xứ hoặc nhằm dụng ý châm biếm,

đả kích Sơn Hậu là vở tuồng thầy đặc sắc; tuồng dân gian tiêu biểu như Nghêu, Sò,

Ốc, Hến

Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả đã phân chia tuồng thành

hai loại là tuồng thầy và tuồng đồ Tuồng thầy còn có tên gọi là tuồng pho, là tuồng mang tính chất bác học, theo một quy trình bài bản từ biên soạn vở đến việc tập luyện và trình diễn được làm công phu, chặt chẽ đúng quy cách Nội dung trong các tích trò thường lấy từ sử, sách truyện Trung Quốc Đa số các vở tuồng thầy đều đề cao tư tưởng trung quân, ái quốc, ca ngợi những nhân vật anh hùng sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn

Tuồng đồ là loại tuồng bình dân mang sắc thái dân gian, đề tài của tuồng đồ hướng vào cuộc sống sinh hoạt và châm biếm xã hội, đả kích các thói tật của một số hạng người nhất định trong xã hội và lật tẩy bộ mặt xấu xa, thói tham lam, bòn rút dân đen của quan lại, bộ máy cai trị ở địa phương trong xã hội phong kiến xưa Tuồng đồ đậm yếu tố hài hước Trong tuồng đồ, diễn viên nói nhiều hơn hát, động tác

Trang 34

gần tự nhiên hơn, thường rất ít những động tác cách điệu của tuồng cung đình Những

vở tuồng tiêu biểu và quen thuộc trong di sản tuồng truyền thống như “Nghêu, Sò,

Ốc, Hến, Trương Ngáo, Trần Bồ, Trương đồ nhục, Nghĩa Hồ… Có thể nói, tuồng đồ

là sản phẩm thời kì phong kiến suy tàn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chủ yếu phát triển thịnh hành ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ, đặc biệt là vùng Bình Định, Quảng Ngãi” [4; tr.379]

Dựa vào những công trình nghiên cứu, cùng với quá trình điền dã, khảo sát, sưu tầm, chúng tôi xin đưa ra cách phân loại về Tuồng Thổ Hà như sau:

Căn cứ vào hình thức diễn xướng của tuồng, chúng tôi nhận thấy rằng: Tuồng

Thổ Hà chỉ có một loại, đó là tuồng truyền thống hay còn gọi là tuồng cổ, mang tính

cổ điển, khuôn mẫu của chế độ phong kiến

Căn cứ vào hệ đề tài của các tích tuồng, chúng tôi chia tuồng thành hai loại:

Một là, tuồng lấy các tích truyện của Trung Quốc thời xưa Ở Thổ Hà chủ yếu có các

vở tuồng theo nội dung này; Hai là, tuồng lịch sử, các vở tuồng viết về lịch sử Việt Nam, về các nhân vật anh hùng trong lịch sử như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ Tuy nhiên, tích tuồng liên quan đến lịch sử Việt Nam thì ở đây ít diễn, các cụ xưa không lưu giữ những vở đó Đến thế hệ sau, các nghệ nhân đi giao lưu với địa phương lân cận mới đem về một vài tích tuồng này Nhìn một cách tổng quát, cả hai loại tuồng trên thực chất vẫn là tuồng theo lối truyền thống hay nói cách khác chính là tuồng bác học (tuồng cung đình) Cũng là tuồng truyền thống nhưng ở Thổ Hà không

có tuồng đồ (tuồng hài) và cũng không có tuồng hiện đại, những vở diễn này có lẽ chỉ được diễn ở Nhà hát Tuồng Việt Nam Tuồng Thổ Hà lưu truyền trong đời sống dân gian, gần gũi, gắn bó với người dân nhưng lại giao thoa văn hóa với Trung Quốc, từ các tích tuồng có nguồn gốc của Trung Quốc cho đến các yếu tố Hán cổ, điển tích điển cố được sử dụng nhiều trong Tuồng Thổ Hà Vì vậy, Tuồng Thổ Hà nằm ở ranh giới giữa văn học dân gian và văn học viết

1.3 Thực trạng nghệ thuật tuồng của làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Tuồng Thổ Hà là một hình thức nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, là vốn văn hoá quý của người dân làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Tuồng làng Thổ Hà có giá trị nội dung và nghệ thuật phong phú, mang tính giáo dục cao, xoay quanh vấn đề đạo đức; vì thế, có chức năng giáo dục văn hoá ứng xử, lối sống nhân ái và truyền thống yêu nước Ở Bắc Giang hiện nay, duy nhất làng Thổ Hà còn tồn tại nghệ thuật tuồng Tuy nhiên, hình thức này cũng đang dần bị mai một

Trang 35

1.3.1 Trong đời sống cộng đồng

Trong quá trình điền dã, khảo sát, chúng tôi chưa tìm thấy và chưa được tiếp cận với các tích tuồng đã xuất bản thành sách Chúng tôi đã sưu tầm được 12 tích tuồng hiện đang lưu truyền và diễn xướng tại Thổ Hà Để có cái nhìn toàn diện hơn

về diện mạo của nghệ thuật Tuồng Thổ Hà, khi nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên người dân ở làng Thổ Hà, các nghệ nhân, các cán bộ quản lí văn hóa, giáo viên và học sinh Đối với người dân, với tổng số phiếu phát ra và thu vào là

190 phiếu, kết quả cụ thể thu được như sau:

Biểu đồ 1.1 Kết quả khảo sát người dân làng Thổ Hà

Người dân làng Thổ Hà đa phần đều biết đến bộ môn nghệ thuật này và rất yêu thích Đặc biệt là đối với người có tuổi, họ hiểu sâu sắc về tuồng nhưng không tham gia diễn xướng do điều kiện công việc hoặc tuổi đã cao Còn lớp trẻ, tuy thích tuồng nhưng không biểu diễn được, do đặc thù của bộ môn này rất khó

Đối với nghệ nhân làng Thổ Hà, khi tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, hiện nay trong làng có một Câu lạc bộ tuồng (gồm 19 thành viên) Câu lạc bộ được hình thành

tự phát, do đam mê nghệ thuật, kinh phí tự đóng góp Độ tuổi của họ chủ yếu tầm 60 -

65 tuổi Chủ nhiệm Câu lạc bộ là ông Phạm Tiến Tuấn, phó chủ nhiệm là ông Nguyễn Công Sơn, cùng các nghệ nhân Câu lạc bộ thường hoạt động vào lễ hội mùa Xuân, 20 đến 22 tháng Giêng hàng năm, những ngày quốc lễ 2/9, 19/5, ngày đình đám (làng có việc), ngày giỗ Thành hoàng làng hoặc ngày giỗ Tổ Thỉnh thoảng, đi

Nghe nói tới tuồng Biết diễn xướng tuồng

Tuồng có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng

Muốn tìm hiểu về diễn xướng tuồng

Trang 36

lưu diễn ở các địa phương khác như Cổ Loa, Đình Bảng, Đa Hội, Hội Gióng, Chờ,

Từ Sơn, Cầu Đuống… Họ truyền dạy bộ môn nghệ thuật này bằng hình thức: lớp trước dạy lớp sau

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn các nghệ nhân ở Thổ Hà, với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 19 phiếu, kết quả cụ thể như sau:

Biểu đồ 1.2 Kết quả khảo sát phỏng vấn nghệ nhân làng Thổ Hà

Các nghệ nhân cho biết, trong làng có Câu lạc bộ tuồng, tuồng thỉnh thoảng có diễn xướng trong đời sống sinh hoạt là những khi họ dạy nhau các điệu hát, điệu múa hoặc tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội hoặc các ngày quốc lễ quan trọng Còn lại, chủ yếu tuồng chỉ diễn trong ngày lễ hội hàng năm Đa số các nghệ nhân đều rất yêu và gắn bó với bộ môn này nên họ đều đánh giá tuồng có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng

và muốn truyền dạy tuồng cổ cho thế hệ trẻ để có người giữ gìn và tiếp nối

1.3.2 Trong môi trường giáo dục

Để tìm hiểu về sự phổ biến của nghệ thuật tuồng trong môi trường giáo dục, chúng tôi đã tìm hiểu thực trạng dạy học văn học địa phương tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Chúng tôi đã tiến hành khảo sát giáo viên tại 02 điểm trường với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 36 phiếu (THPT Việt Yên số 2: 19 phiếu, THPT Lý Thường Kiệt : 17 phiếu), kết quả thu được như sau:

Diễn xướng tuồng trong đời sống sinh hoạt Nơi sinh sống có thành lập Câu lạc bộ tuồng Tuồng có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng Muốn truyền dạy tuồng cổ cho thế hệ trẻ

Trang 37

Biểu đồ 1.3 Kết quả khảo sát giáo viên Trường THPT Việt Yên số 2

Biểu đồ 1.4 Kết quả khảo sát giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt

Nhìn vào số liệu biểu đồ trên ta thấy, các thầy cô đều đánh giá tuồng có giá trị quan trọng trong đời văn hóa cộng đồng Thổ Hà (chiếm 40%) Bên cạnh đó, các thầy

cô cũng cho biết, Nhà trường cũng không có Câu lạc bộ nào về tuồng Đặc biệt, nói

về vấn đề dạy học văn học địa phương tại trường, các thầy cô nhận định, không có bài học nào về nội dung các tích tuồng được đưa vào giảng dạy cho học sinh Xuất phát từ thực trạng này, các thầy cô rất mong muốn đưa tuồng vào giảng dạy cho học sinh trong trường học (chiếm 35%)

Như vậy, có thể thấy, trong chương trình văn học địa phương, không có bài học nào về thể loại tuồng Bên cạnh đó, các Nhà trường cũng không có Câu lạc bộ nào về tuồng được thành lập Đây cũng là hạn chế trong việc tìm hiểu, thực hành diễn xướng tuồng của học sinh Việt Yên

Nghe nói tới tuồng Tuồng có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Muốn đưa tuồng vào chương trình văn học địa phương Bài học về tuồng/ chương trình văn học địa phương

Nghe nói tới tuồng Tuồng có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Muốn đưa tuồng vào chương trình văn học địa phương Bài học về tuồng/ chương trình giáo dục địa phương

Trang 38

Về thực trạng nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng ở trường phổ thông, chúng tôi

đã tiến hành khảo sát trên đối tượng là học sinh của trường THPT Việt Yên số 2 và THPT Lý Thường Kiệt với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 370 phiếu (THPT Việt Yên số 2: 180 phiếu, THPT Lý Thường Kiệt: 190 phiếu), kết quả thu được như sau:

Biểu đồ 1.5 Kết quả khảo sát học sinh Trường THPT Việt Yên số 2

Biểu đồ 1.6 Kết quả khảo sát học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt

Một điều nhận thấy rõ, học sinh ở địa phương khác học tại trường thì hoàn toàn không biết đến nghệ thuật Tuồng Thổ Hà Học sinh là con em ở Thổ Hà thì biết đến bộ môn nghệ thuật này nhưng không có khả năng diễn xướng Như vậy, trừ con

em Thổ Hà thì hầu hết học sinh không biết về tuồng, từ đó dẫn tới hệ quả 100% học sinh không thể diễn xướng tuồng Đa số, nơi các em học tập và sinh sống cũng không có một Câu lạc bộ tuồng nào được thành lập để giúp các em tìm hiểu, học tập

và thực hành diễn xướng Đây là thực trạng đáng báo động cho việc gìn giữ, bảo tồn tuồng - giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của người Thổ Hà

Nghe nói tới tuồng

Diễn xướng tuồng trong hoạt động ngoại khóa của Nhà trường

Tuồng có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Muốn tìm hiểu về tuồng

Nghe nói tới tuồng Diễn xướng tuồng trong hoạt động ngoại khóa của Nhà trường Tuồng có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Muốn tìm hiểu tuồng

Trang 39

Như vậy, qua thực tế khảo sát cho thấy, một điều không thể phủ nhận rằng, Tuồng Thổ Hà cũng đang dần bị chìm vào lãng quên theo năm tháng Cần phải có những biện pháp cơ bản, kịp thời để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này của tỉnh Bắc Giang

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là địa phương

cư trú lâu đời của Bắc Giang Đây là vùng đất có địa hình đặc biệt, nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc, có vị trí tương đối thuận lợi trong việc giao lưu, phát triển kinh tế,

xã hội Thổ Hà còn rất nổi tiếng với các nghề truyền thống đã tạo ra nguồn việc làm

ổn định, giải quyết lao động dư thừa ở địa phương, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh tế ở xã Vân Hà nói riêng và huyện Việt Yên cũng như tỉnh Bắc Giang nói chung Nhờ có bề dày về lịch sử cùng những điều kiện thuận lợi về địa lí, đến nay người Thổ Hà đã vươn lên và đang trên đà phát triển về đời sống vật chất, điều này góp phần làm phong phú, đa dạng thêm về đời sống tinh thần Từ trong đời sống đã hình thành nên những giá trị riêng về văn hóa, văn nghệ dân gian Các hình thức ca hát và diễn xướng dân gian khá đa dạng Đặc biệt, nghệ thuật Tuồng Thổ Hà

là một loại hình sân khấu cổ truyền độc đáo Những câu hát tuồng vừa là phương tiện trong đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất, tinh thần, vừa chứa đựng những suy nghĩ, tình cảm của người Thổ Hà Trải qua hàng trăm năm, Tuồng Thổ Hà đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây

Nghệ thuật tuồng của người Thổ Hà được lưu truyền trong dân gian từ thời xa xưa Tuồng Thổ Hà phản ánh tâm tư, tình cảm cũng như cuộc sống đa chiều của người dân Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển lâu dài, cùng với sự hội nhập và giao thoa của các nền văn hóa khác trong xã hội hiện đại, bộ môn nghệ thuật này đang dần bị mai một, những người có thể diễn xướng được tuồng và hiểu được tuồng hiện nay chỉ còn các cụ già cao tuổi Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp để khôi phục, bảo tồn, gìn giữ những giá trị của nghệ thuật tuồng trong đời sống đa văn hóa như hiện nay là một việc làm cần thiết Hi vọng, với ý thức giữ gìn, trân trọng, bảo lưu những giá trị di sản văn hóa cổ của người dân nơi đây, Thổ Hà đang là tầm ngắm du lịch về miền di sản cho nhiều du khách đến thăm quan vẻ đẹp mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ

Trang 40

Chương 2 GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA TUỒNG LÀNG THỔ HÀ,

XÃ VÂN HÀ, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG

Tuồng là một trong những loại hình văn nghệ dân gian vô cùng đặc sắc của người Thổ Hà Ở đó, chứa đựng những dấu ấn của đời sống từ thời xa xưa, với mảng

đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn về những biểu hiện của chữ trung thời phong kiến Khi tìm hiểu về lịch sử tư tưởng phương Đông, ta thấy rằng, các triều đại phong kiến Trung Hoa cũng như ở các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa luôn

coi trọng Kinh Thư, bởi ở đó chứa đựng những nội dung về đạo đức luân lí trong việc

tổ chức, duy trì trật tự khuôn phép của một xã hội Tuồng Việt Nam nói chung và Tuồng Thổ Hà nói riêng chịu ảnh hưởng khá sâu rộng từ Trung Quốc Có lẽ vì thế mà

vở tuồng nào cũng xoay quanh về vấn đề phò vua giúp nước, vấn đề thâu tóm quyền hành từ cái ngai vàng Để rồi, khi thưởng thức nghệ thuật Tuồng Thổ Hà, các bài học đắt giá liên quan đến các vấn đề đó hiện lên như những thông điệp gửi gắm giàu giá trị nhân văn Một thời đại vô cùng chân thực về cuộc sống của người xưa đã tái hiện trong Tuồng Thổ Hà Song song tồn tại cùng với sân khấu chèo, nếu như người ta có thể dễ hiểu về chèo bao nhiêu thì lại càng thấy khó nắm bắt bộ môn nghệ thuật tuồng bấy nhiêu nhưng lại vô cùng thú vị với những giá trị nội dung sâu sắc đặt ra từ đó

2.1 Tuồng Thổ Hà đề cao tinh thần trung quân ái quốc

Giới nghiên cứu nhận định rằng, đề tài của bộ môn nghệ thuật tuồng rất phong phú và đa dạng nhưng những vở nổi tiếng nhất, đa số là những vở về đề tài quân quốc, tức là nói chuyện liên quan đến vua, đất nước, chính trị quốc gia Nếu như tuồng dân gian ít đề cập đến chữ trung mà thiên về giáo dục con người việc nghĩa, điều thiện thì Tuồng Thổ Hà phần lớn hướng tới chữ trung, giáo dục nhân dân phải trung với vua Những đề tài xa chốn cung vua, phủ chúa thường là không có trong nghệ thuật Tuồng Thổ Hà mà thay vào đó, đề tài quân quốc và hình tượng người trung quân chiếm vị trí trung tâm của tuồng ở mảnh đất này Nghệ thuật Tuồng Thổ

Hà ca ngợi trung quân một cách tuyệt đối Chữ trung ở đây được hiểu là trung quân,

là trung thành với vua, sẵn sàng hi sinh vì vua, bảo vệ dòng dõi của nhà vua, thậm chí trung với cả hòn máu của vua, nghĩa là chưa biết được rằng đứa trẻ đó sinh ra và lớn lên sẽ là một ông vua tốt hay xấu, thiện hay ác Chữ trung trong xã hội phong kiến luôn luôn được đề cao hàng đầu Trong cái “buổi xế chiều” của chế độ phong kiến,

Ngày đăng: 22/03/2024, 15:28

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w