1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của tô hoài và võ quảng

101 44 1

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng
Tác giả Nguyễn Thị Thu Thảo
Người hướng dẫn TS. Cao Thị Thu Hoài
Trường học Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên
Chuyên ngành Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam
Thể loại Luận văn Thạc sĩ
Năm xuất bản 2023
Thành phố Thái Nguyên
Định dạng
Số trang 101
Dung lượng 1,71 MB

Nội dung

Cao Thị Thu Hoài Trang 3 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng đề tài: “Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tơ Hồi và Võ Quảng” là công trình nghiên cứu của riêng tôi và được sự

Trang 1

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ THU THẢO

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI

CỦA TÔ HOÀI VÀ VÕ QUẢNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC

VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2023

Trang 2

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ THU THẢO

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI

CỦA TÔ HOÀI VÀ VÕ QUẢNG

Ngành: Văn học Việt Nam

Mã số: 8 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC

VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: TS Cao Thị Thu Hoài

THÁI NGUYÊN - 2023

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan rằng đề tài: “Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng” là công trình nghiên cứu của riêng tôi và được sự hướng dẫn khoa học của TS Cao Thị Thu Hoài Các nội dung nghiên cứu, kết quả trong luận văn này là trung thực và chưa từng được công bố dưới bất kì hình thức nào Nếu phát hiện có bất kì sự gian lận nào tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung luận văn của mình

Mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đều được ghi rõ nguồn gốc

Thái Nguyên, tháng 10 năm 2023

Tác giả luận văn Nguyễn Thị Thu Thảo

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Lời đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới TS Cao Thị Thu Hoài, người đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo và tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn

Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo thuộc Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, các nhà Khoa học và các thầy cô giáo thuộc bộ phận sau đại học, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho em trong quá trình học tập và hoàn thành luận văn

Cuối cùng tôi xin bày tỏ lời biết ơn đến gia đình, bạn bè đã động viên, khuyến khích và giúp đỡ em trong tiến trình học tập và hoàn thành luận văn

Thái Nguyên, tháng 10 năm 2023

Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Thu Thảo

Trang 5

MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN i

LỜI CẢM ƠN ii

MỤC LỤC iii

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 4

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 10

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 11

5 Phương pháp nghiên cứu 11

6 Đóng góp mới của luận văn 12

7 Cấu trúc của luận văn 13

PHẦN NỘI DUNG 14

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VÀ HAI NHÀ VĂN TÔ HOÀI, VÕ QUẢNG 14

1.1 Lí luận về thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại 14

1.1.1 Khái niệm thế giới nhân vật 14

1.1.2 Khái niệm truyện đồng thoại 16

1.1.3 Đặc điểm của thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại 21

1.2 Quan niệm nghệ thuật của hai nhà văn Tô Hoài và Võ Quảng 23

1.2.1 Tô Hoài - vài nét về tiểu sử và quan niệm nghệ thuật 23

1.2.2 Võ Quảng - Vài nét về tiểu sử và quan niệm nghệ thuật 29

Tiểu kết chương 1 34

Chương 2: ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TÔ HOÀI VÀ VÕ QUẢNG 35

2.1 Thế giới loài vật đông đúc, phong phú 35

2.1.1 Thế giới nhân vật là những con vật sống trên cạn 36

Trang 6

2.1.2 Thế giới nhân vật sống dưới nước 40

2.1.3 Thế giới nhân vật là những con vật bay trên trời 42

2.2 Thế giới nhân vật - ẩn dụ cho những thói tật và phẩm chất của con người 46

2.2.1 Thế giới nhân vật - ẩn dụ cho “thói tật” của con người 46

2.2.2 Thế giới nhân vật - ẩn dụ cho phẩm chất của con người 48

2.3 Nhân vật với những cá tính riêng độc đáo 49

2.3.1 Những nhân vật sống có lí tưởng, hoài bão 50

2.3.2 Nhân vật say mê khám phá những điều mới mẻ 51

2.3.3 Nhân vật với những tính cách đặc trưng như thông minh, ngờ nghệch 52

2.4 Thế giới nhân vật chứa đựng những bài học giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc 54

2.4.1 Những bài học đạo đức 55

2.4.2 Những bài học ứng xử 58

Tiểu kết chương 2 63

Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TÔ HOÀI VÀ VÕ QUẢNG 65

3.1 Bút pháp xây dựng nhân vật 65

3.1.1 Miêu tả nhân vật qua ngoại hình, hành động 65

3.1.2 Miêu tả nhân vật qua đời sống nội tâm 71

3.2 Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ 73

3.2.1 Ngôn ngữ bình dân, khẩu ngữ 74

3.2.2 Hệ thống từ ngữ mang đậm sắc thái dân gian 77

3.3 Các thủ pháp nghệ thuật độc đáo 80

3.3.1 Nghệ thuật nhân hóa 80

3.3.2 Phép liên tưởng, so sánh 84

Tiểu kết chương 3 87

KẾT LUẬN 89

TÀI LIỆU THAM KHẢO 92

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

1.1 “Tre già măng mọc”, “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, những

câu nói đó đã cho chúng ta thấy trẻ em là tương lai của đất nước Chính vì vậy, trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc, yêu thương, bảo vệ Trong đó, văn học được coi là một con đường quan trọng để người lớn truyền tải tình yêu thương,

sự quan tâm, chở che đối với các em, là nơi gửi gắm những tình cảm, cảm xúc đến với trẻ nhỏ Bởi văn học đi sâu vào tiềm thức con người, giúp con người hình thành và phát triển nhân cách, tư duy và bộc lộ khả năng của bản thân Thông qua tác phẩm văn học, các em không chỉ được bồi dưỡng về tâm hồn, nâng cao cảm xúc mà còn được rèn giũa về tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống Hành trình đến với tâm hồn trẻ nhỏ tuy gian nan nhưng không làm cản bước tâm hồn yêu trẻ thơ của nhiều nhà văn, nhà thơ Bằng tình cảm yêu thương và mong muốn tìm lại cho bản thân mình một tấm vé quay trở lại tuổi thơ thì các sáng tác viết cho thiếu nhi đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác giả

Từ nguồn cảm hứng dồi dào và nhu cầu tìm đọc tác phẩm thiếu nhi của các em nhỏ ngày càng nhiều, văn học thiếu nhi dần trở nên phổ biến với thế hệ trẻ và là một bộ phận có vai trò quan trọng trong nền văn học dân tộc Thể loại văn học dành cho trẻ em nói chung và mảng truyện đồng thoại nói riêng ở nước

ta đã xuất hiện từ đầu thế kỉ XX, nhưng phải đến sau năm 1945 mới phát triển mạnh mẽ với đội ngũ đông đảo các nhà văn như: Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Huy Tưởng

Có những tác phẩm viết cho thiếu nhi được các em nhỏ vô cùng yêu thích

như: Dế Mèn phiêu lưu kí, Võ sĩ bọ ngựa của Tô Hoài, Cái tết của mèo con của

Nguyễn Đình Thi hay nhiều tác phẩm khác của các nhà văn cùng thời hoặc các nhà văn của thế hệ sau Đáp ứng yêu cầu của văn học, những câu chuyện thiếu nhi với các nhân vật mang lại cho chúng ta bao điều thú vị và bổ ích, chứa đựng những kiến thức sâu sắc về cuộc sống Không chỉ mang chức năng giáo dục trẻ

về trí tuệ, tình cảm đạo đức, thẩm mĩ, kĩ năng xã hội, văn học thiếu nhi còn là

Trang 8

một kho tàng vô giá chứa đựng những giá trị văn hoá tinh thần phù hợp với trẻ thơ Trong đó, mảng truyện đồng thoại đã trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn học dân tộc nước nhà nói riêng và văn học trên thế giới nói chung

1.2 Truyện đồng thoại là một thể loại có quá trình phát triển lâu dài, đạt nhiều thành tựu cũng như giữ một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại Chúng ta dễ dàng bắt gặp truyện đồng thoại trong các câu chuyện kể ngày xưa của bà, của mẹ và sau này truyện đồng thoại cũng xuất hiện trong những giờ học Văn đầy ý nghĩa Truyện đồng thoại dần trở thành người bạn không thể thiếu của tuổi thơ, là nguồn nước tưới mát cho tinh thần và dưỡng dục trong quá trình trưởng thành của mỗi người Với nhiều nhà văn, truyện đồng thoại là một thế giới để thỏa sức sáng tạo Chính vì vậy, trong các hoạt động giao lưu giữa các nền văn hóa, nhiều tác phẩm truyện đồng thoại đã được dịch và giới thiệu sâu rộng, góp phần đưa văn học Việt Nam ra thế giới

1.3 Trong xu thế phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại, truyện đồng thoại nổi lên như một gam màu nổi bật phù hợp với tâm lí tiếp nhận của trẻ

em bởi sự trong sáng, ngây thơ và bàng bạc những sắc thái giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc Thành công ở mảng sáng tác này phải kể đến hai nhà văn chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi là Tô Hoài và Võ Quảng Điểm gặp gỡ chung giữa hai tác giả chính là tình yêu thương, trân quý với trẻ thơ được thể hiện qua hệ thống nhân vật sinh động, đa dạng và vô cùng phong phú Qua mỗi câu chuyện đồng thoại, Tô Hoài đã thể hiện rõ tình cảm yêu mến của mình dành cho thiếu nhi cùng cái nhìn ngộ nghĩnh, mới mẻ và sự am hiểu tâm lí trẻ thơ Tô Hoài thu hút các bạn nhỏ nhờ các nhân vật là những “loài vật” như: Dế Mèn, Dế Choắt, Bọ Ngựa Thế giới nhân vật trong truyện Tô Hoài không chỉ hấp dẫn các em nhỏ mà còn thu hút được sự say mê của người lớn bởi những giá trị tư tưởng lớn lao trong các tác phẩm Từ những câu chuyện được lấy cốt truyện từ cổ tích, truyền thuyết trong dân gian đến những truyện viết về thế giới loài vật gần gũi với đời sống con người, tác giả đã gửi gắm vào đó những hình tượng nhân vật để giúp trẻ thơ

có một nền tảng nhận thức tốt để cảm nhận về cái hay, cái đẹp trong cuộc đời

Trang 9

Là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với các tác phẩm chuyên viết cho thiếu nhi, những sáng tác của Võ Quảng nhận được sự đón đợi của đông đảo người

đọc Chính nhà văn từng tâm sự: “Tác phẩm văn học có nhiệm vụ phải ghi sâu

vào tâm hồn các em tất cả bức tranh đậm đà của đất nước, từ những sự kiện to lớn nhất, cho đến những việc nhỏ nhất, bóng dáng một cánh cò bay, hình ảnh sóng lúa rợp rờn, cây đa, bến nước, tất cả vẻ đẹp của núi sông, đó là lớp phù sa

mỡ màng, trên đó mọc lên xanh tươi tình yêu Tổ quốc” [7] Ông đến với thế giới

trẻ thơ bằng nhiều thể loại: thơ, truyện, tiểu thuyết Ở thể loại nào Võ Quảng cũng để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp, nhất là mảng truyện đồng thoại với những câu chuyện đã trở thành một “điểm sáng” gắn bó với tâm hồn của bao thế

hệ các bạn đọc nhỏ tuổi

Khi đọc các tác phẩm truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng, trẻ em

sẽ được giáo dục về nhân cách, hình thành được một trái tim biết yêu thương tất

cả mọi người Những tác phẩm ấy đã tạo ra ấn tượng sâu sắc và có sức hấp dẫn

vô cùng lớn với các em, khơi mở trong các em tình yêu thương, lòng nhân hậu

và tấm lòng vị tha

Là một giáo viên hiện đang giảng dạy chương trình Ngữ văn THCS, tôi nhận thấy giá trị tư tưởng sâu sắc và to lớn của những tác phẩm truyện đồng thoại trong chương trình phổ thông hiện hành, truyện đồng thoại cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển về nhân cách, trí tuệ cho học sinh, giúp các em học được những bài học bổ ích và lí thú

Xuất phát từ lí do trên và cùng tất cả niềm yêu mến với hai tác giả, mong muốn cho các bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới nhân vật trong truyện

thiếu nhi của Tô Hoài và Võ Quảng, chúng tôi thực hiện đề tài: “Thế giới

nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng” Hi vọng đề

tài thành công sẽ cung cấp một tài liệu bổ ích cho những người quan tâm đến văn học trẻ em nói chung và mảng truyện đồng thoại cho thiếu nhi của hai nhà văn nói riêng

Trang 10

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề

2.1 Những nghiên cứu về truyện đồng thoại

Từ những năm đầu thế kỉ XX, mảng truyện đồng thoại đã nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà văn, nhà phê bình với những công trình, bài

viết tiêu biểu như Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại (Vân Thanh), Lại nói về

truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi của Võ Quảng, Về sức tưởng tượng của đồng thoại (Nguyễn Kiên), Truyện đồng thoại viết cho lứa tuổi nhi đồng (Định Hải)

Trong các công trình nghiên cứu trên các tác giả đều khẳng định: Truyện đồng thoại phản ánh cuộc sống nhưng không theo quy luật tả thực như các thể loại văn học khác mà theo quy luật tưởng tượng Cũng chính nhờ tưởng tượng mà cuộc sống trong truyện đồng thoại lộng lẫy hơn, có tính khái quát cao hơn Do đó mà thể loại này dễ dàng xâm nhập vào cuộc sống của trẻ thơ, tham gia vào quá trình

hình thành và phát triển nhân cách, tình cảm ở trẻ Nguyễn Kiên cho rằng: “Đặc

điểm nổi bật nhất của đồng thoại là ở sự tưởng tượng vô cùng phong phú và rộng rãi, tưởng chừng như người viết có thể bịa đặt tha hồ” [16, tr.3] Nhắc đến truyện

đồng thoại, không thể không nói đến thế giới nhân vật Theo các nhà nghiên cứu, thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại vô cùng đa dạng, phong phú với trọng tâm là các loài vật, bên cạnh đó có thể là thiên nhiên, con người hoặc đồ vật Các nhân vật được miêu tả theo nguyên tắc nhất định như nhân cách hóa để có suy nghĩ, hành động, ngoại hình, cảm xúc giống như con người, hay được cách điệu hóa Không chỉ con người có suy nghĩ, cảm xúc, bài học mà cả các loài vật hay đồ vật cũng biết nhảy múa, bay lượn, suy nghĩ và mang đến cho chúng ta những bài học có giá trị sâu sắc trong cuộc sống Trong các truyện đồng thoại còn có sự kết hợp giữa những yếu tố tự nhiên và kinh nghiệm xã hội khiến mỗi nhân vật vừa mang vẻ đẹp riêng, vừa phản ánh thế giới và trở thành ẩn dụ về cuộc sống để con người đọc và suy ngẫm

Xét về chức năng, truyện đồng thoại có vai trò quan trọng trong giáo dục thiếu nhi và hình thành ở trẻ những tư tưởng, tình cảm, phẩm chất tốt đẹp Tác

Trang 11

giả Ngô Quân Miện cho rằng: “Việc đưa những tình cảm, tư tưởng cao đẹp vào

tâm hồn các em nhi đồng qua con đường đồng thoại là con người có hiệu quả hơn hết Vì các tác phẩm truyện đồng thoại vô cùng ngắn gọn, hàm súc, nhân vật

là những kiểu nhân vật gần gũi với trẻ nhỏ nên việc tạo hứng thú và yêu thích cho trẻ vô cùng dễ dàng, hiệu quả Không những vậy, việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật, những từ ngữ đậm màu sắc mơ tưởng có khả năng khơi dậy ở các em những cảm xúc, góp phần hình thành và phát triển con người” [26, tr.85] Nhà

tâm lí học Nguyễn Thị Ánh Tuyết trong cuốn Truyện đồng thoại với trẻ thơ có quan điểm như sau: “Truyện đồng thoại ngắn gọn, đậm chất mơ tưởng, có khả

năng khơi dậy ở các em những cảm xúc thú vị, bất ngờ, đồng thời nó “khiến cho một đứa trẻ từ một thính giả thụ động biến thành một người tham gia tích cực vào các sự kiện của các nhân vật vốn chỉ là chim muông, cây cỏ hay những vật

vô tri, vô giác mà trở thành người bạn thân thiết với chúng” [51, tr.255] Bài viết Truyện đồng thoại với giáo dục mẫu giáo của Lã Thị Bắc Lý lại tiếp cận vấn đề

theo hướng khác Tác giả đi sâu vào phân tích những tác động cụ thể của việc bồi dưỡng lòng nhân ái, cảm xúc thẩm mĩ, hình thành phát triển nhân cách ở trẻ em Trên cơ sở đó, chứng minh được khả năng to lớn của truyện đồng thoại trong việc thực hiện chức năng giáo dục, đây chính là một chức năng quan trọng trong văn học thiếu nhi

Từ những ý kiến nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy rằng chức năng của truyện đồng thoại rất có giá trị về mặt lí luận, giáo dục, điều này rất phù hợp với cách hiểu truyện đồng thoại ở Việt Nam

Không chỉ nghiên cứu truyện đồng thoại trên khía cạnh giáo dục, hình thành phát triển nhân cách, đặc trưng truyện đồng thoại mà còn có nhiều nhóm tác giả nghiên cứu về tình hình phát triển và thành tựu của truyện đồng thoại

Trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 6/1962, nhà nghiên cứu Vân Thanh trong bài viết Văn học thiếu nhi, có đề cập đến một số tác phẩm đồng thoại tiêu biểu như: Trăng rơi xuống giếng (Đào Vũ), Cái Tết của Mèo con (Nguyễn Đình

Trang 12

Thi), Vân Thanh chỉ ra rằng truyện đồng thoại của các nhà văn được xây dựng theo hướng dí dỏm, vui tươi, có tác dụng làm cho các em thích thú với việc đọc sách, làm phong phú thế giới tưởng tượng của các em thiếu nhi [39, tr.30]

Đến năm 1963, trên Tạp chí Văn học số 6/1963, Vân Thanh cập nhật tình

hình phát triển của truyện đồng thoại qua hai tác phẩm được đề cập: Cuộc phiêu

lưu của Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam) và Đám cưới chuột (Tô Hoài, tái

bản) Trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu bày tỏ những nỗi niềm, băn khoăn,

sự không tán đồng về việc sử dụng hình tượng nhân vật phản diện để giáo dục

các em hay tính lỗi thời của truyện Đám cưới chuột trong thời đại mới [40, tr.61]

Nhân năm Quốc tế thiếu nhi (1980), một cuộc hội thảo toàn quốc về văn học thiếu nhi đã được Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu Tại Hội thảo, nhà văn Nguyên Ngọc đã trình

bày bản báo cáo đề dẫn 35 năm văn học thiếu nhi Báo cáo đã khẳng định: cùng

với nhiều thể loại văn xuôi khác, truyện đồng thoại đã đạt được bước tiến mạnh

mẽ, nhiều tác phẩm có “sức sống, sức tỏa sáng lâu dài” [28, tr.8] Cũng tại đây,

nhà văn Ngô Quân Miện đã có bài viết về truyện đồng thoại có tên là Đồng thoại

với việc bồi dưỡng tâm hồn các em Trong bài viết, nhà văn đã khẳng định truyện

đồng thoại là thể loại truyện thích hợp nhất đối với các em thiếu nhi

Tài liệu Văn học thiếu nhi của tác giả Cao Đức Tiến được biên soạn

nhằm mục đích phục vụ chương trình bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

mầm non, hệ trung học sư phạm Theo Cao Đức Tiến “Những truyện đồng

thoại thành công đều “được viết bằng bút pháp vui tươi, hóm hỉnh, giàu chất thơ” [46, tr.64]

Từ những nhận định trên, có thể thấy, hầu hết các công trình, bài viết đều nhấn mạnh đến vai trò, chức năng giáo dục của thể loại đồng thoại đối với trẻ em Với những đặc trưng riêng về thể loại và thi pháp, mảng truyện này trở này “suối nguồn” vô tận nuôi dưỡng tâm hồn bao thể hệ bạn đọc trẻ thơ xưa và nay

Trang 13

2.2 Những nghiên cứu về thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của hai nhà văn Tô Hoài và Võ Quảng

Nói đến truyện đồng thoại không thể không nhắc đến người đi tiên phong trên con đường này - nhà văn Tô Hoài Với lối viết “linh động và dí dỏm”, Tô Hoài chịu ảnh hưởng rất nhiều của quê hương nên những câu chuyện, ngôn từ ông sử dụng cũng đượm sắc màu truyền thống Đặc sắc nhất của Tô Hoài trước năm 1945 chính là truyện ngắn, gồm truyện ngắn về loài vật và truyện ngắn về cảnh và người ở vùng quê - nơi tác giả sinh sống Sau cách mạng, các tác phẩm của Tô Hoài cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và hầu hết các công trình nghiên cứu cũng đề cập đến mảng truyện đồng hoại Với các công trình như

Truyện viết về loài vật của Tô Hoài, Tô Hoài viết cho lứa tuổi măng non , Tô

Hoài đã tạo ra một thế giới loài vật hết sức sinh động, phong phú và vô cùng gần gũi với trẻ thơ, thế giới đó giúp các em hình thành tâm hồn nhạy cảm, biết yêu thương, quan tâm, san sẻ sự đầm ấm trong cuộc đời

Tác giả Phan Cự Đệ trong cuốn Nhà văn Việt Nam 1945 - 1975 đã nói về truyện đồng thoại Tô Hoài: “Trong các truyện đồng thoại (Con mèo lười, Chim

chích lạc rừng, Cá đi ăn thề), Tô Hoài đã phát huy nhân tố tưởng tượng, phần phong phú nhất trong tư duy các em nhỏ Truyện đồng thoại của Tô Hoài cũng

là sự kết hợp giữa khả năng quan sát loài vật rất tinh tế với một bút pháp miêu

tả giàu chất trữ tình và chất thơ Thiên nhiên ở đây màu sắc rực rỡ, âm thanh náo nức và luôn chuyển động rộn ràng, tươi vui đúng như thị hiếu hàng ngày của tuổi thơ” [2]

Trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ

XX đã có sự xuất hiện của truyện đồng thoại Lúc này, truyện đồng thoại cũng ít

nhiều gây được tiếng vang lớn với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn

Tô Hoài Những năm sau đó, từ năm 1945 đến nay, truyện đồng thoại cũng được

đề cập đến trong một số luận án, bài báo Trong Phác thảo 50 năm văn học

thiếu nhi Việt Nam, Vân Thanh nhận định: “Kể từ Dế Mèn của Tô Hoài, dòng đồng thoại luôn chảy trong văn học thiếu nhi Việt Nam” [44, tr.15]

Trang 14

Tác giả Trần Hữu Tá trong Văn học Việt Nam 1945 - 1975, tập 2 đã dành cho Tô Hoài những lời khen ngợi: “Tô Hoài có khả năng quan sát tinh tế và nghệ

thuật miêu tả linh động Người, vât, thiên nhiên, cảnh sinh hoạt… tất cả đều hiện lên lung linh, sống động, nổi rõ cái thần của đối tượng và thường bằng một chất thơ” [37, tr.158]

Trần Đình Nam trong Tạp chí văn học (số 9 -1995) khẳng định tài năng thiên bẩm và khả năng quan sát tinh tế đã giúp cho “Tô Hoài có một xê - ri sách

viết về các con vật: dế, chuột, chim, mèo, cá… được gọi là truyện loài vật Truyện loài vật của Tô Hoài là một cống hiến độc đáo vào văn học hiện đại nói chung

và văn học thiếu nhi nói riêng - ở nước ta chưa có ai viết về loài vật được như ông” [27]

Hà Minh Đức trong tác phẩm Đi tìm chân lí nghệ thuật nhận xét thêm về thành công của Tô Hoài trong truyện viết về loài vật cho thiếu nhi: “Truyện loài

vật của Tô Hoài cũng nhằm nói nhiều với thế giới con người, nhưng kín đáo và

có hàm ý sâu xa Ngay từ “Dế Mèn phiêu lưu kí”, qua chuyến viễn du của chú

Dế Mèn đến nhiều miền đất xa lạ tác giả muốn nói thêm đến một lẽ sống mà

“nhân vật tí hon” khao khát và con người cũng khao khát: đó là một thế giới đại đồng” [5]

Theo các nhà nghiên cứu, nhà văn Tô Hoài đã nhào nặn ra một thế giới loài vật sinh động, hóm hỉnh, ẩn sâu trong đó nhiều bài học quý giá Tất cả những điều này đều nhờ một tâm hồn nhạy cảm, đầm ấm, yêu thương của nhà văn trước cuộc đời Tác phẩm được đánh giá cao nhất và ghi lại nhiều dấu ấn nhất của Tô

Hoài chính là truyện Dế Mèn phiêu lưu kí Đây được xem là một tác phẩm cực

kì thành công, xứng đáng là kiệt tác của văn học Việt Nam

Bên cạnh Tô Hoài - nhà văn chuyên viết truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi thì chúng ta không thể không kể đến cây đại thụ của nền văn học thiếu nhi Việt Nam - Võ Quảng (1920 - 2007) Khi viết về truyện đồng thoại của Võ

Quảng, xuất hiện rất nhiều các công trình, bài viết sau: Đồng thoại qua ngòi bút

Trang 15

của Võ Quảng - Vũ Ngọc Bình, Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới - Vân

Thanh, Võ Quảng, 40 năm thơ văn cho thiếu nhi - Phong Lê, Đôi điều về truyện

đồng thoại Võ Quảng - Bùi Văn Tiếng; bên cạnh đó là các giáo trình như Văn học thiếu nhi Việt Nam - Dương Thu Hương và Trần Đức Ngôn, Văn học trẻ em

- Lã Thị Bắc Lý Tất cả các tác giả đều thống nhất nhận xét về ngòi bút của Võ Quảng là triết lí nhưng là thứ triết lí hồn nhiên mà sâu xa Những tác phẩm của

Võ Quảng thực sự là món quà tác giả dành cho nền văn học Việt Nam cũng như món quà cho thế hệ trẻ để có thể giáo dục các em cả về trí tuệ, thẩm mĩ lẫn cách đối nhân xử thế trong cuộc sống

Trong bài viết Đồng thoại qua ngòi bút của Võ Quảng, Vũ Ngọc Bình đã viết: “Phần lớn truyện cấu trí trên những sự tích dân dã Câu văn anh thường

ngắn và động bởi có lắm động từ Chỉ vài nét phác họa, anh đã dựng lên một cảnh trí, một tình huống trong đó màu sắc, âm thanh, ý nghĩa và hành động cùng xôn xao, quẫy cựa lên để rồi sau đó tất cả lại lặng tắt đi, trầm lắng sau cái ngụ

ý, cái ngôn náu bên trong câu, chữ Phải chăng vì thế mà một số đồng thoại của anh mang dáng dấp những ngụ ngôn [ ] Nếu tư tưởng và ngôn ngữ được chắt lọc thành những tia sáng và gam màu tinh diệu - rút ra từ cuộc sống và lao động sáng tạo - thì có thể xem đó là văn chương - ngọc quý” [1]

Trong cuốn Bàn về văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng, rất nhiều nhà

nghiên cứu, nhà phê bình đã đưa ra các nhận định về Võ Quảng và tác phẩm của

ông Trong Tác phẩm và con người Võ Quảng Đoàn Giỏi đã viết: “Đọc truyện

anh Võ Quảng viết cho các em, tôi có cảm tưởng như mình trẻ lại - lùi về những ngày thơ ấu - với tất cả rung động bồn chồn ở mọi niềm vui cũng như nỗi buồn của số phận từng nhân vật từ người lớn cho đến trẻ thơ” [6]

Tác giả Bùi Văn Tiếng đã nhận xét trong Đôi điều về đồng thoại Võ

Quảng: “Sẽ thiệt thòi biết mấy cho văn chương nước nhà, trước hết cho trẻ em Việt Nam nếu như ngày ấy Võ Quảng của chúng ta vẫn tiếp tục tham gia chính

sự tham dự chiến trường mà không trở thành một người chuyên sáng tác văn học

Trang 16

và nhất là chuyên sáng tác văn học cho thiếu nhi Và cũng sẽ thiệt thòi biết mấy cho văn chương nước nhà, trước hết cho trẻ em Việt Nam nếu như trong những

gì Võ Quảng viết cho thiếu nhi mà không có những đồng thoại thấm đẫm chất dân gian như Bài học tốt, Sự tích những cái vằn ” [48]

Được đánh giá là những cây bút tiêu biểu của nền Văn học thiếu nhi Việt Nam, các sáng tác thiếu nhi của Tô Hoài và Võ Quảng đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học Chính vì thế mà thế giới nhân vật trong các tác phẩm truyện đồng thoại của hai tác giả cũng được quan tâm sâu rộng Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng

đề tài “Thế giới nhân vật trong mảng truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng” vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo và hoàn chỉnh Vấn đề này vẫn còn những khoảng trống cần được nghiên cứu, bổ sung Vì vậy, thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước sẽ là những gợi ý quý báu để chúng tôi triển khai và

thực hiện đề tài: “Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và

Võ Quảng.”

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lí luận, luận văn chỉ ra và làm rõ những biểu hiện

cụ thể ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật của thế giới nhân vật trong các tác phẩm truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng Qua đó, khẳng định phong cách riêng và những đóng góp của hai nhà văn cho mảng truyện đồng thoại nói riêng và mảng văn xuôi viết cho thiếu nhi nói chung trong nền văn học Việt Nam hiện đại

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu những vấn đề lí luận liên quan đến đề tài

- Tìm hiểu, phân tích thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của hai tác giả Tô Hoài và Võ Quảng trên phương diện nội dung biểu hiện

Trang 17

- Chỉ ra và làm rõ nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng

- Khẳng định những đóng góp của hai nhà văn cho nền văn học thiếu nhi nước nhà

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Để thấy được thế giới nhân vật trong các sáng tác của hai tác giả, luận văn tập trung nghiên cứu vào các tác phẩm truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng Trong phạm vi của luận văn, chúng tôi tập trung nghiên cứu những truyện đồng thoại của Tô Hoài (giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám) và hai tuyển tập truyện đồng thoại của Võ Quảng:

Nhà văn Tô Hoài:

+ Dế Mèn phiêu lưu kí, NXB Kim Đồng, 2005

+ Những chuyện hay viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, NXB Kim Đồng, 2015 + Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, NXB Kim Đồng, 2020 + Truyện đồng thoại Tô Hoài, NXB Kim Đồng, 2021

Nhà văn Võ Quảng:

+ Truyện đồng thoại Võ Quảng, NXB Kim Đồng, 2020

+ Truyện hay viết cho thiếu nhi của Võ Quảng, NXB Kim Đồng, 2021

5 Phương pháp nghiên cứu

5.1 Phương pháp hệ thống

Chúng tôi đặt đối tượng nghiên cứu của mình vào hệ thống thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng để thấy được những nét đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Đồng thời cũng thấy được sự giống và khác nhau ở hai tác giả này khi xây dựng hệ thống nhân vật

Trang 18

về quan niệm nghệ thuật riêng của hai nhà văn

5.4 Phương pháp tiếp cận văn hóa học

Văn hoá học hình thành trên vùng tiếp giáp của các tri thức xã hội, nhân văn về con người và xã hội Nghiên cứu văn hoá như một chỉnh thể toàn vẹn với một phạm vi rộng khắp, trong đó văn hóa học văn học nghệ thuật như một tiểu

hệ thống Từ đó, luận văn có cái nhìn sâu rộng và toàn diện hơn về thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của hai nhà văn Tô Hoài và Võ Quảng

5.5 Phương pháp nghiên cứu liên ngành:

Để thực hiện đề tài này, luận văn kết hợp phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu dân tộc học Phương pháp nghiên cứu liên ngành sẽ giúp luận văn giải quyết những vấn đề cần nghiên cứu được thỏa đáng

Ngoài ra, luận văn của chúng tôi còn sử dụng các thao tác nghiên cứu khác

để từ đó có cái nhìn chi tiết, đầy đủ và chính xác các nội dung nghiên cứu

6 Đóng góp mới của luận văn

Luận văn đóng góp một cái nhìn mới, hệ thống và toàn diện về thế giới nhân vật trong mảng truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng Qua đó, khẳng định sự đóng góp to lớn của hai tác giả vào bộ phận văn xuôi Việt Nam hiện đại

Ngoài ra, trong hoàn cảnh xã hội ngày càng phát triển, văn hóa đọc sách càng ngày mất dần ở trẻ nhỏ thì việc nhìn nhận, tìm hiểu, phân tích hệ thống nhân vật sẽ góp một phần không nhỏ đến đời sống tâm hồn của trẻ em, hình thành nhân cách tốt ở trẻ

Trang 19

Kết quả của luận văn có thể trở thành tư liệu trong việc nghiên cứu về thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng trong quá trình dạy học Ngữ văn ở các trường phổ thông

7 Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần Nội dung của luận văn gồm 3 chương sau:

Chương 1: Khái quát về thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại và hai nhà văn Tô Hoài, Võ Quảng

Chương 2: Đặc điểm nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài

và Võ Quảng

Chương 3: Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài và Võ Quảng

Trang 20

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1 KHÁI QUÁT VỀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN

ĐỒNG THOẠI VÀ HAI NHÀ VĂN TÔ HOÀI, VÕ QUẢNG

1.1 Lí luận về thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại

1.1.1 Khái niệm thế giới nhân vật

Trong tất cả các tác phẩm văn học, đối tượng không thể thiếu chính là nhân vật, nhân vật được đặt trong vị trí trung tâm, mọi sự kiện, vấn đề của cuộc sống đều xoay quanh nhân vật Tất cả những điều đó đều làm hiện lên sự phong phú,

đa dạng của nhân vật văn học trong tác phẩm

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Nhân vật là đối tượng (thường là con người)

được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học” [53]

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những định nghĩa về nhân

vật Trong Từ điển thuật ngữ văn học đã đưa ra khái niệm về nhân vật văn học:

“Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm Cám, Chị Dậu, Anh Pha) cũng có thể không có tên riêng Khái niệm văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm Nhân vật văn học là một đơn vị đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người trong cuộc sống” [8, tr.235]

Nhân vật trong tác phẩm văn học rất đa dạng, nhân vật có thể lấy hình tượng từ người thật, việc thật nhưng cũng có thể là sự hư cấu, tưởng tượng của nhà văn như con vật, thần linh, ma quỷ và cũng có thể là đồ vật… nhân vật cũng

có thể là các hiện tượng tự nhiên, các sự vật trong cuộc sống Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng nhân vật văn học được xuất hiện phong phú và mang nhiều màu sắc dưới ngòi bút sáng tạo của nhà văn

Trang 21

Trong cuốn Lí luận văn học, Trần Đình Sử đã có một nhận định khái quát

về nhân vật văn học: “Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các

cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ” [36, tr.73]

Nhân vật văn học chính là sản phẩm sáng tạo của các nhà văn, thông qua hình tượng nghệ thuật con người, nhà văn sáng tạo nên nhân vật văn học để thể hiện một tư tưởng cụ thể, một quan niệm thẩm mĩ mà nhà văn muốn phản ánh

Từ những khái niệm về nhân vật ở trên, có thể thấy khái niệm nhân vật văn học là một khái niệm rộng lớn, bao gồm nhiều yếu tố, nhiều cấp độ của cuộc sống Trong các tác phẩm văn học, nhân vật không chỉ có một mà bao gồm một thế giới nhân vật rộng lớn, phong phú, đa dạng biến hóa theo sự sáng tạo của mỗi người cầm bút

Mỗi tác phẩm văn học là một thế giới do mỗi một nhà văn sáng tạo ra, và các nhà văn đều coi nhân vật là quan trọng và giữ vị trí trung tâm trong tác phẩm

của mình Như quan niệm của Phương Lựu trong cuốn Lí luận văn học: “Có bao

nhiêu nhà văn sẽ có bấy nhiêu thế giới nhân vật riêng biệt” [22]

Thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học được các nhà văn xây dựng bởi hệ thống các nhân vật được khắc họa ở nhiều góc độ và có chức năng khác nhau, mỗi nhân vật đều đem lại một màu sắc riêng biệt và từ đó kiến tạo nên

thế giới nhân vật Trong luận văn Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý

Ly và Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Lê Thị Thúy Hậu đã định

nghĩa về thế giới nhân vật: “Thế giới nhân vật là hệ thống các nhân vật được

tổ chức tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật, trong đó mỗi nhân vật là một yếu

tố của chỉnh thể Mỗi thế giới nhân vật được quy định bởi cách tổ chức, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật, sự sáng tạo của nhà văn làm sao cho các nhân vật trong tác phẩm liên kết, tác động lẫn nhau, soi sáng nhau để cùng phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng tác giả và những điều nhà văn muốn nói cùng bạn đọc” [10, tr.25]

Trang 22

Từ định nghĩa trên, có thể nhận thấy thế giới nhân vật là một mối quan hệ thống nhất được tạo nên từ các nhân vật riêng lẻ, có màu sắc, có tính cách, có ngoại hình… khác biệt nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ với nhau nhằm làm nổi bật chủ đề, tư tưởng mà tác giả truyền đạt trong tác phẩm Thế giới nhân vật đem lại cho bạn đọc những cảm nhận riêng biệt về mỗi nhân vật thuộc thế giới

ấy, hình thành ở mỗi người đọc một suy nghĩ, cảm nhận về nhân vật khác nhau

Thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học sẽ được mỗi nhà văn thể hiện, sáng tác theo một phong cách riêng nên thế giới nhân vật rất phong phú, đa dạng

và độc đáo Thế giới nhân vật được thể hiện rất rõ ở hai phương diện nội dung

và nghệ thuật, vì vậy việc tìm hiểu về thế giới nhân vật chính là con đường giúp người đọc hiểu được giá trị nội dung và tư tưởng nghệ thuật mà nhà văn truyền đạt trong tác phẩm Những tư tưởng đó sẽ bao trùm toàn bộ các tác phẩm văn học của nhà văn, chi phối cách viết và thế giới nghệ thuật của nhà văn đó

Trong quá trình xây dựng thế giới nghệ thuật, mỗi nhà văn đều tạo dựng nên một thế giới nhân vật riêng theo cách viết riêng của mình Vì vậy, với sự sáng tạo, say mê và tình yêu trẻ nhỏ mà hai nhà văn Tô Hoài và Võ Quảng đã có những cảm hứng mãnh liệt với đề tài thiếu nhi, trong đó là mảng truyện đồng thoại Thế giới nhân vật trong mảng truyện đồng thoại của hai nhà văn rất phong phú, đa dạng và thu hút người đọc, không chỉ vậy thế giới nhân vật ấy còn phù hợp với nội dung và truyền tải tư tưởng nghệ thuật của nhà văn đến thế hệ trẻ, khơi gợi cảm hứng, sự say mê ở các em nhỏ qua hệ thống nhân vật gần gũi với thế giới trẻ thơ

1.1.2 Khái niệm truyện đồng thoại

Thuật ngữ “truyện đồng thoại” có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất hiện

ở nước ta vào những năm 60 của thế kỉ XX Vào thời điểm đó, nền văn học Việt Nam đang có những sự đổi mới nên chú ý đặc biệt tới độc giả thiếu nhi Để làm được điều đó, nhà xuất bản Văn học đã thực hiện dịch, đưa các tài liệu nước ngoài về lí luận và kinh nghiệm sáng tác cho các em nhỏ để có thể hiểu rõ hơn,

Trang 23

sâu hơn về cách sáng tác mảng đề tài này Trong số các tài liệu đó cũng có một

số bàn luận về sáng tác truyện đồng thoại ở Trung Quốc Khi tìm hiểu thuật ngữ này trong nền văn học Trung Quốc sẽ thấy có nhiều điểm khác biệt so với cách hiểu của nền văn học Việt Nam

Tài liệu Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc [14] đã chỉ ra thuật ngữ

“đồng thoại” được Nhật Bản du nhập vào Trung Quốc từ cuối đời nhà Thanh Đồng thoại ngay từ những ngày đầu được hiểu nôm na là những tác phẩm kể chuyện cho trẻ em Thể loại truyện đồng thoại có sức hút với trẻ nhỏ bởi nó chứa đựng sức tưởng tượng bay bổng diệu kì Về sau, có sự kế thừa và học tập mà thuật ngữ truyện đồng thoại có sự thay đổi Vì vậy, trong nền văn học Trung Quốc, thuật ngữ truyện đồng thoại có bao gồm đồng thoại dân gian và đồng thoại hiện đại

Ở Việt Nam, thuật ngữ truyện đồng thoại có cách hiểu khác nhau, theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp

Theo Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (bản 1994) đã định nghĩa đồng thoại là: “Truyện chép cho trẻ con xem” [38]

Cuốn Từ điển Tiếng Việt (bản 2001) của Viện Ngôn ngữ học lại có cách hiểu khác: “Đồng thoại: thể truyện cho trẻ em, trong đó loài vật và các vật vô tri

được nhân cách hóa tạo nên một thế giới thần kì thích hợp với trẻ em” [31, tr.344]

Bên cạnh các thuật ngữ trong từ điển, một số nhà phê bình văn học hay một số nhà văn trong những bài viết của mình cũng đưa ra ý kiến của bản thân

về thuật ngữ đồng thoại

Khi nói về thuật ngữ đồng thoại thì không thể không nói đến ý kiến sáng

rõ, nhất quán của Võ Quảng về thuật ngữ này Theo ông, đồng thoại là một thể loại văn học dành cho trẻ em, thế giới nhân vật không chỉ có mỗi con người mà còn có cả các loài vật, truyện đồng thoại là thế giới muôn sắc của sự tưởng tượng, phản ánh cuộc sống theo quy luật và có mối quan hệ gần gũi với truyện cổ tích

và truyện ngụ ngôn

Trang 24

Trong bài Về sức tưởng tượng của đồng thoại, tác giả Nguyễn Kiên có đưa

ra nhận định: “Theo tôi hiểu thì đồng thoại, như ta gọi một cách quy ước với

nhau như vậy, là một thể tài hiện đại nảy sinh trên cơ sở kế thừa và phát triển trực tiếp từ một số thể loại văn học dân gian như truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết…” [16]

Trong bài viết Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại, nhà phê bình Vân Thanh

đã chỉ ra: “Đồng thoại là một thể loại đặc biệt của văn học, có sự kết hợp nhuần

nhuyễn giữa hiện thực và mơ tưởng Ở đây, các tác giả thường dùng nhân vật chính là động vật, thực vật và những vật vô tri, lồng cho chúng những tình cảm của con người (cũng có khi nhân vật là người) Qua thế giới không thực mà lại thực đó, tác giả lồng cho chúng những tình cảm và cuộc sống của con người Tính chất mơ tưởng và khoa trương là những yếu tố không thể thiếu được trong đồng thoại” [41]

Cao Đức Tiến, Dương Thị Hương trong chuyên đề Văn học cũng đưa ra định nghĩa về truyện đồng thoại: “Truyện đồng thoại: là sáng tác của các nhà

văn hiện đại, sử dụng nghệ thuật nhân hóa loài vật để kể chuyện về con người, đặc biệt là trẻ em, vì vậy nhân vật chủ yếu là loài vật” [47]

Có thể thấy rõ sự khác nhau trong cách hiểu về thể loại truyện đồng thoại của các nhà văn, nhà phê bình nhưng sự khác nhau ấy đều thống nhất ở hai điểm chung: Thứ nhất, truyện đồng thoại là những sáng tác hiện đại trong nền văn học Việt Nam; Thứ hai, thể loại truyện đồng thoại là loại truyện kể dành cho trẻ em,

có hình thức đặc thù là nhân cách hóa loài vật

Từ các quan niệm và điểm chung trong nhận định của các nhà văn về truyện đồng thoại ta thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa truyện đồng thoại với truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích về loài vật ở bảng so sánh sau:

Trang 25

* Bảng so sánh điểm giống và khác nhau giữa truyện đồng thoại với truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích về loài vật:

So sánh Truyện đồng thoại Truyện ngụ ngôn Truyện cổ tích loài vật

Giống

nhau

Đều là thể loại truyện thuộc bộ phận Văn học Việt Nam Các câu chuyện thuộc thể loại này đều không có thật và có tính chất hư cấu Mỗi câu chuyện đồng thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích loài vật đều có các nhân vật là loài vật Các loài vật trong các câu chuyện đều được nhân cách hóa để biết nói năng, suy nghĩ, có hoạt động và có tính cách như con người Các câu chuyện đồng thoại, ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật đều đưa ra những bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc Từ đó giúp cho các bạn nhỏ phát triển trí tuệ, hình thành cảm xúc tình cảm cùng nhiều phẩm chất tốt đẹp

Khác nhau Truyện đồng thoại

là những truyện thuộc Văn học Việt Nam hiện đại được viết bằng văn xuôi, đây là thể loại truyện có tác giả sáng tác Truyện đồng thoại có các nhân vật chủ yếu là loài vật, bên cạnh

đó là các vật vô tri như đồ vật, thực vật… Các nhân vật trong truyện đồng

Truyện ngụ ngôn

là những truyện kể dân gian thuộc bộ phận Văn học dân gian được kể bằng văn xuôi hoặc bằng thơ Truyện ngụ ngôn chủ yếu bắt nguồn từ truyền miệng hay

do dân gian để lại

từ thuở xa xưa

Tác giả dân gian

đã mượn lời nói, hành động, hình

Truyện cổ tích về loài vật là thể loại truyện ngắn (luôn ở dạng văn xuôi), chủ yếu sử dụng các yếu tố hư cấu, kì ảo và thế giới nhân vật trong truyện chỉ là các loài vật gần gũi trong đời sống con người, có quan hệ nhiều với đời sống nhân dân Trong truyện cổ tích luôn có

sự xung đột giữa cái thiện với cái ác, thông

Trang 26

thoại đều có tên gọi,

có hành động, suy nghĩ như con người

Các con vật được tác giả giữ nguyên những đặc điểm tự nhiên vốn có nhưng cũng có thêm đặc điểm của người

Mục đích viết truyện đồng thoại của các tác giả là muốn truyền tải những bài học có ý nghĩa, hình thành đạo đức, phẩm chất, nhân cách cho trẻ

em nên những bài học trong truyện đồng thoại được giáo dục rất nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ

nhớ như Dế Mèn

phiêu lưu kí (Tô Hoài), Chuyện hoa chuyện quả (Phạm Hổ), Mắt Giếc đỏ hoe (Võ Quảng)…

ảnh loài vật để ngụ chỉ con người

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn rất đa dạng, từ thế giới nhân vật đưa

ra bài học luân lí, hướng con người tới các chân, thiện

mĩ nhưng những bài học trong truyện ngụ ngôn rất sâu sắc, hàm ý nhiều điều trong cuộc sống vì vậy

mà đối tượng truyện ngụ ngôn hướng đến cũng rộng lớn hơn bao hàm cả người lớn

và trẻ em Một vài tác phẩm truyện

ngụ ngôn như Đôi

bạn đường, Đại

người chăn cừu, Câu chuyện kho báu…

qua truyện cổ tích loài vật tác giả dân gian nêu lên những kinh nghiệm sống, quan niệm đạo đức, lí tưởng

và mơ ước của nhân dân lao động Truyện

cổ tích về loài vật chú

ý mô tả những nét sinh thái đặc biệt của từng loài, nhằm cung cấp tri thức cho con người đặc biệt là trẻ

em về thế giới loài vật Một số tác phẩm truyện cổ tích loài vật

như Sự tích con muỗi,

Sự tích chim quốc…

Trang 27

Từ những phân tích trên, chúng tôi đưa ra nhận định về truyện đồng thoại như sau: Đồng thoại là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi Qua tác phẩm truyện, người đọc thấy được sự hóa thân của tác giả vào nhân vật, thường nhân vật là động vật, thực vật hay những vật vô tri nhưng tất cả đều được nhân cách hóa để có tình cảm như con người Từ thế giới nhân vật đó mà tác giả truyền tải những bài học, trí tuệ, tri thức cho trẻ em

1.1.3 Đặc điểm của thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại

Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại Việt Nam rất đông đúc và đa dạng Thế giới ấy bao gồm trẻ thơ, loài vật, đồ vật, thiên nhiên Hầu hết, các nhân vật đều mang những đặc điểm của con người ở thế giới thực và được khai thác từ các nguồn truyện kể dân gian như cổ tích, ngụ ngôn

Trong truyện đồng thoại, loài vật là nhân vật phổ biến nhất Các loài vật

vô cùng đa dạng và đặc sắc, từ những loài sống dưới nước đến những loài bay trên trời, từ những con thú hoang dã đến những con vật nuôi trong nhà Những nhân vật chính của truyện đồng thoại là voi, chó, mèo, trâu, gà vịt, bồ câu, quạ,

bồ nông, thờn bờn, cá trê, dế mèn, bọ ngựa, cào cào, cóc, ếch… Có thể thấy, tất

cả các loài vật đều có thể trở thành nhân vật chính trong mỗi câu truyện, qua đó, tạo nên một thế giới loài vật đặc sắc, đa dạng và phong phú

Không chỉ có loài vật, các đồ vật cũng có thể trở thành nhân vật chính trong truyện đồng thoại Để các tác phẩm truyện trở nên gần gũi và thu hút các bạn nhỏ thì các đồ vật còn là những thứ gần gũi, gắn bó với đời sống hàng ngày của các em như thước kẻ, bút, sách, đồ chơi…

Bên cạnh đó, thế giới thiên nhiên đa dạng, nhiều màu vẻ cũng trở thành đối tượng được các nhà văn xây dựng trong các truyện đồng thoại Dạy trẻ em yêu cuộc sống chính là dạy cho trẻ biết yêu thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ thiên nhiên

Con người cũng xuất hiện trong truyện đồng thoại như một nhân vật chính- trong đó, thường là trẻ em Sự xuất hiện những nhân vật này làm cho các tác

Trang 28

phẩm trở nên gần gũi, ngộ nghĩnh và hấp dẫn hơn với các bạn đọc nhỏ tuổi Có thể điểm tên những nhân vật như thằng Nhớn, thằng Bé,chị Hồng trong truyện của Đào Vũ, cu Lặc trong truyện của Tô Hoài…

Ngoài ra, những biểu tượng, kí tự, khái niệm hay các hiện tượng tự nhiên cũng được nhiều nhà văn xây dựng thành những nhân vật điển hình, mang dáng dấp của con người trong một số truyện đồng thoại Sự xuất hiện của kiểu loại nhân vật này góp phần tạo dựng nên một thế giới nhân vật “đông đúc”, phong phú và đầy sinh sắc cho mỗi câu chuyện

Qua đó, người đọc hiểu thế giới nhân vật được tạo nên bởi các nhân vật với các loài vật gần gũi, quen thuộc với con người như chó, mèo, dê, lợn… trong các tác phẩm đồng thoại của Võ Quảng, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh…, đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về hình tượng nhân vật và rút ra được những cảm nhận cá nhân của từng người Thế giới nhân vật trong các sáng tác của Tô Hoài và Võ Quảng là loài vật, đồ vật mà cũng có thể là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, là thiên nhiên cây cối nhưng đều mang lại những bài học giáo dục sâu sắc

Về nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại Đầu tiên phải nói đến nghệ thuật miêu tả nhân vật Các nhà văn khi sáng tác truyện đồng thoại đã vận dụng hết khả năng quan sát tài tình, tinh tế để miêu tả về ngoại hình nhân vật rồi từ đó dùng ngoại hình để gợi tả nội tâm, miêu tả hành động để thể hiện tính cách nhân vật Như cách Tô Hoài miêu tả về nhân vật Dế Mèn trong

Dế Mèn phiêu lưu kí, thông qua những hành động của Dế Mèn thấy được tính

cách ngổ ngáo, xốc nổi của Dế Hay tác giả Nguyễn Đình Thi đã miêu tả những

hành động dũng cảm, mưu trí của Mèo con trong Cái Tết của Mèo con để thấy

được đáng yêu, dễ mến của nhân vật này

Nghệ thuật xây dựng nhân vật được sử dụng chủ yếu trong truyện đồng thoại là phép nhân cách hóa và tính chất biểu tượng về con người qua thế giới nhân vật Để xây dựng một thế giới nhân vật với chủ yếu là loài vật, vật vô tri thì

Trang 29

việc mượn đặc điểm của con người để miêu tả là điều không thể thiếu trong truyện đồng thoại Những nhân vật trong truyện đồng thoại dần trở nên có hồn hơn vì có sự vận động, phát triển về hình dáng, lời nói, hành động… Mỗi một nhân vật đều mang một nét tính cách của con người và tính cách đó đại diện cho một vài kiểu người trong xã hội như tình bạn thân thiết của Mèo Gấu và chuột

Tí Hon trong truyện Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ của nhà văn Nguyễn Nhật

Ánh đã cho chúng ta biết sống vị tha, biết hi sinh vì người khác, biết thấu hiểu

và cảm thông hay như trong truyện Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công

của tác giả Vũ Tú Nam, người đọc thấy được một chú Ngan ham ăn, lười biếng, thích giấu dốt nhưng rất mực si tình

1.2 Quan niệm nghệ thuật của hai nhà văn Tô Hoài và Võ Quảng

1.2.1 Tô Hoài - vài nét về tiểu sử và quan niệm nghệ thuật

1.2.1.1 Tiểu sử và sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài

Tô Hoài là một nhà văn lớn Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 - mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 Ông sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công nghèo Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô,

Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) Bút danh của Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức Sau này khi theo nghiệp sáng tác, Tô Hoài cũng có rất nhiều các sáng tác gắn liền với quê nhà Từ đó thấy được tình yêu quê hương, con người của Tô Hoài rất sâu sắc

Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng… nhưng có những lúc thất nghiệp Từ năm 1954 trở đi, ông tập trung vào sáng tác Tính đến nay, Tô Hoài có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài, hồi kí, kịch bản phim, tiểu luận

Với những đóng góp của mình cho nền văn học, năm 1996 Tô Hoài là một trong 14 nhà văn được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1

Trang 30

Qua khảo sát thống kê, Tô Hoài có hơn 180 tác phẩm truyện dành cho thiếu nhi, thuộc bốn mảng nội dung là hồi kí, truyện loài vật, truyện quê hương đất nước và truyện tích xưa kể lại Thế giới nhân vật trong sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài rất phong phú, có đủ mọi thể loại Tâm điểm của ông là những con vật, sự việc, con người sống gần gũi với con người, hàng ngày quanh quẩn bên góc bếp, mảnh vườn, hay ngoài đồng ruộng… Với cách miêu tả tài tình, sống động, cách viết hấp dẫn, am hiểu tâm lí trẻ thơ, Tô Hoài đã đưa vào truyện của mình những bài học giáo dục nhẹ nhàng, thấm thía

Trước Cách mạng tháng Tám, những tác phẩm của Tô Hoài như Dế Mèn

phiêu lưu kí (1941), Quê người (1941), O chuột (1942), Trăng thề (1943), Nhà nghèo (1944) Lúc bấy giờ, tư tưởng sáng tác nghệ thuật của Tô Hoài vẫn vì đam

mê và vì kiếm miếng sống: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách

mạng tháng Tám năm 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết Cũng chẳng có gì lạ Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy” [13]

Trước Cách mạng, những tác phẩm của Tô Hoài được chia làm hai thể loại chính là truyện về loài vật và truyện về cảnh đói nghèo ở nông thôn Đọc truyện loài vật của Tô Hoài, người đọc sẽ thấy được những cái tốt đẹp, cái thiện lương trong cuộc sống mà nhà văn muốn bày tỏ, đồng thời khẳng định sống thiện lành

sẽ giúp cuộc sống hạnh phúc, bình yên trong xã hội

Sau Cách mạng tháng Tám, tư tưởng sáng tác nghệ thuật của Tô Hoài có nhiều sự chuyển biến mạnh mẽ Bước chuyển mình của nhà văn được thể hiện rất rõ ở chủ đề và đề tài Nhà văn không bó hẹp bản thân mình như trước Cách mạng nữa mà ông hướng đến cái rộng lớn hơn, đó là cuộc sống của nhiều tầng lớp người, nhiều vùng đất khác nhau và nổi bật nhất là miền núi Tây Bắc Bởi

vì, vùng đất này lúc nào cũng in sâu trong tâm trí Tô Hoài, khiến Tô Hoài như được sống ở quê hương mình, yêu Tây Bắc như yêu quê hương của mình

Trang 31

Những tác phẩm của Tô Hoài vào thời kì này như Núi cứu quốc (1948),

Truyện Tây Bắc (1953), Mười năm (1957), Miền Tây (1967), Tự truyện (1978), Quê nhà (1981)… Nhưng có thể nói rằng tập truyện Truyện Tây Bắc đã đánh dấu

bước ngoặt lớn trên con đường sáng tạo nghệ thuật của Tô Hoài Những tác phẩm viết về dân tộc và vùng núi Tây Bắc của Tô Hoài ngày càng nhiều, Tô Hoài viết bằng cả trái tim và tâm huyết của bản thân mình về những con người Tây Bắc thủy chung, son sắt gắn bó với cách mạng và xây dựng cuộc sống mới

Có thể nói, Tô Hoài chính là nhà văn của đời sống sinh hoạt và phong tục nhờ sự thông minh, hóm hỉnh, tinh tế trong quan sát Không chỉ là nhà văn của đời sống sinh hoạt, Tô Hoài còn là nhà văn của thiếu nhi vì sự quan tâm, yêu thương trẻ em hết mực

Từ đó, ta thấy rằng ở bất kì mảng sáng tác nào Tô Hoài cũng hết mình, tận tâm với ngòi bút của mình để tạo ra những tác phẩm để đời Tô Hoài xứng đáng

là một tấm gương sáng trong việc cống hiến hết mình vì văn học nghệ thuật

1.2.1.2 Quan niệm nghệ thuật

Tô Hoài đến với nghề văn từ rất sớm ngay trên con đường tham gia cách mạng Trên hành trình sáng tạo của mình, ông luôn tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ Đối với Tô Hoài, nghề cầm bút là một nghề cao quý nên ông rất nghiêm túc đối với nghề nghiệp của mình Tô Hoài luôn xác định mục đích sáng tác, đối tượng sáng tác để có thể nhào nặn ra những tác phẩm văn học phù hợp với người đọc, giúp người đọc say mê, nghiền ngẫm tác phẩm của ông Với Tô Hoài, sáng tác không phải là ngồi một chỗ đợi cảm hứng đến rồi viết mà sáng tác

là phải đi sâu tìm hiểu về cuộc đời, cuộc sống xung quanh, biết về những sự kiện mới, những thay đổi của xã hội và con người Sáng tác văn chương là đem vào văn chương những ý nghĩa nhân sinh, những bài học cuộc đời, phản ánh bản chất

xã hội và gây được cảm xúc cho người đọc Chính vì những quan niệm đó mà phong cách nghệ thuật của Tô Hoài rất riêng, rất mới lạ, không trùng lặp với bất

kì nhà văn nào Ngòi bút của Tô Hoài đều hướng tới cuộc sống đời thường, những

Trang 32

câu chuyện làng, chuyện nhà, chuyện người Mặc dù đến với văn chương vừa là đam mê vừa là vì kiếm sống nhưng Tô Hoài rất nghiêm túc với nghề nghiệp này Ông có quan niệm khắt khe về nghề viết văn cũng như khắt khe, chỉn chu trong từng tác phẩm của mình Trong suốt chặng đường sáng tác của mình, Tô Hoài

đã để lại một số lượng đồ sộ gần 200 đầu sách, trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi

Tô Hoài chịu nhiều ảnh hưởng của xu hướng sáng tác lãng mạn đương thời, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác bằng những bài thơ lãng mạn Sau này, Tô Hoài có sự chuyển biến trong suy nghĩ, ông tập trung chủ yếu vào sáng tác về vùng đất và con người Tây Bắc Trong những năm 1943, Tô Hoài chịu ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Đông Dương, chịu tác động của Hội văn hóa cứu quốc nên ngòi bút của ông cũng dần đi sâu vào chủ nghĩa hiện thực nên những sáng tác của Tô Hoài đậm chất hiện thực, phản ánh xã hội nhưng ông không để bản thân rơi vào bế tắc hay tuyệt vọng Sự chuyển biến sâu sắc trong cách viết cho thấy Tô Hoài bộc lộ rất rõ quan điểm của ông về văn chương Ông cho rằng văn chương không nên thi vị hóa đời sống, không nên viết những điều quá hoa mĩ

Tô Hoài chỉ viết những điều mà ông nhìn thấy ở quanh mình, trong cuộc sống của mình

Tô Hoài sống gần gũi quen thuộc với những người bình dân, những người nông dân lam lũ, nghèo khổ nên những dòng văn của ông đều là cuộc sống nghèo khó của người dân, sự lam lũ bình dị hàng ngày chứ không phải những truyện

mơ mộng hoa lá Chính vì điều đó mà văn chương Tô Hoài đều bắt nguồn từ cuộc sống, bắt nguồn từ người nông dân

Trước năm 1945, Tô Hoài đã có một số lượng đầu sách đáng kể về con

người nông dân bình dị, lam lũ trong cuộc sống hàng ngày Quê người, Giăng

thề, O chuột, Nhà nghèo… Trong Nhà văn hiện đại (1943) Vũ Ngọc Phan đã

nhận xét: “Tiểu thuyết của Tô Hoài thuộc loại tả chân, có khuynh hướng về xã

hội” [30] Những trang văn của Tô Hoài khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, phong

Trang 33

tục, lễ hội ở Hà Nội và vùng núi Tây Bắc đều để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc cũng như mang đến một lượng lớn tư liệu phong phú về lịch sử, địa lí, đời sống văn hóa tinh thần dân tộc

Chính vì chủ yếu viết về người nông dân, những con người bình dị nên ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài là ngôn ngữ xuất phát từ đời sống quần chúng Ông quan niệm ngôn ngữ quần chúng chính là kho tàng vô cùng quý giá nên Tô Hoài luôn trau dồi học hỏi ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường của nhân dân ở làng quê ngoại thành Hà Nội và miền núi Tây Bắc Theo Tô Hoài, mỗi vùng miền, dân tộc, con người sẽ có những suy nghĩ, ngôn ngữ, hành động khác nhau vậy nên ông đều có những suy nghĩ, cách sử dụng ngôn ngữ với từng đối tượng văn học

Tô Hoài viết nhiều thể loại, đề tài và ở đề tài nào ông cũng đạt được những thành tựu đặc sắc Đặc biệt, ở mảng truyện dành riêng cho thiếu nhi, Tô Hoài đã tạo được ấn tượng sâu sắc ở đối với các bạn nhỏ và khi nhắc đến mảng truyện này thì không thể không nhắc đến truyện về loài vật của Tô Hoài Hà Minh Đức

đã nhận xét: “Tô Hoài là nhà văn viết thành công nhất, hấp dẫn nhất về các loài

vật” [4]

Các sáng tác dành cho thiếu nhi của ông, đối với ông, sáng tác cho thiếu nhi là sáng tác cho chính bản thân mình cùng với lối viết đậm đà màu sắc dân tộc được thể hiện ở cách đặt tên tác phẩm mang màu sắc dân gian cùng cách kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, nhất là các bạn nhỏ, đồng thời để các bạn nhỏ hiểu được về lịch sử dân tộc ông cũng khai thác thành công đề tài lịch sử để

ca ngợi phẩm chất cao quý của con người Việt Nam Tô Hoài có cách quan sát thông minh, hóm hỉnh và vô cùng tinh tế cùng những ngôn từ vô cùng đặc sắc Chính vì lẽ đó mà màu sắc nghệ thuật của ông được thể hiện vô cùng rõ nét

Nhắc về truyện đồng thoại, theo Tô Hoài đây là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi, lấy loài vật làm nhân vật chính Nhân vật trong truyện đồng thoại của Tô Hoài được nhân cách hóa trên cơ sở không thoát li lối sinh hoạt của loài

Trang 34

vật thật trong đời sống và đồng thời không xa rời cái nhìn của các em nhỏ Hình thức nhân hóa loài vật mà Tô Hoài áp dụng đem lại cho những tác phẩm truyện đồng thoại của ông những hình tượng, ý vị và bài học sâu sắc Trong tác phẩm

Tôi viết đồng thoại: Dế Mèn, Chim Gáy, Bồ Nông nhà văn đưa ra lí do ông xây

dựng những hình ảnh nhân vật truyện Thông qua nhân vật, Tô Hoài như muốn nói về sự đổi mới của nông thôn và đồng ruộng ở miền Bắc những năm 60, hình ảnh “đàn chim gáy” chính là thành tựu cuộc sống mới Đọc truyện đồng thoại của Tô Hoài người đọc như được cảm nhận về câu chuyện con người, nhờ điều

đó mà tác động mạnh vào ý nghĩ và khả năng tiếp nhận của trẻ em

Viết về truyện đồng thoại, Tô Hoài luôn có sự quan sát, nắm bắt đặc điểm tâm lí trẻ, vì vậy việc sử dụng hình thức nhân hóa sự vật khiến các bạn đọc nhỏ tuổi say mê và hứng thú hơn với tác phẩm của nhà văn Không chỉ có vậy, hình ảnh cái ghế biết cười, con dế biết nói, bài học rút ra từ từng hành động của các con vật đều gợi ra những suy nghĩ đúng đắn về cuộc sống cho bất cứ người đọc nào, không phải mỗi dành cho thiếu nhi mà kể cả bạn đọc lớn tuổi cũng có thể tìm ra những bài học cuộc sống từ truyện đồng thoại Nhưng đối với ông, truyện dành cho thiếu nhi nên đối tượng đầu tiên hướng đến vẫn phải laf các em vậy nên một tác phẩm của Tô Hoài đều được nhà văn gửi vào đó nội dung giáo dục,

tư tưởng nghệ thuật, những hình ảnh giàu sức tưởng tượng và chất thơ

Theo quan niệm của Tô Hoài về truyện đồng thoại, nhà văn cho rằng việc lựa chọn nhân vật cũng có sự tính toán kĩ lưỡng Đối tượng được “yêu thích” của ông là các con vật trong cuộc sống thường ngày Khi miêu tả về thế giới vật, Tô Hoài luôn để nhân vật của mình xuất hiện một cách tự nhiên qua ngoại hình, hành động, từ đó làm nổi bật cả những “thói tật và phẩm chất”

Trước năm 1945 - năm Tô Hoài viết rất nhiều tác phẩm đồng thoại: O

chuột, Gã chuột bạch, Mụ Ngan… để tránh sự kiểm duyệt hà khắc của chế độ

đương thời Nhờ truyện đồng thoại mà Tô Hoài gửi gắm vào đó tư tưởng yêu nước, tư tưởng chính trị, chống đối chính quyền thực dân Đặc biệt qua các truyện

Trang 35

đồng thoại Tô Hoài hướng đến việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách trẻ thơ Điều đó được thể hiện rõ nét qua một hệ thống nhân vật tuy bé nhỏ, xoàng xĩnh nhưng lại chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc như chú Dế Mèn, Trê, Cóc, Chuột, Chó…

Từ những quan niệm trên, Tô Hoài đã tạo ra vô số các tác phẩm truyện đồng thoại hay vừa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, vừa vươn tới các đối tượng rộng lớn khác nhau, đem lại giá trị văn hóa tinh thần cho cộng đồng, đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam thêm giàu đẹp

1.2.2 Võ Quảng - Vài nét về tiểu sử và quan niệm nghệ thuật

1.2.2.1 Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của Võ Quảng

Võ Quảng (1 tháng 3 năm 1920 - 15 tháng 6 năm 2007) là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam Cả sự nghiệp văn chương của Võ Quảng chủ yếu tập trung vào đề tài thiếu nhi Võ Quảng cũng là dịch giả đầu tiên dịch tác phẩm Đôn Kihôtê sang tiếng Việt từ năm 1959

Võ Quảng sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng Chính vùng đất đa dạng phong phú về thiên nhiên ấy đã nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, con người trong trái tim của nhà văn Tuổi thơ của Võ Quảng gắn bó sâu sắc với dòng sông Thu Bồn mang đậm dấu ấn văn hóa và các hình ảnh lịch sử lâu đời

Võ Quảng sinh ra trong một gia đình nông dân, cha ông là một nhà nho

đã truyền tục niềm yêu mến thơ văn, tạo dựng nền tảng sau này cho nhà văn

Võ Quảng

Năm 1935, Võ Quảng theo học tại trường Quốc học Huế, ông tham gia

tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế Năm 1939, Võ Quảng làm tổ trưởng tổ Thanh niên Phản đế ở Huế nhưng đến năm 1941, bị chính quyền Pháp bắt giam lại nhà lao Thừa Phủ, sau đó bị đưa về quản thúc vô thời hạn tại quê nhà Chính giai đoạn cách mạng, bị bỏ tù đã ảnh hưởng đến tư tưởng nghệ thuật của Võ Quảng

Trang 36

Cách mạng tháng Tám thành công, Võ Quảng được bầu làm Phó Chủ tịch

Ủy ban kháng chiến Đà Nẵng rồi làm công tác ở Tòa án Khu 5 Năm 1954, nhờ

sự khuyên nhủ của bạn bè, Võ Quảng quyết tâm dành cả cuộc đời cho văn học, đặc biệt là văn học thiếu nhi Đây chính là bước ngoặt lớn trên con đường văn chương của Võ Quảng Từ đó, nhà văn chỉ tập trung vào sáng tác thơ văn với nguồn cảm hứng chính là thiếu nhi Võ Quảng từng là Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, Giám đốc xưởng phim hoạt hình, là thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam Nhắc đến Võ Quảng, người đọc có thể nghĩ ngay đến đề tài thiếu nhi ở cả mảng thơ và văn xuôi

Võ Quảng bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình từ những bài thơ Những bài thơ của Võ Quảng luôn nhẹ nhàng truyền đến các em nhỏ, để các em tạo cho mình tâm hồn, cảm xúc, trái tim thương yêu cỏ cây, loài vật và lớn hơn là hình thành ở trẻ tâm hồn hướng thiện, yêu cái đẹp trong cuộc sống Võ Quảng có

những tập thơ như Gà mái hoa, Nắng sớm, Anh đom đóm, Măng tre…

Bên cạnh thơ, Võ Quảng rất thành công với mảng văn xuôi, truyện, nhất

là truyện đồng thoại như Cái mai, Bài học tốt, Những chiếc áo ấm Khi viết

cho thiếu nhi, Võ Quảng quan niệm giáo dục trẻ cần thông qua nghệ thuật, dùng nghệ thuật chân chính để truyền tải bài học đến các em Vì vậy, đọc những tác phẩm của Võ Quảng đều thấy được những triết lí sống, kinh nghiệm sống, tình yêu thương đối với thiên nhiên, muôn loài, quê hương, là sự trân trọng, gìn giữ kỉ niệm tuổi thơ, là khởi nguồn cho sự phát triển của một con người Truyện đồng thoại của Võ Quảng rất hay, tác giả thông qua những nhân vật là loài vật trong cuộc sống hàng ngày để gửi gắm bài học cuộc sống, những giá trị đạo đức tốt đẹp để các em khám phá bản thân, khám phá tâm tư tình cảm của chính mình

Bên cạnh truyện đồng thoại, Võ Quảng để lại nhiều dấu ấn trong mảng

truyện và tiểu thuyết đề tài quê hương như Chỗ cây đa làng (1964), Quê nội

(1974), Tảng sáng (1976)… Mỗi một tác phẩm là sự trưởng thành, phát triển

Trang 37

trong cách viết của nhà văn, sự tiếp cận cuộc sống của Võ Quảng cũng thay đổi qua mỗi tác phẩm văn học

Ngoài việc sáng tác, nhà văn còn viết bài phê bình, dịch và biên soạn Sự

nỗ lực của nhà văn Võ Quảng phần nào góp vào sự hình thành và phát triển của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng Cả cuộc đời của nhà văn Võ Quảng đã dành cho mảng đề tài thiếu nhi với nhiều giá trị

Có thể thấy, Võ Quảng là một nhà văn hết mình vì văn học, ông cống hiến cho văn học bằng những sự chân thật, giản dị nhất qua ngồi bút của mình

1.2.2.2 Quan niệm nghệ thuật

Quan niệm về nghệ thuật sáng tác của Võ Quảng đối với từng thể loại cũng rất khác Với thơ, Võ Quảng luôn tâm niệm viết ra những dòng thơ chứa chan tình yêu thiên nhiên Thơ phải nhẹ nhàng, bay bổng, những hình ảnh thơ, nhịp điệu, âm thanh, ngôn ngữ phải trở thành niềm vui trong tâm hồn người đọc Về văn xuôi, Võ Quảng luôn tôn trọng, đề cao cái đẹp, sự đơn giản và cô đọng Ông không cần câu từ cầu kì, những cảm xúc gượng ép, những hình ảnh quá hoa mĩ

mà đối với Võ Quảng, viết cho trẻ em càng gần gũi, càng đơn giản càng tốt, những câu từ sẽ xuôi theo dòng cảm xúc mà tạo ra những hình ảnh thân quen, khơi dậy trí tò mò và tưởng tượng ở trẻ

Về mảng truyện đồng thoại, Võ Quảng có những quan niệm riêng trong sáng tác của mình Khi viết về truyện đồng thoại, Võ Quảng đã có nhận thức rõ

về việc viết truyện đồng thoại là phải giáo dục, khơi mở cho trẻ những tư tưởng, nhận thức tốt đẹp nên nhà văn chú trọng rất nhiều đến vấn đề giáo dục thông qua tác phẩm của mình Những bài học Võ Quảng gửi gắm vào tác phẩm truyện đồng thoại gắn liền với mục tiêu giáo dục, đó là tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương đồng loại, tinh thần tự giác trong học tập, lao động, sự tự ý thức về những điều tốt đẹp cũng như những điều gây hậu quả nghiêm trọng Với sự hiểu biết sâu sắc của bản thân về thiếu nhi, Võ Quảng không áp đặt, câu từ không khô khan mà ông tạo ra một thế giới đầy màu sắc với các nhân vật loài vật thân quen, những

Trang 38

con vật ấy được nhân cách hóa cùng với những nét tính cách ngây thơ của trẻ con Nhìn vào những con vật ấy, trẻ sẽ biết được đâu là tấm gương tốt, tấm gương xấu để noi theo điều tốt, không làm điều xấu

Sự nghiệp sáng tác của Võ Quảng vừa đa dạng vừa nhiều thành tựu Từ những thành tựu, những tác phẩm, những phê bình văn học phong phú ấy có thể thấy ở Võ Quảng ý thức xây dựng nền tảng cho văn học thiếu nhi Đối với Võ Quảng, sự chia sẻ về quan niệm sáng tác góp phần cho sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam Trong quan niệm sáng tác của ông chính là tư tưởng về mối quan hệ giữa văn học và đối tượng văn học Vì những tác phẩm của Võ Quảng đều hướng đến thiếu nhi nên vấn đề cốt lõi của văn học thiếu nhi là giáo dục trẻ

em Cách giáo dục của nhà văn không phải là giảng giải, đưa ra bài học rồi rút ra kết luận mà nhà văn mong muốn các em tự tìm tòi, khám phá, phát hiện ra cái hay, cái đẹp, phát hiện ra những bài học quý giá để trân trọng những điều đó như đứa trẻ con được mẹ tặng phần thưởng Mỗi một tác phẩm của Võ Quảng không phải là lời giáo huấn khô khan, cũng không phải những lời hoa mĩ nhưng lại nhẹ nhàng, đầy tính thẩm mĩ Những tác phẩm ấy như những giọt nước mát tưới tắm cho tầm hồn xanh của trẻ thơ Đối với Võ Quảng, ông cho rằng nhà văn sáng tác cho trẻ em phải có đủ sự nhạy bén, chỉ có vậy mới hiểu được hết tâm hồn trẻ, hóa thân vào trò chuyện với từng lứa tuổi, tạo nên sự sinh động trong văn học

Bên cạnh đó, các tác phẩm của Võ Quảng thường xuyên giải thích cho các

em biết được những điều thú vị về các loài vật thông qua những câu chuyện dân gian mang nét hiện đại đậm chất Võ Quảng Lồng ghép vào sự giảng dạy về tự nhiên muôn loài, Võ Quảng đưa vào đó là những bài học đối nhân xử thế, ứng

xử trong cuộc sống hàng ngày

Vậy nên, người sáng tác văn học thiếu nhi cũng phải là một người bạn, một nhà giáo dục của các em với một mong muốn các em tốt lên từng ngày Theo quan niệm của nhà văn, dù có sáng tác bao nhiêu tác phẩm cũng cần đặt đối tượng văn học lên hàng đầu, phải giáo dục được cái hay, cái đẹp cho các em Một nhà

Trang 39

văn muốn sáng tác được văn học thiếu nhi phải nắm bắt được sự thay đổi trong tâm lí của từng lứa tuổi, khi viết phải có sự hồn nhiên, tươi vui, dù là một chi tiết nhỏ nhất cũng cần phải dốc hết tâm sức, cuộc đời để trau chuốt Một nhà văn không được phép thiếu sự hiểu biết khi viết, phải dành trọn tấm lòng của mình vào từng câu chữ

Võ Quảng cũng sử dụng truyện đồng thoại như một phương tiện để phản ánh hiện thực đời sống Những tác phẩm của ông cho người đọc hiểu được công sức vất vả của người dân lao động cũng như những kí ức đau thương mà chiến tranh đem lại Tuy truyện đồng thoại phản ánh hiện thực chỉ xuất hiện một thời gian nhưng với những tác phẩm của Võ Quảng ông đã thành công cho người đọc thấy được cái nhìn lớn về cuộc đời

Trang 40

Tiểu kết chương 1

Khái niệm thế giới nhân vật được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những nhận định khác nhau nhưng tựu trung lại thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học được các nhà văn xây dựng bởi hệ thống các nhân vật được khắc họa ở nhiều góc

độ và có chức năng khác nhau, mỗi nhân vật đều đem lại một màu sắc riêng biệt

và từ đó kiến tạo nên thế giới nhân vật Thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học

sẽ được mỗi nhà văn thể hiện, sáng tác theo một phong cách riêng nên thế giới nhân vật rất phong phú, đa dạng và độc đáo Thế giới nhân vật được thể hiện rất

rõ ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật, vì vậy việc tìm hiểu về thế giới nhân vật chính là con đường giúp người đọc hiểu được giá trị nội dung và tư tưởng nghệ thuật mà nhà văn truyền đạt trong tác phẩm Những tư tưởng đó sẽ bao trùm toàn bộ các tác phẩm văn học của nhà văn, chi phối cách viết và thế giới nghệ thuật của nhà văn đó

Thể loại truyện đồng thoại Việt Nam vừa có điểm tương đồng và khác biệt

so với thể loại ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật Cả ba thể loại này đều đem đến cho người đọc những bài học nhân sinh sâu sắc với những nhân vật chủ yếu

là loài vật được nhân cách hóa để trở nên gần gũi, thân thuộc với trẻ thơ

Truyện đồng thoại giàu sức tưởng tượng, nội dung phản ánh cuộc sống không theo quy luật Tuy là thể loại truyện dành cho trẻ em nhưng vẫn đề cập đến những vấn đề lớn lao nên không chỉ là những chuyện thường ngày của trẻ Chính vì điều đó, đây là một thể loại có khả năng hướng tới nhiều đối tượng độc giả, phản ánh nhiều nội dung tư tưởng khác nhau

Có thể thấy, nhà văn Tô Hoài và nhà văn Võ Quảng đều là hai cây bút lớn của nền văn học Việt Nam Hai nhà văn đã phần nào mang lại những đóng góp

to lớn cho nền văn học thiếu nhi nói chung và mảng truyện đồng thoại nói riêng

Về mảng truyện này, chúng ta phần nào thấy được tình yêu thương của hai nhà văn dành cho những mầm non tương lai của đất nước Những quan niệm khi viết truyện đồng thoại của hai nhà văn giúp cho con đường sáng tác văn học thiếu nhi của các nhà văn trẻ truyền tải được những bài học quý giá một cách sinh động thông qua câu từ và viết nên những tác phẩm có giá trị

Ngày đăng: 22/03/2024, 09:08

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w