Trang 1 ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYỄN THỊ KIM DUNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN PHỔ THÔNG LUẬN VĂN THẠC
Trang 1ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở CHƯƠNG TRÌNH
NGỮ VĂN PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC
VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Thái Nguyên, Năm 2023
Trang 2ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở CHƯƠNG TRÌNH
NGỮ VĂN PHỔ THÔNG
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8 22 01 21
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC
VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Giảng viên hướng dẫn: TS NGÔ THỊ THANH NGA
Thái Nguyên, Năm 2023
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đã thực hiện việc kiểm tra mức độ tương đồng nội dung luận văn qua phần mềm Turnitin một cách trung thực và đạt kết quả mức độ tương
đồng 20% Bản luận văn kiểm tra qua phần mềm là bản cứng đã nộp để bảo vệ
trước hội đồng Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm
Thái Nguyên, ngày 1 tháng 11 năm 2023
Tác giả luận văn Nguyễn Thị Kim Dung
Trang 4LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới TS Ngô Thị Thanh Nga, người đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo và tạo mọi điều kiện giúp
đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo thuộc Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, các nhà Khoa học và các thầy cô giáo thuộc bộ phận sau đại học, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho em trong quá trình học tập và hoàn thành luận văn
Cuối cùng tôi xin bày tỏ lời biết ơn đến gia đình, bạn bè đã động viên, khuyến khích và giúp đỡ em trong tiến trình học tập và hoàn thành luận văn
Thái Nguyên, tháng 10 năm 2023
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Kim Dung
Trang 5MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN i
LỜI CẢM ƠN ii
MỤC LỤC iii
MỞ ĐẦU 1
1 Lý do chọn đề tài 1
2 Lịch sử vấn đề 2
3 Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu 5
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
5 Phương pháp nghiên cứu 6
6 Đóng góp của đề tài 7
7 Kết cấu của luận văn 7
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 8
1.1 Một số vấn đề lí luận 8
1.1.1 Khái niệm nhân vật 8
1.1.2 Hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học 9
1.2 Khái quát về nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt Nam trung đại 15
1.2.1 Thế kỉ X-XIV 15
1.2.2 Thế kỉ XV-XVII 17
1.2.3 Thế kỉ XVIII-XIX 21
1.3 Khái quát về hệ thống văn bản văn học trung đại viết về người phụ nữ trong chương trình Ngữ văn phổ thông 29
1.3.1 Chương trình THCS (Thống kê các hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm) 29
1.3.2 Chương trình THPT (Thống kê các hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm) 30
Tiểu kết chương 1 31
Trang 6Chương 2: ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRƯỜNG
PHỔ THÔNG 32
2.1 Vẻ đẹp của người phụ nữ 32
2.1.1 Vẻ đẹp hình thức 32
2.1.2 Vẻ đẹp phẩm chất 38
2.2 Khát vọng của người phụ nữ 47
2.2.1 Khát vọng tình yêu hạnh phúc 47
2.2.2 Khát vọng thể hiện bản thân 54
2.3 Thân phận người phụ nữ 57
2.3.1 Người phụ nữ bị tước đoạt hạnh phúc 57
2.3.2 Người phụ nữ bị phụ thuộc 62
2.3.3 Người phụ nữ bị chà đạp 66
Tiểu kết chương 2 71
Chương 3: NGHỆ THUẬT KHẮC HỌA HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG 73
3.1 Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật 73
3.1.1 Dùng từ đặc tả 73
3.1.2 Bút pháp ước lệ tượng trưng 74
3.2 Nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm 80
3.2.1 Biểu hiện nội tâm qua hình tượng thiên nhiên và hình ảnh ẩn dụ 81
3.2.2 Biểu hiện thế giới nội tâm qua xung đột tâm lí 84
3.3 Hành động nhân vật 88
Tiểu kết chương 3 95
KẾT LUẬN 96
TÀI LIỆU THAM KHẢO 99
Trang 7MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
Song hành cùng với những biến động của lịch sử, văn học Việt Nam cho thấy bức tranh về đời sống của con người Việt Nam Ngoài việc phản ánh và việc ngợi ca những phẩm chất cao quý của con người Việt như sự kiên cường, bất khuất với tinh thần yêu nước mạnh mẽ thì văn học cũng đề cập đến bất hạnh, đau thương và mất mát đối với con người đặc biệt là người phụ nữ Có thể nói, trong lịch sử văn học, phụ nữ luôn là một trong những hình tượng được các tác giả quan tâm và tìm hiểu
Trong thời kì văn học trung đại, tuy còn ảnh hưởng nhiều của Nho giáo nhưng hình tượng nhân vật này vẫn là một trong những hình tượng tiêu biểu của văn học nhất là từ thế kỉ XVI trở đi Do tác động của các yếu tố lịch sử, tư tưởng, văn hóa mà ở từng giai đoạn văn học hình tượng nhân vật nữ được phản ánh ở những khía cạnh khác nhau Thông qua hình tượng nghệ thuật này, các tác giả văn học Việt Nam trung đại đã thể hiện những quan niệm nghệ thuật cũng như những quan niệm nhân sinh của riêng mình về con người, về cuộc sống Chính
vì vậy nghiên cứu về hình tượng nhân vật nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại nói chung, các tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông nói riêng, chúng ta không chỉ hiểu được về hiện thực cuộc sống của người phụ nữ thời kì phong kiến mà còn hiểu được nghệ thuật văn chương, quan niệm nhân sinh của các nghệ sĩ trung đại
Trong chương trình Ngữ văn phổ thông, những văn bản văn học Việt Nam trung đại, trong đó có các văn bản viết về người phụ nữ được đưa vào giảng dạy
khá nhiều như: Chuyện người con gái Nam Xương (Truyền kì mạn lục), Chinh phụ ngâm khúc, Truyện Kiều, thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Bản thân tác giả luận
văn là một giáo viên phổ thông nên việc nghiên cứu sâu về các văn bản này sẽ giúp cho việc giảng dạy phần văn học Việt Nam trung đại nói chung, các văn bản viết về người phụ nữ nói riêng tốt và sâu hơn
Trang 8Với tất cả những lý do trên, tác giả chọn đề tài: “Hình tượng nhân vật nữ
trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở chương trình Ngữ văn phổ thông” để làm luận văn thạc sĩ của mình
Những sáng tác trong văn học trung đại ở trường phổ thông rất đa dạng và nhiều thể loại, tuy có nét riêng khác nhau nhưng xét cho cùng nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm ấy đều có số phận bi kịch, đều là nạn nhân của đàn ông và những thành kiến khắt khe do xã hội phụ quyền sắp đặt như nhân vật Vũ
Nương (Chuyện người con gái Nam Xương- Nguyễn Dữ) hay nhân vật Thúy Kiều (Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Theo chúng tôi tìm hiểu, đến hiện nay chưa có một công trình cụ thể nào nghiên cứu về hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở trường phổ thông mà hầu hết chỉ là những phân tích nhỏ lẻ theo dạng bài phân tích mẫu về một văn bản văn học Việt Nam trung đại cụ thể trong chương trình như: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ hay Trao duyên,… Nếu
có chăng chỉ là một vài nghiên cứu theo dạng sáng kiến kinh nghiệm của các
giáo viên ở các trường phổ thông, chuyên viên của các Sở như: Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương của Lê Thị Thu Hằng - Phú Thọ (2014), Hình ảnh người phụ nữ trong Văn học Trung đại của Nguyễn Thị Vân - Thái Nguyên (2015), Hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua một số tác phẩm
Trang 9của Phan Văn Thắng - Đắc Nông (2019),… Trong những sáng kiến này, các tác giả cũng có những phân tích tổng thuật ngắn gọn về nhân vật người phụ nữ ở một tác giả hay một số tác giả trên các phương diện phẩm chất và nhất là bi kịch Chính vì thế, trong phần lịch sử vấn đề, để có cái nhìn rộng và đầy đủ hơn những nghiên cứu có liên quan đến đối tượng nghiên cứu của đề tài, chúng tôi điểm lại một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về người phụ nữ trong văn học Việt Nam
trung đại qua các thời kì
Những năm trước thế kỉ XX, ở nước ta chưa nhiều những nghiên cứu khoa học xã hội đích thực do chính người bản xứ thực hiện Sang đầu thế kỉ XX, có
một số công trình nghiên cứu như Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục (1915); Đào Duy Anh với Việt Nam văn hóa sử cương (1938); Phan Khôi và Tản
Đà tìm hiểu về vấn đề thủ tiết trong năm những năm 1929 - 1930 Đối tượng nghiên cứu của những công trình này khá rộng trong đó có đề cập đến người phụ
nữ và thể hiện những góc nhìn cơ bản về hình tượng nữ trong các tác phẩm văn học Những năm 50 - 60 của thế kỉ XX, các công trình nghiên cứu về người phụ
nữ trong văn học Việt Nam trung đại đã có khá nhiều thành tựu, trong đó có một
số nghiên cứu về vấn đề nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại như
nghiên về tác phẩm Trinh thử và Phạm Tải - Ngọc Hoa của Văn Tân và Nguyễn
Hồng Phong (1960) Sau 1975, các nghiên cứu liên quan đến nhân vật nữ trong văn học Việt Nam trung đại bắt đầu đi vào chiều sâu như Đặng Thanh Lê với
Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (NXB Khoa học xã hội), Bùi Duy Tân đã nghiên cứu về Truyền kì mạn lục xong cũng chưa đi sâu về khía cạnh nhân vật
nữ Những năm 1980 trở lại đây, đã xuất hiện những công trình nghiên cứu về những nhân vật nữ tiêu biểu nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại
như Lâm Vinh nghiên cứu về Kiều Nguyệt Nga, Nguyễn Lộc về Ngọc Khanh trong truyện Hoa Tiên Đến đầu thế kỉ XXI, có nhiều hơn các nghiên cứu về
nhân vật nữ trong văn học Việt Nam trung đại như Nguyễn Phạm Hùng đã phân
tích một trong những nguyên nhân gây ra bi kịch cho người phụ nữ trong Truyền
kì mạn lục là “vì nam quyền phong kiến” Luận án Phó tiến sĩ khoa học Nguyễn
Trang 10Đăng Na năm 1987 Sự phát triển văn xuôi Hán - Việt từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX đã đặc biệt chú ý đến nhân vật người phụ nữ và số phận của họ trong Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) Qua nghiên cứu tác giả đã chỉ ra
rằng dù sống theo kiểu nào thì người phụ nữ cũng bất hạnh, cái chết oan khốc là kết cục cuộc đời của hầu hết phụ nữ Ngoài ra còn một số những công trình
nghiên cứu khác cũng đã có đề cập đến loại nhân vật này Trong Khảo sát một
số đặc điểm nghệ thuật trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tác giả Lê Thu Yến
cũng đã đề cập đến người phụ nữ là những người ca nữ tài sắc những có số phận khắc nghiệt Tác giả cho rằng hình tượng con người đau khổ là những người phụ
nữ tài hoa mà bạc mệnh Dù họ là phi tần, cô hầu, cô gái ngây thơ hay một kỹ nữ
cũng đều được Nguyễn Du thương cảm Trong bài viết Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, tác giả Trần Nho Thìn đã có nhắc đến những nhân
vật người phụ nữ như kỹ nữ, cô đào trong sáng tác của Nguyễn Du Ông cho rằng
Truyện Kiều không chỉ dừng lại ở vấn đề bất hạnh của người đẹp nói chung mặc
dù bản thân vấn đề bất hạnh của các mỹ nhân cũng là vấn đề có căn cứ ở thực tế
xã hội phong kiến
Bên cạnh đó, những khóa luận như: Nhân vật người phụ nữ từ Thánh Tông
di thảo đến Truyền kì mạn lục của Phạm Thị Hồng Vân (2006 - Trường Đại học
Sư phạm Thái Nguyên) hoặc những luận văn như: Số phận người phụ nữ và các phương thức thể hiện số phận ấy trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thị Dương (1996 - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Hình ảnh người kĩ nữ trong văn học trung đại Việt Nam của Vũ Thị Hoàng Yến (2010 - Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), Người phụ nữ trong Truyền kì mạn lục nhìn từ
quan điểm giới của Trần Thị Nhung (2010 - Trường Đại học Sư phạm Thái
Nguyên), Người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm và Cung oán ngân nhìn từ quan điểm giới của Tạ Thị Thanh Huyền (2010 - Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), “Vai trò của yếu tố kì ảo trong việc thể
hiện khát vọng của người phụ nữ trong Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Thị Hải
Trang 11Yến (2011 - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên), Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX của Nguyễn Hoàng Thịnh (2012 -
Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh),… Những khóa luận và luận văn kể trên từ nhiều góc nhìn khác nhau đã phân tích khá sáng rõ về hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại tiêu biểu từ vẻ đẹp đến bi kịch cũng như một số phương thức thể hiện những vẻ đẹp cũng như bi
kịch ấy Ví dụ trong luận văn Thạc sĩ Số phận người phụ nữ và các phương thức thể hiện số phận ấy trong Truyền kỳ mạn lục, tác giả Nguyễn Thị Dương đã chia
nhân vật người phụ nữ thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là những người phụ nữ
có số phận may nắm, nhóm thứ hai là những người phụ nữ có số phận rủi ro Tuy nhiên luận văn thiên về nghiên cứu các phương thức thể hiện hơn là nghiên cứu
về số phận người phụ nữ
Qua những nghiên cứu trên, có thể khẳng định rằng, nhân vật nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại càng về sau càng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu từ nhiều góc độ khác nhau Tuy nhiên, chưa có một công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu riêng về những văn bản văn học Việt Nam trung đại viết về người phụ nữ trong chương Ngữ văn phổ thông làm đối tượng nghiên cứu chính Chính vì thế tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu này nhằm tổng thuật và phân tích hệ thống hơn về hình tượng nhân vật nữ trong các văn bản văn học Việt Nam trung đại được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông trên hai nguồn ngữ liệu (bộ sách 2006 và 2018) Từ đó, chúng tôi hi vọng góp thêm một tài liệu hữu ích phục vụ công tác giảng dạy Văn học ở phổ thông
3 Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích nghiên cứu
- Tìm hiểu hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm văn học trung đại ở trường phổ thông với những đặc điểm nổi bật về tâm hồn, tính cách và cách thể hiện của tác giả nhằm hiểu sâu hơn về hình tượng nhân vật này từ hiện thực
Trang 12đời sống của họ cũng như quan niệm nhân sinh của các tác giả văn học Việt Nam trung đại góp phần giảng dạy tốt hơn chương trình Ngữ văn ở phổ thông
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho việc tìm hiểu hình tượng nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở chương 2 và chương 3 của đề tài như: nhân vật, hình tượng nhân vật, khái quát về nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt Nam trung đại
- Phân tích đặc điểm hình tượng nhân vật nữ trong những tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở trường phổ thông
- Phân tích nghệ thuật thể hiện hình tượng nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hình tượng nhân vật người phụ nữ
4.2 Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Hình tượng nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt Nam trung đại
- Phạm vi tư liệu nghiên cứu: Các văn bản văn học Việt Nam trung đại dạy
ở trường phổ thông trong các bộ sách: Bộ Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11, lớp 12 (2006); Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8, 10, lớp 11 (2018) của 3 bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo
5 Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng các phương pháp sau:
Phương pháp tiểu sử: Đề tài sử dụng phương pháp này vào việc tìm hiểu
về tiểu sử, con người của các tác giả để làm rõ những phong cách, đặc điểm nghệ thuật trong các tác phẩm của các tác giả
Trang 13Phương pháp phân tích - tổng hợp: Sử dụng phương pháp trong việc
phân tích nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm sau đó tổng hợp và đưa
ra kết luận
Phương pháp so sánh, đối chiếu: Sử dụng phương pháp trong việc so sánh
hình ảnh người phụ nữ trong các sáng tác văn học Việt Nam trung đại viết về người phụ nữ của các tác giả trong chương trình Ngữ văn phổ thông
Phương pháp loại hình: Sử dụng phương pháp để nghiên cứu về kiểu nhân vật người phụ nữ trong các sáng tác văn học Việt Nam trung đại viết về người
phụ nữ của các tác giả trong chương trình Ngữ văn phổ thông
6 Đóng góp của đề tài
Về mặt lý luận: Đề tài tập trung nghiên cứu về hình tượng người phụ nữ
trong các tác phẩm trung đại ở trường phổ thông, thấy được những đặc sắc trong
việc sử dụng ngôn ngữ và nghệ thuật trong khắc họa nhân vật
Về mặt thực tiễn: Đề tài sẽ là tài liệu cần thiết và bổ ích góp phần vào việc
tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về hình tượng nhân vật, nhất là hình tượng nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở trường phổ thông Ngoài ra, đề tài còn giúp ích cho công việc học tập và giảng dạy mảng văn học này ở chương trình Ngữ văn phổ thông
7 Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Nội dung và Kết luận đề tài còn bao gồm:
Chương 1: Những vấn đề chung liên quan đến đề tài
Chương 2: Đặc điểm nhân vật người phụ nữ trong những tác phẩm văn
học Việt Nam trung đại ở trường phổ thông
Chương 3: Nghệ thuật khắc họa hình tượng người phụ nữ trong những tác
phẩm văn học Việt Nam trung đại ở trường phổ thông
Trang 14Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Ở chương này, chúng tôi trình bày khái quát về những vấn đề liên quan đến đề tài văn học Việt Nam trung đại (thế kỷ X - XIX), tìm hiểu hình tượng người phụ nữ và sự phát triển phong phú, đa dạng của hình tượng nhân vật này trong các tác phẩm trung đại
1.1 Một số vấn đề lí luận
1.1.1 Khái niệm nhân vật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu, anh Pha) cũng có thể không có tên riêng” [12,
tr.235] Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác
phẩm “Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống” [12, tr.235] Có lẽ đây là
một quan niệm khá cụ thể và chi tiết về nhân vật văn học mà các tác giả chỉ ra đối tượng tiềm tàng có thể trở thành nhân vật
Theo Hoàng Phê trong cuốn Từ điển Tiếng Việt nhận định: “Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng
và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học” [45, tr.86] Có thể thấy, các tác giả đã nhìn nhân vật từ nhiều
khía cạnh, trong đó nổi bật là vai trò và mối quan hệ với các yếu tố hình thức
trong tác phẩm thuộc khía cạnh chức năng
Nhìn chung, các quan niệm trên có thể nhìn nhận nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng vẫn có một số điểm chung nhất định như: nhân vật là đối tượng
mà văn học miêu tả, được xây dựng bằng những phương tiện nghệ thuật nhằm phản ánh đời sống hiện thực nhưng cũng thể hiện ý nghĩa nhân đạo; yếu tố cơ
Trang 15bản nhất của tác phẩm là nhân vật Chính nhân vật đã thể hiện sự sáng tạo của nhà văn và góp phần bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm
1.1.2 Hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học
Có thể khẳng định rằng một tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật vì
đó chính là yếu tố cơ bản để tạo nên tác phẩm Thông qua nhân vật, nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng Cuộc sống có nhiều mảng màu, mỗi nghệ sĩ văn chương lại tìm cho mình một lĩnh vực riêng song dù ở thể loại văn học nào thì nhân vật cũng chính là người dẫn dắt người đọc vào thế giới riêng của đời sống trong một thời kì nhất định Nhân vật là nơi để tác giả gửi gắm tư tưởng nghệ thuật của bản thân về cuộc sống và con người Nhân vật trong tác phẩm thường gắn với nội dung mà nghệ sĩ muốn đề cập đến trong tác phẩm của mình Chính vì vậy, khi phân tích khám phá nhân vật trong các tác phẩm, người đọc cần làm rõ những vấn
đề của cuộc sống hiện thực cũng như những quan niệm nghệ thuật của tác giả thông qua việc phân tích những nét tính cách, tâm lí, hành động của nhân vật Ví
dụ khi tìm hiểu về văn học dân gian như truyện cổ tích, ta thấy rằng đằng sau nhân vật thường là vấn đề đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, cái tốt với cái xấu, giữa giàu và nghèo Thông qua hình tượng nhân vật, tác giả muốn gửi gắm đến độc giả triết lí sống của dân gian như “ở hiền gặp lành”, đồng thời thể hiện những ước mơ
tốt đẹp của nhân dân về hạnh phúc, cũng như sự công bằng Còn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả cuộc đời mười lăm năm lưu lạc đầy giông tố, đau
thương của nhân vật Thúy Kiều nhằm thể hiện một thực trạng xã hội đen tối, đầy bất trắc, đồng thời thi sĩ Tố Như dường như cũng muốn chứng minh cho những điều trải nghiệm của bản thân khi lịch duyệt nhiều nơi về số phận của hồng nhan:
“đau đớn thay phận đàn bà/lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” và thuyết “tài
mệnh tương đố” Qua đó, đại thi hào cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình đối với đời, với người Vậy nên có thể nói rằng nhân vật là một trong những yếu
tố căn cốt mà nghệ sĩ văn chương không thể loại bỏ, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc tác giả lựa chọn hình thức của tác phẩm như: ngôi kể, kết cấu, cốt truyện đến các biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu
Trang 16Nhân vật là phương tiện để khái quát hiện thực một cách hình tượng nên
có thể khẳng định nhân vật văn học là yếu tố quan trọng trong tác phẩm Nói cách khác, chức năng của nhân vật chính là việc thể hiện tính cách, số phận và các quan niệm nghệ thuật, lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người Từ chức năng này, độc giả sẽ tiến gần hơn và khám phá sâu sắc hơn đời sống xã hội Văn học nghệ thuật nảy sinh từ đời sống, thể hiện ý thức đời sống thông qua hình tượng nghệ thuật Đây là đối tượng mà nhà văn hướng tới, đồng thời cũng thể hiện quan niệm của nhà văn về đời sống Và như thế cũng có nghĩa, khi độc giả khám phá ra được quan niệm nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm cũng đồng nghĩa với việc chúng ta khám phá ra những sáng tạo sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, khám phá chiều sâu của tác phẩm văn chương Quan niệm nghệ thuật về con người là khái niệm cơ bản nhằm thể hiện khả năng khám phá, sáng tạo trong lĩnh vực miêu tả, thể hiện con người của nhà văn Có thể nói, nó giống như là một chiếc chìa khóa vàng góp phần gợi mở cho chúng ta tất cả những gì
bí ẩn trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ nói chung và từng thời đại nói riêng
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình” [50,
tr.15] Nghĩa là quan niệm nghệ thuật về con người sẽ đi sâu vào phân tích, mổ
xẻ đối tượng con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học của tác giả, từ đó, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong tác phẩm Vì vậy, người đọc
sẽ thấy được giá trị của hình tượng nghệ thuật trong các tác phẩm Tầm nhìn của nhà văn và chiều sâu triết lí của tác phẩm thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả
Khi bàn đến vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người, nhân vật trong tác phẩm văn học, các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cho rằng:
Trang 17“Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật Nó gắn với các phạm trù khác như phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và cơ sở của tư duy nghệ thuật” [12, tr.275]
Mỗi tác giả sẽ có những hình tượng về nhân vật riêng, bởi vậy hình tượng nhân vật không chỉ thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm mà còn được coi là phong cách sáng tác, là nét riêng của mỗi tác giả, không ai giống ai
Quan niệm nghệ thuật về nhân vật văn học được hiểu là cách nhìn nhận, cách cảm, cách nghĩ, cách lí giải về con người của nhà văn Đó chắc chắn là quan niệm mà nhà văn thể hiện trong từng tác phẩm Quan niệm ấy gắn liền với cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của tác giả, ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng
Trong văn học trung đại Việt Nam hệ thống hình tượng nhân vật vô cùng phong phú nhưng cũng có một số điểm khác biệt với hệ thống nhân vật trong văn học dân gian So sánh hai thể loại này có thể thấy mỗi thể loại có những điểm chung nhất định nhưng khi tìm hiểu và phân tích cụ thể sẽ nhìn nhận ra những điểm riêng về yếu tố con người trong từng giai đoạn Cụ thể, ở giai đoạn trung đại thì con người trong giai đoạn này sinh sống bằng nông nghiệp vậy nên họ coi trọng thiên nhiên và thể hiện được mối liên hệ với thiên nhiên Vậy nên, con người trung đại có nhiều niềm tin vào giới tự nhiên Họ coi thiên nhiên là bạn - người bạn giao hòa, giao cảm bởi họ nhận biết được rằng mỗi cá thể sống là một
“tiểu vũ trụ” có mối liên hệ gắn bó sâu sắc với “đại vũ trụ” của tự nhiên Con người chính là một yếu tố trong: Thiên - Địa - Nhân hợp thành “Tam Tài” Cho nên, những quan niệm “Thiên - Địa - Nhân” hay “Thiên Nhân tương cảm” cổ xưa ấy đã tác động rất nhiều đến sự biểu hiện của các tác phẩm trung đại Do vậy
ta có thể thấy rằng thơ văn trung đại thường xuyên xuất hiện những hình tượng con người đứng trước đất trời, có thể so sánh tầm vóc của con người sánh ngang với tầm vóc của tự nhiên
Trang 18Chẳng hạn, trong thi ca trữ tình trung đại, chủ đề quen thuộc thường thấy
là hình ảnh con người một mình đối diện, đàm tâm với thiên nhiên Như trong thơ Đặng Dung là một điển hình:
“Trí chủ hữu hoài phù địa trục Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
(Phò vua bụng những mong xoay đất, Gột giáp sông kia khó vạch trời)”
[5, bài 308]
Đó là vẻ đẹp của người nam nhi có tầm vóc ngang với trời đất, nhưng với nhân vật là người đẹp thì lại được nhắc đến với nhan sắc khiến thiên nhiên phải ngỡ ngàng, ghen tị:
“Làn thu thủy nét xuân sơn Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
[48, tr 81]
Hay trong không gian nghệ thuật hiện lên trong bài thơ Thuật hoài (Phạm
Ngũ Lão) người đọc dễ dàng nhận ra một không gian rộng lớn, hoành tráng Ở không gian đó, nhân vật dù tầm vóc nhỏ bé nhưng được xây lên có tầm vóc ngang với đất trời, vũ trụ Tác giả Phạm Ngũ Lão đã làm nổi bật hình ảnh con người trước thiên nhiên vũ trụ:
“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu, Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu (Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng dũng nuốt sao Ngưu)”
Trang 19vũ trụ Khác với những thi sĩ khác, bà chủ yếu làm nổi bật sự đối lập của cá nhân giữa không gian rộng lớn để nhấn mạnh sự cô đơn, lẻ loi, buồn tủi của con người trước thế giới rộng lớn mênh mông
Hay khi tìm hiểu về những nhân vật xuất chúng, tác giả thường miêu tả thành những con người dị tướng, phi thường, hun đúc một sức mạnh nào đó của
vũ trụ Đó là những con người “chịu mệnh trời” Từ Hải chính là nhân vật được Nguyễn Du xây dựng dựa trên quan niệm này:
“Râu hùm hàm én mày ngài Vai năm tất rộng thân mười thước cao”
Trong văn học trung đại, cùng với hình tượng người mang tầm vóc thiên
nhiên vũ trụ còn tồn tại quan niệm về con người “đấng”, “bậc” Tác phẩm Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của đại thi hào Nguyễn Du thể hiện rõ nét nhất
quan niệm này Hầu như hiếm có một tác phẩm văn học Việt Nam trung đại nào
mà tác giả bày tỏ mạnh mẽ và công khai với nhân vật như trong tác phẩm Truyện Kiều Càng căm ghét, khinh miệt nhân vật phản diện bao nhiêu thì Nguyễn Du
càng yêu thương nhân vật chính diện bấy nhiêu Ta có thể thấy các nhà thơ đã thể hiện tư duy phân loại trong việc cấu tạo giá trị cho mỗi loại nhân vật Liên quan đến sắc đẹp, tài năng và nhân cách cao thượng, phi thường thường được thấy ở các nhân vật chính diện - những “đấng”, “bậc” Ngược lại là những nhân vật thuộc loại phản diện Nguyễn Du chịu sự chi phối của quan niệm về con
Trang 20người trong cách miêu tả của Ông quan niệm, những con người như Kim Trọng, Thúy Kiều, Từ Hải là những “đấng”, những “bậc” đáng kính trọng Họ là “đấng tài hoa” như Đạm Tiên; “bậc tài danh” như Kim Trọng; “bậc bố kinh” như Thúy Kiều; “đấng anh hùng” như Từ Hải Tác giả dành những lời trang trọng, tượng trưng đối với những nhân vật ấy Trái lại, bọn vô loài, bọn không mẫu mực, mỗi đứa một vẻ nhưng đều gọi chung là “tuồng” như Tú Bà, Mã Giám Sinh Bọn vô
lại ấy được miêu tả theo đặc tính thực tế về nghề nghiệp cá nhân theo kiểu: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da”, hoặc: “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” [48, tr
97] rất giống với hiện thực
Có ý kiến cho rằng, sự thay đổi trong quan niệm của con người đã dẫn đến
sự thay đổi trong quan niệm văn học Chính vì vậy, văn học trung đại Việt Nam
đã chứng minh được đây là một giai đoạn văn học có sức hấp dẫn và có những giá trị lớn lao trong các giai đoạn văn học Việt Nam Văn học trung đại khẳng định được sức hấp dẫn để mỗi chúng ta đều quan tâm và tìm hiểu, đặc biệt là đi sâu khám phá về quan niệm nghệ thuật và quan niệm con người
Như vậy có thể nói hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học là những hình thức đời sống được nhà văn tưởng tượng sáng tạo để trình bày về một hiện thực đời sống nhất định Nó không phải là sự sao chép nguyên xi từ hiện thực đời sống mà được nhà văn hư cấu và tưởng tưởng trên nền của đời sống Thông qua những hình tượng này, nhà văn muốn thể hiện những quan niệm, đánh giá về thế giới hoặc một tư tưởng nhân sinh nào đó Tìm hiểu hình tượng nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại nói chung những tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông nói riêng, chúng ta không chỉ hiểu được về đời sống xã hội của thời quá khứ mà còn hiểu được quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả thông qua các nhân vật nữ được thể hiện một cách sống động và hấp dẫn trong từng tác phẩm
Trang 211.2 Khái quát về nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt Nam trung đại
1.2.1 Thế kỉ X-XIV
Nghiên cứu về các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại giai đoạn thế kỉ X-XIV, chúng tôi nhận thấy chỉ có một số ít tác phẩm có sự xuất hiện các nhân vật nữ và những nhân vật nữ được đề cập đến cũng không có sự phong phú về hình tượng và cũng chẳng đi sâu về mặt tâm lí … Có thể kể đến một số nữ nhân
trong các tác phẩm thơ trữ tình như: cung nữ (Cung viên xuân nhật ức cựu), người thiếu phụ (Khuê oán), người thiếu nữ (Xuân nhật tức sự), hay một số nhân vật nữ trong các tác phẩm văn xuôi như: Hai Bà Trưng (Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái lục), Mỵ Ê (Việt điện u linh tập), quận chúa A Kim (Lĩnh Nam chích quái lục)
Nhìn chung ở giai đoạn văn học này, các đề tài trọng tâm là yêu nước, tỏ chí, thiền, còn về đời sống thì đề tài không quá nhiều nên những tác phẩm viết
về nữ nhân lại càng ít Có thể nói, nữ nhân ở giai đoạn văn học này dường như không phải là đối tượng được các tác giả văn học hướng tới Trong những tác phẩm kể trên, người phụ nữ bước đầu xuất hiện nhưng hình ảnh của họ nhìn chung khá mờ nhạt, chưa có những đột phá trong cách thức miêu tả, nhất là tâm
lí Đó có thể là hình ảnh của một người cung nữ xưa không rõ hình hài qua hồi
ức của nhà vua - thi sĩ Trần Thánh Tông khi nhìn cảnh nhớ người trong Cung viên xuân nhật ức cựu:
“Cung môn bán yểm kính sinh đài, Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn, Xuân hoa như hử vị thùy khai?
(Cửa cung khép hờ, lối đi rêu mọc, Giữa ban ngày mà sâu lặng, ít người qua lại, Muôn tía nghìn hồng rực rỡ suông mà thôi, Hoa xuân đẹp như kia vì ai mà nở?)”
(Cung viên xuân nhật ức cựu)
Trang 22Đó là nỗi buồn vì tuổi xuân nhanh chóng trôi đi mà không thể níu giữ của người
thiếu nữ nơi khuê phòng trong bài thơ Khuê oán của nhà vua - thiền sư - thi sĩ
Trần Nhân Tông Nàng oán hận quy luật khắc nghiệt của thời gian không cho con người có thể tận hưởng hết vẻ đẹp của cuộc sống
“Thuỵ khởi câu liêm khán truỵ hồng, Hoàng ly bất ngữ oán đông phong
Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại, Hoa ảnh, chi đầu tận hướng đông
(Ngủ dậy, cuốn mành xem cánh hồng rụng
Chim oanh vàng bặt tiếng, oán gió đông
Không dưng mặt trời lặn phía ngoài lầu tây, Đầu cành bóng hoa đều hướng về phía đông.)”
(Khuê oán)
Trong Xuân nhật tức sự, thiền sư - thi sĩ Huyền Quang cũng đã diễn tả
hương vị tươi mới, khỏe khoắn của người thiếu nữ khi xuân sang Trong khung cảnh mùa xuân với hoa nở, chim hót, người thiếu nữ bâng khuâng, ngừng tay
thêu lòng dạt dào cảm xúc thương xuân “Khả liên vô hạn thương xuân ý” (Dịch
nghĩa: Thương biết bao nhiêu cái ý thương xuân của nàng) Đó là một hình ảnh đẹp có sự quyện hòa giữa tình và cảnh mà thiền sư Huyền Quang như một nhiếp ảnh gia đã chớp được khoảnh khắc đầy thần thái ấy
Còn trong văn xuôi, dù không phải là đối tượng chính được nhà văn hướng
tới nhưng người phụ nữ cũng đã xuất hiện trong các tác phẩm như: Việt điện u linh tập (Lí Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế Pháp) Các nhân vật
nữ có thể kê đến như Mị Ê, Hai Bà Trưng, quận chúa A Kim,… Tuy nhiên, về
cơ bản, nữ nhân ở trong các tác phẩm này về cơ bản vẫn mang ý nghĩa là những tấm gương giáo huấn về tinh thần trung liệt để khẳng định một cõi Lĩnh Nam
linh ứng hơn là những con người với những cảm xúc đời thường Truyện Chế thắng nhị Trưng phu nhân (Việt điện u linh) hay Truyện Hai bà trinh linh phu
Trang 23nhân họ Trưng (Lĩnh Nam chích quái lục) cũng giống như các nhân vật khác
trong tập truyện, nhân vật nữ được xây dựng theo công thức dương trợ - âm phù
Họ là những người khi sống lập được nhiều công trạng cho dân cho nước (nhất
là đánh giặc), chết hiển linh giúp người trong những lúc khó khăn hoạn nạn nên được lập đền thờ và phong tước hiệu Họ đã để lại sự ngưỡng mộ lớn cho người
đời Ngoài ra nhân vật Mị Ê (Truyện Hiệp chính hựu thiện trinh liệt chân mãnh phu nhân- Việt điện u linh) lại được tác giả Lí Tế Xuyên xây dựng để trở thành
tấm gương giáo huấn về tấm lòng trinh liệt với đức lang quân Nàng quyết chết
để giữ tiết với chồng chứ không chịu đi theo người khác dù người đó có là đấng
bậc tối thượng trong thiên hạ Riêng nhân vật quận chúa A Kim (Truyện Hà Ô Lôi - Lĩnh Nam chích quái lục) lại báo hiệu một cho một hình tượng nghệ thuật
mới của văn học trong tương lai Văn học hướng tới những vấn đề của cá nhân con người hơn là con người của phận sự A Kim sẵn sàng quên đi địa vị cao quý của mình để yêu và theo đuổi tình yêu với một người hầu da đen là Hà Ô Lôi dù tình yêu ấy có thể phá hủy địa vị của nàng, thậm chí dẫn nàng đến cái chết
Như vậy có thể nói, văn học giai đoạn thế kỉ X-XIV, do sự chi phối của các yếu tố lịch sử, văn hóa tư tưởng, nhân vật nữ nhân chưa phải là mối quan tâm chính của các tác giả văn học Họ chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong một số bài thơ hoặc khá ít ỏi trong những tập truyện Đặc biệt trong những tác phẩm ấy, các nhân vật
nữ cũng chưa được mô tả một cách cụ thể, nhất là những phương diện của con người đời thường Tuy nhiên đây là những tiền đề cần thiết cho sự hiện diện của nhân vật này ở những giai đoạn văn học sau
1.2.2 Thế kỉ XV-XVII
Nền văn học trung đại chịu ảnh hưởng chủ yếu của tư tưởng Nho - Phật - Đạo trong khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XVII Trong tư tưởng Nho giáo với quan
niệm “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” phương tiện để tuyên truyền đạo đức là
văn học nghệ thuật Các nhà nho, nhà sư chính là lực lượng chủ yếu sáng tác ra các tác phẩm văn học có giá trị Trong tác phẩm thơ thời kì này hầu như đều bộc
Trang 24lộ đạo lý của các tác giả về các quan niệm Nho giáo như chí làm trai, chí trung quân ái quốc Thơ trung đại bộc lộ tình cảm với thiên nhiên: trăng, hoa hoặc một số đề tài quen thuộc khác như thơ tặng bạn, thơ biệt ly Trong đó, con người
trong thơ giai đoạn này đều nhắc đến chí của các nho sĩ, quân tử hay các nhà sư
Về hình tượng con người như: “ngư, tiều, canh, mục” thì hầu hết cũng là những người đàn ông So với giai đoạn thế kỉ X-XIV, dù các tác phẩm văn học đã nói đến nhân vật là nữ nhưng chưa thực sự nhiều và được quan tâm Chẳng hạn,
trong Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi) và đặc biệt là Truyền kì mạn lục (Nguyễn
Dữ) là hai trong số những tác phẩm đề cập đến hình tượng người phụ nữ một cách đặc biệt hơn hẳn Trong tác phẩm truyền kì xuất sắc của Nguyễn Dữ có tổng
20 truyện thì trong đó có 8 truyện nhân vật chính là nữ Còn trong tập thơ Nôm
giàu thành tựu bậc nhất của văn học Việt Nam trung đại giai đoạn đầu, Quốc âm thi tập có khoảng 14 bài trên tổng số 254 bài thơ Nguyễn Trãi nhắc đến người phụ nữ như: Giới sắc, Vãn xuân, Hạ cảnh tuyệt cú, Thơ tiếc cảnh, Đào hoa thi (bài số I, III), Ba tiêu, Trường An Hoa Trong thơ Nguyễn Trãi, nhân vật nữ có
thể là nhân vật được nói đến theo điển cố, điển tích song cũng có nhân vật theo
kiểu người thực mà thi nhân quan sát được trong cuộc sống Trong Vãn xuân và Giới sắc, Ức Trai đã nhắc đến các nhân vật nữ nổi tiếng trong các điển tích trong
sách vở của Trung Hoa:
“Vườn hoa khóc tiếc mặt phi tử Đìa cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân”
[60, tr 454)
“Sắc là giặc, đam làm chi Thuở trọng còn phòng có thuở suy
Trụ mất quốc gia vì Đát Kỷ Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi”
[60, tr 452]
Trang 25Tuy nhiên các nhân vật nữ lại được tác giả nhắc đến theo hướng giáo hóa, răn dạy theo Nho giáo Tác giả Nguyễn Trãi có cái nhìn có phần tương đồng với
Lê Thánh Tông Cả hai thi sĩ đều cho rằng, những người phụ nữ đẹp chim sa cá lặn này chính là mấu chốt, là nguyên nhân đã khiến cho nước mất nhà tan, “tổn hại tinh thần” Đó là quan niệm khác với Nguyễn Du:
“Tự thị cử triều không lập trượng Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành (Cả một triều đình đứng ngây như phỗng
Mà ngàn năm đổ tội cho người đẹp khuynh thành)”
[60, tr 293-294]
Trong các bài Hạ cảnh tuyệt cú, Ba tiêu, Trường An hoa, một số bài trong loạt bài Thơ tiếc cảnh, Hoa đào các nhân vật nữ không còn là những nhân vật
được xây dựng dựa vào những cốt truyện cũ hay dựa vào những giáo điều mà họ
đã được gắn liền với những cái mới như thiên nhiên, vũ trụ Và đặc biệt là những nhân vật nữ này có thể là những nhân vật có thật trong cuộc sống được tác giả
dựng lên một cách mĩ hóa Theo nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, bài thơ Tiếc cảnh số X là lời tâm sự của Nguyễn Trãi khi Thị Lộ được vua để ý đến và triệu
vào cung:
“Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng Ngoài ấy dầu còn áo lẻ
Cả lòng mượn lấy đắp hơi cùng”
[60, tr 457]
Song trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, hầu hết các nhân vật nữ không được miêu tả ngoại hình một cách rõ nét mà được nói một cách đầy ẩn ý, kín đáo qua hình bóng của thiên nhiên cây cỏ là: hoa đào, hoa nhài, cây chuối,… như trong
bài Cảnh hè:
Trang 26“Vì ai cho cái đỗ quyên kêu Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu Lại có hoè hoa chen bóng lục Thức xuân một điểm não lòng nhau”
hay bài Hoa đào I:
“Một đoá hoa đào khéo tốt tươi Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười”
[60, tr 462]
So với Nguyễn Trãi, những nhân vật nữ trong Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê thánh tông) và đặc biệt là Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ đã được miêu tả một cách cụ thể và chi tiết Trong Thánh Tông di thảo (thế kỉ XV),
các nhân vật nữ bắt đầu được đề cập đến nhiều hơn (05/19 truyện viết về đề tài
người phụ nữ chiếm tỉ lệ 26,3%) Nhân vật người phụ nữ có thể là người như con dâu nhà thuyền chài (Truyện lạ nhà thuyền chài), là nữ yêu (Yêu nữ Châu Mai),
là thần (vợ thần núi Đông Ngu trong Truyện hai gái thần), là nữ chúa Bướm (Truyện duyên lạ nước hoa) nhưng nhìn chung họ hiện lên trong tác phẩm thật đáng yêu và đáng trọng vì vẻ đẹp của họ đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn, đồng thời tác giả cũng “bước đầu thể hiện vị trí cũng như khát vọng rất riêng tư của họ trong đời sống hiện thực” Sang đến Truyền kì mạn lục (thế kỉ XVI), các nhân vật nữ xuất hiện phong phú hơn và trở thành một trong hai loại nhân vật được Nguyễn Dữ quan tâm nhiều nhất Nhân vật thường được chia ra làm hai kiểu là nhân vật phản diện và nhân vật chính diện Nhân vật nữ dù là chính diện hay phản diện cũng đều thường được nhắc tới là những người đẹp, song tác giả có những tình cảm và thái độ với hai kiểu nhân vật này khác nhau Thông thường cái đẹp của nhân vật liệt nữ trong truyện sẽ làm đẹp thêm cho nhân cách của họ như đúng quan niệm Nho giáo và ngược lại, nhân vật phản diện dù có đẹp đến mấy cũng chỉ được coi là thứ ma quỷ, không tốt đẹp làm u mê con người Vậy
Trang 27nên có thể khẳng định, ở giai đoạn này dù nhân vật nữ đã được đề cập đến nhiều hơn nhưng quan niệm “nữ sắc”, ma quỷ, điềm xấu chưa được thay đổi trong Nho- Phật - Đạo Điều này đã được nhiều truyền thuyết chứng minh như truyền thuyết
về Đát Kỷ, Thị Lộ…
Như vậy, nhân vật nữ không phải là hình tượng trung tâm ở giai đoạn văn học này mà chỉ được nói đến nhằm mục đích giáo dục đạo đức và số lượng tác phẩm nhắc đến nhân vật nữ cũng vô cùng ít ỏi Những quan niệm Nho giáo và hoàn cảnh lịch sử nên các nhà nho nước ta vẫn chú trọng ở những đề tài liên quan đến vận mệnh đất nước, đời sống của dân, đấng nam nhi trong xã hội Sự khác nhau giữa các hình tượng nữ của những giai đoạn trước với văn học thế kỉ XVIII
- nửa đầu XIX sẽ được chúng tôi phân tích kĩ hơn ở những chương tiếp theo Qua
đó chúng ta sẽ thấy được những bước thay đổi quan trọng trong quan niệm về con người nói chung và người phụ nữ nói riêng
1.2.3 Thế kỉ XVIII-XIX
Cuối thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX, nền văn học đặc biệt là hình tượng văn học đã có nhiều biến đổi: hình tượng nhân vật đã chuyển từ bậc quân tử, nhà nho sang đề tài người phụ nữ Khi tìm hiểu giai đoạn văn học này đều thấy rằng chưa bao có một thời kì nào văn học lại đề cập nhiều về hình tượng người phụ nữ như giai đoạn văn học này Những tác phẩm có quy mô và giá trị nghệ thuật bậc nhất giai đoạn văn học cuối thế kỷ XVIII - XIX, đầu thế kỷ XIX đều
viết về phận má hồng, đó là Chinh phụ ngâm (nhân vật chinh phụ), Cung oán ngâm khúc (cung nữ) và Truyện Kiều (kỹ nữ) Người phụ nữ được thể hiện qua
tấm lòng đồng cảm và sự trân trọng của các tác giả về những giá trị của thân và tâm, về nỗi bất hạnh của kiếp hồng nhan và quyền sống, quyền được khao khát yêu thương, hạnh phúc Các nhà nho tài tử đã tìm thấy sự đồng điệu trong số phận của người phụ nữ với cảnh ngộ của chính mình gắn với triết lý tài tử đa cùng Cảm hứng về triết lý hồng nhan bạc mệnh có ở rất nhiều sáng tác thời kỳ này Đây cũng là một minh chứng về thái độ trân trọng, khẳng định giá trị thân
Trang 28xác con người của một số nhà nho Những sáng tác này cung cấp những bằng chứng về trào lưu khẳng định nữ quyền trong một bộ phận văn chương của các nhà nho
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du hay Phạm Đình Hổ, Ninh Tốn, Phạm Thái, Lý Văn Phức dường như đều là những tác giả trung đại ít nhiều có những tác phẩm mà nhân vật trung tâm là phụ nữ Không những số lượng tác phẩm viết về người phụ nữ nhiều hơn mà quan niệm về người phụ nữ cũng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực So với thời kỳ trước, một điều rất dễ nhận thấy là các hình tượng nhân vật phụ nữ giai đoạn này rất phong phú,
đa dạng Như đã phân tích ở trên, trong những giai đoạn văn học trước thế kỉ XVIII, nhất là từ thế kỉ XV trở về trước, những tác phẩm xuất hiện nhân vật nữ thường ít, các loại hình nhân vật cũng không được phong phú, đa dạng, tính cách
không rõ nét, hình ảnh mơ hồ, (trừ Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ) Giai
đoạn văn học cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, nhân vật nữ trong các tác phẩm văn học khi này đã đa dạng hơn: phụ nữ quý tộc, phụ nữ bình dân, kỹ nữ, … Hầu như người phụ nữ không còn được ca tụng theo mẫu công dung ngôn hạnh của
lễ giáo phong kiến mà là những nhân vật nữ phản ánh rất gần với cuộc sống thực Chúng ta có thể bắt gặp các ả đào, kỹ nữ trong sáng tác của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, … hay hình tượng các nàng cung nữ sống trong cung vua phủ chúa trong sáng tác của Nguyễn Gia Thiều Còn trong thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương, người phụ nữ hiện ra cụ thể với những danh phận khác nhau trong xã hội như là người vợ lẽ, người con gái không chồng mà chửa, người đàn bà goá, người
phụ nữ với duyên phận dở dang qua các bài thơ đặc sắc như: Cảnh chồng chung, Mời trầu, Tự tình I, II, III, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, Bỡn bà lang khóc chồng,… Trong văn học trung đại việc tự nói về mình không phải nhiều, nhưng
chúng ta cũng đã bắt gặp trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm những ý nghĩa răn mình và thể hiện lí tưởng sống an bần lạc đạo như Nguyễn
Trãi từng viết trong Ngôn chí - Bài 17:
Trang 29“Song viết hằng lề phiến sách cũ Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa”
[60, tr 394]
hay Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Nhàn:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
[32, tr 129]
Nhà nho “tự hào” về sự bần hàn, trong sạch bằng cách tự nói về cái thú,
sự nghèo khó của bản thân Không phải là để tự hạ thấp bản thân mà họ tự nhận mình là “dại”, “lười” chính là để tự nâng thêm cái khí tiết thanh sạch Điều này
có điểm khác với văn học giai đoạn thế kỉ XVIII - XIX Nói về mình trong giai
đoạn văn học này thường xác thực và cụ thể hơn mà Mời trầu là một ví dụ tiêu
biểu Hơn thế nữa, văn học cuối XVIII - đầu XIX, các tác giả nhà nho rất có hứng thú với vấn đề tài - mệnh, hồng nhan bạc mệnh, sáng tác về kiếp hồng nhan với
tư tưởng định mệnh “trách trời ghen ghét má hồng” Trong văn chương thời kì này xuất hiện rất nhiều tác phẩm viết về số phận những phụ nữ bạc mệnh, qua
đó đặt ra vấn đề hạnh phúc, quyền sống Có ba kiểu nhân vật phụ nữ tạo cơn sốt với các nhà nho là chinh phụ, cung nữ và ả đào - kĩ nữ Ba kiểu nhân vật này đều được các tác giả gắn với triết lí về hồng nhan bạc mệnh
Như đã phân tích ở trên, nhân vật nữ trong các tác phẩm ở giai đoạn trước hiện ra mơ hồ, ngầm ẩn và họ bị rập khuôn mẫu bởi quan niệm Nho giáo Hơn
cả danh tiết, các nhân vật nữ giai đoạn này được đề cao ở tài năng và sắc đẹp Nhiều giá trị về người phụ nữ được đề cập đến như: sắc đẹp, tài năng, tình yêu Như đã khẳng định từ đầu, văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc
Trang 30của học thuyết Nho giáo Trong Nho giáo phụ nữ ở vị trí người phục tùng trong tất cả các mối quan hệ gia đình và xã hội Quan niệm các thứ tình, thứ dục có nhiều nghi ngại bởi những lễ tiết, lễ giáo phong kiến Các nhà nho cho rằng sắc
đẹp là một thứ của “làm mất nước tan nhà”, một điềm “bất tường” Giai đoạn
này, những nhân vật nữ đã được xây dựng với những giá trị mới nhưng chưa thoát ra khỏi con người nằm trong mối quan hệ luân thường Giá trị mới ở đây được nói đến là những yếu tố mới được khẳng định về giá trị thực, sự trân trọng của con người
Nhân vật nữ trong văn học giai đoạn này thường được ca ngợi bởi nhan sắc
xinh đẹp Chẳng hạn, mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cực tả sắc đẹp
của hai chị em Thúy Kiều vẻ đẹp ngoại hình được nói đến trước sau đó mới đến
tài năng tính cách Trong những tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia
Thiều đã để cho nàng cung nữ tự nói về sắc đẹp của mình một cách kiêu căng, tự
mãn và đầy thách thức Sắc đẹp của nàng không chỉ làm “Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình” mà còn khiến “Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa” Người đẹp
đã được trân trọng và được nhìn nhận đúng mức chứ không còn bị coi là nguy hiểm, cần tránh xa:
“Đóa lê ngon mắt cửu trùng
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu”
[10, tr 149]
Nếu như ở giai đoạn trước, sự say đắm trước nhan sắc, cái đẹp bị lên án,
bị phê phán thì đến giờ đã được nhìn nhận lại Các tác giả đã coi đó là thứ tình cảm tự nhiên của con người:
“Cho hay là giống hữu tình
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong”
[8, tr 182]
Sắc đẹp đã có vị trí trong văn học chứ không còn bị xã hội tiếp nhận như
là ma mị để thử thách nhân cách và đạo đức con người Vẻ đẹp người phụ nữ gắn với những nét đẹp về ngoại hình đẹp đẽ, khêu gợi và đặc biệt được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ:
Trang 31“Bóng gương lấp loáng trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”
[10, tr 132]
“Tài sắc đã vang lừng trong nước Bướm ong còn xao xác ngoài hiên Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng”
[10, tr135]
“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”
[8, tr 240]
Nho giáo có quan niệm về chữ “dung” trong “công dung ngôn hạnh”
nhưng đến giai đoạn này quan niệm ấy cũng dần được thay đổi:
“Song đã cậy má đào chon chót Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người”
[10, tr 153]
Trong Truyện Kiều, sắc đẹp của Thúy Kiều khiến Kim Trọng thầm mong
trộm nhớ, Thúc Sinh than thở “thân này dễ lại mấy lần gặp tiên”, Từ Hải xiêu lòng “trai anh hùng, gái thuyền quyên” và làm cho quan xử phải cất lời khen ngợi, tha bổng cho nàng trong cuộc xử kiện ở công đường và tác thành cho nàng với Thúc Sinh:
“Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân
Thực là tài tử giai nhân
Châu Trần nào có Châu Trần nào hơn”
[8, tr 248]
Khi sắc đẹp của người phụ nữ tàn phai thì họ sẽ phải đón nhận bi kịch của cuộc đời:
Trang 32“Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước
E đến khi đầu bạc mà thương
Mặt hoa nọ gã Phan Lang
E khi tóc đã điểm sương cũng ngừng”
[10, tr 59-60]
Bên cạnh việc trân trọng và ca ngợi nhan sắc của người phụ nữ thì các tác giả văn học giai đoạn này cũng quan tâm đến giá trị tuổi trẻ cũng như khát vọng tình yêu hạnh phúc của họ Đó là nỗi niềm khắc khắc khôn nguôi của người chinh
phụ trong Chinh phụ ngâm khúc và người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc:
“Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở Tiếc quang âm lần lữa gieo qua”
“Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”
[10, tr 57]
Trong văn học giai đoạn trước, tác phẩm Cáo tật thị chúng của Thiền sư
Mãn Giác đã nói về thời gian ngắn ngủi của tuổi trẻ:
“Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá Lão tùng đầu thượng lai”
[32, tr 140]
Trang 33Cùng với sắc đẹp, ý thức về tuổi trẻ là một biểu hiện của sự “quý thân, trọng thân”, một nội dung quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo và ý thức về con người cá nhân trong văn học thời này Các học thuyết đều hướng tới việc duy trì một sự kiểm soát ngặt nghèo đối với bản năng và nhu cầu của thân xác đối với con người nói chung nhằm hướng đến những lí tưởng xã hội, việc tiêu diệt phương diện bản năng của thân xác được tính toán Phật giáo chủ trương diệt dục còn Nho giáo chủ trương tiết dục, quả dục Kiểm soát, tiến tới từ bỏ những nhu cầu bản năng của thân xác con người, dần dẫn đến sự khinh miệt đối với “thân” Trước thế kỷ XVIII, văn học của các nhà nho, nhà sư thể hiện khá rõ điều đó
Trong Truyền kì mạn lục, về cơ bản, các nhân vật nữ chính diện đều có một mô
típ hành động khá phổ biến là tự tử để bảo toàn danh tiết Đó là mô hình nhà nho vẫn thường nêu gương liệt nữ “Thân danh tiết” đã được đánh giá cao hơn “thân thể xác”, lúc cần còn phải hy sinh “thân thể xác” để lưu lại tiếng thơm Đây là quan niệm phản nhân đạo
Trong giai đoạn văn học này, tình yêu là đề tài được nhiều tác giả quan tâm Thơ nói tình đã thay cho thơ nói chí đạo Quan niệm “thi duyên tình” của văn học Trung Hoa đời Tấn đã để lại những dấu ấn rõ nét trong văn học Việt Nam thời này, lấn át quan niệm “văn tải đạo, thi ngôn chí” vốn thống trị trước
đó Một loạt các truyện thơ Nôm tài tử - giai nhân ra đời, ca ngợi tình yêu nam
nữ của các cặp trai tài - gái sắc Khác với thái độ xa lánh, nghi ngại, phòng phạm của các nhà nho trước đây, các tác giả thời này không những ngợi ca mà còn có những cách nhìn nhận táo bạo và mới mẻ về tình yêu đôi lứa, đó là thứ tình cảm
tự nhiên của con người:
“Cho hay là thói hữu tình
Đố ai dứt mối tơ mành cho xong”
[8, tr 182]
Trang 34“Kìa điểu thú là loài vạn vật Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng
Có âm dương có vợ chồng Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”
[10, tr 146 -147] Các nhà thơ cho rằng nếu phải gò bó, kìm giữ tình yêu thì là điều không đúng với tự nhiên:
“Ấy loài vật tình duyên còn thế Sao kiếp người nỡ để đấy đây”
tỏ những tình cảm và suy nghĩ của mình như nàng Thúy Kiều, nàng chinh phụ, nàng cung nữ hoặc người phụ nữ dám nói lên những khao khát thầm kín như người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương Đó được coi là những cách nhìn mới
mẻ về tình yêu, về quan hệ nam nữ Nó khác hẳn với mục đích của hôn nhân
phong kiến: “hợp lưỡng tính chi hảo, thượng dĩ sự tôn miếu, nhi hạ dĩ kế hậu thế dã” (Dịch nghĩa: kết hợp cái tốt đẹp của nam nữ, trên nhằm phụng sự tổ tiên,
dưới nhằm có người nối dõi.)
Trong tác phẩm Truyền kì mạn lục, tác giả đề cập và phản đối những
chuyện tình yêu của người với yêu ma hay kĩ nữ Nguyễn Dữ cho rằng những anh học trò, lái buôn si tình là những con người mê muội, “thất phu đa dục” như
trong lời bình cuối Túy Tiêu truyện: “Than ôi! Người con trai bất trung, ông vua trung thường xấu hổ lấy làm bề tôi Người con gái bất chính, kẻ sĩ trung thường xấu hổ lấy làm vợ Thuý Tiêu là một ả ca xướng, chẳng là người chính chuyên,
Trang 35không hiểu Nhuận Chi ham luyến về cái gì (…) Như chàng Nhuận Chi, thật là một người ngu vậy” [27, tr 201] Tình yêu nam nữ ở giai đoạn này đã gắn bó với
những khao khát tầm thường nhưng không bị lên án mà được coi là những điều
tự nhiên ở con người
Có thể nói, người phụ nữ trong các tác phẩm văn học giai đoạn này dám vượt qua lễ giáo để thể hiện chính kiến của mình, theo đuổi chí nguyện của mình
Họ không còn là những nữ nhân thụ động mà rất chủ động trong mọi việc kể cả việc hôn nhân Người kĩ nữ họ Nguyễn (Lan Trì kiến văn lục - Vũ Trinh) là một người phụ nữ như thế Cô dám sống và dám hi sinh vì tình Nàng chủ động đến với Vũ Khâm Lân mà không hề e ngại mình là phận nữ nhi giúp Vũ Khâm Lân
ăn học và đỗ đạt Nàng cũng cũng rất tự trọng và cao thượng khi dám từ bỏ người mình yêu, hạnh phúc mình xây đắp vì danh tiếng của người khác Có thể nói rằng, trong văn học giai đoạn này, những thứ gắn liền với người phụ nữ mà trước đây bị lên án, tránh nhắc tới trong văn học như sắc đẹp, tài năng, tình yêu nam
nữ, thì nay đã được công nhận và được đánh giá là có sức hấp dẫn trong các tác phẩm văn học Đồng thời đây cũng chính là giá trị nhăn văn mà văn học giai đoạn này đã xây đắp cho nền văn học nước nhà
1.3 Khái quát về hệ thống văn bản văn học trung đại viết về người phụ nữ trong chương trình Ngữ văn phổ thông
1.3.1 Chương trình THCS (Thống kê các hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm)
* Chương trình SGK Ngữ văn 2006:
- Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)
- Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ)
- Đoạn trích: Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Trang 36- Đoạn trích: Thúy Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)
- Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)
* Chương trình SGK Ngữ văn 2018 (Tham khảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn - Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT)
- Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)
- Mời trầu (Hồ Xuân Hương)
- Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)
- Truyện Kiều (Nguyễn Du)
1.3.2 Chương trình THPT (Thống kê các hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm)
* Chương trình SGK Ngữ văn 2006:
- Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)
- Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (trích Chinh phụ ngâm khúc - Đặng
Trần Côn - Đoàn Thị Điểm)
- Đoạn trích: Trao duyên (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Đoạn trích: Thề nguyền (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Bích Câu kì ngộ (Truyện thơ Nôm, Khuyết danh)
- Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm)
- Truyện Kiều (Nguyễn Du)
- Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)
Trang 37Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, chúng tôi đã tìm hiểu một số vấn đề từ lí luận đến thực tiễn để làm cơ sở cho những nghiên cứu trong chương 2 và chương 3 của đề tài Qua việc tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, trong tác phẩm văn học các tác giả mô tả hiện thực và thể hiện tư tưởng thông qua hình tượng nhân vật Hình tượng nhân vật trở thành hình tượng nghệ thuật của tác phẩm Muốn hiểu giá trị và những thông điệp tác giả gửi gắm, chúng ta phải giải mã các hình tượng nhân vật trong tác phẩm ấy Trong văn học Việt Nam trung đại, hình tượng nữ đã được quan tâm và phản ánh Tuy nhiên tùy từng giai đoạn lịch sử và sự tác động của các yếu tố tư tưởng văn hóa mà hình tượng nhân vật nữ được thể hiện khác nhau Nếu từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, nhân vật nữ thường ít xuất hiện và về cơ bản không được miêu tả một cách rõ nét cả về hình hài và tính cách, thì bắt đầu từ thế kỉ XVI, nữ nhân đã được các tác giả văn học quan tâm nhiều hơn và có thể
nói Nguyễn Dữ qua Truyền kì mạn lục là người đầu tiên đã đặt ra vấn đề người
phụ nữ trong văn học mặc dù phần nhiều câu chuyện vẫn được tác giả viết dưới dạng các câu chuyện hoang đường kì ảo Đến các thế kỉ sau, đặc biệt là từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, nữ nhân đã trở thành một trong những nhân vật chính của văn học thời đại Trong các sáng tác của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Nguyễn Du, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,…, hình tượng nhân vật nữ đã trở thành hình tượng nhân vật trung tâm của tác phẩm Họ hiện lên trong tác phẩm ở nhiều phương diện khác nhau từ vẻ đẹp, khát vọng đến số phận Điều đặc biệt, những khát vọng đẹp đẽ, chính đáng
và cao quý của họ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của tầng lớp trí thức tiến bộ,
mà đầu tiên chính là những tác giả của các tác phẩm ấy Có lẽ trên hành trình văn học Việt Nam trung đại đây chính là một trong những biểu hiện cơ bản đẹp đẽ của chủ nghĩa nhân đạo, một trong hai dòng chủ lưu chính văn học Việt Nam trung đại Nội dung lớn này của văn học trung đại cũng đã được tiếp nhận và thể hiện trong chương Ngữ Văn phổ thông Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể trong chương 2 và chương 3 của luận văn
Trang 38Chương 2 ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Với một đội ngũ sáng tác đông đảo và giàu trải nghiệm, chân dung người phụ nữ trong các tác phẩm văn học trung đại hiện lên với nhiều màu sắc sinh động,
cụ thể đến từng đường nét, chi tiết Nhìn vào bức tranh toàn cảnh ấy, người ta hình dung được cuộc sống của người phụ nữ thuộc nhiều giai tầng của xã hội phong kiến, đồng thời một phần hiểu được quan điểm của chính những người trong cuộc và cái nhìn đậm chất nhân văn của đại đa số tác giả trung đại
2.1 Vẻ đẹp của người phụ nữ
Có thể nói, những tác phẩm văn học Việt Nam trung đại viết về người phụ
nữ được đưa vào chương trình Ngữ văn phổ thông thường là những tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc Một trong những phương diện thể hiện rõ giá trị nhân đạo đó chính là việc tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ ở cả hai khía cạnh: hình thức và tài năng, nhân cách
dị nhưng đầy sức sống Họ có thể không quần là áo lượt, không đi đứng khoan thai mà rất năng động để phù hợp với tính chất cuộc sống lao động
Trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, nhân vật chính
là người con gái Vũ Thị Thiết hay còn gọi Vũ Nương Nàng đã được tác giả vô cùng trân trọng khi nói những lời giới thiệu ngắn gọn nhưng lại đầy thiện cảm:
“Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm
tư dung tốt đẹp” [48, tr 43] Chính vì những nét đẹp giản dị đó của nàng mà
Trang 39Trương Sinh đem lòng yêu mến và “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về” [48,
tr 43] Qua lời giới thiệu ngắn gọn của tác giả, người đọc có thể hình dung được
vẻ đẹp của Vũ Nương là vẻ đẹp thuần khiết và trong sáng Vẻ đẹp của nàng là chính là vẻ đẹp hình mẫu mực thước của người phụ nữ truyền thống trong quan
niệm của nhân dân ta Cũng qua chi tiết Trương Sinh đem “trăm lạng vàng” để
xin cưới, tác giả dường như muốn nhấn mạnh vẻ đẹp và giá trị của nhân vật Vũ Nương Nguyễn Dữ không miêu tả một cách rõ nét nhưng người đọc có thể hình dung ra vẻ đẹp thuần khiết và vô cùng bình dị, dân dã, đôn hậu của người phụ nữ chất phác… Nàng có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp theo chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam phong kiến Nàng “thùy mị nết na”, luôn chú trọng “giữ gìn khuôn phép” trong đạo vợ chồng để giữ mái ấm gia đình hạnh phúc
Kể tiếp đến trang thơ của Hồ Xuân Hương thì hình tượng của người phụ
nữ trong văn học trung đại lại được đặc tả bằng những nét vẽ vô cùng hoàn mĩ
và tràn đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” (Bánh trôi nước) Chuẩn
mực trong cách nhìn truyền thống về hình thức một người phụ nữ đẹp trước hết phải là nước da trắng:
“Cổ tay em trắng như ngà Con mắt em liếc như là dao cau”
(Ca dao) Chỉ với một câu thơ nhưng nhà thơ đã miêu tả quá chi tiết hình dáng, màu sắc của chiếc bánh trôi, một loại bánh giản dị, dân dã, gắn liền với đời sống của nhân dân Có thể nói có rất nhiều cách để viết hay, viết đẹp hơn nữa nhưng nhà
thơ Hồ Xuân hương lại chọn cách viết thật, viết đúng, viết sâu: “Vừa trắng lại vừa tròn” - đó là một vẻ đẹp rất phúc hậu Chiếc bánh trôi trắng và tròn cũng giống
như tâm của người phụ nữ hiền lành, điềm đạm và không vướng bụi trần Có lẽ với thi sĩ Hồ Xuân Hương, đây là một nét đẹp xuyên suốt trong cái nhìn về vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ trong sáng tác của bà Nước da trắng, nhất là trắng hồng đã nói hết được vẻ xinh xắn, tươi tắn của một người con gái Không những
Trang 40thế vẻ tròn trịa của chiếc bánh trôi nước còn gợi lên một vẻ đẹp hình thể tròn đầy, đầy đặn theo quan niệm về thẩm mĩ truyền thống của người Việt về một vẻ đẹp viên mãn, phúc hậu Sự trắng trẻo, nét tròn trịa, đầy đặn ấy thật bắt mắt, thật tràn đầy sức sống, chứa đựng những khao khát rạo rực, thể hiện cái nhìn tươi trẻ và lạc quan của nữ sĩ Đó cũng là cái nhìn của nhân dân, đặc biệt là cái nhìn của những người dân lao động Cũng có thể khẳng định rằng, đằng sau vẻ trắng trẻo, đầy đặn
ấy còn giúp chúng ta liên tưởng đến nét đẹp tâm hồn, vẻ trắng trong, phúc hậu của người phụ nữ Việt Nam Trong những tác tác phẩm khác ngoài chương trình phổ thông, nữ thi sĩ cũng nhiều lần tái hiện nét đẹp sáng tươi, trong trắng của người thiếu nữ dù không rõ bao nhiêu tuổi mà cứ ngời lên sắc xuân xanh:
“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh Đôi lứa như in tờ giấy trắng Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh”
(Đề nhị mỹ nhân đồ - Hồ Xuân Hương)
Thật là thiếu sót nếu như không kể đến Nguyễn Du khi nghiên cứu về nghệ
thuật miêu tả Có thể nói thông qua những dòng mở đầu của Truyện Kiều viết về
hai nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, thật sự đại thi hào đã trình diện trước mắt người đọc hai trang tuyệt sắc giai nhân:
“Mai cốt cách tuyết tinh thần, Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
[48, tr 81]
Tác giả đã ngợi ca sự thanh cao, duyên dáng của hai chị em Thuý Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” cốt cách họ được so sánh như cây như mai, tinh thần được
nói đến sự trắng trong như tuyết Đó là vẻ đẹp hoàn hảo mang tính hình thể và
tâm hồn Hai chị em nàng đẹp “mười phân vẹn mười” vậy nhưng mỗi người cũng
lại mang những nét đẹp đặc trưng riêng Nàng Thúy Vân đẹp rạng ngời từ vóc dáng đến đường nét: