Văn hóa được hiểu như là cái cốt lõi của bản lĩnh, bản sắc và những truyền thống tốt đẹp, là tinh hoa, là yếu tố xuyên suốt toàn bộ lịch sử, tạo nên sức trường tồn của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa còn được hiểu là một tập hợp bao gồm hệ thống các giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức và trí tuệ, phẩm chất và tài năng, sức nhạy cảm tiếp thu cái mới từ bên ngoài, bản lĩnh và ý thức bảo vệ bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình, để không ngừng lớn mạnh. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay là giao lưu, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực tư duy, trí tuệ …phù hợp với yêu cầu mới. Trong đó, văn hóa chính trị là một động lực quan trọng thúc đẩy tính tích cực của các chủ thể chính trị nhằm thực hiện mục tiêu chung. Nó quy định tầm tư duy, trình độ hành động thực tiễn và kỹ năng lãnh đạo quản lý của tất cả các đối tượng cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã. Đối với đội ngũ cán bộ, thì đội ngũ cán bộ cấp xã giữ một vị trí hết sức quan trọng, đóng vai trò nền tảng, quyết định sự thành, bại mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ cấp trên giao phó. Bởi vì, trong hệ thống chính quyền bốn cấp ở Việt Nam thì cấp xã có vai trò nền tảng trong hệ thống đó, là nơi tuyệt đại bộ phận nhân dân sinh sống, nơi trực tiếp diễn ra mọi hoạt động của đời sống xã hội; là nơi phát huy sức mạnh đại đoàn kết và quyền làm chủ của nhân dân; là cầu nối liền giữa Đảng với nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đồng thời là nơi cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn, phát hiện, kiến nghị góp phần tích cực vào việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, cần phải làm cho văn hóa chính trị thấm sâu vào nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trên mọi mặt, tức là phát triển văn hóa chính trị trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Nhờ nâng cao văn hóa chính trị mà cán bộ phát huy được tiềm năng sáng tạo, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ khỏi sự tha hóa biến chất. Xây dựng một nền chính trị hiện đại trên cơ sở đỉnh cao của các giá trị văn hóa phải bắt đầu từ những con người chính trị, đặc biệt là những thủ lĩnh chính trị, những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã A...., huyện C....., tỉnh ST đã được chú trọng rất nhiều về văn hóa chính trị như xây dựng văn hóa công sở, văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa ứng xử, tiếp dân…..tạo phong trào hành động sôi nổi, nâng cao nhận thức chính trị, hình thành niềm tin và tham gia lãnh đạo, quản lý. thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị xã hội tại địa phương cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đặt ra, đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã vẫn còn bộc lộ một số yếu kém về trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trong tổ chức thực hiện và vận động quần chúng nhân dân. Một số có tư tưởng phe phái, cục bộ, nhận thức về vai trò, trách nhiệm chưa đầy đủ, xa rời quần chúng nhân dân…. Do vậy, việc nâng cao, phát triển văn hóa chính trị trong đội ngũ cán bộ cấp xã, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã là một nhiệm vụ cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đó và đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Do đó, bản thân chọn đề tài thu hoạch là “Văn hóa chính trị của cán bộ ở xã A...., huyện C....., tỉnh ST hiện nay”.