Vai trò của văn hóa văn nghệ đối với công tác tư tưởng được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Ngay từ khi chưa giành chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết phải gắn kết phát triển văn hóa với xây dựng, phát triển kinh tế xã hội; phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức lối sống và đời sống văn hóa trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của văn hoá văn nghệ đối với công tác tư tưởng. Văn hoá có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người; hoạt động văn hoá văn nghệ được xem là “binh chủng đặc biệt”, có sức mạnh độc đáo với cách thức riêng (bằng các sản phẩm văn hoá văn nghệ) có khả năng tác động vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc con người, trực tiếp nuôi dưỡng, đào tạo con người mới, nhân cách kiểu mới với những phẩm chất cao đẹp, phát triển toàn diện về trí, đức, thể mỹ. Chính vì vậy, Người thường xuyên quan tâm đến bồi dưỡng lý tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người. Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước qua nhiều thời kỳ, lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật có một vai trò quan trọng, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng, và đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chính sách pháp luật về lĩnh vực này. Theo tinh thần đó Đảng bộ tỉnh ST luôn coi trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực khoa giáo văn hóa, văn nghệ đạt được nhiều kết quả quan trọng cho công tác tư tuởng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ lý do trên, tôi chọn đề tài “Lý luận chung về công tác tư tuởng của Đảng, vai trò của công tác văn hoá văn nghệ đối với công tác tư tưởng và thực trạng quản lý công tác văn hoá văn nghệ tại tỉnh ST hiện nay” để nghiên cứu viết bài tiểu luận kết thúc học phần môn công tác tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.