Vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc là những nội dung quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Giải quyết những vấn đề có liên quan đến dân tộc ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng đắn, linh hoạt vấn đề dân tộc cũng như thực hiện đúng chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Điều này chẳng những góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh mà còn nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước.Chính sách dân tộc là một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước ta, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Do đó, thực hiện chính sách dân tộc phải gắn với kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng của đất nước. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đây là những nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng chính là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội nói chung và chính sách dân tộc nói riêng nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số còn ở trình độ sản xuất và đời sống thấp, xây dựng, phát triển quan hệ dân tộc tốt đẹp và đấu tranh chống lại các thế lực phản động có âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại việc thực hiện chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc.