CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ BHXH VÀ CÔNG TÁC THU BHXH
1.1.1. Khái niệm về Bảo hiểm xã hội.
Cuộc sống của con người là một quá trình tồn tại, phát triển. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống xã hội không phải lúc nào con người cũng gặp thuận lợi, đảm bảo thu nhập và đầy đủ điều kiện sống. Trái lại còn gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi mang tính ngẫu nhiên hay chủ quan làm giảm hay mất thu nhập hay các điều kiện sống khác như tai nạn lao động, ốm đau, mất người nuôi dưỡng, tuổi già, bị suy giảm khả năng lao động…Trong những trường hợp đó họ không có thu nhập, họ có thể không có cả khả năng tự phục vụ chính bản thân mình nhưng các nhu cầu trong cuộc sống vẫn phải đáp ứng. Thậm chí, các chi phí hàng ngày còn gia tăng hơn về phần dịch vụ y tế, chăm sóc bản thân, bồi dưỡng sức khỏe, nuôi con nhỏ, tìm việc mới…Vì vậy để đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình họ, đảm bảo an toàn xã hội, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động và gia đình họ khi họ gặp phải biến cố, rủi ro làm giảm hoặc mất đi khả năng lao động, mất việc làm đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Bước đầu chỉ là sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong những cộng đồng nhỏ lẻ trên cơ sở gia đình, họ tộc, địa phương hoặc tôn giáo; hoặc cũng có thể là sự giúp đỡ của các cá nhân tổ chức có khả năng. Sau này khi kinh tế phát triển hơn, con người sử dụng những biện pháp chủ động, tích cực hơn đó là biện pháp dự phòng như dành dụm, tiết kiệm, song đối với những rủi ro lớn như tai nạn, dịch bệnh, thất nghiệp thì hình thức này lại kém hiệu quả. Với việc qui định trách nhiệm của người sử dụng lao động kết hợp với dự phòng cá nhân và tương trợ cộng đồng người lao động, có sự tổ chức, quản lý của Nhà nước là biện pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của các rủi ro trong cuộc sống, được xã hội lựa chọn và ngày càng phát triển rộng rãi. Đó chính là hình thức BHXH.
* Theo ILO.
Trên bình diện quốc tế, khái niệm chung của ILO về An sinh xã hội ( trong Công ước 102,1952) cũng được sử dụng trong lĩnh vực BHXH. Theo đó BHXH có thể hiểu khái quát là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua các biện pháp công cộng, nhằm chống lại các khó khăn về
Hoàng Thị Thanh Huyền –Đ3BH2 28
kinh tế, xã hội do bị ngừng hoặc bị giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau,thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con.
Khi sử dụng khái niệm này trong lĩnh vực BHXH cần lưu ý những vấn đề sau:
+ Các trường hợp bảo hiểm được các nước lựa chọn thường là một trong số các vấn đề được nêu trên không phải tất cả.
+ Đối tượng được bảo vệ bởi hệ thống BHXH thường là những người lao động và thân nhân của họ, không phải là tất cả các thành viên của xã hội nói chung.
+ Biện pháp công cộng được sử dụng trong BHXH thông thường là biện pháp lập quỹ chuyên dùng, từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, hầu như không bao hàm sự chu cấp từ ngân sách nhà nước hoặc từ các quỹ xã hội.
* BHXH theo nghĩa rộng.
Các rủi ro được BHXH quan tâm luôn là những rủi ro liên quan đến thu nhập trong lao động hoặc các chi phí phải trang trải từ thu nhập đó. Như vậy nếu căn cứ vào mục đích xã hội của bảo hiểm thì BHXH là hình thức bảo hiểm thu nhập và cung cấp các dịch vụ việc làm, chăm sóc y tế thiết yếu cho người lao động và một số thành viên gia đình họ trong các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp, tàn tật, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp… trên cơ sở đóng quỹ của người tham gia, góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho họ và an toàn xã hội. Khái niệm này nhằm xác định tính xã hội, tính phi lợi nhuận của hình thức BHXH.