6. Cấu trúc của đề tài
2.1.3. Các hoạt động nâng cao chất lượng nghệ thuật Cải lương
2.1.3.1. Niềm tin Tổ nghiệp - sức mạnh tinh thần của nghề hát
Trong giới Cải lương, việc thờ kính Tổ nghề rất quan trọng thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam. Cải lương ra đời sau Hát bội nhưng 2 thể loại sân khấu truyền thống này đều có chung Tổ nghiệp. Trước và sau năm 1975, các đoàn Hát bội và Cải lương ở ĐBSCL đều lấy ngày 11-12/8 âm lịch làm Lễ giỗ Tổ. Nghi lễ này nhằm để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra loại hình ca kịch và cũng để người nghệ sỹ rèn dũa tâm đức, nâng cao ý thức làm nghề, không ngừng nâng cao chất lượng và trọn lòng đi theo con đường nghệ thuật chân chính phục vụ nhân sinh như đã khấn hứa trước bản thờ Tổ nghiệp.
Ngày 30/7/2010 Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch hằng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam với mục đích nhằm cổ vũ, động viên và tôn vinh đội ngũ văn-nghệ sỹ trong lĩnh vực sân khấu đóng góp tài năng, trí tuệ, tình cảm vào việc phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền nghệ thuật nước nhà; khơi dậy tinh thần sáng tạo ra nhiều tác phẩm và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sân khấu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu của công chúng. Đồng thời qua đó thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp phần xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam theo hướng ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Từ đó, ngày 12/8 âm lịch hằng năm đã chính thức trở thành ngày hội truyền thống, là điểm hẹn của giới văn nghệ sĩ nhằm tôn vinh nền sân khấu nước nhà, là dịp để những người tham gia hoạt động nghệ thuật sân khấu tưởng nhớ, tri ân đến công ơn của tổ nghiệp, tiền nhân đã có công điểm tô cho vườn hoa sân khấu.
2.1.3.2. Tranh tài trên sân khấu liên hoan
Ngoài ngày hội nói trên, ở nước ta còn tổ chức những cuộc tranh tài tập thể (đoàn hát) và cá nhân (diễn viên, tác giả, đạo diễn) hiện hoạt động sân khấu chuyên nghiệp. Các hình thức này được thực hiện qua 2 cấp độ tổ chức: cấp toàn quốc do
Bộ VHTTDL đứng ra tổ chức 4 – 5 năm một lần để nâng cao hoạt động nghệ thuật, sáng tạo sản phẩm mới và phát hiện tài năng; cấp khu vực do Hội nghệ sỹ sân khấu ĐBSCL kết hợp Cục Tổ chức biểu diễn (Bộ VHTTDL) và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam kết hợp tổ chức 2-3 năm một lần. Song những năm gần đây, vì tài chính gặp nhiều khó khăn nên không duy trì theo thông lệ nữa.
Có thể thấy, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là cơ hội cho các nghệ sĩ, đạo diễn và cả đơn vị nghệ thuật khẳng định tài năng, sự thăng hoa trong nghệ thuật. Chính ý nghĩa, mục đích ấy mà nhiều đơn vị nghệ thuật đã không ngần ngại chi đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, để dàn dựng vở diễn tham gia. Tất cả các đơn vị đều dày công đầu tư, nghệ sĩ miệt mài sáng tạo lao động nghệ thuật nghiêm túc để mang đến hội diễn nhiều tác phẩm hay. Cuộc thi này nhằm phát hiện những tài năng trẻ trong đội ngũ diễn viên sân khấu Cải lương và dân ca kịch; khuyến khích, động viên các nghệ sỹ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Cải lương và dân ca kịch trong những năm qua. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu Cải lương và dân ca kịch hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sỹ trẻ trong thời gian tới. Qua hội thi các nghệ sỹ, soạn giả, kịch bản, đạo diễn,…sẽ được vinh danh bằng những tấm huy chương vàng, bạc,…
2.1.3.3. Các giải thưởng kích thích sáng tạo và phát hiện tài năng
Ngoài các hội diễn trên, để cung cấp cho SKCL những diễn viên tài năng trẻ, lãnh đạo ngành nghệ thuật đã liên kết tổ chức các hình thức mới là các giải thưởng
Trần Hữu Trang, Chuông vàng Vọng cổ, Giọt nắng phù sa,…- Giải Trần Hữu Trang là sự kế tục thành quả của giải Thanh Tâm năm 1958. Bắt đầu năm 1991, hội sân khấu TP HCM và báo Sân khấu TP HCM đã lập nên giải thưởng Giải Trần Hữu Trang. Giải Trần Hữu Trang được tổ chức theo hình thức tập hợp các nghệ sỹ thể hiện tài năng qua một trích đoạn Cải lương. Từ đó đến nay, giải Trần Hữu Trang đã chọn trao 67 huy chương vàng (HCV) triển vọng và 8 HCV xuất sắc cho các nghệ sĩ nhiều thế hệ. Một số nghệ sỹ tiêu biểu: Vũ Linh, Phượng Hằng, Ngọc Đợi, Ngọc Huyền, Mỹ Vân,…
- Chuông vàng Vọng cổ là một cuộc thi dành cho bộ môn Đờn ca Tài tử - Cải lương do đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và công ty Kiết Tường phối hợp tổ chức, được diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Đây là cuộc thi nhằm phát hiện ra những tài năng mới, đóng góp một phần cho sự phát triển của nghệ thuật Cải lương. Năm 2006, với mong muốn có một cuộc thi dành riêng cho bộ môn Cải lương mà hiện nay có nguy cơ mai một, đài truyền hình TP HCM đã tổ chức cuộc thi này với tên gọi ban đầu là Ngôi sao Vọng cổ truyền hình. Năm 2007, với những lời góp ý từ phía báo chí về tên gọi cuộc thi, HTV đã đổi tên cuộc thi thành Chuông vàng Vọng cổ truyền hình. Các nghệ sỹ tiêu biểu từ năm 2006 – 2013: Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Võ Thành Phê, Trần Thị Thu Vân, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Văn Mẹo, Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Luận,..đa số trưởng thành trên quê hương ĐBSCL.
- Chương trình Giọt nắng phù sa được truyền hình trực tiếp vào các ngày thứ năm tuần thứ 2 mỗi tháng, lúc 20h30‟ – 22h00‟ trên kênh truyền hình HTV9. Thứ nhất, chương trình được xây dựng trên cơ sở lòng yêu thích, cuốn hút và quan tâm của các khán giả đối với bộ môn Đờn ca Tài tử, Cải lương, và âm nhạc dân tộc nói chung. Thứ nhì, chương trình là nơi gặp gỡ, giao lưu và so tài của các giọng ca không chuyên, được tuyển chọn trên khắp mọi miền đất nước. Nơi dành cho những giọng ca yêu thích thể loại âm nhạc dân tộc thể hiện khả năng ca hát của mình trước khán giả xem đài. Và thứ ba, ngoài phần thi năng khiếu ca hát, các thí sinh sẽ được tham gia vào những trò chơi liên quan đến âm nhạc dân tộc, qua đó tìm hiểu thêm về nét độc đáo, sâu sắc của từng loại hình cũng như trau dồi thêm kiến thức xã hội xung quanh bộ môn mà mình yêu thích.
Ở các giải thưởng này, tỉ lệ thí sinh dự thi thuộc vùng ĐBSCL chiếm gần 50% số thí sinh dự giải. Thực tế này cho thấy nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc Tài tử và sân khấu Cải lương ở ĐBSCL rất dồi dào.