6. Cấu trúc của đề tài
1.2.1. Nguyên nhân ra đời
1.2.1.1. Nguyên nhân xã hội
Sự xuất hiện một tầng lớp mới thuộc giai cấp tư sản, tiểu tư sản với yêu cầu giải phóng cá nhân, chống lễ giáo phong kiến, đã thúc đẩy sự hình thành một hình thức sân khấu mới, đáp ứng được tư tưởng tình cảm của họ.
Việc cải cách sân khấu cũng nằm trong chương trình cải cách xã hội của phong trào Duy Tân khi phong trào này thất bại, một số người yêu nước chuyển hướng qua hoạt động văn hóa xã hội trong đó có cả việc cải cách sân khấu.
Nông dân là những người chịu áp bức bóc lột của phong kiến thực dân sẵn có tấm ḷòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Khi những sĩ phu yêu nước đề xướng ra phong trào Cải lương thì nông dân là người góp phần phổ biến rộng rãi loại hình nghệ thuật này.
1.2.1.2. Nguyên nhân từ nhu cầu thẩm mỹ của công chúng
Báo Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 11-10-1917 có đăng bài Phương châm đắc sở của Lương Gia Tẩu (Chợ Lớn) trong có đoạn viết:
Tôi có tánh ham vui nên mỗi tuần tối thứ bảy thì tôi hay đi coi hát bội. Có đêm tôi gặp được kép hay tuồng giỏi, múa trúng điệu, hát phải hơi thì khoái lạc vô cùng; còn có bữa gặp hề vô duyên đào mới tập thì mỏi lòng không muốn ngó. Tôi thầm tưởng trên địa cầu này nước nào cũng cho hí trường là chỗ hóa dân trí, động nhân tâm, nên thảy thảy đều ngó nhau mà cải lương cho trọn lành trọn tốt.[53]
Cải lương theo cách hiểu bấy giờ là: sửa đổi làm cho tốt hơn. Đoạn văn trên đã chứng minh việc cải cách sân khấu đã trở nên nhu cầu bức thiết về thẩm mỹ của quần chúng lúc bấy giờ.
1. 2.1.3. Nguyên nhân từ sự phát triển của nhạc Tài tử - Tính hiện thực và trữ tình
Tính hiện thực thể hiện ngay trong giai điệu và ca từ của Đờn ca Tài tử - là âm nhạc nền của sân khấu Cải lương. Với sự xuất hiện của lời ca bổ sung cho ngôn ngữ âm nhạc, nhạc Tài tử càng có khả năng phản ảnh hiện thực xã hội lúc bấy giờ.
Nhạc Tài tử còn có nhiều ưu thế trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân, nhất là nhân dân ở một vùng đất rộng lớn xa triều đình, bị phong kiến bóc lột, sau đó lại bị thực dân đày đọa nhưng luôn luôn mang tinh thần hào khí, nghĩa hiệp chống áp bức bất công …
Nhạc Tài tử đã thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm từ niềm vui trong lao động, tình yêu, hạnh phúc đến nỗi đau khổ khi ly biệt, nhớ nhung, tang tóc hay bị áp bức, bóc lột, đầy ải … qua đó có thể gởi gắm được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nên được đông đảo nhân dân ưa thích và phổ biến rộng rãi, chỉ trong ít năm đã lan ra khắp xứ.
- Cấu trúc âm nhạc
Bên cạnh tính trữ tình phong phú, đa dạng, nhạc Tài tử còn mang tính tự sự, tức là nhạc kể chuyện. Cấu trúc nhạc Tài tử rất đặc biệt, vừa quy chuẩn cổ điển (loại âm nhạc thính phòng, bác học) lại rất phóng khoáng, sáng tạo theo kiểu dân gian.
Nhạc Tài tử còn mang tính ngẫu hứng sáng tạo trên “lòng bản”. Người nhạc công dựa vào “lòng bản” sáng tạo thêm dựa trên năng khiếu sẵn có của mình, mỗi người đều tìm cho mình một cách biểu diễn độc đáo.
- Kế thừa và sáng tạo
Nhạc Tài tử đã kế thừa những tinh hoa của truyền thống ca nhạc dân tộc và tiếp thu có chọn lọc cái hay từ bên ngoài đưa lại rồi sáng tạo và phát triển thêm.
Cuối cùng phải nói đến vai trò quyết định của văn học. Sự tổng hợp hữu cơ giữa lời và nhạc, cung cấp hình tượng cụ thể, đẻ ra nhu cầu và khả năng động tác.
Nếu không có yếu tố văn học hay có văn học thiếu hành động, dĩ nhiên là không có hình thức ca ra bộ được.
Từ nhạc Huế và nhạc Lễ chuyển thành nhạc Tài tử; từ nhạc Tài tử tiến lên hình thức Ca ra bộ; từ Ca ra bộ chuyển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu, có kịch bản văn học, diễn viên, nhạc công, thiết kế mỹ thuật đã cho thấy quá trình hình thành sân khấu Cải lương là một quá trình kế thừa và phát triển âm nhạc truyền thống dân tộc là Đờn ca Tài tử Nam Bộ.