Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương Việt Nam

Một phần của tài liệu Khai thác nghệ thuật cải lương ở đồng bằng sông cửu long phục vụ phát triển du lịch (Trang 33)

6. Cấu trúc của đề tài

1.2.2. Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương Việt Nam

1.2.2.1. Quá trình hình thành của nghệ thuật Cải lương Việt Nam

SKCL là loại hình kịch hát gồm sự hòa quyện của hai yếu tố: ca và kịch. Phần “kịch” là sự kế thừa sân khấu Hát bội truyền thống song song với tiếp nhận kịch nghệ phương Tây. Còn “ca” là yếu tố chủ đạo bắt nguồn từ loại hình âm nhạc truyền thống đặc trưng Nam Bộ: Đờn ca Tài tử (ĐCTT). Khác với nhạc kịch phương Tây cấu thành từ sáng tác âm nhạc mới, ca kịch Cải lương là đặt lời ca theo hệ thống âm nhạc có sẵn. Và sự hoàn thiện NTCL là kết quả quá trình phát triển lâu dài của nghệ thuật ĐCTT thông qua “bước nhảy‟‟ Ca ra bộ kết hợp việc kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc, cũng như của tác động của đời sống xã hội.

Vài nét về Đờn ca Tài tử

GS.TS Trần Văn Khê, sinh trong gia đình bốn đời chơi ĐCTT, đã khái quát: Phần đông khi nhắc đến ĐCTT thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc, chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian. Người đờn tài tử không dùng nhạc Tài tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đờn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đờn chơi, ai biết đờn ca cũng có thể tham gia được. Dầu vậy mà trình độ nghệ thuật của đờn Tài tử không thấp. Ngược lại, họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp...[60]

Theo nhiều nghiên cứu, ĐCTT phát triển từ nhạc lễ Nam Bộ và nhã nhạc cung đình Huế. Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhiều nhạc quan nhà Nguyễn đã chạy vào Nam, mang theo truyền thống đờn ca Huế và truyền dạy khắp Nam kỳ như: Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tòng Bá, Trần Quang Thọ,

Nguyễn Quang Đại,…Thời kỳ này, Nam Bộ không có dàn đờn cổ nhạc mà chỉ có dàn nhạc lễ chuyên làm nhiệm vụ trong các dịp “quan, hôn, tang, tế”. Trong những buổi hòa tấu này, dàn nhạc lễ bỏ bớt trống, kèn, nhạc cụ gõ chỉ còn “đàn cây” và:

Sinh hoạt âm nhạc “chơi đàn cây" được phổ biến và được nhiều người ưa thích. Người ta thi nhau học nhạc cụ, làn điệu bài bản. Các tầng lớp đều nô nức học: nông dân, trí thức, nhà nho, tiểu tư sản … Khi sinh hoạt này phổ biến rộng rãi thì đối tượng của nhạc lễ thay đổi: từ đối tượng trước kia là thần linh, chuyển sang đối tượng ngày nay là quần chúng lao động, lần lần tự nó phải thay đổi chất. Từ tính chất tế lễ, trang nghiêm chung chung, nhạc lễ chuyển sang chất mới cho phù hợp với đối tượng mới. [53, tr 142]

Vậy, ĐCTT ra đời và xem như định hình hoàn chỉnh vào đầu thế kỷ XX.

Ca ra bộ

Khoảng 1912 đến 1915, sinh hoạt đờn ca tài tử có một chuyển biến mới. Hình thức ngồi trên bộ ván để đờn ca quá tĩnh, không thỏa mãn quần chúng nữa. Người nghệ sỹ trong lúc đờn ca đã cảm thấy có nhiều nhu cầu diễn đạt bằng động tác cụ thể, hành động cụ thể theo nội dung lời ca. Do đó, đã nảy ra một hình thức mới là Ca ra bộ. Theo nhiều tư liệu, loại Ca ra bộ phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhà thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định từ năm 1916. Thấy một người ca hoài, ông Phó Mười Hai có sáng kiến đem bài tứ đại oán Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga ra phân vai, người ca đoạn Bùi Ông, kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được người biễu diễn khá linh hoạt nên lối ca dễ được hoan nghênh, và ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Cải lƣơng ra đời

Năm 1920, gánh Thầy Thận rã, thầy Năm Tú (tức Pièrre Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho sang trọn gánh này và khai trương bảng hiệu Gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho với vở diễn ra mắt là Kim Vân Kiều tại rạp Cinéma – Théâtre (sau đổi thành rạp Thầy Năm Tú Mỹ Tho[PL, hình 1], kế đến là hí viện Vĩnh Lợi, rạp Tiền Giang và nay trở lại là rạp hát Thầy Năm Tú).[7,tr25]. Ông Năm Tú được xem là người có công bậc nhất trong việc gầy dựng SKCL buổi ban đầu.

Hãng dĩa Pathé của Pháp[PL, hình 11], trụ sở tại Sài Gòn, mời gánh thâu tuồng với câu giới thiệu: “ Đây là gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho hát tuồng … trên dĩa Pathé nghe chơi” [ 29 ,tr 175]. Điệu Cải lương phổ biến từ đó. Nhiều gánh hát quy mô ra đời: Đồng Bào Nam của cô Tư Sự, Nam Đồng Ban của ông Hai Cu (Mỹ Tho), Tân Phước Nam của thầy thuốc Minh (Sóc Trăng), …[PL, hình 31] Phải đến năm 1920, gánh hát quy mô đầu tiên tại Sài Gòn là Tân Thinh của ông Trương Văn Thông (người Sa Đéc), mới chính thức xưng danh: “Đoàn hát Cải lương”, kèm theo đôi liễn nêu tôn chỉ mục đích của đoàn do hai soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu Soạn:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” [53]

Từ đây tên gọi “Cải lương” chính thức gắn liền với loại hình sân khấu mới đất Nam Bộ. SKCL cũng bước vào giai đoạn phát triển nhanh, mạnh đến không ngờ.

1.2.2.2. Quá trình phát triển của nghệ thuật Cải lương Việt Nam

*Giai đoạn hoàng kim (1920 – 1945)

Chỉ có ba năm ngắn ngủi từ gánh hát Thầy Thận có Ca ra bộ (1917) đến Đoàn Cải lương Tân Thinh (1920), SKCL đã cơ bản định hình và bước đầu phát triển trên mọi phương diện.

Từ những năm 1918 - 1920 , NTCL đã “Bắc tiến” mà: “ Ông Nguyễn Văn Súng tức Sáu Súng là người đầu tiên đem NTCL Nam Kỳ ra giới thiệu trên sân khấu miền Bắc” [23, tr37]. Sức hấp dẫn của loại hình sân khấu non trẻ đất Nam Bộ là không thể bàn cãi: “…phong trào Cải lương Nam kỳ ở miền Bắc lan rộng trong quần chúng, quyến rũ từ sinh viên trường cao đẳng, đến học sinh các trường, từ trí thức đến thợ thuyền…đều mở lòng dang tay đón tiếp nghệ thuật của quê hương, của dân tộc một cách nhiệt tình thắm thiết”[43,tr 73]

Trước năm 1975, miền Trung“ coi như chỉ là vùng đất cho Cải lương dung thân, chứ tự nó không có một gánh hát Cải lương chính thống nào” [7, tr 160] mặc dù khán giả miền Trung chưa bao giờ kém say mê Cải lương hơn khán giả miền Nam hay miền Bắc.

Ngay từ buổi đầu, SKCL đã biết đến khủng hoảng và nỗ lực hết mình để đứng vững. Đôi khi sự phát triển có phần tự phát, xô bồ, lẫn lộn giá trị nhưng SKCL đã chứng tỏ được sức sống, khát vọng của loại hình nghệ thuật tiến bộ, gần gũi tâm hồn dân tộc và phù hợp tâm thức thời đại.

* Giai đoạn thăng trầm (1945 – 1975)

- Giai đoạn giao thời (1945 – 1954)

Thành quả Cách mạng tháng Tám chưa lan tỏa, quân đội Pháp đã trở lại miền Nam. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Giai đoạn đầu chiến sự, SKCL gặp nhiều khó khăn (đoàn hát rã gánh, nghệ sỹ tứ tán…). Nông thôn là vùng cạnh tranh quyết liệt giữa lực lượng kháng chiến và thực dân, an ninh thiếu kiểm soát. Đây cũng là giai đoạn SKCL có sự phân hóa về hệ tư tưởng và thẩm mỹ nghệ thuật với sự phân chia ranh giới SKCL cách mạng (vùng kháng chiến) và SKCL thành thị (vùng tạm chiếm) mà SKCL Sài Gòn là đại diện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa nghệ thuật hướng đến phục vụ sự nghiệp thống nhất nước nhà, phục vụ nhân dân, SKCL cách mạng tập hợp lực lượng từ nhiều nguồn: những nghệ sỹ - chiến sỹ đi lên từ phong trào kháng chiến và nghệ sỹ chuyên nghiệp được giác ngộ cách mạng tự nguyện vào chiến khu tham gia lực lượng văn nghệ giải phóng. Với những Trương Bỉnh Tòng, Nguyễn Ngọc Bạch, Lưu Chi Lăng, Thiếu Linh, Tám Danh, Ba Du,… SKCL cách mạng gây ấn tượng qua các tác phẩm đậm tính chiến đấu: Hai bó rơm, Huyết lệ thù, Vệ quốc chiến, …[PL, hình 17]

Nhìn chung SKCL chưa có thêm đột phá về tuồng tích, nghệ thuật biểu diễn hay kỹ thuật sân khấu, chủ yếu phát huy cái có sẵn: tuồng tích cũ, phong cách cũ, sức hút từ lực lượng diễn viên cũ. Có thể nói đây là giai đoạn giao thời khi bên cạnh tác động khách quan từ thời cuộc thì các giá trị cũ của SKCL đều đã đạt đến đỉnh cao và dần đi vào chu trình suy thoái, đòi hỏi một sự lột xác mạnh mẽ.

- Giai đoạn đỉnh cao (1955 - 1968)

Năm 1954, Hiệp định Genève(giơ-neo-vơ) được ký kết, đất nước bị chia cắt. Miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH. Miền Nam chịu sự kiểm soát của Mỹ theo con đường TBCN. Mỹ tung ra hàng khối tiền viện trợ quân sự và kinh tế biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trong bối cảnh phức tạp đó, SKCL miền Nam có cả cơ

hội lẫn thách thức trong quá trình phát triển. Chưa bao giờ SKCL có một đội ngũ làm nghề dồi dào và tinh luyện dường ấy, cùng trình độ phát triển chuyên nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh lớp tác giả kỳ cựu vẫn giữ phong độ (Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Duy Lân,[PL, hình 4, 25, 26]…), sự xuất hiện của đội ngũ tác giả trẻ tài hoa xuất thân từ chiến khu: Thiếu Linh, Điêu Huyền, Thu An, Phong Anh, Hà Triều-Hoa Phượng, Quy Sắc, Trần Hà, Mai Quân,[PL, hình 6, 13]…đã tạo nên sinh khí mới cho SKCL. Khi khán giả đã quá nhàm chán những tuồng tích cũ, văn phong cũ, xảo thuật cũ,…đòi hỏi đổi mới cả ý tưởng dàn dựng lẫn nội dung tuồng tích thì những cây bút giàu sáng tạo này đã có mặt kịp thời. Lực lượng tác giả tại chỗ (Viễn Châu, Hoàng Khâm, Nhị Kiều,[PL, hình 18]…) cũng nổi lên góp tiếng vào sự đa thanh của SKCL. Chưa bao giờ SKCL tiếp nhận một nguồn kịch bản mới dồi dào, đa dạng và chất lượng đến vậy. Tác phẩm tiêu biểu có: Hồi trống Vân Lâu ( của Thiếu Linh); Nhụy hoa lan (Mai Quân); Đường về quê mẹ (Thu An); Nửa đời hương phấn (Hà triều – Hoa Phượng), Người đẹp Bạch Hoa thôn

(Hoàng Khâm), Người vợ không bao giờ cưới (Kiên Giang – Quy Sắc),…

* Giai đoạn suy thoái (1968 – 1975)

Chiến tranh ngày càng ác liệt mà đỉnh cao là chiến dịch Mậu Thân đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực trong xã hội, trong đó có SKCL. Các đoàn phải ngưng diễn, khi hoạt động lại thì vướng lệnh giới nghiêm do chiến sự lên cao. Không hát được ban đêm, phải diễn ban ngày – thời gian mọi người bận bịu mưu sinh – dẫn đến khán giả sa sút trầm trọng. Khi SKCL Sài Gòn lâm vào khủng hoảng (1968) thì SKCL cách mạng không ngừng lớn mạnh, mở rộng ảnh hưởng sang cả vùng tạm chiếm. Đầu năm 1975, các đoàn văn công đồng loạt tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. SKCL lại sang trang.

1.2.2.3. Giai đoạn thống nhất đất nước (1975 – nay)

- Giai đoạn 1975 – 1985

SKCL thực sự bùng nổ. Các đoàn hát lớn nhỏ mọc lên khắp cả nước với số lượng không thể kiểm soát, tỉnh nào cũng có vài ba đoàn hoạt động mạnh và ăn khách. Phong trào lập đoàn hát “lậu” cũng mở ra rầm rộ trước nhu cầu quá lớn của công chúng. Tuy hoạt động trái phép nhưng truy trách nhiệm đối tượng này thì

không dễ vì địa phương không có quyền kiểm tra đoàn hát, thẩm quyền này thuộc về phòng sân khấu. Lực lượng mỏng, phòng sân khấu không thể theo sát các đoàn hát này ẩn hiện khắp nơi. Thực tế, họ còn có thái độ thông cảm vì những đoàn hát lưu động không giấy phép này đã góp phần phục vụ nhu cầu rất lớn của công chúng ở vùng sâu vùng xa, những nơi hẻo lánh, xa trung tâm mà các đoàn lớn ít xuống tới. Đây là thời kỳ: “ Đời sống sân khấu phong phú và cực thịnh, các rạp Cải lương suất nào cũng đầy nhóc, các sân bãi ngoài trời đông nghẹt, mỗi suất hát vài ngàn khán giả là chuyện thường…”[7, tr74].

Các đoàn hát nổi bật của SKCL lúc bấy giờ như: Sài Gòn 1,2,3, Thanh Nga, Hương Mùa Thu, Phước Chung, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Minh Tơ, Nhà hát Cải lương Trung ương, Cải lương Đồng Nai, Bến Tre, …

- Giai đoạn 1986 – nay

Năm 1986, Nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp, thực hiện sự nghiệp đổi mới. Hội diễn năm 1990 là bước ngoặc sân khấu, phản ánh hiện thực xã hội, nói tới những góc tối, ham muốn riêng tư của con người, là những tác phẩm nói thẳng, nói thật mà trước kia chưa có trong các hội diễn. Tiêu biểu cho lối sống tha hóa đạo đức trong giai đoạn này được phản ánh trong các vở: Nỗi đau tình mẹ của Vũ Hải kể về câu chuyện đau lòng của người mẹ có nhiều con, nhưng chẳng đứa nào chịu nuôi mẹ, cuối cùng bà phải chết ở ngoài đường; Xôn xao rừng quế của Phan Lương Hảo, vì hám lợi, họ bán tất cả gia phả là văn hóa dân tộc, sẵn sàng sát hại nhau để đạt mục đích vì tiền. Hội diễn sân khấu năm 1995 tiếp tục phản ánh những bức xúc của lối sống cá nhân, tư tưởng làm giàu, muốn nhanh chóng trở thành những ông chủ, bà chủ của lớp người thời kỳ đổi mới. Họ sẵn sàng làm tất cả để đạt mục đích ham muốn làm giàu, sẵn sàng chà đạp lên những quan niệm đạo đức dân tộc, truyền thống để giành lấy quyền lực tiền của. Xã hội lúc này được thể hiện qua những tác phẩm đặc trưng như vở: Ai tỉnh ai điên của Sỹ Hanh và Huy Uẩn, Trong trắng cao nguyên của Tất Đạt, Chuyện tình Âu Lạc, Khoảnh khắc đời người, … Hội diễn năm 2000, các tác phẩm Cải lương đi sâu vào hai hướng đề tài, lịch sử và con người đương đại. Các tác giả phía Bắc thiên về đề tài lịch sử, ẩn chứa những bức xúc xã hội đương đại như Kẻ sĩ Thăng Long của Nguyễn Khắc Phục và Nhật Minh, Bí sử

chốn thâm cung, Phùng Khắc Khoan, Vằng vặc ánh sao khuê,… đều phản ảnh những mâu thuẫn, xung đột quyết liệt giữa gian tà và ngay thẳng, cái thiện và cái ác. Trong khi đó, các tác giả phía Nam đi sâu vào đề tài đương đại, phản ánh hiện thực sống động của những con người mới trên trận tuyến xây dựng xã hội tương lai, từ cơ sở kinh tế thị trường đi lên trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Nhiều vở diễn như: Đôi bờ, Huyền thoại tình yêu, Khúc ly hương, Chuyện bên vỉa hè,…phản ánh thân phận con người sau chiến tranh, họ là những người lính, thanh niên xung phong, nông dân, …trải qua bao khốn khó đời thường, những hy sinh mất mát sau chiến tranh, lạc lõng trong cuộc sống mới, họ phải làm gì trước cám dỗ của đồng tiền và quyền lực,…

Thập niên năm 90 của thế kỷ XX, SKCL rơi vào khủng hoảng trầm trọng thì lĩnh vực video Cải lương lại vô cùng sôi động khi lôi kéo hết mọi nguồn lực từ con người đến vật chất của SKCL. Nhiều người vì thế kết án chính video Cải lương đã “giết” SKCL. Video Cải lương phát triển cực thịnh từ năm 1990 đến 1997. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây cho khán giả dần rời xa sân khấu.

Có thể nói SKCL khủng hoảng toàn diện từ năm 1997 đến nay. Nghĩa là sàn diễn ngày càng thu hẹp lại. Đời sống của các nghệ sỹ càng ngày một khó khăn buộc họ phải lao mình vào dòng xoáy thị trường để tồn tại. Họ chấp nhận tìm khán giả ở, nhà hàng, “quán nghệ sỹ”, “quán cổ nhạc”, “Cải lương phòng trà”[PL, hình 32]…

Hơn 20 năm rơi vào khủng hoảng, SKCL không còn ảo tưởng sẽ phục hưng mà chỉ cố gắng để tiếp tục tồn tại. So với những Hát bội, Chèo, Ca trù,…NTCL có lợi thế hơn hẳn trong việc giữ nhịp sống ở xã hội hiện đại. Không chỉ vì khả năng thích nghi mà còn ở sức hút kỳ lạ với đất và người Phương Nam. Nhiều năm qua, NTCL vẫn không thể thiếu trên sóng truyền hình, phát thanh phía Nam và các lễ hội cộng đồng. Tuy nhiên, tình cảm và niềm tin của khán giả mộ điệu vẫn chưa được giới làm nghề đền đáp xứng đáng với cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp như hiện nay.

Một phần của tài liệu Khai thác nghệ thuật cải lương ở đồng bằng sông cửu long phục vụ phát triển du lịch (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)