Chính phủ tiến hành nghiên cứu, cải tiến các chính sách về đất đai như giảm thuế đất đai canh tác, tạo điều kiện về diện tích đất trồng ở những địa điểm thuận tiện, phù hợp với loại gạo chuyên canh, khuyến khích người nông dân đẩy mạnh trồng trọt gạo hàng hoá trên quy mô lớn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường nhằm khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp mở rộng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt cần tiếp tục phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn“ – khu vực chuyên canh lúa gạo chất lượng cao để chuyển đổi cấu trúc gạo từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao. Chính phủ cũng cần tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các loại hình công nghệ cao, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, như chính sách thành lập các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp tại các vùng chuyên canh, đầu tư vốn cho các trung tâm này phát triển giống, công nghệ máy móc hiện đại, hạn chế việc nhập khẩu máy móc từ nước ngoài.
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến nông như cung cấp chi phí tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ chăm sóc gạo cho nông dân các vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng miền xa xôi, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn... với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động trồng trọt, đảm bảo 100% các vùng chuyên canh trong cả nước đều có cán bộ khuyến nông, có cơ sở hạ tầng điện nước, đường sá khang trang. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác thực hiện an toàn về chất lượng sản phẩm, quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích, bảo quản gạo, huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng, xã hội. Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn phát triển gạo, công tác giám sát, quản lý, kiểm tra hoạt
động trồng trọt, chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bộ NN & PTNT triển khai các chính sách khuyến nông của Chính phủ trên cơ sở tạo lòng tin cho nông dân trong vùng chuyên canh, tạo sự đồng lòng và thống nhất về định hướng trồng của vùng. Muốn đạt được điều này, cần thực hiện kêu gọi các nông dân áp dụng thành công hoạt động khuyến nông phối với cán bộ khuyến nông tổ chức các buổi chất vấn, trao đổi về hiệu quả của chính sách nhằm tạo đưa ra triển vọng cụ thể ngay tại địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động báo cáo về tình hình hoạt động, trình bày các khó khăn để Bộ ngành đẩy mạnh nghiên cứu các biện pháp khắc phục, nhất là các khó khăn về giống, đất đai bị bạc màu, thiếu nguồn nước tưới tiêu...
Để người nông dân thực hiện đúng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm gạo trong trồng trọt, Bộ NN & PTNT cần nâng cao ý thức của người dân, trình bày các ảnh hưởng của việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và các loại chất kích thích thông qua các tài liệu có hình ảnh minh hoạ. Điển hình như việc sử dụng chất kích thích nhiều sẽ làm gạo bị giảm trọng lượng trong quá trình bảo quản, mau bị hư và chất lượng lại không cao, ảnh hưởng đến hoạt động chế biến và xuất khẩu, từ đó gạo Việt Nam bị mất thương hiệu trong thị trường Trung Quốc. Các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp cần nghiên cứu các loại phân hữu cơ, thuốc vi sinh có giá thành rẻ, giúp người dân nâng cao chất lượng, sản lượng, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có nồng độ mạnh.
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Nông thôn cần hỗ trợ các vùng chuyên canh gạo bằng chính sách cho vay ưu đãi, chính sách thuế, hỗ trợ các nghiên cứu. Trong đó, đối tượng được ưu tiên vay là các vùng chuyên canh các gạo xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc, các vùng còn hạn chế về quy mô, công nghệ kỹ thuật trong trồng trọt.