Một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp là do việc sử dụng các giống cây đã qua nhiều thế hệ, dễ bị bệnh tật và năng suất không cao. Phát triển và ứng dụng giống mới vào hoạt động trồng trọt sẽ giúp đảm bảo ngay từ đầu vào của hoạt động trồng trọt, giúp chống được các bệnh dịch phổ biến, phát triển trên cơ sở tận dụng các lợi thế của từng miền, nâng cao năng suất, chất lượng gạo, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu gạo tăng và chủng loại gạo đa dạng hơn.
Hoạt động phát triển và ứng dụng giống gạo bao gồm việc đẩy mạnh duy trì, bảo tồn, cung ứng các giống gốc, giống nguyên chủng, cây đầu dòng… đồng thời với việc nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các giống gạo mới và việc đẩy mạnh ứng dụng trồng các giống mới trên quy mô lớn nhằm đáp ứng nguồn cung dồi dào cho xuất khẩu sang Trung Quốc với chất lượng, sản lượng và lợi nhuận ngày càng tăng. Hoạt động phát triển và ứng dụng giống bao gồm sự tham gia của Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN & PTNT, các Bộ ngành liên quan, Viện Nghiên cứu gạo Việt Nam và các trung tâm, cơ sở nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp của vùng, tỉnh, địa phương.
Viện Nghiên cứu gạo Việt Nam và các trung tâm, cơ sở nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp tại các vùng, tỉnh, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cung ứng giống gạo, bao gồm: bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu, chọn tạo giống mới, nâng cao chất lượng giống và cung ứng giống trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là công nghệ biến đổi gen. Họat động nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các giống gạo phải phù hợp với các lợi thế có sẵn của vùng, mục tiêu phát triển gạo của Việt Nam và định hướng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Các cơ sở nghiên cứu giống cây gạo tại địa phương cần tiến hành nghiên cứu giống cây gắn liền với điều kiện tự nhiên của vùng miền, tập quán canh tác và nguồn vốn người nông dân thường đầu tư cho cây giống trong suốt quá trình canh tác và thu hoạch nhằm đảm bảo hiệu quả về năng suất của cũng tính kinh tế của giống gạo. Các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng giống
phải liên kết chặt chẽ với các Vụ, Cục thuộc Bộ NN & PTNT thông qua các báo cáo, nghiên cứu khoa học, kế hoạch… như liên kết với Cục Trồng trọt để nắm bắt tình hình triển khai trồng các giống cây mới, Cục Bảo vệ Thực vật để tổng hợp các bệnh dịch phổ biến với từng loại gạo và từng vùng miền, báo cáo thực hiện của các năm và định hướng kế hoạch của Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác quốc tế để nắm bắt định hướng phát triển gạo trong nước và hoạt động xuất khẩu sang ra nước ngoài cũng như Trung Quốc, từ đó đề ra chiến lược đầu tư nghiên cứu các giống gạo cần được cải thiện, nâng cao, tạo ra các giống phù hợp với từng vùng nhằm đáp ứng nguồn cung cho xuất khẩu như Jasmine, Khao Dawk Mali, Tám Thơm, Huyết Rồng. Hoạt động lai tạo, phát triển giống mới có thể được thực hiện trên các giống cây vốn có trong nước và các nguồn gen, giống mới được nhập từ nước ngoài để tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới. Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu cần liên kết với nông dân thông qua Hội Nông dân các tỉnh, địa phương để tổng hợp thực tế về hoạt động trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tạo cơ sở nghiên cứu các giống cây thích ứng với thực tế đó và đánh giá về việc ứng dụng các giống thông qua các tiêu chí về sản lượng, chất lượng và giá trị kinh tế mang lại. Sự liên kết này sẽ là cầu nối giữa việc nghiên cứu và triển khai trồng trên quy mô lớn và là cơ sở dữ liệu để các cơ sở nghiên cứu giống tiếp tục áp dụng phương thức lai tạo, biến đổi gen cho các giống gạo khác có cùng đặc điểm về sinh học.
Hoạt động sản xuất và cung ứng giống cũng hết sức quan trọng trong việc tạo nguồn cung giống dồi dào cho nông dân. Các đơn vị nghiên cứu giống và các cơ sở, vườn ươm cung cấp giống trên khắp cả nước cần tập trung sản xuất và cung cấp giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng đối với những loại gạo đạt được chất lượng tốt và các giống gạo mới được thử nghiệm thành công, đảm bảo các yêu cầu về sản lượng, chất lượng, chi phí trồng trọt và chăm sóc của người nông dân, không được cung cấp các giống cây giả, không đồng đều về chất lượng giống và các giống cây đã bị lai tạp qua nhiều đời làm cho cây trồng phát triển không ổn định, khả năng kháng bệnh dịch kém.
Nông dân cần đẩy mạnh trồng trọt các giống cây gốc, nguyên chủng hay các giống cây mới được mua từ các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp và các cơ sở, vườn ươm giống có uy tín, đảm bảo giống cây có nhãn mác và tên rõ
ràng. Để áp dụng thành công các giống gạo mới, nông dân có thể trực tiếp liên hệ với cơ sở nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp tại địa phương, tìm hiểu các giống cây được lai tạo thành công và đang được gieo trồng đại trà hoặc tìm hiểu thông tin về giống thông qua cơ sở dữ liệu về giống lai tạo trên trang web của các trung tâm nghiên cứu này và các trang web chuyên cập nhật về giống như trang web của Tài nguyên di truyền thực vật Việt Nam. Nông dân cần chủ động nêu lên các khó khăn về sâu bệnh, khả năng tăng trưởng, chất lượng của gạo gặp phải trong khi trồng các giống cây mới cho các trung tâm nghiên cứu giống để tạo dữ liệu cho các trung tâm này nghiên cứu các giải pháp khắc phục và tạo ra các giống cây khác phát triển tốt hơn.
Bộ NN & PTNT tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng giống ở tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông, kiểm tra chất lượng giống, xây dựng tiêu chuẩn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng. Bộ NN & PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đề án phát triển giống trên phạm vi cả nước, trực tiếp triển khai thực hiện các dự án do các đơn vị thuộc Bộ làm chủ đầu tư và tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư thực hiện đề án của địa phương để cân đối ngân sách, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện đề án giống.
Chính phủ cần ra chính sách xây dựng, phát triển hệ thống nghiên cứu và cung cấp giống cho nông dân ở những vùng sản xuất gạo trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời, Chính phủ cần sửa đổi nội dung biện pháp xử phạt hành chính, cấm kinh doanh đối với các cơ sở cung cấp nguồn giống giả, chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo của nhiều hộ nông dân được quy định trong nghị định 57/2005/NĐ-CP và 172/2007/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng nhằm thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ nông dân và ngành gạo. Bộ NN & PTNT cần đầu tư ngân sách cho việc nghiên cứu khoa học về giống, giữ nguồn gien, nhập nội nguồn gien, nhập công nghệ mới cũng như đầu tư hạ tầng cơ sở, chế biến giống và xây dựng trại giống đầu dòng.