Giải pháp đối với hoạt động chế biến, bảo quản và xuất khẩu

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh(tác giả Lưu Thành Nhân)đề tài XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC (Trang 55)

3.3.2.1.Đẩy mạnh phát triển công nghệ, quy mô hoạt động chế biến của các doanh nghiệp chế biến

Gạo Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc đòi hỏi chất lượng cao, nếu không sẽ bị tình trạng các thương lái ép giá. Trong khi đó, công nghệ chế biến tại các cơ sở chế biến của Việt Nam đa phần là lạc hậu, dẫn đến chất lượng không đồng nhất. Yêu cầu đổi mới, nâng cấp công nghệ chế biến gạo đang được nhấn mạnh trong những năm gần đây. Phát triển công nghệ và quy mô hoạt động chế biến gạo nhằm nâng cao độ an toàn của sản phẩm gạo, đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường sự đa dạng về hình thức chế biến mới, giảm thiểu chi phí chế biến và gia tăng giá trị kinh tế của gạo, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp chế biến phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, quy mô công xưởng cho hoạt động chế biến phù hợp với chủng loại gạo cũng như quy mô của khu vực trồng lúa. Các nguồn lực về nhân công, cơ sở máy móc cần đầy đủ, luôn sẵn sàng để thực hiện bảo quản, chế biến cho những đơn hàng lớn.

Các doanh nghiệp chế biến phải đảm bảo các loại máy móc, công nghệ chế biến, nguyên phụ liệu chế biến, bảo quản đáp ứng được tiêu chuẩn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng về yêu cầu kỹ thuật đối với máy móc, công nghệ, độ an toàn của gạo sau khi chế biến, bảo quản. Có ý kiến cho rằng gạo Việt Nam nên bỏ qui trình sấy khô vì như vậy sẽ làm chất lượng gạo không thống nhất, dẫn đến giảm chất lượng và giá bán. Các cơ sở chế biến có thể cử cán bộ quản lý tham quan mô hình tổ chức cơ sở chế biến của một số nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản. Về hoạt động bảo quản, việc đầu tư các phương tiện bảo quản, khu vực, thiết bị bảo quản rất cần thiết để sản phẩm sau khi chế biến vẫn giữ nguyên chất lượng, giá trị, có thời hạn sử dụng lâu. Do đặc tính nước ta là nhiệt đới, gạo rất dễ bị ẩm mốc. Các khu vực bảo quản phải được vệ sinh thường xuyên, nâng cấp, giúp gạo chế biến luôn sạch sẽ, không bị nhiễm khuẩn, bao túi không bị mục...

Bộ NN & PTNT, Bộ Công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch cơ sở chế biến trên phạm vi cả nước theo hướng cơ sở chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu và từng bước hình thành cụm, khu công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm trình cấp có thẩm

quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, rà soát, điều chỉnh và tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch chi tiết cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu tập trung phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng đầu tư và phát triển Nông thôn cần tạo điều kiện cho các cơ sở này vay vốn, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở máy móc hoặc nhập mới hoàn toàn, đáp ứng được hoạt động chế biến gạo cho xuất khẩu trong thời gian tới.

3.3.2.2.Phát triển hệ thống thu mua và phân phối gạo

Hệ thống thu mua và xuất khẩu gạo của nước ta cần có sự linh hoạt, chủ động hơn. Hoạt động thu mua cần giảm thiểu các đối tượng trung gian, mở rộng các hình thức mua thay vì chỉ mua theo hình thức nhỏ lẻ, không đảm bảo về sản lượng. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể ký hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân sản xuất với quy mô lớn hoặc ký hợp đồng với đại diện của bên sản xuất (hợp tác xã, tổ chức dịch vụ…), từ đó tạo liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động hơn trong nguồn hàng, hạ giá thành gạo do loại bỏ được các trung gian mua bán gạo, đảm bảo được chất lượng, sản lượng gạo do không phải vận chuyển nhiều.

Dựa vào nội dung của hợp đồng thỏa thuận hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ với nông dân, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể ứng trước các yếu tố đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật canh tác trong suốt quá trình trồng trọt gạo để tạo sự ràng buộc giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và nông dân. Đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ mua toàn bộ gạo theo thỏa thuận hợp đồng. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đóng vai trò chủ động trong việc định hướng nguồn hàng thông qua các hợp đồng với nông dân, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu có thể chủ động về nguồn hàng gạo chế biến, bảo quản bằng cách xây dựng các cơ sở chế biến hoặc có hợp đồng chế biến lâu dài với cơ sở chế biến có uy tín với hệ thống máy móc hiện đại, đảm bảo an toàn, vệ sinh và chất lượng cho gạo. Hợp đồng tiêu thụ gạo giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và nông dân phải được kí kết theo những quy định của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa

thông qua hợp đồng nhằm đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực của hợp đồng, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Chính phủ và Bộ NN & PTNT cần đẩy mạnh khuyến khích liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nông dân trên phạm vi cả nước nhằm tạo ra sự gắn kết giữa hoạt động trồng gạo và chế biến, xuất khẩu gạo, giúp các nông dân đảm bảo lợi ích kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động trong việc định hướng nguồn hàng gạo, điều tiết sản lượng và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của người dân Trung Quốc hay của các đối tác nhập khẩu Trung Quốc. Bên cạnh đó, đây là cơ sở để tạo liên kết chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc nhờ duy trì mối quan hệ mua bán lâu dài, tạo cơ hội để phát triển gạo của từng vùng về quy mô và đẩy mạnh nâng cao về chất lượng bằng cách cách chế biến mới, đa dạng hơn.

Kênh phân phối sang Trung Quốc cần mở rộng hơn, xây dựng thêm các đại lý ủy quyền tại Trung Quốc và trực tiếp xây dựng, mở rộng mua bán với các nhà bán buôn, bán lẻ của Trung Quốc để đẩy mạnh sản lượng gạo được xuất khẩu, đạt được các thỏa thuận cao về giá và cung cấp đúng nhu cầu của người dân để giữ vững mức gạo xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu có thể thành lập các đại lý ủy quyền ở nước ngoài để chủ động tìm kiếm thị trường ở Trung Quốc, xúc tiến họạt động quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam thông qua các cửa hàng giới thiệu gạo, nắm bắt chính xác sự thay đổi nhu cầu của người dân theo mùa và các thời điểm tiêu thụ nhiều trong năm, xu hướng thay đổi giá cả của từng loại gạo và từng loại hình chế biến, tiếp nhận các đơn đặt hàng xây dựng các đại lý ở Trung Quốc và liên lạc với doanh nghiệp mẹ để quyết định việc tiến hành kí kết hợp đồng. Các cửa hàng giới thiệu gạo xây dựng gần các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng kinh doanh gạo tươi, gạo an toàn để giới thiệu gạo của nước ta đến nhiều đối tượng. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể liên kết với Cục Xúc tiến Thương mại để thu thập các thông tin nghiên cứu thị trường, thông tin về các đối tác nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam và tận dụng uy tín của Cục Xúc tiến Thương mại nhằm đẩy mạnh quy mô đơn hàng nhập khẩu.

Cơ sở hạ tầng trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng cần cải thiện, tăng cường như phương tiện vận chuyển, kho lạnh… Hiện nay, vào mùa thu hoạch, gạo của Việt Nam rất nhiều lên đến cả trăm nghìn tấn nên nhu cầu về kho bãi rất cần thiết.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư vào phương tiện vận tải, có đầy đủ hệ thống làm mát, giữ ẩm, vào trang thiết bị đóng gói để xuất khẩu, phải có bao bì đạt tiêu chuẩn về sự rõ ràng nhãn mác, đảm bảo chất lượng và độ an toàn của gạo. Cục Xúc tiến Thương mại cũng cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp xuất khẩu trong việc mở rộng đầu tư kho bãi, hệ thống đường sá để phục vụ việc bảo quản gạo và đảm bảo chất lượng gạo trước khi tiến hành vận chuyển sang Trung Quốc thông qua việc đầu tư xây dựng, tu sửa các kho bãi, đề xuất lên Chính phủ các dự án về việc mở rộng xuất khẩu tại các cảng biển khác như cảng Cái Lân, nhóm cảng số 5 thuộc thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu để giảm thiểu chi phí, thời gian vận chuyển, giảm thiểu sự ùn tắc hàng trong thời gian cao điểm về xếp dở hàng tại cảng, giúp đảm bảo chất lượng gạo và tiến độ xuất khẩu sang Trung Quốc.

3.3.2.3.Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam

Thương hiệu gạo chưa mạnh là một hạn chế của gạo xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Trên thế giới, gạo Việt Nam chỉ được biết đến gồm 2 loại là gạo Trắng và gạo Thơm chứ chưa có một thương hiệu riêng nào. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam. Xây dựng thương hiệu phải được xem là một phần không thể thiếu trong hoạt động xuất khẩu gạo ở Trung Quốc nhằm xây dựng, củng cố và phát triển hình ảnh gạo Việt Nam. Thông qua việc xây dựng và phát triển thương hiệu, gạo của nước ta sẽ xây dựng được lòng tin tiêu dùng đối với người dân Trung Quốc, tạo vị thế riêng của nước ta trong danh sách các mặt hàng gạo nhập khẩu của Trung Quốc, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng và mặt hàng của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam hiện tại cần được thực hiện dựa trên cơ sở xây dựng hình ảnh hưởng về chất lượng và dần hướng đến cạnh tranh về giá cả.

Tuy nhiên cũng phải chấp nhận một thực tế rằng chúng ta không hội đủ những yếu tố căn bản để xây dụng thương hiệu một cách bài bản. Trên thị trường gạo chất lượng cao, Thái Lan và Pakistan đã gần như đã phủ kín, việc cạnh tranh trên thị trường này không hề đơn giản. Với 90 triệu dân mà chỉ có khoảng 4,1 triệu ha đất lúa, Việt Nam chỉ có thể trồng lúa có năng suất cao, thâm canh 2-3 vụ 1 năm và chất lượng vừa phải để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực (trong khi đó ở Thái Lan

có tới 10 triệu ha đất lúa và chỉ có 60 triệu dân, họ hoàn toàn có thể sản xuất và xuất khẩu 10 triệu tấn gạo cấp cao/năm). Như vậy, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh ở thị trường gạo chất lượng thấp, đồng nghĩa với việc khó cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Do đó, để xây dựng thương hiệu, Việt Nam cần có những nước đi thận trọng hơn và chấp nhận thị trường chủ lực là thị trường gạo cấp thấp.

Thứ nhất, việc tổ chức sản xuất cần phải có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp đặt hàng nông dân trồng sản phẩm gì để xuất khẩu và xây dựng hệ thống chế biến. Việc này thực sự cần sự chủ động từ cả 2 phía doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cần có chính sách hoạt động rõ ràng, nhất quán trong hoạt động thu mua và xuất khẩu gạo. Người nông dân cần có ý thức duy trì và bảo tồn giống lúa mình đang trồng, đảm bảo cung cấp cho doanh nghiệp sản phẩm lúa gạo với chất lượng và năng suất ổn định, tránh trường hợp trồng bừa bãi các giống lúa, sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thu mua. Có như vậy thì mới tránh được tình trạng lúa sản xuất ra nhiều nhưng không có đầu ra, áp lực phải bán tăng lên khiến giá giảm xuống và dẫn đến tình trạng bị các thương lái trung gian ép giá. Nếu có sự liên kết tốt giữa doanh nghiệp và nông dân, các bước trung gian sẽ giảm đi đáng kể, chi phí giảm xuống và lợi nhuận của cả nông dân và doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên do ít bị chia sẻ.

Thứ hai, doanh nghiệp phải chia sẻ với nông dân về mặt lợi nhuận của toàn chuỗi giá trị, coi nông dân như là một cổ đông chứ không “cưa đứt, đục suốt” như hiện nay. Doanh nghiệp nên có ý thức bảo vệ người nông dân, hợp tác với họ để đôi bên cùng phát triển, không lợi dụng sự ít hiểu biết của họ để “làm giá” gạo vì mục đích lợi nhuận cá nhân. Người nông dân cũng cần duy trì mối quan hệ trung thành với các doanh nghiệp, tôn trọng các yêu cầu và qui trình sản xuất do doanh nghiệp đề ra để sản phẩm đạt chất lượng thống nhất, đúng như yêu cầu của doanh nghiệp.

Thứ ba, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu. Thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế, DN quảng bá cho sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, ví dụ, Trung Đông hướng vào gạo đồ, Đông Bắc Á hướng vào gạo hạt tròn...Nhà nước có thể tạo trang web xuất khẩu gạo Việt Nam, một mặt nhằm thu hút các đối tác nước ngoài, mặt khác tập trung các doanh nghiệp trong nước lại với

nhau, tạo nên một “diễn đàn” lúa gạo để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lúa gạo Việt Nam.

Thứ tư, nhà khoa học nghiên cứu tạo ra giống lúa theo đặt hàng của DN, cùng tham gia sản xuất với nông dân. Với nhiều điểm yếu hiện nay, chúng ta chưa thể hoàn toàn chuyển đổi sang sản xuất gạo chất lượng cao. Tuy nhiên chúng ta phải xác định rằng để giá trị xuất khẩu gạo được cao thì buộc phải có gạo phẩm cấp cao. Trước mắt có thể tạo ra một số vùng hoặc diện tích chuyên gạo phẩm cấp cao cho mục đích xuất khẩu, vừa “thăm dò” phản ứng của thị trường đối với gạo chất lượng cao Việt Nam, vừa tích lũy kinh nghiệm trong việc trồng đối với các loại lúa này.

3.3.2.4.Chủ động nắm bắt tình hình thị trường Trung Quốc

Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch, mở rộng cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu, việc nắm bắt tình hình về sự thay đổi chính sách, quy định về tiêu chuẩn đối với gạo nhập khẩu từ các nước và từ Việt Nam của Trung Quốc, các biến động về kinh tế, chính trị, xã hội của thị trường này cũng như xu hướng thay đổi nguồn cung gạo, nhu cầu và thị hiếu của Trung Quốc phải luôn được thực hiện thường xuyên.

Trung Quốc chỉ mới tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam bắt đầu từ năm 2012, chủ yếu nhập khẩu gạo chất lượng cao nhưng lại theo đường tiểu ngạch. Với tình hình hiện tại, chúng ta không chắc chắn được nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc trong các năm tới có ổn định hay không. Mặt khác, dù là nhập khẩu số lượng lớn, nhưng chủ yếu lại theo đường tiểu ngạch, rất khó để quản lý sản lượng cũng như về chất lượng các lô hàng, hợp đồng gạo xuất khẩu. Các hợp đồng với Trung Quốc tuy nhiền nhưng thường xuyên bị hủy, cho thấy đối với Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều rủi ro. Và trên hết, sản phẩm gạo Trung Quốc yêu cầu là gạo phẩm cấp cao, trong khi chúng ta sản xuất chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc có được cho đến thời điểm này chủ yếu

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh(tác giả Lưu Thành Nhân)đề tài XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC (Trang 55)