Các yếu tố trong nước

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh(tác giả Lưu Thành Nhân)đề tài XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC (Trang 44)

2.2.1.1.Điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng

Là một quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, trong đó có hai vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hai vựa lúa lớn nhất của cả nước. Đồng bằng các tỉnh Duyên hải Miền trung chiếm 17,1% về diện tích và 18,8% về sản lượng lúa cả nước.

Việt Nam được xếp vào hàng những quốc gia có nguồn nước dồi dào, kể cả nước ở trên và nước dưới đất. Diện tích mặt nước lớn và phân bố đều ở các vùng. Tài nguyên nước dồi dào là một trong những lợi thế nổi bật trong nghề trồng lúa nước ở Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi trên, những khó khăn về điều kiện thời tiết do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới… cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Cụ thể như Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là một trong 5 ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ước tính tổn thất về kinh tế hàng năm do thiên tai, bão lũ gây ra tương ứng khoảng 3,6 tỷ USD hay hiện tượng sương mù xuất hiện vào sáng sớm ở khu vực Nam Bộ (Diễn đàn môi trường, 2012).

2.2.1.2.Nguồn nhân lực

Theo số liệu của tổng cục thống kê, năm 2011 dân số Việt Nam là 87,8 triệu người, trong đó 69,4% dân số đang sống ở vùng nông thôn và 55% dân số trong độ tuổi lao động. Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ. Yếu tố nhân lực không chỉ có ưu thế về số lượng mà còn có ưu thế về sự tinh thông, am hiểu nghề trồng lúa, cho phép chúng ta khai thác triệt để những lợi thế của các điều kiện thiên nhiên. Mặc dù hoạt động phát triển, nâng cao nguồn lực ở các đơn vị nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được đẩy mạnh trong các năm qua nhưng hiệu quả của các hoạt động này vẫn chưa cao. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đang

rất thiếu. Việt Nam hiện giờ trong tổng số trên 60 triệu nông dân, chỉ có trên 4.800 cán bộ khuyến nông chuyên trách, được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hơn 10.500 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và trên 15.700 cộng tác viên khuyến nông phục vụ các thôn bản (Rfa, 2010).

2.2.1.3.Cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ kỹ thuật

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã huy động được trên 29 nghìn tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Năm 2006, 8.488 xã có đường ô tô đi lại được quanh năm, có 6.356 xã (chiếm 70%) đường ô tô được nhựa, bê tông hóa. Về thủy lợi, cả nước có trên 1.952 hồ chứa nước lớn, 10.000 trạm bơm, 1000 km kênh trục chính… Về điện lưới quốc gia, 97,95% huyện có hệ thống điện, 10.522 xã phường có điện lưới quốc gia, đạt 96,80%... Nhờ đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn được tạo điều kiện phát triển, giải quyết việc làm, nên thu nhập của người dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã giảm rõ rệt. Thu nhập bình quân 1 hộ nông thôn hiện tại đạt 26,1 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng (75,8%) so với năm 2002; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 18% giảm 3,2% so 2004 (Tin kinh tế, 2010).

2.2.1.4.Chính sách của nhà nước

Chính phủ, Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lúa gạo Việt Nam được thuận lợi hơn thông qua các luật, chính sách, quyết định, nghị định… Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, chính sách như Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Thực hiện các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 02/2010/NĐ-CP về công tác khuyến nông, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; văn bản số 2910/BNN-TT ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tình hình và đăng ký kế hoạch

chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên lúa giai đoạn 2014 - 2020.

Riêng lĩnh vực xuất khẩu gạo, ngày 17/06/2011, Bộ Tài chính đã bãn hành Thông tư số 89/2011/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu. Theo đó, giá sàn gạo sẽ được tính theo hai phương pháp chính là phương pháp chi phí và phương pháp khấu trừ, qui định chi tiết theo từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo. Điều này rất cần thiết, vì nó giúp thống nhất giá trên thị trường, đồng thời giúp người nông dân đảm bảo kinh phí tối thiểu để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất của mình. (Bản tin xuất khẩu số 225 – ngày 11/07/2011)

Bộ NN & PTNT phối hợp với các Bộ ngành liên quan vẫn đang thực hiện vai trò chủ chốt của mình trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Ngành trồng trọt được Bộ NN & PTNT quản lý, giám sát, hỗ trợ thông qua thông qua việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi các thông tư, quyết định, danh mục… Hiện nay, Bộ NN & PTNT cũng thường xuyên cập nhât các danh mục giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam… nhằm đảm bảo chất lượng lúa gạo của Việt Nam, đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu, phù hợp với các tiêu chuẩn nhập khẩu của thế giới và Trung Quốc.

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh(tác giả Lưu Thành Nhân)đề tài XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC (Trang 44)