Giải pháp tổ chức và quản lý

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Kiểm toán năng lượng và đề xuất giải pháp tiết kiệm điện năng ở trường đại học Công nghiệp Hà Nội (Trang 86)

7. Nội dung của luận văn

3.3.2. Giải pháp tổ chức và quản lý

Thực tế cho thấy phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã lan rộng khắp các trường học, tổ chức doanh nghiệp trên cả nước, tuy nhiên việc hình thành một tiểu ban phụ trách trong tổ chức hầu như chưa có nên hoạt động tiết kiệm không được giám sát, thực hiện kém hiệu quả, chỉ bùng lên như phong trào rồi lại bị bỏ quên ngay sau đó. Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội cũng không nằm ngoài hoàn cảnh tương tự. Vì vậy mong muốn của tác giả qua đề tài này là đề xuất xây dựng được một tổ chức đảm nhiệm các nhiệm vụ riêng về quản lý và tiết kiệm năng lượng trong nhà trường. Tổ chức này là cần thiết vì nó là cơ sở đảm bảo cho các hoạt động kiểm toán và tiết kiệm có thể thực hiện được thường xuyên, đem lại hiệu quả thiết thực.

Dựa trên cơ sở hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001, xác định các chức năng và nhiệm vụ của các thành viên tham gia tổ chức. Tổ quản lý tiết kiệm điện bao gồm các thành viên phải có sự am hiểu về thiết bị điện, về kiểm toán và tiết kiệm năng lượng; phải có sự tham gia của cấp lãnh đạo của nhà trường.

Hình 3.5. Mô hình Ban quản lý tiết kiệm năng lượng

- Trưởng ban

Quản lý chỉ đạo việc xây dựng và duy trì hệ thống các thủ tục, quy trình kiểm toán điện năng của nhà trường;

Quản lý chung mọi việc có liên quan đến tiêu thụ sử dụng năng lượng điện và xây dựng các điều luật sử dụng phù hợp tại trường;

Quản lý việc tuyên truyền, thi đua, đánh giá, dán nhãn xanh cho các phòng ban, quản lý xây dựng các phương án tiết kiệm năng lượng áp dụng cho các thiết bị của nhà trường.

- Phó ban

Tham mưu, giúp việc cho Trưởng ban trong việc xây dựng và lập kế hoạch hoạt động;

Xây dựng và lập kế hoạch kiểm toán phân tích đánh giá tình hình hoạt động tiêu thụ năng lượng thường niên;

Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn của các bộ phận, Phòng/Ban tại nhà trường trong việc áp dụng các quy trình, phương pháp quản lý năng lượng;

Tham mưu và giúp việc cho Trưởng ban trong việc xây dựng mục tiêu tiết kiệm toàn trường.

- Các thành viên

Phụ trách từng mảng riêng biệt dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban và Phó ban, gồm:

Xây dựng quy trình kiểm toán riêng phù hợp với nhà trường và chịu trách nhiệm phần thiết bị phục vụ kiểm toán, phối hợp và đề xuất nhân lực để kiểm toán định kỳ.

Xây dựng các điều luật, các nội dung mục tiêu thi đua, hướng dẫn thực hiện cho các phòng ban; kết hợp với hoạt động 5S áp dụng một cách có hiệu quả, xây dựng chỉ tiêu dán nhãn xanh cho các phòng ban; tuyên truyền vận động toàn trường với mỗi hoạt động đề ra.

Xây dựng quy chế giám sát kiểm tra và thực hiện giám sát kiểm tra năng lượng, lập và báo cáo với lãnh đạo tình hình trước sau mỗi kỳ thực hiện.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Kiểm toán năng lượng và đề xuất giải pháp tiết kiệm điện năng ở trường đại học Công nghiệp Hà Nội (Trang 86)