Qua kết quả khảo sát sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng phác đồ kháng sinh trong phẫu thuật chỉ phối hợp kháng sinh khi điều trị không có hiệu quả (sốt trên 38,00
C có kèm theo vết mổ sưng nề, chảy nước, mưng mủ...)
4.2.3.1 Lựa chọn kháng sinh sử dụng sau phẫu thuật
Từ kết quả bảng 3.13, chúng tôi thấy việc lựa chọn kháng sinh sử dụng sau phẫu thuật không có sự thay đổi so với trong phẫu thuật ở cả hai nhóm nghiên cứu. Chứng tỏ, tuy bệnh viện chưa đưa ra được phác đồ chuẩn nhưng các bác sỹ đã cân nhắc rất kỹ trong việc lựa chọn kháng sinh cho từng nhóm bệnh nhân trong phẫu thuật. Vì vậy ngay sau phẫu thuật không có sự thay đổi kháng sinh mà chỉ thay đổi trong quá trình điều trị ở phần đánh giá đổi phác đồ tiếp theo.
4.2.3.2 Đánh giá đổi phác đồ kháng sinh điều trị sau phẫu thuật - Tỷ lệ đổi phác đồ
Từ kết quả bảng 3.14 chúng ta thấy tỷ lệ đổi phác đồ kháng sinh có sự khác biệt giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu. Nhóm bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn trước phẫu thuật tỉ lệ đổi phác đồ (11,3%) cao hơn nhóm bệnh nhân không có nhiễm khuẩn trước phẫu thuật (3,4%). Điều này có thể do từ yếu tố nguy cơ ban đầu của người bệnh làm tăng tỉ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn trước phẫu thuật
- Các kiểu đổi phác đồ kháng sinh
Từ kết quả bảng 3.15 chúng ta thấy một số kiểu đổi phác đồ kháng sinh như sau:
+ Nhóm bệnh nhân không có NK trước phẫu thuật sử dụng phác đồ kháng sinh đơn độc, sau phẫu thuật lấy thai nếu có sốt, vết mổ đỏ tấy, sưng nề bổ sung thêm Metronidazol (phác đồ phối hợp).
+ Nhóm bệnh nhân có nguy cơ NK và NK trước phẫu thuật sử dụng phác đồ kháng sinh đơn độc, sau phẫu thuật lấy thai nếu có sốt, vết mổ đỏ tấy, sưng nề, chảy nước bổ sung thêm Metronidazol (phác đồ phối hợp).
+ Nhóm bệnh nhân có NK trước phẫu thuật sử dụng phác đồ phối hợp (02 loại kháng sinh) sau phẫu thuật lấy thai nếu có sốt, vết mổ sưng nề, chảy nước, có mủ … bổ sung thêm Peflacin (03 loại kháng sinh).
Bệnh nhân sau phẫu thuật nếu kết quả điều trị không hiệu quả đã được đổi phác đồ kháng sinh, chủ yếu tiếp tục sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật, tùy từng trường hợp cụ thể để bổ sung Metronidazol (thuộc nhóm 5- nitro- imidazol điều trị vi khuẩn kỵ khí B.fragilis...) hoặc Peflacin (thuộc nhóm quinolon thế hệ II, phổ tác dụng rộng đặc biệt trên trực khuẩn Gram (-), tụ cầu kể cả loại kháng methicilin và vi khuẩn kỵ khí) để tăng hiệu quả điều trị.
4.2.3.3 Thời gian sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật
Từ kết quả bảng 3.19 cho thấy thời gian sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật của hai nhóm đối tượng nghiên cứu không có gì khác biệt lớn. So sánh với nghiên cứu của Nguyễn Huy Tuấn [26], Lê Thị Kim Thanh [27] và các nghiên cứu khác chỉ dùng kháng sinh dự phòng tiêm 02 liều (liều thứ nhất sau kẹp rốn, liều tiếp theo sau 06 giờ), thì hiện tại nghiên cứu chúng tôi có sự khác biệt ở nhóm bệnh nhân không có nhiễm khuẩn trước phẫu thuật thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài 07 ngày. Như vậy các bác sỹ chưa tuân thủ kháng sinh dự phòng như khuyến cáo, mà dùng kháng sinh dài ngày như một đợt điều trị, làm kéo dài thời gian nằm viện, gây đau đớn, tốn kém cho người bệnh. Ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ NK và có NK trước phẫu thuật việc sử dụng kháng sinh đã tuân thủ nguyên tắc độ dài đợt điều trị từ 07 đến 10 ngày,
tỷ lệ sử dụng kháng sinh trên 10 ngày chỉ có 03 bệnh nhân chiếm 5,7%, trong những trường hợp này thường khá phức tạp hay phải đổi thuốc.