Theo Bùi Sương, Chữ Quang Độ [8],[19] và một số nghiên cứu khác về đặc điểm của phòng mổ và các đặc điểm của bệnh nhân có ảnh hưởng đến tỉ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật lấy thai bao gồm: tuổi, số lần sinh con, tuổi thai, thời gian chuyển dạ, thời gian vỡ ối, thời gian phẫu thuật, thời gian điều trị sau phẫu thuật…
So sánh đặc điểm của bệnh nhân trong nghiên cứu này với một số nghiên cứu khác chúng tôi nhận thấy:
+ Về độ tuổi của bệnh nhân:
Từ kết quả bảng 3.1 cho thấy tuổi nhỏ nhất chúng tôi gặp là 18 tuổi, tuổi lớn nhất là 47 tuổi. Hầu hết các đối tượng nghiên cứu đều ở độ tuổi 20 - 29 chiếm 71,2%, như vậy theo sinh lý đây là độ tuổi sinh đẻ của người phụ nữ. Theo Lê Tuyết Minh [15] năm 2000, tỷ lệ phẫu thuật lấy thai lứa tuổi này so với độ tuổi khác là 73% thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi là hợp lý, không có sự khác biệt.
+ Về số lần sinh con:
Từ kết quả bảng 3.2 chúng tôi thấy các trường hợp sinh con lần hai nhiều hơn (49,5%), các trường hợp sinh con lần một ít hơn nhưng chênh lệch không nhiều (45,4%) và các trường hợp sinh con trên hai lần là rất ít chiếm 5,1%. So sánh với nghiên cứu của bác sỹ Bùi Sương là 61,42%/ sinh con lần một và 38,58/ lần hai [19] thì tỉ lệ sinh con lần một trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn và tỉ lệ con lần hai lại cao hơn.
+ Về tuổi thai:
Trong nghiên cứu tuổi thai tập trung từ 38 - 42 tuần, trong đó chủ yếu vào từ 38 - 40 tuần (77,8%), thấp nhất có 01 trường hợp thai 33 tuần (nhiễm
độc thai nghén). Như vậy thai đủ tháng là chủ yếu trong nghiên cứu, không khác so với nghiên cứu của Bùi Sương là 39,3 ± 1,2 tuần. [19]
+ Chỉ định phẫu thuật lấy thai:
Từ kết quả bảng 3.5 chúng tôi thấy tỉ lệ này tương đương với nghiên cứu của Vũ Công Khanh về tình hình chỉ định phẫu thuật lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương [12]. So với nghiên cứu của bác sỹ Bùi Sương chỉ định mổ cũ, nghiệm pháp lọt thất bại (12,69%) [19] khác với nghiên cứu chúng tôi là 30,3%. Có sự khác biệt này là do Bùi Sương đã thực hiện nghiên cứu cách đây 12 năm, khi đó tỉ lệ phẫu thuật lấy thai (khoảng 20%) thấp hơn nhiều so với hiện nay (30-35%). Vài năm gần đây tỉ lệ phẫu thuật lấy thai tăng nhanh, vì vậy tỉ lệ bệnh nhân có vết mổ đẻ cũ tăng theo, ngoài ra rất nhiều bệnh nhân sợ đau và muốn an toàn cho con nên đã yêu cầu được phẫu thuật chủ động khi thấy khó khăn chứ không đẻ bằng chỉ huy tĩnh mạch, chính điều này đã làm tăng tỉ lệ phẫu thuật và giảm tỉ lệ đẻ chỉ huy tĩnh mạch.
+ Thời gian vỡ ối và chuyển dạ tới lúc phẫu thuật
Theo nghiên cứu của Chữ Quang Độ thì tỉ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật tỉ lệ với thời gian vỡ ối trước phẫu thuật [8], do đó tần suất phân bố về thời gian vỡ ối trước phẫu thuật của các bệnh nhân có liên quan đến kết quả nghiên cứu.
Từ kết quả bảng 3.6 chúng ta thấy thời gian vỡ ối trước phẫu thuật cả hai nhóm chủ yếu từ 0 đến 10 giờ, trong đó các trường hợp chưa vỡ ối chiếm đa số 51,5% (thuộc loại phẫu thuật sạch - nhiễm, là loại phẫu thuật có tỉ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thấp) và số trường hợp có thời gian vỡ ối 10 - 12 giờ là ít nhất chỉ chiếm 4,1%. Thời gian chuyển dạ trước phẫu thuật trong khoảng từ 0 đến hơn 10 giờ, trong đó <3 giờ chiếm đa số. Thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Bùi Sương thời gian chuyển dạ trước phẫu thuật là 12,3 ± 4,2 giờ và thời gian vỡ ối trung bình là 8,4 ± 3,1 giờ [19], điều này cũng hợp lý do hiện nay trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của bác sỹ, nữ hộ sinh và
trang thiết bị y tế của bệnh viện đã được nâng cao so với trước, đủ khả năng tiên lượng và quyết định phẫu thuật sớm với các bệnh nhân không đẻ được đường dưới, tránh kéo dài thời gian chuyển dạ cũng như thời gian vỡ ối trước phẫu thuật giảm căng thẳng, mệt mỏi và lo lắng cho bệnh nhân góp phần hạn chế được tỉ lệ nhiễm khuẫn sau phẫu thuật.
+ Thời gian phẫu thuật
Thời gian thực hiện phẫu thuật (độ dài cuộc phẫu thuật) có ảnh hưởng tỉ lệ thuận với tỉ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật. Nếu thời gian phẫu thuật càng kéo dài thì khả năng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật càng tăng do nguy cơ phù nề tại chỗ cao hơn và tồn tại nguy cơ phơi vùng phẫu thuật ra ngoài môi trường lâu hơn. Vì vậy độ dài phẫu thuật là một trong những yếu tố quan trọng có liên quan trực tiếp đến nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
Từ kết quả bảng 3.7 ta thấy: độ dài của cuộc phẫu thuật trong khoảng từ 30 - 60 phút và chiếm đa số từ 30 - 40 phút (81,3%). Nếu đem so sánh với nghiên cứu của Bùi Sương về thời gian trung bình trong phẫu thuật lấy thai (53,8 ± 8,5 phút) [19], thì kết quả chúng tôi có thấp hơn, nhưng so với nghiên cứu của Nguyễn Huy Tuấn thực hiện năm 2002 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (37,67 ± 0,94 phút)[26] thì kết quả chúng tôi chênh lệch không đáng kể, theo chúng tôi điều này là hợp lý. Vì nghiên cứu của Bùi Sương đã thực hiện 12 năm trước so với nghiên cứu của chúng tôi và của Nguyễn Huy Tuấn. Hiện nay do được trang bị máy móc kỹ thuật hiện đại, bác sỹ có trình độ chuyên môn vững và nhiều kinh nghiệm nên đã rút ngắn được thời gian phẫu thuật, điều này cũng góp phần giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
+ Thời gian điều trị sau phẫu thuật
Thời gian điều trị sau phẫu thuật được rút ngắn sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm thời gian và chi phí điều trị. Do đó rút ngắn thời gian điều trị trung bình trong bệnh viện luôn là một trong những chỉ tiêu đánh giá
hiệu quả của công tác điều trị và góp phần quan trọng giảm quá tải bệnh viện, vấn đề bức xúc của ngành Y tế cần giải quyết hiện nay.
Nguy cơ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mổ cấp cứu hay mổ phiên, thời gian phẫu thuật, thể trạng của bệnh nhân, trình độ kinh nghiệm của phẫu thuật viên…ngoài ra nguy cơ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào thời gian điều trị sau phẫu thuật của bệnh nhân. Thời gian nằm viện càng dài thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao [12], [33].
Từ kết quả bảng 3.8 chúng tôi thấy ở cả hai nhóm đối tượng nghiên cứu thời gian điều trị sau phẫu thuật chủ yếu từ 6 - 7 ngày chiếm tỉ lệ 90,4%, số bệnh nhân nằm viện trên 10 ngày rất ít chiếm 1,5%. Kết quả cho thấy thời gian điều trị sau phẫu thuật ở hai nhóm nghiên cứu không có gì khác biệt lớn. So sánh với nghiên cứu của Lê Thị Kim Thanh thời gian điều trị sau phẫu thuật là (4,28 ± 0,25) ngày, thì nghiên cứu của chúng tôi ở nhóm bệnh nhân không có NK trước phẫu thuật dài ngày hơn, như vậy là chưa hợp lý, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, thời gian và chi phí điều trị sẽ tăng theo cho người bệnh.