Hoạt động của HĐT&ĐT ở bệnh viện vẫn không ngừng được củng cố để nâng cao năng lực can thiệp và quản lý hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc cũng như đảm bảo thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn trong bệnh viện. Tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 05/2004/CT-BYT, nhiều bệnh viện đã có các hoạt động theo dõi giám sát sử dụng thuốc, chủ yếu thông qua hình thức bình bệnh án hay kiểm tra thuốc tại các khoa lâm sàng [11], [14]. Tuy nhiên, hiện nay công tác DLS tại viện vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực dược sỹ lâm sàng một cách trầm trọng. Mặt khác, chưa có sự nhận thức đúng của ban lãnh đạo viện về vai trò và tầm quan trọng của DLS, nên vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp hoạt động [35].
Việc kiểm soát kê đơn ngoại trú vẫn còn khó thực hiện, nhiều bệnh viện vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy chế kê đơn. BS thường không kê tên gốc chỉ kê tên biệt dược theo thói quen hoặc theo giới thiệu của người giới thiệu thuốc. Một đơn kê nhiều thuốc so với nhu cầu thực tế, thời gian và khoảng cách dùng thuốc chưa rõ ràng, hình thức đơn chưa hợp lệ và tên thuốc được
viết chưa rõ ràng nên đôi khi dễ gây nhầm lẫn cho người cấp phát [12], [18], [26]. Thống kê năm 2008 cho thấy tỷ lệ tiền thuốc kháng sinh trong tổng số tiền sử dụng thuốc chiếm 32,7%, một phần có thể do mô hình bệnh tật tại Việt Nam có tỷ lệ các bệnh nhiễm khuẩn cao, mặt khác có thể đánh giá tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn còn phổ biến [41]. Về cơ cấu sử dụng thuốc, thuốc trong nước vẫn chưa được sử dụng nhiều trong khối bệnh viện. Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, năm 2010 tại các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, tỷ lệ sử dụng thuốc nội lên đến 70 – 80%, nhưng ở tuyến trung ương tỷ lệ này chiếm chưa đến 30%. Đặc biệt tại các bệnh viện mắt, ung bướu, tim… chỉ 5% thuốc nội được sử dụng [35]. Nguyên nhân một phần do hiện tượng lạm dụng thuốc ngoại đắt tiền, một phần do thuốc trong nước sản xuất rất ít các loại thuốc chuyên khoa đặc trị nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa sâu.
Về công tác thông tin thuốc, từ năm 2003, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của đơn vị thông tin thuốc trong bệnh viện. Tính đến năm 2010, cả nước đã có hơn 90% bệnh viện từ trung ương đến địa phương thành lập đơn vị thông tin thuốc với chức năng cập nhật và cung cấp thông tin thuốc cho các cán bộ y tế, tiếp nhận thông tin phản hồi và các báo cáo ADR của thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh…. Tuy nhiên, do còn thiếu nhân lực đảm trách, các dược sỹ hạn chế về ngoại ngữ và nghiệp vụ thông tin, thiếu kinh phí và cơ sở vật chất, đặc biệt là hạn chế trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin thuốc nên nhìn chung hoạt động này vẫn còn yếu. Theo báo cáo tại hội thảo quốc tế “Tăng cường mạng lưới an toàn thuốc và cảnh giác dược tại Việt Nam”, kết quả khảo sát trên 375 bệnh viện, trong đó có 21 bệnh viện tuyến trung ương,146 bệnh viện tuyến tỉnh và 208 bệnh viện huyện, cho thấy phần lớn các đơn vị thông tin thuốc được trang bị máy vi tính, máy in và điện thoại còn các phương tiện làm việc khác như máy scan, máy chụp tài liệu, máy fax thì rất
hiếm. Máy vi tính có nối mạng internet rất cần thiết trong việc nâng cao hiệu quả tìm kiếm thông tin chỉ chiếm khoảng 60,1%. Cơ sở dữ liệu truy cập được phần lớn là tiếng Anh nhưng trình độ của dược sĩ lại hạn chế. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 20% bệnh viện tuyến trung ương, 70,1% bệnh viện tuyến tỉnh và 85% bệnh viện huyện đều không có phần mềm tra cứu thông tin hoặc nếu có chỉ là phần mềm tương tác thuốc. Mặt khác số lượng và mức độ thường xuyên của báo cáo ADR các đơn vị nhận được vẫn còn thấp so với thực tế. Với tổng số lượng 1.778 báo cáo ADR trên cả nước trong năm 2008 trên số lượng khoảng 1.062 bệnh viện thì trung bình 1 bệnh viện chưa thực hiện được 2 báo cáo ADR [41].
Hiện nay, hệ thống y tế nói chung và ngành dược nói riêng đã và đang tích cực chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và đang nhận được sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ, các biện pháp quản lý hiện đại nhằm từng bước tăng cường hiệu quả công tác quản lý. Công tác dược của nước ta trong những năm gần đây thực sự đã có những bước tiến cơ bản như: Cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt ưu tiên đảm bảo đủ thuốc cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, thảm họa [35].
Thống kê của Cục Quản lý Dược-Bộ y tế cho thấy tiền thuốc sử dụng bình quân đầu người ở nước ta tăng liên tục: năm 2006 là 11,23USD, năm 2007 là 13,4USD [19],[20], [34], năm 2008 là 16,45 USD [40], năm 2009 là 19,77 USD, năm 2010 là 22,25 USD và năm 2011 là 25,7 USD. Tổng giá trị tiền thuốc ước sử dụng năm 2012 là 2.600 triệu USD tăng 9,1% so với năm 2011. Giá trị thuốc sản xuất trong nước năm 2012 ước tính đạt khoảng 1.200 triệu USD, tăng 5,26% so với năm 2011. Trị giá thuốc nhập khẩu năm 2012 là 1.750 triệu USD và bình quân tiền thuốc đầu người là 29,5 USD [35], [38].
Cũng theo thống kê của Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, tình hình sử dụng thuốc trong nước sản xuất tại các cơ sở khám chữa bệnh và trên thị trường giai đoạn 2009-2010 như sau [24], [32], [35]:
- Tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam và thuốc ngoại nhập của bệnh viện các tuyến: Tổng số tiền mua thuốc năm 2010 của 1.018 bệnh viện là 15.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2009, trong đó tỷ lệ tiền thuốc sản xuất tại Việt Nam chiếm 38,7% tăng nhẹ so với năm 2009 (38,2%).
- Tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam tại bệnh viện trung ương:
Tổng trị giá tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam của 34 bệnh viện trung ương năm 2010 là hơn 378 tỷ đồng (11,9%), giảm nhẹ so với năm 2009 (12,3%).
- Tỷ lệ dùng thuốc sản xuất tại Việt Nam tại bệnh viện tỉnh/thành phố:
Tổng trị giá tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam của 307 bệnh viện tỉnh/thành phố năm 2010 là hơn 2.232 tỷ đồng (33,9%), tăng nhẹ so với năm 2009 (33,2%).
- Tỷ lệ dùng thuốc sản xuất tại Việt Nam tại bệnh viện huyện: Năm 2010, tổng trị giá tiền sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam của 559 bệnh viện huyện là 2.900 tỷ đồng, chiếm 61.5% so với tổng số tiền mua thuốc. Tỷ lệ này tăng hơn so với năm 2009 (60,4%).
- Tiền thuốc sử dụng theo đối tượng: Tổng số tiền thuốc đã sử dụng năm 2010 là trên 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó cơ cấu sử dụng thuốc theo đối tượng hầu như không thay đổi so với năm trước, tiền thuốc BHYT chiếm 65,9%, đối tượng viện phí trực tiếp chiếm 28,7% trong tổng số tiền thuốc đã sử dụng.
- Thuốc sử dụng trong bệnh viện: Năm 2010, tỷ lệ tiền thuốc kháng sinh trong tổng số tiền thuốc đã sử dụng chiếm 37,7% giảm nhẹ so với năm 2009 (38,4). Tỷ lệ sử dụng vitamin, dịch truyền và corticoid trong cơ cấu sử
dụng thuốc giảm so với cùng kỳ năm 2009. Vitamin giảm từ 6,5% (năm 2009) xuống còn 4,7% (năm 2010). Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác sử dụng thuốc hợp lý tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị đặc biệt là tuyến tỉnh, huyện chưa thực hiện tốt sử dụng thuốc hợp lý, gây tăng chi phí không cần thiết cho người bệnh, tăng tình trạng kháng kháng sinh. Trong thời gian tới, HĐT&ĐT cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động như bình bệnh án, phân tích sử dụng thuốc trong các ca lâm sàng nhằm hạn chế việc lạm dụng kháng sinh và vitamin, nâng cao chất lượng điều trị [35].
Công tác dược bệnh viện đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong những năm gần đây, vấn đề cung ứng thuốc đã được chú trọng nghiên cứu ở nhiều bệnh viện, đặc biệt là ở địa bàn thành phố Hà Nội như bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Phổi trung ương, bệnh viện đa khoa Saint Paul và một số viện tại các tỉnh khác. Các đề tài đã đi sâu phân tích các yếu tố ảnh hưởng cũng như bốn giai đoạn trong chu trình cung ứng thuốc, một số đề tài đã có tiến hành nghiên cứu can thiệp để triển khai hoạt động thông tin thuốc tại bệnh viện. Thông qua kết quả nghiên cứu của các đề tài cho thấy hoạt động cung ứng thuốc trong bệnh viện đã được chấn chỉnh tốt hơn, vai trò của HĐT&ĐT bệnh viện ngày càng được củng cố, góp phần cung cấp đủ thuốc đảm bảo chất lượng và nâng cao tính hợp lý, an toàn trong sử dụng thuốc [37], [39], [42], [43].