Các lỗi về liên kết câu

Một phần của tài liệu Lỗi ngữ pháp của học sinh tiểu học và biện pháp khắc phục (Trang 46)

7. Bố cục của luận văn

2.2.2. Các lỗi về liên kết câu

Qua thực tế khảo sát, chúng tôi thấy nhiều câu học sinh viết, nếu xét về cấu tạo ngữ pháp thì không sai, nếu xét về nghĩa một cách cô lập tách khỏi văn bản cũng không sai, nhưng đặt vào trong văn bản thì mới thấy chúng lạc lõng và vô nghĩa. Chúng không thể gắn kết được với những câu khác trong đoạn, trong bài của các em viết. Những lỗi đó được gọi là lỗi về liên kết câu.

Nguyên nhân của việc mắc lỗi này là do học sinh tư duy không rõ ràng mạch lạc nên đã viết ra những câu lạc chủ đề, lặp với câu khác, mâu thuẫn với các câu khác hoặc nhiều câu luẩn quẩn, trùng lặp, nhàm chán, chủ đề không phát triển được.

Học sinh mắc lỗi liên kết chủ đề là do khi viết, các câu trong văn bản không cùng phục vụ một chủ đề nên đã phá vỡ liên kết chủ đề của đoạn văn.

Ví dụ: “Đúng 7giờ 15 phút sáng thứ hai, học sinh toàn trường lại tập trung trước cột cờ. Đầu tiên, các bạn trong đội nghi thức làm lễ kéo cờ. Ai cũng chú ý ăn mặc thật đẹp. Em thấy cô Hoa mặc áo dài đẹp nhất còn cô Thanh thì mặc áo dài mầu đỏ. Sau đó, tất cả học sinh và các thầy cô đứng nghiêm làm lễ chào cờ. Lá cờ đỏ bay phấp phới trong gió”

Trong ví dụ trên có hai câu văn Ai cũng chú ý ăn mặc thật đẹp. Em thấy cô Hoa mặc áo dài đẹp nhất còn cô Thanh thì mặc áo dài mầu đỏ hơi xa chủ đề

buổi chào cờ ngày thứ hai đầu tuần. 2.2.2.2. Lỗi liên kết logic

Đây là loại lỗi do các câu trong đoạn văn hay trong một văn bản thể hiện những lập luận thiếu căn cứ hay không nhất quán. Các câu văn trong đoạn không có sự tương hợp về nội dung hoặc không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, tạo ra những câu không có liên kết logic.

Ví dụ 1:

Hoạ my là giống chim rất hiền lành và có giọng hót rất hay. Sáng nào cũng vậy, khi mặt trời vừa nhô khỏi ngọn tre, nó lại cất tiếng hót vang. Giọng hót của nó lúc cao vút như tiếng sáo, lúc lại uyển chuyển mềm mại như tiếng đàn Môi. Khi vào lồng chọi, nó hung dữ và mạnh mẽ vô cùng. ông nội em thường cho hoạ my tắm vào mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên. Hoạ my lại sống rất sạch sẽ và thích ở gần người.

Ví dụ 2:

Bạn Hoa lớp em là người nổi tiếng vì có tài giải toán nhanh. Những bài toán khó cô giáo cho về nhà bạn ấy đều giải trước trên lớp. Em mơ ước có thể viết đẹp như bạn ấy. Không những thế, Hoa còn là bạn gái rất duyên dáng và hát hay, bạn ấy là thành viên đội văn nghệ của trường.

Ta thấy ở ví dụ 1, hai câu đầu vừa nói Hoạ my là giống chim rất hiền lành và có giọng hót rất hay, câu sau đã lập tức Khi vào lồng chọi nó hung dữ và mạnh mẽ vô cùng. Điều đó đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa các đơn vị tham gia liên

kết.

Còn ở ví dụ 2, câu trước vừa nói đến Bạn Hoa lớp em là người nổi tiếng vì có tài giải toán nhanh, câu sau người viết đột ngột nói về ước mơ của mình là có thể viết đẹp như bạn ấy nên đã tạo ra một chuỗi bất thường về nghĩa làm cho

đoạn văn luẩn quẩn, tối nghĩa.

2.2.2.3. Lỗi liên kết hình thức

Lỗi này bộc lộ khi quan hệ về nội dung giữa các câu trong một đoạn văn hay trong một văn bản không được thể hiện bằng các phương tiện liên kết hay bị thể hiện sai lạc.

Ví dụ:

Phạm Hổ là nhà thơ lớn của thiếu nhi. Họ chính là tác giả của bài thơ "Chú bò tìm bạn". Bài thơ này đã có mặt trong sách giáo khoa Tiếng Việt.

Trong các bài viết của học sinh, chúng tôi thấy rất nhiều em khi đặt câu, viết văn còn mắc các lỗi khi sử dụng các phương tiện liên kết hình thức.

- Lỗi khi sử dụng phép tỉnh lược, ví dụ:

Con yêu bố vô cùng! Cả mẹ nữa! Cả em Tí nữa.

ở ví dụ trên, học sinh đã sử dụng phép tỉnh lược không đúng chỗ nên nó dẫn đến hai cách hiểu:

+ Con yêu cả mẹ nữa ! Con yêu cả em Tí nữa.

+ Cả mẹ nữa cũng yêu bố. Cả em Tí nữa cũng yêu bố.

Chúng ta không rõ người nói nói theo cách nào. Vì thế, người viết không thể sử dụng phép tỉnh lược ở ví dụ trên được.

Việc sử dụng phép lặp tuy có tác dụng tạo sự liên kết nhưng nếu sử dụng không đúng chỗ sẽ dẫn đến mắc lỗi. Nó chứng tỏ sự diễn đạt quanh quẩn, bí từ của người viết, ví dụ:

Cô Mai dạy môn tiếng Việt ở lớp em và môn toán nữa. Cô Mai giảng bài rất dễ hiểu. Cô Mai giúp chúng em học hành tiến bộ.

Trong ví dụ trên, học sinh đã sử dụng lặp đi lặp lại một từ trong những câu liền kề nhau khiến cho đoạn văn trở nên nặng nề và gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán.. Nó chứng tỏ sự nghèo nàn về vốn từ của người viết.

- Lỗi khi sử dụng phép nối

Các từ để nối bao giờ cũng có chức năng chức năng liên kết và chức năng ngữ nghĩa nhưng phải dùng từ nối sao cho phù hợp với nội dung ngữ nghĩa giữa hai câu, tránh dùng từ nối không phù hợp dẫn đến mắc lỗi, ví dụ:

Cả lớp hôm nay viết bài rất đẹp. Nhưng bạn Dương viết đẹp nhất.

Trong ví dụ trên, người viết đã dùng từ nhưng để nối hai câu là sai vì từ

nhưng biểu thị quan hệ tương phản, song quan hệ giữa hai câu trên không phải là quan hệ tương phản.

Nguyên nhân khiến học sinh mắc các loại lỗi về liên kết câu là do các em tư duy không rõ ràng mạch lạc nên đã viết ra những câu lạc chủ đề, lặp với câu khác, mâu thuẫn với các câu khác hoặc nhiều câu luẩn quẩn, trùng lặp nhàm chán, chủ đề không phát triển được. Các loại lỗi về liên kết câu có quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó thường thể hiện đồng thời trong văn bản.

Một phần của tài liệu Lỗi ngữ pháp của học sinh tiểu học và biện pháp khắc phục (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)