Dấu câu và cách sử dụng dấu câu trong tiếng Việt

Một phần của tài liệu Lỗi ngữ pháp của học sinh tiểu học và biện pháp khắc phục (Trang 28)

7. Bố cục của luận văn

1.4. Dấu câu và cách sử dụng dấu câu trong tiếng Việt

1.4.1. khái niệm dấu câu

Từ trước tới nay, trong công trình nghiên cứu của mình, các nhà ngữ pháp quan niệm: Dấu câu là kí hiệu chữ viết để biểu thị ngữ điệu khác nhau. Những ngữ điệu này lại biểu thị những quan hệ ngữ pháp khác nhau và những mục đích nói khác nhau [28, 176], [19, 125].

Các văn bản tiếng Việt sử dụng 10 dấu câu, là: chấm, chấm than, chấm hỏi, chấm lửng, hai chấm, phẩy, chấm phẩy, gạch ngang, ngoặc đơn và ngoặc kép. Thường thường, qui tắc dấu câu được giải thích đồng thời bằng cả tiêu chí ý nghĩa, ngữ pháp và ngữ điệu.

1.4.2. chức năng của dấu câu và Qui tắc của mỗi loại dấu câu tiếng việt

Dấu câu có các chức năng thể hiện mối quan hệ ngữ pháp và các ý nghĩa tình thái chủ quan hay khách quan. Có thể kể đến nhưng chức năng cơ bản sau đây của dấu câu:

+ Chức năng phân cách các bộ phận trong câu ( các thành phần câu, các vế câu. . .);

+ Chức năng phân cách các câu;

+ Chức năng thể hiện mục đích nói ( trực tiếp hoặc gián tiếp );

+ Chức năng bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói với người nghe hoặc hiện thực được nói tới.

ở bậc tiểu học, dấu câu bắt đầu được giới thiệu từ lớp 3, học sinh được học một cách khá kỹ lưỡng và có hệ thống về các dấu câu.

1.4.2.1. Dấu chấm

Dấu chấm (.) là dấu dùng để kết thúc câu trần thuật, ví dụ: Minh học giỏi.

Dấu chấm được đặt ở cuối câu, khi câu được viết ra đầy đủ, trọn vẹn toàn bộ kết cấu ngữ pháp và nội dung thông báo của nó.

Dấu chấm đồng thời có khả năng đánh dấu sự kết thúc một đoạn văn, lúc này dấu chấm được gọi là dấu chấm xuống dòng. Sau dấu chấm, bắt đầu một câu khác phải viết hoa chữ cái đầu tiên.

1.4.2.2. Dấu chấm hỏi

Dấu chấm hỏi ( ? ) thường được dùng để kết thúc một câu nghi vấn, ví dụ:

Hôm nay ai trực nhật ?

Dấu chấm hỏi tương ứng với ngữ điệu câu nghi vấn hoặc tương ứng với một số tình thái từ nghi vấn, ví dụ:

- Sao bố chưa ngủ, bố ngồi làm gì thế ? - Con thức dậy đấy ư ?

- Bố nói chuyện với ai thế ?

Dấu chấm hỏi còn có những cách dùng đặc biệt sau đây:

Đặt ở cuối câu có cấu trúc tường thuật, nhưng có nội dung và ngữ điệu nghi vấn, ví dụ:

Nó không đi học ?

Dấu chấm hỏi (có thể lặp lại hai ba lần liền nhau) dùng thay cho một lời đối thoại để biểu lộ sự ngạc nhiên quá đỗi khiến người ta không nói được, ví dụ:

- ???

Đặt trong một dấu ngoặc đơn ( ? ) ở ngay sau những từ trong hoặc cuối câu có nội dung mà người viết chưa thật tin tưởng hoặc có điều hoài nghi cần xem xét thêm, ví dụ:

Trong tất cả cố gắng của các nhà khai hoá nhằm bồi dưỡng cho dân tộc Việt Nam và dìu dắt họ lên con đường tiến bộ (?), thì phải kể đến việc bán rượu ti cưỡng bức.

Sau dấu chấm hỏi, bắt đầu một câu khác, phải viết hoa chữ cái đầu câu. 1.4.2.3. Dấu chấm cảm ( dấu chấm than)

Dấu chấm cảm ( ! ) còn gọi là dấu chấm than, là dấu câu dùng đặt cuối câu cảm hoặc câu cầu khiến, ví dụ:

- Giỏi quá !

Dấu chấm cảm thể hiện cảm xúc, thái độ, tình cảm, ý chí, nguyện vọng v.v...tương ứng một ngữ điệu hoặc với một số tình thái từ, phụ từ thích hợp, ví dụ:

A Phủ hấp tấp bảo vợ:

- Nó là cán bộ !

Người lạ mặt vẫn điềm tĩnh cầm bát bột ngô, A Phủ trợn mắt:

- Tao thù mày!

Dấu chấm cảm còn có những cách dùng đặc biệt sau đây:

+ Dùng dấu chấm cảm trong một dấu ngoặc đơn (!) và đặt sau từ, ngữ trong câu hay đặt cuối câu, để biểu thị một thái độ mỉa mai, châm biếm về nội dung được nêu ra trong từ, ngữ hoặc câu đó, ví dụ:

Bọn địch đưa tin: chúng đã bình định được vùng này(!)

+ Dấu chấm cảm dùng kèm với câu hỏi vừa có ý nghĩa nghi vấn, vừa có ý nghĩa cảm thán để nói lên thái độ hoài nghi, châm biếm, mỉa mai, ví dụ:

Nó làm như vậy mà ông cũng chịu được à ?!

Dấu chấm lửng ( . . .) còn gọi là dấu ba chấm, dùng để kết thúc một câu chưa trọn vẹn về nội dung, chưa nói hết ý hoặc người nói không định nói hết và có thể có chỗ chưa được hoàn chỉnh về mặt cấu tạo.

Dấu chấm lửng còn có cách dùng đặc biệt sau:

Biểu thị lời nói bị dứt quãng vì xúc động, uất ức, nghẹn ngào, ví dụ:

- Con đến xin cụ cho con đi ở tù, mà nếu không được thì ...thì ...thưa cụ... (Nam cao)

Dấu chấm lửng đặt ở cuối câu ( hay giữa câu, hoặc đầu câu) để biểu thị ý bỏ lửng trong câu, ví dụ:

Chúng tôi chăm chú nghe Thưởng kể như nuốt lấy từng lời: “ ...khoảng 3 giờ 10 phút ba chúng tôi đẩy khối thuốc nổ vào cách trụ cầu 20 mét thì ngoi lên mặt nước để quan sát điểm áp lượng thuốc nổ (...) Rồi tôi mê man ... đến khi tỉnh dậy mới biết mình đang gối đầu trên mép sông”. (HN)

Dấu chấm lửng dùng để ghi lại chỗ kéo dài của âm thanh, ví dụ:

- Má về rồi... ồi... ồi...!

1.4.2.5. Dấu phẩy ( , )

Dấu phẩy dùng rất phổ biến trong câu. Nó có tác dụng phân lập các từ, các ngữ làm thành phần câu trong những trường hợp sau:

+ Đánh dấu chỗ ngắt giữa các thành phần câu, ví dụ:

Thành phố Huế, quê tôi, rất đẹp.

+ Ngăn cách các thành phần câu có quan hệ đẳng lập, các thành phần có chức năng ngữ pháp như nhau ( đồng chức), khi không dùng kết từ có liên kết và phân lập chúng, ví dụ:

Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ dồng lúa chín.

+ Ngăn cách thành phần phụ trong câu với nòng cốt câu, ví dụ:

ở ngoại thành, nông dân trồng rất nhiều hoa.

+ Ngăn cách các vế của câu ghép, ví dụ:

Tôi tin anh ấy là người tốt, nó cũng tin như vậy.

Dấu chấm phẩy là dấu dùng để ngăn cách các bộ phận của câu, các bộ phận này về mặt ngữ pháp có thể tồn tại độc lập như một câu, nhưng về mặt ý nghĩa lại có quan hệ với nhau mà người viết không muốn tách thành các câu riêng.

Ví dụ: Dưới ánh trăng này, dòng thác nước sẽ đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn.

Dấu chấm phẩy cũng thường xuất hiện trong các câu dài, giữa các vế của câu ghép, hoặc giữa các bộ phận câu liệt kê những nội dung có khác nhau nhưng gắn bó thống nhất trong nội dung chung của câu, ví dụ:

Hồi ấy, Bá Kiến mới ra làm lí trưởng, nó hình như kình nhau với hắn ra mặt; Lí Kiến muốn trị nhưng chưa có dịp.

1.4.2.7. Dấu hai chấm ( : )

Dấu hai chấm dùng để báo hiệu một chuỗi liệt kê, một vế giải thích, giới thiệu hay thuyết minh.

Dấu hai chấm thường dùng trong các trường hợp ;

+ Đặt trước một chuỗi liệt kê, hoặc đặt giữa hai vế giải thích, giới thiệu hay thuyết minh trong một câu, ví dụ:

Dẫy núi Hoàng Liên bừng sáng hẳn ra: mặt trời đã lên.

+ Đặt cuối câu để báo trước một lời đối thoại trực tiếp, hay một nội dung thuyết minh, giải thích, Ví dụ:

Mặt hồ sáng hẳn ra: trăng đã lên.

+ Báo hiệu dùng dấu ngoặc kép : “...” dẫn ra một lời đối thoại hoặc một đoạn trích nguyên văn đóng khung bằng dấu ngoặc kép., ví dụ:

Cô giáo hỏi chúng tôi: “ Các em có làm được bài không ? ”

1.4.2.8. Dấu gạch ngang ( - ) Dấu gạch ngang là dấu dùng để:

+ Đặt ở đầu một lời đối thoại trực tiếp do nhân vật tự nói ra để phân lập với lời đối thoại trực tiếp của nhân vật khác hay những câu không phải lời đối thoại trực tiếp, ví dụ:

A Phủ chạy ra. Người lạ mặt đứng lại: - Seo Mẩy đấy à ?

- Không. Pá Chính đây !

+ Đặt ở đầu những đoạn liệt kê trình bày những nội dung ngang hàng nhau trong một bố cục chung ( dấu gạch ngang có ý nghĩa trình tự sắp xếp bố cục, tương đương giá trị của dãy số sắp theo thứ tự, hoặc thứ tự bảng chữ cái, hoặc các dấu +, * v.v...)

+ Đặt trước một thành phần phụ biệt lập trong câu( chú ngữ). Nếu chú ngữ ở vị trí giữa câu thì ở trước và sau chú ngữ đó đều dùng dấu gạch ngang để phân lập, ví dụ:

Hồng - bạn học từ hồi lớp 1 của tôi - vừa gửi thư cho tôi.

1.4.2.9. Dấu ngoặc đơn ( )

Dấu ngoặc đơn dùng để phân lập chú ngữ trong câu ( tương đương với hai dấu gạch ngang và hai dấu phẩy dùng trong trường hợp này, ví dụ:

Ông ấy đi được như thế - bà rơm rớm nước mắt - là may cho ông ấy.

Dấu ngoặc đơn còn dùng để ghi chú những nội dung riêng biệt và cần thiết trong một văn bản ( xuất xứ tác phẩm, tác giả, địa danh và những chỉ dẫn trong các mẫu văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau), ví dụ:

Không có gì quí hơn độc lập, tự do.

( Hồ Chí Minh ) 1.4.2.10. Dấu ngoặc kép ( “ ” )

Dấu ngoặc kép được dùng trong các trường hợp sau đây:

+ Phân lập những từ, ngữ, câu, đoạn văn, trích dẫn nguyên văn của người khác và được dùng trong câu, ví dụ:

Đó là thứ “phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người”.

+ Dấu ngoặc kép dùng đánh dấu lời đối thoại trực tiếp của một nhân vật, ví dụ:

+ Biểu thị một thái độ, cảm xúc, đối với sự vật, sự việc được biểu hiện trong bộ phận đượcđặt vào trong dấu ngoặc kép (từ, ngữ, hay câu), ví dụ:

Một thế kỷ “ văn minh”, “khai hoá” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt.

( Hồ Chí Minh )

Học sinh sẽ mắc lỗi sai về sử dụng dấu câu khi không dùng dấu câu ở những chỗ cần phải dùng hoặc dùng dấu câu không đúng chức năng của nó.

Ví dụ:

Buổi sáng trên những cành cây ngọn cỏ. Sương long lanh như những hạt ngọc.

ở ví dụ trên học sinh đã mắc lỗi không dùng dấu phẩy để ngăn cách ở những chỗ cần thiết và lỗi dùng dấu chấm cắt đôi một câu ra một cách vô lý.

Một phần của tài liệu Lỗi ngữ pháp của học sinh tiểu học và biện pháp khắc phục (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)