Khi sóng biển tiến gần vào bờ, chiều sâu của nước giảm, sóng bắt đầu biến dạng. Đỉnh sóng bắt đầu nhoi mạnh về phía trước. Ngọn sóng thay đổi. Giữa hai sườn của sóng không còn hiện tượng đối xứng nữa. Chiều dài sóng ngắn hơn nhưng chu kỳ sóng vẫn không thay đổi. Chiều cao của sóng gia tăng. Nước tiếp tục lao vào bờ, ngọn sóng phía trước càng lúc càng trở nên cao và dốc hơn, cho đến khi ngọn sóng tiếp tục chồm về phía trước, ngọn sóng uốn tròn xuống và bị phá hủy. Loại sóng này được gọi là sóng vỗ bờ (breaker). Khi sóng vỗ bờ bị phá hủy, sóng trở thành một khối nước hỗn độn, tung tóe thành từng dải nước trắng xóa được gọi là sóng bạc đầu (surf). Sóng bạc đầu tiếp tục dồn và trườn lên bờ và mang tên là sóng trườn (swash).
Như vậy, một cách đại cương, dọc theo bờ biển, về phương diện thủy động lực, có thể chia 3 vùng sóng khác nhau: vùng sóng vỗ bờ, vùng sóng bạc đầu và vùng sóng trườn.
- Vùng sóng vỗ bờ: là vùng có năng lượng cao. Vật liệu trầm tích ở đây chủ yếu là vật liệu thô. Các vật liệu này được đưa từ biển vào hoặc từ bờ ra.
- Vùng sóng bạc đầu: nằm từ vùng thủy triều thấp ra vùng sóng vỗ bờ. Vùng này đặc trưng bởi các dòng chảy ven bờ (longshore currents). Sóng bạc đầu cũng thường gặp khi gió mạnh hoặc khi sóng gặp các doi cát ngầm hoặc ám tiêu san hô.
- Vùng sóng trườn: là vùng phân bố từ mực thủy triều thấp đến mực nước thủy triều cao. Mỗi sóng thường tạo ra một dòng trườn hướng vào bờ với vận tốc cao rồi lập tức dội ngược trở lại ra phía biển.
Sự hiện diện của các vùng sóng phụ thuộc vào độ dốc của bờ biển:
- Khi bờ biển có độ dốc lớn, thường không có vùng sóng bạc đầu. Trong trường hợp này, bờ biển thường có 2 vùng sóng: vùng sóng vỗ bờ và vùng sóng trườn.
- Khi bờ biển có độ dốc thoải: vùng sóng bạc đầu khá phổ biến và bờ biển có 3 vùng sóng đầy đủ. Vùng bờ biển ĐBSCL rất phổ biến loại sóng bạc đầu.
Vùng biển Đông là vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa nên sóng do gió hoàn toàn bị chi phối bởi hệ thống gió mùa. Sóng do gió chiếm một tỉ lệ rất lớn so với thành phần các loại sóng khác. Về mùa đông, hướng gió đông bắc thịnh hành và ổn định nên sóng cũng phát triển ổn định và bền vững.
- Trong mùa gió đông bắc, hướng gió ở ngoài khơi chủ yếu là hướng đông bắc. Độ cao trung bình của sóng từ 2,2 - 2,3 m. Độ cao sóng cực đại là 8 m. Ở vùng ven bờ, hướng sóng chủ yếu là đông bắc hoặc đông. Độ cao trung bình quan trắc được trong các tháng mùa đông là từ 1,7 - 1,8 m. Độ cao cực đại trong các tháng mùa đông là 4,5 m.
- Trong mùa gió tây nam, hướng gió chủ yếu ở ngoài khơi là hướng tây nam. Độ cao trung bình từ 1,5 - 1,7 m. Độ cao sóng cực đại là 3,5 m. Ở vùng ven bờ, hướng sóng chủ yếu là tây nam hoặc tây. Độ cao trung bình quan trắc được trong các tháng mùa hè là 1 m. Độ cao của sóng cực đại trong các tháng mùa hè là 2 m.
- Riêng bờ biển Đông thuộc huyện Ngọc Hiển có độ cao sóng trung bình từ 0,8 - 1,2 m hoặc có thể đến 3 m khi gió đông bắc thổi mạnh. Bờ biển chịu sự xâm thực. Ngược lại, phía bờ biển Tây của huyện tương đối lặng sóng.
- Vai trò của sóng biển, đặc biệt là sóng khi có bão, là những tác nhân xâm thực
biển rất quan trọng. Sóng nhỏ chỉ làm cho các vật liệu cọ xát lẫn nhau và có tác dụng xâm
thực yếu. Trái lại, lúc có sóng lớn, bão tố, sự xâm thực biển rất mạnh mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn.
- Thông thường, khu vực nơi cả 3 vùng sóng đều có sự xâm thực xảy ra. Đáy biển bị xâm thực tạo ra những trũng nông (trough). Vật liệu xâm thực nơi các trũng nông, một
phần dịch chuyển ra phía biển, một phần về phía lục địa và tái trầm tích để tạo thành những doi cát ven bờ (longshore bars).