Ở giai đoạn khảo sát, chúng tôi đã tận dụng những tài liệu đã có và kết quả giải đoán ảnh để thực địa, kiểm tra. Khu vực nghiên cứu nói chung lưu thông bằng đường thủy là chủ yếu nhờ kênh rạch, nên việc khảo sát trở nên thuận tiện khi đi bằng xuồng ghe.
Trong quá trình khảo sát thực địa, xác định chiều dày và lấy mẫu lớp cát, chúng tôi dùng nhiều phương pháp: khoan tay, đóng ống, đào hố,… lấy mẫu phân tích. Thường chúng tôi dùng khoan tay, đôi khi dùng cả cuốc, len để đào.
+ Đối với các bãi cát ven biển, có chiều dày nhỏ và thường phổ biến là nhỏ hơn 1 m nên việc khoan tay và lấy mẫu phân tích các dạng khá dễ dàng.
+ Đối với bãi cát ngầm thì công tác khoan và lấy mẫu khó khăn hơn và nhất là những nơi bãi cát ngầm phân bố khá sâu dưới mực nước biển. Thông thường bãi cát ngầm đã thăm dò có độ sâu phân bố dưới mực nước biển là khoảng 5-11 m.
- Đóng bằng tạ: chúng tôi tiến hành bằng cách đóng ống thép đường kính 100 cm. Chiều dài ống thép khoảng 2-3 m và có thể nối, tháo ráp để lấy mẫu được. Ống thép này được thả xuống thẳng đứng xuống nước và đóng bằng khối tạ 50 kg. Khối tạ được đóng bằng cách kéo-thả dây cáp thủ công. Cách đóng này lấy được nhiều mẫu phân tích, đặc biệt là các loại mẫu phân tích cơ lý và đầm nén tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thời gian tiến hành đóng lõi khoan khá lâu và tốn nhiều công sức.
- Đóng “ống dộng”: phương pháp đóng ống thứ hai được sử dụng là phương pháp “đóng ống dộng” (theo cách gọi địa phương) của các ngư dân thường sử dụng để đóng đáy, đóng cừ,…
Phương pháp này gồm một ống hay lưỡi khoan đường kính khoảng 60 cm, chiều dài từ 1 đến 3 m. Nối với phía trên lưỡi khoan là một ống thép dày, đường kính khoảng 70-90 cm và dài khoảng 1 m. Dụng cụ để đóng là một thân cây đước thẳng, dài 10-15 m. Đầu lớn thân cây có nối một ống đường kính 100 cm (ống dộng), dài 80-90 cm. Để tăng thêm lực đóng, một phần của thân cây được thay bằng đoạn ống thép dày, dài khoảng 4-5 m.
Khi tàu đã neo cố định, đặt khúc nối của lưỡi khoan vào đầu ống dộng của thân cây, buông xuống nước và đóng bằng thủ công (4 người) một cách liên tục đến độ sâu cần thiết.
đóng đầy mẫu ống khoan, bộ phận đóng ống được kéo lên trước. Ống mẫu của lưỡi khoan sẽ được nhổ lên bằng cách lợi dụng “sức của sóng nước và tàu”. Khi tàu hạ thấp theo lượn sóng thì dây nối với lưỡi khoan được siết chặt vào đầu mũi tàu, sau đó lượn sóng cao nâng tàu lên sẽ nhổ lưỡi khoan lên một cách nhẹ nhàng.
Phương pháp này tiến hành đóng ống khoan được nhanh và ít tốn sức hơn. Tuy nhiên, đối với chiều dày cát quá lớn (trên 2 m) thì khi nhổ lên ống khoan bị gãy. Nơi bị gãy thường là khớp nối giữa lưỡi khoan và ống nối để lắp vào ống dộng do các mối hàn không chịu nỗi sức bám chặt của lưỡi khoan khi đóng sâu vào lớp cát mịn. Do đó, nơi các lớp cát dày, chỉ tiến hành đóng lưỡi khoan 2 m mà thôi. Đối với các nơi có lớp cát mỏng (< 2 m) hoặc nơi lớp sét, sét bột cát thì có thể đóng sâu hơn (đến 3 m). Hơn nữa, do chiều dày lớp cát khá dày nơi phần trung tâm bãi cát ngầm (đến 5 m) nên cũng không thể đóng hết độ sâu này theo như dự kiến ban đầu được.
Chúng tôi áp dụng cả hai phương pháp khoan đóng này để xác định chiều dày cát và lấy mẫu phân tích các dạng nơi bãi cát ngầm.
Khi thực hiện tuyến khoan, ở mỗi vị trí lỗ khoan, việc đầu tiên sau khi neo tàu là xác định độ sâu mực nước với bề mặt lớp đáy bằng thiết bị đo hồi âm hiệu HONDEX PS-7 của Nhật sản xuất. Thiết bị này rất gọn nhẹ, kích cỡ như chiếc đèn pin thông thường. Kết quả đo độ sâu mực nước khá tốt, kích thước đo được thể hiện đến đơn vị là dm. Một số lần đo thử nghiệm đối chiếu bằng thước đo, cho thấy số liệu đo của thiết bị Hondex PS-7 là đáng tin cậy. Các số liệu đo này là cơ sở chính để xác lập mặt cắt địa hình trên mỗi
tuyến khoan. Các dạng địa hình đo được ở các tuyến khoan cho thấy rất phù hợp với bề
mặt địa hình đáy do thiết bị đo địa chấn 3200-XS đã xác định. Thấu kính dạng cồn theo mặt cắt ngang qua lớp cát thể hiện rất rõ trong suốt các mặt cắt ngang (dọc theo chiều dài thân cát).
Công tác khảo sát thực địa khá chậm vì những năm qua sóng gió khu vực bãi ngầm này “khá động” và thất thường. Mỗi năm chỉ tiến hành được 2 đến 3 đợt, mỗi đợt khoảng một tuần đến 10 ngày. Hơn nữa, khu vực biển nơi bãi cát ngầm là khu vực luôn luôn có sóng lớn hơn các khu vực hai bên bãi cát ngầm, có lẽ do địa hình “dạng cồn” của bãi cát (mực nước nông nơi đỉnh cồn và sâu dần khi hướng ra hai bên hông dải cát). Khi sóng biển lớn hoặc cao quá, không thể neo tàu cố định và không tiến hành đóng ống khoan được. Đôi lúc, tàu ra đến nơi bãi cát ngầm thì gặp sóng gió, buộc phải quay về nằm chờ hoặc tổ chức đợt sau.
Để bổ sung cho việc xác định chiều dày lớp cát và cũng là cơ sở dùng để nội suy chiều dày cát nơi các lỗ khoan trên tuyến mặt cắt, chúng tôi tăng cường một khối lượng khá lớn số liệu đo địa chấn nông trên nước. Từ dự kiến ban đầu, chiều dài đo địa chấn là 4 km, đã phải tăng lên gần 18 km.
Tổng kết khối lượng đã thực hiện, gồm:
- 86 tuyến khoan ở các bãi cát ven bờ từ cửa Giá Lồng Đèn qua cửa Hố Gùi đến cửa Bồ Đề, với 336 lỗ khoan, tổng cộng 753,2 mét khoan.
- 62 tuyến khoan ở bãi cát ngầm, với 342 lỗ khoan, tổng cộng 962,7 mét khoan. Khối lượng khoan thăm dò được thống kê trong bảng khối lượng công tác ( B3). Kết quả khoan thăm dò là cơ sở để xác định các thông số tính trữ lượng cát ở các ở các khu, khu vực hoặc bãi cát đã thăm dò.