Dọc bờ biển tỉnh Cà Mau, ngoại trừ bãi cát khá rộng và tập trung ở Khai Long, thì bãi cát ven bờ từ Giá Lồng Đèn đến Hố Gùi là bãi cát có qui mô thứ hai mặc dù phân bố không tập trung và bãi biển không có những điều kiện thuận lợi như bãi Khai Long. Đối với bãi cát Khai Long, ngoài bãi cát thủy triều, còn có giồng cát phía trên bờ, tạo nên đới cát bờ biển rộng hơn, có chứa nước ngọt trong giồng. Trên giồng cát có thể phát triển rừng phi lao, các loại cây ăn trái và hoa màu. Các bãi cát thủy triều nơi Giá Lồng Đèn đến Hố Gùi không có các giồng cát bờ biển loại này mà tiếp giáp với bãi cát thủy triều là rừng ngập mặn (Đước). Hiện nay, bãi cát nơi bờ biển Khai Long đã được đưa vào qui hoạch phát triển du lịch, tuy chưa phát triển mạnh nhưng cũng là một địa điểm du lịch có tiềm năng của tỉnh.
Thực ra, bãi cát ven bờ nơi Giá Lồng Đèn đến Hố Gùi chỉ có 2 khu vực có tiềm năng phát triển khu giải trí, du lịch là: Cửa Giá Lồng Đèn (khu II và khu III) và cửa Hố Gùi (khu VIII). Các bãi cát khác thường có diện tích nhỏ, bãi không rộng, chiều dày lớp cát rất mỏng.
Nơi các cửa Giá Lồng Đèn và Hố Gùi có bãi cát tương đối rộng, lớp cát dày hơn. Khi triều rút bãi lộ ra khoảng vài trăm mét, có khi rộng hơn tùy con nước trong tháng. Bãi cát khá dẻ chặt, không bị lầy, có thể tổ chức những trò chơi và các hoạt động thể thao trên cát.
Chúng tôi đề nghị nên nghiên cứu để có qui hoạch các khu này thành những khu giải trí, du lịch dù có qui mô nhỏ (vài chục ha) và mang ý nghĩa địa phương. Đối với tỉnh Cà Mau để có được những bãi cát ven bờ là khá hiếm, nên nếu được đầu tư, cải tạo qui hoạch thành bãi tắm và giải trí phục vụ cho địa phương và các vùng phụ cận thì cũng đáp ứng phần nào về nhu cầu tinh thần nghỉ ngơi, giải trí cho người dân.
Tuy nhiên để khai thác và phát triển khu giải trí du lịch ở các khu vực này cũng còn nhiều điều kiện rất khó khăn:
- Đường giao thông không thuận lợi, hầu hết để ra được các bãi này, chỉ sử dụng đường thủy bằng các tàu, ghe, canô. Các tàu cao tốc chưa phát triển đến đây.
- Số lượng dân cư trong vùng ít, phân bố thưa thớt, thường chỉ tập trung một số nơi. - Các hoạt động khác để hỗ trợ dịch vụ còn rất khó khăn như: nước ngọt, ăn uống, đặc sản, hàng hóa, đi lại dọc bờ biển, rau xanh, cây trái,…
- Bờ biển là rừng Đước, đang bị quá trình xâm thực bào mòn, đất sình lầy đi lại dọc bờ rất khó khăn,…
- Bãi cát không sạch lắm vì tiếp cận với rừng nậgp mặn, có lẫn nhiều bùn, mảnh sét và tạp chất hữu do do rừng ngập mặn đổ ra theo các cửa. Nước biển đục, gây cảm giác không tốt đối với khách đi tắm biển.
Để cải tạo bãi cát phục vụ giải trí, du lịch, cần thiết phải có các đầu tư:
- Nghiên cứu định lượng về nước biển theo các chỉ tiêu môi trường để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người đi tắm ở khu vực này.
- Tìm hiểu nguyên nhân gây ra nước đục và biện pháp cải tạo, có thể chỉ đầu tư nghiên cứu cho một khu vực nhỏ rồi mở rộng dần.
- Quản lý và chống xói lở bờ biển bằng các biện pháp phi công trình (biện pháp tự nhiên như san nền, trồng cây chắn sóng,…) và biện pháp công trình (đê, kè, mỏ hàn,…) để giữ ổn định, tạo bãi bồi phục vụ cho xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ đi kèm.
- Các chính sách địa phương về xã hội, bảo vệ an toàn, an ninh trật tự,… vừa mục tiêu phát triển kinh tế du lịch vừa ổn định các công tác bảo vệ, phòng hộ hoặc các khai thác sử dụng khác,…
Bước đầu có thể phát triển các khu vui chơi giải trí ở qui mô nhỏ, mang ý nghĩa địa phương. Tùy theo sự tiến triển cụ thể, sẽ có qui hoạch phát triển mở rộng hơn về sau.