Hiện trạng và định hướng sử dụng

Một phần của tài liệu Khảo sát, đánh giá trữ lượng và chất lượng cát ven biển Cà Mau (Trang 125)

7.1.2.1- Hiện trạng sử dụng

+ Đối với các bãi cát ven bờ từ Giá Lồng Đèn đến Hố Gùi:

Khu vực thăm dò có rất ít dân cư sống ven cửa rạch hoặc ven bờ, vì khu vực này là “rừng phòng hộ” thuộc quản lý của ngành Lâm nghiệp. Bộ đội Biên phòng là bộ phận phối hợp tuần tra, xử lý vi phạm.

Theo một số thông tin thu thập được từ những ngư dân cũng như một số người dân sống quanh vùng, cho thấy các sinh hoạt cũng như những hoạt động mưu sinh phụ thêm trên các bãi cát ven bờ, như sau:

Người dân địa phương sử dụng các bãi cát ven bờ để đánh bắt hải sản. Kéo lưới thủ công được tiến hành dọc theo bờ biển và từ biển vào bờ nơi các bãi cát (thường nông). Sản phẩm thu được gồm nhiều loại. Lưới cũng có thể được đóng cố định trên các bãi cát, vuông góc với bờ biển và kéo dài khoảng vài trăm mét xuống biển. Khi triều rút, sẽ đến thăm lưới

và bắt các loại như cá, tôm bị dính lưới khi triều ngập cao. Mỗi ngày, người dân có thể thu được từ vài kg đến chục kg cá các loại.

Các đáy nhỏ (rộng khoảng vài chục mét) được sử dụng nơi các cửa sông rạch nhỏ hoặc nơi các trũng nông giữa các gờ cát. Các sản phẩm thu được hàng ngày cũng là nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình sống tại chỗ.

Có mùa (khoảng tháng 9 - tháng 10, Âm lịch), người dân thường đi bắt “cá kèo giống”, “cua giống”,… để bán. Mỗi ngày, mỗi người có thể bắt 5-10 kg cá kèo con, với mỗi ký khoảng 70.000-120.000 đ. Đối với cua con, được bắt bằng lú, mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng, khi trúng có thể được cả triệu đồng.

Trên các bãi cát, còn có thể bắt được các loại nghêu, sò, ốc,… dùng để hỗ trợ bữa ăn gia đình hoặc để bán.

Nói chung, hoạt động đánh bắt hải sản của người dân ở đây mang tính chất phụ thêm cho gia đình hoặc tăng thêm thu nhập nhưng không lớn. Các bãi cát ven bờ này hầu như chưa có hoạt động nuôi trồng thủy sản mà chỉ có đánh bắt tự phát của người dân.

Ngoài ra, có một số hoạt động lẻ nhỏ là khai thác thủ công cát san lấp và một số hoạt động vui chơi giải trí mang tính tự phát khác.

Đối với khai thác cát san lấp, nhất là nơi các cửa như cửa Giá Lồng Đèn. Mỗi ghe khai thác được khoảng 8-10 m3/ngày. Mỗi khối cát bán được khoảng 80.000-100.000đ cho các nơi sử dụng để san nền, đắp sân bãi,… Cát thường chỉ khai thác được nhiều và dễ dàng vào mùa khô. Ghe đậu ven bờ nơi cửa rạch rất thuận tiện, nhân công xúc cát ở trên bờ bãi cát vào các giỏ cần xé (mỗi giỏ khoảng 50 kg) và khuân đổ lên ghe. Do lớp cát mỏng (≈ 0,5 m), nên sau khi khai thác sẽ được sóng lấp đầy lại vào hôm sau. Tuy nhiên, vào mùa gió Nam (mùa mưa), cát thường bị rút ra xa bờ hơn, cát khó lấp đầy trở lại được nên khai thác vào mùa này khó khăn hơn.

Trên bãi cát, nhất là khu vực phía nam cửa Giá Lồng Đèn, là bãi cát có chiều dày mỏng nhưng khá rộng, bằng phẳng và dẻ chặt. Nơi đây, người dân địa phương thường đến vui chơi, giải trí, tắm biển hoặc tổ chức thi đấu thể thao như đá bóng,… Nước biển nói chung là bị đục nên tắm biển chưa phải là sinh hoạt phổ biến đối với các khu vực bãi cát này. Bãi cát nơi Hố Gùi cũng khá rộng, chiều dày cát lớn, nhưng độ dốc lớn hơn. Ở đây, dân địa phương cũng ra bãi vui chơi hoặc sinh hoạt thể thao vào những thời điểm lộ bãi rộng nhưng nói chung không đông và phổ biến như ở Giá Lồng Đèn.

+ Đối với các bãi cát ngầm:

Theo thu thập những nguồn thông tin liên quan về bãi cát ngầm từ các ngư dân có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm đi tàu và đánh bắt hải sản trong vùng biển nông, như sau:

Các ngư dân cho rằng có hai dải cồn cát ngầm: “dải cồn 7 sải” và “dải cồn 22 sải” nằm dưới mực nước biển. Sải ở đây được hiểu là một giang tay, tức khoảng 1,5 m. Như vậy, dải cồn 7 sải tương ứng với độ sâu khoảng 10 m nước, còn dải cồn 15 sải tương ứng với độ sâu khoảng 22 m nước. Giữa hai dải cồn là trũng sâu và rộng, có lẽ cũng là đường

giao thông của các tàu trọng tải lớn. Ngoài dải cồn sâu 22 m về phía biển khơi, đáy biển sụp xuống nhanh, tạo sườn dốc lớn, đáy biển sâu. Đây có lẽ là sườn châu thổ.

Giữa cồn 7 sải và bờ biển cũng có một số bãi cát, chiều dày cát mỏng, phân bố rãi rác, không tập trung thành dải, được gọi là “cát lan”. Khi trên đường ra bãi cát ngầm, chúng tôi cũng có khoan được vài điểm của các bãi cát lan này.

Trên bề mặt cồn 7 sải, tức bãi cát ngầm đang thăm dò, ngư dân thường đánh lưới bắt các loại cá như: cá Nâu, cá Đuối, cá Ngát,… Trên bề mặt dải cồn 15 sải, thường cào được nhiều Tôm Gậy. Trũng kề phía sau (về phía bờ) của dải cồn 7 sải thường có đóng nhiều đáy để đánh bắt tôm. Trũng sâu giữa hai dải cồn, thường kéo lưới được nhiều cá Lạt.

Về phía gần Hòn Khoai, thường có nhiều “rạn”. Rạn được mô tả như là đá ngầm, dalle sò ốc,… (hoặc có thể san hô ?). Các rạn này thường làm hư hỏng các cào và lưới của ngư dân khi mắc phải.

Đây là những thông tin thực tế, trong đó có một số đặc điểm cho thấy phù hợp với các nghiên cứu trước đây liên quan về hai dải cát cũng như bãi cát ngầm mà đề tài đang tiến hành thăm dò. Thông tin về hiện trạng đánh bắt hải sản nơi các khu vực “cồn ngầm” và “trũng” là những thông tin mang tính thực tiễn và khá tốt.

7.1.2.2- Định hướng sử dụng

Dựa vào hiện trạng sử dụng, điều kiện tự nhiên và các kết quả thăm dò nơi các bãi cát, chúng tôi định hướng và đề xuất một số giải pháp khai thác sử dụng đối với các bãi cát thăm dò, như sau:

+ Khai thác cát sử dụng cho san lấp:

Đây là một trong những mục tiêu của công tác thăm dò để đáp ứng nhu cầu địa phương. Đối với loại hình này, cần chọn lựa nơi lớp cát tập trung nhất, có trữ lượng, chất lượng tương đối trội và đặc biệt là khu vực đang được bồi hoặc không có xảy ra quá trình xâm thực bào mòn để tránh các ảnh hưởng xung quanh như tác động gây xói lở bờ biển mạnh hơn, mất dần bãi cát,….

Với ý nghĩa này, việc khai thác cát san lấp không nên tiến hành đối với các bãi

cát ven bờ, chỉ nên tập trung vấn đề này đối với bãi cát ngầm.

+ Sử dụng cho nuôi trồng thủy sản:

Hiện nay, hầu hết trên diện tích bãi cát thăm dò chưa có những hoạt động kinh tế hoặc cơ sở hạ tầng đáng kể nào. Ngoài một số hoạt động có liên quan đến người dân trên bãi thủy triều như đánh bắt nhỏ (lưới cá, con giống,…), giao thông thủy cho ngư dân, rừng phòng hộ,… bãi cát thủy triều hầu như chưa được sử dụng, vẫn còn tương đối "nguyên vẹn". Đây cũng là một đặc điểm khá thuận lợi cho công tác quy hoạch khai thác sử dụng.

Khu vực thăm dò cho thấy ngoài một số loại nhuyễn thể tự nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm về các điều kiện khác để phục vụ cho công tác nuôi trồng thủy sản. Kết quả đề tài sẽ góp phần, bổ sung một số tài liệu cho công tác này. Để có thể phát triển loại

hình sử dụng này, cần có những nghiên cứu thử nghiệm của các chuyên ngành có liên quan khác (thủy hải văn, sinh học, thủy sản,…) để xác định qui mô và tính hiệu quả thực tế.

Các bãi cát ven bờ phù hợp cho hướng khai thác sử dụng nuôi trồng thủy sản.

+ Sử dụng cho phát triển du lịch, giải trí:

Đây cũng là một trong những mục tiêu chung của đề tài. Hiện nay, ở tỉnh Cà Mau đã có dự án phát triển du lịch ở bãi cát Khai Long và Đất Mũi. Song song với loại hình này trên bãi cát thủy triều thì bãi cát Giá Lồng Đèn và Hố Gùi cũng có thể phục vụ cho nhu cầu du lịch giải trí của nhân dân địa phương với qui mô và điều kiện phù hợp.

Một số bãi cát ven bờ cũng phù hợp cho hướng khai thác sử dụng này.

+ Phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường:

Các tài liệu nghiên cứu thăm dò, đánh giá cụ thể về các đặc điểm của các bãi cát là cơ sở phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên môi trường bởi cơ quan Ban ngành và Chính quyền địa phương. Giúp cho công tác quản lý được cụ thể và chặt chẽ hơn khi qui hoạch khai thác sử dụng cũng như bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu Khảo sát, đánh giá trữ lượng và chất lượng cát ven biển Cà Mau (Trang 125)