III. Nội dung cơ bản về triết học của các chương trong tác phẩm 1.Lời tựa cho hai lần xuất bản.
3. Chương 1: Lý luận về nhận thức của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và của chủ nghĩa duy vật biện chứng (I) Tr 35 120.
- Chương này gồm 6 tiết: 1. Cảm giác và phức hợp cảm giác.
2. Sự “phát hiện ra những yếu tố của thế giới”.
3. Đồng cách về nguyên tắc và “thuyết thực tại ngây thơ”. 4. Giới tự nhiên có tồn tại trước loài người hay không?. 5. Con người có suy nghĩ bằng óc không?.
6. Bàn về chủ nghĩa duy ngã của Makhơ và của Avênariuxơ.
- Trong chương này Lênin phân tích và chỉ rõ, toàn bộ lịch sử khoa học tự nhiên đều chứng thực tính chính xác của các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật: Vật chất có trước; ý thức, cảm giác, tư duy là cái có sau. Lênin phê phán và bác bỏ luận điểm phi lý của bọn Makhơ coi cảm giác là cái có trước, đồng thời Lênin phát triển thêm một bước tư tưởng của F.Enghen về chất hữu cơ phát sinh từ chất vô cơ.
Lênin trích lại sự khẳng định của Ăngghen trong “Chống Đuy Rinh” rằng: “Tư duy rút những nguyên tắc ấy từ đâu ra?” (đây là nói những nguyên tắc cơ bản của mọi tri thức). “Từ bản thân nó hay sao? Không phải... Những hình thức của tồn tại thì tư duy quyết không bao giờ có thể lấy ra và rút ra từ bản thân nó, mà chỉ có thể lấy ra, rút ra từ thế giới bên ngoài thôi... Những nguyên tắc không phải là điểm xuất phát của sự nghiên cứu” (theo như chủ trương của Đuy Rinh, một người muốn làm một nhà duy vật, nhưng lại không biết áp dụng chủ nghĩa duy vật một cách triệt để), “mà là kết quả cuối cùng của sự nghiên cứu; những nguyên tắc ấy không phải là để được ứng dụng vào giới tự nhiên và lịch sử của loài người, mà được trừu tượng hóa từ giới tự nhiên và lịch sử loài người; không phải là giới tự nhiên và loài người thích ứng với những nguyên tắc, mà trái lại những nguyên tắc chỉ đúng trong chừng mực chúng thích ứng với giới tự nhiên và lịch sử.”66
Lênin khẳng định: “Và chúng tôi nhắc lại một lần nữa: “quan điểm duy vật duy nhất” ấy, Ăngghen đã vận dụng khắp nơi và không ngoại lệ khi ông công kích không chút nể nang Đuy Rinh về mọi sự xa rời nhỏ nhất, từ chủ nghĩa duy vật rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Ai chú ý ít nhiều khi đọc “Chống Đuy Rinh” và “Lút-vích-phơ-bách”, đều tìm thấy hàng chục đoạn văn trong đó Ăngghen nói đến vật và hình ảnh của vật trong đầu óc con người, trong ý thức, trong tư duy của chúng ta, v.v.. Ăngghen không nói rằng cảm giác và biểu tượng là những “tượng trưng” của vật, vì ở đây chủ nghĩa duy vật triệt để phải thay thế những “tượng trưng” bằng những “hình ảnh”, những hình tượng hoặc phản ánh... Nhưng giờ đây, vấn đề không phải là bàn về công thức này hay công thức khác của chủ nghĩa duy vật, mà là bàn về sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, về sự khác nhau giữa hai đường lối cơ bản trong triết học. Phải chăng là phải đi từ vật đến cảm giác và tư tưởng? Hay đi từ tư tưởng và cảm giác đến vật? Ăngghen kiên trì đường lối thứ nhất, tức là đường lối duy vật. Makhơ thì kiên trì đường lối thứ hai, tức là đường lối duy tâm. Không một lối nói quanh co nào, không một lối ngụy biện nào (mà chúng ta còn gặp nhan nhản ra) lại che lấp được sự thật rõ ràng không thể chối cãi được là: Học thuyết của E.Makhơ - coi vật là những phức hợp cảm giác, - là chủ nghĩa duy tâm chủ quan, là sự nhai lại lý luận của Béccơly”67.
66 Lênin toàn tập, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1980, Tập 18, trang 38.
Để chống cái gọi là “sự phát hiện ra những yếu tố của thế giới”68 của phái Makhơ, Lênin viết: “Nhưng một khi anh thừa nhận rằng những đối tượng vật lý tồn tại không phụ thuộc vào thần kinh hay cảm giác của tôi và chỉ gây nên cảm giác bằng cách tác động vào võng mạc của tôi thì như vậy là anh đã rời bỏ một cách nhục nhã chủ nghĩa duy tâm “phiến diện” của anh, để chuyển sang một thứ chủ nghĩa duy vật “phiến diện”! Nếu màu sắc là cảm giác chỉ vì nó phụ thuộc vào võng mạc (như khoa học tự nhiên buộc anh phải thừa nhận điều đó) thì như thế có nghĩa là những tia ánh sáng, khi chiếu đến võng mạc, sẽ đem lại cảm giác về màu sắc. Thế tức là ở ngoài chúng ta, không phụ thuộc vào chúng ta và ý thức của chúng ta, vẫn có sự vận động của vật chất, ví dụ những làn sóng trường có một độ dài và một tốc độ nhất định, chúng tác động vào võng mạc, đem lại cho con người cảm giác về màu sắc nào đó. Đó chính là quan điểm của khoa học tự nhiên. Khoa học này giải thích những cảm giác khác nhau về một màu sắc nào đó bằng độ dài khác nhau của những sóng ánh sáng tồn tại ở ngoài võng mạc của con người, ở ngoài con người và không phụ thuộc vào con người. Và đó chính là chủ nghĩa duy vật: vật chất gây nên cảm giác bằng cách tác động vào giác quan của chúng ta. Cảm giác phụ thuộc vào óc, thần kinh võng mạc, v.v., nghĩa là vào vật chất được tổ chức theo một cách thức nhất định. Sự tồn tại của vật chất không phụ thuộc vào cảm giác. Vật chất là cái có trước. Cảm giác, tư tưởng, ý thức là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức theo một cách thức đặc biệt. Đó là quan niệm của chủ nghĩa duy vật, nói chung, và của Mác và Ăngghen, nói riêng. Makhơ và Avênariut đã lén lút du nhập chủ nghĩa duy vật bằng cách dùng chữ “yếu tố”, tựa hồ như chữ này cứu được lý luận của họ thoát khỏi “tính phiến diện” của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, và tựa hồ như nó cho phép thừa nhận sự phụ thuộc của cái tâm lý vào võng mạc, thần kinh, v.v., thừa nhận tính độc lập của cái vật lý đối với cơ thể của con người. Thật ra, thủ đoạn lợi dụng từ “yếu tố”, chỉ là một lối ngụy biện hết sức thảm hại, vì người duy vật, khi đọc tác phẩm của Makhơ và Avênariut, sẽ đặt ra ngay câu hỏi: “yếu tố” là gì? Thật là trẻ con nếu nghĩ rằng bịa ra một từ mới, là có thể tránh được những trào lưu triết học cơ bản”69.
Để khẳng định giới tự nhiên tồn tại trước khi loài người xuất hiện và đập lại sự ngu dốt của chủ nghĩa duy ngã Makhơ, Lênin đã viện dẫn những câu trích không hết nghĩa của Badarốp về sự khẳng định của Plêkhanốp: “khách thể đã tồn tại từ lâu trước khi chủ thể xuất hiện, nghĩa là từ lâu trước khi xuất hiện những thể hữu cơ có chút ít ý thức”, đồng thời viện dẫn Phơbách về sự khẳng định ấy với tư cách là người nhờ ông mà Mác và Ăngghen đã từ chủ nghĩa duy tâm của Hêghen đến với chủ nghĩa duy vật của mình70.