III. Nội dung cơ bản về triết học của các chương trong tác phẩm 1.Những sơ thảo đề cương [31 36]
12. Phép biện chứng (Tr 33 3 388)
a) Những vấn đề chung của biện chứng. Những quy luật cơ bản của biện chứng.
F.Enghen chỉ ra sự khác nhau giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan đồng thời đi vào phân tích các quy luật cơ bản của phép biện chứng, nhưng trong đó đặc biệt nhấn mạnh quy luật mâu thuẫn.
- F.Enghen nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau của giới tự nhiên và có lĩnh vực ý thức tư tưởng và khẳng định, không có ở đâu có đồng nhất tuyệt đối mà đồng nhất là bao hàm sự khác biệt. Đó là sự đồng nhất, thống nhất cuỉa các mặt đối lập. Sự vận động của giới tự nhiên là thông qua sự đấu tranh thường xuyên và sự chuyển hoá cuối cùng của các mặt đối lập. Trong sự chuyển hoá ấy, F.Enghen đặc biệt chú ý đến khâu trung gian và cho rằng: các mặt đối lập đều phải thông qua những khâu trung gian mà chuyển hoá lẫn nhau.
- Khi bàn về tất nhiên và ngẫu nhiên, F.Enghen phê phán các quan điểm siêu hình đã tách rời tất nhiên và ngẫu nhiên. Ông đánh giá cao quan điểm của Heghen về sự thống nhất biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên.
b) Lôgíc biện chứng và nhận thức luận bàn về những giới hạn của nhận thức.
- F.Enghen đánh giá cao quan điểm của Heghen cho rằng tính ngẫu nhiên đóng vai trò của nó, vai trò này được khái quát lại thành tính tất yếu trong tư duy biện chứng. Trong mối quan hệ giữa trừu tượng và cụ thể, F.Enghen cho rằng quy luật chung còn cụ thể hơn bất cứ thí dụ “cụ thể” riêng lẻ nào.
- F.Enghen nêu ra những sự khác nhau giữa lôgíc hình thức và lôgíc biện chứng: Những phương pháp mà lôgíc thông thường thừa nhận thì con người và con vật đều giống nhau, chúng chỉ khác nhau về trình độ. Trái lại, tư duy biện chứng - tư duy lấy sự nghiên cứu bản chất của ngay những khái niệm làm tiền đề - chỉ có thể có được ở con người.
Khi phân loại các phán đoán, F.Enghen chỉ ra: “Lôgíc biện chứng - ngược lại với logíc học cũ hoàn toàn hình thức - không bằng lòng với việc chỉ nêu ra những hình thức vận động của tư duy, tức là những hình thức khác nhau của phán đoán và suy lý, và với việc xếp những hình thức ấy cái nọ bên cạnh cái kia không có sự liên hệ nào cả. Lôgíc học biện chứng suy từ hình thức này ra hình thức khác: xác định mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng; phát triển những hình thức cao từ những hình thức thấp. F.Enghen đã chia phán đoán thành ba loại: đơn nhất, đặc thù và phổ biến.
- Giữa quy nạp và diễn dịch, F.Enghen phê phán những quan điểm tuyệt đối hoá cái này, phủ nhận cái kia và chỉ ra: giữa chúng có mối liên hệ với nhau, bổ sung cho nhau. Vấn đề là ở chỗ phải sử dụng mỗi cái cho đúng chỗ của nó. F.Enghen cũng chỉ ra vai trò của phương pháp phân tích mô hình lý tưởng trong nghiên cứu khoa học.
- F.Enghen đạc biệt nhấn mạnh vai trò của thực tiễn đối với nhận thức. Ông khẳng định chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn mới nhận thức được tính tất yếu. Việc con người cải biến tự nhiên là cơ sở chủ yếu nhất và là công việc trực tiếp nhất của tư duy. Trí tuệ của con người phát triển song song với việc con người học cải biến tự nhiên.
- Khi bàn về mối quan hệ nhân quả, F.Enghen chỉ ra: tác dụng lẫn nhau là nguyên nhân thật sự của các sự vật. Muốn nhận thức được mối quan hệ nhân quả thì phải xuất phát từ những tác động lẫn nhau. Khi tách khỏi mối liên hệ phổ biến và nghiên cứu từng mối liên hệ riêng rẻ thì sự vận động nối tiếp nhau sẽ biểu hiện ra cái này là nguyên nhân, cái kia là kết quả. Phủ nhận nhân quả là phủ nhận quy luật.
- Khi bàn về chất và lượng của sự vật, hiện tượng, F.Enghen khẳng định: Mọi chất lượng đều có vô vàn mức độ khác nhau về số lượng và chúng có thể đo được và nhận thức được; Sự vật nào cũng có chất, hơn nữa có vô vàn chất. Giữa các sự vật khác nhau luôn luôn có một vài chất lượng chung nào đó; Trong nhận thức, các giác quan của chúng ta mang lại những tài liệu cảm tính khác nhau về sự vật nhưng cuối cùng chúng liên kết với nhau thành một chỉnh thể cho chúng ta nhận thức được sự vật.
- F.Enghen chỉ ra nhận thức của con người đi từ cái đơn nhất lên cái đặc thù, từ cái đặc thù lên cái phổ biến. Khả năng nhận thức của con người là vô hạn, nhưng nó được thực hiện thông qua cái hữu hạn. Nhận thức của con người cũng phát triển rất quanh co, các học thuyết không ngừng loại trừ lẫn nhau.
+ Đối với các khái niệm, F.Enghen cho rằng không thể nhận thức trực tiếp bằng các giác quan, mà chúng hình thành bằng con đường trừu tượng tượng hoá từ các tài liệu cảm tính do các giác quan mang lại. Các khái niệm “vật chất”, “vận động” đều được hình thành như vậy.
+ Trong các hình thức phát triển của khoa học, giả thuyết đóng một vai trò quan trọng. Khi xuất hiện một vấn đề mới đòi hỏi phải đưa ra các giả thuyết. Tài liệu kinh nghiệm về sau sẽ chọn lọc lại các giả thuyết, gạt bỏ giả thuyết này, sửa đổi giả thuyết khác cho đến lúc quy luật được xác định dưới hình thức thuần khiết.