Liên quan đến trình bày bổ sung các thông tin trên BCKT
Mock và các cộng sự (2009, 12) đề cập hai thông tin cần được trình bày rõ ràng hơn trên BCKT là “tính trọng yếu” và “tính độc lập”. Tác giả đề nghị cần xem xét trình bày bổ sung thông tin về các vấn đề mà có thể tác động tiềm tàng đến nhận thức của người sử dụng báo cáo về tính độc lập của KTV, và mức độ đảm bảo tương ứng được cung cấp bởi cuộc kiểm toán. Mock và các cộng sự cũng nhấn mạnh sự quan trọng của rủi ro kinh doanh bởi những ảnh hưởng tiềm tàng của các sự kiện không chắc chắn có thể xảy ra.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, Porter và các cộng sự cũng đề xuất một số ý kiến nhầm thu hẹp khoảng cách kỳ vọng và hy vọng làm cho BCKT có giá trị hơn cho người sử
dụng. Porter và các cộng sự đề nghị đoạn văn diễn tả ý kiến của KTV sẽ bắt đầu cho BCKT để tăng sự tập trung của người đọc vào ý kiến kiểm toán. Tác giả đề nghị BCKT phải đảm bảo các từ ngữ được sử dụng trong báo cáo phải rõ ràng, đơn giản thuận tiện cho người đọc. Tác giả cũng đề nghị một vài đoạn giải thích cho các từ ngữ mang tính chất tiêu chuẩn, chuyên ngành cần được tham chiếu để người sử dụng có thể tham khảo khi cần.
Từ kết quả nghiên cứu, Gold và các cộng sự kết luận rằng các giải thích về trách nhiệm của Ban giám đốc, các công việc, phạm vi kiểm toán trên BCKT theo ISA 700 được sửa đổi thì không hiệu quả trong việc rút ngắn khoảng cách kỳ vọng kiểm toán. Nhóm tác giả đề nghị những giải thích cần được trình bày rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn và ít mơ hồ để tránh những cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng sử dụng.
W. Smieliauskas, R. Craig, và J. Amernic (2008) đề nghị BCKT nên thay thế các từ “trung thực và hợp lý” bằng “rủi ro sai sót trọng yếu có thể chấp nhận được”.
Sách xanh của Ủy ban Châu Âu về chính sách kiểm toán (Green Paper Audit Policy):
Tháng 10 năm 2010, Ủy ban Châu Âu phát hành sách xanh về chính sách kiểm toán. Sách xanh công bố với mục đích nêu lại các bài học kinh nghiệm đúc kết được từ các cuộc khủng hoảng tài chính và đề cập vai trò giảm thiểu rủi ro tài chính trong tương lai của hoạt động kiểm toán. Theo Ủy ban kiểm toán sẽ đóng góp quan trọng trong việc ổn định tài chính và các KTV có vai trò xã hội quan trọng trong việc cung cấp ý kiến kiểm toán để đánh giá xem BCTC có trung thực và hợp lý hay không. Sách xanh mô tả một số sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến kiểm toán trong môi trường kinh doanh ngày nay và khoảng cách kỳ vọng kiểm toán. Thêm vào đó, Ủy ban tập trung vào sự quản trị và tính độc lập của các công ty kiểm toán. Ủy ban đề cập cần tăng cường tính độc lập của KTV và xử lý các xung đột lợi ích. Ủy ban tư vấn nên cấm các
dịch vụ phi kiểm toán được thực hiện bởi các công ty kiểm toán “bởi vì các công ty kiểm toán cung cấp một ý kiến độc lập về tình trạng sức khỏe tài chính của công ty, do đó tốt hơn hết là họ không nên có quyền lợi gì trong công ty mà họ kiểm toán”.
Nhiều bình luận, nhận xét của sách xanh được tìm thấy. Trong đó có những đóng góp có giá trị liên quan đến thông tin trên BCKT:
Liên đoàn kế toán Châu Âu (the Federation of European Accountants)
Liên đoàn kế toán Châu Âu đồng ý với các nhận xét của Ủy ban Châu Âu rằng các cổ đông, các nhà đầu tư có thể không có nhận thức đầy đủ về các hạn chế của một cuộc kiểm toán. Các hạn chế bao gồm tính trọng yếu, kỹ thuật chọn mẫu, thực hiện thử nghiệm, trách nhiệm của Ban giám đốc, những người có trách nhiệm quản trị, vai trò của KTV trong việc phát hiện các gian lận và kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro. Kết quả dẫn đến là khoảng cách kỳ vọng.
Theo FEE, người sử dụng có thể tham chiếu đến ISA để có một mức độ hiểu biết phù hợp về kế toán, BCTC và kiểm toán. FEE lưu ý KTV nên thông báo cho Ban kiểm soát về các vấn đề quan trọng phát sinh từ cuộc kiểm toán, bao gồm những yếu kém trọng yếu về KSNB, tính độc lập của KTV, các chính sách và nguyên tắc kế toán của doanh nghiệp, các ước tính kế toán và các thuyết minh BCTC, các vấn đề quan trọng liên quan đến xét đoán nghề nghiệp của KTV. Theo FEE, các vấn đề trên cũng có thể được trình bày trên BCKT.
Hiệp hội kế toán Hoa Kỳ (the American Accounting Association)
Theo AAA, sự phức tạp và các ước tính không chắc chắn tiềm tàng trên BCTC đã thay đổi rất nhiều qua thời gian. Tuy nhiên, hình thức BCTC, bản chất của sự đảm bảo được cung cấp cho các ước tính kế toán và nội dung trên BCKT thì thay đổi rất ít, khoảng cách kỳ vọng tăng lên. Theo AAA, KTV có thể dùng các thước đo phi tài chính để đánh giá hoạt động tài chính, để phát hiện gian lận BCTC như sự thỏa mãn khách hàng, tình trạng người lao động của doanh nghiệp được kiểm toán.
Hiệp hội kế toán nghề nghiệp Hà Lan (the Dutch Professional Accountancy Association)
NBA đề nghị yêu cầu bắt buộc đối với ý kiến kiểm toán là thêm đoạn văn nhấn mạnh liên quan đến các khía cạnh:
- Quản lý rủi ro
- Tình trạng hoạt động liên tục của đơn vị - Các ước tính của Ban giám đốc; và - Các nguyên tắc kế toán quan trọng
Công ty TNHH kiểm toán Ernst & Young
Họ đề nghị Ban giám đốc hoặc Ban kiểm soát báo cáo các thông tin về các rủi ro, các xét đoán, các ước tính đến các cổ đông. Điều này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách kỳ vọng.
PricewaterhouseCoopers
PWC tin rằng sự trình bày rõ ràng hơn, minh bạch hơn BCKT, quy trình kiểm toán, bao gồm trao đổi giữa KTV và Ban kiểm soát sẽ có ích cho khoảng cách kỳ vọng và làm rõ vai trò của KTV. Theo PWC, một nội dung quan trọng mà người sử dụng đang tìm kiếm là cách các công ty quản lý các rủi ro họ phải đối mặt.
Liên đoàn kế toán quốc tế (the International Federation of Accountants) IFAC lưu ý một số nội dung mà các cổ đông yêu cầu:
- Thông tin sâu hơn về vai trò của KTV và việc thực hiện công việc kiểm toán; - Tăng cường các thuyết minh đối với các khu vực bị đánh giá có rủi ro mà KTV và Ban kiểm soát đã trao đổi;
KPMG International
KPMG đề nghị các thông tin cần bổ sung thêm như sau:
- Trình bày các rủi ro kinh doanh chính và cách thức Ban giám đốc quản lý chúng;
- Xác nhận rằng không có các yếu kém quan trọng trong KSNB trong suốt kỳ hoặc nêu những yếu kém đó là gì và những hành động được thực hiện để giảm thiểu ảnh hưởng của chúng;
- Ban kiểm soát báo cáo các thông tin về rủi ro, các xét đoán, các ước tính quan trọng trong BCTC.
Kết luận chương 1
Nguồn tài liệu liên quan đến hoạt động KTĐL nói chung và BCKT nói riêng rất dồi dào. Ở đây tác giả chỉ nêu một số nội dung cơ bản liên quan đến đề tài nghiên cứu. Thông qua các lý thuyết giải thích về nhu cầu dịch vụ đảm bảo nền tảng, tác giả muốn cho người đọc thấy được vai trò và mục đích của hoạt động kiểm toán trên các quan điểm khác nhau. Tác giả cũng hệ thống các vấn đề cơ bản liên quan đến BCKT về BCTC bao gồm quá trình hình thành thông tin trên BCKT về BCTC, các yếu tố tác động đến thông tin trên BCKT, hình thức và nội dung cơ bản của BCKT theo hướng dẫn của ISA. Đặc biệt, tác giả nêu rất nhiều nghiên cứu liên quan đến đề tài ở ngoài nước để có cái nhìn rộng hơn về thực trạng đánh giá thông tin trên BCKT về BCTC hiện nay của các nước trên thế giới để thấy được các vấn đề đang tồn tại mà các nước đang mắc phải. Bên cạnh đó cũng tham khảo, cân nhắc các đề xuất để xem xét thực hiện ở Việt Nam.
Chương 2:
THỰC TRẠNG THÔNG TIN TRÊN BCKT VỀ BCTC TẠI CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM