6. Kết cấu của luận văn
3.5. Công tác phổ cập giáo dục THCS
Năm 1998 huyện Con Cuông được Sở GD&ĐT Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An công nhận là đơn vị đạt chuẩn PCTH, đạt tỷ lệ 84,6%. Ngay sau đó, một mặt Con Cuông tiếp tục củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học - chống mù chữ, mặt khác tích cực triển khai phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Phòng giáo dục cùng các trường phối hợp với các địa
phương, các lực lượng xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và Đồn Biên phòng 555 mở lớp bổ túc văn hóa và xóa mù chữ tại các thôn bản [101; tr 4].
Năm học 1999 - 2000, trên cơ sở kinh nghiệm chỉ đạo công tác phổ cập GDTH, công tác phổ cập giáo dục THCS đã triển khai đồng bộ, tổ chức in ấn các hồ sơ biểu mẫu xuống cho các trường, triển khai kế hoạch điều tra nắm số liệu. Khó khăn nhất vẫn là công tác lưu trữ hồ sơ cơ bản nhiều trường do cơ sở vật chất quá thiếu thốn nên hồ sơ không lưu trữ được, thiếu các loại hồ sơ cơ bản. Chủ trương tập trung chủ yếu là huy động số học sinh tốt nghiệp Tiểu học vào học lớp 6, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đảm bảo 95% học sinh tốt nghiệp THCS [116; tr 10]. Tuy nhiên công tác phổ cập THCS còn gặp nhiều khó khăn, do nhận thức và đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, một số cán bộ quản lý năng lực chưa đáp ứng với yêu cầu, nên chất lượng và hiệu quả PCTHCS đạt được còn thấp.
Năm học 2000 - 2001: Công tác phổ cập bậc THCS được triển khai theo kế hoạch, thành lập các Ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức tập huấn, in ấn các văn bản pháp quy, quy định về các loại hồ sơ. Ngành đã tập trung chỉ đạo rút kinh nghiệm ở các đơn vị như trung tâm Thị Trấn, Bồng Khê, Yên Khê,…[119; tr 7].
Sang năm học 2001 - 2002: Triển khai kế hoạch điều tra khảo sát tình hình phổ cập bậc THCS, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán của ngành, từng bước tập hợp số liệu lên kế hoạch phấn đấu hoàn thành phổ cập cho những năm sau. Trong cả năm học ngành đang tập trung chỉ đạo thí điểm tại trường THCS Thị Trấn để rút kinh nghiệm [121; tr 6].
Ngày 10 tháng 8 năm 2002 Ban chỉ đạo PCGDTHCS huyện tổ chức hội nghị triển khai nội dung tinh thần các văn bản chí đạo của TW, Tỉnh, huyện về thực hiện công tác phổ cập GDTHCS.
Đến tháng 01/2003 thực hiện tinh thần công văn số 1047/GD-THPT ngày 12/9/2002 của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị tự
kiểm tra, qua kiểm tra 13 xã, thị trấn đã có đủ các loại hồ sơ quy định, các biểu mẫu, số liệu đầy đủ, tuy nhiên toàn huyện chỉ có Thị trấn đạt 86,12%, các xã còn lại đạt thấp. Thấp nhất là xã Bình chuẩn đạt 21.94%. Toàn huyện đạt 47.32%.
Đến tháng 10 năm 2003 toàn huyện có 01 đơn vị đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục THCS là Thị trấn, 12 xã còn lại tỉ lệ phổ cập được nâng lên, Bồng khê, Yên khê, Chi khê xấp xỉ đạt 70%, các xã còn lại đạt thấp. [123; tr 5].
Năm học 2003 - 2004, công tác phổ cập THCS được tích cực xúc tiến mạnh mẽ. Năm học này, các nhà trường đã dồn sức làm tốt 3 khâu trọng yếu của công tác phổ cập là: tập trung điều tra, cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ ngày càng chính xác hơn, tích cực vận động mở lớp và bố trí dạy bổ túc THCS kể cả ngày nghỉ, ngày hè, giữ vững sĩ số và nâng cao chất lượng dạy học tại các nhà trường. Đồng thời các lớp, các trường thực hiện các biện pháp khuyến khích động viên, để giữ vững sĩ số của địa phương mình. Bên cạnh đó, các trường phải nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh, mở các lớp Bổ túc văn hóa để đẩy nhanh tiến độ phổ cập, phấn đấu đến hết năm 2004 có 8 xã, thị đạt chuẩn PCGD THCS: Thị Trấn, Bồng Khê, Môn Sơn, Yên Khê, Chi Khê, Mậu Đức, Lạng Khê, Lục Dạ [124; tr 5].
Tại thời điểm tháng 10 năm 2005 toàn huyện có 11/13 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (Thị trấn: 93.07%; Chi khê: 83,49%; Bồng khê: 91.58%; Đôn phục: 75.07%; Môn sơn: 78.85%; Yên khê: 80.46%; Lạng khê: 73.19%; Mậu đức: 79.10%; Lục dạ: 78.48%; Châu khê: 71.86%; Bình chuẩn: 70.19%.) Còn 2 xã chưa đạt là Thạch ngàn: 65.21%; Cam lâm: 50.63%. [126; tr 4].
Năm học 2005 - 2006, Công tác phổ cập THCS được xúc tiến mạnh mẽ, ngành đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, xử lý số liệu, đặc biệt là việc phối kết hợp giữa các trường Tiểu học và trường THCS trong việc điều tra số liệu đến từng hộ gia đình. Ban chỉ đạo phổ cập THCS các xã,
thị trấn đã được củng cố. Các số liệu, dữ liệu từng bước được cập nhật qua máy vi tính trên địa bàn toàn huyện. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 41/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị 61/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT về công tác PCGD THCS. Các trường vừa dạy chương trình phổ thông vừa dạy chương trình BTVH. Vận động tối đa học sinh đến trường học, giảm hẳn tỷ lệ học sinh bỏ học. Tính đến thời điểm tháng 12/2005, có 12/13 xã hoàn thành phổ cập THCS, chỉ còn xã Cam Lâm chưa hoàn thành [127; tr 4].
Đến tháng 11 năm 2006 toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGDTHCS với tỉ lệ chung toàn huyện là 84.3%, trong đó đơn vị có tỉ lệ cao nhất: Thị trấn: 95.00%; Bồng khê: 91.4%; đơn vị có tỉ lệ thấp nhất: Cam lâm: 75.5%. Ngày 2/2/2007 Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra và công nhận huyện Con Cuông hoàn thành PCGD THCS tại thời điểm tháng 12/2006. Có 13/13 xã, Thị Trấn đạt chuẩn PCGD THCS với tỷ lệ phổ cập chung của toàn huyện là: 84,3% [133; tr 6].
Năm học 2007 - 2008, công tác PCGD THCS được các nhà trường và các địa phương chăm lo vừa đảm bảo phổ cập đúng độ tuổi và tỷ lệ tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ phổ cập của huyện là 82,7%.
Năm học 2008 - 2009, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch năm học, quan tâm chăm lo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, đề ra được các giải pháp phù hợp với thực tế địa phương, công tác phổ cập THCS được các cơ sở giáo dục quan tâm chăm lo. Cho nên, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được giữ vững. Kế quả có 13/13 xã, thị trấn đạt tỉ lệ phổ cập THCS với tỉ lệ chung toàn huyện là 83,5%; đơn vị đạt tỉ lệ cao nhất Thị trấn: 95,3%; đơn vị đạt tỉ lệ thấp nhất Đôn phục: 73,1%.
Công tác Bổ túc văn hóa và các trung tâm giáo dục cộng đồng đều góp phần đáng kể vào công tác phổ cập giáo dục: Tổng số lớp mở tại trung tâm
học tập cộng đồng: 324; tổng số buổi học tại trung tâm học tập cộng đồng: 3.524 buổi; số học viên tham gia: 2.854; số học viên xoá mù chữ: 36; số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 25: 16670/16842, đạt tỷ lệ 98,9%; số lớp Bổ túc văn hoá: 26 lớp, với tổng số 445 học; tổng số học viên được công nhận tốt nghiệp BTVH: 94/94, đạt tỷ lệ 100%; các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã hoạt động theo quy chế đã ban hành, đạt hiệu quả tốt đã góp phần vào việc thực hiện xã hội hoá giáo dục. Kết quả đánh giá theo QĐ 390/QĐ - Sở GD&ĐT: Xếp loại tốt: có 4 đơn vị gồm Bồng Khê, Yên Khê, Châu Khê, Chi Khê; xếp loại khá: có 8 đơn vị gồm Môn Sơn, Lạng Khê, Thạch Ngàn, Cam Lâm, Đôn Phục, Bình Chuẩn, Mậu Đức, Thị Trấn; xếp loại TB: Đơn vị Lục Dạ [136; tr 3 -10].
Năm học 2009 - 2010, công tác phổ cập THCS tiếp tục được ngành giáo dục huyện và các địa phương, các trường thực sự chăm lo. Vì thế 13/13 xã, Thị trấn đạt tỉ lệ phổ cập THCS với tỉ lệ chung toàn huyện là 83.4%, trong đó đơn vị đạt tỉ lệ cao nhất là thị trấn: 96.0%, đơn vị đạt tỉ lệ thấp nhất là Thạch ngàn: 73.0%. Các đơn vị xã có 100% thôn bản đạt phổ cập là xã Lạng khê, Mậu đức, Cam Lâm.[137; tr 7-8].
Đến năm 2013 công tác PCGD THCS được tiếp tục được giữ vững và củng cố vững chắc, tỷ lệ PCGDTHCS chung toàn huyện là 84,6%. Phổ cập giáo dục Trung học phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực, trình độ dân trí của Con Cuông được nâng lên đáng kể. Thành công đó là nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó ngành giáo dục - đào tạo làm nòng cốt. Đó là tiền đề để giáo dục Con Cuông phấn đấu đạt chuẩn phổ cập THPT. [141; tr 4].