6. Kết cấu của luận văn
3.4. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên THCS
Quy mô cơ cấu trường, lớp bậc THCS ngày càng hoàn thiện và phát triển, thì yêu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên cần phải có cơ cấu đồng bộ, đảm bảo chất lượng để đáp ứng ngày càng cao của giáo dục trong thời kỳ mới.
Trong năm học 1996 - 1997, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên THCS có tổng số là 211 người, trong đó quản lý: 29 người, giáo viên có 182 người. Trong đó, trình độ đào tạo phổ biến là 10+3, 9+3, 7+3... đạt chuẩn đào tạo còn thấp (69%), trình độ đào tạo không đều, không đảm bảo tính đồng bộ. Trong năm học còn thiếu 15 - 20 giáo viên chủ yếu là giáo viên dạy các bộ môn tự nhiên, các môn đặc thù. Tình trạng giáo viên dạy chéo môn còn khá phổ biến. [95; tr 4-5].
Đến năm học 1998 - 1999, tổng số cán bộ quản lý và giáo viên là 217 giáo viên (không kể giáo viên hợp đồng). Cấp THCS còn thiếu khoảng 58 giáo viên, đã biên chế đợt 1: 12 giáo viên, còn thiếu 46 giáo viên, hợp đồng đợt 1: 09 giáo viên, đợt 2: 07 giáo viên. Tổng số cả hai đợt: 16 người, còn thiếu 30 người (chủ yếu là thiếu giáo viên các môn tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa, Sinh và Địa). Một số biện pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết trước mắt vấn đề này: Điều giáo viên ở các trường thừa biên chế đi nghĩa vụ giảng dạy ở các trường thiếu, hợp đồng thêm cho những trường thiếu…Về cán bộ quản lý còn thiếu 02 người. [101; tr 2 - 3].
Trong năm học 1999 - 2000, cả huyện có 214 giáo viên THCS, trong đó đạt chuẩn: 175/214 giáo viên, đạt tỷ lệ: 81%. Tổng số giáo viên trên tổng số lớp: 214/156 lớp, tỷ lệ GV/lớp là 1,37. Có 15 giáo viên đang theo học các lớp tại chức nâng cao trình độ chuyên môn. [116; tr 6-7]. Số giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện là 26 [117; tr 3].
Trong năm học 2000 - 2001, cấp THCS có tổng số cán bộ quản lý: 24 người. Tổng số giáo viên: 267 giáo viên; trong đó, đạt chuẩn: 176, chiếm tỷ lệ 65,9 % [119; tr 5].
Với con số này, về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy các môn cơ bản. Tuy nhiên, số giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên vẫn còn thiếu. Đòi hỏi phải tăng cường số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện.
Tổng số cán bộ giáo viên năm học 2001 - 2002 có 282 người; trong đó, số giáo viên dưới chuẩn: 50 người (chiếm tỷ lệ 17,7%); số giáo viên có trình độ Cao đẳng sư phạm: 215 giáo viên; Số giáo viên có trình độ Đại học sư phạm: 17 giáo viên.
Về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên THCS năm học 2002 - 2003 có 294 người, trong đó cán bộ quản lý 28 người và có 266 giáo viên. Trong đó trình độ dưới chuẩn đào tạo: 51 giáo viên (chiếm tỷ lệ 17,3%); có trình độ Cao đẳng sư phạm: 198 giáo viên; có trình độ Đại học sư phạm: 17 giáo viên;
Năm học 2003 - 2004, toàn huyện có tổng số giáo viên THCS là 388 người, trong đó trình độ dưới chuẩn là 51, cao đẳng sư phạm: 259 giáo viên, trình độ đại học sư phạm: 36. Giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: 42 (không bố trí đứng lớp), giáo viên các bộ môn nghệ thuật, mỹ thuật, cán bộ phụ trách công tác thí nghiệm của trường THCS hầu như không có
Tổng số cán bộ quản lý THCS trong năm học là: 29 người, trong đó đã học quản lý: 15 người, số luân chuyển trong năm học 6 người, được đề bạt trong năm học: 11 người, miễn nhiệm: 6 người (lý do sức khỏe và yếu năng lực quản lý) [124; tr6].
Tính đến đầu năm học 2005 - 2006, toàn huyện có 451 giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ giáo dục, trong đó cán bộ quản lý: 31 người; giáo viên: 398 người; nhân viên phục vụ: 22 người. Về trình độ: đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cấp THCS huyện có 31 người. Trong đó đạt trình độ Cao đẳng: 20 người; Đại học: 11 người. Đảng viên: 31, trình độ Trung cấp chính trị có 3 người
Về đội ngũ giáo viên, trong tổng số 398 giáo viên, có 43 giáo viên trình độ Trung cấp (10,8%); Cao đẳng sư phạm: 306 người; Đại học sư phạm: 49 người người (12,3%); có 129 giáo viên là Đảng viên, trong đó, đã qua đào tạo Sơ cấp chính trị: 31 giáo viên; Trung cấp chính trị: 5 giáo viên [127; tr 3 - 5].
Đại đa số giáo viên và cán bộ quản lý cấp THCS có phẩm chất đạo đức tư cách tốt và có năng lực chuyên môn; nhiều giáo viên, cán bộ quản lý có ý thức trau dồi nghiệp vụ bằng việc tự học, tự rèn. Điều đáng quan tâm nhất của giáo dục THCS huyện Con Cuông là đội ngũ giáo viên chất lượng tuy đã được nâng lên nhưng thừa thiếu cục bộ: giáo viên có chuyên môn Văn, Sử thừa nhiều, chuyên môn Ngoại ngữ, Sinh, Hóa lại thiếu. Không ít giáo viên chuẩn đào tạo ở mức quá thấp, đời sống riêng tư lại khó khăn nên khó vượt lên trong quá trình tự bồi dưỡng. Hơn nữa việc đánh giá xếp loại theo quyết định 109 của UBND tỉnh ở một số trường còn chưa làm kiên quyết, còn có tình trạng nể nang, tình cảm… Việc giải quyết chế độ cho giáo viên không đáp ứng, ảnh hưởng đến việc tuyển dụng giáo viên mới, làm ảnh hưởng đến phong trào chung của toàn ngành giáo dục học [132; 8].
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cấp THCS, qua các năm học từ năm 1996 đến năm 2006, cấp THCS đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức các hội thi cán bộ quản lý giỏi, giáo viên dạy giỏi; động viên cán bộ, giáo viên theo học các lớp nâng cao tập trung: quản lý, Đại học, Cao đẳng, Thạc sỹ; bổ nhiệm các cán bộ có năng lực chuyên môn giữ các vị trí quan trọng, điều động các giáo viên có chất lượng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi; thực hiện đầy đủ và kịp thời tất cả các chế độ chính sách cho cán bộ giáo viên như: phụ cấp ưu đãi, các loại phụ cấp khác, cấp phí cho các trường theo định mức quy định, thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng kịp thời và nhanh gọn; động viên sự đóng góp của các cơ quan, các tổ chức để hỗ trợ cho hoạt động và đời sống của cán bộ giáo viên; đánh giá xếp loại giáo viên theo hàng kì, hàng năm sát thực…
Đến năm học 2010 - 2011, huyện Con Cuông đẩy mạnh việc xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đảm bảo đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, cân đối về cơ cấu bộ môn, nâng tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giáo viên cấp THCS huyện, Phòng Giáo dục đã chọn cử những giáo viên có nguyện vọng, có năng lực đi học lên Đại học, Thạc sỹ; cán bộ có năng lực đi học Đại học quản lý giáo dục, Thạc sỹ quản lý giáo dục... khi học xong được bổ nhiệm ngay vào công tác quản lý giáo dục với mục tiêu nâng chất lượng giáo dục cho địa bàn huyện [139; tr 7].
Điểm nổi bật nhất trong công tác chăm lo phát triển đội ngũ trong năm học 2011 - 2012 là việc tham mưu cho UBND huyện xét duyệt cho 152 giáo viên hợp đồng nhiều năm vào biên chế, đã tạo động lực lớn cho nhiều giáo viên trẻ có tâm huyết nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. [140; tr 12-13].
Đến năm 2013, tỷ lệ cán bộ quản lý trên chuẩn là 100% (có 4 quản lý có trình độ Thạc sĩ); Số giáo viên THCS đạt chuẩn là 100%, trên chuẩn là 80,3% (237/295 có trình độ đại học trở lên). Nhìn chung, giáo viên được phân bố khá đồng đều giữa các vùng miền, ưu tiên cho vùng khó khăn, các trường trọng điểm, các trường chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý đủ về số lượng theo quy định, hầu hết đã trải qua thực tế giảng dạy và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, công tác bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo dân chủ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường