6. Kết cấu của luận văn
3.3. Cơ sở vật chất, thiết bị trường THCS
Nhìn chung những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, phòng học của các trường THCS chủ yếu là nhà cấp 4 hoặc tranh tre, điều kiện dạy học còn rất hạn chế, phương tiện dạy học hết sức nghèo nàn, vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Con Cuông cũng là vùng đất phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ, hạn hán, nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất đã nghèo lại càng thiếu thốn hơn. Tính đến năm học 1996 - 1997 Con Cuông chưa có trường học nào có nhà cao tầng. Được sự đầu tư của Nhà nước và sự cố gắng của địa phương, năm học 1996 - 1997, cấp THCS đã được xây dựng mới 08 phòng học/32 phòng học mới của toàn huyện, số phòng học cấp 4 và gỗ kê lợp ngói tôn có 52 phòng/120 phòng, chiếm 43%. Về sách giáo khoa, có trên 80% học sinh có đủ sách giáo khoa [95;tr 8-9].
Năm học 1997 - 1998, cấp THCS có 62 phòng học cấp bốn trên tống số 114 lớp học, còn lại là phòng học tranh tre, nứa lá. Số trường THCS có đồ dùng dạy học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ mới có 01 trường (trường THCS Thị Trấn). Tính đến năm 1999 cả bậc THCS chưa có trường nào có phòng thí nghiệm, thư viện đạt chuẩn theo quy định 655 của Bộ.
Từ năm học 2000 - 2001, Con Cuông được thụ hưởng chương trình 135 của Chính Phủ. Nhờ vậy, việc xây dựng các phòng học được triển khai kịp thời, tạo điều kiện phát triển cho các trường THCS như Thạch Ngàn, Cam Lâm là những trường khó khăn nhất được đầu tư xây dựng mới. Trong năm học cấp THCS đã hoàn thành xây dựng 158 phòng học, trong đó có 12 phòng cao tầng,
140 phòng nhà cấp bốn. Cung ứng đầy đủ theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh về sách giáo khoa, ấn phẩm phục vụ học tập cho học sinh vùng sâu vùng xa theo chế độ hiện hành với số tiền gần 40 triệu đồng. [119; tr 5].
Được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của huyện, trong năm học 2002 - 2003, số trường THCS có thư viện là 14/14 trường, mặc dù các thư viện chưa đạt chuẩn nhưng đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cấp chính quyền huyện Con Cuông cũng như của toàn ngành giáo dục huyện nhà. Có 2 trường có máy vi tính sử dụng trong việc quản lý và học tập đó là trường THCS Thị Trấn và THCS Trà Lân. Ngoài ra, ngành đã tích cực cung ứng đầy đủ sách giáo khoa, giấy viết cho học sinh, đặc biệt là những trường thuộc “chương trình 135”, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Các nhà trường đã tích cực chủ động trong việc xây dựng khuôn viên, sân chơi, bãi tập, mua sắm trang thiết bị và động viên giáo viên tự làm đồ dùng dạy học. Tuy vậy, cơ sở vật chất của các trường THCS còn khá lạc hậu và nghèo nàn, chưa tiến kịp so với các huyện ở vùng đồng bằng. Ngay cả giữa các trường trong huyện với nhau cũng chưa đồng bộ. Toàn bộ thiết bị phục vụ cho lớp 6 đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 mới được phân bổ về trường. Điều này tạo ra khó khăn không nhỏ cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh [123; tr 6].
Việc nâng cấp thiết bị, thư viện bố trí phòng thiết bị dạy học để khai thác tối đa thiết bị đã có chỉ đạo tập trung hơn khi chuẩn bị cho năm học mới 2003 - 2004. Thiết bị dạy học phục vụ thay sách lớp 7 được cung ứng đến các trường ngay trước khi bước vào năm học mới. Sách giáo khoa, sách giáo viên được cung ứng đầy đủ theo nhu cầu của học sinh và thầy, cô giáo. So với năm học trước, thiết bị dạy học, phòng thiết bị dạy học, đã tăng đáng kể nhất là máy vi tính. Số trường THCS có đủ số phòng đồ dùng dạy học: 14. Số trường THCS có máy vi tính: 3 trường với tổng số máy vi tính là 21 máy.
Tổng kinh phí của Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện cấp, để mua sách báo dùng chung cho các trường (cả Tiểu học và THCS) trong năm học này
(không tính phần kinh phí do Trung ương hỗ trợ) là 35.000.000 đồng. Tổng kinh phí mua thiết bị dạy học của các trường (cả Tiểu học và THCS) trong năm học này (không tính phần kinh phí do tỉnh và Trung ương hỗ trợ) là 85.000.000 đồng. Tuy nhiên tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia (nhất là về xây dựng cơ sở vật chất) nhìn chung vẫn còn chậm. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học còn thiếu và còn bất cập nhất là các lớp thay sách, nhiều trường thiếu phòng bảo quản thiết bị dạy học, phòng thực hành thí nghiệm, phòng bộ môn.[124; tr 6- 8].
Việc nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị trường học được các cấp ủy chính quyền quan tâm thường xuyên. Vào năm học 2004 - 2005, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư nhiều hơn, có một trường THCS có thư viện đạt chuẩn (trường THCS Thị Trấn). Số trường THCS có máy vi tính phục vụ cho việc quản lý và học tập là 7 trường (nâng tổng số lên 26 máy toàn huyện). Có một trường THCS đã tổ chức nối mạng Internet… [126; tr 5 - 6].
Trong cả năm học 2005 - 2006, ngành giáo dục của huyện đã tích cực vận động các nguồn kinh phí phục vụ xây dựng mới cơ sở vật chất thiết bị trường học và mua sắm trang thiết bị mới cho các trường THCS trên địa bàn của huyện. Đầu tư 1.200 triệu cho việc xây dựng 2 nhà công vụ giáo viên ở 2 trường THCS Lạng Khê và THCS Thạch Ngàn (ngân sách dùng cho cho cả Tiểu học). Việc nâng cấp thiết bị, thư viện, bố trí các phòng thiết bị ở trong các nhà trường nhằm khai thác tối đa các thiết bị dạy học hiện có. Đầu tư kinh phí để xây dựng các phòng học truyền thống, phòng thư viện đạt chất lượng cao cho trường THCS Trà Lân. So với năm học trước, thiết bị thí nghiệm tăng lên đáng kể. Một số trường tổ chức dạy học tin học trong nhà trường cho học sinh như trường THCS Trà Lân và THCS Thị Trấn, số trường THCS có dùng máy tính là 7 trường.
Ngoài việc sử dụng có hiệu quả thiết bị thí nghiệm, ngành đã phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học và tổ chức Hội thi đồ dùng dạy học tự làm
cấp huyện, 100% các trường có đồ dùng tham gia Hội thi. Kết quả có 36 sản phẩm được công nhận đạt cấp huyện. [132; tr 6].
Công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia của cấp học được tiến hành với quyết tâm cao. Được sự quan tâm của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện, Phòng GD &ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai cho các trường xây dựng đề án phù hợp với thực tế nhà trường. Kết quả trong năm học đã có thêm 2 trường THCS (THCS Thị Trấn và THCS Trà Lân), được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đưa số trường chuẩn của cả huyện đến năm học 2005 - 2006 lên 12 trường, đạt tỷ lệ 24%.
Phòng GD& ĐT phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan và UBND xã, thị trong huyện lập dự toán xin hỗ trợ kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho giáo dục, nhờ đó năm học 2006 - 2007 đã xây dựng được 4 nhà công vụ giáo viên tại các trường THCS Cam Lâm, THCS Lục Dạ, THCS Môn Sơn, THCS Mậu Đức. Có 2 trường THCS là Trà Lân và Thị Trấn có thư viện đạt chuẩn, có một cán bộ thư viện đạt danh hiệu giải nhì cán bộ thư viện giỏi cấp tỉnh (cô Trần Thị Hằng THCS Trà Lân). [133; tr 8 - 9].
Đến năm học 2008 - 2009, cơ sở vật chất ở các trường đã được quan tâm, đầu tư xây dựng, không có tình trạng học hai ca, phòng học tạm, tranh tre ở các cơ sở giáo dục. Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học được triển khai thực hiện có hiệu quả. Số trường THCS có thư viện: 14 (trong đó số thư viện đạt chuẩn: 2). Số trường THCS có phòng thực hành: 14.; số trường THCS có máy vi tính: 14 (tổng số máy của các trường: 78).
Trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư mua sắm nhằm phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học. Số trường tiểu học và THCS có thư viện: 33 trường; Đạt chuẩn theo quy định của Bộ: 13 trường. Trường tiểu học, THCS có phòng thiết bị dạy học và phòng thực hành: 33 trường; số trường có máy vi tính: 42/47 ttrường. Tổng số máy: 260 máy [136; Tr 11-12].
Mục tiêu nổi bật nhất trong năm học 2009 - 2010 là ngành Giáo dục Con Cuông quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường Chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia thực sự đã làm thay đổi nhận thức của xã hội, của các cấp các ngành, của đội ngũ nhà giáo. Qua xây dựng trường chuẩn quốc gia kinh nghiệm quản lý của cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục được nâng lên; chất lượng của đội ngũ nhà giáo có những chuyến biến rõ rệt; chất lượng giáo dục của các trường ngày càng được cải thiện. Kết quả cụ thể: có thêm trường THCS Môn Sơn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường chuẩn quốc gia lên 22 trường đạt tỷ lệ 47%. Cơ sở vật chất ở các trường đã được quan tâm đầu tư nhưng so với yêu cầu vẫn còn thiếu, nhất là các công trình vệ sinh đạt chuẩn; một số trường chưa có máy vi tính, chưa nối mạng Internet [137; tr 10].
Công tác xây dựng cơ sở vật chất của cấp học được chăm lo ngày càng tốt hơn, nhất là trong bước chuẩn bị cho năm học mới 2010 - 2011, việc thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ giáo viên đạt được những kết quả quan trọng; công tác xã hội hóa giáo dục hỗ trợ đắc lực cho xây dựng trường chuẩn; hệ thống trường chuẩn quốc gia đã phát huy hiệu quả tốt. Cả năm học có tổng số phòng học văn hóa: 141 phòng, trong đó: phòng kiên cố: 123 phòng, phòng bán kiên cố: 18 phòng, phòng thư viện: 14 phòng, phòng thiết bị: 17 phòng, phòng vi tính: 07 phòng, phòng thí nghiệm: 23 phòng, phòng chuyên môn khác: 13 phòng. Về diện tích khuôn viên các trường THCS: tổng diện tích khuôn viên trong năm học 323.375m2. Trong đó: Diện tích xây dựng: 298.352m2, diện tích sân chơi:
21.297 m2, diện tích còn lại: 0m2. Số trường đã đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1 tính đến năm học là 03 trường. Về thiết bị phục vụ dạy và học: Số máy tính phục vụ quản lý cho các trường: 42 máy; máy tính phục học tập cho các trường: 103 máy; máy in: 29 máy; đài Catssette: 20 máy; tivi: 16 máy; máy chiếu: 14 máy; máy Photocopy: 02 máy.
Bước vào năm học 2011 - 2012, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện chủ trương tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo quản tốt thiết bị dạy học đã được trang bị, mua sắm, bổ sung sách thiết bị dạy học hàng năm. Phát động phong trào làm đồ dùng dạy học ở các nhà trường, tổ chức thành công Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp huyện với 342 đồ dùng dự thi, tham gia Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp tỉnh có 2 đồ dùng dạy học được giải 3. Toàn huyện hoàn thành việc nghiệm thu và đưa vào sử dụng các công trình thuộc Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, triển khai chương trình SEQAP nguồn vốn của WB hỗ trợ [140; tr 9].
Phòng Giáo dục & Đào tạo được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất thiết bị dạy học cho các trường THCS trên địa bàn trong năm học 2012 - 2013. Về thiết bị dạy học: số máy tính phục vụ quản lý cho các trường: 44 máy; máy tính phục vụ học tập cho các trường: 118 máy; máy in: 28 máy; Đài catssette: 21 cái; tivi: 16 cái; máy chiếu: 21 máy; máy photocopy: 01 máy. Trường THCS Trà Lân được đầu tư xây dựng phòng học tiếng Anh đạt chuẩn, trị giá hơn 200 triệu đồng.
Các địa phương đều ra sức xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong thời kì mới của huyện nhà [141; tr 14].
Qua đó có thể thấy, cơ sở vật chất ở các trường đã được quan tâm đầu tư nhưng so với yêu cầu vẫn còn thiếu, nhất là các công trình vệ sinh đạt chuẩn; hệ thống các phòng thực hành, thí nghiệm, phòng chức năng, các trang thiết bị phụ vu cho công tác thực hành thí nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học ở các trường. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, tính đến năm 2013, bậc THCS mới có 3 trường được công nhận đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 23,07%), chưa đạt chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội huyện Đảng bộ khóa XXV đề ra.