Chủ yếu xem xét vị trí CEO và Chủ tịch HĐQT do hai người khác nhau phụ trách hay do một người đồng thời giữ hai vị trí trên.
Có ý kiến cho rằng: lý do tách rời hai vị trí trên (do hai người khác nhau đảm nhận) vì khi cả vai trò giám sát và điều hành được giao cho cùng một người (cấu trúc kết hợp – combined structure) thì vai trò giám sát bị suy yếu. Hơn nữa, công ty có cấu trúc lãnh đạo kết hợp như vậy sẽ giao cho một người có quá nhiều quyền lực, dẫn đến khả năng họ có thể đưa ra những quyết định không tối ta được lợi ích cho cổ đông (Laing & Wei, 1999).
Ý kiến phản biện thì cho rằng, khi một người được giao phụ trách đồng thời hai vị trí trên (vừa CEO vừa Chủ tịch) thì họ có thể đưa ra các quyết định nhanh hơn, cần thiết để cải thiện hoạt động của công ty (Abdullad, 2004).
Các bằng chứng về mối quan hệ giữa cấu trúc ban lãnh đạo và hoạt động công ty chưa thống nhất với nhau:
Rechner & Dalton (1991) cho rằng doanh nghiệp có cấu trúc lãnh đạo tách biệt hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp có cấu trúc kết hợp khi đo lường ROE, ROI (return on investment) và lợi nhuận biên (profit margin).
Trong khi đó, Dalton et al (1998) không tìm thấy bằng chứng về mối quan hệ giữa cấu trúc ban lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của công ty.
Theo Abdullah (2004), cho dù cấu trúc ban lãnh đạo là độc lập (tách biệt) hay kết hợp, vẫn không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty.
Kajola (2008) tiến hành nghiên cứu thực nghiệm và tìm thấy bằng chứng rằng có mối tương quan dương và đủ mức ý nghĩa giữa cấu trúc ban lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của công ty (khi đo lường ROE và lợi nhuận biên công ty – profit margin). Thống nhất với kết quả nói trên của Kajola (2008), Md. Abdur Rouf (2011) tiến hành nghiên cứu độc lập và cũng tìm thấy bằng chứng tương quan dương và đủ mức ý nghĩa giữa cấu trúc ban lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của công ty (đại diện bởi ROA, ROE).