Các nghiên cứu đo lường thỏa mãn đối với công việc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của sự thỏa mãn trong công việc đến dự định nghỉ việc của giảng viên tại trường cao đẳng cộng đồng Bà Rịa Vũng Tàu (Trang 30)

Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về thỏa mãn đối với công việc. Các tác giả đã đưa ra các công cụ khác nhau để đo lường sự thỏa mãn đối với các thành phần trong công việc.

Các nghiên cứu trên thế giới

Smith, Kendall và Hulin (1969) đã đưa ra chỉ số mô tả công việc (JDI-Job Descriptive Index) để đo lường mức độ thỏa mãn của nhân viên trong công việc. Bảng câu hỏi gồm 72 mục hỏi ở 5 khía cạnh khác nhau là: bản chất công việc, tiền lương, thăng tiến, đồng nghiệp và sự giám sát của cấp trên.

Nghiên cứu của Luddy (2005) đã sử dụng chỉ số mô tả công việc JDI để tìm hiểu mức độ thỏa mãn đối với công việc của người lao động ở Viện y tế công cộng Western Cape tại Nam Phi. Tác giả đã khảo sát sự thỏa mãn đối với công việc ở năm khía cạnh của JDI đó là: Bản chất công việc, cơ hội thăng tiến, thu nhập, sự giám sát của cấp trên và mối quan hệ với đồng nghiệp.

Weiss, Dawis, England và Lofquist (1967) của trường Đại học Minesota đã ra bảng câu hỏi để đo lường thỏa mãn trong công việc (MSQ-Minnesota Satisfaction

Questionnaire). Bảng câu hỏi này đã trở thành công cụ rộng rãi để đo lường thỏa mãn đối với công việc bởi nó rất cụ thể, dễ hiểu và dễ sử dụng. MSQ sử dụng một trong 2 bảng đo sau: một bảng đo dài gồm 100 mục (phiên bản 1977 và phiên bản 1967) với 20 khía cạnh, mỗi khía cạnh sẽ được đo lường bởi 5 biến và một bảng đo ngắn hơn gồm 20 mục (ứng với 20 yếu tố) đánh giá mức độ thỏa mãn chung về mỗi khía cạnh (Schmit & Allscheid, 1995). 20 khía cạnh trong bảng đo dài là khả năng, phúc lợi, thành tích đạt được, hoạt động, cơ hội thăng tiến, quyền hạn, các chính sách công ty và việc thực hiện các chính sách đó, bồi thường, mối quan hệ với đồng nghiệp, sự sáng tạo, độc lập, giá trị đạo đức, nhận thức, trách nhiệm, an ninh, đóng góp cho xã hội, sự công nhận của xã hội (địa vị xã hội), giám sát của cấp trên về con người, giám sát của cấp trên về kỹ thuật, điều kiện làm việc. (Fieds, năm 2002, trang 7).

Trong nghiên cứu của Sweeney (2000) đã sử dụng bảng câu hỏi MSQ (phiên bản 1997) của Weiss để tìm tìm hiểu sự thỏa mãn công việc trong công việc của các chuyên viên chương trình hỗ trợ nhân viên của Hiệp hội các chuyên gia hỗ trợ nhân viên ở Mỹ.

Trong nghiên cứu của Worell (2004) cũng sử dụng bảng câu hỏi MSQ phiên bản năm 1997 (bảng câu hỏi ngắn - 20 câu hỏi) để nghiên cứu sự thỏa mãn trong công việc của các chuyên viên tâm lý trường học ở Mỹ.

Paul E. Spector (1985) đã đưa ra bảng câu hỏi (JSS-Job Diagnostic Survey) để khảo sát sự thỏa mãn đối với công việc gồm 36 mục hỏi về 9 khía cạnh của công việc là: tiền lương, cơ hội thăng tiến, giám sát của cấp trên, phúc lợi, điều kiện làm việc, mối quan hệ với đồng nghiệp, tính chất của công việc, công nhận của xã hội, và phần thưởng bất ngờ. Mỗi khía cạnh được đánh giá với bốn mục, và tổng số điểm được tính từ tất cả 36 mục. Mỗi mục hỏi được đánh giá từ rất không đồng ý đến rất đồng ý (Fieds, năm 2002).

Ngoài những nhân tố mà JDI đưa ra thì Hackman và Oldham (1974) cho rằng đặc điểm công việc cũng tác động đến sự thỏa mãn của nhân viên và đã đề xuất các

thang đo: đánh giá trực tiếp môi trường làm việc (5 yếu tố “lõi”), đo lường những biểu hiện tâm lý của nhân viên, thang đo lường các yếu tố tác động đến công việc như: (a) Mức độ thỏa mãn chung và (b) Những khía cạnh của sự thỏa mãn trong công việc.

Trong nghiên cứu của Arunima Shrivastava và Pooja Purang về sự thỏa mãn trong công việc của các nhân viên ngân hàng khu vực tư nhân và công ở Ấn Độ đã sử dụng JDS của Hackman và Oldham (1975) gồm 5 khía cạnh là tiền lương, an toàn, thăng tiến, giám sát của cấp trên, và công nhận của xã hội với thang đo Likert 5 mức độ. Ngoài ra nghiên cứu còn sử dụng 2 câu hỏi mở để hỏi về sự thỏa mãn và không thỏa mãn của nhân viên, nhằm hạn chế nhược điểm của các câu hỏi đóng.

Bảng câu hỏi thỏa mãn đối với công việc của giáo viên được định nghĩa bởi Lester (1982), là một công cụ được dành riêng để đo lường sự thỏa mãn đối với công việc của giáo viên. TJSQ đã liên kết 66 mục hỏi trong 9 yếu tố của công việc. Những yếu tố này được định nghĩa như là sự giám sát của lãnh đạo, mối quan hệ với đồng nghiệp, điều kiện làm vịêc, tiền lương, trách nhiệm và bảng thân công việc, cơ hộu thăng tiến, mức độ an toàn và sự công nhận của xã hội. Bộ công cụ TJSQ đã trình bày các mục hỏi và trả lời dưới dạng thang đo của Likert 5 mức độ với 1 là không đồng ý đến 5 là rất đồng ý. Các lý thuyết của Maslow (1954) và Herzberg (1959) là nền tảng để xây dựng và phát triển bộ công cụ TJSQ này.

Trong nghiên cứu của Edith Elizabeth Best (2006) về sự thỏa mãn công việc của giáo viên trường trung học và tiểu học Krishna tại Chapel Hill bằng cách sử dụng bảng câu hỏi TJSQ (Teacher Job Satisfaction Questionnaire) được định nghĩa bởi Lester (1982). Nghiên cứu khảo sát trên đối tượng mẫu khá lớn gồm 620 giáo viên tham gia trả lời.

Các nghiên cứu trong nước

Nghiên cứu của Trần Kim Dung (2005), tác giả đã sử dụng chỉ số mô tả công việc (JDI) để đo lường mức độ thỏa mãn đối với công việc trong điều kiện của Việt Nam bằng cách khảo sát khoảng 500 nhân viên đang làm việc toàn thời gian. Ngoài

năm nhân tố trong thang đo JDI như bản chất công việc, tiền lương, thăng tiến, đồng nghiệp và sự giám sát của cấp trên, tác giả đã đưa thêm hai nhân tố nữa là phúc lợi công ty và điều kiện làm việc để phù hợp với tình hình cụ thể của Việt nam.

Trong nghiên cứu của Châu Văn Toàn (2009) về “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên khối văn phòng ở TP.HCM”, tác giả cũng đã sử dụng 5 nhân tố trong chỉ số mô tả công việc JDI và bổ sung thêm 2 nhân tố từ kết quả nghiên cứu của Trần Kim Dung (2005). Các nhân tố đó gồm: thu nhập, đào tạo và cơ hội thăng tiến, cấp trên, mối quan hệ với đồng nghiệp, đặc điểm công việc, điều kiện làm việc và phúc lợi.

Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Thủy (2011) về “Khảo sát các yếu tố tác động đến sự thỏa mãn trong công việc của giảng viên tại TPHCM” cũng đã sử dụng 5 yếu tố trong chỉ số mô tả công việc JDI là: Tính chất công việc, cơ hội thăng tiến và đào tạo, thu nhập, lãnh đạo, mối quan hệ với đồng nghiệp.

Trong nghiên cứu của Võ Thị Thiện Hải và Phạm Đức Kỳ (2010) đã ứng dụng mô hình JSS của spector (1985) để nghiên cứu thực nghiệm sự thỏa mãn trong công việc tại Call Center của VinaPhone khu vực 2. Ngoài việc ứng dụng các yếu tố thỏa mãn công việc trong JSS, nghiên cứu này đã bổ sung thêm 3 yếu tố nữa là: sự phản hồi, đặc điểm công việc, đào tạo và hỗ trợ trong công việc.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của sự thỏa mãn trong công việc đến dự định nghỉ việc của giảng viên tại trường cao đẳng cộng đồng Bà Rịa Vũng Tàu (Trang 30)