THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2006-
3.1.1 Định hướng và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp Hải Phòng
3.1.1.1 Bối cảnh trong nước và ngoài nước tác động đến phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đây là cơ hội để khai thác tối đa những lợi thế so sánh, tiếp cận thị trường rộng hơn, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tuy nhiên, cũng là thách thức rất lớn khi hàng rào bảo hộ đang giảm dần theo lộ trình.
Chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tuy nhiên đây cũng là cơ hội để ngành công nghiệp Hải Phòng nhìn nhận lại những yếu kém nội tại để có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Xu hướng chung đối với cả nước sau khủng hoảng, trong đó có Hải Phòng là đổi mới cách thức tăng trưởng công nghiệp từ chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững mà trọng tâm là ưu tiên phát triển các ngành có thế mạnh và tạo ra giá trị gia tăng lớn. Do đó, vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế hiện nay là khắc phục những yếu tố bất cập trong cơ cấu ngành, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động cho phát triển.
Sự phát triển của công nghiệp Hải Phòng có ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển chung của công nghiệp cả nước do đó định hướng phát triển công nghiệp Hải Phòng đã được xác định trong cả chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia. Theo phương hướng phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 98/2008/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 7 năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đến năm 2020 thì Hải Phòng là một phần quan trọng không
thể thiếu trong phát triển tuyến hành lang kinh tế. Vai trò của Hải Phòng được nhấn mạnh ở vị trí địa lý và những lợi thế cạnh tranh. Theo đó Hải Phòng với lợi thế về cảng biển sẽ phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi khối lượng vận tải lớn, và đóng vai trò là trung tâm của các ngành sản xuất như cơ khí nặng; đóng tàu; sản xuất thiết bị siêu trường, siêu trọng; sản xuất kết cấu thép; công nghiệp chế biến; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất điện năng từ nhiên liệu hoá thạch và các ngành phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày. Ngoài ra, Hải Phòng cũng sẽ là khu vực sản xuất các thiết bị phụ trợ cho công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vật liệu mới.
Triển vọng dòng vốn FDI toàn cầu tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục, giá trị thị trường chứng khoán và lợi nhuận của các công ty xuyên quốc gia đang gia tăng. Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và ngành, làn sóng tư nhân mới ở một số nước khiến cho nhu cầu đầu tư của khu vực nhà nước sau khủng hoảng tài chính tăng đang tạo ra những cơ hội đầu tư mới cho các nước giàu tiền mặt tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. UNCTAD (7/2010) dự báo dòng vốn FDI toàn cầu đạt 1,6-2 nghìn tỉ USD năm 2012. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị tính theo USD của dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển dự báo tăng đến năm 2012 sẽ đạt 604 tỉ USD, gần bằng mức cao trước khủng hoảng tài chính (615 tỉ USD năm 2008). Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân vừa qua tại Nhật Bản là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại nước này đã và đang tác động tiêu cực khá lớn tới các hoạt động kinh tế của Nhật Bản. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế tạo cơ bản đang trên đà suy giảm mạnh, hoạt động sản xuất vẫn trong trạng thái cầm chừng. Trước tình hình trên các doanh nghiệp nước này đang tái cơ cấu hệ thống sản xuất và có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, và Việt Nam là một trong những lựa chọn của Nhật Bản. Ở Việt Nam, Nhật bản đã nhất trí lựa chọn hai địa điểm Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu là phù hợp với phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo vì có cảng nước sâu để xuất khẩu hàng hóa. Đây là cơ hội lớn để Hải Phòng có thể thu hút đầu tư chất lượng cao nhằm xây dựng một nền công nghiệp tiên tiến,
hiện đại và có khả năng cạnh tranh không chỉ trong thị trường nội địa mà còn hướng tới khả năng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Ngày 11/7/2011 Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố việc tiến hành loại bỏ 2.255 xí nghiệp lạc hậu trên phạm vi cả nước bao gồm các lĩnh vực sản xuất sắt, thép, nhôm, than, hợp kim, giấy, bột ngọt, thuộc da, sợi hóa học và có chủ trương chuyển tất cả các công nghệ này sang các nước kém phát triển hơn. Các công nghệ này đều là công nghệ lạc hậu, hao phí năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao do đó nếu không có các chế tài chặt chẽ hơn nữa trong việc hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ thấp và lạc hậu, ô nhiễm môi trường thì Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng có nguy cơ cao trở thành một bãi rác công nghiệp của thế giới và chi phí cho việc tiếp nhận các công nghệ này sẽ cao hơn nhiều so với lợi ích mang lại.
3.1.1.2 Quan điểm phát triển
i) Phát triển công nghiệp theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, gần nhất là Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố đến năm 2020; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam; gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, và Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, bảo đảm khai thác được lợi thế của thành phố và gắn kết chặt chẽ các mối liên kết vùng, liên kết tuyến để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp thành phố.
ii) Đổi mới cách thức tăng trưởng công nghiệp từ chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
iii) Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lựa chọn một số ngành sản phẩm ưu tiên để tạo lập và xây dựng năng lực cạnh tranh trong tương lai trong đó ưu tiên các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào tổng giá trị GDP của thành phố. Đồng
thời tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hoá trong sản phẩm công nghiệp truyền thống.
iv) Phát triển công nghiệp gắn với phát triển bền vững, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời luôn dành quĩ đất cho phát triển giai đoạn tiếp theo và đón những dự án lớn, công nghệ hiện đại góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu.
3.1.1.3 Mục tiêu
Mục tiêu chung: Phát huy tối đa các lợi thế, huy động mọi nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá về cách thức tăng trưởng công nghiệp, trong đó trọng tâm là: đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, đổi mới mô hình thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực công nhân kỹ thuật có trình độ cao, xây dựng chính sách khuyến khích ưu tiên phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao xây dựng Hải Phòng đến năm 2015 trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại
Mục tiêu cụ thể: Tỷ trọng công nghiêp - xây dựng trong GDP của thành phố đến năm 2015 chiếm 37%, trong đó GDP công nghiệp chiếm 31 – 32%, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP ngành công nghiệp – xây dựng đạt 12,7-13,7%/năm; phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP thành phố chiếm 36%, trong đó GDP công nghiệp chiếm 30 - 31%.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 13,5 - 14,5%/năm giai đoạn 2011-2015, Giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 14 - 15%/năm; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30% và tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%.
Đến năm 2015, 100% cơ sở sản xuất mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Lao động công nghiệp khoảng 660 ngàn lao động năm 2020.
Tốc độ tăng kim ngạch hàng công nghiệp xuất khẩu các thời kỳ khoảng trên 20%. Đạt kim ngạch 3 tỷ USD năm 2020.
3.1.1.4 Định hướng phát triển những ngành công nghiệp Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp có lợi thế trong giai đoạn tới. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng để bảo đảm nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu. Chú trọng đầu tư vào các dự án tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành cơ khí, điện, điện tử, hoá chất và một số ngành công nghiệp khác.
Ngành cơ khí, chế tạo:
- Phát triển theo định hướng đa dạng hoá các sản phẩm, phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đầu tư phát triển mạnh vào các lĩnh cơ khí hạng nặng trong các ngành sửa chữa và đóng mới tàu thuỷ; phương tiện vận tải hạng nặng đường bộ và đường sắt; sản xuất các cấu kiện kim loại siêu trường, siêu trọng; các loại cấu kiện phức tạp; Duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống như máy công cụ cỡ nhỏ, máy gia công áp lực, máy xếp dỡ, máy xây dựng, hộp số các loại; hướng mạnh vào sản xuất các thiết bị lẻ, phụ tùng chuyên dùng, các cấu kiện cơ khí phi tiêu chuẩn cho các công trình xây dựng; lắp ráp, sản xuất các động cơ tầu thủy công suất lớn. Đồng thời tiếp tục phát triển sản xuất với chất lượng cao hơn ở các lĩnh vực cơ khí hiện có như chế tạo thiết bị điện (cáp điện, quạt điện,...); điện tử (rôbốt, ...); phương tiện vận tải hạng nhẹ (tải trọng từ 5 tấn trở xuống); xe máy các loại.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận chuyển giao và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng (điện và than) và thân thiện môi trường.
- Chú trọng đầu tư phát triển sản xuất ở các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm như các khâu thiết kế, tạo mẫu, chế tạo khuôn dạng, chế tạo các linh kiện phức tạp, có độ chính xác cao .... đòi hỏi công nghệ hiện đại.
Riêng đối với ngành công nghiệp đóng tàu: Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ phục vụ ngành đóng tàu như: thép hình, thép tấm, thiết bị điện, điện tử hàng hải, động cơ, chân vịt… nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Ưu tiên phát triển dịch vụ sửa chữa tàu, chỉ thu hút đầu tư mới tại khu vực các khu, cụm công nghiệp dọc sông Văn Úc. Dành đất tại khu vực sông Bạch Đằng để thực hiện di chuyển các doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu dọc trong khu vực nội thành. Thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh
Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thành ngành kinh tế mũi nhon, chủ lực phát triển bền vững, tăng trưởng cao, định hướng vào xuất khẩu, là hạt nhân thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, làm tiền đề hỗ trợ các ngành công nghiệp khác cùng phát triển. Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác nguồn vốn và công nghệ mới. Đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển ngành.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào công nghiệp điện tử với các quy mô, loại hình trong đó đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn. Thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp công nghệ cao của thành phố. Thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghiệp phần cứng với các sản phẩm chủ yếu là máy vi tính, thiết bị điện tử gia dụng, điện tử viễn thông, linh kiện, sản phẩm phụ trợ. Với mục tiêu đi thẳng vào công nghệ hiện đại do đó các dự án được thu hút phải có Vốn đầu tư (Chỉ tính giá trị máy móc thiết bị và giá trị xây dựng cơ bản) đăng ký từ 10 triệu USD trở lên và có công nghệ hiện đại.
Xúc tiến, thu hút các đối tác trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm tập trung sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu nội địa, từng bước hướng ra xuất khẩu. Đặc biệt ưu đãi cho các dự án đi thẳng vào công nghệ hiện đại.
Chú trọng hướng vào các nhà đầu tư có công nghệ nguồn, đặc biệt là các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới của các nước Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc,... về sản xuất thiết bị điện tử, điện lạnh, viễn thông, CNTT đến đầu tư tại Hải Phòng,
Ngành công nghiệp hoá chất, cao su - nhựa
Từng bước xây dựng ngành công nghiệp hóa chất hiện đại, hình thành các tổ hợp sản xuất có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, duy trì và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Tập trung đầu tư chiều sâu và mở rộng công suất, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống và có lợi thế như: sơn, , ắc quy...cần phát triển cân đối với nhu cầu của ngành đóng tàu nói riêng và ngành cơ khí nói chung.
Mở rộng quy mô, đầu tư theo chiều sâu cho các sản phẩm vật liệu xây dưng nhựa truyền thống. Đồng thời thu hút các công ty nước ngoài vào lĩnh vực sản phẩm nhựa kỹ thuật cao phục vụ công nghiệp, trước hết là công nghiệp ô tô, điện tử, điện lạnh, ti vi, máy tính, điện thoại...
Công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su : Đầu tư chiều sâu, huy động năng lực sản xuất hiện có là chủ yếu, đầu tư mới cơ sở sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật như: dây đai các loại, săm lốp xe đạp, xe máy, ô tô, xe chuyên dùng, băng tải, các loại gioăng, đệm chống va cho các cầu cảng, quả lô...
Ngành luyện kim
- Không thu hút đầu tư các sản phẩm gang, phôi thép và thép cán xây dựng. - Khuyến khích phát triển các sản phẩm thép tấm phục vụ cho ngành đóng tàu; Sản xuất thép hợp kim, thép không gỉ.
Ngành công nghiệp sản xuất xi măng