THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2006-
2.2.3 Nguồn vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp
Để đạt được khối lượng vốn lớn tăng liên tục trong giai đoạn vừa qua có sự đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế, tuy nhiên xu thế đóng góp của các thành phần có nhiều khác biệt. Cơ cấu đầu tư đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ
trọng vốn đầu tư nhà nước giảm gần 2 lần, nếu như năm 2006 tỷ trọng khu vực này chiếm trên 52% thì đến 2010 chỉ còn 26%; vốn đầu tư của khu vưc kinh tế tư nhân gia tăng với quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao do vậy tỷ trọng khu vực này đã tăng rất nhanh từ 19,29% năm 2006 lên 38,42% năm 2010. Tỷ trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không ổn định nhưng biên độ giao động nhỏ, tính chung cả giai đoạn thì vẫn có xu hướng tăng.
Bảng 2.6. Vốn đầu tư phát triển phân theo thành phần kinh tế
Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010
Tổng vốn công nghiệp 7.007,9 7.166,3 9.361,3 7.411,9 9.405,8
Tỷ trọng 100.0 100.0 100.0 100.0 100.0
KV kinh tế nhà nước 3.654,7 3.198,2 3.018,8 1.933,4 2.459,6
Tỷ trọng 52,15 44,63 32,25 26,1 26,15
KV kinh tế tư nhân 1.351,5 1.207,1 3.089,9 2.650,1 3.613,7
Tỷ trọng 19,29 16,84 33,01 35,8 38,42
KV kinh tế có VĐT nước ngoài 2.001,7 2.761,0 3.252,5 2.828,4 3.332,57
Tỷ trọng 28,56 38,53 34,74 38,1 35,43
Nguồn: Cục thống kê thành phố Hải Phòng
Khu vực kinh tế nhà nước
Giai đoạn 2006-2010 cơ cấu vốn đầu tư đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng, quy mô và tỷ trọng vốn của khu vực kinh tế nhà nước có sự giảm sút rõ rệt, quy mô vốn giảm bình quân 9,4%/năm cộng với tốc độ tăng trưởng vốn cao của các khu vực kinh tế khác làm cho tỷ trọng của khu vực này giảm gần 2 lần chỉ trong giai đoạn 2006-2010. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế này được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước: Vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006-2010 là 13.613,8 tỷ đồng, chiếm 95,44% vốn đầu tư cho công nghiệp của khu vực kinh tế nhà nước.
Mặc dù trong giai đoạn vừa qua vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước địa phương đã có sự tăng trưởng mạnh, quy mô vốn tăng bình quân 17,26%/năm nhưng tỷ trọng vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước địa phương trong tổng vốn của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 6,26% do đó khi quy mô vốn của khối doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm bình quân 10,65%/năm dẫn đến quy mô vốn chung của cả khối giảm rõ rệt. Sự suy giảm đáng kể quy mô vốn của khối giai đoạn vừa qua phần lớn là do chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (Công ty cổ phần Sơn, cổ phần giấy, cổ phần nhựa thiếu niên tiền phong...) đã làm một phần vốn của khối này chuyển dần sang cho khối ngoài nhà nước. Việc chuyển dịch hình thức sở hữu trên một mặt làm cho vốn của khối giảm nhưng mặt khác lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp năng động, tự chủ hơn trong việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh do đó nếu tính chung cho cả khu vực trong nước thì vốn đầu tư có xu hướng tăng.
Đối với khối doanh nghiệp nhà nước trung ương: 95% Vốn đầu tư phát triển công nghiệp của khối tập trung chủ yếu cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, công nghiệp cơ khí chế tạo chiếm 80,85% (đầu tư cho công nghiệp đóng tàu chiếm tới 77,5% vốn đầu tư của khối), công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 14,24%. Ngoài những ngành công nghiệp truyền thống kể trên thì trong giai đoạn 2006-2010 là trên địa bàn thành phố bắt đầu xuất hiện các sản phẩm công nghiệp mới được các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp đầu tư như dự án Nhà máy DAP, Nhà máy Nhiệt
điện Hải Phòng II, Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Polyeste, những nhân tố mới này đã đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất , giá trị gia tăng ngành công nghiệp, tăng quy mô nền kinh tế.
Đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước địa phương tập trung chủ yếu cho công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước (chiếm 20,89%), công nghiệp luyện kim (20,51%), công nghiệp cơ khí chế tạo (16,63%), công nghiệp chế biến thực phẩm (16,59%).
Nguồn vốn của ngân sách nhà nước: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2010 đạt 650,8 tỷ đồng, chiếm gần 4,57% tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp của khu vực kinh tế nhà nước, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm 45% và ngân sách địa phương chiếm 55%. Mặc dù tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội không lớn nhưng đây là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng, được đầu tư vào các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển công nghiệp, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ… Hầu như các hoạt động đầu tư này không tạo ra lợi nhuận trực tiếp cho ngành công nghiệp nhưng lại có ý nghĩa chiến lược tới việc tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn để huy động các nguồn vốn khác vào đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố. Từ nguồn vốn này, qua 5 năm trên địa bàn thành phố đã có nhiều dự án lớn thuộc các lĩnh vực được hoàn thành góp phần thúc đẩy, tăng trưởng công nghiệp Hải Phòng như: Dự án đường trục Khu công nghiệp Đình Vũ, lò đốt rác công nghiệp…
Khu vực kinh tế tư nhân: Trong những năm vừa qua vốn đầu tư từ khu vực này có mức tăng trưởng lớn do nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là thủ tục đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư, đã được cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã mạnh dạn huy động lượng vốn lớn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố.
Nguồn: Cục thống kê thành phố Hải Phòng
Trong 5 năm lượng vốn đầu tư huy động được từ khu vực kinh tế tư nhân thành phố là 11.912 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân với tốc độ 27,87%, quy mô vốn cao gấp 3,27% vốn giai đoạn 2001-2005. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng thì tỷ trọng của khu vực này trong tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp cũng liên tục tăng, từ 19,29% năm 2006 lên 38,42% năm 2010. Năm 2009, cuộc suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn đầu tư của khu vực này giảm gần 14% so với năm 2008, tuy nhiên do quy mô vốn của các khu vực kinh tế khác cũng suy giảm do vậy tỷ trọng vốn của khu vực này vẫn duy trì ở mức trên 35%.
Vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân có mặt trong tất cả các ngành công nghiệp nhưng chủ yếu tập trung vào 6 nhóm ngành sau: công nghiệp cơ khí ( tỷ trọng vốn là 22,66%), luyện kim (chiếm 25,67%), dệt, may, giầy dép (chiếm 13,5%), công nghiệp hóa chất, cao su - nhựa (chiếm 11,9%), sản xuất vật liệu xây (chiếm 6,98%), thực phẩm (5,12%).
Sau khi luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực thì Hải Phòng đã hình thành và phát triển được một số lượng lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp tư nhân, tạo điều kiện huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp năm 2010 là 13.275 cơ sở nhưng tới 90,21% (12.148 cơ sở) là các hộ cá thể, cơ sở công nghiệp nhỏ. Với quy mô nhỏ, tiềm năng tài chính hạn chế, chỉ có
thể đầu tư phát triển sản xuất với quy mô nhỏ, thiếu thương hiệu mạnh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong hơn 13 nghìn cơ sở sản xuất chỉ có 18 doanh nghiệp lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và thứ hạng cao nhất đạt được là 59/500.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:
Giai đoạn 2006-2008 tổng vốn đầu tư thu hút được là 8.015 tỷ đồng, tăng trưởng với tốc độ bình quân là 24,61%/năm. Sau chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2009 do ảnh hưởng nặng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nên thu hút FDI sụt giảm mạnh, vốn đầu tư năm 2009 chỉ bằng 87% so với năm 2008, đến năm 2010 vốn đầu tư thu hút được có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng chỉ thu hút được số vốn tương đương với năm 2008. Trong số các dự án đầu tư, các quốc gia và vùng lãnh thổ đến từ các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore vẫn chiếm ưu thế, số dự án có nguồn vốn từ Châu Âu, Mỹ và các Châu lục khác chỉ chiếm 22,89%.
Biểu 2.3: Vốn đầu tư phát triển của khu vực kinh tế có VĐT nước ngoài
Nguồn: Cục thống kê thành phố Hải Phòng
Vốn đầu tư của khu vực FDI tập trung chủ yếu trong công nghiệp cơ khí, chế tạo (chiếm 31,7%), công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (chiếm 27,23%), dệt, may, giầy dép (chiếm 13,82%), công nghiệp hóa chất, cao su - nhựa (chiếm 13,42%).
Nhìn chung, các chủ đầu tư FDI tại Hải Phòng mới chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về công nghệ và tài chính. Giai đoạn này thu hút được 112 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký trên 1,4 tỷ USD, tuy nhiên đại đa số là các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ trung bình, chỉ có khoảng 20% các dự án thu hút được có số vốn đăng ký lớn hơn 10 triệu USD và sử dụng công nghệ tương đối hiện đại (Thiết bị công nghệ được sản xuất, chế tạo sau năm 2000), điểm nhấn nổi bật của giai đoạn này là thu hút được một số dự án công nghiệp phụ trợ từ các chủ đầu tư có công nghệ nguồn như công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đóng tàu (dự án sản xuất khối thép kỹ thuật cho đóng tàu của liên doanh Songsan-vinashin với số vốn đăng ký là 50,57 triệu USD, dự án sản xuất các loại chân vịt và bộ phận chân vịt cho tàu thủy của Công ty TNHH Nakashima (Nhật) với 22,5 triệu USD vốn đăng ký), và công nghiệp phụ trợ cho cơ khí chế tạo khác (dự án sản xuất linh kiện, bộ phận cao su cho thiết bị văn phòng của CT TNHH Synztec (Nhật) với 60 triệu USD vốn đăng ký, dự án sản xuất linh,
phụ kiện cho các máy móc thiết bị cho hệ thống phát điện, nhà máy phát điện của CT TNHH GE với 68 triệu USD vốn đăng ký, dự án chế tạo phụ tùng, linh kiện bằng kỹ thuật cao của CT TNHH kỹ nghệ Felex (Hàn Quốc) với vốn đăng ký 20 triệu USD). Mặc dù quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đã xác định công nghiệp điện tử, điện lạnh, công nghiệp công nghệ thông tin là nhóm các ngành công nghiệp mũi nhọn cần khuyến khích đầu tư, tuy nhiên trong giai đoạn qua thành phố chưa có các chính sách ưu đãi, khuyến khích rõ nét đối với khu vực này do đó chưa thu hút được dự án đầu tư nước ngoài nào trong lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, hoạt động đầu tư nước ngoài trong thời gian qua cũng đã đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nguồn vốn FDI không chỉ tạo ra nguồn đầu tư trực tiếp mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư nội địa, tương hỗ, thúc đẩy các dự án đầu tư cùng loại của các nhà đầu tư trong nước. Nguồn vốn FDI đã có nhiều đóng góp làm gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh của thành phố, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nếu như giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này năm 1996 còn thấp hơn khối quốc doanh, thì đến 2001, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực FDI đã chiếm xấp xỉ 51,3% giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) của toàn thành phố, từ năm 2006 đến nay tính trung bình chiếm khoảng 44%.