Xuất phát từ thực tế tình hình quản lý và sử dụng vốn lưu động tại công ty cổ phần xuất nhập khẩu Lạng Sơn, bên cạnh những thuận lợi và thành quả đạt được vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Do vậy, công ty cần tăng cường các biện pháp quản lý và sử dụng vốn lưu động, xác định nhu cầu vốn lưu động cần thiết cho từng thơi kỳ sản xuất kinh doanh, nhằm tránh tình trạng thừa thiếu vốn lưu động ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Qua nghiên cứu ta thấy, vốn lưu động của công ty luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản. Năm 2014 vốn lưu động chiếm 75,36%, vòng quay vốn lưu động là 2,4 (giảm 25,54% so với năm 2013).
Tăng cường công tác thu đòi các khoản phải thu
Công ty cần quản lý chặt chẽ và đôn đốc thanh toán các khoản phải thu, phải trả, trả nợ vốn vay đầu tư đúng theo khế ước, đảm bảo tình hình tài chính của công ty ổn định, có uy tín với Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Huy động kịp thời mọi nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung thu hồi công nợ, giải quyết dứt điểm các khoản công nợ dây dưa, khó đòi.
Các khoản phải thu của công ty rất lớn, năm 2014 chiếm 84,34% tổng tài sản lưu động, làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động của công ty. Vì vậy cần đẩy mạnh công tác thu đòi công nợ để tránh thất thoát vốn, hạn chế rủi ro, nhanh chóng thu hồi theo một số hướng sau:
-Công ty cần xây dựng chính sách tín dụng cụ thể trình Giám đốc quyết định theo từng thời điểm. Chính sách này phải xác định rõ các điều kiện về vốn, về tình trạng kinh doanh, tình trạng lợi nhuận và trách nhiệm trả nợ của khách hàng. Mục tiêu của việc xây dựng các tiêu chuẩn tín dụng là nhằm giảm khối lượng các khoản thu, rút ngắn kỳ thu tiền. Tuy nhiên phải xây dựng cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Xây dựng chính sách tín dụng là việc phân loại các khách hàng của công ty về quy mô, về ngành nghề để vừa quản lý có hiệu quả các khoản phải thu vừa không ảnh hưởng đến tổng danh thu. Chính sách tín dụng phải đảm bảo mềm mỏng, linh hoạt, vì nếu không sẽ vô tình loại bỏ đi một số khách hàng tiềm năng.
-Công ty cần đa dạng hóa các chính sách chiết khấu, nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán đúng hạn; có thể nâng cao tỉ lệ chiết khấu, áp dụng hình thức có
thưởng nếu thanh toán đúng hạn hoặc trước thời hạn; ngoài ra, công ty cần có chế độ khen thưởng kịp thời cho đội ngũ cán bộ nhân viên thu đòi công nợ, mức thưởng tính trên số tiền thu đòi được.
-Cần có ràng buộc cụ thể, chặt chẽ khi ký hợp đồng tiêu thụ. Hiện nay, thị trường của công ty chủ yếu là khách hàng truyền thống, khách hàng quen thuộc nên việc ký hợp đồng chưa được chặt chẽ nếu không nói là lỏng lẻo. Điều này sẽ rất nguy hiểm và có thể gây ra rủi ro lớn khi đối tác khách hàng có ý chủ quan trì trệ việc thanh toán hoặc thực hiện kinh doanh không đảm bảo. Do vậy, công ty phải quy định và làm tốt khâu giao kết hợp đồng; phải gắn trách nhiệm của khách hàng thông qua các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng, các điều khoản về giao nhận, thời gian, điều kiện thanh toán và thời hạn thanh toán.
-Công ty cần xây dựng các chính sách thanh toán hợp lý trên cơ sở đó tăng tốc độ thu hồi các khoản phải thu. Chính sách này căn cứ vào từng số lượng và giá trị đơn hàng, giá trị hợp đồng và từng đối tượng khách hàng cụ thể.
-Công ty phải theo dõi chặt chẽ nhưng khoản nợ đến hạn thu, nhằm xác định những khoản nợ có khả năng thu hồi và những khoản nợ khó đòi, để từ đó có biện pháp tính toán trích lập dự phòng nhằm đề phòng những tổn thất có thể xảy ra tránh đột biến trong kết quả kinh doanh của công ty.