- Chức năng của nhóm sản xuất
b) Hoạt động của Liên nhóm Thanh Xuân-Sóc Sơn:
Bối cảnh thành lập:
Nằm trong kế hoạch của dự án “Trồng rau hữu cơ giúp xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường tại Sóc Sơn, Hà Nội” của trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (www.vidothị.org) do cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) tài trợ năm 2008, cho tới năm 2010, sản xuất rau hữu cơ của nhóm nông dân tại thôn Bái Thượng- xã Thanh Xuân- huyện Sóc Sơn đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành điểm tham quan hấp dẫn, mô hình tiêu biểu để các tổ chức, nông dân từ khắp các tỉnh thành trên cả nước tới tham quan và học tập.
Tháng 4 năm 2011, liên nhóm Thanh Xuân với sự hỗ trợ từ giải thưởng của quỹ Spark (www.spark.org.vn) - Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các sáng kiến xã hội, tiến hành khai trương công ty Cổ phần Hà Nội Organic Roots với mục tiêu đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đến gần hơn với người tiêu dùng. Xã Thanh Xuân, Huyện Sóc Sơn, Hà nội là vùng có truyền thống trồng rau từ lâu, nhưng từ năm 2008 mới bắt đầu chuyển sang canh tác theo phương thức hữu cơ thông qua dự án “Trồng rau hữu cơ để bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo”.Trên địa bàn xã hiện có 8 nhóm trồng rau hữu cơ, tổng diện tích khoảng 8 ha, bao gồm: Nhóm Bái Thượng, Nhóm Thành công, Nhóm Trung, Nhóm Na, Nhóm Đoàn Kết, Nhóm Ánh Dương, Nhóm Tự nguyện, Nhóm Thanh Nhàn. 8 nhóm này đều tham gia vào liên nhóm sản xuất hữu cơ Thanh Xuân và đều có chứng chỉ PGS cho nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, nhóm Bái Thượng với diện tích 9200m2 và 11 hộ gia đình tham gia sản xuất, đây là nhóm được đánh giá là có sản lượng ổn định nhất, vinh dự là nhóm sản xuất đầu tiên nhận được chứng chỉ PGS cho nông nghiệp hữu cơ, là địa chỉ sáng giá để các đơn vị sản xuất, hội nông dân, các cơ quan nghiên cứu tới tìm hiểu.
Năm 2009 Liên nhóm Thanh Xuân thành lập với 14 nhóm và 90 thành viên. Cơ cấu tổ chức của nhóm cũng bao gồm 4 bộ phận như Liên nhóm Lương Sơn. Trong suốt quá trình hoạt động, liên nhóm luôn cố gắng duy trì mọi công việc theo như yêu cầu của hệ thống đảm bảo chất lượng cùng tham gia. Các cuộc họp giao ban được tổ chức hàng tháng, công tác thanh tra, kiểm tra trong nhóm và kiểm tra chéo đều được lên kế hoạch và triển khai định kỳ, các thành viên trong ban thanh tra thực hiện nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo đầy đủ yếu tố khách quan, đúng quy trình. Năm 2014, liên nhóm Thanh Xuân triển khai 33 cuộc thanh tra bao gồm cả thanh tra định kỳ và thanh tra đột xuất lấy được 83 mẫu kiểm tra và tiến hành xét nghiệm đủ tiêu chuẩn. Tất cả 14/14 nhóm trong liên nhóm đều được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ PGS, tạo điều kiện cho nông dân tham gia các hội chợ để giới thiệu và bán các sản phẩm hữu cơ. Về tổng sản lượng tiêu thụ, cũng trong năm này, Thanh Xuân đã cung cấp cho thị trường được 243 tấn rau hữu cơ, tăng 21,5% so vs 2013 và đạt mức doanh thu cả năm là 306.734.000VNĐ.
Bên cạnh việc tích cực sản xuất gia tăng sản lượng, Thanh Xuân liên tục triển khai tập huấn quy trình sản xuất rau hữu cơ hàng năm cho cả thành viên mới và cũ. Đối với những vấn đề còn nổi cộm, cần xem xét hay chưa phù hợp, liên nhóm cũng tham gia bàn luận, bổ sung và góp ý vào bộ tiêu chuẩn hữu cơ của bộ thực vật sản xuất Hà Nội.
Một điểm khác biệt nữa của Liên nhóm Thanh Xuân trong các sản phẩm rau hữu cơ so với các nhóm khác đó là Thanh Xuân đăng ký nhãn hiệu nhóm riêng để đảm bảo chất lượng tuyệt đối tới người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu rau hữu cơ riêng của nhóm, đòng thời giúp khách hàng có thể dễ dàng phát hiện ra hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Nhãn hiệu của PGS và nhãn hiệu của liên nhóm Thanh Xuân-Sóc Sơn.
Là liên nhóm gần với Hà Nội nhất, liên nhóm Thanh Xuân không chỉ giữ vai trò là nguồn cung cấp rau hữu cơ chủ đạo cho thủ đô, bên cạnh đó, liên nhóm còn cùng phối hợp với các công ty tổ chức tham quan cho các đơn vị muốn tìm hiểu thêm về sản xuất rau hữu cơ. Trong năm 2014, Thanh Xuân đón tiếp 6 nhóm đoàn tỉnh bạn, 5 nhóm khách quốc tế, 5 đoàn học sinh sinh viên, 5 đoàn đài truyền hình Trung ương và địa phương, 3 đoàn khách người tiêu dùng đến thăm thực tế. Việc tổ chức tham quan cho các nhóm, các đoàn thể này không nhằm mục đích kinh tế, mặt khác thông qua đó, liên nhóm muốn giúp mọi người hiểu thực thụ sản xuất hữu cơ là như thế nào, những lợi ích của sản xuất hữu cơ và khẳng định sự tin cậy giữa người sản xuất và người tiêu dùng như đã cam kết trong hệ thống đảm bảo chất lượng cùng tham gia PGS.
Trong Quý II, Liên nhóm đã kết hợp với cửa hàng Nông Sản Ngon kịp thời giải quyết khiếu nại của khách hàng khi có nghi ngờ sản phẩm đậu đũa của Liên nhóm có thuốc trừ sâu. Ngay lập tức, nguồn gốc sản phẩm đã được xác định và mẫu rau đã được gửi đến Trungtâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật phía Bắc phân tích.Kết quả cho thấy mẫu rau không có bất cứ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nào. Đó cũng là minh chứng cho chất lượng rau hữu cơ PGS,cách quản lý và tinh thần dám chịu trách nhiệm của người sản xuất về những sản phẩm hữu cơ PGS mà họ đang sản xuất.
Hàng năm, liên nhóm Thanh Xuân luôn tổ chức ngày hội rau hữu cơ để các nhóm trong liên nhóm tụ họp, báo cáo và chia sẻ những thành tích trong phong trào phát triển sản xuất hữu cơ cũng như định hướng phát triển và những thách thức trong
kế hoạch mở rộng sản xuất hữu cơ tại địa phương. Hội nghị này là nơi đón nhận các ý kiến đóng góp từ các cơ quan chuyên môn, Lãnh đạo Huyện Sóc Sơn, từ Ban Điều phối PGS và Hiệp hội hữu cơ cũng như đại diện cho các công ty thành viên đang tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ tại Hà Nội. Đây cũng là dịp để kết nối người tiêu dùng với người sản xuất thông qua việc tham quan thực tế những công việc hàng ngày của người nông dân sản xuất hữu cơ.Là cơ hội để mọi người cùng đóng góp và đưa ra ý tưởng duy trì và phát triển hơn nữa hệ thống sản xuất hữu cơ PGS.